Chu Tri Lục
X.Y.Thái Dịch Lý Đông A


CHU TRI LỤC 4

Nói về chín kinh nghiệm quốc sử làm giáo huấn
cho cách mạng, chính trị của nước VIỆT.

Không đọc sử không đủ tư cách nói việc quốc gia. Đọc sử không giải được nghĩa và không nắm được thể dụng, không thể có được bản lĩnh về chính trị. Phải đem một tri thức suốt mặt thống nhất vào một nhỡn quang mới phân tích được một sự tượng trên lịch sử cho đích đáng.

Vì hoàn cảnh quan hệ không có tài liệu trên tay, lấy một sức nhớ có hạn và thiếu thốn, dám lạm bàn một hai tới mấy vấn đề quan trọng tách trong lịch sử ra, nó là then chốt của cả một sự nghiệp dân tộc ta ngày nay.

28. PHẦN 1

Nguồn gốc của nòi giống ta với văn hóa cổ của ta làm xuất phát điểm cho mỗi phán đoán về chính trị và làm trung tâm cho mỗi cử động của lịch sử.

Như đã nói, nòi giống Việt tức là Viêm, Miêu, Thái, Hải Đại, Mã Lai tộc có từ hơn một muôn năm trước, bàn cứ trên suốt cõi Đông Á, chỉ vì thuộc về tiền sử, chưa thể khảo ra chân mối.

Để ý đến các vấn đề:

1)      Nòi giống ta là thổ sinh hay từ Pamir đi xuống?

2)      Xuống ở Đông Á trước nòi Hán và Di bao nhiêu năm, lịch sử thế nào?
Một ít di tích về văn hóa Môn còn lại hay còn tiếng để lại, trong khi mọi thứ chưa được phát quật lên, phát sinh các vấn đề:

a)      Chữ Môn tức là lối khoa đẩu. Môn hệ đi ba với Phạn hệ, Hán hệ thành ba văn hóa hệ.

b)      Quần áo nòi Việt như Hán Thư Địa Lý Chí nói: mặc miếng vải như chăn đơn, thủng giữa để xỏ cổ.

1) Văn hóa Môn như thế nào? 1

2)      Nhân chủng của nòi Việt thế nào? 2

3)      Các nòi giống nào đến đồng hóa? (Như có một thuyết nói, Miêu đến diệt nòi Việt rồi thừa hưởng toàn bộ văn hóa ấy). Các nòi giống và nòi Hán được thừa hưởng những di sản gì về văn hóa Môn?

4)      Nòi Việt đích tông chúng ta còn di lưu lại cái gì trên tinh thần, vật chất là trực tiếp, gián tiếp vào văn hóa Môn? 3

5)       Sự phân hóa của nòi Việt và văn hóa khu Môn những đâu?

Một ít tài liệu còn lượm lặt được ngay trên lịch sử của nòi Hán. Từ đời Đại Việt, lúc tổ tiên ta còn trên sông Hoàng Hà tranh đấu lấy trung tâm của thiên hạ bấy giờ (Thái Sơn) cho mãi đến lúc xuống đến sông Dương Tử Giang, Ngũ Hồ, Ngũ Lĩnh, trong cái khoảng lịch sử Tàu từ Hoàng Đế đến Chiến Quốc, Xuân Thu cho tới Tần, Hán.

a) Trạng huống đấu tranh của Việt, Hán trong khoảng ấy? 4

b) Thần Nông, Viêm Đế, Thuấn phải chăng là nòi Việt, hoặc bằng quân sự hay chính trị đấu tranh mà chiếm được ngôi chí tôn của thiên hạ bấy giờ.

c) Lịch sử đấu tranh lấy Thái Sơn và ngôi thiên tử giữa ba nòi Hán, Việt, Di trong khoảng bấy giờ? Sự phân bố của nòi giống ấy?

d) Trạng huống Nam thiên của nòi Việt mất trung tâm và chia ra Bách Việt.

đ) Sự liên hệ giữa các nước Sở, Ngô, Việt với Việt Đại Việt.

e) Trạng huống của sự tái kiến lại trung tâm sinh hoạt Việt bởi đời Việt Thường mà lập ra Hồng Bàng? Sự phân phong lên núi xuống bể linh lạc, thất bại thế nào?

Ngày nay sự phân chia và ly tán của Bách Việt càng xa vời đi.

1) Sự liên hệ về các mặt giữa các nòi giống có máu Việt cũ?

2) Sự tái kiến lại Đại Việt cũ trên nền tảng một văn minh Viêm mới?

3) Lý tắc Totem của Tiên Rồng và văn hóa Môn tái kiến?

[1] Vũ khí thịnh nhất là cung nỏ.

[2] Theo sử Tàu, búi tóc vẽ mình, Việt, Ngô, Sở, miêu cũng thế.

[3] Tiên Rồng Totem.

[4] Trận Xi Vưu: Hoàng Đế kịch liệt lắm. Hán Thư Thiên Quan Chí nói: loạn nhà Tần từ Xi Vưu đến giờ chưa từng như thế.

29. PHẦN 2

Cả một lịch sử Tiểu Việt ta là cuộc đấu tranh máu sắt không dứt giữa nòi Hán có ý nghĩa:

1) Trung tâm phát động của lịch sử là dân tộc cách mạng.

2) Các cuộc đấu tranh của ta là một phòng tuyến không di dịch được để bảo vệ giọt máu cuối cùng Việt.

3) Cả một lịch sử Tiểu Việt 5.000 năm là gắng sức không dứt để tái kiến nòi Đại Việt và văn hóa Viêm.

4) Cả một lịch sử 5.000 năm là một tiểu vận động của lý tắc Totem Tiên Rồng trong đại vận động Việt.

5) Còn biểu hiện một cuộc phục hưng và phục hoạt Việt, mà thời cơ ở nơi gặp giữa cái tiểu đại vận động của lý tắc Totem Tiên Rồng. Cuộc đấu tranh bằng cách mạng dân tộc lần đầu tiên là Trưng Vương.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Đó là lời hiệu triệu của Trưng Vương lãnh đạo cuộc toàn dân cách mạng, mà thời vận lịch sử chưa nung nấu thành thục. Nhưng nó là tiên phong để mở đầu cho các cuộc đấu tranh sau. Truyện cột đồng của Mã Viện càng tỏ rõ cái kịch liệt của sự tranh đấu giữa hai nòi Hán, Việt, lòng yêu nòi giống của dân tộc Việt, với cái dã tâm đen tối của nòi Hán.


30. PHẦN 3

Sự thành công tối hậu của cuộc cách mạng kéo dài 10 năm ở thời Hoa Lau Vạn Thắng.

Sự dung hòa của ba nền văn hóa Tàu, Ấn, Việt, bắt đầu từ đời An Dương Vương và Triệu, nhưng mà sự xâm lược của nòi Hán làm cho sự dung hòa hai văn hóa Tàu, Việt càng khó khăn, do đó sự thành công của Vạn Thắng mở ra một thời Đại Việt mới là tất nhiên thành công của đáy tầng và dân tộc.

Thời kỳ cự tuyệt là từ Hồng Bàng đến Trưng Vương.

Thời kỳ dung hòa là đời Khúc (với chế độ tự trị Tiết Độ Sứ).

Thời phản tỉnh là đời Ngô với chế độ tự trị vương và 12 sứ quân.

Thời sáng tạo là đời Vạn Thắng (Đinh). Một giai tầng đáy và trung kiên có cái hoa lau làm hiệu, ở đấy đã hoàn thành mà làm chủ thời đại mới.

Vạn Thắng nghĩa là:

Thắng hơn ngàn năm đô hộ và đồng hóa, lập nên một nền tảng của cuộc độc lập và tồn chủng.

Thắng tất cả cuộc thất bại trên đấu tranh cũ lập nên xuất phát điểm của cuộc thắng lợi mai sau bảo vệ cho nòi giống.

Thắng tất cả các cuộc thỏa hiệp, dung hòa và phản tỉnh không triệt để.

Thắng tất cả tự trị, lập nên dòng dõi của một văn minh mới dân tộc.

Thắng tất cả mọi chia rẽ và cắt cứ bên trong lập nên cuộc thống nhất.

Thắng tất cả các tính ươn hèn và quị lụy của mặt tầng, lập nên thói quen của tranh đấu.

Thắng tất cả các sự tự trị và phân hóa trong trận doanh tranh đấu là thời tranh bá đồ vương và quân phiệt cũ, lập nên nền móng dân bản bình dân chính trị.

Sự thất bại trên cá tính và bất chính trị (impolitique) của Đinh Tiên Hoàng chỉ là thất bại cho cá nhân và gia đình. Cuộc văn trị bao giờ cũng cần yếu, đi sau cuộc vũ lược mà không biết. Nhưng mà nền tảng của nòi Việt Vạn Thắng đã chắc chắn thành lập để phát huy ra những vinh dự Lý–Trần. Sự tái kiến của Đại Việt chính là sự tái kiến của thời đại Vạn Thắng trên một nền tảng với các điều kiện khoáng trương và phát triển hơn. Nhưng cái tinh thần cốt cán phải chăng vẫn là Vạn Thắng.

31. PHẦN 4

Cuộc chiến tranh Lý –Tống tức là sự xung đột giữa thể chế dân bản với thể chế đế quốc, mà dân chủ quyết định phải thắng.

Xã hội Tống đang chạy dài vào con đường tư bản chủ nghĩa (kinh đô Hàng Châu với các thành thị lớn, công, thương nghiệp lạ lùng phát đạt) trong khi nền tảng nông nghiệp vì chính trị bất lương và sự lũng đoạn của địa chủ trong quan liêu giới, mà dẫn khởi một sự phân hóa với nhiễu loạn rất lớn. Vương An Thạch là tín đồ của pháp học phái, lúc ấy đứng lên đề xướng biến pháp. Nó tu chỉnh lại quan hệ kinh tế của nông nghiệp nội bộ với công, thương nghiệp, một mặt đem kinh tế quốc dân lệ thuộc dưới chỉ đạo của chính phủ và một mặt cái chính phủ đó lấy chính trị xâm lược phát triển ra ngoài làm phương hướng. Sự thí nghiệm cái phát triển ấy đổ vào đầu ta trước, bằng sự cấm chợ, ngăn sông vùng biên giới Quảng Tây và sự ăn cướp mỏ vàng Quảng Nguyên.

Tờ tuyên ngôn khai chiến phát ra từ chính phủ ta kịch liệt công kích sự biến pháp của Vương An Thạch từ cái mục tiêu đen tối, đối trong đối ngoài của nó. Tờ đó cũng như tờ hịch phản đế vậy.

Các trận Ung, Khâm, Liêm của Lý Thường Kiệt cần phải được cho vào chiến sử và phát huy hết giá trị của nó ra, trong khi chúng ta phải ca ngợi tinh thần phản đế của dân tộc. Cái kinh nghiệm trên quân sự học là lấy công làm thủ ở cuộc chiến tranh này, mong các nhà chiến lược Việt về sau đừng quên.

32. PHẦN 5

Sự thắng lợi của cuộc kháng Nguyên chiến tranh là một bài học lớn lao cho đạo lập quốc trên suốt mặt văn hóa thế nào, ở đó mới có cội rễ của cái đạo thắng trận chân chính.

Hốt Tất Liệt, hung thần trên con ngựa Mông Cổ, tuyên bố phải mang dân tộc ở màn vải lên trên đầu hết giống nòi thế giới mới phỉ chí và giong ruổi quân Nguyên chiếm lĩnh và chinh phục nòi Hán làm tay sai, lấy đó làm căn cứ địa tốc quân sang đến Arabie, Perse, qua Sibérie sang tận Danube, Dniepr mà tới cửa ngõ thành Vienne. Trong đời đạo quân 10 triệu ấy chỉ biết có ngọn gió Itsé làm đắm thuyền với bàn tay Việt làm tan tác mảnh giáp không còn.

Chiến lược của quân Nguyên, y theo nền tảng và quan hệ xã hội và kinh tế của du mục hiếu chiến, đại thể là thứ kỵ binh thiểm điện chiến (Blizkrieg) của lính ngựa. Sự phối bị của quân đội ấy hoàn toàn theo thể chế của phong kiến bộ lạc. Để cho hợp với mục đích chiến lược, tất cả đồ trang bị đều nhẹ nhàng, gọn gàng, kín đáo. Bộ tổng tham mưu thi hành chiến lược đó trên cái quy mô và thủ tục khoa học thật hiện đại. Sau khi đã triển khai lưới gián điệp suốt nước và tình báo chiến địa xong xuôi mới quy định một kế hoạch tác chiến. Nước bị đánh bị uy hiếp dưới một kế hoạch tác chiến lấy tiêu diệt năng lực chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự suốt mặt, dưới một động tác thi hành rất khéo léo bằng đủ thứ sách lược rất quỷ quyệt, những hành vi rất tàn ác, những phá hoại rất triệt để và những cất nhắc rất nhanh chóng. Đấy là toàn bộ mặt mũi của toàn diện chiến và quốc lực chiến ngày nay.

Sự thắng trận của Trần Hưng Đạo đặt trên cả một nền tảng xã hội đời Lý đến Trần, và cả một thể hệ vật chất với tinh thần trọn vẹn. Cái kết cấu của xã hội ta lúc bấy giờ một bề là xã hội đan lát với một bề là chính trị tổ chức từ gia đình, gia tộc, tông tộc đến quốc gia phối hợp từ bảo đến giáp, thôn, xã, tổng, tỉnh và quốc gia. Sự chỉnh lý ấy lại thêm sinh hoạt kinh tế quốc dân từ đời Lý làm cho thiên hạ toàn thể quân điền, bình đẳng trên tài sản và tự do trên hưởng dụng.

Trên nền tảng xã hội ấy mà sản sinh nguồn cội của độc lập ngay trên tinh thần. Sự thống nhất tinh hoa của Tam Giáo lại đi qua cái hình thức và gột lọc dân tộc mà biểu hiện ra một thể hệ tư tưởng cảm giác độc lập. Lại cái công lao của chữ nôm làm cho sự diễn đạt được độc lập. Các sự nghiệp lớn lao của các nhà đại sử học có phương pháp khoa học, có trí óc sáng kiến, có tài ba tổ chức giúp vào sự điều dưỡng cái tinh thần quốc dân trong lò lửa ái quốc. Các văn nghệ, nghệ thuật và thần đạo sáng suốt tự bấy giờ còn nung đúc sinh hoạt của quốc dân trong một bầu không khí cao thượng, nó cần dùng cho mọi xã hội văn minh.

Cái thể chế dân bản chính trị cũng là độc sáng của ta với chế độ vốn cũ của công đình, nơi mà toàn thể dân chúng hội họp với nhà vua bàn luận việc nước. Các chính sách khoa cử, đê điều, doanh điền, trọng công và trọng thương làm cho toàn thể xã hội ngày một phồn hoa lên, cái đó nó khuyến khích tất cả các cuộc tiến hóa khác. Sự quay về tập quyền trên chính thể của nhà Trần, nhưng vẫn không mất hẳn cái tác dụng dân chủ của dân chúng, giáo dục phổ cập đi đôi với sự giảng cứu vũ bị, phát triển nông thôn và ngư nghiệp càng làm cho năng lực bản thân của dân chúng rất cao, cái ấy hợp với tất cả, kiến thành cái tiềm tại vũ lực (tức là cái căn bản nội tại) của dân tộc rất lớn.

Dưới cái bối cảnh ấy, cuộc Trần Nguyên chiến tranh chính thức bùng nổ sau các cuộc ngoại giao gay gắt. Ở đây chúng ta có thể trông thấy những cận nhân của cuộc thắng trận bằng những cách thi thố và xử trí của triều Trần bấy giờ.

Sự phát động Nguyên Lão hội nghị Phúc Xá cho ta biết một ý nghĩa là xã hội ấy trưởng lão làm trung tâm, và một ý nghĩa là tinh thần dân chủ chưa mất, cái ấy rất cần trong toàn dân kháng chiến; còn một ý nghĩa nữa là sự xách động kháng chiến cố nhiên ở chính phủ, nhưng ý chí của dân chúng trong quyết nghị của các đại biểu mới có sức hiệu triệu; tuân tòng và cái đó mà chế định ra một tối cao quốc sách làm một phương châm chỉ đạo lâu dài không thay đổi, nhờ đó nó ấn định hết thảy các thố thi, nó quyết định các xử trí mà làm cho đời sống chính trị của quốc dân và quốc gia không bị năm bè bảy mối, ngã ba ngã bảy: quốc sách ấy là kháng chiến.

Chiến lược của kháng chiến bao giờ cũng trên điều kiện bị động, phối hợp với tình thế xã hội và xu hướng chính trị bấy giờ mà quyết định. Trì cửu chiến phối hợp với du kích chiến, tiêu hao chiến, nó là toàn dân chiến lược. Chiến lược chỉ đạo cho nội chính. Cuộc tổng động viên về tinh thần làm bằng vè và hịch; cuộc tổng động viên nhân sự làm bằng sự khoáng sung quân đội, chiêu la tướng tài, tổ chức dân chúng, huấn luyện chiến bị; cuộc tổng động viên vật lực làm bằng thu tập kinh tế về các giải đất dự định làm an toàn, di động các các lao động đi sinh sản, tổ chức kiên bích thanh dã, tổ chức dân dũng và cần vương quân. Sự ân xá các tội phạm và sự thu la các phần tử bất đắc chí còn là một đả kích rất lớn cho âm mưu của giặc Nguyên định lấy Trần Ích Tắc làm chính phủ bù nhìn.

Lòng trung dũng của toàn thể tướng sĩ phối hợp với sự đoàn kết nhất chí của tất cả dân chúng. Quyết chết nghĩa là quyết sống, người người đều khắc hai chữ Sát Thát vào bả vai, tỏ ý không hàng và không thỏa hiệp; toàn thể quốc gia suốt bao năm trời khổ đấu chỉ có một hai làng Đông Khê bỏ đi theo giặc làm hướng đạo.

Ngoại giao cũng thực hành theo mục đích của chiến lược. Lấy một lập trường nghiêm chỉnh và một hành động quả đoán để đối phó với quân địch, mới là đạo quyết thắng. Sự làm trung lập hóa nước Chàm thành công ở lòng kiên quyết tỏ rõ sự tín nghĩa của nước ta không cho mượn đường với giặc, cái đó đáng giá lòng biết ơn của người Chàm và tình hữu nghị (vua Chàm lấy Huyền Trân công chúa) của hai nước tuyệt không thể còn chỗ nào cho người Chàm quay giáo lại theo quân Nguyên. Các bộ tộc đều được an phủ một cách xứng đáng, làm cho hết mọi điều lo ngại mặt sau, còn được lòng tin, sự giúp đỡ quân sự và kinh tế của số đông các bộ tộc (như Đặng Nghĩa). Khu an toàn đã dự kế trước, ở đấy thành lập một căn cứ để tổng phản công và hồi sinh của nòi giống.

Tất cả các gắng sức lớn lao bằng máu và mồ hôi đều vô kể. Người ta đào cả những con sông dài để vận tải, người ta giữ chặt các nơi hiểm yếu, người ta len lỏi, chết đói, và khổ nhọc hàng mấy năm ngoài khu du kích.

Quân Nguyên chia 5 đường vào: Vân Nam, Chi Lăng (bộ quân), Vạn Kiếp (thủy quân), Tây Kết (quân đổ bộ) và Thuận Hóa (quân đổ bộ). Đại bản doanh đóng ở Bắc Lệ, hữu ở Thăng Long, tả ở Vạn Kiếp. Quân ta Trần Hưng Đạo tức Tam Quân Tổng Tư Lệnh, Trần Quang Khải ví như Lục Quân Tư Lệnh, Trần Nhật Duật và Trần Quốc Toản ví như Du Kích Tư Lệnh. Giờ phản công đến sau bốn năm kháng chiến trên trận tuyến đó, để sau trận Chương Dương, Hàm Tử và Tây Kết phá vỡ hữu dực và quân biệt động của bên địch, tiến lên thu vớt nốt hiệu quả của tiêu hao chiến bằng trận Vạn Kiếp, để rồi khép chính quy và du kích quân lên bao vây Thoát Hoan ở Bắc Lệ, y phải chui vào ống đồng hết vía mà về Tàu.

Xem đó cuộc thắng trận đã đem lại bởi dân tộc có căn bản nội tại phối hợp với lúc lâm thời có một quốc sách cố định thực lâu dài. Sự kiến thiết một hồi sinh căn cứ địa chính là tiêu điểm của cuộc thắng lợi. Sự phát huy được sức lực toàn dân ví như dây cung căng lên bắn ra hết sức cái tên theo một phương hướng sống còn cho nòi giống. Sự độc lập và thắng lợi nó là những hiệu quả của các tiền đề kia phát huy ra thực tiễn.

33. PHẦN 6

Cuộc dân tộc cách mạng của Lê Thái Tổ là mẫu mực trọn vẹn nhất của các cuộc dân tộc cách mạng, cũng như cuộc Trần Nguyên chiến tranh là mẫu mực của hai điển hình xã hội và kinh tế tương phản xung đột nhau bằng hai điển hình chiến lược tương phản, chiếu ứng vào hai trận doanh chiến lược đời nay, chỉ khác nhau trên kỹ thuật.

Cuộc cách mạng dân tộc hồi thế kỷ thứ 15, phát động bởi Lê Thái Tổ, dưới bối cảnh thống trị của nhà Minh đã xứng đáng làm một khuôn khổ trọn vẹn trên mọi mặt và mọi nguyên tắc của dân tộc cách mạng.

Nhà Minh là chế độ một trăm phần trăm phát xít trên hết cả ý nghĩa tối rộng rãi mà những người ghê sợ chủ nghĩa toàn thể đã quan cảm đối với chủ nghĩa phát xít. Nhà Minh sang ta còn để rõ bộ mặt đế quốc thực dân phát xít tối phong kiến, tối hắc ám không còn lời nào tả xiết của Á Đông. Chính phủ trung ương tổ chức bằng ba đầu chính trị (triumvirat) tập trung quyền điều khiển dưới đầu quân sự (Đô Chỉ Huy Sứ). Án Sát Sứ và Bố Chính Sứ chỉ huy quyền tư pháp và dân sự. Chế độ quân sự tập quyền ấy đem tất cả người, vật, đất, tiền, việc làm cõi Việt ta võng la lại thành một thể chế cực kỳ nghiêm mật: công nhân bị khống chế dưới các tạp tạo cục, nông dân bị khống chế dưới các hương lẫm thu hết thóc gạo tập trung lại cũng ví như tạp tạo cục, bóc lột hết sức và phẩm lao động cho quan nha xử dụng, nhà buôn bị khống chế dưới các thương vụ cục, ở đấy thuế má chiếm hết các lãi lờ mà quyền đối ngoại mậu dịch bị bóc lột hết. Tăng giới bị khống chế dưới tăng khu, tăng kỷ và tăng cương. Đạo giới bị khống chế dưới đạo khu, đạo kỷ và đạo cương. Thầy bói bị khống chế dưới quyền một ty cục sở tại. Muối bị khống chế dưới diêm thuế cục. Ngoài các quân khu, tư pháp khu, còn các hành chính khu, tất cả những cơ cấu ấy đan lát nhau lại thành những gọng kìm sắt nóng ép người Việt dưới cuộc thống trị, lấy quân sự đem chủng tộc đi xâm lược. Các cơ cấu ấy đều thống nhất dưới một chính sách tối cao là tiêu diệt và đồng hóa nòi giống Việt mà các thi chính thực tiễn đã chứng thực là bằng lưỡi lê bắt ép người Việt mặc áo Tàu, nói tiếng Tàu, cắt tóc, để răng trắng, mặc áo khách (áo cộc là di sỉ đến ngày nay), bắt các nhân tài Việt (như Lê Tắc làm quyển An Nam Chí Lược, Nguyễn Văn An xây thành Bắc Kinh) đủ mọi mặt (nho, văn, nghệ thuật, chính trị v.v…), giả vờ dụ các nhân tài lâm tuyền ra rồi giết đi, hiếp tróc đàn bà con gái, di dân và tù tội sang tranh cướp, bá chiếm tài sản người Việt, thu hết sách vở, văn hóa phẩm, nghệ thuật phẩm, quý vật của người Việt về dùng hay hủy đi, tiêu diệt bằng dân tộc hết thảy dân tộc ý thức và tự tín tâm, hạn chế và cố ý giảm bớt sinh hoạt thủy chuẩn của người Việt, bằng cách lao dịch xử dụng người Việt vào hết thảy các công việc nhọc nhằn và nguy hiểm (mò trai đáy bể, kéo gỗ trên rừng, săn tê trên núi…) bằng giết và cưỡng bách nuôi trẻ con, hạn chế hết kinh tế năng lực và văn hóa thủy chuẩn của người Việt, giao thông hoàn toàn kiểm tra và trở cách v.v…, tất cả một gia pháp của tụi đô hộ đồng hóa ngày xưa thêm vào chính sách cá nhân của tụi Thái Thú và quan lại hiếp bách không thể sao tả được cái tàn ác của văn minh trên tổ chức và kỹ thuật diệt chủng vong quốc người ta đó.

Dưới bối cảnh đó tự nhiên phát sinh các vấn đề:

1) Dưới sự khống chế các mặt ngặt nghèo như vậy, hiệu triệu dân chúng, liên lạc sức lực cách mạng thế nào?

2) Với sự kiểm tra triệt để các mặt như vậy, vũ khí và tổ chức phải thi hành thế nào?

Lê Lợi cũng vào số những anh hùng thảo dã được dụ ra làm quan, ưỡn ngực oai hùng mà nói: “Đại trượng phu sinh ra ở đời, đương lập công lớn, cứu nạn lớn, để tiếng thơm nghìn đời, há để cho người khác (người nước khác) sai khiến mình sao?”. Chiến đấu dư luận đã cho tung hoành bằng mồm miệng khắp nước để phối hợp với sấm truyền mà dẫn khởi lòng tự tín và đấu tranh khắp nhân gian. Các cuộc huyền ảo tuyên truyền đã xếp đặt rất khéo léo để cho dân gian hiểu biết đến con người lãnh tụ của mình. Các mặt trận vô hình tự thành với sự liên lạc của anh hùng thảo dã, chờ một thời cơ mở cờ lên cứu nước.

Thành Lục Hoa và trại Lam Sơn là nơi xuất phát căn cứ địa mà còn là nơi hồi sinh căn cứ địa của dân tộc, nơi kho tàng của vũ lực và cán bộ. Chiến lược địa lý đã vạch ra bằng hình thế tam giác Lục Hoa, Hòa Bình với Tản Viên Sơn, nơi chủ lực của vũ lực. Ở đây nguyên tắc hành binh: “Tàng ư cửu địa chi hạ, động ư cửu thiên chi thượng” đã được đem ra thực tiễn một cách hiệu quả. Sự lấy thời gian mà đổi lấy không gian phải là một cách kế toán chiến lược của hoàn cảnh ấy. Dân chúng từng lượt huy động hết, huy động cả tài năng, sức lực của mình ra, tất cả vì mười năm trời toàn dân tranh đấu đó.

Cách mạng ngoại giao cũng đã được thực hiện cả những nguyên tắc của nó, không nhục đến quốc thể. Chúng ta không mong gì sự giúp đỡ của người Chàm, trừ sự lo ngại Tàu bán ta hay chia ta có điều kiện với người láng giềng phía Nam ấy. Ta chỉ bằng một sách lược lấy người Việt và Chàm kiều làm vũ khí, một mặt ly gián Chàm với Tàu, một mặt mua chuộc sự trung lập của họ và vạch cho họ biết cái lợi hại ngồi yên là có lợi cho tương lai của họ. Các bộ lạc đều vì mệnh vận chung của giải đất mà trên tinh thần với vật chất bổ cứu, viện trợ cho không ít. Sự độc lập với giải phóng của chúng ta bao giờ cũng có máu của họ chảy lẫn vào dòng máu của chúng ta trên một hàng trận vật lộn cho cùng một phương hướng sống.

Trên dân tộc cách mạng, sự giúp đỡ chỉ là ngoại phụ đối với quốc tế; sự huy động được sức lực và tinh thần của toàn dân rót cả vào vũ lực đấu tranh (tính toán trên chủ lực, chí lực, cứ điểm, v.v…) mới là điều kiện cốt cán. Sự thành lập hồi sinh căn cứ địa cho dân tộc là bảo chướng cho cách mạng và kiến thiết được trì cửu và thành công. Sự phối hợp được vũ lực của cách mạng vào dân chúng trở thành vũ lực của dân chúng mới phát triển nổi toàn dân cách mạng và toàn dân chiến lược. Cái quyết tâm và kế hoạch tự lực cánh sinh phải làm chủ yếu trong bộ óc của bộ tham mưu đó.

34. PHẦN 7

Nguyễn Quang Trung là mẫu mực anh hùng của thiên tài sáng tạo quá thời và là một mối tiếc hận cho người Việt trong vận tiến hóa trước.

Thời đại ấy chính là lúc Nam Bắc phân tranh chưa thôi, hai họ Nguyện Trịnh trong cuộc thống trị đã đào tạo nên một giai tầng quý tộc làm hậu thuẫn cho chính quyền mình, vừa tới lúc xã hội đồi bại, chính trị bất lương và lúc giai tầng quốc dân vừa thành hình thì nhà Tây Sơn xuất hiện với Nguyễn Huệ song song đi đôi với Napoléon. Người Pháp thường ví Nguyễn Huệ với Napoléon, song sự so ví ấy chỉ làm giảm bớt giá trị của Nguyễn Huệ đi rất nhiều. Đáng lẽ nước Việt đã đi trước trong kỳ văn minh trước và đi trước cuộc duy tân Nhật Bản trước 100 năm, để hoàn thành cuộc phục hưng và phục hoạt Đại Việt từ đấy. Tiếc rằng cái nền tảng xã hội và thủy chuẩn văn hóa bấy giờ chưa đi kịp với óc sáng tạo đi trước của Quang Trung. Sự đợi lại là một cái thiệt trên thời gian quá khứ, nhưng là một cái rôi trên thời đại tương lai.

Cái thiên tài quân sự của Quang Trung biểu hiệu ra bằng trận Đống Đa, trận Quy Nhơn và trận Gia Định. Trận Đống Đa đánh sau 7 ngày cưỡng hành quân, thực hành bằng chiến thuật đánh chọc thủng giữa (trung ương đột phá) phối hợp với sách lược tuyên truyền thẩm thấu.

Trận Gia Định cũng đánh sau nửa tháng cưỡng hành quân với chiến lược đại bao vây, phối hợp với tiểu bao vây. Quân Xiêm khôn hơn quân Tàu bằng cách chia quân đóng tản từ thành thị về thôn quê, định thực hiện lối toàn diện chiếm lĩnh. Chiến lược của Nguyễn Huệ đã tiêu diệt hẳn hơn 10 vạn quân Xiêm chạy về tới đất nước còn được hơn 200 quân, cũng như đã tiêu diệt hẳn hơn 15 vạn quân Thanh chạy về tới đất nước còn có hơn 100 với ông tướng Tôn Sĩ Nghị áo mũ rách tả tơi, để lại cả các ấn tín Tổng Đốc Vân Nam và huyện trưởng các huyện. Nhà Thanh muốn học lại cái thủ đoạn cũ của nhà Minh, muốn nhân dịp nội bộ hữu sự mà sang đặt để quận huyện đất Việt.

Trận Quy Nhơn là trận đánh bại quân Pháp với Gia Long bằng trí óc khoa học, dùng nghi binh để đánh lạc chú ý của quân địch rồi đem nhựa thông phóng ra đánh hỏa công, được cái kết quả toàn bộ tiêu diệt quân địch cũng như hai trận lớn trên bộ.

Mục đích chiến tranh là hoàn toàn tiêu diệt được quân địch với tất cả năng lực công thủ và khôi phục được của nó. Ta nên hiểu rằng trận Cannae, trận Sedan coi là binh lược điển hình của toàn thế giới cũng chỉ được coi dưới cái giá trị của trận Đống Đa, Gia Định mà thôi.

Trận Quy Nhơn phải cho là trận ưu việt của Nguyễn Huệ đối với Napoléon. Napoléon há chẳng bao giờ cũng thất bại trên hải chiến sao? Kể tất cả các trận của Napoléon, trừ trận Austerlitz đánh lối phản bao vây ra, há có thể còn trận nào sánh được trên giá trị quân sự với các trận Đống Đa và Gia Định?

Thiên tài chính trị của Quang Trung biểu hiện ra bằng sự đi trước hẳn thế giới với kết quả sáng tạo của dự kế chính trị. Thời đó trừ chế độ dự toán hằng năm ra (budget annuel), há đã ai và nước nào đã có kế hoạch chính trị 10 năm? Dưới phương hướng của 10 năm kế hoạch đó, sự biến pháp dần dà được thực hành, dân chủ có cơ được thực hiện, dân chúng tổ huấn đang tiến hành gấp, quân đội tổ chức đang trên chương trình phát triển và khoáng trương, kinh tế đang hết sức chỉnh lý và biên chế, công nhân đang được chỉ đạo về phía quân sự và dân sinh được trọn vẹn cả đôi, ngoại giao thi hành cương ngạnh để yểm hộ cho đối ngoại mậu dịch đã chớm nở ba năm rồi… Quang Trung bỗng chết yểu!

Kế hoạch của Quang Trung đáng dị nghị trên điểm quốc gia chưa được thống nhất mà phương hướng chính trị đã tỏ lộ ra bên ngoài, mặc dầu mục tiêu của các cuộc phát triển ấy ở các nơi nội địa trên lịch sử ta. Sự thất bại của Quang Trung ở đó một phần, một phần còn ở sự thiếu thốn cán bộ. Nhưng cái nguyên cớ chính của cuộc thất bại này là nền tảng với điều kiện chủ quan của xã hội ta không đi kịp với cuộc chạy dài trên tiến hóa của quốc tế. Mỗi nhân tài thành công là ở nhỡn quang trông vượt khỏi thời đại, có một vũ khí với phương pháp đi trước đời, cái thất bại còn ở đó mà ra. Dù sao, Nguyễn Huệ, một thiên tài mô phạm của tinh thần dân tộc sáng tạo của dân tộc ta, luận về hành quân của ông phải nói rằng: ông có một khoa học kiêm cả một nghệ thuật về quân sự của thời đại XX, hợp với chế độ của toàn diện chiến tranh của chiến tranh chớp nhoáng; cũng như nói về chính trị của ông phải nói rằng: ông là người của thời đại XX trên kế hoạch xã hội và kế hoạch chính trị.

35. PHẦN 8

Phan Sào Nam là chốt khóa nối liền lịch sử từ 1865 đến 1940 của nước Việt mà địa vị danh dự làm tối cao lãnh tụ của cách mạng Việt rất xứng đáng.

Thời đại Phan Sào Nam là thời đại mà giai tầng nho sĩ làm trung kiên của quốc dân, cái ý thức lúc ấy đang lúc mặt tầng hai văn hóa Đông Tây mới chớm đầu thỏa hiệp. Tuệ đức của người cách mạng chân chính, cho khỏi phụ với quốc thể, phải tu dưỡng trên sự thể nghiệm cái tư cách lịch sử của dân tộc, cái quyền lợi đương nhiên của người sống, các nguyên tắc nền tảng về quốc tế trong quốc tế công pháp để mà hòa lập trường riêng cá nhân bằng lập trường công, đối trong đối ngoài, phải giữ được lập trường nghiêm chỉnh, thái độ trực triệt, nhân cách siêu nhiên và hành động quả đoán. Có thế mới thi hành được không nhục cái sứ mệnh của cách mạng ngoại giao. Phan Sào Nam ở cái địa vị lịch sử của mình đã mở đầu cho cuộc cách mạng có tổ chức và kỹ thuật hiện đại của nước ta cả bên trong lẫn bên ngoài để về sau các cán bộ chia rẽ ra thành hai hệ chính là Quốc Dân Đảng và và Độc Lập Đảng sau biến ra Cộng Sản Đảng. Chủ trương của cụ gồm vào câu nói: “Dân chúng chẳng duy tâm, chẳng duy vật mà chỉ duy dân”, nó ám hợp với tiền đề triết học của bản đảng, tiếc rằng tập cương lĩnh chính trị của cụ về chính sách duy dân xuất bản bên Tàu nay đều mất. Người ta nói là tựa như Tam Dân Chủ Nghĩa cũng hơi có lý, vì cụ vừa chịu ảnh hưởng của Tôn Văn và Lương Khải Siêu. Ngoài ra, các chủ trương dân tộc tản mác trong các bộ trước tác như “Lưu Cầu Huyết Lệ Tâm Thư”, “Hải Ngoại Huyết Thư”, “Việt Dân Tộc Văn Minh Khởi Điểm Sử”, “Pháp Việt Đề Huề”, vì không có người biểu dương được chân nghĩa ra, cho nên quốc dân vẫn bị lu mờ đến nỗi nhiều phần tử có tư kiến và tư lợi, dùng chỗ đó mà phao truyền ra, vu hãm cho cụ nhiều điều không hay dưới một tác dụng ám muội, nhưng mà quyết là đồ nhiên.

Quyển “Việt Dân Tộc Văn Minh Khởi Điểm Sử” tưởng làm cốt cán trong tâm uẩn những hoài bão của Sào Nam. Văn minh nghĩa là phương thức sống của loài người ở trong sự không dứt tiến hóa; dân tộc văn minh nghĩa là phương thức sống đặc thù của dân tộc dưới tiền đề của tự lực, trí sáng tạo, các cuộc tranh đấu cho độc lập và sự tu dưỡng dân tộc tính, tình, và chí; cái dân tộc văn minh ấy phải dưới hình thái Việt. Nhưng mà cái khởi điểm của văn minh dân tộc ấy là ở đâu? Ở ngọn nguồn của lịch sử hay với bối cảnh sản sinh của tác phẩm đó bắt đầu từ lúc những hành động vô cùng dã man tàn ngược của giặc Pháp đem đến giải đất ta với cuộc xâm lược vô nhân đạo? Không, quyết không! Văn minh đã là phương thức sống trên nền tảng Người đang ở trong sự không dứt tiến hóa thì cái khởi điểm của nó cũng không lúc nào dứt, uẩn tàng bên trong dòng sống đó. Cái khởi điểm đó tưởng là ở trong nhân tố nó kết cấu nên cuộc sống văn minh:

1) Lòng yêu với người thân: nhiễu điều phủ lấy giá gương.

2) Hai bàn tay với đất đai, nước mắt và mồ hôi làm nên hết các hiện tượng của văn minh.

3) Trí óc với sáng tạo ví như hoa nở trên bồn đất.

4) Máu đào và tranh đấu với quân địch, tổ tiên con cháu cùng nhuộm máu trên giải đất từng chứng kiến bao nhiêu trận oanh liệt còn ghi vết anh hùng.

Những nhân tố ấy không dứt là khởi điểm của văn minh, mọi cuộc văn minh không dứt trong tiến hóa và còn là khởi điểm bất cứ lúc nào. Mà dân tộc văn minh Việt cũng là khởi điểm của mọi chủ trương cách mạng của dân tộc Việt đó. Người ta được học ở trong quyển đó bản thống kê đích xác của nhân khẩu: nòi giống ta ít nhất là 50 triệu trở lên vì sự thiếu thốn và dìm giảm của con số khác. Còn được học cái kinh nghiệm của nòi giống sống trong tự do phải bán trời để nộp thuế mà cũng chưa hết tội. Sự đấu tranh thực tiễn của nòi giống trên lịch sử mấy chục năm trời có chứng cớ sắt máu, phải tỏ rõ cho chúng ta, người sau, biết cái gian nan, khốn khổ, nhọc nhằn, sỉ nhục, thảm họa của sự vật lộn lấy sống còn chung trong một lúc tự động tổng động viên của toàn dân phản Pháp xâm lược và phản Gia Tô, phản Việt gian trên tất cả cái nhộn nhịp cảm động, uất ức của toàn dân vi binh, toàn địa vi phòng, toàn tài vi dụng. Nòi giống để mà sống còn phải phát huy được cái tự lực mà tất cả các kinh nghiệm lịch sử đều chứng tỏ cho chúng ta biết rằng: nòi giống tất sẽ sau rốt thắng lợi. Chúng ta, ngoài sự nhận thức trên, còn nên để ý đến quyển “Pháp Việt Đề Huề” bằng sự thấm thía đến cái nội dung chua chát ở trong chữ “đề huề”. Sự phục hưng và phục hoạt nòi giống phải bắt đầu bằng sự phục hưng và phục hoạt nhân cách dân tộc. Muốn thế phải đề khởi lại cái lòng tự tín của dân tộc ủy mị dưới gót sắt thống trị của quân địch còn như đám tro tàn mùa gió lạnh. Thế thì thủ đoạn “ném gạch dấu ngọc” tuy thuộc bất đắc dĩ nhưng cái khổ tâm của người chí sĩ bị giam cầm mà muốn cống hiến, ta phải nên lượng tới.

Quân Pháp chỉ là quân địch trước mắt, đến sau quân Pháp mà còn nguy hiểm cho nòi giống gấp vạn bội quân Pháp là kẻ 20 năm sau nữa đến, cũng ví như hoàn cảnh của chúng ta ngày nay, Pháp, Nhật chỉ là quân địch trước mắt, mà còn quân địch tối nguy hiểm nữa và tối hậu nữa sau đến mà ta phải đề phòng.

Đó là một bản tinh thần tổng động viên gián tiếp và một bản nhân quyền tuyên ngôn bằng dộn từ. Sau nữa thì chữ cuối cùng viết sau tấm ảnh “Cứu Quốc Tồn Chủng”, đó là chìa khóa của một thời đại trên một thể hệ của dân tộc triết học, nó lãnh đạo cả một trận doanh dân tộc cách mạng.

36. PHẦN 9

Bối cảnh của thời đại sản sinh ra Duy Dân Thắng Nghĩa đi đôi với sự bùng nổ tất nhiên của mặt trận gốc.

Ở chín cương lĩnh cách mạng và ở nhiều nơi, chúng ta đã đi vào bối cảnh sản sinh của Duy Dân Thắng Nghĩa và mặt trận gốc tất nhiên trong thời đại 1940-2000 trên nền tảng với điều kiện lịch sử thực tiễn, ở đây chỉ luận qua một khúc diễn tiến của văn hóa, ý thức và xã hội mà thôi. Hai văn hóa mặt tầng là Nho và Âu cự tuyệt nhau suốt từ 1865 đến 1900 trở lại một đôi năm để mở sự thỏa hiệp dần dà bằng các thời đại Đồng Văn Nhật Báo, và Đông Dương Tạp Chí (1920-1935). Nòi giống đã biết phản tỉnh lại lịch sử của mình từ năm 1930 suốt tới 1940 trở đi một hai năm. Nhưng mà thời đại sáng tạo chân chính lâm đến phải từ những con người 1940 làm việc cho 2000, dẫn dắt bởi Duy Dân Thắng Nghĩa dưới sứ mệnh và diễn tiến văn hóa và ý thức ấy mà sản sinh. Chữ quốc ngữ đến từ khi Âu Á gặp gỡ, trải qua các thời kỳ nó đều làm đồ đạc và vũ khí rất lợi hại: làm môi giới thỏa hiệp, làm vũ khí dung hòa, làm đầu đề phản tỉnh để trụt xuống đáy tầng ở trong thâm tàng nó nảy nở ra sức sáng tạo lớn lao và quá độ của sức gốc đáy hồn và đáy sử. Cuộc Cần Vương của Nho sĩ còn được nối liền với ý thức thời đại mới bởi Nho sĩ Duy Dân (Phan Sào Nam làm đại biểu) để được nối liền với giai tầng ăn lương mới sản sinh ra trí thức và nửa trí thức (Quốc Dân Đảng và Cộng Sản Đảng), qua sự gạn lọc các giai tầng ấy đào thải để cho thúc đẩy giai tầng gốc của quốc dân và thế hệ đáy của quốc dân trung kiên tối đại đa số làm chủ thời đại Vạn Thắng mới, chỉ có nó mới đảm nhiệm nổi sứ mệnh của lịch sử.

X.Y. LÝ ĐÔNG A

3/4/4822 tuổi Việt (15/4/1943)

Trang [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ]