Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

 

 

 

ĐỰƠC CHỌN GIỮA LOÀI NGƯỜI
VÀ CHO LOÀI NGƯỜI  (x. Dt, 5.1)

 

GIÁO SĨ:

Xuất phát từ giáo dân, hiện diện vì giáo dân và cậy dựa vào giáo dân

 

ĐỂ CÙNG LÀM VINH DANH THIÊN CHÚA

 

www.conggiaovietnam.net                          giaosivietnam@gmail.com

Đặc San Điện Tử    Giáo Sĩ Việt Nam    Số 187, Chúa Nhật 30.12.2012


MỤC LỤC  

Lời giới thiệu HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA       Bản dịch của UB GL&ĐT

SỐNG TRỌN VẸN ƠN GỌI TRONG GIA ĐÌNH                                              Lm. Anmai, C.Ss.R.

LINH HỨNG TRONG TÂN ƯỚC  Chuyển ngữ: Thérèse Trần Thiết & Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

GIÁO DÂN CÓ BỔN PHẬN & TRÁCH NHIỆM GÌ TRONG GIÁO HỘI ?   Lm. PX. Ngô Tôn Huấn

THIÊN CHÚA ĐÃ SINH RA ĐỜI CHO CHÚNG TA                         Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

MỘT VÀI SUY TƯ KHI MỪNG LỄ GIÁNG SINH                                   Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

THAM LAM – QUẢNG ĐẠI (BÀI 1)                                                                    Br. Huynhquảng

HÌNH ẢNH MỘT NGƯỜI ĐI…                                                                  Lm. VĨNH SANG, DCCT

Hoà bình mọc hoang                                                                          Lm. Minh Anh chuyển ngữ

LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ BẰNG VIỆC TÌM CHÚA HƠN LÀ CÔNG VIỆC CỦA CHÚA.                                            Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss.

LỄ GIÁNG SINH                                                                                          Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Bệnh lười biếng tránh né                                                     Đức Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận


Lời giới thiệu HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA (Dei Verbum)

 

(Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, HĐGMVN)

 

LTS. Để góp phần hỗ trợ cho việc "Đọc, Học và Sống tinh thần Vatican II", đặc biệt trong Năm Đức Tin này, Đặc San GSVN tiếp tục cho đăng tải liên tục như trong suốt hơn 8 năm qua, toàn bộ tài liệu của Thánh Công Đồng Chung Vatican II. Hôm nay xin mở đầu bằng bản văn quan trọng nhất và là Bản dịch chính thức của HĐGMVN: HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA (Dei Verbum) .

 

KHOÁ VIII ngày 18 tháng 11 năm 1965

HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẠC KHẢI CỦA THIÊN CHÚA (Dei Verbum)

 

Lời giới thiệu

I. Lịch sử bản văn

Hiến chế này là một trong những văn kiện quan trọng nhất của Công đồng Vatican II về phương diện giáo thuyết cũng như về thái độ khác biệt giữa các Nghị Phụ: thật vậy, chính trong khi bàn cãi về lược đồ này, các Nghị Phụ đã nhận thức về sự phân chia khuynh hướng thần học giữa các ngài. Lược đồ về Mạc khải nằm ở ngoài quyển sách đã được Uỷ ban Trung ương xuất bản năm 1962. Và như vậy người ta tưởng sẽ được bàn cãi trước tiên. Nhưng Đức Gioan XXIII nhận thấy đã có những bất đồng ý kiến trong bản văn “về Mạc khải”, nên ngài không muốn khởi đầu Công đồng với bản văn gai góc này, và đã quyết định bàn cãi về Phụng vụ trước tiên vì các nghị phụ dễ đồng ý về vấn đề này hơn.

Bản văn trình bày trong sách trên thật ra là bản văn thứ năm mà Uỷ ban và các Nghị Phụ đã soạn thảo. Ngày 12-7-1962, Đức Gioan XXIII truyền lệnh gửi cho các Nghị Phụ bàn cãi loạt Lược đồ lần thứ nhất. Trong số đó có Lược đồ Hiến chế Tín lý về các nguồn Mạc khải. Lược đồ này sẽ được bàn cãi từ ngày 14 đến 21 tháng 11 năm 1962. Chính trong các cuộc bàn cãi này mà Công đồng Vatican II đã tự chia ra phe “đa số” và “thiểu số” theo luồng tư tưởng và theo lối diễn tả thần học của các Nghị Phụ. Từ đó các khuynh hướng khác biệt này chi phối tất cả các công việc của Công đồng.

Trong diễn văn khai mạc ngày 11-10, Đức Giáo hoàng đã nói: “Bản chất của giáo thuyết cổ truyền chứa trong kho tàng đức tin là một chuyện, còn việc định thức bản chất lại là chuyện khác, vì việc định thức căn cứ trên những hình thức và sự tương xứng với những nhu cầu giáo huấn, nhất là về mục vụ”. Sự phân biệt giữa “bản chất” và “định thức” sẽ giữ một vai trò quan trọng trong cuộc bàn cãi lược đồ này. Lược đồ đã được các Đức Hồng Y Ottaviani, Ruffini, Siri, v.v... bênh vực và bị các Đức Hồng Y Liénart, Frings... kết án, còn các Đức Hồng Y Bea, Léger, Tisserant... thì chỉ trích. Người ta cho rằng cách nói quá kinh viện, lối hành văn phản mục vụ, phản kinh thánh và phản hiêp nhất. Chủ tịch đoàn Công đồng quyết định bỏ thăm bản văn (20-11-1962) và bản văn bị loại bỏ với 1.368 phiếu chống, 822 phiếu thuận và 18 phiếu bất hợp lệ. Buổi họp trải qua vài giờ lộn xộn vì chưa đủ đa số 2/3 để loại bỏ một lược đồ (cần phải 1.473 phiếu mới đủ 2/3). Nhưng có nên chấp nhận một lược đồ bị một đa số như trên loại bỏ không? Khi ấy Đức Giáo hoàng XXIII đích thân can thiệp: ngài quyết định trao trả lược đồ cho một Uỷ ban hỗn hợp do ngài chỉ định gồm 7 Hồng Y với các thành phẩn của Uỷ ban Thần học và của Văn phòng Hiệp nhất Kitô giáo.

Uỷ ban này khởi công bằng việc đồng ý về nhiểu điểm quan trọng như bỏ tựa đề “về hai nguồn...” (vì nó sẽ gây ra nhiều hiểu lầm), và đặt tựa đề cho chương I: “Về Lời Chúa được mạc khải...” (như thế nó tổng quát và dễ dàng chấp nhận hơn). Tuy nhiên vẫn còn những bất đồng, nhất là về tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Lược đồ được hoàn thành vào tháng 3-1963 và được gửi cho các Nghị Phụ vào tháng 5. Bản văn sẽ không được bàn cãi trong kỳ họp thứ hai, nhưng vẫn không thiếu những phê bình được gửi tới. Thật vậy, các vị soạn thảo muốn “cố ý tránh vấn đề hai nguồn Mạc khải mà không xác nhận hay chối bỏ rằng Thánh Truyền chứa những gì mà Thánh Kinh không có” (Relatio..., tr. 5). Điều đó làm cho bản văn trở nên lạt lẽo, thiếu màu sắc và hàm hồ... Mạc khải được hiểu như là “nội dung” của Mạc khải hơn là hành động Chúa mạc khải. Thánh Truyền duy nhất bị lẫn lộn với các truyền thống, điều này gây nhiều hiểu lầm v.v...

Đến ngày 31-1-1964, các nghị phụ hết hạn gửi các nhận xét. Như thế người ta có thể lợi dụng được các ý kiến trong những cuộc bàn cãi đang diễn ra “về Lược đồ Giáo Hội” vì Mạc khải và Giáo Hội không thể tách rời nhau. Những lời than phiền của các Nghị Phụ hầu như chỉ quy về hai điểm: các bản văn chưa đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của Mạc khải và của Thánh Truyền, cũng như chưa được cân nhắc đầy đủ. Ngày 7 tháng 3, người ta thành lập một tiểu ban phụ trách tu chỉnh bản văn đưới sự chủ toạ của Đức giám mục Charue với sự cộng tác của nhiều chuyên viên. Uỷ ban này chia làm hai nhóm: nhóm thứ nhất phụ trách chương I và II (chủ tịch: Đức giám mục Florit và các chuyên viên Congar, Rahner, Moeller, Ramirez, v.v...) và nhóm thứ hai phụ trách từ chương III đến VI (chủ tịch là Đức giám mục Charue và các chuyên viên: Cerfaux, Grillmeier, Rigaux, Turrado, Semmonelroth, v.v...). Từ 20 đến 24 tháng 4 năm 1964, các ngài bổ túc bản văn mới và đưa ra bản tối hậu. Sau đó bản văn được trình lên Văn phòng Hiệp nhất để xem có phải sửa đổi gì không. Ngày 30-6-1964, Văn phòng trả lời chấp thuận; Đức Hồng Y Bea xét rằng không cần phải hợp hai cơ quan để tu chỉnh. Sau đó, Uỷ ban Giáo thuyết cứu xét bản văn (từ ngày 3 đến 5 tháng 6). Chương II tạm được chấp nhận (17 phiếu thuận và 7 chống) vì 7 nghị phụ đòi phải nói: Thánh Truyền khách quan rộng hơn Thánh Kinh (x. Relatio... tr. 6).

Cuộc bàn cãi bản văn bắt đầu ngày 30-9 tại đền Thánh Phêrô. Có hai bản phúc trình: một của nhóm đa số trong Uỷ ban (Đức giám mục Florit đọc), và một của nhóm thiều số (Đức giám mục Franic trình bày). Vấn nạn quan trọng nhất do nhóm thiểu số đưa ra là ý tưởng về “Thánh Truyền cấu thành” (Traditio constitutiva). Đó là giảng thuyết và đức tin của toàn thể Giáo Hội tông đồ, dưới sự tác động của Thánh Thần mạc khải, chứa đựng những chân lý thật ra không có trong Thánh Kinh. Đó là trường hợp các tín điều về Đức Mẹ (Đức giám mục Beras). Ngoài ra nếu hạ giá Thánh Truyền, như Lược đồ đã làm, người ta sẽ rơi vào một thứ Tân Thời Thuyết. Tuy thế, đa số chấp nhận và khen ngợi ý tưởng của bản văn. Dầu vậy, những phê bình của nhóm thiểu số cũng rất hữu ích vì nó xác định rõ ràng nhiều ý niệm.

Theo Uỷ ban, kết quả cuộc can thiệp của các nghị phụ như sau:
 

1) Điểm tích cực:

a. Ngôn ngữ rõ ràng, cẩn thận và có tính cách trình bày.

b. Cơ cấu bản văn được sắp đặt kỹ lưỡng và cân đối.

c. Giáo thuyết chắc chắn phát xuất từ Cổ Truyền và Thánh Kinh.

d. Quan niệm Mạc khải quy về Chúa Kitô và con người cũng như cách thức trình bày tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền.
 

2) Điểm tiêu cực:

a. Cách hành văn phức tạp và đôi khi tối nghĩa.

b. Im lặng trước những sai lạc và lạm dụng hiện có.

c. Trình bày khiếm khuyết về Cựu Ước.

d. Thiếu chiều hướng Giáo Hội trong Mạc khải.

e. Phải trình bày vai trò của Chúa Thánh Thần trong hoạt động của Huấn quyền Giáo Hội.

Các tiểu ban bắt tay làm việc để tổng hợp đề nghị của các Nghị Phụ. Nhờ đó một bản văn thứ tư được thành hình và đã được gửi tới cho các Nghị Phụ trong phiên họp khoáng đại cuối cùng của kỳ họp thứ ba (20-11-1964). Có thể tóm tắt các thay đổi chính như sau:

a. Nhấn mạnh đến truyền thống “phát nguyên từ các tông đồ” thay vì Thánh Truyền “sống” (có thể chỉ phát xuất từ đời sống Giáo Hội).

b. Vấn đề phát triển tín lý, bản văn trước nói rằng kinh nghiệm của các tín hữu là một yếu tố phát triển, nhưng bản văn mới nhắc thêm đến lý trí (số 8b) để tránh chủ quan thuyết hiện tượng luận.

c. Nhắc đến việc nhờ Thánh Thần mà Giáo Hội biết được bản chính lục Thánh Kinh (số 8c).

d. Phân biệt rõ ràng hơn nội dung của Thánh Truyền thời các tông đồ và thời hậu tông đồ (số 9).

e. Xác định vai trò của Huấn quyền bằng cách bãi bỏ danh từ uy quyền “tối thượng” và không nhắc đến ơn bất khả ngộ, và hơn nữa còn nói rằng quyền giáo huấn phải “thành kính lắng nghe” Lời Chúa (số 10). Trong kỳ họp thứ ba, các Nghị Phụ không bỏ phiếu bản văn này, nên các ngài có thể viết các nhận xét gửi về Uỷ ban.

Sau cùng, ngày 21 và 22 tháng 9 -1965, các Nghị Phụ đã bỏ phiếu Lược đồ này. Các chương đều được chấp thuận với vài sửa đổi. Uỷ ban phụ trách kết nạp các đề nghị tu chỉnh, cố gắng dung hoà ý kiến mọi người bằng cách sửa đổi từng tiểu tiết của bản văn. Chính Đức Giáo hoàng cũng đã đề nghị một vài thay đổi. Sau khi Uỷ ban Giáo thuyết xem xét, bản văn được phát cho các nghị phụ ngày 25-10-1965 và bỏ phiếu ngày 29. Ở vòng bỏ phiếu chót, trong số 2.115 nghị phụ bỏ phiếu, có 2.081 phiếu thuận, 27 phiếu chống và 7 phiếu bất hợp lệ. Ngày 18-11 là ngày công bố với 2.344 phiếu thuận và 6 phiếu chống.
 

II. Cơ cấu hiến chế

Những nét chính của bản sơ thảo đầu tiên được giữ lại đến cùng: một phần nói về Mạc khải tổng quát, một phần dành cho Thánh Kinh. Lược đồ thứ nhất được chia như sau: chương I: Hai nguồn Mạc khải; chương II: Linh hứng; bất ngộ và cấu tạo văn chương của Thánh Kinh; chương III: Cựu Ước; chương IV: Tân Ước; chương V: Thánh Kinh trong Giáo Hội.

Như trong Lược đồ thứ nhất, Lược đồ thứ hai giữ lại chương I như một lời mở đầu giới thiệu Thánh Kinh; các chương khác cũng chứa đựng chất liệu tương tự như Lược đồ thứ nhất. Chính trong lần soạn thảo thứ ba mà giáo thuyết về Mạc khải chiếm vai trò ưu thắng. Như vậy, phần thứ nhất của bản văn trở thành quan trọng nhất, vì chứa đựng giáo thuyết “chi phối” mọi việc khai triển khác. Nội dung của lược đồ thứ ba là: chương I: Về chính Mạc khải; chương II: Sự lưu truyền Mạc khải; chương III: Linh hứng của Thiên Chúa và việc chú giải Thánh Kinh; chương IV: Cựu Ước; chương V: Tân Ước; chương VI: Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội.

Như thế, chúng ta có một bản văn chia làm hai phần lớn, được soạn thảo dưới sự hướng dẫn của hai tiểu ban. Phần nhất bàn về Mạc khải tổng quát, gồm hai chương: chương I bàn về diễn tiến Mạc khải mà Thiên Chúa đã tự biểu lộ cho con người và phó mình cho họ, đến mức độ trọn vẹn trong Chúa Kitô; chương II trình bày tính cách liên tục trong việc Thiên Chúa tự biểu lộ và phó mình cách trọn vẹn trong Giáo Hội bằng tất cả những gì tạo thành đời sống Giáo Hội, qua tiến trình lịch sử.

Phần hai bàn về Thánh Kinh, một hình thức đặc biệt của sự biểu lộ và phó mình của Thiên Chúa: Chương III trình bày những khía cạnh tổng quát của Thánh Kinh: đó là một tác phẩm của Thiên Chúa, Đấng hạ mình đến với chúng ta, nhưng cũng là một tác phẩm của con người; chương IV bàn về giá trị của Cựu Ước; chương V bàn về Tân Ước; sau cùng chương VI trình bày ý nghĩa của Thánh Kinh đối với Giáo Hội mọi thời đại và mọi hoàn cảnh.
 

III. Tầm quan trọng

Hiến chế Mạc khải đã không giải quyết mọi vấn đề, đã không có thái độ rõ ràng về nhiều vấn đề, và không làm thoả mãn mỗi người. Hiến chế không thể làm điều đó. Dầu vậy Hiến chế cũng nói lên một bước tiến rất tích cực trong công cuộc tìm hiểu Mạc khải cũng sẽ có một tầm ảnh hưởng lớn lao trong nền Thần học Công giáo và cuộc đối thoại hiệp nhất.

Công đồng tiến hành công việc trong nỗ lực hoà giải. Hiến chế Mạc khải đã phải tổng hợp nhãn quan của nhiều trường phái không luôn luôn phù hợp nhau, và phải tóm lược các ý tưởng (dù làm như vậy có vẻ đơn giản hóa vấn đề). Bản văn phải được nghiên cứu cẩn thận chứ không chỉ đọc thoáng qua. Tuy nhiên, không được vì thế mà lãng quên tâm điểm của toàn thể giáo thuyết, tâm điểm đó chính là tác động cứu độ của Thiên Chúa đang diễn tiến trên thế gian và trong lịch sử nhờ Lời của Ngài là Chúa Kitô.

Cũng nên chú ý là bản văn sau cùng đã được đại đa số trong Công đồng chấp thuận, như thế bản văn nói lên đức tin của Giáo Hội về vấn đề này. Dầu không đồng tâm về những chi tiết, nhưng phần giáo thuyết căn bản thì không ai có thể bàn cãi được nữa.

Người ta có thể lấy làm tiếc là Thánh Truyền và Huấn quyền lại đứng bên cạnh Thánh Kinh. Nhưng như thế là vì đã có thành kiến luôn đối chiếu ba thực thể trên. Trong khi đó Công đồng đã quan niệm và thành công trong việc dung hoà: cả ba đều mang Lời Chúa, tuy mỗi thực thể theo một cách thức riêng và với một tước vị riêng.

Bản văn này phải thúc đẩy các nhà thông thái nghiên cứu Thánh Kinh và giúp tín hữu say mê Thánh Kinh. Theo đường hướng cởi mở của Thông điệp Divino afflante Spiritu, Hiến chế về Mạc khải mở những chân trời mới cho công việc chú giải. Người ta được tự do nghiên cứu để khai thác các “văn loại” và các khám phá mà lịch sử và khoa học đem lại, mà không sợ những cấm đoán đè nặng từ bên ngoài như trường hợp các đồng nghiệp của họ thời trước. Nhưng cùng một lúc Hiến chế cũng xác định những điều ta không thể chối bỏ mà không triệt tiêu Mạc khải. Do đó, không được nghi ngờ lịch sử tính của các Phúc Âm và nguồn gốc tông đồ của các sách đó. Công đồng đã không kết án phương pháp văn hình sử (Formgeschichte) nhưng đã nêu ra những giới hạn của phương pháp ấy; không phải tất cả những ý tưởng “giải huyền thoại” của R. Bultmann là sai nhưng phải cẩn thận để khỏi rơi vào thuyết duy tín mà phương pháp này đưa đến. Còn về tầm quan trọng thực tế của những lời khuyên mục vụ ở chương VI thì chỉ có tương lai mới có thể trả lời chúng ta.

Việc xác định chân lý Thánh Kinh ở số 11 là một điều rất quan trọng. Người ta không thể tìm thấy trong Thánh Kinh bất cứ loại chân lý nào (khoa học, lịch sử, địa lý, dân chủng học, v.v...) nhưng chỉ có thứ chân lý cứu thoát chúng ta, và ta cũng nên lưu ý Công đồng không nói những chân lý nhưng nói chân lý ở số ít: chân lý ấy đồng thời cũng là sự sống, là đường dẫn đến sự cứu độ. Điều đó muốn nói rằng chân lý của chúng ta không phải chỉ là một điều ta biết suông, nhưng là một bổn phận phải thực hành: “thực hành chân lý” (x. Ep 4,15) và phải tiến tới trong chân lý: “đi trong chân lý”. Công đồng muốn giải phóng thần học khỏi quan niệm Hy-lạp về chân lý quá tĩnh để trở về với ý niệm Do-thái linh động hơn, hiện sinh hơn, cởi mở hơn đối với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Một số người công kích, số khác lại ca tụng về tầm quan trọng hiệp nhất của Hiến chế về Mạc khải. Người ta đã chỉ trích sự hàm hồ về mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền. Nhưng có người lại thấy ở đó một cánh cửa đưa đến đối thoại, nhất là vào thời đại các Giáo Hội phát sinh sau khi Phong trào Cải cách đặt lại vấn đề Thánh Truyền. Việc tự do tìm hiểu đã chiếm được một địa vị, nhờ đó sự cộng tác giữa các nhà chú giải Công giáo và Tin lành càng dễ dàng và đáng khích lệ hơn. Ngoài ra, việc khuyến khích đọc Thánh Kinh đã tạo nên một nền tảng vững chắc đưa các Kitô hữu xích lại gần nhau hơn, vì họ cùng lắng nghe một Lời Chúa. Dù bản chính lục Thánh Kinh vẫn còn đôi chút khác biệt, nhưng sự kiện này không có tầm quan trọng thực tiễn nào.
 

PHAOLÔ GIÁM MỤC

TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA

HỢP NHẤT VỚI CÁC NGHỊ PHỤ CỦA THÁNH CÔNG ĐỒNG ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ

(còn tiếp nhiều kỳ)
 

VỀ MỤC LỤC
SỐNG TRỌN VẸN ƠN GỌI TRONG GIA ĐÌNH
 

Chúa Nhật Thánh Gia thất năm C

1 Sm 1, 20-22.24-28; 1 Ga 3,1-2.21-24; Lc 2, 41-52

Ơn gọi thật huyền nhiệm. Mỗi người mang trong mình một ơn gọi và ơn gọi đó mỗi người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa được chọn và được gọi khác nhau.

Một lúc nào đó, dừng lại để nhìn ơn gọi của mỗi người chúng ta sẽ nghiệm ra thánh ý của Chúa hết sức tuyệt vời trên cuộc đời của chính mình.

Chúng ta vừa nghe lại ơn gọi của một người rất đặc biệt có tên là Samuen. Samuen có được là do ơn Chúa, do lời cầu nguyện của bà mẹ Samuen là Anna. Sau khi có Samuen, như lời hứa tự ban đầu, bà lại dâng Samuen lại cho Đức Chúa. Hình ảnh hết sức tuyệt đẹp của một ơn gọi.

 

Nếu chúng ta đọc tiếp cuộc đời của Samuen, chúng ta vẫn tiếp tục bắt gặp hình ảnh hết sức dễ thương của Samuen là vâng lời Thiên Chúa trong chuỗi dài của đời mình. Samuen đã hoàn thành ơn gọi theo Chúa của một cách hoàn hảo.

 

Theo Chúa không phải là sự chọn lựa cá nhân như người ta chọn nghề nghiệp, mà do Thiên Chúa ra hiệu và lên tiếng mời gọi bước theo Ngài : “Không phải chúng con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn chúng con, để chúng con đi và đem lại hoa trái” (Jn 15, 16). Cậu bé Samuel ngủ trong nhà Thiên Chúa, nghe Chúa gọi, nhưng không nhận ra, chạy đến với thầy cả Hêli vì nghĩ là ông gọi mình. Chúng ta cứ tưởng tượng từ khi Chúa lên tiếng gọi đến khi nhận ra đó là tiếng của Chúa và bước theo Ngài, điều gì xẩy ra trong tâm hồn : Ngạc nhiên, sửng sốt, vui mừng hạnh phúc đáp trả. Samuel cũng trải qua tiến trình này nên cuối cùng cậu nhận ra và đón nhận thánh ý Chúa : “Xin Chúa hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Đức Chúa ở với ông, và ông không để một lời nào của Chúa ra vô hiệu” (ISm 3, 10, 19). Samuel đã biến đổi nhờ Lời Chúa, đã trở thành vị Ngôn sứ vĩ đại trong lịch sử Israel.

Chúa Giêsu là vị ngôn sứ vĩ đại hơn Samuen nữa. Giêsu ra đời theo Thánh ý của Cha và để vâng lời Cha chứ không phải là làm theo ý của mình.

Dừng lại và đọc trang Tin mừng theo Thánh Luca hôm nay chúng ta bắt gặp câu chuyện đời thường của gia đình Giuse. Là những người Do Thái đạo đức, bà Maria và ông Giuse cùng với bà con và người quen thuộc đi hành hương ở Giêrusalem theo thông lệ hàng năm. Dịp hành hương này kéo dài 1 tuần lễ để tưởng nhớ lại kỷ niệm Thiên Chúa đã cứu giúp và giải thoát tổ tiên họ ra khỏi ách nô lệ của Ai cập (Xh 12, 1-27).

Đã nhiều lần lên Giêrusalem rồi nhưng lần này đáng ghi nhớ hơn cả vì lẽ thay vì đi về chung với đoàn hành hương, với cha mẹ thì Giêsu ở lại Đền Thờ. Có lẽ đây là lần đầu tiên đi hành hương vì khi đó Giêsu lên 12 tuổi.

3 ngày qua đi đi tìm mà không thấy con trong đoàn hành hương. Khi trở lại Giêrusalem thì thấy cục cưng của mình đang ngồi nói chuyện trong đền thờ với các bậc thầy về tôn giáo.

3 ngày tìm và khi quay trở lại vẫn thấy con mình mãi mê ngồi trong đền thờ để vừa nghe các bậc thầy nói về tôn giáo cũng như đặt câu hỏi thì cha mẹ cũng như mọi người sửng sốt về sự khôn ngoan và trí thông minh của Giêsu. Với tuổi tác như thế này, phải chăng Giêsu đã vượt xa những đứa trẻ bình thường khi đi lên đền hành hương như thế. Đó là dấu chỉ ngôn sứ, dấu chỉ về ơn gọi, dấu chỉ cuộc đời của Giêsu.

Giuse và Maria thật sự bối rối với kiểu hành xử này của trẻ Giêsu. Ông bà cảm thấy cực lòng vì đã làm cho ông bà phải bối rối hay nói đúng hơn là thất kinh bát đảo khi lạc mất đứa con trai duy nhất và con yêu quý của mình. Câu trả lời của trẻ Giêsu cho ông bà biết rằng ông bà tìm trẻ ở đâu ? "Trong nhà của Cha Con", đó chính là câu trả lời chính xác của Giêsu.

Đúng như vậy, đó là sứ mạng, ơn gọi của Giêsu trong cuộc đời này. Khi Giêsu bước vào trần gian này, không có gì khác là vâng lời Cha, vâng theo Thánh ý Cha.

Thái độ, tâm tình của con vâng lời Cha phải chăng là thái độ tuyệt vời nhất của người con và cũng là ước nguyện của người Cha. Cha thương yêu con và chỉ muốn con vâng nghe lời của mình và người con ngược lại, khi thấy Cha yêu mình thì mình cũng yêu Cha và lời đáp trả đẹp nhất chính là thái độ sống vâng phục.

Trang thư thứ nhất Thánh Gioan cho chúng ta thấy tâm tình của người cha dành cho con như thế nào. Thánh Gioan không nói vu vơ nhưng nói thẳng về tâm tình Thiên Chúa Cha đối với chúng ta : Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và cho chúng ta được cái ơn gọi Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con Thiên Chúa. Và, Thánh Gioan nhắc nhớ chúng ta : Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.

Con thì phải tuân giữ lời của Cha và rồi Cha ở lại trong con. Hình ảnh cha con như thế quá tuyệt vời.

Chính Chúa Giêsu ngày hôm nay trong Đền Thờ đã một lần nữa mời gọi chúng ta sống tâm tình cầu nguyện, gắn bó và vâng phục ý của Chúa Cha.

Tâm tình gắn bó, cầu nguyện đó được gợi lên trong Thánh Vịnh 83, 2-9

Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái.

Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi

mong tới được khuôn viên đền vàng.

Cả tấm thân con cùng là tấc dạ

những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.

Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ,

ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm,

cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con

bên bàn thờ của Chúa!

Phúc thay người ở trong thánh điện

họ luôn luôn được hát mừng Ngài.

Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,

ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.

Lúc trẩy qua thung lũng khô cằn,

họ biến nó thành nguồn suối nước,

mưa đầu mùa đổ phúc lộc chứa chan.

Càng tiến lên, họ càng mạnh bước

đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on.

Lạy Chúa là Chúa Tể càn khôn,

xin đoái nghe lời con cầu nguyện.

Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Gia-cóp.

Chúa Giêsu đã gắn bó đời mình với Chúa Cha và cũng không bỏ lời dạy của cha mẹ nuôi của mình : Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.

Hôm nay, mừng Lễ Gia Thất, chúng ta được mời gọi sống trọn vẹn mối liên hệ của chúng ta với gia đình của chúng ta và Cha chúng ta ở trên Trời.

Hãy lắng đọng, hãy dành thời gian cầu nguyện, lắng nghe lời Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa theo thánh ý của Ngài. Và, gần nhất là vâng lời ông bà cha mẹ và sống trọn tình con thảo với ông bà cha mẹ người đã có công sinh ra và dưỡng dục chúng ta.

Lm. Anmai, C.Ss.R.

VỀ MỤC LỤC
LINH HỨNG TRONG TÂN ƯỚC

Lời Mời gọi của HĐGMVN:

Giáo Hội tại Việt Nam phải “phát động chương trình mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu. Mọi thành phần Dân Chúa, giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và các mục tử, cần tập thói quen đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày, đặc biệt theo phương thức Lectio divina. (Thư Chung của HĐGMVN, ngày 1.5.2011, số 11)

Xin giới thiệu cho nhiều người thân tham gia Gia Đình Lectio Divina Lecdiv@gmail.comđể có thể hiệp thông với nhau trong đời sống cầu nguyện và cùng giúp nhau thực hành "điều cần thiết nhất trong mọi điều cần thiết". Đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca, Nha Trang, sẽ cầu nguyện lâu dài cho tất cả những ai trung thành thực hành và cố võ việc thực hành Lectio divina.

Mọi thắc mắc về Lectio divina, xin gởi email cho cha Bảo Tịnh, O.Cist fr.baotinh@yahoo.fr

*****

Tác Phẩm: MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI!

Thiên Chúa tỏ mình cho con người thế nào?

Chuyển ngữ:

Thérèse Trần Thiết

Fr. Marie Bảo Tịnh O.Cist

Nguyên tác:

Michel HUBAUT

UN DIEU QUI PARLE!

Comment Dieu se révèle-t-il à l’homme?

 

Chương 9 

LINH HỨNG TRONG TÂN ƯỚC

 

Từ Giao Ước Đầu đến Tân Ước:

Cách đọc Kinh Thánh theo ki-tô hữu

Các ki-tô hữu không đọc Cựu Ước như người Do-thái vẫn thường đọc. Đúng là có một cách đọc Kinh Thánh của ki-tô hữu. Lý do vì ki-tô hữu qui chiếu tất cả vào một biến cố nền tảng cuộc sống, cái chết và phục sinh của Thầy Giê-su Ki-tô, Lời duy nhất và cuối cùng của Thiên Chúa Giao Ước mặc xác phàm.

Dưới ánh sáng của biến cố này và được soi sáng bởi Thánh Linh, các ki-tô hữu tiên khởi, theo văn hóa Do-thái, đã khám phá ra rằng trọn bộ Kinh Thánh là để chuẩn bị cho ngày giáng thế của Giê-su. Họ đã đọc lại lịch sử với những tình tiết cấu tạo nên dân tộc mình, và đã hiểu rằng tất cả lịch sử đã “nói” về Giê-su Ki-tô. Cũng vì thế mà Phao-lô, trong một thứ ngôn ngữ tượng trưng, đã không ngần ngại nói rằng: dưới hình thức man-na và nước từ tảng đá chảy ra trong sa mạc, đã là Lời của Đức Ki-tô, của ăn và thức uống tinh thần nuôi dưỡng dân Chúa trên đường xuất hành:

 “Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Ðỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. Tất cả cùng ăn một thức ăn thiêng liêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Ðức Ki-tô” (1Cr 10, 1-6).

Đền thờ cũng là một hình ảnh tiên báo về Thầy Giê-su, là đền thờ đích thực: “Ðức Giê-su đáp: "Các ông cứ phá hủy Ðền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại"... Nhưng Ðền Thờ Ðức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2, 19.21).

Thầy là sự kiện toàn của Lề Luật: “Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Ðức Kitô... Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa. Thật vậy, nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô” (Gl 3, 24-26).

Thầy là Giao Ước Mới: “Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22, 20). Thầy đến thực hiện trước mắt họ những lời hứa của ngôn sứ Giê-rê-mi-a: “Này sẽ đến những ngày - sấm ngôn của Ðức Chúa - Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của Ðức Chúa” (Gr 31, 31-32).

Thầy là Đấng Messia đã hứa ban cho dân, Thầy đích thực là Con Vua Đa-vít: “Ðám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Ðavít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Ðức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời” (Mt 21,9).

Đối với toàn dân, Thầy chính là chìa khoá để giải thích Kinh Thánh. Chúng ta tin rằng qua lịch sử các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chuẩn bị một cách kỳ diệu cho cuộc đi vào lịch sử nhân loại của Giê-su Ki-tô, Con yêu dấu của Người. Đối với một ki-tô hữu, cầm mở Sách Kinh Thánh là đã gặp một Đấng đang đến: Chính Giê-su Ki-tô tự nhận là ánh sáng chiếu soi dĩ vãng và tương lai của dòng chảy lịch sử ơn cứu độ này.

 “ Ðấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi... Tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi.Ông đã thấy và đã mừng rỡ". Người Dothái nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham!" Ðức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8, 54-58)

“Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi” (Ga 5, 45-46).

“Bấy giờ Ðức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27).

Thầy Giê-su thực hiện mọi lời hứa của Giao Ước (2Cr 1, 20). Điều đó cắt nghĩa tên được đặt cho những Sách Thánh ở vào thời kỳ trước Đức Ki-tô: “Giao Ước cũ[1]”. Đối với các ki-tô hữu, giao ước giữa Thiên Chúa và con người, đó là một lịch sử gồm hai thời kỳ: thời kỳ đầu hay Cựu Ước, với dân Ít-ra-en; và “Giao Ước Mới” được ký kết nơi Đức Giê-su Ki-tô.

Kiểu nói “Giao Ước Cũ” không phải do các ki-tô hữu đầu tiên hay người Do-thái đặt ra. Những người này thường gọi đó là Sách Thánh hay Thánh Thư[2]. Mãi sau này các tín hữu mới đặt tên “Cựu Ước” cho các sách đến từ Do-thái giáo. Tên gọi này không đúng lắm, vì Giao Ước Cũ không hề bị thay thế bởi Giao Ước Mới; và giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ít-ra-en cũng chẳng bao giờ bị huỷ bỏ. Đúng hơn ta phải gọi là “Giao Ước Đầu”, hay “Giao Ước Thứ Nhất”, vì không có nó, ta không thể hiểu được Giao Ước Mới. Nói cách khác, Giao Ước Thứ Nhất vừa thuộc về Do-thái giáo, vừa thuộc về Ki-tô giáo.

Và người ta không thể hiểu được Giao Ước Mới nếu không biết đến Giao Ước Thứ Nhất. Chỉ vì những trình thuật về lịch sử Kinh Thánh chính là gốc rễ của chúng ta: nguồn gốc của Đức Ki-tô, của Hội Thánh. Xuyên qua lịch sử này, chúng ta chiêm ngưỡng nguồn gốc Đức Tin của chính mình. Chúng ta tin rằng từ Thiên Chúa của Áp-ra-ham đến Thiên Chúa của Thầy Giê-su Ki-tô, vẫn chỉ là một Thiên Chúa cứu độ, một lịch sử cứu rỗi, một giao ước giữa Thiên Chúa và con người, một Thiên Chúa tạo dựng, yêu thương, mời gọi, mạc khải cho con người dự án tình yêu của Người, hướng dẫn nó bởi một Lời Sự Sống, chỉ có một Thần Khí soi dẫn lịch sử này.

Thầy Giê-su và linh hứng trong Kinh Thánh

Đối với những người Do-thái thời của Đức Giê-su, Lề Luật, các Ngôn Sứ và các văn phẩm khác hợp thành một bộ “Sách Thánh”. Chính Thầy Giê-su cũng thuộc về dân kinh thánh, qui chiếu tất cả về Sách Thánh và không ngần ngại công bố rằng Kinh Thánh được linh hứng và như là Lời Thiên Chúa. Như khi trích dẫn Thánh vịnh 110, Thầy nói: “Chính vua Ða-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Ðức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con” (Mc 12, 36).

Và khi trích một sấm ngôn trong Sách Thánh, Thầy cũng công nhận rằng chính Thiên Chúa nói qua tác giả được linh hứng. “Người lại phán: Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp (x. Xh 3, 6). Như thế Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mt 22, 31-32)

Thầy còn chỉ trích người Biệt Phái đã giữ kỹ truyền thống của con người hơn giới răn của Chúa: “Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!” (Mc 7, 13). Thầy Giê-su cho rằng trọn bộ Kinh Thánh, kể cả Thánh Vịnh, đều được Thiên Chúa linh hứng, nên ta không thể hủy bỏ. Thầy dẫn chứng một câu Thánh Vịnh, xem như thuộc sách Luật, theo nghĩa rộng: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: 'Ta đã phán: các người là những bậc thần thánh?”(Tv 82, 6). "Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị hủy bỏ, thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: 'Ông nói phạm thượng!' vì tôi đã nói: 'Tôi là Con Thiên Chúa" (Ga 10, 34 tt).

Hơn nữa, theo Thầy Giê-su, tất cả những gì đã viết trong Sách Thánh đều liên quan đến Thầy và Lời này của Thiên Chúa phải được kiện toàn. Như lúc bị bắt trong vườn cây dầu, khi Phê-rô rút gươm chém đứt tai người đầy tớ thầy thượng phẩm, Thầy Giê-su đã nghiêm nghị chất vấn Phê-rô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ... Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó, mọi sự phải xảy ra như vậy" (Mt 26, 54).

Thầy Giê-su đã ý thức rằng Thầy chính là sự kiện toàn của Kinh Thánh: “Rồi Người bảo: "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, Các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm” (Lc 24, 44 tt).

Trọn bộ Sách Thánh đều được linh hứng

Các ki-tô hữu đầu tiên là người Do-thái, tất nhiên Giáo Hội sơ khai đã thừa kế các Sách Thánh của truyền thống Do-thái. Nhất là Thầy Giê-su, người đã tự nhận là Đấng kiện toàn Sách Thánh. Các ki-tô hữu luôn thừa nhận đặc tính của Kinh Thánh là “được linh hứng” bởi Chúa Thánh Thần.

Tông Đồ Phê-rô cho rằng Thánh Linh đã nói qua miệng vua Đa-vít: “Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh Thần đã dùng miệng vua Ðavít để nói trước về Giu-đa, kẻ đã trở thành tên dẫn đường cho những người bắt Ðức Giê-su” (Cv 1, 16; x.Cv 4, 25).

 “Ước gì ngày đời nó bị rút ngắn đi, chức vụ nó vào tay kẻ khác” (Tv 109, 8; x. Cv 1, 15-16 và 20)

Còn thánh Phao-lô cũng nói như thế về ngôn sứ I-sai-a: “Khi giải tán, họ vẫn không đồng ý với nhau; ông Phao-lô chỉ nói thêm một lời: "Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ I-sai-a mà phán với cha ông anh em” (Cv 28, 25). Là một nhà “biệt phái”, Phao-lô rất thông thạo Sách Thánh của dân mình, ông thường lập luận và xây nền cho những bài giảng thuyết của ông trên Lời Thầy Giê-su bằng cách dựa vào Sách Thánh, được dịch sang tiếng Hy-lạp, mà ông vẫn đặt vào đó một quyền lực thánh thiêng: “Nhiều lắm chứ! Về mọi mặt! Trước hết, họ đã được Thiên Chúa giao phó lời Người cho họ” (Rm 3, 2).

Tác giả đã nói rõ trong thư gửi các tín hữu Híp-ri: “Vì thế, như lời Thánh Thần phán: Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa” (Hr 3, 7; x. Hr 10, 15).

Còn trong sách Công Vụ Tông Đồ, ngay sau khi chữa lành người khuyết tật ở Cửa Đẹp của Đền Thờ, Phê-rô đã không ngần ngại tuyên bố:

“Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Ðấng Ki-tô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em. Như vậy thời kỳ an lạc mà Ðức Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Người sai Ðấng Ki-tô Người đã dành cho anh em, là Ðức Giê-su. Ðức Giê-su còn phải được giữ lại trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngày xưa. Thật vậy, ông Mô-sê đã nói: Từ giữa đồng bào của anh em, Ðức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho chỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân. Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Sa-mu-en đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống. Phần anh em, anh em là con cháu của các ngôn sứ và của giao ước mà thiên chúa đã lập với cha ông anh em, khi Người phán với ông Áp-ra-ham: Nhờ dòng dõi ngưoi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (Cv 3, 17-25).

Khi Phê-rô và Gio-an vừa được Thượng Hội Đồng thả về, cộng đoàn các tín hữu liền tạ ơn Thiên Chúa rằng: “Chính Chúa là Đấng qua Thánh Thần đã nói qua tổ phụ Đa-vít chúng con lời này: “Sao chư dân lại ồn ào náo động? ”Sao vạn quốc dám bày kế viển vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ chống lại Ðức Chúa, chống lại Ðấng Người đã xức dầu phong vương” (Tv 2). và đúng thế: "Vua chúa trần gian cùng nổi dậy chống lại Ðấng Người đã xức dầu phong vương. Ðúng vậy, Hê-rô-đê, Phong-xi-ô Phi-la-tô, cùng với chư dân và dân Ít-ra-en đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Người là Ðức Giê-su, Ðấng Người đã xức dầu. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Người đã định trước" (Cv 4, 24-28).

Và sau hết, ta cũng phải trích dẫn hai đoạn trong Tân Ước nói về bản chất của sự linh hứng trong Kinh Thánh. Trước tiên là đoạn trích trong Thư thứ hai gửi Ti-mô-thê. Đây là đoạn văn rất quan trọng, vì là lần đầu tiên trong trọn bộ Sách Thánh đã ghi rõ về sự “linh hứng trong các Sách Thánh”: “Và từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Ðức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2 Tm 3, 15-17).

Bản văn thứ hai nằm trong Thư thứ hai của Phê-rô, nhằm nhấn mạnh rằng các tác giả Kinh Thánh, nhất là các ngôn sứ, đều được thúc đẩy bởi Thần Khí để nói và viết về Thiên Chúa: “Người là Ðấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Ðấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (2 Pr 1, 20-21).

Ngay trong thư thứ nhất, thánh Phê-rô đã viết rõ rằng Thần Khí sinh động trong các tác giả ngôn sứ đã là “Thần Khí của Đức Giê-su Ki-tô”: “Các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em. Thần Khí Ðức Ki-tô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Ðức Ki-tô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó xảy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào. Thiên Chúa đã mặc khải cho các ngài biết là các ngài có phận sự truyền đạt thông điệp ấy, không phải cho chính mình, mà là cho anh em. Ðó là thông điệp mà nay các người giảng Tin Mừng đã loan báo cho anh em, nhờ tác động của Thánh Thần là Ðấng đã được cử đến từ trời. Chính các thiên thần cũng ước mong được tìm hiểu kỹ lưỡng thông điệp ấy” (1 Pr 1, 10-12).

Đối với các ki-tô hữu, rõ ràng là có sự liên tục trong mạc khải. Và những gì được viết trong Tân Ước không xoá bỏ những chứng từ trong Cựu Ước, mà là sự kiện toàn của Giao Ước thứ Nhất. Những Sách Thánh, trong toàn bộ của nó, làm nên một tổng thể không thể tách rời được, và sự hoà hợp này là một bằng chứng cho sự chân chính của nó.

Cũng vì thế mà Phao-lô đã không do dự trích dẫn, bên cạnh nhau, một câu trong sách Đệ Nhị Luật và một câu của chính Thầy Giê-su: “Đừng bịt mõm bò khi nó đang đạp lúa (Đnl 25, 4);trong Lc 10, 7): làm thợ thì đáng được trả công (1 Tm 5, 18). Cả Phê-rô cũng đặt ngang hàng những lá thư của Phao-lô với các Sách Thánh khác, vì cùng được xem là do Thánh Thần linh hứng: “Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phao-lô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông cũng nói như vậy trong tất cả các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề này. Trong các thư ấy, có những chỗ khó hiểu; những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong” (2 Pr 3, 15-16).

 

[1]           1. “Giao Ước Cũ” hay “Cựu Ước”: Testament (tiếng Pháp) có gốc tiếng la tinh là “Testamentum" có nghĩa là giao ước (hoặc "chúc thư").

[2]           2. xem 2 Tm 3, 15; 2 P 1, 20; Lc 24, 27

VỀ MỤC LỤC
NĂM ĐỨC TIN : HỌC HỎI TÀI LIỆU CỦA CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II : GIÁO DÂN CÓ BỔN PHẬN & TRÁCH NHIỆM GÌ TRONG GIÁO HỘI ? (BÀI TIẾP PHẦN II)
  

Giáo Hội của Chúa Kitô, xây trên nền tảng các Tông Đồ, bao gồm những thành phần sau đây :

1- Hàng Giáo Phẩm ( Hỉerachy) đứng đầu là Đức Thánh Cha, cũng là Giám Mục Rôma với trách nhiệm lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ với sự hiệp thông, vâng phục của hàng Giám Mục ( College of Bishops) là những vị kế nghiệp các Tông Đồ trong sứ mang rao giảng, dạy dỗ và cai quản.

2- Hàng Giáo sĩ ( Clergy) tức những người được tuyển chọn để lãnh các chức thánh như Phó tế Linh mục và Giám mục để phục vụ cho Dân Chúa được trao phó cho các ngài coi sóc về mặt thiêng liêng.

3 -Tu Sĩ ( Religious, men and women consecrated ) là những người được chọn để sống ba lời khuyên của Phúc Âm là khó nghèo, vâng phục và khiết tịnh ( chastity).Nam tu sĩ có thể học và lãnh nhận các chức thánh như hàng giáo sĩ.

4- Giáo dân (laity) là thành phẩn Dân Chúa được hiểu là " tất cả những Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì được Giáo Hội công nhận. " ( LG. số 31). Đây là thành phần Dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo Hội. Do đó, giáo dân có vai trò rất quan trọng trong Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập để tiếp tục Sứ Vụ của Người trên trần thế cho đến thời sau hết.

Công Đồng đã dành trọn Chương IV của Hiến Chế tín lý Lumen Gentium để nhấn mạnh về vai trò và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội ngày nay. Theo đó, giáo dân, nhờ Bí Tích Rửa Tội, đuợc tham dự vào các sứ vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, nhưng với “cách thức riêng của họ”. Nghĩa là, họ được tham dự và thi hành theo cách thức sau đây:

 

1- Sứ vụ tư tế (priestly ministry) :

Công Đồng nói rõ: Chức tư tế chung của giáo dân (Common priesthood of the Faithful) và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật (ministerial or hierachical priesthood) của hàng giaó sĩ “khác nhau không chỉ về cấp bậc và còn về yếu tính” nữa, mặc dù cùng tham dự vào Chức Tư Tế duy nhất của Chúa Kitô. ( x LG số 10)

Linh mục, Giám mục là những người lãnh Chức Thánh (Holy Orders) để thay mặt Chúa Kitô cử hành các bí tích, đặc biệt là dâng Thánh lễ Tạ ơn (Eucharist) hàng ngày dâng lên Chúa Cha để cảm tạ và xin ơn tha thứ cho kẻ có tội , xin ơn lành cho người còn sống và giải thoát cho các linh hồn còn đang ở nơi Luyện tội. Giáo dân, ngược lại, được mời gọi dâng chính đời sống chứng tá của mình trong các môi trường sống và làm việc cùng mọi niềm vui, nỗi buồn, việc bác ái, hy sinh, cầu nguyện lên Thiên Chúa trong tinh thần hiệp thông với khổ nạn của Chúa Kitô một lần dâng hy tế lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa và còn đang tiếp tục dâng hy tế này cách bí nhiệm qua thừa tác vụ của Giáo Hội, cụ thể là qua thừa tác vụ của những vị được tấn phong làm tư tế thừa tác như linh mục và Giám mục. Như vậy, tuy cùng tham dự vào Chức Tư Tế của Chúa Kitô, nhưng cách thức và bản chất hoàn toàn khác với vai trò tư tế của Linh Mục và Giám Mục.

Cụ thể, khi tham dự Thánh Lễ tạ ơn ( Eucharist), giáo dân không được phép đọc chung kinh nguyện nào, đặc biệt là Kinh Nguyện Thánh Thể (Eucharistic prayers) cùng với chủ tế, (celebrant) hoặc giơ tay trên lễ vật cùng với Chủ tế và các vị đồng tế (concelebrant), dù được mời đứng vây quanh Bàn thánh. Ngay cả Phó tế cũng không được phép làm việc này hoặc đọc chung các kinh Tiền tụng và Kinh nguyện Thánh Thể cùng với Chủ tế, và phải quì gối khi Chủ tế bắt đầu đọc Kinh nguyện Thánh thể( Tạ Ơn) để phân biệt rõ vai trò tư tế của chủ tế (và đồng tế nếu có) với nhiệm vụ phụ giúp Bàn Thánh của Phó tế.

Về việc tôn kính Phép Thánh thể, giáo dân không được phép tự ý lấy Mình Thánh Chúa trong Nhà tạm (Tabernacle), hoặc trên Bàn Thờ để rước lấy, hay mang cho người khác, trừ trường hợp được Giám Mục trao cho nhiệm vụ làm thừa tác viên thánh thể (Extraordinary minister of Holy communion) để phụ giúp trao Mình Thánh trong Thánh Lễ hay mang cho người đau ốm ở tư gia hoặc bệnh viện.Trong nhiệm vụ đặc biệt này, giáo dân phải hết sức tỏ lòng tôn kính đối với Chúa Giêsu hiện diện thật sự trong Phép Thánh Thể. Cụ thể, phải mặc y phục xứng đáng và mang Mình Thánh trong hộp đứng riêng (Pix) và đeo quanh cổ khi đi ra ngoài. Không được bỏ hộp đựng Mình Thánh này chung với các vật dụng khác trong ví sách tay, giỏ đi chợ hoặc hộp để đồ trong xe. Cũng phải mang Mình Thánh đến ngay cho người muốn lãnh nhận, không thể mang về nhà hoặc đi đây đó làm việc riêng trước khi trao cho bệnh nhân.Mình Thánh còn dư, phải đem về đặt lại trong Nhà Tạm, không được phép cất giữ ở nhà hay trong xe qua đêm, trừ trường hợp bất khả kháng không thể đến nhà thờ để trả lại trong ngày.

 

2- Sứ vụ ngôn sứ và chứng nhân(prophetic ministry)

Nhờ Bí Tích Rửa Tội, người giáo dân tham dự cùng với hàng tư tế phẩm trật vào Sứ Vụ ngôn sứ của Chúa Kitô, nhưng với cách thế khác nhau vì địa vị của họ trong Giáo Hội. Thật vậy, Hàng giáo sĩ phẩm trật (Giáo Hoàng, Giám mục, Linh muc) rao giảng lời Chúa, dạy dỗ và cử hành các Bí tích trong phạm vi thánh đường (Phó tế được công bố và giảng Phúc âm, được chứng hôn, rửa tội cho trẻ em, chủ sự nghi thức an táng nhưng không được cử hành các bí tích khác). Giáo dân, ngược lại, được mời gọi rao giảng lời Chúa và giáo lý của Chúa bằng chính đời sống chứng nhân của mình ở giữa những người khác trong các môi trường sống. Nghĩa là được mời gọi và có bổn phận làm tông đồ cho Chúa bằng cách chu toàn các bổn phận ở gia đình trong vai trò làm cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị, em. Bên ngoài xã hội, người giáo dân làm tông đồ cho Chúa qua đời sống chứng tá, bằng cách nêu cao những giá trị của Phúc âm trong khi sống và làm việc chung với những người không cùng tín ngưỡng với mình để giúp họ nhận ra Chúa và tin yêu Người như Chúa Giêsu đã dạy:

Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ,để họ nhìn thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5:16).

Đây là sứ vụ ngôn sứ của người tín hữu Chúa Kitô, tức sứ mạng góp phần phúc âm hóa thế giới cùng với hàng giáo sĩ. Vì sống giữa đời nên người giáo dân có nhiều cơ hội thuận tiện để rao giảng lời Chúa bằng chính đời sống của mình. Nếu họ can đảm sống trung thực với những giáo huấn của Chúa về công bằng, bác ái, yêu thương, tha thứ, tôn trọng danh dự, tính mạng và quyền lợi của người khác cách phải lẽ thì chắc chắn họ sẽ phúc âm hóa hữu hiệu trong những môi trường có mặt họ sống chung với người khác tín ngưởng với mình. Trong viễn ảnh này, đời sống chứng tá của họ có giá trị thuyết phục người khác mạnh hơn cả những lời giảng thuyết hùng hồn trong nhà thờ của hàng giáo sĩ. Vì thế, Thánh Công Đồng Vaticanô II đã nói Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian..” (cf. LG, IV,33).

Ngược lại, nếu người tín hữu Chúa Kitô “thỏa hiệp”với thế gian, chấp nhận những lối sống đi ngược với mọi giá trị của Phúc Âm, thì họ đã chối Chúa Kitô cách hữu hiệu trước mặt người đời. Nói khác đi, nếu người công giáo cũng ăn gian, nói dối, cờ bạc, ly dị, dâm đãng, phá thai, nói hành, lăng mạ người khác, hay mê tín dị đoan tôn thờ của cải vật chất hơn những giá trị tinh thần và chấp nhận những lối sống vô luân, phi nhân bản thì chắc chắn không thể rao giảng hữu hiệu Phúc Âm công bình, bác ái, thánh thiện, yêu thương và tha thứ của Chúa Giêsu-Kitô cho ai được vì không ai có thể cho người khác cái chính mình không có.Cũng vậy, không ai có thể thuyết phục người khác tin và làm những điều chính mình không tin và không thực hành trong đời sống. Nhiệm vụ ngôn sứ của người giáo dân đuợc mong đợi cụ thể trong hai lãnh vực chính sau đây:

 

a- Trong lãnh vực xã hội trần thế:

Những môi trường hoạt động chính của người giáo dân là các môi truờng xã hội, chính trị, kinh tế, thương mại, công nghiệp, văn học, nghệ thuật, giáo dục, truyền thông. v.v Như mọi công dân sống trong cộng đồng xã hội, người giáo dân tham gia các môi trường trên vì nhu cầu sinh sống, vì nghề nghiệp chọn lựa hay chuyên môn đòi hỏi sự dấn thân hoạt động cuả họ. Chính ở những môi trường này, họ có cơ hội tốt để thi hành sứ vụ ngôn sứ và chứng nhân của mình truớc tha nhân. Trong mục đích này, người giáo dân đặc biệt được mời gọi và mong đơị dùng hiểu biết và khả năng chuyên môn của mình để cải tạo thế giới, lành mạnh hoá xã hội, chống lại mọi khuynh hướng tha hoá, lối sống phi luân, suy tôn vật chất làm băng hoaị tinh thần con người trong mọi môi trường xã hội ngày nay. Cụ thể, họ có bổn phận phải tận dụng những phương tiện truyền thông hữu hiệu như sách báo, truyền thanh truyền hình để chống lại những ảnh hưởng khốc haị của “văn hóa sự chết” (culture of death) đang xâm nhập mọi lãnh vực sống hiện nay ở khắp mọi nơi. Họ phải có can đảm lên tiếng chống laị nhửng tệ trạng xã hội, chủ nghiã hưởng thụ và tôn thờ vật chất (consumerism &materialism) vô luân như phim ảnh, sách báo khiêu dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em cho những kẻ luân,vô đạo hành nghề mãi dâm. Phải chống laị mọi hình thức khuyến khích bạo động, ly dị và hôn nhân đồng tính (gay or lesbian marriage), một suy thoái nghiêm trọng về giá trị và mục đích của hôn nhân đang đuợc cổ võ và hợp thức hoá ở nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt ở Mỹ này.

Mặt khác, để góp phần tích cực cải taọ xã hội, với tư cách công dân, người giáo dân có quyền và có bổn phận phải tham gia các sinh hoạt chính trị để ủng hộ các chính trị gia hay chánh đảng có lập trường công chính , bênh vực cho chân lý ,cho những giá trị tinh thần phù hợp với Phúc Âm và quyền căn bẳn cuả con người . Nhưng giáo dân không được phép thành lập bất cứ tổ chức chính trị nào với danh xưng Công giáo, nghiã là không được nhân danh Giáo Hôị Công giáo để làm chính trị. Ngay cả các đoàn thể Hiệp hội và Phong trào, “ không một sáng kiến nào đuợc lấy danh nghĩa công giáo nếu không có sự ưng thuận của giáo quyền hợp pháp” ( x.Sắc Lệnh Tông Đồ Giaó dân Apostolicam actuositatem V, 24).

 

b- Trong phạm vi Giáo Hội,

Giáo dân được mời gọi và có bổn phận xây dựng Giáo Hội bằng những đóng góp tích cực và thích đáng để làm cho Giáo Hội ngày thêm vững mạnh về lượng nhất là về phẩm chất thánh thiện theo gương Chúa Kitô.

Cụ thể, giáo dân hãy can đảm sống đức tin Công Giáo không những trong lãnh vực tinh thần bằng việc chu toàn mọi bổn phận thiêng liêng như cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ (Eucharist) là đỉnh cao (climax) của phụng vụ thánh (sacred liturgy) và đời sống của Giáo Hội. Việc siêng năng tham dự Thánh lễ và rước Mình, Máu Chúa Kitô là phương thế hửu hiệu nhất để được trở nên giống Chúa Kitô là khuôn mẫu tuyệt vời của mọi sự thánh thiện, hoàn hảo.

Nhưng bổn phận và trách nhiệm của ngươì giáo dân không chỉ giới hạn vào việc chu toàn những bổn phận thiêng liêng này mà còn đòi hỏi tích cực tham gia vào việc xây dựng và phục vụ tích cực cho Giáo Hội hoàn vũ cũng như Giáo Hội địa phương trong những công việc thích hợp với vai trò và khả năng chuyên môn của mình.

Cụ thể , giáo dân phải cộng tác chặt chẽ với hàng giáo phẩm trong moị công việc cần sự tiếp tay góp sức của họ như giúp việc quản trị và điều hành giáo xứ trong vai trò và trách nhiệm của các Hội Đồng Mục Vụ (Pastoral Councils) Hội đồng tài chánh (Finance Councils). Nhưng cần nói rõ là theo Giáo luật ( số 511-14 & 37) giáo dân phục vụ trong những Hội Đồng này chỉ đảm trách vai trò tư vấn (consultation) mà thôi. Nghiã là, họ chỉ dùng hiểu biết và khả năng chuyên môn của mình để đưa ra những khuyến cáo, đề nghị cho Linh mục Chánh Xứ (pastor) hay Quản nhiệm (Administrator) những phương thức tốt đẹp nhằm xây dựng, quản lý và phát triển giáo xứ, mưu ích lơị chung cho cộng đồng dân Chúa ở địa phương, nhưng họ không có quyền quyết định hay ra lệnh cho ai thi hành.

Hiện nay, giáo dân đang có mặt trong nhiều lãnh vực hoạt động của Giaó Hội .Thí dụ trong lãnh vực giáo dục, có nhiều giáo dân đang đảm trách giảng dạy ở các Đại Học, Chủng viện Công giáo từ Roma cho đến địa phương như Đại Học Công giaó ở thủ đô Washington , Đại Học St. Thomas ở Houston .v.v.Nhiều giáo dân cũng đang làm việc trong các Cơ quan trung ương của Tòa thánh và các Giáo phận trên toàn thế giới, góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, giáo dục, hành chánh, quản trị, và truyền thông của Giáo Hội.

Trong lãnh vực phụng vụ, giáo dân được phép đọc sách thánh và làm thừa tác viên Thánh thể, tức những thừa tác vụ (ministries) mà họ không được giao phó trước Công Đồng Vaticanô II. Đây là vinh dự đặc biệt của giáo dân tham gia vào đời sống của Giáo Hội ngày nay.

 

c -Địa vị vương giả hay sứ vụ vương đế của giáo dân [FFHTN1]

Bí Tích Rửa Tội không những cho người tín hữu được tham dự vào sứ vụ ngôn sứ, tư tế và còn cả địa vị vương đế của Chúa Kitô nữa.

Thật vậy, Chúa Giêsu đến để cứu chuộc và dẫn đưa nhân loại vào Nước Thiên Chúa là Vương Quốc của bình an, thánh thiên, công bình, yêu thương và tha thứ.Nghĩa là phải tích cực hoạt động để đẩy lui bóng tối của sự dữ, sự tội bằng ánh sáng Chúa Kitô.Với tinh thần làm men, làm muối và ánh sáng, người giáo dân, khi tham gia sinh hoạt và làm việc với người khác, phải cố gắng nêu cao những giá trị và đặc tính của Nước Thiên Chúa trước những thách đố của thời đại, của xã hội hưởng thụ vật chất,của chủ nghã vô thần và tục hóa ( Atheism & secularism) của “văn hoá sự chết” nhằm chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ tiền bạc và vui thú bất chính, dửng dưng trứớc sự đau khổ, nghèo đói của đồng loại, đánh mất mọi ý thức đúng đắn về tội lỗi và tội ác (sins & crimes) khiến coi nhẹ việc giết người, dâm ô, trộm cướp và bóc lột người dân cách vô nhân vô đạo...

Trước thực trạng đó, người giáo dân phải có can đảm chống lại những nếp sống vô luân, những bất công xã hội, những vi phạm quyền sống của con người, những guơng xấu xô đẩy ngườì lớn và thanh thiếu niên vào con đường trụy lac, làm băng hoại gia đình và xã hội từ gốc dễ.

Tóm lại, trong một thế giới gian tà và tội ác, sống xứng đáng với danh hiệu Kitô hữu là sống xứng đáng với địa vị vương giả của mình, tức là góp sức đem Nước Thiên Chúa đến những nơi có bất công, tranh chấp, hận thù, gian ác, và nhơ uế.

Với địa vị vương giả này, người tín hữu được mời gọi và có bổn phận mở mang Vương Quốc của Chúa Kitô Vua trên trần thế này trong mọi môi trường sống và hoạt động, vì “Chúa cũng muốn nhờ cả giáo dân để mở mang nước Người, nước của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hoà bình.” (LG. n. 36)

 

d- Tương quan vói hàng Giáo Phẩm

Trong tương quan với Hàng Giaó Phẩm và để thi hành bổn phận góp sức xây dựng, bảo vệ và phát triển Giáo Hội từ trung ương đến điạ phương, người giáo dân cần lưu ý lời dạy sau đây cuả Giaó Hội : “…như con cái Thiên Chúa và như anh em trong Chúa Kitô, họ (giáo dân) cũng sẽ trình bày với các vị ấy (hàng giáo phẩm) những nhu cầu và khát vọng của mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ sự hiểu biết, khả năng chuyên môn và uy tín của họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ cuả mình về những việc liên quan đến lợi ích cuả Giáo Hội.Họ nên thực hiện điều đó, nếu cần, nhờ các cơ quan đã được Giaó Hội thiết lập nhằm mục đích ấy, nhưng luôn luôn với lòng chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những ngươì thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài” (cf.LG.IV, n.37).

Nhưng mọi người trong Giáo Hội phải hiểu rõ là Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ không phải là một cơ chế chính trị, xã hội hay văn hoá mà là một Bí Tích Cứú Độ, có mặt và hoạt động trong trần gian với sứ mạng hoàn toàn siêu nhiên, dù có phương tiện nhân sự là Hàng Giáo Phẩm, giáo sĩ, phương tiên vật chất là các cơ sở thờ phượng, giáo dục, nhà thương , trường học và có sở từ thiện ( Caritas, St Vincent de Paul Societies) ở khắp nơi trên thế giới cũng như cần đến nhiều khoản tài chánh để chi phí cho những nhu cầu chính đáng và cần thiết nói trên..

Vì không phải là một cơ chế chính trị hay xã hội nên không thể áp dụng bất cứ đường lối, phương thức nào của các đoàn thể chính trị, xã hội vào các sinh hoạt của Giáo Hội. Mọi sinh hoạt trong Giáo Hội được chỉ đạo bằng tinh thần vâng phục các Đấng Bề Trên thay mặt và nhân danh Chúa Kitô (in persona christi), dưới sự hướng dẫn, soi sáng, nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Cụ thể, các giám mục hiệp thông và vâng phục Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Phêrô trong sứ mạng “chăn dắt chiên con, chiên mẹ của Thầy”. Các linh mục hiệp thông, vâng phục và cộng tác với các giám mục trực thuộc để thi hành thừa tác vụ (ministry) đuợc trao phó. Phó tế phụ giúp cho linh mục và giám mục. Tu sĩ nam nữ vâng phục các Bề trên liên hệ của mình.

Giáo dân vâng phục hàng giáo phẩm theo lời dạy sau đây của Thánh Công Đồng Vaticnô II : “ Như mọi tín hữu khác,với tinh thần vâng lời của ngươì Kitô hữu , giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều các chủ chăn có nhiệm vụ thánh đại diện Chúa Kitô đã quyết định với tư cách những thầy dạy và những nhà lãnh đaọ trong Giáo Hội. Làm thế, họ đã theo gương Chuá Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người.Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng các vị lảnh đạo của mình cho Thiên Chúa, để các ngài hoan hỉ mà không than phiền thi hành nhiệm vụ chăm sóc chúng ta như những người sẽ phải trả lẽ." (x.Dth 13,17) ( LG.IV.n.37) .

Vâng phục theo tinh thần trên không có nghiã giáo dân không được quyền phát biểu đóng góp điều gì cho Giáo Hội, và chỉ biết cúi đầu vâng nghe. Nhưng truớc khi nói đến phạm vi và giới hạn của quyền phát biêủ đó, thì cần nhấn mạnh điều quan trọng này: Trong Giáo Hội Công Giáo, mọi tín hữu phải vâng nghe Quyền Giáo Huấn (Magisterium) của Giáo Hội. Không có vấn đề dân chủ để cho phép một thành phần nào trong Giáo Hội được quyền thách đố (challenge), đặt vấn đề hay bác bỏ điều gì được dạy dỗ bởi quyền này, đặc biệt trong hai lãnh vực tín lý (dogma) và luân lý (morals) vì Đức Giaó Hoàng và các giám mục hiệp thông với ngài được ơn bất khả ngộ (không thể sai lầm= infallibility) của Chúa Thánh Thần khi dạy dỗ tín hữu đặc biệt trong hai lãnh vực này. Vậy khi các linh mục và giám mục hiệp thông với Đức Thánh Cha để giảng dạy những gì về đức tin, về giáo lý, luân lý, Kinh Thánh, phụng vụ thì các tín hưũ phải vâng phục thi hành. Không có vấn đề không đồng ý kiến (disagreement) ở đây. Cũng không ai đuợc phép từ chối tuân theo hay phê bình những gì liên quan đến kỷ Luật bí tích, Thư qui (canon) Kinh Thánh, Giáo luật (canon law), phụng vụ thánh(sacred liturgy). Không thể đòi chia sẻ quyền giảng dạy chân lý của Giáo Hôi để đưa ra những lý thuyết, những tư tưởng canh tân không phù hợp với Giáo lý của Giáo Hội. Cụ thể không thể lâý cớ góp ý xây dựng Giaó Hội bằng những lý thuyết về tâm sinh lý và y học để đòi cho phép phá thai (abortion) ly dị (divorce) và hôn nhân đồng tính (same sex marriage).Không thể bất đồng với Giaó Hội về luật độc thân (celibacy) của hàng giaó sĩ, tu sĩ hay đòi cho nữ giơí được làm Linh

 

Vậy giáo dân có thể đóng góp gì để xây dựng Giáo Hội ngoài những điều nên tránh trên đây ?

Ta hãy đọc lại lời dạy của Thánh Công Đông Vaticanô II trong Hiến Chế Tín lý Lumen Gentium về việc này: “Họ (giáo dân) cũng sẽ trình bày với các vị ấy (Hàng Giaó phẩm) những nhu cầu và khát vọng cuả mình một cách tự do và tín cẩn. Nhờ khả năng chuyên môn và uy tín cuả họ, họ có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ cảm nghĩ cuả mình về những việc liên quan đến lơị ích của Giaó Hội… nhưng luôn vơí lòng chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa Kitô vì nhiệm vụ thánh cuả các ngài” (LG. n.37).

Như vậy, khi phải bày tỏ điều gì với hàng Giáo phẩm, giáo dân nên làm với lòng yêu mến Giáo Hội và chỉ vì thiện chí muốn xây dựng cho Giáo Hội ngày một thêm trở nên giống Chuá Kitô là Đầu của Thân thể Nhiệm mầu là chính Giáo Hội mà mọi tín hữu là những chi thể lớn nhỏ.Cụ thể, giáo dân có thể và còn có bổn phận trình bày cho các vị lảnh đạo Giáo hội địa phương những thao thức về mục vụ, những khao khát được học hỏi về Kinh Thánh, tín lý, giáo lý, luân lý và phụng vụ để biết sống và hành Đạo cách tốt đẹp và hữu hiệu hơn trong hoàn cảnh thế giới ngày nay. Cũng trong mục đích ấy , giáo dân có quyền nêu ra những thắc mắc của mình trong các lãnh vực này hầu mong được hiểu rõ và hiểu đúng để thực hành trong đời sống đức tin.Ngoài ra, giáo dân cũng có thể góp ý hoặc đề nghị những phương pháp sư phạm giúp giảng daỵ giáo lý cách hiệu quả và cập nhật hơn cũng như góp ý về việc kiến thiết, xây dựng Giáo Xứ kể cả phương thức gây qũy (fundraising) để giúp tài trợ cho những nhu cầu cần thiết.Nhưng cần phân biệt rõ là góp ý xây dựng (suggest constructively) thì khác với chỉ trích (criticize), bôi nhọ (smear) và tạo gương xâú (scandalize) có hại cho uy tín của Giáo hội. Khi muốn sửa sai điều gì liên quan đến cá nhân, tập thể thì chúng ta cần nhớ laị lời Chúa sau đây về cách sửa lỗi anh em (fraternal correction): “Nếu người anh em của anh trót phạm tội ,thì anh hãy đi sửa lỗi nó ,một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình.Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai ngươì nữa để mọi công việc được giải quyết căn cứ vào lời hai hay ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một kẻ thu thuế (Mt 18:15-18)

Như vậy, khi thâý có sự sai trái nào trong Giáo Hội, trong cách hành xử của một hay nhiều giáo sĩ, hoặc tai tiếng về đời tư của ai, mà đã vội rỉ tai loan truyền cho người khác biết rồi viết thư nặc danh, viết báo , lên internet công khai đả kích hay nói xiên xéo, bóng gió về sự sai trái đó cho công chúng biết thì có phù hợp với lời dạy của Chúa trên đây không?

Chúng ta nên hiểu rằng Giáo Hội của Chúa trên trần gian này không phải là nơi qui tụ toàn các Thánh nam, nữ, tức những người không còn tì vết nào đáng chê trách nữa. Trái lại, phải thành thật nhìn nhận rằng Giáo Hội chỉ là công đoàn những người muốn được nên thánh và được cứu rỗi và còn đang trên tiến trình hoàn thiện để đạt mục đích ấy. Do đó, chúng ta không nên hoảng hốt hay bất mãn khi thấy một số hay nhiều phần tử trong Giáo Hội chưa tốt lành như ta mong muốn. Vậy ta hãy nên khoan dung nhìn nhận sự kiện này như Chúa đã và đang khoan dung, nhân từ , nhẫn naị với những khiếm khuyết, lầm lỗi và cả tội lỗi của mỗi người trong chúng ta. Chắc chắn Chúa không muốn chúng ta ném đá bất cứ ai còn khuyết điểm và tội lỗi. Chúa mong muốn chúng ta luôn cố gắng thăng tiến và giúp người khác nhận ra lầm lôĩ và sửa đổi để được tha thứ và nên thánh.

Vả lại, trong chúng ta có ai dám tự nhận mình là người hoàn hảo chưa ? Nêú chưa, thì chúng ta nên khoan dung, nhẫn nại với những ai đang còn khuyết điểm và bị tai tiếng, thay vì vô tình “ném đá” họ bằng những phản ứng nông nổi, thiếu suy nghĩ núp dưới danh nghĩa muốn “lành mạnh hoá Giáo Hội”

Nhưng nếu thấy có gương xấu (scandals) công khai trong đời sống của một hay nhiều người trong Giáo hội địa phương, nếu có sự “lạm dụng Toà giảng” (pulpit) để công kích cá nhân hay phổ biến những điêù ngoài phạm vi chia sẻ lời Chúa, hoặc thâý những sai lệch “fantaisie” (phóng túng) trong phụng vụ (thí dụ cho giaó dân đứng quanh bàn thờ để cùng giơ tay trên lễ vật với chủ tế và cùng đọc chung Lời truyền phép!, mời đôi tân hôn lên đồng tế quanh bàn thờ sau khi chứng hôn, rửa tội hay chứng hôn tại tư gia, làm Lễ ngoài bãi biển hay nơi giải trí công cộng v,v) hoặc trong cung cách hành xử cuả linh mục, tu sĩ nào đó thì giaó dân có bổn phận trước tiên là phải can đảm và thẳng thắn bày tỏ quan tâm cuả mình cách khôn ngoan, kính trọng và kín đáo với các đối tượng liên hệ để xin điều chỉnh, thay đổi. Nếu phương cách này tỏ ra vô hiệu quả thì bước tiếp có thể làm là trình cho Bề Trên liên hệ trong Giáo phận( Giám Mục) biết về mối quan tâm của mình.Không ai cấm giáo dân làm việc này. Không phải vâng phục mà câm nín, làm ngơ trước những sự kiện khách quan là “guơng xấu" , là sai trái, cần được phê bình, sửa chữa. Chỉ xin một điều là đừng bày tỏ quan tâm của mình vì bực tức, vì bất mãn cá nhân nên công khai chỉ trích, bêu xấu khiến phương hại cho uy tín chung của Giáo Hội, là điều nên tránh mà thôi.

 

Kết luận:

Giáo dân có vai trò và trách nhiệm xây dựng Giáo Hội cùng với hàng giáo sĩ.

Giáo dân vâng phục các vị chủ chăn nhận lãnh năng quyền dạy dỗ, thánh hóa và cai trị xuất phát từ Chúa Kitô-Giêsu qua vị Đại Diện duy nhất của Chúa trên trần thế là Đức Thánh Cha xuống các giám mục, linh mục hiệp thông và cộng tác với ngài trong Giáo hội. Như thế, vâng phục các chủ chăn liên hệ (linh mục, giám mục) là vâng phục chính Chúa Giêsu mà các ngài nhân danh (in persona Christi) để giảng dạy, thánh hóa và cai trị. Sự vâng phục và kính trọng này không làm mất danh dự, địa vị và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo Hội, mà ngược lại còn chứng tỏ đức tin trưởng thành và đúng đắn của người tín hữu Chúa Kitô nữa. Vì như lời Thánh Công Đồng Vaticanô II đã dạy, người Kitô hữu khi vâng phục các chủ chăn trong Giáo Hội “đã theo gương Chúa Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết để mở đường hạnh phúc của sự tự do con cái Thiên Chúa cho tất cả mọi người.”(LG.IV, 37).

Các vị chủ chăn được kêu gọi không những “phải nhìn nhận và nâng cao phẩm giá và trách nhiệm của giáo dân trong Giáo hội” mà còn “ nên sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khôn ngoan của họ” được trình bày nữa (Ibid. IV,37).

Nhưng giáo dân cũng phải kính trọng các chủ chăn của mình ngay cả khi phải trình bày với các ngài những ưu tư xây dựng của mình về một vần đề nào có liên quan đến lợi ích chung của Giáo Hội, của giáo xứ hay Cộng đoàn.

Tóm lại, phải có sự tương kính giữa mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội. Tôn trọng lẫn nhau vì vai trò và địa vị của mình cho mục đích xây dựng và phát triển Giáo Hội của Chúa là phương tiện cứu rỗi cho mọi người, mọi dân tộc ở mọi thời đại.

Hàng Giáo phẩm, Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân đều có chung một sứ mạng là hoạt động tích cực để mở mang Nước Chúa trên trần thế hầu cho nhiều người được hưởng Ơn Cứu độ của Chúa Kitô. Tất cả đều có chung một khát vọng là được nên thánh như Cha trên trời là Đấng chí Thánh, mặc dù khác nhau về địa vị và phương thức thi hành sứ mạng cuả mình trong Giáo Hội.Sự khác biệt này không làm thương tổn đến địa vị của một thành phần nào trong Giáo Hội mà chỉ nói lên tính đa dạng của ơn gọi phục vụ mà thôi.Ước mong mọi người ý thức điều quan trọng này đặc biết trong Năm Đức Tin để có thái độ sống thích hợp hầu tránh gương xấu về nguy cơ tranh chấp quyền bính trong Giáo Hội.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

VỀ MỤC LỤC
THIÊN CHÚA ĐÃ SINH RA ĐỜI CHO CHÚNG TA
 

( Lể Nửa Đêm- Isaiah 9:2-4, 6-7; Titus 2:11-14; Luke 2:16)

Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

Chúa ban Con của Người cho chúng ta

Dân tộc bước đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng chan hòa. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết. Chúa đã làm cho dân tộc trở nên vĩ đại thì không làm cho niềm vui thành vĩ đại được sao? Họ sẽ vui mừng trước mặt Chúa, như người ta vui mừng trong mùa gặt lúa, như kẻ thắng trận hân hoan vì chiến lợi phẩm, khi đem của lấy được về phân chia. Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức…Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Midian. Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo bị nhuộm máu đào, sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nhóm lửa. Bởi lẽ một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được tặng cho chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và người ta sẽ gọi tên Người là “Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Hòa Bình”. Người sẽ mở rộng vương quyền, và cảnh thái bình sẽ vô tận. Người sẽ ngự trên ngai vàng David, và trong vương quốc Người, để củng cố và tăng cường, trong sự công minh chính trực, ngay tự bấy giờ và mãi mãi muôn đời. Lòng ghen yêu của Chúa thiên binh sẽ thực thi điều đó. (Isaiah9:2-4,6-7)

 

****************

Dù đã xa quê hương, đặc biệt nơi tôi sinh ra ở miền Bắc Viêt Nam hơn 50 năm, nhưng mỗi năm Giáng Sinh trở về với khí trời hanh lạnh là tự nhiên tôi lại nhớ đến những ngày xa xôi ở Hanoi khi còn ở tuổi thiếu niên. Vào đêm Giáng Sinh ấy, cả đoàn chúng tôi rước nến đi ra hang đá được làm ở ngoài trời trong khi cùng ca bài “Đêm đông lạnh lẽo… Chúa sinh ra đời…”.Sao mà cảm động thế ! Cái cảm giác âm u mà êm đềm như thấu suốt tâm can; cái khí hậu lạnh buốt lúc ấy ở Hanội trong đêm tối chập chùng không trăng không sao. Đúng là mùa đông giá lạnh. Nó thật hợp với lời ca của bài hát và quang cảnh mà các văn thi sĩ đã tả chỗ Chúa sinh ra đời nơi hang lừa nghèo khổ, lạnh lẽo, cô đơn ở Bethlehem.

Bây giờ tuổi đã lớn, không gian và thời gian không giống hồi xưa. Khí hậu cũng khác. Có khi còn nóng bức, trái ngược với cảnh rét cóng nơi Chúa ra đời hơn 2000 năm về trước. Ở Saigòn vào mùa Giáng Sinh mà hát bài Đêm Đông sao nghe nó vô duyên thế. Ở Florida, nơi xứ mặt trời nắng ấm thường thì quanh năm nóng cái nóng nhiệt đới, nhưng vào mùa Giáng Sinh thì Trời thương lại cho khí hậu mát lạnh, thành thử đêm Noel/Giáng Sinh nó lại hợp cảnh sinh tình đôi chút, nhất là năm nay khí hậu trở lạnh sớm hơn và lạnh hơn cái lạnh bình thương của mọi năm. Lạnh buốt thật!

Lòng mình có còn rung động nữa không nhỉ? Có lúc cũng cảm thấy bồi hồi, có lúc như chẳng thấy có gì khác thường. Nhưng tâm tư dĩ nhiên có đôi chút khác lúc còn là trẻ nít. Mình đã được học hỏi nhiều về giáo lý, Kinh thánh, Tin Mừng qua những bài học và sách vở và cả trường đời, do đó có những suy tư chín chắn và có vẻ thâm sâu hơn? Đó cũng là tự nhiên thôi. Biết suy ngẫm về cảnh rét lạnh Chúa phải chịu nơi hang lừa thì cũng biết suy diễn ra cái lạnh của những người mà hiện đang gánh chịu trên toàn thế giới, ở ngay chính quê huơng Việt Nam thân yêu của mình. Không chỉ cái lạnh buốt do khí hậu làm cho con người phải tê tái mà còn cái lạnh buốt bởi chính con người làm cho con người do đàn áp, truy nã, độc tài, bất công, bất chính trong xã hội…Đôi khi trộm nghĩ, Chúa đã sinh ra đời cứu khổ nhân loại cả hơn 2000 năm rồi mà sao loài người vẫn còn bị trà đạp ức hiếp, tước đoạt hết tất cả những gì của con người nhỉ? Tại sao có người sung sướng, có người khổ cực? Có người làm cha thiên hạ, có người suốt đời làm thân trâu ngựa? Bác ái? Công bằng, Từ Bì, Hỉ xả? Chúa đã giải quyết nhưng con người không chịu thi hành? Ngay cả những đấng mang sứ mệnh giảng lời Chúa, nói chi những kẻ thù của Chúa, coi Chúa chỉ là thuốc phiện? Chẳng lẽ họ giống nhau? Không thể được. Ánh sánh không thể hoà nhập với bóng tối (2Cr 6:14-18;7:1). Thiên Chúa thì trung thực. Ngài nói là Làm. Không giả hình, không làm bộ. (Mt 23:1-11).

Mùa Vọng và Giáng Sinh năm nay, tôi có một đặc biệt, có tính riêng tư cá nhân nhiều hơn, xin được chia sẽ với mọi người. Vì muốn cho cả gia đình tụ họp cùng nhau suy niệm, thưởng thức Giáng Sinh, nên tuần trước vợ chồng con cháu sau bữa ăn tối, tất cả yên lặng cùng nhau nghe nhạc Giáng Sinh, không phải là ra hí trường hoặc nhà thờ nghe ban nhạc đồng ca và hòa tấu mà là thưởng thức tại gia. Bản nhạc “Messiah night”.

Ban hòa tấu trình bày những công trình sáng tác của Handel về Giáng Sinh thật tuyệt vời. Tôi không thể không rung động mỗi khi nghe những ý lời của tiên tri Isaiah qua điệu nhạc tung hô Chúa: “For unto us a Child is born, unto us a Son is given, and the government shall be upon his shoulder; and his name shall be called Wonderful, Counselor, the Mighty God, the everlasting Father, the Prince of Peace.” (Isaiah 9:6)

Con Trẻ sinh ra đời cho chúng ta,

là Con một Thiên Chúa,

Quyền bính Người đặt trên vai,

tên Người gọi Quân sư Tuyệt vời,

là Cha đời đời,

Là Thiên Chúa Toàn năng,

là Hoàng tử của Hòa bình” (Isaiah 9:6)

Những ý lời tuyệt mỹ này đã lấy trong sách tiên tri Isaiah và bài đọc 1 mà chúng ta được nghe tuyên xưng hàng năm trong Lễ Nửa Đêm vọng Giáng Sinh.

Ngay những câu đầu của đoạn 9 là những lời chứng của Isaiah nói về thảm cảnh đen tối ghê rợn và sầu thảm dày đặc sẽ đổ xuống cả hai vưong quốc Judah và vương quốc phương Bắc của Israel. Nhưng cái bóng tối sầu thảm ấy không phải là những lời tuyên báo sau cùng của ngôn sứ. Rõ ràng trên phần đất này đã có một tia sáng vĩ đại chiếu rọi chan hòa. Giòng mở đầu của chương 9 là câu chuyển tiếp từ bóng tối của chương trước. “Những kẻ đau khổ sẽ không còn phải sầu muộn. Vào thời kỳ đầu Người đã đem nguy khốn đến cho đất Zebulum và Naphtali, nhưng thời kỳ sau người sẽ mang vinh quang, làm rạng danh con đường biển, miền đất bên kia Jordan và Galilee. Dân chúng đã phải đi trong đêm tối thì nay được nhìn thấy ánh sáng chan hòa; những kẻ từng sống trong miền đất tối tăm dày đặc thì nay có ánh sáng soi chiếu” (Isaiah 9:1-2).

Ánh sáng vĩ đại ấy đã thực sự xâm nhập bóng tói dày đạc sẽ xua đuổi mọi nghi hoặc và trống rỗng, bạo động và áp bức. Ánh sáng sẽ chiếu tỏa trên những dân đang sống trong bóng tối sự chết. Những hình thức mà dân Assyria bị áp bức là gông, cùm, ách trên vai cổ, roi quất sẽ bị đập tan; áo chiến trận sẽ trở thành mồi lửa; khí cụ chiến tranh bị phá hủy báo hiệu thời đại hòa bình đang tới.

Con Trẻ sinh ra sẽ có được khôn ngoan của vua Solomon, tính dũng cảm và tình thương yêu của vua David, đức tính cao cả của Maisen và các tổ phụ. Người ta dự đoán Con Trẻ được nói đến ở đây sẽ là vua Hezekiah. Những vị vua đương thời của Judah lúc bấy giờ đã được cố vấn quá dở nên quyền lực bị sút kém vì chiến tranh.

Vì có tước hiệu là “Quân sư Tuyệt vời”, nên tân vương sẽ không cần cố vấn như những cố vấn đã dẫn đưa vua Ahaz đến chỗ tiêu tan sự nghiệp. Là “Cha Đời Đời” tức diễn tả luật lệ của vua quá hay đẹp. Những đức tính như cung cách xét sử, trọng công lý và công chính đã làm cho ngai vua David vững bền có thể được tóm gọn trong chữ “Shalom” mà gốc tiếng Do Thái/Hebrew có nghĩa là toàn hảo, hoà hợp, hoàn thành và trọn vẹn. Ngày nay người Do Thái chào hỏi nhau bằng tiếng Shalom nghĩa là chúc bằng an cho nhau.

Nhờ kết quả của triều đại của vị tân vương này, dân chúng sẽ được sống hòa hợp với Thiên Chúa, với nhau và với thiên nhiên. Vì vậy chẳng có gì lạ là Giáo Hội đã chung hợp với nỗi vui mừng của Isaiah về tia sáng này và sinh nhật của vua để mừng lế giáng sinh của Chúa Giêsu qua bài đọc 1 trong Thánh Lễ Nửa Đêm.

Những năm trước đây, ai là người đã không cảm thấy cái bóng tối dày đặc và nỗi buồn u uất đã xẩy ra ngay trong thế giới hiện tại của chúng ta? Hãy thử nhìn lại những thảm cảnh bạo lực đã xẩy ra ở “đất thánh”, đất đã một thời được Thiên Chúa, các tổ phụ và cả chính đấng Thiên Sai đã đặt chân tới mà có lúc đã trở thành một trận địa giết người. Hãy nghĩ tới những tình huống bấp bênh và thất vọng đang hiện ra vì sự xụp đổ của những cấu trúc kinh tế. Hãy nhìn vào và nhớ lại thảm cảnh Thiên An Môn. Hãy nhìn cho rõ cảnh tượng công an chìm nổi đàn áp đánh đập bắt bớ dân lành vô tội ngay trước mặt mọi người giữa ban ngày tại Saigon Hànội và những nơi như Đồng Chiêm, Thái Hà Ấp…Những cảm nghĩ sâu đậm như vậy về cái bóng tối âm u đày đặc thường nảy sinh ra từ những toan tính của những con người cố chấp, đơn lẻ và hoang đảo độc tài riêng rẽ thay vì là của cả một cộng đồng nhân loại thực sư quan tâm đến nhau và những thống khổ của chính đồng bào mình, của nhiều người trên khắp thế giới.

Trong mùa Lễ Hội Giáng Sinh này, người Do Thái mong ngóng sự xuất hiện của đấng Thiên Sai, người Kito hữu vui mừng ngày Giáng Sinh của Ngài trong lịch sử loài người. Nhưng cả người Do Thái và người Kito hữu đều được mời gọi vượt qua khỏi tất cả những biểu tượng và đặt những nghi vấn thâm sâu hơn: Chúng ta đang trông chờ sự cứu chuộc trở thành hiện thực như thế nào mà đấng thiên sai sẽ mang lại cho chúng ta? Riêng người cộng sản, đặc biệt ở Việt Nam, chừng nào thì có được cái thiên đàng địa giới để cho mọi người được làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu, trong khi đường đi tới nó càng ngày càng điêu linh, dân tình ngày càng khốn khổ, bóng tối ngày càng dày đặc âm u, không hy vọng, không lối thoát.

Những bản kinh thánh đọc trong ngày lễ Hanukka, Mùa Vọng và Giáng Sinh đều là những lời mời gọi mọi người tụ tập tại hội trường và nhà thờ để chào hỏi, chúc mừng, làm quen nhau, để tự nguyện cùng nhau mang ánh sáng của Thiên Chúa chiếu rọi khắc mọi quốc gia, để nhận ra nhau là những đồng chí cùng xây dựng vương quốc Thiên Chúa.

Cả Kito Giáo lẫn Do Thái Giáo đều ôm giữ trong lòng mộng ước chung là xin cho “Nước Chúa trị đến!” Chúng ta cần phải cùng đọc kinh này lớn tiếng hơn và rõ ràng trong những ngày bóng tối âm u bao phủ nhiều người trên toàn thế giới, đặc biệt người dân A phú Hãn, Iraq, Đất Thánh hiện đang bị tan hoang vì chiến tranh, hận thù, ghen ghét và sầu thảm, cũng như những người đang sống ở những nước, những miền khác trên thế giới đang đau khổ vì nghèo đói, áp bức, độc tài và bất công.

Sự chờ mong chung kết quả Nước Chúa trị đến thúc đẩy chúng ta -Cả Kito hữu lẫn Do Thái- cần phải hiệp thông với nhauchặt chẽ và nhận ra được sự đổ vỡ ghê gớm của thế giới. Chân phước Gioan Phaolo II và bây giờ Đức Benedict XVI đã dạy chúng ta qua những tông thư, lời nói và hành động, không có gì và không ai có thể phá vỡ, tách biệt chúng ta ra khỏi sự hiệp nhất kiên cố đã có được. Danh từ “tikkun ha’olam” tiếng Do Thái có nghĩa là hàn gắn thế giới, sửa chữa, tu bổ và cứu chuộc -gồm cả sự cứu chuộc dân Israel- đang thể hiện nơi con người chúa Kito, thì hoàn toàn phụ thuộc nơi chúng ta, mỗi người chúng ta trong mỗi hoàn cảnh của đất nước mình, dân tộc mình, tôn giáo mình.

Fleming Island, Florida

Dec. 24, 2012

NTC

VỀ MỤC LỤC
MỘT VÀI SUY TƯ KHI MỪNG LỄ GIÁNG SINH
 

Trong những ngày này, không khí vui mừng đón chờ Giáng Sinh đang tràn ngập trên thế giới. Tại Việt Nam, nơi các thánh đường ở thôn quê hay thành thị, ngoài đường phố, trong các ngõ hẻm, ngay cả trong các công ty, xí nghiệp, các nhà hàng, các quán ăn...đâu đâu cũng thấy không khí của của lễ hội. Không khí ấy lại nóng dần lên khi người người đi mua sắm, nhà nhà háo hức đợi chờ. Dù là người nghèo hay giàu, trẻ em hay cụ già, người theo đạo Công giáo hay không, Giáng Sinh vẫn cứ là một ngày hội. Ngày hội tâm linh, ngày hội xã hội...

Đứng trước thực trạng ấy, là người Công Giáo, chúng ta nghĩ gì về việc mừng Giáng Sinh hiện nay.

1. Trước tiên, Giáng Sinh dưới cái nhìn xã hội

Cứ mỗi dịp Giáng Sinh về, tại thành phố Sài Gòn, Hà Nội...chúng ta thấy rất rõ những hình thức chuẩn bị và ăn mừng Giáng Sinh. Nào là: tại các ngả đường, nơi các con hẻm, người có đạo hay không có đạo...hang đá cứ mọc lên như nấm. Đến nỗi hang đá trên lầu, hang đá dưới sân, hang đá trong phòng, hang đá ngoài đường, hang đá nơi ngã ba, ngoài ngã bẩy... Ai có dịp đến đường Phạm Thế Hiển, q. 8, Sài Gòn thì thấy điều tôi nói quả là không ngoa. Còn hơn thế nữa, tại các trung tâm mua sắm, các khu vui chơi giải trí, ngay cả những chốn ăn chơi như quán Bar, cafe đèn mờ, họ cũng làm hang đá trước cửa nhà. Mục đích của họ là cuốn hút sự chú ý của khách hàng, để đạt được mục đích xã hội và kinh tế của họ.

Trong những ngày này, họ cũng thi đua mời nhau đi nhậu. Nay tôi, mai anh. Nay nhóm này, mai nhóm khác...nhậu tơi bời, nhậu hả hê, nhậu quên ăn, quên làm, thậm chí nhậu quên luôn cả lễ lạy cầu kinh...một sự lạm dụng đến sót xa.

Như vậy, Giáng Sinh theo cái nhìn hiện sinh của con người và xã hội hiện nay thì: là thời điểm “hót” để bán hàng, dịp thuận tiện để mua sắm, là cơ hội để giao lưu, nhậu nhẹt. Đây là một thực trạng thực của một số người dân hiện nay khi Mùa Giáng Sinh về. Lời nhận định của Đức Hồng Y Oswald Gracias Chủ tịch FABC làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “Ngày nay, người ta ít chú trọng vai trò của Thiên Chúa đối với cuộc sống con người. Chạy đua tiền bạc và những chân lý nửa vời”[1]. Lời nhận định này được đưa ra vào đúng thời điểm mà chúng ta đang nô nức đón mừng Đại Lễ Giáng Sinh, điều này thật thức thời để chất vấn lương tâm của chúng ta. Vậy, đâu là ý nghĩa đích thực của việc đón Chúa Giáng Sinh? Những việc làm cụ thể để mừng Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người là gì? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

2. Giáng Sinh dưới cái nhìn đức tin và lối sống của người Công Giáo

Trước lễ Giáng Sinh, Giáo Hội mời gọi chúng ta có thời gian chuẩn bị để đón chờ Thiên Chúa Nhập Thể. Thời gian đó ta gọi là Mùa Vọng. Mùa Vọng là Mùa mời gọi ăn năn sám hối, dọn sạch tâm hồn khỏi những hố sâu của tội lỗi, quanh co của dối trá, đồi cao của kiêu ngạo...và hãy học nơi Mẹ Maria, luôn sống với nội dung tin mừng, đồng thời luôn tìm cách mang Chúa đến cho người khác, chấp nhận gian nan thử thách. Mặt khác, đây cũng là thời gian thuận tiện để giao hòa lại với Thiên Chúa và anh em nơi bí tích hòa giải. Điển hình như tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức TGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự nghi thức sám hối cộng đồng, sau đó ngài đã cử hành bí tích hòa giải. Trước tiên từ các cha, sau đó đến giáo dân...[2] đây là một hình ảnh rất đẹp, diễn tả tâm tình của những người có niềm tin và trông mong ơn cứu độ.

Lược qua tinh thần của Mùa Vọng như thế, để thấy được đích điểm mà Giáo Hội muốn nhắm tới trong Mùa Vọng là gì và nội dung của việc mừng Chúa Giáng Sinh hệ tại đâu?

Trước tiên, đón mừng Giáng Sinh, không chỉ chuẩn bị những thứ bên ngoài, những thứ đó là việc cần nhưng không phải là việc quan trọng nhất. Việc quan trọng nhất là mỗi khi mừng lễ, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người Do thái khi nghe Gioan Tẩy Giả kêu mời là hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, hãy dọn sạch con đường tâm hồn để Chúa ngự đến. Đồng thời mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng ta cũng hãy hướng về ngày cách chung của thế giới và của mỗi người như một cuộc chất vấn lương tâm về những hành vi tốt xấu của mình hầu chuẩn bị cho xứng đáng đón Chúa ngự đến trong tâm hồn. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, đã nói: "Sự giáng sinh của Chúa Kitô thách thức chúng ta hãy kiểm điểm lại những ưu tiên, giá trị và chính lối sống của chúng ta. Trong khi Lễ Giáng Sinh chắc chắn là một thời điểm đầy vui mừng, nhưng đây cũng là cơ hội để suy tư sâu xa, và xét mình.”[3].

Thứ đến, Giáng Sinh về, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy chiêm ngắm sự khiêm nhường của gia đình Thánh Gia. Một gia đình hết sức khiêm nhường. Mẹ Maria thì suy đi nghĩ lại trong lòng, không khoe khoang, lên mặt với ai, dẫu biết rằng trong nhà mình có Hài Nhi Giêsu là Chúa các chúa, Vua các vua. Ngài là Chúa Tể trời đất. Với thánh Giuse, người là đấng Công Chính, luôn âm thầm và sẵn lòng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Còn Chúa Giêsu, Người đã tự hạ, trở nên Ngôi Lời, tức Thiên Chúa- người, để ở với và sống cùng chúng ta. Một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo mỗi khi chiêm ngưỡng hang đá. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Vào cuối một năm cam go về kinh tế đối với nhiều người, chúng ta có thể học hỏi được điều gì từ sự khiêm hạ, nghèo khó, đơn sơ của cảnh tượng hang đá máng cỏ”[4].

Tiếp theo, khi chúng ta mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa Cha đổ tràn cho nhân loại qua Con Một của Người. Đồng thời chúng ta cũng phải chia sẻ tình thương đó cho mọi người. Noi gương Mẹ Maria trong việc thăm viếng bà Elizabetl, Mẹ có Chúa, Mẹ mang Chúa đến cho người khác, Mẹ chấp nhận gian nan đau khổ chỉ vì yêu, miễn sao tình yêu được chia sẻ và người đón nhận được bình an và hạnh phúc.

Như vậy, đón mừng lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng ta hãy tiếp tục sống tinh thần Mùa Vọng là hoán cải, sửa sang tâm hồn bên trong hơn là bề ngoài. Đến với Chúa bằng tấm lòng đơn sơ khiêm nhường. Chiêm ngắm gia đình Thánh Gia bằng con mắt đức tin. Và, sống mầu nhiệm Giáng Sinh bằng tinh thần tự hủy, liên đới và yêu thương.

Mong thay, mỗi dịp Giáng Sinh về, lời thiên sứ loan tin cho các mục đồng khi xưa lại vang vọng và đọng lại trong tâm hồn mỗi chúng ta. Lời đó là lời vui mừng - bình an – yêu thương.

Thiết nghĩ, qua những gì vừa chia sẻ, chúng ta hãy làm mới lại tất cả những cung cách, tinh thần mỗi khi cử hành phụng vụ, để trong khi cử hành thánh đó, chúng ta đụng chạm được thực sự đến Thiên Chúa, Một Thiên Chúa – người. “Lễ Giáng Sinh có thể là một thời điểm trong đó chúng ta học cách đọc Tin Mừng, để biết Chúa Giêsu, không những như một hài nhi trong máng cỏ, nhưng còn như một Đấng qua đó chúng ta nhận ra Thiên Chúa làm Người”[5].

Kết thúc bài viết này, xin mượn lời của Đức hồng y Oswald Gracias, Chủ tịch FABC đã trả lời phỏng vấn của WHĐ để tôi và bạn cùng nhau suy tư, cầu nguyện và sám hối khi chúng ta đón mừng Con Thiên Chúa Giáng Sinh. Ngài nói: “Giáo hội tại Việt Nam cần tập trung vào việc huấn luyện đức tin, mọi người cần hiểu biết về Tin Mừng nhiều hơn, tham dự Phụng vụ cách sống động hơn. Cần phải tập trung để đưa Thiên Chúa trở về với cuộc sống, để đương đầu với những thách đố đến từ bên ngoài”[6].

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển

VỀ MỤC LỤC
THAM LAM – QUẢNG ĐẠI (BÀI 1)
 

Tham lam – Che mờ căn tính của mình

Theo triết gia Plato[1], “Trong mỗi con người dường như có một có một sức mạnh vô hạn luôn luôn thúc đẩy con người nhằm tìm thỏa mãn chính mình.” Chính sức mạnh này cũng ảnh hưởng đến tính tham lam mà ít nhiều ai ai cũng bị chi phối. Khi chưa có, thì muốn cho có; khi đã có rồi, thì muốn nhiều hơn và hoàn thiện hơn. Điều này đúng không chỉ trong khía cạnh vật chất tiền của, nhưng nó cũng đúng trong đời sống tinh thần và tình cảm. Khao khát được lấp đầy, được làm chủ hết điều này đến điều khác là một sức mạnh tiềm ẩn có thật trong từng người chúng ta. Vậy không lạ gì, tham lam tiền của vật chất cũng bị chi phối bởi sức mạnh này.

Theo thánh Thomas Aquinas, “Tham lam là khao khát một vật gì quá mức, nó có thể là tiền bạc hoặc một vật gì đó mà ta khao khát sở hữu nó.”[2] Nói cách khác, tự bên trong, tham lam là đặt mọi suy nghĩ của mình vào một sự vật đó và khao khát chiếm hữu nó. Bao lâu ta chưa sở hữu được nó, ta còn bị nó chi phối trong suy nghĩ và hành động. Xét về phương diện bên ngoài, tham lam ảnh hưởng đến cách cư xử của ta với tha nhân, nó đảo lộn trật tự tình yêu và bản chất con người, vốn được dựng nên để yêu thương và phục vụ tha nhân, thay vì là mong được yêu thương và được phục vụ; như thế, ít hay nhiều, tham lam làm đảo lộn trật tự công bằng trong xã hội.

* * *

Vườn Nho Của Ông Na-Vốt (I Vua 21:1-16)

Sau những sự việc đó, thì xảy ra chuyện ông Naboth người Jezreel có một vườn nho bên cạnh cung điện vua Ahab, vua Samaria. Vua Ahab nói với ông Naboth rằng: "Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Ðể bù lại, ta sẽ cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc." Nhưng ông Naboth thưa với vua Ahab: "Xin Ðức Chúa đừng để tôi nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho ngài!"

Vua Ahab trở về nhà buồn rầu và bực bội vì lời ông Naboth đã nói với vua: "Tôi sẽ không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua." Vua nằm trên giường, quay mặt đi, và không chịu ăn uống gì. Hoàng hậu Jezebel đi vào, nói với vua: "Tại sao tâm thần vua buồn rầu, và vua không chịu ăn uống gì như vậy?" Vua trả lời: "Tôi đã nói chuyện với Naboth người Jezreel và bảo nó: Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta mà lấy tiền, hoặc, nếu ngươi muốn, ta sẽ đổi cho một vườn nho khác. Nhưng nó lại nói: "Tôi không nhượng vườn nho của tôi cho vua được." Bấy giờ hoàng hậu Jezebel nói với vua: "Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Naboth người Jezreel.

Bấy giờ, bà nhân danh vua Ahab viết thơ, rồi dùng con dấu của vua mà đóng ấn, và gửi cho các kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành với ông Naboth. Trong thơ bà viết rằng: "Hãy công bố một thời kỳ chay tịnh và đặt Naboth ngồi ở hàng đầu dân chúng. Hãy đặt hai đứa vô lại ngồi đối diện với nó, để chúng tố cáo nó: "Ông đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua. Và hãy đem nó ra ngoài ném đá cho chết."

Dân chúng, kỳ mục và thân hào cư ngụ trong thành làm theo lệnh bà Jezebel như trong thơ bà đã viết gửi cho họ. Họ công bố thời kỳ chay tịnh và đặt ông Naboth ngồi ở hàng đầu dân chúng. Rồi có hai kẻ vô lại đi vào, ngồi đối diện với ông. Những kẻ vô lại ấy tố cáo ông Naboth trước mặt dân rằng: "Naboth đã nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua." Họ liền đưa ông ra ngoài thành và ném đá ông. Ông đã chết. Họ sai người đi nói với bà Jezebel: "Naboth đã bị ném đá chết." Khi bà Jezebel nghe biết ông Naboth đã bị ném đá chết, thì nói với vua Ahab: "Xin vua đứng dậy và chiếm đoạt vườn nho của Na-vốt, người Jezreel, kẻ đã từ chối không chịu nhượng cho ngài để lấy tiền, vì Naboth không còn sống nữa, nó chết rồi." Khi nghe biết ông Naboth đã chết, vua Ahab đứng dậy, xuống chiếm đoạt vườn nho của ông Naboth, người Jezreel.

* * *

Câu chuyện từ sách Các Vua cho ta thấy sự nguy hiểm và sức mạnh của tính tham lam. Ahab dù đã làm vua của một nước, nhưng vẫn chưa thỏa mãn với những gì mình có. Một vườn nho bé nhỏ thấm vào đâu so với tài sản và nhiều vườn nho khác mà ông đang có trong tay. Thế nhưng cái ông muốn không chỉ là vườn nho của Naboth, nhưng chính là muốn thỏa mãn cái tôi của mình, muốn được người khác vâng lệnh, và muốn uy quyền của mình được thể hiện. Lợi dụng quyền uy mà mình được Thiên Chúa ban tặng và cộng đoàn tính nhiệm, cộng với việc dùng quyền uy để phục vụ cho lợi ích cá nhân, Ahab bị vườn nho bé nhỏ của Naboth che mờ không nhận ra phẩm giá làm vua của mình và là người quản lý của Thiên Chúa. Khi quyền hành và lòng tham chiếm ngự trong tâm hồn, mối nguy hiểm không chỉ xảy đến cho đương sự ấy, mà còn cho cả cộng đoàn mà mình đang phục vụ. Như Ahab, một khi khi con người bị cuốn vào “được” một ước nguyện, con người khao khát để mong “chiếm hữu” ước nguyện tiếp theo. Không nhận thấy ân huệ và quà tặng của cuộc đời mà cứ loay hoay khao khát tham lam để chiếm đoạt những điều ngoài giới hạn của mình là điều khốn khổ nhất của kiếp người. Khi bị “cắn câu” vào thứ ma lực này, con người dễ bị phạm lỗi đức bác ái, đức công bằng ngay trong gia đình và người thân của mình.

Mối nguy hiểm của tham lam chính là làm cho tâm trí ta bận tâm tới những kế hoạch toan tính làm cách nào để có thêm nữa. Sau khi đã sở hữu được điều ta mơ ước hôm qua, thì lại xuất hiện những kế hoạch khác để muốn có cho được điều này điều nọ vào ngày mai. Cuộc sống trở nên bận rộn không phải vì ta thiếu thốn, vất vả lao động, nhưng nó mệt nhọc và không hài lòng vì do ta chạy theo sự khao khát vô tận trong con tim mình. Nói tóm lại, tham lam đẩy con người ra khỏi đời sống hiện tại và vẽ lên những ảo tưởng an toàn trong tương lai; và nơi đó, không có người thân hiện diện. Nói một cách khác, tham lam là biểu hiện của sự sợ hãi, thiếu an toàn, và mất niềm tin.

Cũng như đã được trình bày trong bài mở đầu, sợ hãi là căn nguyên của các loại tội. Vì thế, chính sợ hãi cũng thúc đẩy lòng tham con người đến chỗ phạm lỗi đức công bằng. Theo số thống kê của SIPRI vào năm 2010[3], các nước trên thế giới chi phí cho quân sự lên đến 1.63 ngàn tỉ dollar. Như thế, tính ra một người dân trên thế giới chi phí cho quân sự khoảng 236 dollar một năm. Nhưng thực ra, hơn 3 tỉ người trên thế giới chưa có đủ 2.50 dollar để sống trong một ngày; 1 tỉ trẻ em đang sống trong tình trạng nghèo đói.[4] Phải thú thật với nhau rằng, số tiền chi phí cho quân sự lên cao như thế là biểu hiện của một quốc gia khiếp nhược và không an toàn. Nói cách khác, đó là một quốc gia sống trong sợ hãi và đầy tham vọng cho tương lai. Vì những chính sách tham lam muốn thống trị này đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình và xã hội ngay trong quốc gia ấy. Dù muốn dù không, chính lối sống này làm cho đời sống con người cứ phải bon chen hơn để “hơn” người khác thì mới “cảm thấy an toàn”. Đó là một cuộc chạy đua làm giàu ảo tưởng, dễ dàng phá hoại nền tảng đời sống gia đình và xã hội. Các gia đình dễ dàng bị cuốn vào dòng xoáy tìm sự an toàn qua phương tiện kỹ thuật do xã hội cung cấp. Nhưng thực ra, khi chạy theo ảo tưởng “an toàn” này, con người đang đánh mất nền tảng gia đình mà hơn lúc nào hết xã hội đang cần nó đứng vững.

Theo Học thuyết Xã hội của Giáo hội, chính việc nhắm mắt chạy theo kiểu làm giàu này, mà nhiều quốc gia đang đẩy người dân của họ vào thảm cảnh chia lìa đau sót vì quá vất vả chạy theo ma lực của vật chất.

Thật đáng buồn khi thế giới hôm nay thâu hẹp ý nghĩa của sự phát triển chỉ đơn thuần được hiểu trong lĩnh vực kinh tế. Nên nhớ rằng, việc gia tăng tài sản cho mỗi cá nhân và quốc gia không phải là mục tiêu cuối cùng của con người. Ngày nay, chúng ta thấy có nhiều quả tim chai cứng và tâm hồn đóng kín khi có nhiều người không còn gặp gỡ nhau trong tình bạn nhưng chỉ là vì tư lợi, dễ dàng dẫn đến đối nghịch và bất đồng. Vì thế, việc thao thức kiếm tìm của cải đã trở thành chướng ngại vật để hoàn thành sứ mạng cá nhân và giá trị chân thật của con người (cf. Populorum Progressio, # 19)[5].

Như thế đó, tham lam che mờ căn tính của con người và làm lạc hướng đi tìm hạnh phúc của chính họ. Tâm hồn, gia đình, người thân, bạn hữu, và đồng nghiệp mới là những nhân tố giúp cho con người hạnh phúc, tự do, chứ không phải vật chất tiền của, chiếm hữu. Thật chí lý khi Dante[6], một nhân vật trong văn chương cổ của người Ý miêu tả người tham lam như một người bị xiềng xích quay lưng lên trời, còn đôi mắt thì dán chặt vào mặt đất. Chính vì bị hạn hẹp trong cách nhìn đời, nên người tham lam không thể hiểu được hay cảm nghiệm được tình yêu; vì bản chất của tình yêu là cho đi, còn tham lam là gom góp tích trữ. (Còn tiếp)

Br. Huynhquảng

(còn tiếp)


[1] Loc 1200 -1205.

[2] Rebecca K. Deyoung. Glittering Vices: A New Look at Seven Deadly Sins and Their Remedies, (Michigan: BrazosPress, 2009), Loc. 1421-29.

[5] Câu 49, bài 5, Học Hỏi về HTXHCG, brhuynhquang.org

[6] Cf. The Divine Comedy (1321)


VỀ MỤC LỤC
HÌNH ẢNH MỘT NGƯỜI ĐI…

 

Hôm nay thứ bảy ngày 15 tháng 12, đúng hai tuần lễ cha Chân Tín đã ra khỏi cõi đời này ( ngài qua đời ngày mùng 1 ), những bài viết về cuộc đời ngài cũng đã vơi dần, những xôn xao về ngài cũng đã lắng dần, tấm hình của ngài đặt trong Tu Viện đã bắt đầu hòa vào giữa những bức di ảnh của các anh em khác đã ra đi, xướng ý cầu nguyện mỗi ngày trong Nhà Nguyện không còn thấy nhắc tên ngài nữa. Tuy nhiên, như một lời Kinh Thánh được dùng để suy gẫm trong cuộc ra đi của ngài, “những việc họ làm sẽ còn theo họ mãi” ( Kh 14, 13 ), chúng ta vẫn còn gặp ngài trong những gì ngài thực hiện khi còn sống ở trần gian.

 

Chúng ta suy tư về việc loan báo Tin Mừng, chúng ta trăn trở làm cách nào để việc loan báo Tin Mừng được lan tỏa mạnh mẽ. Cha Chân Tín với công cuộc loan báo Tin Mừng ở Giáo Điểm An Thới Đông có cho chúng ta bài học nào không ? Chúng ta biết từ một vùng đất hoàn toàn trắng về mặt tôn giáo, sau gần 20 năm, An Thới Đông đã trở thành Giáo Điểm chính có hơn 500 tín hữu cùng với nhiều Giáo Điểm phụ đang dần hình thành.

 

An Thới Đông, một vùng đất nghèo cái nghèo chung của huyện đảo Cần Giờ, đường đi trắc trở, đất mặn hoang hóa, kinh rạch chằng chịt, người dân sống trong tăm tối khó khăn. Cha Chân Tín và các cộng sự của ngài đến đó đã nói gì, đã làm gì để người dân nơi đó tin theo Chúa và rủ nhau theo Chúa ?

 

Tôi bắt gặp nơi cha…

 

Một con người yêu thương người nghèo

 

Ngài yêu thương người nghèo thật chân thành, ngài rất dễ mủi lòng, hai con mắt đỏ hoe với những giọt nước mắt khi nghe người nghèo than thở, khi nói đến người nghèo, khi bàn về nhưng đau khổ người nghèo phải gánh chịu. Có lần tôi chứng kiến anh CA thường lân la đến gặp ngài, ngài không hề to tiếng hay gay gắt nhưng nhẹ nhàng thăm hỏi, để chu toàn công việc cấp trên giao, ngài thỏa mãn mọi tài liệu mà anh này muốn có, cuối cùng ngài khuyên bảo chính anh hãy ăn ở tử tế, ráng mà nuôi con ăn học, rồi móc túi biếu anh một ít tiền để lo cho con.

 

Một con người sống rất nghèo

 

Ngài ăn mặc rất đơn sơ, phòng riêng của ngài không có gì quý giá, quần áo một vài bộ quen thuộc. Ăn bất cứ cái gì người ta dọn cho ăn, không kêu ca, không chê bai, không đòi hỏi. Bếp Nhà Dòng tập thể gần 200 người ăn, không thể chăm sóc riêng cho ngài, ngài vẫn chấp nhận không ta thán, khi chúng tôi xin ngài để bếp nhà hưu lo cho ngài, ngài cười cười chấp nhận, không tỏ vẻ gì thỏa mãn hay từ khước. Cái gì ngài muốn ăn ngài bảo nó chua, cái gì ngài không muốn ăn ngài bảo nó ngọt ( vì ngài bị tiểu đường ). Ngài thích uống rượu vang vì… “nó đốt đường !” Phân biệt các thứ nước chấm, ngài cười cười nói: “Đứa nào cũng vào bụng hết !”

 

Ngài lớn tuổi nhưng không ngại di chuyển, ngồi trên xe hai bánh ngài vượt đường dài về Cần Giờ, An Thới Đông, các chuyến giúp giải tội ở các Giáo Xứ vào Mùa Vọng hay Mùa Chay không bao giờ ngài vắng mặt, cứ ngồi sau xe hai bánh ngủ một các ngon lành cho đến nơi.

 

Một con người giảng dạy rất đơn sơ

 

Trái với những lý luận đanh thép, những ngôn từ uyên bác, những ý tưởng khoa bảng ngài thường viết trong các bài phát biểu, các diễn văn lên tiếng về tự do tôn giáo, về nhân quyền, về sự công bằng, những bài giảng cùa ngài trong Thánh Lễ lại rất đơn sơ, rất trong sáng, rất nhẹ nhàng, rất dễ hiểu và rất bình dân, gần gũi với người nghèo, lý thuyết của ngài rất đơn giản: Tin vào Chúa Giêsu Kitô.

 

Tôi từng chứng kiến nhiều bạn trẻ, giàu có, trí thức, ngồi rạp mình quanh bàn làm việc của ngài, cắm cúi chép bài ngài đọc cho viết y như lũ trẻ thơ vậy.

 

Một con người liều lĩnh vì người nghèo

 

Chúng tôi ái ngại hết sức cho ngài khi ông cụ nhỏ bé, gầy khô như con mắm ngồi bám vào sau chiếc xe hai bánh vượt đường xa lầy lội đến với người nghèo, mọi lời can ngăn không làm cụ dừng bước, mọi khó khăn về an ninh cụ không sợ, mọi lời cảnh báo cụ bỏ ngoài tai, mọi hăm dọa cụ coi như không có, cụ cứ liều lĩnh đến với người nghèo. Không ai và không gì có thể cản được cụ đến với người nghèo…

 

Hai tuần lễ đã trôi qua từ khi con người ấy ra đi, không còn nữa những lần đến viếng thăm, nằm im bất động trên giường bệnh nhưng khi đánh thức vẫn mở mắt ra, việc đầu tiên là cười, rồi với các “đồng chí” thì cụ nắm tay giơ lên như một biểu tượng quyết tiến tới. Lần nào ngài cũng cầm lấy tay tôi ứa nước mắt. ( Ảnh chụp bà con Giáo Điểm An Thới Đông, Cần Giờ, mừng Lễ Chúa Giáng Sinh 2010 ).

 

Con người ấy không còn nữa nhưng “những việc họ làm vẫn còn theo họ mãi”. Có lẽ chúng ta loan báo Tin Mừng thiếu hiệu quả vì chúng ta thiếu những cái mà cha Chân Tín đã có. Tin vào Chúa, chúng ta có, cầu nguyện chúng ta có, nhiệt thành chúng ta có, nhưng có thể chúng ta chưa yêu người nghèo thật sự, hoặc chúng ta chưa sống nghèo, hay chúng ta không biết cách giảng dạy cho thật đơn sơ giản dị, và có lẽ chúng ta chưa dám liều lĩnh với người nghèo !

 

Hội Nghị Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục châu Á vừa kết thúc, nếu tôi nhớ không lầm, bốn mươi năm trước, Hội Nghị này đã nói trong sứ điệp của mình: “Chúng tôi cam kết Giáo Hội Châu Á là Giáo Hội của người nghèo”. Bốn mươi năm sau, hôm nay Hội Nghị kết thúc, không biết người nghèo có còn là “thách đố” của cuộc tái phúc âm hóa ở châu lục này nữa không ? Truyền thông bị “phong tỏa” tại hội nghị nên chẳng ai biết tin tức gì nữa !

Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 16.12.2012 (Ephata 510)

VỀ MỤC LỤC
Hoà bình mọc hoang

 

Nguyên tác: Taking Flight - Bay Lên Đi

Tác giả: Anthony de Mello, S.J.

Chuyển ngữ: Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

 

Chỉ dẫn:

Tốt nhất, các câu chuyện sẽ được đọc theo thứ tự như đã sắp xếp. Mỗi lần đọc không quá một hoặc hai mẩu chuyện nếu bạn ước ao có được một cái gì đó hơn là chỉ giải trí.

 

Lưu ý:

Các chuyện kể trong tập sách này đến từ nhiều đất nước, nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau; chúng thuộc về những di sản thiêng liêng, những câu chuyện hài hước được ưa chuộng của dòng đời nhân loại.

 

Những gì tác giả làm là xâu kết chúng lại với nhau theo một ý hướng đặc thù. Công việc của tác giả là công việc của người thợ dệt và thợ nhuộm, tác giả chẳng có công trạng gì về những tấm vải và những sợi chỉ.

 

LTS.Chỉ dẫn và lưu ý trên đây là của tác giả. Tuy nhiên, vì Đặc San GSVN chỉ phát hành 2 tuần một lần nên mỗi số báo BBT xin giới thiệu trung bình từ 5 đến 7 mẫu chuyện. Bạn đọc có thể lưu lại để nghiền ngẫm suy tư.

 

Chủ đề : TÔN GIÁO (tiếp theo)


101. Hoà bình mọc hoang

Chuyện kể rằng, khi Thiên Chúa tác thành thế giới và chiếu toả vinh quang trước sự tốt lành của nó thì Satan thông phần niềm vui khôn tả của Ngài - dĩ nhiên là theo cách thức của Ngài, vì khi Ngài chiêm ngắm kỳ công này đến kỳ công khác, thì Ngài cứ hô vang rằng, “Tốt lành làm sao, chúng ta hãy sắp đặt nó!”.

Và lấy làm vui sướng vì nó!”.

Có bao giờ bạn cố gắng tổ chức một điều gì đó như hoà bình chẳng hạn? Lúc làm điều đó, sự xung đột giữa quyền hạn và chiến tranh lại nhóm lên trong việc tổ chức. Cách duy nhất để có hòa bình là để nó mọc hoang.

ڰ

102. Dấu hiệu của Kitô hữu

Một giám mục kiểm tra nhóm dự tòng chuẩn bị lãnh nhận bí tích rửa tội.

“Người ta biết các con là người Công giáo qua dấu hiệu nào?”.

Không ai trả lời. Rõ ràng không ai mong chờ câu hỏi này. Giám mục lập lại câu hỏi. Rồi ngài nói lại lần nữa, lần này ngài làm dấu thánh giá để gợi ý câu trả lời cho mọi người.

Đột nhiên một trong các dự tòng cho rằng, “Yêu thương”, anh ta thưa.

Giám mục e dè. Ngài định nói “Sai”, nhưng ngay lúc đó, ngài xét lại chính mình.

ڰ

103. Chuẩn ấn

Ai đó xin Giám mục giấy phép cho in một cuốn sách dành cho thiếu nhi, trong đó, có các dụ ngôn của Đức Giêsu, một ít minh hoạ đơn sơ và một số câu Tin mừng. Ngoài ra không có lời nào khác.

Chuẩn ấn được cấp kèm theo lời cảnh giác thông thường, “Chuẩn ấn không nhất thiết bao hàm việc Giám mục tán thành những ý kiến trong cuốn sách này”.

Lại là những cạm bẫy mang tính cơ cấu!

ڰ

104. Cách cơ cấu thiêng liêng phát triển

Một đạo sĩ quá ấn tượng trước sự tiến triển trong đời đường thiêng liêng của một môn đệ đến nỗi cho rằng, cậu ta không cần hướng dẫn gì thêm, ông để cậu sống riêng lẻ trong một cái lều nhỏ ven sông.

Mỗi sáng, sau nghi thức thanh tẩy, người môn đệ treo cái khố ngoài trời để phơi. Nó là tài sản duy nhất của cậu! Ngày kia cậu thất vọng thấy nó bị xé rách tơi tả bởi những con chuột. Vì thế cậu xin những người trong làng cho cái khố khác. Khi những con chuột gặm thủng chiếc khố này, người môn đệ lại tìm cho mình một con mèo. Cậu không còn gặp rắc rối với những con chuột nữa, nhưng bây giờ, ngoài việc xin thức ăn cho mình, cậu còn phải xin sữa cho mèo.

“Xin xỏ quá rắc rối”, cậu nghĩ, “và một gánh quá nặng cho dân làng. Tôi sẽ nuôi một con bò”. Khi có một con bò, cậu lại phải xin cỏ. “Dễ dàng hơn cho việc cày xới đất xung quanh cái lều của mình”, cậu tự nhủ.

Nhưng điều đó lại rắc rối vì nó chiếm thời gian suy niệm của cậu. Vì thế cậu thuê lao công cày đất cho mình và việc trông coi những người làm công trở nên mệt mỏi, nên cậu cưới một cô vợ để cùng mình gánh vác công việc. Với thời gian, dĩ nhiên, cậu là một trong những người giàu nhất trong làng.

Mấy năm sau, đạo sĩ của cậu tình cờ ghé qua và ngạc nhiên thấy một toà nhà nguy nga, nơi đã từng dựng một cái lều nhỏ. Ông nói với một trong những người đầy tớ, “Có phải đây là nơi một trong các đồ đệ của ta thường sống?”.

Trước khi họ trả lời, chính người môn đệ xuất hiện.

“Hỡi con ta, tất cả những điều này có nghĩa là gì?”.

“Thưa Thầy, Thầy sẽ không tin điều này đâu”, người đàn ông đáp, “nhưng không còn cách nào khác để con có thể giữ chiếc khố của mình!”.

ڰ

105. Trạm cứu hộ

Trên một bờ biển có nhiều mỏm đá, nơi nạn đắm tàu thường xuyên xảy ra, đã từng có một trạm cứu hộ nhỏ xiêu vẹo. Nó không hơn gì một chiếc lều với chỉ một chiếc thuyền nhưng nhóm người làm việc cho trạm là những người tận tụy vốn luôn canh chừng biển cả, ít quan tâm đến mình và sự an toàn của bản thân. Họ cam đảm lao vào giông bão khi có chứng cứ về một vụ đắm tàu đâu đó. Vì thế nhiều người được cứu và trạm trở nên nổi tiếng.

Danh thơm của trạm càng vang xa, thì người trong vùng càng ước ao dấn thân cho công việc tuyệt vời của trạm. Họ quảng đại đóng góp tiền bạc và thời giờ, vì thế người ta kết nạp các thành viên mới, mua thuyền mới và đào tạo đội cứu hộ mới. Cái lều cũng được thay thế bởi một toà nhà tiện nghi vốn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của những người được cứu từ biển và dĩ nhiên, đắm tàu không xảy ra hằng ngày, nên nó trở thành điểm hẹn của quần chúng - một loại câu lạc bộ địa phương.

Theo dòng thời gian, các thành viên dấn thân vào việc xã hội càng nhiều và rồi họ ít quan tâm đến việc cứu hộ, dù họ trịnh trọng gắn cái logo cứu hộ trên túi xách. Dĩ nhiên, khi ai đó thực sự được cứu từ biển, thì điều đó luôn là một sự phiền toái bởi họ bẩn thỉu, nhếch nhác, làm bẩn các tấm thảm và đồ dùng trong trạm.

Hoạt động xã hội của câu lạc bộ gia tăng đang khi hoạt động cứu hộ lại giảm dần đến nỗi cuối cùng, tại một buổi họp, một số thành viên khăng khăng đòi phải trở lại mục đích và hoạt động ban đầu.

Một cuộc bỏ phiếu diễn ra và những kẻ rắc rối này, vốn chỉ là thiểu số, bị mời rời câu lạc bộ và thành lập một câu lạc bộ khác.

Đây là những gì họ đã làm, một trạm mới được thiết lập – gần biển hơn. Họ can đảm và gan dạ đến nỗi chỉ sau một thời gian ngắn, ai cũng biết sự anh dũng của họ. Thành viên gia tăng, và cái lều của họ lại được tu sửa – để rồi, lý tưởng ban đầu của họ cũng chết ngạt.

Ngày nay, nếu tình cờ thăm khu vực ấy, bạn sẽ thấy một số câu lạc bộ tư nhân lốm đốm trên đường biển. Mỗi câu lạc bộ đều thực sự tự hào về gốc gác và truyền thống của mình. Những vụ đắm tàu vẫn xảy ra ở vùng ấy, nhưng không mấy ai quan tâm.

ڰ

(còn tiếp nhiều kỳ)

 
VỀ MỤC LỤC
LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ BẰNG VIỆC TÌM CHÚA HƠN LÀ CÔNG VIỆC CỦA CHÚA.

Lm. Micae-Phaolo Trần Minh Huy, pss.

 

BẢN THẢO

ỨNG SINH LINH MỤC HỌC & SỐNG LINH ĐẠO LINH MỤC GIÁO PHẬN

GIÁO TRÌNH TU ĐỨC LỚP THẦN II & III

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI

2011-2012

CHƯƠNG HAI

ỨNG SINH LINH MỤC GIÁO PHẬN

HỌC VƯỢT LÊN KHỦNG HOẢNG VÀ TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ ƠN GỌI LINH MỤC (tiep theo)

F. LINH MỤC GIÁO PHẬN TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ BẰNG VIỆC TÌM CHÚA HƠN LÀ CÔNG VIỆC CỦA CHÚA.

F.1 Sống kinh nghiệm nền tảng THIÊN CHÚA LÀ TẤT CẢ   [CHÍNH CHÚA]

Kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả bắt nguồn sâu xa từ một kinh nghiệm thiêng liêng và thần bí, nó giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa là tuyệt đối và hữu thể chúng ta có qui chiếu tối hậu nơi Ngài, đến đỗi ngay cả giữa những cơn thử thách lớn lao và trong nỗi ngờ vực sâu xa nhất của đêm tối đức tin, chúng ta cũng cảm nhận được cách chắc chắn rằng THIÊN CHÚA LÀ TẤT CẢ. Xác tín này cổ vũ chúng ta dấn thân sống bền đỗ đời sống và sứ vụ ơn gọi trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Xác tín Chúa là Tất Cả là một kinh nghiệm đem lại bình an và vui tươi ngày càng lớn lên; là một thứ thần bí kích hoạt làm phát sinh sức mạnh cần thiết để chúng ta sống vui tươi cuộc đời linh mục của mình; là một nguồn lực năng động luôn luôn có mặt với chúng ta.  

Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả này không bị gắn kết với một sứ vụ, một trách nhiệm, một công việc, hay một nơi nào đặc biệt… vì nó là một ân ban của Chúa mà chúng ta phải làm tăng trưởng bằng cầu nguyện, chiêm niệm và đời sống nội tâm. Chúng ta phải chạy đến với kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này cách tự phát khi gặp khủng hoảng, ngờ vực,... vì đó là một thứ đá tảng không thể chuyển lay trong những thời khắc khó khăn khác nhau của bất trung, chán nản, lầm lạc và cả tội lỗi… Kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này luôn là một lời mời gọi chúng ta sám hối, trở về với lòng nhiệt thành ban đầu, với điều kiện là ngọn lửa của nó không bị dập dắt vì sự chểnh mảng của chúng ta. Trong những cơn khủng hoảng tình cảm hay tính dục, kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này xuất hiện như sức vượt lên, và trong cô tịch của tâm hồn đổi mới, nó trở thành sự thanh thản sâu xa phát xuất do sự chắc chắn rằng Chúa yêu thương tha thứ cho chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta cho đến cùng, bất chấp tất cả yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.

Kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này là hàn thử biểu cho hành trình ơn gọi và sứ vụ của chúng ta. Hành trình này không được đo lường bởi tính hiệu quả và thành công trong các hoạt động tông đồ, cũng không phải bởi sự phát triển hợp lý và hữu hiệu các tài năng riêng của chúng ta. Chính vì thế mà kinh nghiệm Chúa là Tất Cả này soi sáng và kích hoạt bất cứ hoàn cảnh sống nào của chúng ta. Chúng ta có thể khẳng định rằng nó có đủ nước để tưới mát bất cứ sa mạc khô cằn nào của tâm hồn chúng ta. Phải nhìn nhận rằng loại kinh nghiệm Chúa là Tất Cả này là  nguồn đặc sủng và sức năng động tông đồ của chúng ta: Mọi sứ vụ, mọi tận tụy tông đồ, khát vọng hiến mình cho các linh hồn đều được phát sinh và nuôi dưỡng thường xuyên bởi cảm nhận Thiên Chúa là Tất Cả.  

Do đó, kinh nghiệm và cảm nhận Chúa là Tất Cả này không bị đồng hóa với bất cứ trung gian nào, dù là người hay việc, để không bao giờ phải đi tới ngõ cụt là lìa bỏ ơn gọi vì một sự thay đổi (công việc hay nơi ở), tuổi tác hay bệnh hoạn làm cản trở công việc tông đồ. Trong viễn ảnh này, chúng ta không bao giờ bị rơi vào cám dỗ nghĩ rằng bên ngoài kia chúng ta sẽ hữu hiệu hơn về lãnh vực tông đồ. Kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này đi trước mọi sứ vụ gắn liền với nó, vì nó luôn luôn qui chiếu vào chính Thiên Chúa là Đấng nâng đỡ nó.  

Chính kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này giải thích thái độ của những người ngày đêm âm thầm phục vụ trong những công việc tay chân tầm thường, khuất ẩn, chẳng ai để ý tới, hoặc thái độ của những người đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ đang thành công bất ngờ bị bứng đi cách bất công theo lệnh, và phải đi tới một nơi như cuộc lưu đày lặng lẽ. Tuy nhiên họ vẫn kiên trì và thanh thản ở lại đời tu cho đến cùng, không nghĩ rằng nếu ra đi họ có thể tiếp tục thành công và ngay cả thành công lớn hơn nữa công việc họ vẫn làm cho đến lúc đó. Trong số đó có những giáo sư, những nhà nghiên cứu, những nhà lãnh đạo mà hoạt động của họ vốn sáng chói nay bị cấm viết, cấm dạy và bị loại ra, nhưng họ đã bằng an chấp nhận sự thầm lặng mới đó mà không hề chiến đấu chống lại. Tại sao? Vì họ trải nếm được kinh nghiệm nền tảng “Một Mình Thiên Chúa là Đủ!” Điều đó giải thích cho cuộc sống của một thành viên trải qua hết năm này đến năm nọ ân cần nơi bàn giữ cổng, cặm cụi trong nhà bếp, nơi trại chăn nuôi hay cẩn thận nơi tay lái mà vẫn nói rằng mình hạnh phúc và hoàn toàn thỏa mãn với cuộc đời mình: Vì Một mình Thiên Chúa là đủ! 

Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả này là một ân ban của Chúa, cần phải được các cơ cấu Giáo Hội vun đắp và giúp đỡ. Quả thế, Giáo Hội luôn cung cấp đủ mọi phương thế cần thiết, tự nhiên cũng như siêu nhiên cho con cái mình, để nuôi dưỡng kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả và luôn đặt Chúa lên vị trí hàng đầu: 

·  Đức khó nghèo xét như sự lột bỏ và không dính bén bất cứ cái gì cung ứng những điều kiện tốt nhất cho việc lệ thuộc vào Chúa [CG sai các môn đệ đi truyền giáo không được mang theo gì để họ tín thác vào Ngài];[399]

·  Đức vâng lời là một sư phạm để học hỏi ở người đã vượt qua những con đường qui phục Thánh ý Chúa trước mình: Bề Trên là người phải có kinh nghiệm tìm ý Chúa cho mình, cho những quyết định của mình trên cộng đoàn và mỗi thành viên. Không những thế, Bề trên dạy chúng ta tìm ý Chúa và cùng chúng ta tìm Ý Chúa.[400]

·  Đức khiết tịnh không phải là một khổ chế hay trấn áp cho bằng là diễn tả một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho ai hay cái gì khác mà thánh Phaolô đã nói trong thư 1 Cr 7, 32-35.[401]

Có một sự hiện diện thực sự hiện sinh của Thiên Chúa nơi tương quan của các cơ cấu cộng đoàn cũng như cá nhân trong nỗ lực tu đức toàn diện: chúng ta có thể cảm nhận được rằng Thiên Chúa can thiệp cách nhiệm mầu vào cuộc sống chúng ta. Sự từ bỏ ý riêng tùy thuộc vào kinh nghiệm về sự tuyệt đối của Thiên Chúa: chúng ta nhượng bộ ý riêng của chúng ta cho Ý Chúa, như trinh nữ Maria đã qui phục kế hoạch đời mình cho kế hoạch của Chúa cho mình và cho cả nhân loại.  

Kinh nghiện nền tảng Chúa là Tất Cả không phải là điểm khởi đầu, mà là điểm phải đến: Chớ gì không có ai hay không có gì làm chúng ta phải giao động hay lo sợ. Mọi sự đều qua đi, nhưng Thiên Chúa không hề thay đổi. Lòng nhẫn nại vượt thắng tất cả. Ai có được Thiên Chúa thì chẳng thiếu gì hết: Một mình Thiên Chúa là đủ.

F. 2. Kinh nghiệm sống sứ vụ tông đồ: Sống trải nghiệm về CÔNG VIỆC CỦA CHÚA

Kiểu sống sứ vụ tông đồ là cái chung nhất của đời tu chúng ta. Đa số ơn gọi chúng ta đều có động lực là sứ vụ tông đồ. Chúng ta đi tu muốn phục vụ tha nhân, muốn đi truyền giáo, muốn tận tụy với việc đào tạo, muốn xả thân cho người nghèo. Cái quan trọng nhất chúng ta nhắm đến là phục vụ, tức CÔNG VIỆC CỦA CHÚA. Các cơ cấu Giáo Hội được nhắm tới và được đón nhận như điểm tựa mục vụ, vì chúng giúp chúng ta dấn thân trọn vẹn cho sứ vụ tông đồ. Ngay cả sự nâng đỡ tình cảm của anh chị em cũng có phận vụ tạo nên thế quân bình để công việc phục vụ dưỡng giáo và truyền giáo được hiệu quả lớn nhất.

Các đức tính cần mẫn, quảng đại, sẵn sàng phục vụ… là những giá trị hàng đầu cho sứ vụ tông đồ. Việc hoàn thiện các đức tính nhân bản, thăng tiến các tài năng, đào tạo nghiệp vụ là những yếu tố căn bản cho hiệu năng tốt hơn trong việc tông đồ. Đức khiết tịnh được xét đến trong viễn ảnh phục vụ, vì nó được coi là thích hợp cho sự sẵn sàng khi thuyên chuyển [linh mục Giáo hội Đông phương có vợ con nên rất khó thuyên chuyển; các linh mục và nữ tu nào bị dính bén tình cảm cũng gây nên nhiều khó khăn cho Nhà Dòng khi cần thuyên chuyển!].  

Người ta nghĩ rằng hôn nhân và gia đình ngăn cản việc  hiến thân trọn vẹn cho sứ vụ tông đồ. Do đó họ càng đánh giá cao những anh chị em có thành tích tông đồ, mà coi thường những anh chị em thiếu khả năng đó. Việc này cũng khiến một số người bỏ bê đời sống thiêng liêng để mãi mê chạy theo tính hiệu quả của công việc. Do đó, kiểu sống và quan niệm sứ vụ tông đồ này làm phát sinh một vấn đề nội tại: khi một người coi hoạt động tông đồ là nguồn động lực tối hậu của ơn gọi mình thì khi mọi sự trôi chảy, đáp ứng được các nhu cầu tâm lý, thiêng liêng và nhân bản, thì người đó bước đi trong an bình, vì các hoạt động thỏa mãn được tình cảm, bù trừ cho sự từ bỏ của đời sống độc thân, những thúc đẩy tình cảm tìm được sự thăng hoa lành mạnh và đời sống thừa tác không có gì rắc rối. Và đó là lý do tại sao lắm khi người ta cảm nhận một nỗi lo sợ gần như vô thức trước những lời chỉ trích về các công việc hay dự tính thay đổi hoặc chấm dứt một công trình. Nhưng các vấn đề sẽ nổi lên khi hoạt động tông đồ mất đi hiệu năng hay không còn mang lại ý nghĩa cho đời sống nữa.  

Sự giàu có và trưởng giả của nhiều cơ cấu hay cá nhân, lấy lý do là để phục vụ, đã kéo theo một cảm giác sa sút và không giúp ích cho việc tông đồ vì xa cách quần chúng nghèo khổ [phải lưu ý xây dựng cộng đồng đồng tiến, xóa đói giảm nghèo]. Sự chán nản lớn lao của các anh chị em đồng nghiệp quá lý tưởng lúc mới vào tu cũng tác động tới họ và họ cảm thấy không còn động lực để kiên trì, nếu họ vào tu chỉ vì những động lực tông đồ, chứ không hải vì chính Chúa. Đó là lý do tại sao việc rời bỏ đời tu là kết quả đương nhiên của cơn khủng hoảng, vì động lực tông đồ không thể thực hiện được, khiến họ nản lòng và bỏ cuộc. Vì người ta chỉ nghĩ đến VIỆC CỦA CHÚA mà quên đi CHÍNH CHÚA.

Cái giá của việc từ bỏ hôn nhân sẽ là quá lớn đối với một công việc tương tự hay còn kém hơn nữa, trên bình diện tông đồ. Một cuộc sống tu trì thiếu hoạt động tông đồ như thế không còn được biện minh cho người tìm hiệu năng của hoạt động. Cơn khủng hoảng gây nên do kiểu sống sứ vụ tông đồ thật bi đát trong các cộng đoàn đã sống kiểu sống đó cách cứng nhắc, đưa đến sự cạn kiệt ơn gọi nhanh chóng như hoàn cảnh thiếu ơn gọi không thể tránh được của các thập niên qua ở Âu Mỹ. Chúng ta cũng phải dự cảm và đề phòng trước vì tình trạng ấy một ngày kia cũng sẽ tới với Việt Nam chúng ta, chẳng hạn như ngày nay tại các thành phố lớn không còn ơn gọi nữa, do tình trạng ít con và cuộc sống quá dễ dãi, tự do, quen hưởng thụ, sẽ không chấp nhận hay không kham nổi nếp sống kỷ luật và khổ hạnh tu trì. 

Trong một số trường hợp, người ta có cảm tưởng rằng chỉ có những người không có khả năng đối đầu với sự thay đổi hay thích giữ lấy cái nhịp điệu quen thuộc có sẵn là bằng lòng ở lại cộng đoàn, vì lý do tâm lý hoặc những lý do quan trọng khác. Sự xung đột của kiểu sống này cũng nhất thiết xảy ra rõ ràng giữa các cơ cấu tông đồ nặng nề truyền thống và lối sống tông đồ sáng tạo của thế hệ mới. Vì thế, chúng ta phải luôn canh tân, điều chỉnh sao cho phù hợp với tâm thức thời đại mà vẫn giữ được cái cốt lõi của đặc sủng và linh đạo của mình. Nếu không, gánh nặng của cơ cấu truyền thống sẽ bị kết thúc bởi những khủng hoảng và những cuộc ra đi, người ta không thể cầm chân người trẻ bằng cách kêu gọi sự nhẫn nại, hay  lặp đi lặp lại những bài diễn thuyết ca ngợi các công trình truyền thống và lòng tín nhiệm vào cơ cấu mà chẳng thấy đâu sự hứng thú.  

Dĩ nhiên vẫn có những người kiên trì ở lại, ngay cả khi họ không còn tin vào lý do tối hậu mà họ đã vào tu, tức tính hữu hiệu tông đồ nữa. Nhưng họ kiên trì ở lại bởi áp lực của gia đình, xã hội, văn hóa… vì đối với họ, việc rời bỏ đời tu là một sự sụp đổ hoàn toàn. Trong kiểu sống này, đức khiết tịnh, một khi không còn được nâng đỡ bởi nhiệt huyết tông đồ, phải được duy trì bởi sự khổ hạnh và ngay cả bởi sự trấn áp. Đó là một khổ hạnh gắn liền với kỷ luật hơn là tình yêu tự nguyện và trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Một số người tìm giải pháp hoàn cảnh qua các hoạt động tông đồ mới, bằng cách thay đổi các hoạt động và sự mới mẻ đó duy trì sự hứng thú cho họ. Nhưng đến bao giờ? Có những người làm việc đào tạo đã bỏ trường học để đi ra giáo xứ, coi đó là hứng thú; rồi khi chán mệt giáo xứ, họ lại ra đi vào đời, và hứng thú lại trở lại. Nhưng khi họ lại chán mệt môi trường xã hội thì họ sẽ đi đâu? Có những người tìm giải pháp trong một thứ chủ nghĩa theo thời tiêu cực: đã quá muộn để rời bỏ đời tu, phải cố chịu đựng cuộc sống như định mệnh đã an bài. Nhưng họ đau khổ vì nỗi xao xuyến tiềm tàng nhận thấy sự thất bại của một ơn gọi thật ý nghĩa trong quá khứ mà bây giờ không còn nữa. Những người khác ở lại vì đời tu mang lại cho họ một cuộc sống tiện nghi và trưởng giả, dù rất tầm thường. Họ không còn tin tưởng vào lý do tồn tại của cuộc sống họ đang sống, hoặc trong trường hợp kém bi đát hơn, họ chấp nhận công việc tông đồ ít ỏi mà họ làm, biết rằng nếu ra ngoài họ có thể làm được nhiều việc tông đồ hơn nữa, nhưng không đủ can đảm để làm điều đó.

Đó là tình trạng và tâm trạng của những người chỉ tìm việc của Chúa mà quên đi chính Chúa. Nếu động lực đời tu là sứ vụ tông đồ mà còn như thế đó thì huống hồ là những động lực có tính cách trần thế khác: khi không đạt được những điều tìm kiếm, lại gặp phải những khó khăn thử thách, họ sẽ bỏ cuộc hoặc sẽ sống một cuộc đời tu miễn cưỡng, đã không triển nở hạnh phúc, mà còn sẽ có những tiêu cực nguy hại cho bản thân, cho tha nhân, cho Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội, vốn là công trình của Thiên Chúa. Do đó trong suốt tiến trình được đào tạo và tự đào tạo, chúng ta nỗ lực phân định để loại bỏ và thanh tẩy các động lực hay áp lực không thích hợp khi bước vào đời tu. Chúng ta cố gắng phát huy và thăng tiến thế mạnh vừa chiêm niệm vừa hoạt động của mình một cách hài hòa, nghĩa là ưu tiên tìm chính Chúa, vừa tìm Chúa trong các công việc của Chúa vừa qui hướng các công việc của Chúa về chính Chúa. Chỉ khi biết vượt lên chính mình và những thứ kéo ghì mình xuống để vươn lên với trải nghiệm Chúa là Tất Cả chúng ta mới có được một đời tu thực sự bình an và hạnh phúc.

F. 3. Sự điều hợp giữa CHÚA và CÔNG VIỆC CỦA CHÚA

Dĩ nhiên một đời sống toàn diện tìm được giải pháp dứt khoát khi có được sự điều hợp hài hòa giữa kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả và sứ vụ tông đồ, hay nói ngắn gọn là giữa Chúa và công việc của Chúa. Quả vậy, khởi đầu chọn vào đời tu thì vì lý do tông đồ, có thể kèm theo những động lực khác không thích hợp lắm, nhưng qua một biến cố đổi đời quan trọng (một cơn khủng hoảng chẳng hạn) lại khám phá thấy rằng còn có một lý do sâu xa hơn để biện minh cho cuộc sống tu trì là sự hiến dâng triệt để cho Thiên Chúa. Như vậy, khởi đi từ một kinh nghiêm tông đồ, chúng ta có thể đi tới kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả. Trong trường hợp này, các hoạt động tông đồ tìm được ý nghĩa đích thực phát xuất từ kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này. 

Ở đây vấn đề là tìm biết xem đâu là kinh nghiệm đầu tiên dẫn chúng ta đến đời tu:

·        Nếu đó là kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả, chúng ta phải coi đó là bảo đảm cho tính trung thực đời tu được phân định và vun đắp của mình.

·        Nếu đó là lý do tông đồ, chúng ta phải tự hỏi xem mình có kiên vững ở đó không.

·                 Nếu lý do tông đồ không được tiến hóa hướng về kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả thì những bảo đảm kiên bền, thánh hóa và niềm vui sẽ giảm đi và làm cho chúng ta đi tới một tình huống thực sự nguy hiểm là thiếu động lực đích thực. 

Câu kết luận hiển nhiên là kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả hoặc đã có mặt ngay từ đầu, hoặc đã trỗi lên qua dòng đời dâng hiến với việc thực thi các sứ vụ tông đồ, và chúng ta phải nuôi dưỡng, tài bồi vun đắp cho nó. Tất nhiên việc dấn thân trong sứ vụ, sự nhiệt tình tông đồ, lòng tận tụy truyền giáo có thể là những trung gian quí báu để khám phá được kinh nghiệm nền tảng “Chỉ một mình Chúa là đủ.” Nếu một người chú tâm đặc biệt vào các hoạt động mục vụ thì phải hướng các suy tư của mình vào kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả để rút ra được ánh sáng, sức mạnh, và nhiệt tình tông đồ. Đó là một sự trở về nguồn thực sự nơi chính Chúa. Nếu không có sự trở về nguồn này thì mọi kế hoạch canh tân và cập nhật sẽ thiếu nghiêm túc và chiều sâu. Điều đó không có nghĩa là phải có hai kiểu sống, mà là có hai cách thức để đạt tới kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả: hoặc ngay từ đầu đã có kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả, hoặc dần dần tiến lại kinh nghiệm nền tảng này khởi đi từ các trung gian sứ vụ tông đồ. 

Vì chúng ta đang sống trong một thế giới tục hóa chỉ chú trọng tới hoạt động và hiệu năng công việc nên thường các ơn gọi trỗi dậy từ mối quan tâm tới các hoạt động tông đồ, nhưng thật là nguy hại nếu chỉ dừng lại đó. Công cuộc được đào tạo và tự đào tạo phải đưa mỗi người đến trung tâm của ơn gọi là chính Chúa. Nếu Năm Tu Đức và chu kỳ Triết học chưa làm xong được điều đó, thì những năm Thần Học còn lại này là một cơ hội tuyệt hảo để xác định lại các kiểu sống của chúng ta và tầm quan trọng của chúng. 

Thật là quan trọng để ý thức rằng kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này không phải là một bảo đảm luôn luôn sẵn có. Nhưng trước hết phải thử thách và vun đắp, thăng tiến nó. Như bất cứ thực tại nhân loại nào, kinh nghiệm nền tảng Chúa là Tất Cả này cũng trải qua những thử thách cần thiết để được thanh luyện và củng cố cho bền vững. Chính là nhờ việc tông đồ thanh tẩy nó, đào sâu nó, làm cho nó được vững chắc. Tất nhiên việc dấn thân truyền giáo là trung gian đặc ân cho chúng ta sống kinh nghiệm nền tảng này. 

Tóm lại, “Một mình Thiên Chúa đã đủ” là gốc rễ, các cành sẽ lãnh nhận sự sống theo mức độ chúng được nuôi dưỡng bởi nhựa luyện phát sinh từ gốc rễ. Rễ mà không mọc ra và phân nhánh để thu hút dưỡng chất từ mẹ đất thì cành phải chết: Ham việc của Chúa mà không ở với Chúa cũng giống như thế. Do đó, ta phải luôn tìm Chúa trong mọi công việc tông đồ và qui hướng mọi việc tông đồ về chính Chúa: “Xin đừng làm rạng rỡ chúng con, vâng lạy Chúa, xin đừng, nhưng xin cho Danh Ngài rạng rỡ, bởi vì Ngài thành tín yêu thương.[402]

_________

Chú thích

[399] G 1,21; 2,10b: Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đất cũng trần truồng. Chúa đã ban cho, Chúa lại lấy đi, Người muốn sao nên vậy, xin chúc tụng Danh Chúa. Mình biết đón nhận ân lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?”

[400] x. Huấn thị Phục vụ Quyền Bính và Vâng Lời năm 2008 của Bộ Tu Sĩ.

[401] Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co.

[402] Tv 113B,1.

 

VỀ MỤC LỤC
LỄ GIÁNG SINH
 

Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus. Thượng Đế đã gửi con yêu quý của mình xuống thế để chuộc tội và mang lại tình thương, hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Tuy là lễ riêng của tín đồ Cơ Đốc Giáo, nhưng hầu như mọi người đều trân trọng, chung vui. Với tất cả, Lễ Giáng Sinh là thời gian tuy ngắn ngủi nhưng tràn ngập thương yêu với những gói quà dưới cây Noel, sao sáng lung linh nơi cửa sổ, những cánh thiệp chúc tụng gửi đó đây, những bữa ăn đoàn tụ thân bằng quyến thuộc với tiếng cười nói hân hoan hạnh phúc, với tuyết trắng phủ kín sân…

Cho nên, tinh thần của Lễ Giáng Sinh là chia xẻ, bao dung, thương yêu và giảm thiểu hận thù.

Tiểu thuyết gia Oren Arnold gợi ý quà tặng Giáng Sinh như sau: “Với kẻ thù, cho sự Tha thứ; với đối thủ cho sự Chịu đựng; với bạn bè cho Trái Tim; với khách hàng cho Phục Vụ Chu Đáo; với cháu bé Làm Gương Sáng để cháu noi theo và với chính mình, cho niềm Tự Trọng”.

Trong thông điệp gửi cho nhân dân Hoa Kỳ, Tổng Thống Calvin Coolidge nhắn nhủ: “Christmas không phải là một thời gian hoặc một mùa nhưng là một tâm trạng. Để chào mừng hòa bình và thiện ý, để có đầy đủ tình yêu thương”.

Tiểu thuyết gia Charles Dickens cũng đồng ý với “ Tôi luôn nghĩ Christmas như là thời gian vui thú ; một thời gian thân tình, tha thứ, độ lượng, thoải mái; thời gian mà nam cũng như nữ dường như tự do rộng mở trái tim, do đó tôi xin Thượng Đế chúc lành cho Christmas”.

Tác giả Wilda English viết :”Thượng Đế ban cho ta ánh sáng của Christmas, đó là niềm tin; ấm áp của Chrismas, đó là tình yêu; rực rỡ của Christmas, đó là sự trong sáng; chính trực của Christmas, đó là công lý; lòng tin tưởng ở Christmas, đó là sự thật; mọi ý nghĩa của Christmas, đó là Chúa Giê Su”.

Kế cận những bên nhau hạnh phúc, Giáng Sinh còn quá nhiều người không mua không nhận được quà tặng, không lo được bữa ăn ngon, những em bé bán diêm chết cóng trong đêm băng giá, những đứa con bị cha mẹ bỏ rơi, những người bệnh không được thuốc thang chăm sóc…

Nhưng có Mother Teresa, người được Chúa Jesus kêu gọi để phục vụ những kẻ bất hạnh từ Giáng Sinh năm 1948. Bà từng nói “Mỗi năm tôi khởi sự việc làm vào ngày Christmas”.

Vì, theo bà, “Là Lễ Giáng Sinh mỗi khi ta để Thượng Đế thương yêu người khác qua ta…và là Lễ Giáng Sinh mỗi khi ta mỉm cười với anh em của ta và cứu giúp họ”.

Đó là thánh ý Thiên Chúa.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

 
VỀ MỤC LỤC
Bệnh lười biếng tránh né

 

(Ghi lại bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận với giới trẻ Việt Nam tại Strasbourg, Pháp, chiều ngày 12.9.1998)

 

Giới thiệu

Muốn thành công trước hết phải chữa trị tận gốc mười (10) chứng bịnh làm băng hoại xã hội ngày nay.

Cuộc sống cộng đồng và Giáo hội, không những ở Việt Nam mà ngay cả ở hải ngoại, hiện đang có những bất ổn. Không hoặc chưa phát huy được nét tích cực của mình. Do đâu ?

Có rất nhiều căn nguyên. Những căn nguyên này là những chứng bịnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm đang hoành hành trong xã hội, và có cơ nguy làm cho cuộc sống xã hội băng rã. Tôi qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bịnh.

5. Bệnh lười biếng tránh né

Triệu chứng của bệnh này là sợ tốn sức tốn của, sợ liên lụy, a dua: ai mạnh thì hùa theo. Khi nói thì rất hăng, nhưng vào việc thì viện đủ lý do để che đậy cái hèn nhát và lười biếng của mình. Giữa đại hội thì phát biểu thật hùng hồn, lúc phân việc thì lẩn đâu mất.

Trong đội tù của tôi trước đây có một ông cũng từ miền Nam ra. Mỗi lần họp anh ta phát biểu ào ạt. Đụng chuyện gì cũng dơ tay phát biểu. Nói huyên thuyên mà thường lạc đề. Đến lúc chia việc thì im re. Riết anh em trong tổ ngán. Nên mỗi lần anh ta dơ tay phát biểu là anh em đồng loạt hô: Im mà nghe, đài Mát-cơ-va phát !

Chuyện kể hai nhà thông thái nọ muốn tìm hiểu xem thành phố Rôma có mấy người làm việc. Họ bắt đầu bằng một chuỗi phân tách loại trừ. Trước tiên trừ đi con số trẻ em chưa đến tuổi làm việc, đến số người bệnh tật, số người ở tù, rồi số dân biểu nghị sĩ quanh năm suốt tháng chỉ cãi nhau và dơ tay bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ, số người làm nghề phê bình đá bóng... Cứ thế mà trừ, kỳ cùng chỉ còn lại hai người làm việc, đó là hai nhà thông thái. Nhưng rồi một ông lên tiếng ngay: tôi từ nãy giờ tính toán quá mệt rồi, nên chi tôi bầu anh làm việc tiếp để tôi nghỉ !

Để xây dựng cộng đoàn có trăm công ngàn việc. Việc gì cũng đáng làm. Chẳng cần phải ngồi ghế lãnh đạo mới là làm việc. Việc nào cũng có thể nên thánh, miễn là làm cho tới nơi tới chốn.

Khi ở Dublin một tháng để học hỏi về Đạo binh Đức Mẹ tôi may mắn được gặp người sáng lập, ông Frank Duff. Tôi háo hức, tưởng sẽ diện kiến một nhân vật quốc tế tiếng tăm; người mà các Hồng y, Giám mục khắp nơi đều phải ngồi nghe. Nhưng không ngờ, ông chỉ là một cụ già đưa thư. Hàng ngày khiêm tốn đạp chiếc xe cọc cạch ra bưu điện mang thư về cơ quan, bỏ vào hộp thư của gần một ngàn chi nhánh Đạo binh ở Dublin. Ngưởi ta nói công việc của ông bây giờ chỉ có thế; có tuổi rồi không còn giữ vai trò quan trọng nào nữa; nhưng khi ai cần ý kiến thì ông sẵn sàng đóng góp và hướng dẫn giải quyết.

Đấy, công việc đưa thư hèn mọn có làm giảm tư cách con người đâu!

 ĐHY. PX. Nguyễn Văn Thuận

VỀ MỤC LỤC

- Mọi liên lạc: Ghi danh, thay đổi địa chỉ, đóng góp ý kiến, bài vở..., xin gởi về địa chỉ

giaosivietnam@gmail.com

- Những nội dung sẽ được đề cao và chú ý bao gồm:

Trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc mục vụ của Giáo sĩ;  Những tài liệu của Giáo hội hoặc của các Tác giả nhằm mục đích Thăng tiến đời sống Giáo sĩ; Cổ võ ơn gọi Linh mục; Người Giáo dân tham gia công việc “Trợ lực Giáo sĩ” bằng đời sống cầu nguyện và cộng tác trong mọi lãnh vực; Mỗi  Giáo dân phải là những “Linh mục” không có chức Thánh; Đối thoại trong tinh thần Bác ái giữa Giáo dân và Giáo sĩ… (Truyền giáo hay xây pháo đài?)

- Quy vị cũng có thể tham khảo những số báo đã phát hành tại

www.conggiaovietnam.net

Rất mong được sự cộng tác, hưởng ứng của tất cả Quí vị

Xin chân thành cám ơn tất cả anh chị em đã sẵn lòng cộng tác với chúng tôi bằng nhiều cách thế khác nhau.

TM. Đặc San Giáo Sĩ Việt Nam

Lm. Luca Phạm Quốc Sử  USA

 

 

Duoc chon giua loai nguoi va cho loai nguoi; GIAO SI: Xuat phat tu giao dan, hien dien vi giao dan va cay dua vao giao dan, de cung lam VINH DANH THIEN CHUA

*************