Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4890

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com



                    TẠI SAO CUỘC CÁCH MẠNG TƯƠNG LAI VIỆT NAM LẠI  LÀ CÁCH MẠNG DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN.

                             CUỘC CÁCH MẠNG NÀY CÓ NHẤT THIẾT PHẢI   BẠO ĐỘNG HAY KHÔNG ?

 

Có người cho rằng cuộc cách mạng tương lai Việt Nam phải là cuộc cách mạng dân chủ, nhân quyền, cuộc cách mạng độc lập cứu quốc và dân chủ kiến quốc. Họ còn thêm rằng cuộc cách mạng đó phải là một cuộc cách mạng bạo động. Có phải thế không ? Chúng ta hãy cùng nhau xem xét những vấn đề trên.

 

 I ) Cách mạng là gì, cách mạng khác cải cách ở chỗ nào.

 

Cách mạng là một cuộc thay đổi xâu rộng, mau lẹ những cơ quan trọng yếu của một xã hội. Nó khác với cải cách ở chỗ cải cách chỉ nhằm thay đổi chậm và chỉ nhắm vào những cơ quan thứ yếu. Nếu nhìn vào cơ cấu, thì cách mạng nhằm thay đổi 3 cơ cấu chính của một xã hội. Đó là thể chế chính trị, giai tầng lãnh dạo và trật tự xã hội. Để dễ hiểu, chúng ta có thể ví một xã hội con người như một con tàu ra khơi. Nếu con tàu đã đi đúng hướng, đoàn thủy thủ vừa có tài, có đức, hết lòng phục vụ hành khách, trật tự trên con tàu tương đối công bằng, mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, vui vẻ, hỷ hả;  nếu thay đổi, thì chỉ cần thay đổi một vài cái nho nhỏ. Đó là cải cách. Ngược lại một con tàu đã đi chệc hướng ; đoàn thủy thủ thì vừa bất tài lại bất lương, tìm cách bóc lột người trên tàu; trật tự thì bất công, kẻ ăn uống thừa mứa, người thì không có ăn ; vì vậy nếu thay đổi, thì cần phải thay đổi hướng đi, đoàn thủ thủ và cả trật tự trên con tàu. Đó là cách mạng. Từ cái nhìn đó, một câu hỏi đến với chúng ta :

 

    I I ) Tại sao Việt Nam hiện nay lại cần phải cách mạng

 

Việt nam hiện nay cần một cuộc cách mạng để thay đổi 3 cơ cấu chính là thể chế chính trị, giai tầng lãnh đạo và trật tự xã hội. Về thể chế chính trị, thì chúng ta ai cũng biết thể chế chính trị Việt Nam hiện nay dựa trên nền tảng là lý thuyết Mác-Lê và tư tưởng Hồ chí Minh, như lời Mở Đầu của Bản Hiến pháp hiện hành : «  Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Hồ chí Minh… «  và Điều 4 : « Đảng Cộng sản Việt Nam…. Theo chủ nghĩa Mác- Lénin và tư tưởng Hồ chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. » Tư tưởng Hồ chí Minh thì không có. Chính ông thường nói : «  Tôi không có tư tưởng gì cả. Tư tưởng của tôi đã có Marx, Lénine, Staline và Mao nghĩ hộ. » Dựa trên một cái gì không có, thì đây là một điều vô cùng nghịch lý.Chủ nghĩa Mác- Lê, thì ngay những nước phát sinh ra nó như Liên Sô, Đông Đức cũng đã vứt bỏ, vì chủ nghĩa này, trên thực tế, khi áp dụng nó, người ta mới thây nó không tưởng, phản phát triển, phản văn hóa, văn minh. (1) Vì vậy nên phải có một cuộc cách mạng để thay đổi thể chế chính trị hiện hành dựa trên nền tảng lý thuyết Mác-Lê, chủ trương độc khuynh, độc đảng, độc tài, bằng một thể chế chính trị mới, dựa trên một bản hiến pháp mới, dựa trên nền tảng những tinh hoa của văn hóa cổ truyền, những giá trị nhân bản toàn cầu như tự do, dân chủ, nhân quyền, chủ trương đa khuynh, đa đảng.

Về giới lãnh đạo cộng sản hiện nay,  theo cựu Đại tá cộng sản, cựu Tổng biên tập tờ báo Nghiên cứu lịch sử Quân đội Nhân dân, ông Phạm quế Dương : «  Người cộng sản vừa bất tài, bất lực và bất lương. » Thử hỏi, một quốc gia, dân tộc mà giới lãnh đạo vừa bất tài, bất lực và bất lương, thì tương lai quốc gia, dân tộc đó đi về đâu ? Vì vậy nên cần một cuộc cách mạng để thay thế giới lãnh đạo bất tài, bất lực và bất lương do Đảng Cộng sản chỉ định bằng một giai tầng lãnh đạo tài đức do dân chỉ định, qua những cuộc bầu cử tự do, dân chủ thực sự.

Về trật tự xã hội, ai cũng biết trật tự xã hội Việt Nam hiện nay là một trật tự vô cùng bất công. Người dân không có một đồng để sống ; trong khi đó thì đảng đoàn cán bộ, con ông cháu cha tiêu tiền vứt qua cửa sổ. 80% người dân Việt Nam hiện nay khi bệnh không có thuốc uống, không dám đi bác sỹ, nhất là đi nhà thương. Chính báo cộng sản, tờ Người Lao Động có làm một cuộc nghiên cứu cách đây không lâu,  ở vùng vùng Cao Bằng, Lạng Sơn, vùng cao nguyên miền Trung, vùng hẻo lánh miền Nam, người dân hàng năm không có tới 30$ để sống ; trong khi đó con ông cháu cha, cán bộ đánh bạc cả canh hàng triệu $, như vụ PMU18 vừa qua. Cho nên cần một cuộc cách mạng để thay thế trật tự vô cùng bất công hiện nay, bằng một trật tự công bằng hơn. Tất nhiên ở trên đời nay không có công bằng tuyệt đối ; nhưng cũng phải có công bằng tương đối. Đó là người dân khi đói phải có cơm ăn ; khi rét phải có áo mặc ; khi bệnh phải có thuốc uống.

 

    I I I ) Tại sao cuộc cách mạng tương lai Việt Nam lại phải là dân chủ, nhân quyền, cách mạng độc lập cứu quốc và cách mạng dân chủ kiến quốc.

 

Một nhà tư tưởng đã nói : «  Dân chủ là mảnh đất mầu mỡ để phát triển kinh tế nẩy mầm. »

Thật đúng như vậy, nếu chúng ta nhìn vào thời nay, thời của văn minh tri thức, kinh tế điện tóan. Theo một số sử gia, kinh tế gia, thì lịch sử nhân loại chia ra làm 5 thời kỳ văn minh : văn minh chẩy hái, văn minh du mục, văn minh nông nghiệp, văn minh thương mại và ngày hôm nay là văn minh tri thức - điện toán. Lúc mới xuất hiện trên trái đất, con người hái trái cây hay săn bắn chung quanh hang hốc mình sống. Nhưng rồi từ từ, cây quả, thú rừng cũng khan hiếm, con ngưới bắt buộc đi xa để kiếm ăn, con người bước sang nền văn minh thứ nhì, văn minh du mục. Mặc dù đi xa, nhưng cây quả thú rừng cũng không có nhiều một cách tự nhiên, con người bắt buộc phải trồng trọt và nuôi xúc vật . Con người bước sang nền văn minh thứ 3, văn minh trồng trọt, nông nghiệp. Với nền văn minh này, con người đã thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu của mình. Một khi những nhu cầu căn bản được thỏa mãn, con người nghĩ đến những nhu cầu xa xỉ, như khi tôi trồng được lúa mì, nhưng tôi thích ăn lúa mạch, thì tôi trao đổi với người trồng lúa mạch ; như tôi dệt được vải, nhưng tôi thích mặc lụa, thì tôi trao đổi với người dệt lụa. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta thấy có con đường Tơ Lụa đông tây. Đây là nền văn minh thứ tư của nhân loại, văn minh thương mại. Trong thời kỳ này, con người đã phát minh ra máy hơi nươc, máy nổ, rồi điện, téléphone, máy điện tóan. Với những phát minh này, con người không cần đi xa, mà chỉ ngồi 1 chỗ với téléphone, máy điện tóan, cũng có thể mua bán trao đổi. Con người bước sang nền văn minh thứ 5, đó là văn minh tri thức, điện tóan. Tri thức, phát minh, điện tóan đã giữ một vai trò quan trọng trong tất cả các khâu của tiến trình sản xuất kinh tế, từ lúc sáng lập xí nghiệp, sản xuất hàng hóa, đến lúc phân phối, bán hàng trên thị trường. Văn minh tri thức diện tóan bắt buộc phải có một mô hình tổ chức nhân xã dân chủ tự do, vì chỉ sống dưới chế độ dân chủ, con người mới có thể trao đổi những ý kiến, tin tức, công trình nghiên cứu, mới có thể phát minh, sáng kiến. Vì thế, nên phát động cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền ở Việt Nam là đi đúng với chiều hướng tiến bộ của văn minh nhân loại, trái hẳn với những chế độ độc đoán, độc tài dù hữu hay tả, đều là đi ngược lại nền văn minh hiện đại của nhân loại.

Thật vậy, con người đã ra khỏi 4 thời kỳ văn minh trước, từ trẩy hái, qua du mục, tới thời kỳ văn minh định cư nông nghiệp, văn minh thương mại, bước vào cuộc cách mạng thứ nhất về kỹ nghệ bằng cách dùng máy hơi nước, để khai thác tài nguyên thiên nhiên, từ đầu thế kỷ thứ 18 tới cuối thế kỷ 19. Sang thế kỷ thứ 20, và vào giữa thế kỷ này, con người dùng máy nổ để cách mạng hóa công nghiệp. Cuộc cách mạng thứ 3 là cuộc cách mạng hậu công nghiệp, bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 cho tới ngày nay, với sự phát minh máy điện tóan thô sơ lúc ban đầu, được dùng trong quân sự, sau đó được hoàn hảo, thu nhỏ và được dùng trong lãnh vực kinh tế như chúng ta thấy ngày hôm nay.

Ở thời kỳ văn minh tri thức điện tóan ngày hôm nay, sản xuất kinh tế đã chuyển từ sức mạnh bắp thịt lên trí não, yếu tố quyết định trong sản xuất kinh tế không còn là nhân công đông, hầm mỏ nằm trong lòng đất, mà chính là nằm trong đầu óc con người với những phát minh sáng kiến. Quốc gia nào có mô hình tổ chức nhân xã dân chủ nhất, tôn trọng nhân quyền nhất, giúp con người có nhiều phát minh, sáng kiến nhất, quốc gia đó có sức sản xuất kinh tế mạnh nhất.

Bởi lẽ đó, cuộc cách mạng dân chủ, nhân quyền Việt Nam trong tương lai là một cuộc cách mạng dân chủ kiến quốc.

Nhưng đồng thời nó cũng phải là cuộc cách mạng độc lập cứu quốc, vì hiện nay dưới chế độ cộng sản, nước chúng ta không có độc lập. Ngoài việc dâng đất nhượng biển cho Trung Cộng, cộng sản Việt Nam còn đưa đất nước đến chỗ lệ thuộc về chính trị, kinh tế và văn hóa. Hàng hóa Trung Cộng tràn ngập thị trường Việt Nam, văn hóa phẩm Trung Cộng có mặt tại mọi nẻo đường, thôn xóm. Đại sứ Trung Cộng quả là một quan thái thú. Bất cứ quyết định quan trọng nào của Việt Nam, của đảng cộng sản Việt Nam đều phải có sự ưng thuận của Trung Cộng. Bởi lẽ đó phải cần có một cuộc cách mạng độc lập cứu quốc, lấy lại chủ quyền cho dân tộc, để xây dựng nền tảng dân chủ, mảnh đất mầu mở cho phát triển kinh tế nẩy mầm. Dân có giàu, nước mới mạnh, và mới có thể giữ nền tự chủ được lâu bền. 

 

    IV ) Cuộc cách mạng này có nhất thiết phải là bạo động hay không.

 

   Cách mạng không nhất thiết phải là bạo động, nhất là chúng ta quan sát những cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền gần đây tại Liên Sô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Nam Dương, Phi Luật Tân v.v... Cuộc cách mạng Tiệp còn được gọi là Cách Mạng Nhung. Vào những năm cuối thập niêm 80, quốc hội đương kim Tiệp họp khóang đại sửa đổi hiến pháp hiện hành từ độc khuynh, độc đảng thành đa khuynh, đa đảng, công nhận tất cả những quyền tự do căn bản cho người dân, cho phép tất cả những ai muốn lập đảng đều có quyền thành lập. Chính quyền cộng sản đương kim rút lui, mời ông Vaclas Havel, nhà trí thức, soạn giả kịch, nhưng cũng là một người đấu tranh cho tự do, dân chủ, đang bị cầm tù, ra thành lập một chính quyền lâm thời, có nhiệm vụ tổ chức một cuộc bầu cử theo tinh thần hiến pháp mới. Tự do chính trị, tự do lập hội, tự do ngôn luận, báo chí v.. v… được phục hồi, tôn trọng. Cuộc bầu cử được diễn ra trong tự do, dưới sự giám sát của quốc tế. Từ đó đến nay, nước Tiệp, với tên là Cộng Hòa Tiệp ( République Tchèque), có một nền dân chủ vững mạnh, một nền kinh tế tăng trưởng cao trong những nước Đông Âu.

Tất nhiên cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền Việt Nam có bạo động, đổ máu hay không phần lớn là tùy thuộc vào thái độ của giới cầm quyền cộng sản hiện nay, và nhờ vào tài lãnh đạo khôn khéo hay không của những người khởi xướng cách mạng.

 

    V ) Giai tầng nào sẽ là tác nhân của cuộc cách mạng tương lai Việt Nam

 

   Cuộc cách mạng tương lai Việt Nam phải là một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện và toàn cầu :

   -Toàn dân vì nó liên quan đến đại đa số dân tộc Việt Nam đang phải sống lầm than, cơ cực, bị bóc lột bởi một thiểu thiểu số đảng đoàn cán bộ cộng sản. Nó cần được hướng dẫn bởi những giá trị luân lý, đạo đức, văn hóa cổ truyền, văn minh toàn cầu, mà các vị lãnh tụ tôn giáo, trí thức tiến bộ, phản tỉnh là những người đại diện chính ; vì hiện nay đạo đức Việt Nam bị suy đồi, kỷ cương bị băng hoại ; những giá trị văn hóa cổ truyền, giá trị văn minh toàn cầu bị chà đạp. Nói dối, gian manh, quỉ quyệt, tham nhũng, hối hộ đã được đưa lên hàng quốc sách. Cuộc cách mạng mà trong đó thành phần quân cán chính phản tỉnh, những giai tầng bị thiệt thòi nhất như anh chị em thương binh, quả phụ ; giai tầng nông dân, công nhân bị bóc lột bởi tư bản đỏ trong nuớc và tư bản trắng quốc ngoại, phải là chất xúc tác chính.

   - Toàn diện, vì nó liên quan đến mọi lãnh vực, không chỉ chính trị, kinh tế, ngoại giao, mà còn là văn hóa, giáo dục. Cần phải có một nền giáo dục mới thay thế nền giáo dục độc khuynh mác-lê, tôn thờ lãnh tụ bằng một nền giáo dục đa khuynh, nhân bản, tiến bộ. Cần phải thay thế nền giáo dục từ chương, nhồi sọ, tuyên truyền, bóp méo sự thật, bằng một nền giáo dục thực tiễn, tôn trọng sự thật, không giáo điều, tôn trọng ý kiến, sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh, sinh viên.

 

   - Cuộc cách mạng đó còn là một cuộc cách mạng toàn cầu, vì nó cân phải tôn trọng những giá trị nhân bản, toàn cầu như tôn trọng nhân quyền, tự do, dân chủ. Nó cần sự giúp đỡ, yểm trợ của mọi người Việt ở khắp năm châu, của các quốc gia, chính phủ tự do, của các tổ chức nhân quyền quốc tế, của những trí thức, nhà văn, nhà báo quốc tế yêu chuộng tự do, dân chủ và nhân quyền.

 

   Dân Việt, nhất là giới trí thức và quân cán chánh cộng sản phản tỉnh, nên ý thức rất rõ ràng rằng muốn thoát khỏi nghèo đói, bất công, tụt hậu, muốn không còn bị lệ thuộc ngoại bang Trung Cộng, thì phải có một cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền, nhưng cũng đồng thời là cuộc cách mạng độc lập cứu quốc và dân chủ kiến quốc. Cuộc cách mạng này thành công hay không, sớm hay muộn, là tùy vào sự đóng góp tích cực của mọi người. Ở địa vị nào, có khả năng nào, hãy tích cực đóng góp khả năng đó ! Hãy tự cứu mình trước tiên, rồi Trời mới cứu mình sau ! ( Aide - toi, le Ciel t’aidera !), hay nói như một câu trâm ngôn Ai Cập : «  Anh muốn người ta cứu anh khỏi bờ vực thẳm, thì ít nhất anh cũng phải có can đảm bám chặt vào sợi dây người ta thả xuống để cứu anh !"

 

  Paris ngày 6/11/2006

        

    Chu chi Nam

 
  

 

 

(1) Xin xem thêm những bài của tác giả : Phê bình lý thuyết của K. Marx, Lý thuyết của Marx phản văn hóa và văn minh, trên các báo Việt ngữ hải ngoại.

 Nguồn:  http://chuchinam.pagesperso-orange.fr







Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Cuộc Cách Mạng Dân Chủ, Nhân Quyền
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com

Email: thuky@vietnamvanhien.net

"Bất chiến tự nhiên thành" chi kế
Văn Hiến ngàn năm sử đã đề

  Giải trừ quốc nạn bằng Tâm lực
"Nhân Chủ (tự chủ) - An Vi (an lạc)" khai lối về

Lấy Tâm Lực thay cho vũ lực để giải trừ quốc nạn là phục hoạt nếp sống Văn Hiến và
phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.