Chu Tri Lục
X.Y.Thái Dịch Lý Đông A


CHU
TRI LỤC 5

Nói về chín cái điều mục giải thích cho quốc dân và
các đồng chí về những nhận thức dễ dàng cho công cuộc kiến thiết Duy Dân.

37. 1. NHU YẾU CỦA KIẾN THIẾT

Tất cả những thảm thương mà quốc dân ta đang phải chịu đựng, xui nên bởi những cái bất hợp lý của thống trị thực dân với những cái đồi bại của văn hóa cũ, sản sinh nên tất yếu cuộc cách mạng Duy Dân tiêu diệt xâm lược, phá đổ chế độ áp bức trong với ngoài để thành lập một đời sống quốc dân mới, trên một nền tảng văn minh mới. Cho nên kiến thiết là mục đích tích cực của cách mạng. Kiến thiết thành công là chân chính cách mạng thành công. Mà kiến thiết thành công là văn hóa thành công, Thái Bình thành công. Cách mạng ở đó chỉ là giai đoạn quá độ của kiến thiết, cũng như phá hoại chỉ là công cụ lâm thời của kiến thiết. Có cách mạng và phá hoại mới có y cứ mà kiến thiết được. Nhưng mà kiến thiết thất bại còn quan hệ hơn là cách mạng thất bại: nó là lịch sử thất bại, Thái Bình thất bại.

Sách lược cách mạng của chúng ta cho chúng ta hay rằng:

Lực lượng chúng ta đem vào cách mạng thuần túy và tuyệt đối phá hoại chỉ phải nhu yếu có chừng, mà lực lượng chúng ta dành vào kiến thiết mới là vô hạn. Chúng ta phải bả ác thực tế cho được thành công tất nhiên.

Cái lo lắng lớn của chúng ta ở đó, cho nên cả những công việc làm để hoàn thành cái trục chuyển dời sang kiến thiết, đáng được chúng ta gắng sức vào, cũng như công việc chuẩn bị cho từ tĩnh viên vào động viên, công việc chuẩn bị để xúc tiến và hạn định được cái cực hạn tuyến của phá hoại, kiến thiết bả ác một điều kiện thành công ở đó.

38. 2. BỐI CẢNH CỦA KIẾN THIẾT

Dưới một trạng thái cực tàn hoại của văn hóa, một tình cảnh cực hỗn loạn của xã hội, gây ra bởi bao nhiêu cuộc chiến tranh trên giải đất nước, chúng ta phải xây đắp một kiến trúc đồ sộ, bằng sự chưa hết tiêu diệt của tuyệt đối địch nhân, với sự luôn luôn ngấp nghé phản động của tương đối địch nhân, chúng ta phải bắt đầu một công cuộc khó nhọc. Trên cuộc quốc dân sinh hoạt rất thiếu thốn, trên đời quốc tế sinh hoạt chưa vững chắc, chúng ta phải xúc tiến một sự nghiệp gian nan. Đem tất cả những năng lực còn thấp kém của dân tộc văn hóa ra, chúng ta phải suy động một công trình cao siêu. Đối phó với tất cả những thử thách trên, chúng ta bằng cứ vào cái thể nghiệm phi thường, sâu sắc của quốc dân, giác ngộ vì lam lũ và cheo leo, lớn lao lên qua những thử thách vàng đá, thành thục lại trong cuộc phản tỉnh thâm uyên, gắng sức lên, cần cù thêm lên sau cơn táp lốc. Chúng ta còn nhờ được những hoàn cảnh trong và ngoài vì chưa ổn định mà có lợi cho ta.

Chúng ta tự trong mình nắm giữ được cái quyết tâm thiên vạn cổ đó, bằng cái bối cảnh vẽ phác vậy, chúng ta thu sức lực lại mà đi lên.

39. 3. NỀN TẢNG CỦA KIẾN THIẾT

Nền tảng kiến thiết ấy là nền tảng của quốc gia. Đất đai, dân chúng, tư nguyên, trí lực, kiện khang lực, đều là nền tảng của kiến thiết. Duy Dân chủ nghĩa với tất cả những chuẩn vị lớn lao và khoa học của Đảng đều là nền tảng của kiến thiết. Đất đai làm sao cho hoạt động lên, dân chúng làm sao cho sinh động lên, tư nguyên làm sao cho đầy đủ lên, trí lực và sức lực làm sao cho cường kiện lên, chủ nghĩa làm sao cho xác thực lên. Nền tảng không phải tĩnh trị và cơ trệ. Phải cho nền tảng có vận động mà vận động lên theo phương hướng duy nhất của hướng tâm và hướng thượng, vận động lên bằng những yêu cầu của chúng ta vào kiến thiết, vận động lên bởi chúng ta giác ngộ được triết học của kiến thiết, chúng ta chinh phục được bối cảnh, chúng ta hoạt dụng được nền tảng. Cũng như vũ lực của cách mạng phải phối hợp với dân chúng mới lãnh đạo suốt mặt được dân chúng. Cũng như hành động của cách mạng phải y cứ vào chủ nghĩa, kiến thiết của cách mạng cũng không vi bội được chủ nghĩa.

Đó là những điểm tất yếu cho thành công.

40. 4. PHƯƠNG CHÂM CỦA KIẾN THIẾT

Chủ nghĩa Duy Dân vì nhu yếu thực sự của thời đại mà sản sinh. Tất cả những chủ trương của Duy Dân tức là thực tiễn kiến thiết nên nền văn minh, nó bảo chướng cho quốc gia củng cố mãi, nòi giống sống còn mãi, hạnh phúc tồn tại mãi, tiến hóa kinh thường mãi.

Cái phương châm duy nhất trong kiến thiết của chúng ta là chủ nghĩa Duy Dân, Thái Bình tiêu chuẩn của Duy Dân; đó là những quy định thực tiễn chủ nghĩa, thành lập cuộc Duy Dân dân chủ trên kiến trúc nhân chủ, là nền tảng của Thái Bình được thực hiện cho toàn dân.

41. 5. TRIỂN KHAI CỦA KIẾN THIẾT

Sự cải tạo lại thiên nhiên bằng thác thực quốc sách và tán dục kỹ thuật là bản lĩnh bao gồm rất sáng suốt những tác dụng phá hoại và kiến thiết ở trong, nó giúp ích cho ta tiến thêm một tầng lên chinh phục thiên nhiên và dè dặt cho ta rất lớn những cuộc phá hoại lấy xã hội làm mục đích thuần túy. Ta phải tránh bớt cho loài người những khổ nạn đè xéo lẫn nhau. Ta phải lợi dụng cái kinh nghiệm loài người sống bằng cải tạo tự nhiên mà ứng dụng vào kiến thiết của cách mạng gọi là Kiến Chế. Nhưng mà trung tâm của kiến thiết vẫn phải lấy xã hội quốc dân làm đối tượng. Cải tạo cho xã hội vẫn phải lấy xã hội làm xuất phát và căn cứ của Duy Dân cơ năng và quốc dân đoàn, giúp cho quốc dân từ nay sống có tổ chức, có quy luật, có đoàn thể, và có nhỡn quang siêu việt trong kiến trúc Dân Chủ và Nhân Chủ. Chỉ có Nhân Chủ nâng cao được và giải phóng được loài người trên hai nền tảng kia mà triển khai ra các bộ môn kiến thiết, chính trị, văn hóa, kinh tế, quân sự, xã hội, sinh hoạt, nhân chủng… Tất cả đều lấy các căn bản quốc sách làm y quy, thực hành trên các bộ sậu, các giai tầng, các tiết thứ có kế hoạch, ở một quy mô kiến thiết, trên đủ các yêu cầu quốc phòng, nhân sinh và nhân cách.

Ở các quy mô đó, bằng sự ma luyện thực tiễn mà nên nền văn minh tối cao cả của loài người.

42. 6. NGUYÊN TẮC CỦA KIẾN THIẾT

Quốc gia là của nhân dân, quốc gia thành lập bằng nhân dân. Nguyên tắc kiến thiết của chúng ta chính là nguyên tắc Duy Dân của quốc gia hoạt động, của quốc dân kiến thiết, do ở nhân dân kiến thiết cũng như hạnh phúc thuộc về nhân dân, quốc gia đứng vào địa vị trí tuệ chỉ huy, mà các tầng quốc dân cứ tiết thứ kế hoạch, tiết thứ hành động mà lên được quốc gia của quốc dân. Đảng chỉ là phụ đạo và giám sát: Đảng quốc dân hóa.

43. 7. BIỆN CHỨNG CỦA KIẾN THIẾT

Để mà dẫn đạo cho sự nghiệp lớn lao và khó nhọc nên thành công, chúng ta phải hiểu thấu được biện chứng vận động của kiến thiết. Cũng như phá hoại thời gian, cái thời cơ chuẩn bị quá độ và quyết định của kiến thiết không thể vượt bực được. Để mà nắm giữ được và vận dụng được cái biện chứng đó, sự phân chia công việc theo tính chất diễn tiến thực tế của thời đại theo yêu cầu và phương châm của Duy Dân là tất yếu mà khôn ngoan. Sự phân chia giai đoạn kia không phải là máy móc và khía khớp, nó phải bằng sự phối hợp rất tinh vi mà thuế hóa, rất khoa học chỉ đạo, rất tự động mà rất nhân vi mà làm.

Nó không phải là quân chính, huấn chính hay hiến chính của Tam Dân chủ nghĩa. Nó không phải là quá độ Cộng Sản chủ nghĩa, với Cộng Sản chủ nghĩa của Nga Sô. Gọi là chuẩn bị, gọi là quá độ và gọi là quyết định là theo tình trạng vận động của nội tại với ngoại tại sẽ phát sinh nên những yêu cầu gì? Đối phó với những yêu cầu đó là bằng những thi hành tiết thứ, những trình tự gì để đạt tới những hiệu suất dự tưởng gì? Nó là khách quan mà không chủ quan. Nó chỉ là giả trạng trình tự thống nhất của thời không vận động đương biến, nói cho đúng ra. Cho nên chuẩn bị thời cơ của kiến thiết ở ngay trong quyết định thời cơ của cách mạng mà thành cái trục chuyển dời. Quyết định thời cơ của kiến thiết ở ngay chấm dứt quá độ thời cơ mà thành cái trục biện chứng. Nắm giữ được hai cái trục đó là nắm giữ được thành công tất nhiên của kiến thiết và muôn đời vận mệnh Duy Dân, tức nhiên thực tế có bả ác hẳn hoi.

44. 8. ĐẤU TRANH CỦA KIẾN THIẾT

Cách mạng bằng phương thức huyết chiến, ấy là tuyệt đối phá hoại; tuyệt đối phá hoại là nhằm vào sự tiêu diệt tuyệt đối địch nhân. Đừng tưởng lầm rằng tuyệt đối phá hoại là phá hoại vô định, phá hoại cùng tận. Nếu tất cả cây cỏ và nhân dân là địch nhân, cách mạng sẽ chỉ còn kiến thiết bằng gạch ngói điêu tàn. Cũng đừng lầm tưởng rằng, sau cuộc tuyệt đối phá hoại là liễu sự, như thế cách mạng sẽ chỉ là phong kiến thống trị. Cách mạng là cứu dân, cách mạng là xây dựng bằng dân, cho dân một đời mới. Cũng vì thế, sau cuộc tuyệt đối phá hoại, còn tương đối phá hoại, sau cuộc huyết chiến còn cuộc đấu tranh. Đi cùng với tuyệt đối địch nhân còn có tương đối địch nhân.

Thời cơ tuyệt đối phá hoại là lúc mà ta phải buông tha tương đối địch nhân cho thành bè bạn; nhưng mà các tương đối địch nhân ấy phải làm sao cho tiêu diệt. Phá hoại tự trong bản thân, cũng như kiến thiết có luật đối hợp, trong phá hoại có kiến thiết, trong kiến thiết là phá hoại tất nhiên. Chúng ta phải được mà dự định cho công cuộc kiến thiết ta và phá hoại ta toàn diện, triệt để và hướng thượng, nghĩa là thuần túy chân thật và tuyệt đối kiến thiết Duy Dân. Trong thời cơ quyết định các tương đối địch nhân và tuyệt đối địch nhân ấy, các đồng chí hãy xem trong cương lĩnh địch nhân và đối trị lệnh.

45. 9. ĐẠO ĐỨC CỦA KIẾN THIẾT

Quốc dân là mục đích của kiến thiết. Kiến thiết là mục đích của phá hoại. Chủ nghĩa, tổ đảng và cách mạng hy sinh thuần túy vì mục đích đó. Mục đích đó hoàn toàn đạo đức. Phải chăng sự thực đạo đức đó mới đạt trọn được mục đích đạo đức. Chúng ta hãy cùng nhau, mau có được tinh thần tiêu chuẩn dân tộc của đạo đức kiến thiết: nâu, lam, tre, sậy mà nhất tề làm và làm nữa, đổ mồ hôi và máu nữa. Sự lý hành đạo đức không phải bằng không ngôn, chỉ có bằng thực tiễn, mà thực tiễn quý nhất là tiên phong và vô danh, quý nhất là sự tự thắng được mình, ấy là thắng được địch nhân. Biện chứng tính là thắng hết vậy.

THÁI DỊCH LÝ ĐÔNG A

4822 tuổi Việt (1943)


CHU TRI LỤC 7

Nói về chín chỉ nam nhân chủ của Duy Dân thực tiễn kiến thiết chính trị.

55. 1. TÁN DỤC

Sự kiến thiết nhân loại phải bằng tài bồi tự nhiên. Loài người sống trong tự nhiên phải cải tạo lại tự nhiên để sống. Đặt quy mô cải tạo tự nhiên và chế phục tự nhiên, đó là công tác chốt yếu của chính trị loài người. Chúng ta phải khám phá và phát dương cái định lý tầm thường ấy ra, nó là một bản lĩnh để tu chỉnh lịch sử thế giới đó. Bao nhiêu noi đích của cách mạng và kiến thiết là lấy phá hoại và cải tổ cái kiến trúc loài người, tưởng chỉ có công việc ấy xong là đưa loài người lên hòa bình. Thực tại ra, cái kiến trúc loài người bị hạn chế bởi cái kiến trúc tự nhiên. Để mà chấn chỉnh, cải tổ được loài người, phải thực tế cải tổ được tự nhiên. Như thế loài người mới đỡ chịu những thống khổ về lịch sử.

Triệt để cải tạo loài người còn bằng triệt để cải tạo tự nhiên, cho nên chính sách nhân chủ thứ nhất là bằng công tác TÁN DỤC, tài bồi được tạo hóa, điều lý được âm dương (khí hậu), thanh tịnh được tam giới (hình giới, khí giới, thiên giới), sửa sang được hoàn cảnh đại địa cho loài người sống trong hoàn cảnh đại địa được đủ cả các điều kiện tốt lành, biến đổi luật kinh tế đệ giảm ra luật kinh tế đệ tăng, biến đổi khí hậu ảnh hưởng xấu ra lành, biến đổi vô dụng ra hữu dụng v.v…, đều là những mục tiêu lớn của sự nghiệp thành bình bằng đế chế vũ trụ mà đại đồng loài người. Người xưa nói: “Bình thành công đức bấy lâu”. Bình thiên và thành địa vậy.

56. 2. KIẾN CHẾ

Duyên sơn chính sách: Một mặt đem địa động của quốc phòng lên một thành hiệu chắc chắn, một mặt đem sinh hoạt của quốc gia thủy chuẩn hóa. Tất cả mọi thể hệ giao thông, kinh tế phân bố, mệnh mạch (artères vitaux) phân phối và tập trung lại một cách hợp lý. Sửa đổi lại hết những thiên lệch từ xưa mà đem công nghiệp, nông nghiệp lên cực độ phát triển.

Ké xã chính sách (tựa như urbanisme): một mặt đem nguyên tầng hóa đô thị với thôn quê (sự sai khớp sinh hoạt nông thôn và thành thị không còn nữa), một mặt đem nguyên tầng hóa nông nghiệp với công nghiệp chỉ còn là những đơn vị bình đẳng tùy theo tính chất. Có thế thì sự điện khí hóa, cơ giới hóa trên kinh tế kỹ thuật mới bài khắp được. Có như thế thì giáo dục mới thâm nhập được. Có như thế thì Duy Dân cơ năng mới phổ biến thích hợp cho quốc dân hoạt động được. Có như thế thì sự hưởng thụ văn minh mới không thể thiên lệch được, ý thức mới tràn khắp được. Không thành công trong công cuộc kiến chế thì chính trị không thành công được. Lý tưởng dân chủ phải lấy toàn dân và toàn diện làm điều kiện; toàn dân không phân phối lại, toàn diện không cải tổ lại, thổ địa và phân bố toàn nhân dân không tổ chức lại thì vô luận một lý tưởng văn minh thế kỷ XXI nào cũng không thực hiện được.

57. 3. CƯƠNG THƯỜNG

Duy Nhân ý nghĩa ở nhân dân toàn thể không phân trai gái, lớn bé, già trẻ. Duy Dân ý nghĩa ở phần chỉ đạo chính trị ở nhân dân gọi là công dân. Người sống trong quốc gia gọi là quốc dân, phần chủ đạo chính trị gọi là công dân. Quốc dân tức là nhân dân toàn thể không phân biệt trai gái, già trẻ, lớn bé trong quốc gia. Một nền chính trị có thực nhân loại mới thực đúng lý. Nền chính trị nhân loại ấy phải nhân bản, lấy loài người làm gốc, lấy xã hội loài người trên tự tính làm gốc, lấy nhân dân làm gốc, lấy toàn thế giới nhân loại làm gốc của mọi kiến chế, kiến trúc và kiến thiết. Nền chính trị nhân loại ấy phải nhân tính, lấy sự phát triển điều lý sự sinh hoạt loài người bằng nhân tính làm điều kiện, lấy các yếu tố nhân tính (hôn nhân, cấp dưỡng, giáo dục) làm công tác chính trị chủ yếu, lấy nhu yếu và nhu cầu lập thể của loài người làm chủ đạo (yêu cầu lập thể là nhân đạo, nhân sinh, nhân cách). Nền tảng chính trị nhân loại ấy phải nhân chủ, lấy loài người làm chủ đạo sinh hoạt cho loài người, lấy loài người chủ đạo cho vũ trụ, lấy công dân làm chủ đạo cho quốc dân, lấy quan hệ công nhận cương thường của xã hội tự tính làm chủ đạo cho chính trị v.v…

Cương thường là tất cả cơ cấu quy định tự tính và đương nhiên của công nhận loài người trên thế giới. Thế giới hòa bình và hạnh phúc phải ở các quốc gia các người đều lấy DUY NHÂN CƯƠNG THƯỜNG làm chủ luật thực tiễn chính trị trên bản thể thực tiễn kỹ thuật, thái độ và học thuật.

58. 4. CƠ NĂNG

Để mà thực hiện nhân chủ, thế giới hay quốc gia phải có chế độ kiến trúc nhân chủ trong quốc dân sinh hoạt.

Quốc thể phải là cơ năng liên hợp: chính phủ phải thành lập trên hiến pháp phân công, quốc dân hoạt động phải theo nguyên tắc Duy Dân dân chủ (trí tuệ chỉ huy) nhân dân tự thành v.v… Ba điều ấy ở trong dân chủ có vận động quốc dân tầng, có chuyên môn tính, có tư cách tính, có tự giác tính; quốc dân đoàn là cơ sở tổ chức của nhân dân toàn thể thuần túy nhân chủ. Tất cả mọi tinh túy của tất cả mọi tổ chức công dân và quốc dân tập trung vào trong chế độ của nội tắc sinh hoạt, nó quy định cái tập thể tương hỗ, hợp tác, hỗ giáo v.v… tích cực tự thành, tự chủ, tự động của nhân dân: tổ chức lấy nhân dân, quản lý lấy nhân dân, huấn luyện lấy nhân dân, để tiến lên tổ chức lấy quốc gia, quản lý lấy chính trị, huấn luyện hiến trị. Chỉ có thứ dân chủ Duy Dân như thế, đi theo với các chủ trương thực tiễn của Duy Dân trên hành chính mới là thực tiễn dân chủ, thực tại dân chủ và triệt để dân chủ trên tam phân (phân công, phân mệnh, phân lợi) và ba yếu tố (biện chứng dân chủ, cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi) thống nhất trên bình đẳng.

59. 5. TIỂU GIA

Nhân loại là phức tính (có trai gái) mà không phải đơn tính. Đó là một nhân tố sinh vật can thiệp vào rất lớn cho sinh hoạt của loài người cũng như cơ năng. Cái phức tính kia phối hợp với các nhân tính (nhu yếu tính, xã hội tính và tự vệ tính) ở sinh mệnh coi đơn thể và tách biệt trên thuần túy (considéré simple et séparé en principe) trong xã hội nhân tính vận động, hai thứ trên hỗ tương biện chứng và biến xã hội tự tính ra xã hội thực tiễn. Xã hội thực tiễn gìn giữ được xã hội tự tính tính chất bao nhiêu thì hòa bình hạnh phúc được bảo chướng bấy nhiêu. Cho nên cương thường, cơ năng, nội tắc, kiến chế, tiểu gia, kiện khang, bộ mẹng v.v… đều là các chủ trương chân xác đem được cho xã hội thực tiễn cái nguyên vẹn của xã hội tự tính nhân chủ. Tiểu gia phải đả phá tông tộc chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa; nó là tế bào của quốc dân kiến trúc; nó là phối hợp thể đơn vị của nhân dân và công dân hoạt động. Quốc gia và thế giới phải lấy tiểu gia làm đơn vị phân mệnh (hôn nhân trinh dân luân) làm đơn vị phân công (dân ngạch) làm đơn vị phân lợi (bình sản). Dân luân được trinh (trai trinh với vợ, gái trinh với chồng) thì nhân chủng mới được hơn người về số đông và tạng khỏe. Dân ngạch được công (công lao, công phối, công độ) thì cơ năng xã hội mới bảo chướng sự tự động điều chỉnh lên văn hóa bình hành phát triển. Dân sản được bình thì kinh tế quan hệ của sinh hoạt mới bảo chướng được chính trị nhân cách bình đẳng. Tiểu gia đình đã là tế bào quốc dân, sinh hoạt quốc dân; văn hóa nhân loại vận mệnh quốc gia đều quan hệ lớn ở sinh hoạt tiểu gia đình.

60. 6. BỘ MẸNG

Hôn nhân là yếu tố thứ nhất của xã hội sinh hoạt, nhân chủng (con cái) có được kiện khang phát triển, xã hội (gia đình) có được kiện khang hướng thượng, đều quan hệ ở chế độ hôn nhân. Hôn nhân không thể vô chính phủ được (tự do mà trong sạch, làm sao cho tình dục được điều hòa cũng như giáo dục không thể vô chính phủ được. Ta phải hiểu rằng vô chính phủ là vô chế độ, vô tổ chức, không phải là tuyệt đối khống chế bởi quốc gia cưỡng bách. Tinh thần Duy Dân dân chủ ở bộ mẹng cũng như ở kiện khang và bình sản là theo nguyên tắc của quốc dân sinh hoạt, của Duy Dân cơ năng tổ chức. Làm sao cho sự giao du trai gái được tự do mà trong sạch? Làm sao cho tình dục được điều hòa, sinh lý khỏi bị thiên kỳ phát triển, khỏi bị xã hội bệnh hoạn? Làm sao cho sự hôn nhân được bình quân, bền bỉ, hợp phối hợp lý và sáng suốt để mà tăng tiến được gia đình sinh hoạt kiện khang?

Phải theo đòi gương mẫu của chế độ Lạc Chế: trai gái đều phải trinh với nhau, gia đình bằng sự bình quyền mà kiến lập, hôn nhân được tự chủ bằng sự tự động sáng suốt, hôn nhân bằng tự do giao du mà có chịu trách nhiệm của cả đôi bên; quốc dân giáo dục triệt để về hôn nhân (bộ mẹng là tiếng Mường để tiêu biểu sự giao du, đó là tinh thần bộ mẹng của hôn nhân tự do mà trong sạch).

61. 7. BÌNH SẢN

Yếu tố thứ hai của xã hội là kinh tế. Sự quốc gia toàn bộ khống chế về kinh tế đem nhân dân xuống địa vị tôi đòi, đội lốt của phong kiến. Sự quốc gia toàn bộ phóng nhiệm về kinh tế đem giai cấp cạnh tranh vào tồi tàn của loài người. Một chế độ dân chủ trên kinh tế phải bằng tự chủ và bằng quốc gia bả ác lẫn, bằng xã hội hợp tác, nó phát triển cơ năng nhân loại.

Bình sản kinh tế trên nông nghiệp là quân điền, trên công nghiệp là quốc gia hóa, trên nhất ban sản nghiệp chia ra 4 hệ thống: quốc gia, địa phương, xã hội hợp tác và tư hữu (tiểu gia đình). Nó có mục đích làm cho tam phân thực hiện trên nguyên tắc tứ công: công lao, công bản, công phối và công độ. Thương nghiệp trên căn bản vẫn do quốc gia bả ác đối nội phân phối (kinh lý) đối ngoại mậu dịch (kinh kỷ). Các tiểu thương mại thị trường còn được tồn tại đi với sự tiễu trừ kim dong tư bản lũng đoạn. Kim dong thương nghiệp do quốc gia quản lý làm cho tiền tài chỉ là đồ đạc nô lệ cho người.

Kinh tế động cơ của loài người là nhu yếu không phải là dục vọng. Cái nhu yếu nguyên lý kia ở xã hội tự tính đem trả lại xã hội tự tính còn là tác dụng của bình sản kinh tế trong nhân chủ chính trị. Bình sản kinh tế, bộ mẹng hôn nhân, kiện khang giáo dục là thống nhất tắc, vì không chia được, cũng như đời sống rất cơ năng, phức tạp của loài người.

62. 8. KIỆN KHANG

Cái yếu tố thứ ba của nhân chủ chính trị là giáo dục. Giáo dục phải nhân bản hóa, nhân chủ hóa, nhân tính hóa mới là giáo dục nhân loại. Một nền kiện khang giáo dưỡng của sinh hoạt giáo dục bằng khoa học giáo pháp, lý tưởng giáo khoa, viễn đệ giáo trình v.v…, triển khai ra trong cái giáo dục học thuyết nhân đạo, đào tạo người ta từ thủy tạo, kế tạo (hay cải tạo) đến thành tạo. Giáo dục không những chỉ là giáo dục thiết thi hẹp nghĩa nó còn thẩm thấu vào thực tế tồn tại trong quốc dân hoạt động của Duy Dân cơ năng và nội tắc chế độ nữa. Giáo dục có nhân loại hóa cũng như chính trị có nhân loại hóa thì mới có thể bảo chướng cho sự phát triển loài người giữ được xã hội tự tính tiến hóa không dứt vận động thông qua xã hội thực tiễn mới phát dương được sự thực nhân chủ của loài người.

63. 9. VẬN HỘI

Sự chi phối được vận mệnh là bản tính nhân chủ của loài người bằng trí tuệ và tự giác viên mãn trong tự động điều chỉnh (self coordination) và trí tuệ chỉ huy của quốc dân sinh hoạt và quốc gia hoạt động. Cơ năng vận động không phải là thu lấy sinh sản quá thặng bằng lao động khổ nhục (stakhanovisme) như ở Nga. Nó chỉ mong cho loài người phát dương sinh mệnh trên công tác. Duy Dân huấn phương giúp đỡ và thực tế chỉ đạo trên tinh thần sự chi phối vận mệnh kia. Thông chứng của Duy Dân vận hội cho loài người cái thực tiễn tự biết mình trong sự đưa dẫn mình lên lịch sử.

X.Y. THÁI DỊCH LÝ ĐÔNG A
4822 tuổi Việt (1943)

Nguồn: http://chutriluc.blogspot.com



Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Chu Tri Lục
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt

Trang [ 1 ] [ 2 ] [ 3 ]