Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com




CON NGƯỜI NHÂN CHỦ
TRONG HUYỀN THOẠI
(3)

Huyền thoại là thoại của Thần thoại và Nhân thoaị. Trong Thần thoại Thánh Thần làm
chủ con Người, trong Nhân thoại con Người làm chủ chính mình.
Sử có hai loại: Huyền sử và Lịch sử. Huyền sứ gồm những huyển thoại chứa đựng minh
triết vượt Không và thời gian. Lịch sử là những biến cố về những phế hưng của dân tộc
trong thời và không gian nhất định..
Tiên Rồng là một Nhân thoại, nó chứa minh triết, chứ không phải là Thần thoại như là
chuyện hoang đường.

Nhân đọc bài Con Rồng Cháu Tiên ( 1 ) trên trang mạng Mạch Sống của Bà Huỳnh
Ngọc Nga Italia, chúng tôi có vài ý đóng góp như sau:

A.- Những ý kiến về Huyền sử

I.- Trong Dịch Kinh Linh Thể


“ Sử mệnh nói lên sứ mệnh của một dân tộc nhất định phải thi hành trong một hoàn
cảnh nhất định nào đó. Sử mệnh vì thế đã được thích nghi với hoàn cảnh, với khu vực
và thường được các bậc hiền triết của mỗi dân tộc thấy trực thị rồi diễn đạt qua những
trang huyền sử.
Huyền sử cũng là lịch sử nhưng rộng hơn nhiều vì bao cả dĩ vãng lẫn tương lai, nên
có tính cách siêu thời gian . Vì thế những trang huyền sử là qúy nhất trong cái di
sản thiêng liêng của một nước.

Nhưng chính vì chỗ thiêng liêng, chỗ bao la phi thời gian đó nên mung lung như ẩn như
hiện, dễ bị con cháu để phai mờ mất ý thức. Do vị trí nằm trong văn hoá Viễn Đông
của Bách Việt, nên sử mệnh Việt Nam có thêm hai đặc điểm : Một là được phổ vào
những truyện đầy thơ mộng mà lại rất tinh khiết. Thứ đến là được chắt lọc để kết
tinh vào một nền minh triết siêu tuyệt rất gọn ghẽ để gửi lại cho con cháu vạn đại
như bức di chúc tinh thần.
Nhưng một điều không may đã xảy ra đến cho một dân tộc là đã quên đi mất ý nghĩa
của những trang sử mệnh đó, và vì thế nhân loại đang bước đến bờ vực thẳm.
Vì thế chúng ta cần đọc trở lại, cung kính lần từng trang huyền sử nói lên cái sứ
mạng cao cả của dân tộc hầu tìm ra chủ đạo dẫn đường cho dân nước trong giai
đoạn nguy nan nầy ”.
( Dịch Kinh linh thể: Kim Định . An Việt Houston, tr. 7 )

II.- Trong Kinh Hùng khải triết

“ Huyền sử là tự truyện của một dân tộc, bao nhiêu những kinh nghiệm tích lũy
từ không biết bao nhiêu đời tiên tổ kết tinh lại. Xuyên qua đó thường được kể
lại bằng những nét lung linh của sử mệnh của dân tộc, nên đó quả là những di bảo
thiêng liêng chứa chấp những giá trị thâm sâu nằm giáp miền tiềm thức. Có thể
nói tác giả đã dựng nên những huyền thoại cũng chính là tiềm thức cộng thông của

tất cả tiên tổ đã góp phần vào việc kiến tạo dân nước. Nói đến tiềm thức là nói đến
sự vượt biên cương lý trí phân minh, nên trở thành âm u. Vì thế những niên đại,
những địa danh cũng như các nhân vật phải được hiểu một cách co dãn, chập chờn,
vì đó chỉ là những mảnh vụn của lịch sử được huyền sử dùng như tiêu biểu để nói
lên những tư tưởng hướng dẫn cuộc sống của dân tộc, nên mang tên này hay tên
khác, xảy ra nơi nọ hay nơi kia đều không quan trọng. Huyền sử thuộc vòng trong
tiềm ẩn không nhằm ghi chép sự kiện hay biến cố ngoại diện như sử ký, mà cốt
nhằm phác hoạ những hình ảnh văn hoá, những mẫu mực chung của lối sống, nghĩ,
cảm, là những dạng thức có liên hệ mật thiết với hoàn cảnh nơi ấy, nên khi nào, con
cháu muốn tìm ra những làn sóng ngầm của lịch sử dân tộc cũng như cái nhìn soi
dọi vào đời sống hiện đại để tìm ra những mẫu mực căn bản thì cần phải mở một
cuộc hội thoại thắm thiết với những di bảo nọ. Việc đó có thể gọi theo tiếng nói
ngày nay là làm triết lý. Như thế triết lý ở đây là một cuộc đào sâu kinh nghiệm sống
của tiên tổ để lấy chất liệu tạo dựng những dạng thức canh tân hợp cảm quan thời
đại ”.
( Kinh Hùng khải triết. Kim Định )

III .- Ý kiến của học giả ngoại quốc về Huyền sử

“ Bộ huyền thoại của một dân tộc là là đạo sống của dân tộc đó. Nếu mất huyền thoại
thì thì bất cứ một dân tộc nào, kể cả những dân tộc văn minh nhất cũng sẽ sụp đổ
khủng khiếp .
( Karl Jung )
“ Bộ huyền thoại của một dân tộc không phải là những chuyện hoang đường, mà là
những chuyện gần chân lý nhất, hơn nữa bộ huyền thoại là gia sản quý báo nhất vì tính
chất thiêng liêng điển hình và mang lại ý nghĩa sống ”.
( Mircea Eliade )

“ Không có bộ huyền thoại thì không thể thành một dân tộc được. Dân tộc nào không
có bộ huyền thoại không thể được coi là có văn hoá hay văn minh gì hết, vì bộ huyền
thoại
là những câu chuyện diễn tả tinh thần của dân tộc ở mức độ cao nhất và cũng là di sản
thiêng liêng của dân tộc đó ”.
( Laurens Van Der post )

“ Mất bộ huyền thoại là mất mạch nối vào nguồn quá khứ tổ tiên và mất luôn căn bản
cho việc xây dựng tiền đồ dân tộc. Dân nào mất bộ huyền thoại, dân tộc đó quả thực bị
coi như không còn nữa ”.
( Wallace Cliff )

Khi triết gia Kim Định viết về Huyền sử ( 1960- 1970 ) thì cuốn sách “Địa đàng ở
phương Đông “ của Stephen Oppenheimer chưa ra đời, Cuốn sách này xuất bản vào năm
1999- 2000. , Sau đây là một vài cứ liệu của ông Oppenheimer kiện chứng cho lập luận
của triêt gia:
“ Tôi sẽ xác định 4 kiểu truyện kể ở Âu - Á có cội nguồn từ các huyền thoại đại hồng

thuỷ ở ông Nam Á. Có 3 lục địa khác không được nghiên cứu sâu ở đây, trong số đó có

châu Phi. Châu lục này thiếu vắng trong truyền thuyết dân gian về đại hồng thuỷ

bởi thềm lục địa của nó không chịu nhiều tác động bởi hồng thuỷ. Hai lục địa khác

là Bắc Mỹ và Nam Mỹ có rất nhiều huyền thoại đại hồng thuỷ, trong số đó có vài

huyền thoại liên quan đến kiểu truyện kể Âu- Á. Tuy nhiên, do chúng nằm ở ngoại vi

của khung lập luận chính Đông – Tây nên tôi chỉ nêu tóm tắt về huyên thoại này.
Thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu các huyền thoại khác trong kho tàng văn hoá Phương
Tây được chứa đựng một cách ngẫu nhiên trong 10 chương đầu tiên vủa quyển
Kinh Sáng Thế trong Kinh Thánh.
Để tiện cho nghiên cứu, các huyền thoại này sẽ được phân chia như sau” từ chương

11 đến chương 16, chúng ta cần tìm hiểu các nguyên mẫu huyền thoại về sự sáng

tạo ra Trời và Đất, Đàn Ông và Đàn Bà, vườn Địa Đàng, và cuối cùng là Cain và Abel.

Điều được hé lộ ở đây là chúng ta không chỉ tìm thấy những mối liên hệ gần gũi giữa

phương Tây và phương Đông, mà còn biết rằng mỗi nguyên mẫu Phương Tây đều
có nguồn gốc phương Đông và cách giải thích logic hoặc ở Malaku hoặc ở Đông
Dương. Nhiều người cho rằng đặc điểm thú vị, phức tạp và không ngờ nhất của
thần thoại phương Tây đã khởi phát từ tầng sâu kín nhất của Tiềm thức. Còn phân
tích của tôi lại tìm về khởi nguyên ở những đề tài đơn giản và căn bản bắt nguồn
từ Đông Nam Á; sau đó chúng được kết hợp và nhào trộn để tạo nên nhũng huyền
thoại rực rỡ được ghi lại trên những ấn triện và bài vị ở Lưỡng Hà vào buổi bình
minh của lịch sử. Dấu vết này có niên đại cách đây 4500 năm và nó có thể đưa
chúng ta trở về 3.000 trước đó nữa, khi biển lấn vào các bờ biển Đông Nam Á và
Lưỡng Hà.”

( Địa đàng ở phương Đông: Phần II: Lời thì thầm từ Trung Hoa. Tr. 355 – 356.Stephen
Oppenheimer )

B.- TRUYỆN TIÊN RỒNG

“ Cháu 3 đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, rồi đi Nam tuần
đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến, mới cưới về, sinh ra
Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành. Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi
vua; Lộc Tục cố nhường cho anh, Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương
Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là
Xích Quỷ quốc. Kinh Dương vương xuống thủy phủ, cưới con gái Động Đình là Long
Nữ, sinh ra Sùng Lãm, tức Lạc Long quân. Lạc Long quân thay cha trị nước, còn Kinh
Dương vương thì không biết đi đâu. Lạc Long quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật
tự về quân thần, tôn ty, có luân thường về phụ tử, phu phụ, hoặc có lúc đi về Thuỷ
phủ nhưng trăm họ vẫn được yên ổn . Dân lúc nào có việc cần thì kêu Lạc Long
Quân : Bố đi đàng nào, không đến mà cứu chúng ta !
( Người phương Nam gọi Cha bằng Bố, gọi Quân bằng Vua là tự đấy ), thì Lạc Long
quân lập tức đến ngay, uy linh cảm ứng không ai có thể trắc lương được.

Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc, nhân khi thiên hạ vô sự, sực nhớ
đến chuyện ông nội Đế Minh Nam tuần gặp được tiên nữ, Đế Lai bèn khiến Xi ( Si ,
Li ) Vưu tác chủ quốc sự mà Nam tuần qua nước Xích Quỷ, thấy Lạc Long quân đã
về Thuỷ phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu Cơ cùng với bộ chúng thị
thiếp ở lại hành tại. Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình thể, trông thấy
kỳ hoa, dị thảo, trân cầm dị thú, tê tượng, đồi mồi, kim ngân, châu ngọc, hồ tiêu, nhũ
hương, trầm đàn, các loại sơn hào hải vị, không thứ nào không có; khí hậu bốn mùa lại
không nóng không lạnh, Đế Lai ái mộ quá quên cả ngày về. Nhân dân nước Nam khổ
vì sự phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày trông đợi Long Quân về, nên mới
đem nhau kêu rằng: Bố ở phương nào, nên mau về cứu nhân dân. Lạc Long quân bổng
nhiên lại về, thấy nàng Âu Cơ ở một mình, dung mạo đẹp lạ lùng, yêu quá, mới hoá
ra một chàng nhi lang phong tú mỹ lệ, tả hữu thị tùng đông đảo, tiếng đàn ca vang đến
hành tại. Âu Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long Quân bèn rước nàng về núi
Long Trang. Đế Lai về không thấy Âu Cơ ( 1 ) bèn sai quần thần tìm khắp thiên hạ. Long Quân có thần thuật, biến hiện trăm cách, nào là yêu tinh quỷ mị, nào là long xà hổ tượng, kẻ đi
tìm uý cụ, không dám lục đảo tận cùng. Đế Lai trở về Bắc lại truyền ngôi cho Đế Du
Võng .Du Võng truyền lại cho Xi Vưu, Xi Vưu cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền
và Trác Lộc không hơn nên tử trận. Họ Thần Nông bèn mất . Âu Cơ ở với Lạc Long
Quân một năm, sinh ra một bọc trứng, cho là điềm không hay, nên đem bỏ ra ngoài
đồng nội; hơn bảy ngày trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con ( trai ),
bà đem về nuôi, không phải cho ăn, cho uống, cho bú, mà tự nhiên trường đại, trí dũng
song toàn, ai cũng uý phục, bảo nhau đó là những anh em phi thường. Long Quân ở
lâu dưới Thuỷ Phủ, mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc quốc liền đi lên biên cảnh; Hoàng
Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân binh trấn ngự quan tái; mẹ con không về Bắc được,
đêm ngày gọi Long Quân: Bố ở phương nào, làm cho mẹ con ta thương nhớ ! Long
Quân hốt nhiên lại đến, gặp mẹ con ở Tương Dã, Âu Cơ nói: Thiếp vốn người Bắc,
cùng ở một nơi với quân, sinh được 100 con ( trai ), ( 2 ) mà không có gì cúc dưỡng,
xin cùng theo nhau, chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ,
một mình vò võ. Long Quân bảo : Ta là loài Rồng, sinh trưởng ở thuỷ tộc, nàng là
giống Tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại
mà có con, nhưng phương viên bất đồng, thuỷ hoả tương khắc, khó mà ở cùng nhau
trường cửu . Bây giờ phải ly biệt, ta đem 50 con ( trai ) về Thuỷ Phủ, phân trị các
xứ, 50 con ( trai ) theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước
nhưng có việc thì cùng nghe, không đươc bỏ nhau. Trăm con ( trai ) đều nghe mệnh,
rồi mới từ giả ra đi. Âu Cơ cùng với 50 người con ( trai ) ở tại Phong Châu ( Bây giờ là
huyện Bạch Hạc ), suy tôn người hùng trưởng lên làm vua , hiệu là Hùng Vương, họ
là Hồng Bàng, quốc hiệu là Văn Lang hay nước Xích Quỷ ( tinh hoa của miền Nam ).
Ranh giới nước Xích Quỷ thời bấy giờ như sau : Bắc giáp Động Đình Hồ, tức Hồ Nam
( Trung Quốc ), Nam giáp Hồ Tôn ( tức Chiêm Thành ), Tây giáp Ba Thục, Đông giáp
biển Nam Hải . ”



( Lĩnh Nam chích quái: Trần Thế Pháp, bản dịch của Lê Hữu Mục, trang 43-44.Trăm Việt xuất bản )

“ Lạc Long Quân và Âu Cơ .
Lạc Long lại sánh Âu Ky ( Cơ )
100 con điềm ứng, hùng bi lạ dường ( 1 )
Noãn bào ( 2 ) dù chuyện hoang đường,
Vì xem huyền điểu ( 3 ) sinh Thương khác gì

Đến điều tan hợp cũng kỳ
Há vì thủy hỏa sinh ly như lời,
Chia con cũng sự lạ đời ,
Quy sơn quy hải khác người biệt ly,
Lạc Long về chốn Nam thùy ( 4 )
Âu Cơ sang nẻo Ba Vì Tản Viên,
Chủ trương chọn một con hiền,
Sửa sang việc nước, nối lên ngôi Rồng “
( Việt Nam Quốc sử diễn ca )

( 1 ) : Các giống gấu: nằm mộng thấy con gấu là điềm đẻ con trai.
( 2 ) : Noãn bào : bọc trứng . Tục truyền rằng Bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng nở ra 100 con.
( 3 ) : Chim yến. Tục truyền, bà tổ nhà Thương bên Tàu, nằm mơ thấy chim huyền
điểu , sau con cháu ra làm vua .
( 4 ) Nam thuỳ: miền Nam, tức là miền biển .

( Nguồn Việt sử bằng tranh: Trần Việt Nam. Cửu Long giang. Vi Vi )

Mẹ lên Non tu Nhân, Cha xuống Biển luyện Trí, nhưng vẫn hẹn hò gặp nhau trên
cánh đồng Tương để cho “ Tình Lý tương tham “ mà đạt đức Dũng.

Khai triển

I.- Tiên, Rồng: Vật biểu kép của Việt Nam
Bất cứ nước nào trên thế giới đều cũng chọn cho nước mình một vật biểu: Pháp chọn gà
cồ, Đức chọn gấu, Mỹ chim Ưng, Tàu đời Hiên Viên là chim Cú, đến Bạch mã, sau mới
chọn Rồng. Trên thế giới chỉ có Việt Nam mới chọn hai vật biểu : Tiên và Rồng.
Ban đầu thì chọn chim và ( rắn ) cá sấu . Về chim thì lúc thờ Mặt Trời là chim trĩ -
dương điểu - rồi đến chim Hồng được đặt tên cho họ Hồng Bàng, rồi chim Vũ tiên là vịt
trời, được đặt làm tên cho vợ Lộc Tục, Lộ bàn là cò trắng, rồi Hải Âu được đặt tên cho
Mẹ Âu Cơ, có khi còn chim Thiên nga nữa. Các loại chim về sau là loài Lưỡng thê, có
thể sống trên đất trên đất và ngay cả dưới nước nữa, để có thể liên lạc với Rồng, hầu giữ
vững mối tương quan với Rồng.

Còn vật biểu thứ hai trước hết là rắn, rồi đến cá sấu, là loại vật sống dũng mạnh và sống
dai dẵng nhất, sau 2 loại Giao Long ( có chân ) và Xà Long ( dài, không chân ) thăng
hoa thành Rồng, Rồng là vật tưởng tượng có thể sống sâu tận dưới đáy biển, mà cũng có
thể tung lên không trung làm mưa làm gió, cũng là vật lưỡng thê, nên vẫn giữ được tương
quan với chim Tiên. Vì được thăng hoa lên, nên Tiên và Rồng không phải là hai vật có
thực, mà chỉ là vật tiêu biểu thôi.
Tổ tiên chúng ta nhận Tiên Rồng làm vật biểu để nhắn gởi cho cháu con, rằng dân Việt
là nòi của trai hùng, gái đảm: hùng dũng, quyền biến như Rồng, và đảm đang và cao đẹp
như Tiên.
Có lẽ, những chặng đường lịch sử đấu tranh để tồn tại đã đem lại cho Cha ông những tư
tưởng siêu phàm đó. Do đó mà có tên Việt: Việt nghĩa là siêu việt, là vươn lên, những giá
trị cao đẹp, lúc này chữ Việt còn viết với bộ mễ (chữ Nho ), đến sau vì bị lấn chiếm không
chống cự nổi, nên đổi chữ Việt viết theo bộ tẩu, nghĩa là chạy, là vượt thoát, thiên di về
Nam.
Ông Lê văn Ẩn nhà khảo cổ học ở Úc có ý kiến cho rằng bộ tẩu là hình ảnh người chiến
sĩ Việt vừa chạy mang theo cái qua ( can qua ), là cái dáo dài có nhiều móc ngang,
đánh nhau với quân Du mục Tàu ngồi trên mình ngựa, họ vừa chạy vừa đánh, dùng mũi
nhọn để đâm, dùng móc để móc quân thù trên lưng ngựa xuống, nên chữ Việt gồm có bộ
tẩu và qua. ( 越 : Việt = 走 : tẩu +戌: qua )

2.- Ý nghĩa đích thực của câu chuyện
Vì không hiểu tinh hoa của câu chuyện nên cho sự chia con để Mẹ lên Non, Cha xuống
Biển là chuyện ly dị, nên ngày nay con dân Việt mới tan tác như bầy gà lạc Mẹ, thật là
một thảm hoạ cho sự hiểu lầm. Cha ông muốn truyền lại cho cháu con một triết lý nhân
sinh là minh triết Việt để thăng hoa cuộc sống, thì con cháu lại hiểu là một sự chia ly đổ
vỡ tan đàn xẻ nghé.
Thực ra qua câu chuyện này, chủ ý của Tổ tiên là ký thác cho Cháu Con một triết lý nhân
sinh:một nền Minh triết Việt để đoàn kết nhau, xây dựng nước, giữ nưóc và sống cho
hạnh phúc.
Vậy triết là gì? “ Triết giả triệt dã “: triết là triệt Thượng và triệt Hạ. Khi làm cho sáng
tỏ ( minh ) việc triệt Thượng và triệt Hạ ( triết ) giao thoa thì gọi là Minh triết.

a.- Triệt Thượng
Là cuộc sống phải biết bay cao như chim để vươn lên từ cái thấp đến cái cao, từ cái nhỏ
lên cái lớn, từ cái đơn giản đến cái phức tạp, từ cái tục thành cái thanh, từ cái thường
thường lên cái phi thường, từ đời sống thấp hèn tiến lên đời sống cao thượng thanh thoát
như Tiên trên Núi, đây là con đường Cha ông Chúng ta gọi là Đội Trời để cho siêu việt,
do đó mới có tên Việt là siêu việt, mới nói Mẹ Tiên là Non Nhân là nguồn Tình lai láng
như biển Thái bình dạt dào. Việc lên Non là hành động phân cực để phát triển bản sắc
cũa nữ tính là nguồn Tình cho thanh cao như Tiên. Đi lên Núi là bước thù đồ củaMẹ.

b.- Triệt Hạ
Là sự lặn xuống sâu xuống đáy biển như Rồng,( ngược với chiều bay lên của Tiên )
tìm về nguồn lý công chính, để có sự hiểu biết tròn đầy, không nhìn sự việc một cách
phiến diện như câu chuyện thằng mù sờ voi, mà phải có sự hiểu biết toàn diện ( Holistic
knowledge ), gọi là chu tri để tránh việc không hiểu sự khác nhau của hai bên mà bị phân
hoá . Vì vậy mà Cha Lạc Long phải chia tay để lặn xuống biển sâu hầu thủ đắc chân lý
sâu thẳm để tránh ngụy biện, chứ không phải ly dị. Lặn xuống Biển là bước thù đồ để
phát triển bản sắc của Cha
Triệt Thượng triệt Hạ chỉ là hai con đường ngược chiều ( Dịch nghịch số chi lý: Chân lý
ngược chiều trong Thiên nhiên như thỡ vào thở ra ), diễn tả tiến trình phân cực để phát
triển bản sắc của nòi giống, Tiên Rồng chỉ là biểu tượng thăng hoa đời sống chứ không
là hai con vật hoang đường.

c.- Minh triết: Thượng Hạ giao hòa
Khi triệt Thượng và triệt Hạ giao thoa hay hài hòa với nhau thì đạt Minh triết, nhà Nho
gọi đây là đại Đạo “ Âm Dương Hoà “ , Cha ông chúng ta nói là Tiên Rồng gặp nhau
trên cánh đồng Tương. Trong câu chuyện Huyền thoại thì bảo “ khi có việc cần Âu Cơ
gọi, Lạc Long liền xuất hiện lập tức, uy linh cảm ứng không ai có thể lường được “ ,
đó là sự tương giao Tiên Rồng hay Tình Lý tương tham, trong Thánh Kinh có câu : Hiền
lành như bồ câu,- hình ảnh của Thánh linh-: nguồn Tình, và khôn ngoan như Rắn: suối
Lý công chính.
Để thấy rõ ràng không có vụ ly dị êm xuôi ( fair divorce ) như người Âu Tây hiện nay
như chúng ta tưởng, ta cần theo dõi quá trình thăng hoa đời sống của Tổ tiên để thấy
rõ, chúng tôi xin lặp lại:
Lúc thờ mặt Trời ( thời Viêm Đế ) thì vật biểu là Chim Việt trĩ, sau mới dùng Chim Âu
- Âu Cơ ( Thời Hồng Bàng ) là loài lưỡng thê, chim có thể sống trên cạn và cũng bay
cao trên không vừa để xuống kiếm ăn dưới nước, cũng để gặp Rồng ở thủy phủ để tương
giao, đây là nét lưỡng nhất của văn hoá Việt.
Còn Rồng thì lại lặn sâu xuống biển sâu và cũng có thể tung lên không trung làm mưa
làm gió đễ gặp Tiên trên Núi, nhờ thế khi cuộn nằm im dưới sâu thì vắn mà khi tung lên
không trung làm mưa làm gió thì vươn ra dài, nhờ Trí rộng sâu, không những dũng lược
mà còn quyền biến nữa.
Khi Tiên Rồng gặp nhau trên cánh đồng Tương để cho Tình Lý tương tham, hay gọi là
Âm Dương hoà, hay là “ thuận Vợ thuận Chồng “, mà Nho gọi là Đại Đạo, hay còn gọi
là Mẹ Non Nhân, Cha Nước Trí, con Hùng cường.
Nhân là Tình, Trí là Lý, khi Tình Lý tương tham thì Nhân Trí là một. Để cho dễ hiểu,
Khi xử Tình thì phải mang theo Lý để nhờ Lý hướng dẫn lẽ công chính hầu choTình khỏi
thiên lệch. Khi xử Lý thì cũng mang theo Tình để Tình ấp ủ bao che giúp Lý khỏi sa vào
lối gian tham. Cụ Nguyễn Du đã thi vị hóa thành: “ Bên Ngoài là Lý, nhưng Trong là
Tình “, nghĩa là khi sống ngoài Xã hội phải xài Lý công bằng để hòa với nhau, mà khi ở
trong Nhà mỗi cá nhân phải tu dưỡng nguồn Tình.
Nho gọi quá trình thăng hoa của Tiên là “ cao minh phối Thiên “, của Rồng là “ Bác
hậu phối Địa “. Còn Cha ông ta thì “ Đội Trời đạp Đất ở Đời” : “ Đội Trời “ để luyện
Nhân, “ đạp Đất” để đúc Trí, và khi sống “Ở Đời “ cho Nhân Trí hài hòa thì đạt đức
Dũng, nhờ đó mà khi nào cũng tự chủ mà giữ được nếp sống Hòa với mọi người và
thiên nhiên, Hòa là nguồn mạch của hạnh phúc. Nhờ sống theo Nhân Trí hài hòa thì đạt
đức Dũng, nhờ Dũng mà con dân Việt trở thành Trai hùng Gái đảm. Lướt qua lịch sữ
nước nhà thì ta thấy rõ.
Đây là tiến trình thăng hoa đời sống cho siêu việt.

Vậy việc thăng hoa cuộc sống là tinh luyện Thân Tâm làm sao được như Chim biến thành
Tiên là nòi Cao cả và Giao Long, Xà long trở nên Rồng là giống Thông tuệ:

“ Thông tuệ nghĩa là không hèn yếu. Hèn yếu là khi nhân loại giơ quả đấm lên làm
luật, lấy miếng ăn làm lẽ sống duy nhất, lấy đấu tranh đâm chém làm vinh quang
của mình.
Cao cả là khi con người lấy Đạo lý làm luật, lấy Nhân ái làm cách xử thế, lấy Tinh
thần làm trọng, và khi ấy chữ Vô ( Je me réduis à Zéro. Gandhi ) trở nên một đường
lối tối ư quan trọng.”
( Những Di biệt Đông Tây. Tâm đạo. Kim Định ).

Trên đây ta quảng diễn câu chuyện huyền thoại Tiên Rồng, mà Nho giao công thức hoá
thành “ Đại Đạo Âm Dương hòa”.
Tóm lại Chúng ta đã bàn về triệt Thượng và triệt Hạ, và làm sáng rõ chân lý ngược chiều
Thượng Hạ giao thoa nên gọi là Minh triết. Đây là công trình khó khăn nhất của triết
học, làm sao cho Vuông tròn giao thoa, nghĩa là cái Vô hạn ( Tròn ) giao thoa với Hữu
hạn ( vuông ) . Mẹ Non Nhân, Cha nước Trí giao thoa, nhờ Nhân Trí giao thoa nên con
Hùng vương mới hùng cường: Dũng .
Minh triết còn là sự khôn ngoan biết cách sắp xếp việc Mình, việc Nhà việc Nước làm sao
cho mọi người được hạnh phúc.

3.- Những bài học của Mẹ Tiên, Cha Rồng
Là con dân một nước, chúng ta coi nhau như anh em ruột thịt, hãy yêu thương nhau,
giúp đỡ nhau hết lòng trong mọi nơi và mọi lúc. Con dân trong một nước không kể
người khôn kẻ tối, kẻ giàu người nghèo, không kể sang hèn, thứ bậc, tuổi tác . . . , hãy
luôn luôn đối xử bình đẳng và công bằng với nhau.
Nhớ phù yểu, nghĩa là phải nâng đỡ người nữ, và trong lối ăn ở phải coi trọng Tình
hơn Lý, tuy ngoài là Lý nhưng trong là Tình.
Mọi người mọi giới phải tìm cách phát triển hết bản sắc của mình để xây dựng con
người trai hùng gái đảm, một gia đình thuận vợ thuận chồng, một xã hội bình đẳng và
tương thân tương ái.
Phải nhận biết những xung khắc của những thực thể đối kháng trong con người và
cuộc đời để Tương dung, để giữ mối tương quan cho được cân bằng, hầu tránh cảnh
phân hoá.

4.- Những áp dụng trong thực tế của cuộc sống
Con dân trong một nước, có cội nguồn từ bọc Âu Cơ Tổ mẫu, nên phải yêu thương, nâng
đỡ nhau. Gọi nhau là Đồng bào (được sinh ra cùng trong một bọc ) để nhắc nhở bài học
yêu thương nhau. Hai tiếng Đồng bào đã nằm trên cửa miệng của con dân Việt ít nhất
là 5.000 năm . Không những bà con mới được gọi bằng những tiếng thân tình như Dì /
Dượng, Cô / Chú, Cô / Bác . . . , mà bất cứ ai là người Việt, hễ tuổi ngang hay hơn vai
Cha mình thì gọi bằng Bác, dưới hơn thì gọi bằng Chú, người nào cùng lứa với Mẹ mình
thì gọi là Cô hay Dì, người nào vào lứa con cháu mình thì được gọi là con là cháu. Trong
xã hội Việt Nam, mọi người đều được đối xử với nhau như là bà con thân thuộc.
Ngày nay đang có khuynh hướng gọi nhau là Đồng hương, mỗi người chúng ta nên tự
vấn tại sao? Có phải đã ăn ở tệ với nhau quá, nên nhìn mặt nhau không đặng, gọi nhau
bằng đồng bào không đang!
Từ cặp đôi Âm Dương, Tiên Rồng, dân tộc ta thường nói theo nhịp đôi, và coi trọng

nguyên lý Mẹ, nên luôn luôn nói : Tiên / Rồng, vợ / chồng, mẹ /cha, cô / chú, dì / dượng,
tâm / vật , tình / lý, trên / dưới, trong / ngoài, trước / sau, không gian/ thời gian, học
/ hành, sống /chết . . . . Và từ đó mới tìm phương cách làm cân bằng hai thực thể trái
ngược đó, hầu thăng hoa cuộc sống, đây là nguồn gốc từ Âm Dương, Thái Cực. Thế quân
bình giữa hai thực thể đối nghịch, gọi là thế Lưỡng hợp.

5.- Ca dao, tục ngữ
Ca dao tục ngữ là kho Minh triết của Tổ tiên để dạy dỗ con cháu về cung cách làm Người
để xứng với bậc con Rồng Cháu Tiên để thành những Trai Hùng Gái Đảm. Mặt khác
ca dao tục ngữ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hoá để chống lại với
chính sách “ đốt, tịch thu sách chôn Nho” để tiêu diệt văn hoá nước nhà của Tàu, hầu
cho dễ bề đồng hoá, thôn tính. Những tư tưởng trên được thể hiện trong nhiều lãnh vực,
nhất là trong thi ca bình dân như tục ngữ, ca dao của Tổ tiên:

Anh em như thể tay chân

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước, phải thương nhau cùng .

Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn .

Anh em cốt nhục đồng bào,
Nỡ tâm sao lại hại nhau cho đành.

Đã chung huyết thống da vàng,
Xin đừng thêm chuyện tương tàn hôm nay,
Đã chung bọc trứng trăm đầy,
Xin đừng vẽ chuyện cho đây đó buồn.

Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Này em mắt thắm môi hường,
Quê mình thế đó, đoạn trường không em?
Đừng vì chăn nệm ấm êm,
Mà quên : “ Máu chảy ruột mềm ” đấy nhe!

Một hòn chẳng đắp nên non,
Ba hòn chụm lại nên hòn núi cao.

Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Muốn cho có đó, có đây,
Sơn lâm há dễ một cây nên rừng!

Một cái nóc gánh trăm cái rui,
Trăm cái rui đè một cái nóc.

Ở cho phải phải phân phân,
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.

Lỗi lầm, anh vẫn là anh,
Nồi da xáo thịt sao đành hở em?

( Anh em Tây Sơn )

6.- Bài hát vui

( Không rõ tên tác giả , có lẽ là nhạc của Phong trào Du ca ? )

Một mẹ trăm con
Anh em ta, cùng mẹ cha,
Như truyện cũ trong tích xưa,
Khi thế gian còn mù mờ ( bis )

Nhớ khi xưa, mẹ đẻ ra,
Trăm cái trứng, nở trăm con,
Trăm đứa con, cùng một dòng ( bis )

Năm mươi con vượt đồi non,
Phá rừng núi, khai rẫy nương,

Xây đắp buôn, làm nhà sàn ( bis )

Năm mươi con, dọc Trường Sơn,
Đi xứ Bắc, đi xứ Nam,
Xây núi sông, lập ruộng đồng ( bis )

Hôm nay đây, Rồng gặp mây,
Đá gặp núi, ta tới đây,

Tay nắm tay, mình gặp mình ( bis )

Vui ca lên ! Thượng và Kinh,
Người trong nước, anh với em,
Em với anh, cùng họ hàng ( bis )
Khua chiêng lên, đập cồng lên,
Tiếng cồng đánh qua mái tranh,
Qua lũy tre vào rừng già ( bis )

Cho con hươu, khỉ già nua,
Cho ma quái, cho lũ nai,
Ngơ ngác say vì nhạc cồng ( bis )

7.- Tóm tắt

Huyền thoại Tiên Rồng dạy cháu con 4 điểm chính sau:

a.- Con dân trong một nước phải đối xử với nhau như anh em, phải yêu
thương và đùm bọc lấy nhau . Đây là lòng Nhân ái, lối ăn ở chí Tình.

b.- Dầu hoàn cảnh và vị thế có khác nhau, nhưng con dân trong một nước phải
lấy lẽ công bằng làm tiêu chuẩn sống . Đây là lẽ bình đẳng, lý công chính, lối sinh
hoạt chí công . Nhân quyền và Bình đẳng nhân dân ta đã có từ đây!

c.- Mọi con dân phải làm phát triển hết tài năng và đức độ của mình để xây
dựng con người, gia đình và xã hội ( Mẹ non Nhân, Cha nước Trí ). Đây là trách
nhiệm và quyền lợi chung.

d.- Tiên Rồng là nòi cao quý, con cháu phải ăn ở làm sao đừng để hoen ố dòng
máu của Tổ tiên. Đây là danh dự chung.
Có “ ăn ở chí Tình ”và “ đối xử với nhau chí Công ”, thì đời sống cá nhân mới được
cân bằng, gia đình được hoà thuận, và xã hội được an vui .
Vì danh dự và quyền lợi chung, mọi người phải đem hết khả năng và công sức mà xây
dựng cá nhân, gia đình và xã hội để đều được thăng tiến cùng một trật.
Những cảnh bất công, chèn ép, bóc lột, tham nhũng trong xã hội đã được tiêu diệt
tận gốc từ đây. Những tệ trạng trên chỉ xuất hiện khi con cháu từ bỏ nếp sống thân
thương và công bằng đó! .
Chỉ vì bỏ lối sống tốt đẹp đó, mới dọn đường cho giai cấp đấu tranh, cho việc anh em
đồng bào tàn sát lẫn nhau!
Lời nói rằng : Cha ông chúng ta đã sống an bình qua mấy ngàn năm là có thể tin
được.
Ngoài ra, qua biểu tượng Tiên Rồng ta cần lưu ý hai ý tưởng sau:

a.- Tiên / Rồng là hai đối cực cũng như vợ / chồng , âm /dương là gốc của
Kinh Dịch. Chỉ có phổ biến ở đời sống Việt Nam, mà không tìm thấy nhiều ở Tàu.

b.- Khi để Tiên trước Rồng, vợ trước chồng là theo triết lý Tả nhậm tức là triết
lý thuận thiên, và nguyên lý Mẹ tức là phù yểu, tức trọng Tình hơn Lý.

Quốc gia Việt Nam ta xưa được xây đắp trên nền tảng đó.

Khi xa rời nguồn gốc Tiên Rồng thì con người sa đọa, Tổ ấm gia đình thành Tổ nóng, Tổ
lạnh, xã hội điêu linh!
Khi chỉ nhận Vật biểu đơn như : Rồng, Gà Cồ, Chim Ưng . . . làm gốc tức là bỏ đời sống
Nhu – Cương và nhận ngọn Cương làm Gốc mà đi một chân,thì té ngả là cái chắc.
Vì quên lảng tình Đồng bào mà cộng động quốc gia khắp nơi đã bị phân hoá trầm trọng,
cứ xâu xé nhau, không thể cùng ngồi với nhau số đông mà làm việc lớn.
Ví từ bỏ gốc Đồng bào, lạc Hồn thiêng Sông Núi mà CSVN giết hại đồng bào và bán
nước. “cái Sảy nảy cái Ung” là vậy.
Do đó mà có câu” Đạo mất truớc, Nước mất sau” ( Kim Định )
Vì vậy mà khi ta hiểu Chuyện Tiên Rồng là chuyện hoang đường, là chuyện ly dị, mà
vong bản là gây ra quốc họa!

8.- Lời nhắn nhủ ngàn năm

Tổ tiên ta đã dặn dò:

Trăm năm tính cuộc Vuông Tròn
Phải dò cho đến ngọn Nguồn lạch sông

Cuộc Vuông Tròn: Cuộc triệt Thượng ( Tròn ) triệt Hạ ( Vuông ) cho có:
Nhân, Trí, Dũng
Ngọn nguồn: Mẹ Non Nhân, lạch Sông: Cha Nước Trí

“Ai về nhắn với nẫu ( 1 ) nguồn,
Măng le ( 2 ) gởi xuống, cá chuồn gởi lên ( 3 )”

Đây là cánh đồng Tương hay sự tương giao giữa Mẹ Tiên cha Rồng.
Đây cũng là mối liên hệ công bằng hai chiều làm gương Hòa cho đồng bào Việt Nam.

(1) Nẫu hay Nậu : là họ, kẻ, những kẻ. Nẫu nguồn là những kẻ sống trên nguồn của
suối, tức là trên núi, quê hương của Mẹ Tiên.
(2) Măng le: loại măng vòi, nhỏ. Măng le là loại măng mọc ở trên nguồn, trên rừng,
là thực phẩm Mẹ Tiên hay dùng.
(3) Cá chuồn là loại cá ngoài biển, cá sống từng đàn, bay được, có khi bay vào
thuyền đánh cá làm chìm thuyền luôn. Cá chuồn là sản phẩm nơi cha Rồng ngoài
biển.
Măng le nấu với cá chuồn là thức ăn bình dân của dân Việt, chắc là hai thứ nấu
chung thành món kho ngon, món ăn ngọn để Mẹ Tiên Cha Rồng cùng Thực, vì “có
Thực mới vực được Đạo “.

Bao giờ Mẹ Tiên cũng tìm cách dùng miếng trầu đưa duyên mời cha Rồng trước, để
kết hợp thành Vợ chồng, rồi không khỏi phải “ Thù đồ “ mà phát triển bản sắc riêng,
tuy vậy mà vẫn không quên dìu nhau “Đồng quy “ trên cánh đồng Tương, để đạt
minh triết mà hưởng hạnh phúc, sự chia tay lên non xuống biển thật không phải sự ly
dị êm xuôi!

Việt Nhân




LY DỊ


Huỳnh Ngọc Nga   

Mặt trời ngả bóng, vài đợt nắng còn vương lại trên vách núi những tia vàng ánh nhẹ lung linh sau nhành cây. Không có tiếng chim ríu rít kêu nhau về tổ, không có bóng vượn chuyền cành tìm rủ về hang, hổ, báo không buồn nhởn nhơ theo lối mòn ra suối như lệ thường, cho đến lá rừng cũng chẳng màng lay động. Tất cả khác hẳn mọi chiều, cảnh vật như trầm lại để nghe như đâu đây có tiếng thở dài.

Trên một mặt bằng rộng lớn của đồi núi Tản Viên, lao nhao bóng người, bóng thú. Voi chực, hổ chầu để đưa Sơn Thần về động. Rồng vàng trên cao chuyển mình từ cụm mây trắng đang hạ dần xuống để rước Thủy Thần về sông. Buổi họp định đoạt đời sống lứa đôi của Lạc Long Quân và Âu Cơ đến đây là chấm dứt. Cả hai vị Thần Sông, Thần Núi đã cố gắng bằng mọi cách để mối duyên Long Phụng tồn tại với núi sông, nhưng họ đành thất bại.


Không văn tự phán quyết, không mệnh lệnh ban truyền nhưng cuộc chia tay của Lạc Tử và Âu Nương đã là mệnh số. Một mệnh số được khởi đầu từ một ngày của hơn mười lăm năm về trước, lúc chàng tuổi trẻ Lạc Long Quân – cháu ba đời của Thiên Tử Đế Minh, con của Kinh Dương Vương và Long Nữ – chán thú phồn hoa nơi miền đồng bằng trù phú, ngược bờ Dương Tử dừng bước bên chân núi Tản Viên. Rồi một làn cung vút, một mủi tên bay, chàng lần theo dấu chú thỏ rừng trúng tên đang tìm đường trốn chạy leo dần lên vùng núi cao mà không hay ánh dương đang ngả về tây. Giữa bóng râm của những tàn cổ thụ, thỏ rừng đâu không thấy, chàng chỉ nghe tiếng róc rách của một giòng suối đang reo. Dưới suối, một đàn hạc trắng hóa thân tiên nữ, trút bỏ đôi cánh mềm để biến thành đôi tay dịu dàng tung vẫy nước. Nắng dọi, nước trong lóng lánh như thủy tinh, sáng ngời như hào quang, chói lòa sắc hương của nàng tiên chúa, chúa Hạc Âu Cơ.

Chuyện sẽ ngừng lại nếu tiên hạc chấp cánh về trời, chàng Du Tử Long Quân xuôi đường tìm về đồng sông ngát rộng, nhưng duyên trời đưa đẩy nên Sơn Thần say ngủ, thả lỏng hổ xám dạo rừng. Hổ nhớ dòng nước mát, bóng cây dọi bên bờ suối quen thuộc vẫn thường dừng chân sau mỗi chuyến săn mồi. Hổ men theo bìa rừng để đến bên bờ suối đó, dù chưa săn được con mồi nào. Nhưng ơ kìa, dưới suối bao nhiêu giai nhân đang tung nước nô đùa, thịt da mơn mởn, chưa nhắm đã thấy hương nồng, chỉ cần chụp lấy một trong những con mồi cũng đủ no bụng thỏa thuê đền bù tội một lần trốn chủ. Nghĩ là làm, hổ xám chụm hai chân thụp xuống sau ghềnh đá, chờ lúc các tiên hạc bước ra khỏi dòng nước mát sẽ chọn một nàng gần nhất để phóng ra, vồ lấy. Hổ rình người mà không hay cách đấy một quảng không xa có kẻ đã nhìn thấy hổ và kẻ đó cũng đang trong tư thế sẳn sàng cản trở ý đồ của hổ, tư thế của một chàng thợ săn và cũng là tư thế của một dũng sĩ sắp ra tay cứu tử một giai nhân.

Là chúa hạc đầu đàn, thấy ánh dương nhòa nhạt phương đoài, Âu Cơ ngừng tung nước và bước lên bờ suối trong lúc các tiên hạc khác cũng dừng lại cuộc chơi để sửa soạn theo bước chúa đoàn. Nhưng kìa, đôi cánh trắng chưa kịp khoác lên người chúa hạc thì thoắt đâu bóng hổ chợt ào ra vụt đến, Âu Nương thất sắc nhắm mắt phó thác thân mình cho số mệnh, tiếc đôi cánh tiên phải bỏ lại trần gian. Giữa lúc đó lại một đường cung vút, một cánh tên bay, “phập“, tên ghim vào đùi trái thân sau của hổ. Âu Nương mở mắt, hoàn hồn để thấy hổ xám giận dữ xoay thân về hướng phát tên và nàng chợt sững sờ khi biết sau hàng cây rậm có một chàng trai trẻ khôi ngô đã ra tay cứu mạng mình. Sự sững sờ gia tăng để biến thành hoảng loạn khi nàng và các tiên hạc mục kích cảnh chiến đấu giữa hổ và chàng. Hổ mất mồi đem trút sự giận dữ lên móng vuốt để đổ vào kẻ đã phá hoại cuộc săn của mình. Lạc Long Quân không sợ hải, rút dao đối phó. Sức hổ dù mạnh đến đâu cũng yếu dần với vết thương đang rỉ máu nên tìm đường rút lui, nhưng trước khi tháo chạy hổ cũng đủ nhanh nhẹn cào rách một mảng da trước ngực chàng tuổi trẻ trong lúc chàng để hở một thế công.

Âu Cơ và các tiên hạc kết mây rừng làm võng để đặt Long Quân lên rồi khoác lại đôi cánh trắng cùng nhau đưa võng lên cao, bay về động hạc. Động tiên trên núi cao từ đấy rực rỡ hoa màu, chúa hạc trút bỏ đôi cánh tiên để khoác xác phàm làm người trần thế, đôi tay tiên nữ dịu dàng băng bó vết thương ân nhân đã cứu mạng mình. Thuốc lá cây rừng được rịt băng vết thương dũng sĩ bằng trái tim thiếu nữ, tóc nàng là mây trời, mắt nàng là sao đêm, thịt da nàng là hương sắc thắm. Long Quân quên hết đất trời, quên đồng bằng dưới núi, quên mẹ đợi cha chờ, bạn bè trông ngóng để say men tình của núi rừng trong cánh tay tiên, ơn cứu tử được trả bằng nợ ba sinh.

Sơn Thần được mời đến đại diện nhà gái Âu Nương, Thủy Thần được tin cũng đại diện nhà trai cởi rồng từ sông đến dự. Lễ hội tưng bừng hơn tuần trăng mới dứt, ánh dương ban ngày chiếu rọi, mặt nguyệt ban đêm rạng ngời, gió núi reo cười, mây trắng trên đại giang lửng lờ trôi về phủ bao bóng mát. Hổ xám vâng lịnh Sơn Thần đến tạ lỗi với tiên nương, hổ dâng mủi tên gãy sau đùi hôm nào để làm quà mừng hôn lễ. Thú rừng kéo về phủ phục, hoa cỏ lá cây rực rở khoe màu. Mối duyên Tiên-Rồng chính thức thành hình, tạo dựng mái ấm gia đình đầu tiên cho bộ tộc Âu-Lạc của giòng Lạc Việt, tổ tiên muôn đời của dân tộc Việt Nam ngày nay.

Khí đất hơi trời hoà quyện, ân nồng, tình thắm theo năm tháng kết hoa thành trái. Tiếng rằng Âu Nữ thọ thai đúng ba năm mới chuyển dạ trở mình, cho ra đời một bọc tơ vàng với trăm trứng bên trong. Lạc Long Quân đốn gỗ trầm làm giường, đem lá hương về phủ, Âu Cơ khoác lại đôi cánh hạc, xoè rộng để ấp ủ lấy trăm trứng, phủ theo giòng thời gian trọn bốn mùa xuân, hạ, thu, đông mới nở thành trăm người con kháu khỉnh xinh tươi, năm mươi hài nữ và năm mươi hài nam. Lễ hội lại tưng bừng, sơn lâm lại vang lên tiếng nhạc của hoa ngàn gió núi. Hạnh phúc ngập tràn trong lòng của hai kẻ lần đầu được làm mẹ, làm cha.

Nhưng cũng từ đấy, mây xám lờ lững phủ trời khi những đứa trẻ lớn dần theo năm tháng. Lạc Long Quân và Âu Cơ chợt nhận ra bao khác biệt mà những năm đầu thương yêu họ không nhận thấy. Với trăm người con, Long Quân muốn tổ chức lại một nếp sống quy cũ như chàng đã sống thuở thiếu thời dưới đồng bằng trong gia đình của mẹ cha chàng. Chàng muốn dạy dỗ chúng tôn ti, trật tự, thứ ngôi lớn nhỏ. Phân định công, tội với khen, thưởng rạch ròi. Chỉ cho các con biết cách trồng trọt theo mưa, nắng của đất trời, dạy cho chúng biết cách ươm mầm, gieo hạt. Thỉnh thoảng một đôi lần chàng cho chúng luân phiên theo chàng xuống núi về sông để thấy đồng bằng bao la ngát rộng, cho các con chàng thầy cảnh phố thị dập dìu, áo quần muôn sắc; thưởng thức cuộc vui của những ngày hội được mùa thu hoạch giữa tiếng hát hò xen lẫn tiếng trống đồng vang lộng tưng bừng.

Ngược lại, Âu Cơ không muốn các con bị gò bó bởi lề luật đồng bằng. Đất trời là nhà, cỏ cây, hoa trái rừng là cơm gạo, suối trong là nguồn nước vô tận nuôi sống chúng qua ngày. Gió núi là nhạc, cây lá xạc xào là lời ca, da thú quấn thân là y phục, công tội đồng chung phân xử, mọi thứ là của chung cho tất cả chẳng biệt phân, săn bắn là việc chính để nuôi thân, mùa màng chỉ là phụ yếu.

Xung đột ý kiến giữa vợ và chồng ngày càng gia tăng. Đám trẻ, đứa khen ý cha, đứa vỗ tay tán thành ý mẹ, một số mơ đời hoa gấm chốn đồng bằng, một số hài lòng nếp đơn sơ miền sơn dã. Những trái nghịch ý tưởng từ cha mẹ thấm sâu vào máu tim các trẻ, đưa đến bao lần chúng cải vả lẫn nhau. Long Quân chợt nuối những ngày thảnh thơi thời niên thiếu, nhớ những chiều thưởng nguyệt trên sông, nhớ mẹ cha, bè bạn cũ. Chàng ướm lời cùng vợ đồng chung đưa các con về đồng bằng sống lại nếp sống xa xưa, nhưng Âu Cơ thoạt nghe đã quyết liệt chối từ. Vốn gốc nguồn tiên hạc, làm sao nàng thích ứng được đời phố thị phồn hoa. Nơi đó quá ư ô hợp, bon chen trái hẳn sự thanh khiết của núi rừng mà nàng đã và đang sống. Về đồng bằng tức là giết chết dần mòn cả thân xác lẫn linh hồn của một vị tiên. Long Quân không muốn trái ý vợ vì trong thâm tâm lúc nào chàng cũng thương yêu, nể trọng bạn tình, Âu Cơ luôn giữ tròn đạo vợ, vẹn chữ mẹ hiền, chàng chẳng có điều gì để hờn trách nàng được ngoài những khác biệt tư tưởng giữa kẻ núi người sông.

Từ đó chàng đâm ra ủ rủ, biếng ăn, ít nói, thần sắc tiều tụy vàng vọt dù Âu Cơ luôn hết lòng chăm sóc. Cuối cùng không chịu đựng khi nhìn nỗi niềm hoài vọng của chồng, nàng thắt lòng đề nghị chuyện chia phôi:

- “Phu quân, duyên trời thương cho chàng và thiếp hội ngộ cùng nhau. Bao năm qua đã tỏ tường ân ái. Nay nếu những chuyến về kinh không đủ để chàng quên nghĩa quê nhà thì thiếp đành cắn răng chịu chữ phân ly để chàng được thỏa lòng mong nhớ. Con trẻ chúng ta chia hai, theo chàng hoặc ở lại cùng thiếp tùy ý chúng. Thiếp thật lòng không muốn chuyện cách chia nhưng không thể nhìn chàng héo mòn theo năm tháng, sống đây mà hồn ở tận nơi đâu nên thiếp cam lỗi đạo vợ hiền, bẻ câu cầm sắt; ngày nào chàng chán cảnh phồn hoa, đền xong nợ hiếu thì động hoa vàng miền sơn dã vẫn để ngõ đón bước chân chàng trở lại. Lòng thiếp đã bày, ý chàng thế nào xin cho thiếp biết.”

Long Quân sửng sờ nhìn vợ, tự hỏi sao nàng đoán được ý ta như thế, đó là ước vọng của chàng sau chuyến lai kinh lần cuối nhưng chàng không thể tỏ bày cùng nàng vì sợ những giọt châu rơi. Nay nàng đã mở lời, chàng nghe thẹn với lòng trước tình yêu của người hôn phối, nâng nhẹ tay ngà, chàng thở dài khẻ đáp:

- “ Hiền thê, cám ơn nàng đã rõ ý ta mà mở đường cho ta rộng bước,  hãy hiểu cho rằng, mai sau dù chia đôi ngã nhưng ta vẫn hoài vọng về nàng bằng một trái tim yêu.”

Âu Cơ quay mặt đi để dấu đôi giòng lệ tủi, những lời cảm tạ kia như dao cứa vào tim nàng. Vậy là đã rõ, nghĩa gối chăn, tình ân ái bấy lâu vẫn nhẹ hơn lòng hoài hương của chàng du tử. Nghĩ đến lúc đàn con chung bọc phải tách xa nhau nàng nghe lòng đau quặn thắt. Nhưng thôi, định mệnh đã an bài, thà chia xa mà thương yêu toàn vẹn, hơn đối mặt chung đầu mà tình nghĩa nhạt phai.

Ngày hôm sau, lệnh truyền từ cả hai cho trăm trẻ biết ý định của mẹ cha để chúng tùy tâm định liệu, làm thế nào để năm mươi người ở lại cùng mẹ và năm mươi người xuống núi theo cha. Chim hạc cũng mang tin mời Sơn Thần, Thủy Thần đến dự buổi họp chia ly như hôm nào họ đã đến mừng ngày hợp hôn đôi lứa.

Sơn – Thủy thần hai vị được tin cấp báo đã vội vã hiện diện đúng hẹn kỳ. Những sinh động ngày nào của núi rừng được thay thế bằng vẻ ủ rũ của vạn loài. Lạc Long Quân và Âu Cơ khấu đầu lễ tạ ơn trời đất, ra mắt khách mời và thay nhau lần lượt trình bày lý do của buổi họp chia tay. Sơn Thần, Thủy Thần cũng luân phiên buông lời phủ dụ, khuyên đôi đàng suy nghĩ kỹ trước khi thi hành quyết định lìa xa. Nhưng như định luật của đất trời, mây hợp rồi tan, hoa nở rồi tàn, mối duyên Tiên-Rồng có lúc khởi đầu thì cũng có ngày chấm dứt, chẳng ai lay chuyển được ý định của Lạc Tử và Âu Nương.

Trăm người con cũng đã theo lệnh mẹ cha mà tự phân định con đường của mình, năm mươi người áo quần miền kinh đã vận sẵn đang khăn nải chờ lúc khởi hành cất bước theo cha, năm mươi người còn lại vẫn áo da thú, khố quấn thân sắp hàng sau lưng mẹ. Lắm trẻ không chịu đựng được nỗi đau chia lìa đã đầm đìa lệ ướt, có trẻ can đảm hơn đã cắn răng chịu đựng nỗi buồn với gương mặt u sầu của những đứa con côi dù mẹ cha vẫn còn đủ đầy trên dương thế.

Sau cuộc hòa giải bất thành, Sơn Thần lên lưng voi trắng, Thủy Thần cởi rồng vàng cùng ra về. Âu Cơ bước ra ôm chầm từng đứa con trong số năm mươi trẻ sẽ theo Long Quân về miền xuôi xa ngút, nàng choàng cho mỗi trẻ một chuổi thạch bích và nghẹn ngào nhắn nhủ:

- “ Chư hài tử, vì lòng hoài vọng quê hương của phụ thân các con nên mẹ cha đành tạm thời chia tay đôi ngã và các con vì thế phải phân ly. Dù miền kinh hay đất núi, hãy nhớ hai nơi đều là đất nước chung của các con. Khi nào các con nhớ mẹ và các anh em còn ở lại, hãy trở về đây; dù xa hay gần hãy giữ lòng thương yêu nhau như ngày nào các con vẫn còn chung nhau bên mái núi và nhất là hãy nhớ rằng các con chung một mẹ cha, chung bọc chào đời. Mẹ sẽ dõi theo từng bước chân của những người mẹ thương yêu nhất bằng gió núi, mây ngàn hàng ngày trôi bạt về kinh. Mẹ chúc các con thượng lộ bình an.”

Quay sang Lạc Long Quân đang não nùng bên cạnh, Âu Cơ sụp xuống dưới chân chàng, tay nâng mủi tên gảy, mắt nhòa lệ, nàng nhỏ giọng để dấu từng tiếng nấc đang dâng:

- “Phu quân, đôi ta đã cạn lời tâm huyết, phút đăng trình xin gởi lại chàng mủi tên cứu tử ngày xưa, xin chàng giữ lấy như giữ mối tình người sơn dã. Thiếp chúc chàng vẹn vẽ mọi đường nơi quê cũ. Lối mòn trở lại vẫn mong chờ bước chân ai.”

Lạc Long Quân nâng nhẹ Âu Cơ đứng dậy, lau vội những giọt châu rơi rồi nhận lấy mủi tên cất vào tay nải. Xong, chàng rút con dao rừng năm nào đã chiến đấu cùng hổ xám cứu nàng, xoay cán dao đặt vào tay nàng, chàng dịu dàng âu yếm:

- “ Hiền thê, ta cảm tạ tình nàng, đổi lại xin hãy vui lòng nhận vật tùy thân này của ta. Thấy nó như thấy ta đang ở cạnh nàng và các con trẻ vậy. Ta sẽ trở lại trong một ngày không xa lắm. Hãy tin tưởng và chờ đợi buổi đoàn viên.”

Xong xuôi chàng rút trong tay nải ra năm mươi bịch đất nhỏ đã chuẩn bị từ lâu, xoay về phía những đứa trẻ chọn đường ở lại đang đứng sau lưng Âu Cơ, chàng đến bên chúng đặt tay lên vai từng đứa và trao cho chúng mỗi người một bịch đất, cuối cùng chàng dõng dạc bảo:

- “ Các con thương yêu của ta, ta tạ lỗi cùng trời đất, hổ thẹn cùng mẹ các con và các con đã tạo ra buổi chia ly này. Nếu chim tìm về núi, cá lội về nguồn thì ta cũng nghe bổn phận thần tử phải quay về nơi hương khói. Ðây các bịch đất lấy từ miền kinh, đất của quê ta và cũng là đất nước của các con. Nơi nào ta và các anh em con dừng bước, đó cũng là nhà của các con. Các con có thể đến và ở lại bất cứ khi nào các con muốn. Hãy giữ các túi đất này để làm tin như giữ tình phụ tử và tình quê cha trong lòng các con. Hãy thay ta chăm sóc mẹ của các con để người không thấy sự thiếu vắng của ta và hãy nhớ rằng mẹ cha của các con vẫn thương yêu nhau như thuở ban đầu. Ta sẽ hướng về núi mỗi ngày để vọng tưởng nơi đã cho ta bao nhiêu năm hạnh phúc. Ta cầu mong đất trời sẽ phò hộ mẹ các con và các con.” 

Thế rồi kẻ ở lại non, người về biển rộng. Cuộc ly dị đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt đã diễn ra êm đềm, không tiếng oán chẳng lời than, không người thay đổi, chẳng kẻ ngoại tình như những mối duyên đổ vỡ ngày nay, nhưng chẳng ai nghe chuyện trở lại của Lạc Long Quân như lời đã hứa cùng Âu Cơ tiên nữ, người đời sau theo đó cho rằng máu phụ bạc có sẵn trong người đàn ông, tiếng ngọt ngào, lời đường mật thoát đi từ miệng lưỡi nam giới phụ nữ nên cẩn thận chớ dễ tin mà chuốt khổ vào thân.

Sử sách chỉ ghi chép rằng Lạc Long Quân dẫn năm mươi con xuống núi, theo đồng bằng sông Dương Tử xuôi về phương nam thàng lập đất nước Văn Lang với niên hiệu Hùng Vương của mỗi đời vua trị nước, mở đầu trang chính sử cho con cháu Việt Nam ngày nay.

Huỳnh Ngọc Nga
Torino, ITALIA – 10.09.2004
Nguồn: http://www.machsong.org


Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang : Con Người Nhân Chủ Trong Huyền Thoại
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com

Email: thuky@vietnamvanhien.net

"Bất chiến tự nhiên thành" chi kế
Văn Hiến ngàn năm sử đã đề
Phá tan giặc Cộng bằng Tâm lược
"Nhân Chủ (tự chủ) - An Vi (an lạc)" khai lối về


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt