Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com




Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272 - 1697).

Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992).
Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993).


 


Lời Giơí Thiệu

Nguyễn Khánh Toàn
Một dân tộc có nền văn hóa lâu đời bao giờ cũng trọng thị, giữ gìn coi như thiêng liêng những di tích của nó, đặc biệt là dấu tích của những sự nghiệp anh hùng và quang vinh của ông cha, nòi giống, những gì nhắc lại những kỳ công của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì đời sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ đã qua.
Về phương diện ấy, những cái gọi là di sản văn hóa, tuy thuộc về quá khứ của một dĩ vảng không bao giờ trở lại, nhưng nó vẫn sống bởi vì những cái chúng ta làm hôm nay, trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần, là tiếp tục cái hôm qua.
Trong các loại di sản văn hóa của dân tộc, hiện nay chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến các loại sách cổ về đất nước và con người, về văn hóa, xã hội, nhất là về lịch sử nước ta.
Có sự mâu thuẫn lạ đời này, là dân tộc ta có một lịch sử lâu đời với một nền văn hóa độc đáo mà nhân dân ta từ bao đời, với bàn tay và khối óc của mình, đã tự xây dựng lấy, nhưng chỉ cách đây tám, chín trăm năm, mới có người Việt viết về lịch sử đất nước mình. Còn trước đó, trong các sách của người Tàu viết, chỉ thỉnh thoảng họ mới nói đến cái đất nước của một dân tộc "man di" gọi là Giao chỉ, một mảnh đất hầu như hoang vu, con người còn sống sơ khai, cần phải được "Thiên Triều" "giáo hóa".
Vì thế mà trong suốt cả một thời gian lịch sử rất dài - hai, ba nghìn năm, dân tộc Việt Nam phải liên tục đấu tranh chống họa xâm lược của nước ngoài. Chíh trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, nhưng anh hùng bất khuất ấy mà dân tộc ta xây dựng và phát triển nền văn hóa độc đáo và xán lạn của mình, tiêu biểu là nền văn hóa Đại Việt thời Lý, Trần, Lê.
Cho nên, rất dễ hiều, cách đây tám, chín trăm năm, khi lịch sử nước ta đi vào kỷ nguyên Đại Việt, xuất hiện những nhà sử học lớn như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên.
Đối với thời kỳ lừng danh như thời Đại Việt, nó là cả một bản anh hùng ca, cái gì có liên quan đến nó, dẫu là một câu, một dòng chữ tự tay nhân vật đã sống hoặc đã chứng kiến những giờ phút huy hoàng viết ra, mà ta được đọc hay được nghe, đều là tiếng nói thân thiết từ ngàn xưa vọng lại, làm rung động tâm hồn của chúng ta biết bao.
Cho nên, việc đáng mừng là chúng ta đã tìm lại đợc bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Đó là bản in theo ván khắc năm Chính Hoà thứ 18, tức năm 1697, mà trước đây tưởng như không hy vọng tìm thấy. Còn những bản in chúng ta vẫn thường dùng là những bản in sau đó, vào đời Nguyễn.
Đại Việt sử ký toàn thư là một thành tựu của nền văn hóa Đại Việt. Nó là một công trình biên soạn lịch sử đồ sộ của nhiều nhà sử học nổi tiếng của nước ta, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê.
Bộ sự được đặt cơ sở đầu tiên với Đại Việt sử ký toàn thư 30 quyền của Lê Văn Hưu, viết xong năm 1272, trong thời kỳ chiến đấu oanh liệt chống quân xâm lược Mông - Nguyên. Nó được tiếp tục với Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, trong giai đoạn phát triển cao nhất của nền văn hóa Đại Việt, giao đoạn của vũ công chống Minh, của Đại Cáo Bình Ngô, của chủ nghĩa yêu nước hoàn chỉnhv à tiên tiến của Nguyễn Trãi. Nó được hoàn thành và công bố năm 1697, biên chép lịch sử dân tộc từ buổi đầu dựng nước cho đến năm 1675.
Một công trình sử học được xây dựng trong bối cảnh lịch sử như thế hẳn mang hơi thở của thời đại, phản ánh được tương đối chính xác và đầy đủ thực tế hào hùng của đất nước. Và điều chắc chắn, nó là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản vô giá của văn hóa dân tộc.
Tôi xin trân trọng giới thiệu với các nhà khoa học trong và ngoài nước, với tất cả bạn đọc, bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư dựa trên ván khắc năm 1697 kèm theo chú giải, sách dẫn và bản chụp nguyên văn chữ Hán.
Tôi hy vọng công trình xuất bản này sẽ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của các nhà sử học, các nhà khoa học thuộc nhiều ngành khoa học xã hội trong nước, các nhà Việt Nam học trên thế giới và tất cả những ai muốn tìm hiểu nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Lời Nhà Xuất Bản

Năm 1967, Nhà xuất bản Khoa Học xã hội đã xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 4 tập do nhà Hán học Cao Huy Giu dịch và Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính. Đó là một bộ sử lớn, có giá trị, được biên soạn qua nhiều đời, gắn liền với tên tuổi của những nhà sử học nổi tiếng ngày xưa như Lê Văn Hưu thế kỷ XIII, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, Phạm Công Trứ, Lê Hy thế kỷ XVII.
Năm 1971, bộ sử đó được tái bản lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung. Sau đó một thời gian, nhiều bạn đọc yêu thích lịch sử dân tộc, nhiều nhà sử học, nhiều cán bộ nghiên cứu và giảng dạy thuộc nhiều ngành, nhiều cơ quan đã yêu cầu chúng tôi tái bản lần thứ ba bộ sử ấy.
Giữa lúc đó thì Giáo sư sử học Phan Huy Lê, sau chuyến đi công tác ở Pháp về, cho chúng tôi biết việc phát hiện ra bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản Nội các quan bản, và vui lòng cho chúng tôi sử dụng bản sao chụp bản in ấy do Giáo sư đem về nước. Đấy là bản in theo ván khắc năm Chính Hoà thứ 18, tức năm 1697, còn được lưu giữ tại Thư viện của Hội Á Châu ở Paris.
Năm 1985, theo đề nghị của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, bà C. Rageau, Giám đốc Thư Viện Trường Viễn Đông bác cổ (EFFO), đã đem sang tặng Việt Nam bộ vi phim (microfilm) bản in Nội các quan bản của Đại Việt sử ký toàn thư đang lưu giữ ở Paris và đồng ý cho Việt Nam được toàn quyền sử dụng văn bản này.
Chúng tôi đã báo cáo lên Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay) và đề nghị cho tổ chức nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản kịp thời bộ Đại Việt sử ký toàn thư căn cứ trên bản in Nội các quan bản được in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697). Sau khi đề nghị trên được chấp nhận, một Hội đồng chỉ đạo đã được thành lập, gồm:

Chủ Tịch : Giáo Sư Viện Sĩ Nguyễn Khánh Toàn
Ủy Viên: Giáo Sư Sữ Học Phan Huy Lê
Giám Đốc kiêm Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hôi: Phạm Hựu
Sau khi ông Phạm Hựu nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Diệu giữ chức Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xãhội đã tham gia Hội đồng chỉ đạo với cương vị ủy viên thay thế ông Phạm Hựu.
Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử có giá trị về nhiều mặt, là một di sản qúy báu của nền văn hoá dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng, chúng tôi thấy có nhiệm vụ phải cố gắng làm sao để cho công trình xuất bản này xứng đáng với vị trí và giá trị của bộ sử. Về mặt phiên dịch, chúng tôi có tham khảo và kế thừa bản dịch cũ, nhưng phải dịch lại trực tiếp từ văn bản mới phát hiện. Chúng tôi cũng mong muốn bản dịch mới tiếp thu những thành tựu mới về ngôn ngữ tiếng Việt và dịch thuật chữ Hán trong thời gian gần đây, vừa tôn trọng ở mức độ cao nhất nội dung và phong cách của bộ sử đã ra đời cách đây gần 300 năm, vừa làm cho bạn đọc dù không biết chữ Hán vẫn hiểu đợc nội dung bộ sử đến mức tốt nhất.
Công trình xuất bản Đại Việt sử ký toàn thư gồm 4 tập:
Tập I gồm Lời Nhà xuất bản Khoa học xãhội, Lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, bài Khảo cứu về "Đại Việt sử ký toàn thư: tác giả - văn bản - tác phẩm" của Giáo sư Phan Huy Lê và bản dịch phần đầu Đại Việt sử ký toàn thư gồm Quyển thủ, Ngoại kỷ Q. 1 - 5, Bản kỷ Q 1 - 4, do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ dịch, chú giải, và Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính.
Tập II gồm phần dịch và chú giải Bản kỷ Q.5 - 13 do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính.
Tập III gồm phần dịch và chú giải Bản kỷ Q.14 - 19 do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính và phần Phụ lục với bản dịch Đại Việt sử ký tục biên Q.20 - 21 của Phạm Công Trứ do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Thế Long thực hiện và Sách dẫn để tra cứu do Bộ môn phương pháp luận sử học thuộc Khoa sử Trường Đại học tổng hợp Hà Nội thực hiện.
Tập IV in lại bản chụp nguyên văn chữ Hán bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Tập I đã xuất bản năm 1983, tập II năm 1985, trong điều kiện ấn loát chưa được tốt lắm. Vì vậy, theo quyết định của Hội đồng chỉ đạo, năm 1992 chúng tôi in lại tập I, tập II có sửa chữa và in tiếp tập III, IV.
Nhà xuất bản Khoa học xã hội xin trân trọng và vui mừng giới thiệu với bạn đọc công trình xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng chỉ đạo do Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch, cảm ơn sự tin cậy và cộng tác tích cực của Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Hà Văn Tấn, sự làm việc hết lòng của các nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long và các cán bộ biên tập Lê Văn Quýnh, Nguyễn Duy Chiếm.
Cũng nhân dịp bộ Đại Việt sử ký toàn thư ra mắt, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Thư viện Hội Á Châu, Trường Viễn Đông bác cổ, Trường Đại học Paris VII, Hội Khoa học xã hội của người Việt Nam tại Pháp và Giáo sư sử học lão thành Hoàng Xuân Hãn, nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp, các nhà khoa học người Việt Nam tại Pháp ở Paris trước đây đã nhiệt tình giúp đỡ Giáo sư Phan Huy Lê trong việc nghiên cứu và sao chụp bản Đại Việt sử ký toàn thư ở Pháp, nay tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong việc chụp lại và công bố văn bản đó, chúng tôi trân trọng cảm ơn bà Vân Bùi Mộng Hùng, Giám đốc Nhà xuất bản Chân Mây Médiapoly đã hết lòng cộng tác giúp đỡ chúng tôi sao chụp và thu nhỏ, làm chế bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư để xuất bản tập IV.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, nhà thơ Cù Huy Cận đã quan tâm giúp đỡ chúng tôi và đặc biệt trân trọng cảm ơn ông Tổng Giám đốc UNESCO (Paris) đã tài trợ cho công trình xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư này, nhằm bảo vệ và phát huy một di sản quý giá của nền văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.
 
Đại cương

TÁC GIẢ - VĂN BẢN - TÁC PHẨM


PHAN HUY LÊ

I. QUÁ TRÌNH BIÊN SOẠN VÀ TÁC GIẢ

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư còn lại đến ngày nay là một bộ Quốc sử lớn, có giá trị, lần đầu tiên được khắc in toàn bộ và công bố vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hy Tông, tức năm 1697. Trong lời tựa của lần xuất bản đó - gọi là Tựa Đại Việt sử ký tục biên - nhóm biên soạn đứng đầu là Tham tụng, Hình bộ thượng thư tri Trung thư giám Lê Hy, cho biết bộ Quốc sử này là kết quả của một quá trình biên soạn, tu bổ qua nhiều đời: "Nước Việt ta, sử ký các đời do các tiên hiền Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên làm ra trước, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh soạn tiếp sau, đến đời Lê Huyền Tông (1663 - 1671) sai bọn tể thần Phạm Công Trứ tham khảo sử cũ như sử ký ngoại kỷ, Bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục đều y theo danh lệ của các sử trước, lại tham xét biên soạn từ quốc triều Trang Tông Dụ Hoàng đế (1533 - 1548) "sai bọn khảo thần khảo đính sử cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy Lại sưu tầm sự tích cũ, tham khảo các dã sử, loại biên, [biên sọan] từ Huyền Tông Mục Hoàng Đế năm Đức Nguyên thứ 2 (1675), tất cả sự thực trong 13 năm, cũng gọi là Bản kỷ tục biên. Sách làm xong, dâng lên ngự lãm, bèn sai thợ khắc in, ban bố trong thiên hạ" (Quyển thủ, Đại Việt sử ký tục biên tự, 1b - 3b).
Như vậy, bộ Đại Việt sử ký toàn thư là một công trình tập đại thành nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học của các đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê Trung hưng, cùng những người cộng sự với họ. Theo bản in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697) mang danh hiệu bản in Nội các quan bản - từ đây gọi tắt là bản Chính Hoà - bộ sử này gồm quyển thủ 24 quyển, biên chép một cách hệ thống lịch sử dân tộc từ họ Hồng Bàng đến năm 1675.

Bố cục của bộ sử như sau:

Quyển thủ: gồm các Lời tựa của Lê Hy, Phạm Công Trứ, Ngô Sĩ Liên, Biểu dâng sách của Ngô Sĩ Liên, Phạm lệ, Kỷ niên mục lục và bài Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Trung.
Ngoại kỷ: gồm 5 quyển, từ họ Hồng Bàng đến các Sứ quân.

Quyển 1: kỷ họ Hồng Bàng, kỷ họ Thục
Quyển 2: kỷ họ Triệu
Quyển 3: kỷ thuộc Tây Hán, kỷ Trưng Nữ Vương, kỷ thuộc Đông Hán, kỷ Sĩ Vương
Quyển 4: kỷ thuộc Ngô-Tấn-Tống-Tề-Lương, kỷ tiền Lý kỷ Triệu Việt vương, kỷ Hậu lý
Quyển 5: kỷ thuộc Tùy - Đường, ký họ Ngô

Bản kỷ: gồm 19 quyển, từ triều đình đến năm 1675.

Quyển 1: kỷ nhà Đinh, kỷ nhà Lê
Quyển 2: kỷ nhà Lý: Thái Tổ, Thái Tông
Quyển 3: Thánh Tông, Nhân Tông
Quyển 4: Anh Tông, Cao Tông, Huệ Tông, Chiêu Hoàng
Quyền 5: kỷ nhà Trần, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông
Quyển 6: Anh Tông, Minh Tông
Quyển 7: Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông
Quyển 8: Phế Đế, Thuận Tông, Thiếu Đế, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương
Quyển 9: kỷ Hậu Trần, kỷ thuộc Minh
Quyển 10: kỷ Lê Hoàng Triều: Thái Tổ
Quyển 11: Thái Tông, Nhân Tông
Quyển 12: Thánh Tông (thượng)
Quyển 13: Thánh Tông (hạ)
Quyển 14: Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục
Quyển 15: Tương Dực, Đà Vương, Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Khanh
Quyển 16: Trang Tông, Trung Tông, Anh Tông, Mạc Đăng Doanh đến Mạc Mậu Hợp
Quyển 17: Thế Tông, Mạc Mậu Hợp
Quyển 18: Kính Tông, Chân Tông, Thần Tông
Quyển 19: Huyền Tông, Gia Tông

19 quyển Bản kỷ lại chia làm 3 phần:
Bản kỷ toàn thư: từ quyền 1 đến quyển 10
Bản kỷ thực lục: từ quyển 11 đến quyển 15
Bản kỷ tục biên: từ quyển 16 đến quyển 19

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư với bố cục như trên đã được hoàn thành, khắc in và công bố vào năm 1697.
Một vấn đề khoa học được đặt ra là quá trình biên soạn từ Lê Văn Hưu đến Lê Hy diễn ra như thế nào, những ai đã tham gia vào công trình đó, đóng góp của mỗi người (haymỗi nhóm) ra sao và để lại dấu ấn gì trong bộ quốc sử cón lại đến ngày nay?
Muốn giải đáp vấn đề trên, chúng ta hãy lấy bộ Đại Việt sử ký toàn thư đời Chính Hoà làm cơ sở và ngược dòng thời gian, nghiên cứu những bộ sử tiền thân của nó, bắt đầu từ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần.

Ngoại Kỷ Toàn Thư Quyển 1

Hồng Bàng, An Dương Vương

[a] Triều Liệt Đại Phu, Quốc Tử Giám Tư Nghiệp, Kiêm Sử Quan Tu Soạn, Thần Ngô Sĩ Liên Biên
Xét: Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị1 đến ở Nam Giao2 để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu3 thì Bách Việt4 thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy. Từ đời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN] mới gọi là Việt Thường thị5 , tên Việt bắt đầu có từ đấy.

Kỷ Hồng Bàng Thị
Kinh Dương Vương


[1b] Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông6 .
Nhâm Tuất, năm thứ 17 . Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh8 lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.
Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long9 sinh ra Lạc Long Quân (Xét: Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi).
Lạc Long Quân

[2a] Tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương.
Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khi trời đất mới mở mang, có thứ do khí hóa ra, đó là Bàn Cổ thị. Có khí hóa ra rồi sau có hình hóa, không thứ gì ngoài hai khí âm dương cả. Kinh Dịch nói: "Trời đất nung ủ, vạn vật thuần hóa, đực cái hợp tinh, vạn vật hóa sinh"10 . Cho nên có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. [2b] Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương11 , giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu12 , đều là ghi sự thực như thế. Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao? Xét sách Thông Giám Ngoại kỷ (4)13 nói: Đế Lai là con Đế Nghi; cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?

Hùng Vương

[3a] Con Lạc Long Quân (không rõ tên húy)14 , đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc)15 .
Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đều là đất thần thuộc của Hùng Vương; còn bộ gọi là Văn Lang là nơi vua đóng đô16 . Đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng (chữ Lạc Tướng, sau chép sai là Hùng Tướng17 ). Con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương. Quan coi việc gọi là Bồ Chính, đời đời cha truyền con nối, gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, [3b] đến thưa với vua. Vua nói: "Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa. Tục vẽ mình của người Bách Việt có lẽ bắt đầu từ đấy.
Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Vũ Ninh18 . Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau, chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa [4a] lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vường nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng).
Thời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN], nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình", rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước.
Cuối thời Hùng Vương, vua có con gái gọi là Mị Nương, nhan sắc xinh đẹp. Thục Vương nghe tiếng, đến cầu hôn. Vua muốn gả, nhưng Hùng hầu can rằng: "Họ muốn chiếm nước ta, chỉ lấy việc hôn nhân làm cớ mà thôi". Thục Vương vì chuyện ấy để bụng oán giận. Vua muốn tìm người xứng đáng để gả, bảo các bề tôi rằng: "Đứa con gái này là giống tiên, người nào có đủ tài đức mới cho làm rể". Bấy giờ có hai người từ ngoài đến, lạy dưới sân để cầu hôn. Vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng một người là [4b] Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều ở trong cõi cả, nghe nhà vua có thánh nữ, đánh bạo đến xin lĩnh mệnh. Vua nói: "Ta có một người con gái, lẽ nào lại được cả hai rể hiền?". Bèn hẹn đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ đến trước thì gả cho người ấy. Hai người vâng lời, lạy tạ ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các đồ châu báu vàng bạc, chim núi thú rừng đến dâng. Vua y hẹn gả con cho. Sơn Tinh đón vợ về ở ngọn núi cao trên núi Tản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến sau, giận tiếc là không kịp, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập, đem các loài thủy tộc đuổi theo. Vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chăng ngang thượng lưu sông Từ Liêm19 để chặn lại. Thủy Tinh theo sông khác, từ Ly Nhân vào chân núi Quảng Oai20 rồi theo dọc bờ lên cửa sông Hát, ra sông lớn21 mà rẽ vào sông Đà để đánh Tản Viên, nơi nơi đào sâu thành vực thành chằm, chứa nước để mưu đánh úp. Sơn Tinh có phép thần biến hóa, gọi [5a]22 người man đan tre làm rào chắn nước, lấy nỏ bắn xuống, các loài có vẩy và có vỏ trúng tên đều chạy trốn cả. Rốt cuộc Thủy Tinh không thể xâm phạm được núi Tản Viên. (Tục truyền Sơn Tinh và Thủy Tinh từ đấy về sau đời đời thù oán, mỗi năm mùa nước to thường vẫn đánh nhau).
Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mị Nương đã lấy Sơn Tinh, Thục Vương tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm lấy nước. Đến đời cháu là Thục Phán có dũng lược, bèn đánh lấy nước.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thời Hùng Vương đặt chư hầu để làm phên giậu, chia nước làm 15 bộ. Ở 15 bộ ấy đều có trưởng và tá. Vua theo thứ bậc cắt đặt các con thứ để cai trị. Nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải là như thế? Vì mẹ làm quân trưởng, các con đều làm chúa một phương. Cứ xem như tù trưởng người man ngày nay xưng là nam phụ đạo, [5b] nữ phụ đạo (nay bản triều đổi chữ phụ đạo ___ ___ thành chữ phụ đạo ___ ___ thì có lẽ đúng như thế). Còn như việc Sơn Tinh, Thủy Tinh thì rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi).
Trở lên là [kỷ] Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57 [258 TCN] là năm Quý Mão thì hết, tất cả 2.622 năm [2879 - 258 TCN].

Kỷ Nhà Thục
An Dương Vương


Họ Thục, tên húy là Phán, người Ba Thục23 , ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa).
[6a] Giáp Thìn, năm thứ 1 [257 TCN], (Chu Noãn Vương năm thứ 58). Vua đã thôn tính được nước Văn Lang, đổi quốc hiệu là Âu Lạc. Trước kia vua nhiều lần đem quân đánh Hùng Vương, nhưng Hùng Vương binh hùng tướng mạnh, vua bị thua mãi. Hùng Vương bảo vua rằng: "Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư ?" Rồi Hùng Vương bỏ không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Quân Thục kéo sát đến nơi, hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương.
Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành24 , lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn, vì thành rất cao25 ). Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo, mới trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi khởi công đắp lại.
Bính Ngọ, năm thứ 3 [255 TCN], (Động Chu Quân năm thứ 1). Mùa xuân, tháng 3, chợt có thần nhân đến cửa thành, trỏ [6b] vào thành, cười mà nói rằng: "Đắp đến bao giờ cho xong!". Vua mời vào điện hỏi, thần nhân trả lời: "Cứ đợi giang sứ đến". Rồi cáo từ đi ngay. Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, quả thấy có con rùa vàng bơi trên sông từ phía đông đến, xưng là giang sứ, nói được tiếng người, bàn được việc tương lai. Vua mừng lắm, để vào mâm vàng, đặt mâm lên trên điện. Vua hỏi về nguyên do thành sụp, rùa vàng đáp: "Đó là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báp thù nước, nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi có con quỷ, đó là người con hát thời trước chôn ở đấy hóa làm quỷ. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng, đó là dư khí của tinh, phàm người qua lại ngủ đêm ở đấy đều phải chết vì bị quỷ làm hại. Chúng có thể gọi nhau họp đàn lũ, làm cho sụp thành. Nếu giết con gà trắng để trừ tinh khí ấy, thì thành tự nhiên được [7a] bền vững. Vua đem rùa vàng đến quán ấy, giả làm người ngủ trọ. Chủ quán nói: "Ngài là quý nhân, xin đi ngay, chớ lưu lại đây mà bị họa". Vua cười nói: "Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì nổi ?". Rồi ngủ lại quán. Đến đêm nghe tiếng tinh quỷ từ ngoài đến gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng, quỷ không vào được, đến khi gà gáy thì lũ quỷ tan chạy hết. Rùa vàng xin vua đuổi theo. Tới núi Thất Diệu thì tinh khí biến mất, vua trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng vua đã chết rồi, gọi người đến để khâm liệm đem chôn. Thấy vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán liền sụp lạy nói: "Ngài làm sao được như thế, tất phải là thánh nhân!". Vua xin con gà trắng giết để tế. Gà chết, con gái chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi, thấy có nhạc khí cổ và xương người, đem đốt thành tro, rải xuống sông, yêu khí mới mất hẳn. Từ đấy, đắp thành không [7b] quá nửa tháng thì xong. Rùa vàng cáo từ ra về. Vua cảm tạ, hỏi rằng: "Đội ơn ngài thành đắp đã vững, nếu có giặc ngoài đến, thì lấy gì mà chống giữ ?" Rùa vàng bèn trút chiếc móng trao cho vua và nói: "Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì". Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (có sách chép là Cao Thông26 ) làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ.
Cao Vương nhà Đường [tức Cao Biền] dẹp nước Nam Chiếu, khi đưa quân về qua châu Vũ Ninh, đêm nằm chiêm bao thấy có người lạ tự xưng là Cao Lỗ, nói: "Ngày xưa giúp An Dương Vương, có công đánh lui giặc, bị Lạc hầu gièm pha, phải bỏ đi, sau khi chết, trời thương không có tội gì, ban cho một dải núi sông này, cho làm chức quản lĩnh đô thống tướng quân, làm chủ mọi việc đánh dẹp giặc giã và mùa màng cày cấy. Nay theo minh công đi dẹp yên quân giặc, lại trở về bản bộ, không có lời từ biệt thì không phải lễ. Cao Vương thức dậy, nói chuyện lại với liêu thuộc, có làm bài thơ:
Mỹ hĩ Giao Châu địa,
Du Du vạn tải lai.
Cổ hiền năng đắc kiến,
Chung bất phụ linh đài.
(Đẹp thay đất Giao Châu,
Dằng dặc trải muôn thâu.
Người xưa nay được thấy,
Hả tấm lòng bấy lâu).

Nhâm Tý, năm thứ 9 [249 TCN], (Đông Chu Quân năm thứ 7; [bấy giờ có] 7 nước là Tần, Sở, Yên, Triệu, Ngụy, Hàn, Tề). Năm ấy nhà Chu mất.
[8a] Canh Thìn, năm thứ 37 [221 TCN], (Tần Thủy Hoàng Lữ Chính năm thứ 26). Nước Tần thôn tính cả 6 nước, xưng hoàng đế. Bấy giờ người Từ Liêm, Giao Chỉ ta, là Lý Ông Trọng27 người cao 2 trượng 3 thước, lúc ít tuổi đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Thủy Hoàng lấy được thiên hạ, sai ông đem quân đóng giữ đất Lâm Thao28 , uy danh chấn động nước Hung Nô. Khi tuổi già, về làng rồi chết. Thủy Hoàng cho ông là người kỳ lạ, đúc đồng làm tượng, để ở cửa Tư Mã ở Hàm Dương, bụng tượng chứa được mấy chục người, ngầm lay thì chuyển động được, Hung Nô tưởng đó là hiệu úy còn sống, không dám đến xâm phạm (Triệu Xương nhà Đường làm đô hộ Giao Châu, đêm thường nằm chiêm bao thấy cùng Ông Trọng giảng bàn sách Xuân Thu, Tả Truyện, nhân hỏi chỗ ở cũ, rồi dựng đền thờ. Khi Cao Vương đi đánh Nam Chiếu, thần thường hiển linh giúp sức. Cao Vương cho sửa lại đền thờ, tạc gỗ làm tượng, gọi là [tượng] Lý hiệu úy. Đề ở xã Thụy Hương huyện Từ Liêm)29 .
Đinh Hợi, năm thứ 44 [214 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 33). Nhà Tần phát những người trốn tránh, người ở rể [8b] người đi buôn, ở các đạo ra làm binh, sai hiệu úy Đồ Thư đem quân lâu thuyền, sai Sử Lộc đào ngòi vận lương, đi sâu vào đất Lĩnh Nam, đánh lấy miền đất Lục Dương, đặt các quận Quế Lâm (nay là huyện Quý của đất Minh, Quảng Tây)30 , Nam Hải (nay là tỉnh Quảng Đông) và Tượng Quận (tức là An Nam)31 ; cho Nhâm Ngao32 làm Nam Hải úy, Triệu Đà làm Long Xuyên lệnh (Long Xuyên là thuộc huyện của Nam Hải), đem những binh phải tội đồ 50 vạn người đến đóng đồn ở Ngũ Lĩnh, Ngao và Đà nhân đó mưu xâm chiếm nước ta. (Chuế tế: con trai không có tiền nộp sính lễ, lấy thân ở gửi nhà vợ nên gọi là chuế tế [ở gửi rể] như cái bướu ở mình người ta, là vật thừa. Lục Lương là người Lĩnh Nam phần nhiều ở chỗ núi rừng, trên cạn (lục), tính người mạnh tợn (cường lương) nên gọi là Lục Lương).
Tân Mão, năm thứ 48 [210 TCN], (Tần Thủy Hoàng năm thứ 37). Mùa đông, tháng 10, Thần Thủy Hoàng mất ở Sa Khâu. Nhâm Ngao và Triệu Đà đem quân sang xâm lấn. Đà đóng quân ở núi Tiên Du, Bắc Giang33 đánh nhau với vua. Vua đem nỏ thần ra bắn, Đà thua chạy. Bấy giờ Ngao đem thủy quân đóng ở Tiểu Giang (tức là [con sông] ở phủ [9a] Đô hộ, sau lầm là Đông Hồ, tức là bến Đông Hồ ngày nay)34 , vì phạm thổ thần nên bị bệnh, phải rút về. Nhâm Ngao bảo Đà rằng: "Nhà Tần sắp mất, dùng mưu kế đánh Phán thì có thể dựng nước được". Đà biết vua có nỏ thần, không thể địch nổi, bèn lui giữ núi Vũ Ninh, sai sứ đến giảng hòa. Vua mừng, bèn chia từ Bình Giang (nay là sông Thiên Đức ở huyện Đông Ngàn) trở lên phía Bắc thuộc quyền cai trị của Đà, trở về phía Nam thuộc quyền cai trị của vua. Đà sai con là Trọng Thủy vào hầu làm túc vệ, cầu hôn con gái vua là Mỵ Châu. Vua bằng lòng. Trọng Thủy dỗ Mỵ Châu để xem trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào, giả vờ về Bắc thăm cha mẹ, bảo Mỵ Châu rằng: "Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu lỡ hai nước không hòa, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm thế nào mà tìm thấy nhau?". Mỵ Châu nói: "Thiếp có cái nệm gấm lông ngỗng, thường mang theo mình, đi đến đâu thì rút lông ngỗng rắc ở chỗ đường rẽ để làm dấu". Trọng Thủy về báo cho Đà biết.
[9b] Quý Tỵ, năm thứ 50 [208 TCN] (Tần Nhị Thế Hồ Hợi, năm thứ 2). Nhâm Ngao ốm sắp chết, bảo Đà rằng: "Tôi nghe nói bọn Trần Thắng làm loạn, lòng dân chưa biết theo về đâu. Đất này ở nơi xa lánh, sợ bọn giặc xâm phạm đến đây, muốn cùng ông chặt đường (đường vào đất Việt do nhà Tần mở), tự phòng bị, đợi xem chư hầu biến động thế nào". Đến khi ốm nặng, lại nói: "Đất Phiên Ngung (nhà Hán gọi là Nam Thành) dựa núi cách sông, đông tây dài mấy nghìn dặm, vả có người Tần cùng giúp, cũng đủ dựng nước, dấy vương, làm chủ một phương. Các trưởng lại trong quận này không người nào đáng cùng mưu bàn, cho nên tôi gọi riêng ông để bảo". Rồi Ngao lấy Đà thay mình. Ngao chết, Đà liền gửi hịch đến các cửa ải Hoành Phố, Dương Sơn, Hoàng Khê, nói: "Quân giặc sắp đến, phải gấp chặt đường, họp binh tự giữ". Hịch đến nơi, các châu quận đều hưởng ứng. Bấy giờ Đà giết hết các trưởng lại do nhà Tần đặt, đem thân thích phe cánh thay làm thú lệnh. Đà đem quân đến đánh vua, vua không biết lẫy nỏ đã mất [10a], ngồi đánh cờ cười mà bảo: "Đà không sợ nỏ thần của ta sao?". Quân của Đà tiến sát đến nơi, vua giương nỏ thì lẫy đã gãy rồi. Vua thua chạy, để Mỵ Châu ngồi trên ngựa, cùng chạy về phía nam. Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng đuổi theo. Vua đến bờ biển, hết đường mà không có thuyền, liền gọi rùa vàng mấy tiếng: "Mau đến cứu ta!" Rùa vàng nổi lên mặt nước, mắng rằng: "Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết đi?". Vua rút gươm muốn chém Mỵ Châu, Mỵ Châu khấn rằng: "Trung tín trọn tiết, bị người đánh lừa, xin hóa thành ngọc châu để rửa thù nhục này". Cuối cùng vua vẫn chép Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào bụng, hóa làm hạt minh châu. Vua cầm sừng tê văn dài 7 tấc xuống biển mà đi (tức như ngày nay gọi là sừng tê rẽ nước. Tục truyền núi Dạ Sơn xã Cao Xá ở Diễn Châu là nơi ấy). Trọng Thủy đuổi theo đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc ôm xác đem về chôn ở Loa Thành, hóa làm đá ngọc. Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ Châu, trở lại chỗ Mỵ Châu [10b] tắm gội trang điểm khi trước, thương nhớ không nguôi, cuối cùng nhảy xuống giếng mà chết. Người sau được hạt minh châu ở biển Đông, lấy nước giếng ấy mà rửa, sắc ngọc càng sáng hơn.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Chuyện rùa vàng đáng tin chăng? Chuyện thần giáng đất Sần35 , chuyện đá biết nói36 cũng có thể là có. Vì việc làm của thần là dựa theo người, thác vào vật mà nói năng. Nước sắp thịnh, thần minh giáng để xem đứa hóa; nước sắp mất, thần cũng giáng để xét tội ác. Cho nên có khi thần giáng mà hưng, cũng có khi thần giáng mà vong. An Dương Vương hưng công đắp thành có phần không dè đặt sức dân, cho nên thần thác vào rùa vàng để răn bảo, chẳng phải là vì lời oán trách động dân mà thành ra như thế ư? Nhưng thế cũng còn là khá. Đến như lo họa hoạn về sau mà nài xin với thần, thì lòng riêng đã nảy. Lòng riêng một khi nảy mầm thì lẽ trời theo đó mà mất, [11a] sao thần lại chẳng gieo cho tai họa! Rùa vàng trút móng thiêng trao cho, bảo là có thể đánh lui được quân địch, đó là mầm họa chăng? Như chuyện thần ban cho nước Quắc ruộng đất mà sao đó nước Quắc cũng mất theo. Sau [An Dương Vương] quả nhiên như vậy. Thế chẳng phải là thần theo người mà hành động sao? Nếu không có lời nài xin [với rùa vàng], cứ theo đạo lý mà làm, biết đâu quốc thống lại chẳng được lâu dài? Đến như chuyện Mỵ Châu rắc lông ngỗng chỉ đường, thì chưa chắc đã có. Nếu có thì chỉ một lần là phải, thế mà sau này con gái Triệu Việt Vương lại bắt chước mà cũng nói như thế, là làm sao? Có lẽ người chép sử cho rằng nhà Thục và nhà Triệu mất nước đều do con rể, cho nên nhân một việc mà nói hai lần chăng? Thế thì việc ma quỷ làm đổ thành cũng đáng tin sao? Trả lời rằng: Đại loại cũng như chuyện Bá Hữu làm quỷ dữ, sau người nước Trịnh lập con cháu của Hữu, [hồn của Hữu] có chỗ nương tựa rồi thì hết37 . Thế là trừ bỏ yêu khí, quỷ không [11b] có chỗ phụ vào nữa thì phải thôi. Đến như sử chép An Dương Vương bại vong là do nỏ thần bị đỗi lẫy, Triệu Việt Vương bại vong vì mũ đâu mâu mất móng rồng, đều là mượn lời để cho vật trở thành thiêng mà thôi. Đại phàm việc giữ nước chống giặc tự có đạo lý của nó, đúng đạo lý thì được nhiều người giúp mà nước hưng, mất đạo lý thì ít người giúp mà nước mất, không phải vì những thứ ấy.
Trở lên là [kỷ] An Dương Vương, khởi từ năm Giáp Thìn đến năm Quý Tỵ là hết, tất cả 50 năm [257 - 208 TCN].

Chú Thích:

1 Hy thị: Tương truyền vua Nghiêu sai anh em họ Hy (Hy thị) và họ Hòa (Hòa thị) đi bốn phương để trông coi công việc thiên văn lịch pháp. Hy Thúc là em Hy Trọng đến ở miền đất phương Nam (Kinh Thư, Nghiêu điển)
2 Kinh Thư chép vua Nghiêu sai Hy Thúc đến ở Nam Giao (Hy Thúc trạch Nam Giao). Khổng An Quốc thời Tây Hán chú giải Kinh Thư, chỉ cho Nam Giao là phương Nam. Mãi đến thời Đường, Tư Mã Trinh mới giải thích Nam Giao là Giao Chỉ ở phương Nam.
3 Theo thiên Vũ Cống trong Kinh Thư, chín châu là Ký, Duyện, Thanh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Lương Ung.
4 Bách Việt: là từ mà người Hán dùng để gọi chung các tộc người khác Hán sống ở miền nam Trung Quốc thời xưa. Từ này lần đầu tiên thấy chép trong Sử Ký (Ngô Khởi Truyện của Tư Mã Thiên.
5 Việt Thường Thị: tên nước thời cổ ở phía Nam Trung Quốc có quan hệ với nhà Chu (hiến chim trĩ cho Thành Vương), lần đầu tiên được ghi trong sách Thượng Thư Đại Truyện. Có nhiều giải thích khác nhau, có thuyết nói rằng Việt Thường Thị ở miền quận Cửu Đức, tức miền Hà Tĩnh (Thủy Kinh Chú, Cựu Đường Thư); có thuyết nói Việt Thường thị ở vị trí nước Lâm Ấp đời sau (Văn Hiến thông khảo, Minh Sử, Minh nhất thống chí).
6 Thần Nông: theo truyền thuyết Trung Quốc, là một trong 5 vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa trồng trọt, cũng gọi là Viêm Đế.
7 Theo Mục lục kỷ niên của Đại Việt Sử Ký và câu kết của Kỷ Hồng Bàng thị (NK1, 5b) thì từ năm Nhâm Tuất đến năm Quý Mão (258 TCN) cộng 2622 năm. Vậy năm Nhâm Tuất là năm 2879 TCN. Đó chỉ là một niên đại suy đoán trên cơ sở - như trong Phàm lệ đã nói rõ - muốn đặt Kinh Dương Vương ngang với Đế Nghi.
8 Ngũ Lĩnh: có nhiều thuyết khác nhau, đại khái chỉ 5 ngọn ở biên giới phía nam của Trung Quốc. Theo Quảng Châu ký, đó là các núi: Đại Dũ, Thủy An, Lâm Hạ, Quế Dương, Yết Dương.
9 Nguyên văn: "Thú Động Đình Quân nữ, viết Thần Long". Theo câu này thì phải hiểu Thần Long là tên người con gái của Động Đình Quân. Nhưng ở đoạn dưới (tờ 2b), soạn giả lại viết: "Kinh Dương Vương lấy con gái của Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân". Như vậy tên của Động Đình Quân là Thần Long.
10 Kinh Dịch: Hệ từ.
11 Truyền thuyết Trung Quốc nói là bà Giản Địch (vợ thứ Đế Cốc) nuốt trứng chim huyền điểu, có mang, sinh ra ông Tiết, tổ của nhà Ân - Thương.
12 Bà Khương Nguyên giẫm vết chân người khổng lồ, sinh ra ông Khi, tức Hậu Tắc, tổ nhà Chu.
13 Thông giám ngoại kỷ: tức phần Ngoại Kỷ của sách Tư Trị Thông Giám (294 quyển) do Tư Mã Quang đời Tống soạn.
14 Nguyên bản in nhỏ hai chữ "khuyết húy", dễ nhận lầm là khuyết húy của Lạc Long Quân. Nhưng ở trên đã nói Lạc Long Quân húy Sùng Lãm. Ở đây nói khuyết húy của Hùng Vương.
15 Huyện Bạch Hạc thời Lê là một phần đất huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú ngày nay.
16 Việt Sử Lược chép nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc, trong đó có 10 bộ lạc giống tên như Toàn thư ghi trên đây (Giao Chỉ, Vũ Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Văn Lang), và 5 bộ lạc với tên khác (Quân Ninh, Gia Ninh, Thang Tuyền, Tân Xương, Nhật Nam). Lĩnh Nam Chích Quái cũng chép đủ tên 15 bộ, nhưng trong các bản hiện còn, tên các bộ ấy có nhiều sai khác chênh lệch. Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi chép đúng tên các bộ như Toàn Thư đã ghi trên đây, nhưng không có tên bộ Văn Lang.
17 Chữ "Hùng" và chữ "Lạc" chỉ khác nhau về phía bên trái, dễ đọc và chép lầm.
18 Lĩnh Nam Chích Quái chép Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân dưới núi Trâu Sơn, Sách Việt Sử Tổng Vịnh chú rằng núi Vũ Ninh thuộc huyện Quế Dương (nay thuộc đất Quế Võ, tỉnh Hà Bắc).
19 Sông Từ Liêm: chỉ khúc sông Hồng chảy qua Chèm, Hà Nội.
20 Tức là sông Đáy.
21 Tức là sông Hồng.
22 Nguyên bản mất tờ in 5a - b, được thay thế bằng tờ chép tay.
23 Về điều ghi Thục Phán người Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc), Cương mục có nhận xét: "Nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh Vương nhà Chu (316 TCN) đã bị nước Tần diệt rồi, làm gì có vua nữa ? Huống chi từ Thục đến Văn Lang còn có đất Kiện Vi (nay thuộc Vân Nam), đất Dạ Lang, Cùng, Túc, Nhiễm Mang v.v... cách nhau hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy Văn Lang? .... Hoặc giả ngoài cõi Tây Bắc giáp với nước Văn Lang còn có họ Thục khác, mà sử cũ (tức Toàn Thư) nhận là Thục Vương chăng ?" (CMTB1,9). Hiện nay, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của Thục Phán, trong đó có thuyết coi họ Thục là thủ lĩnh của người Âu Việt (hay Tây Âu) ở phía bắc nước Văn Lang mà trung tâm là vùng Cao Bằng.
24 Nay còn di tích ở huyện Đông Anh, Hà Nội.
25 Côn Lôn: tên dãy núi Trung Quốc (ở miền Tân Cương - Tây Tạng).
26 Cao Lỗ, chép là Cao Thông trong các tài liệu của Trung Quốc như Giao Châu Ngoại Vực Ký (do Thủy Kinh Chú, q.14 dẫn), Thái Bình hoàn vũ ký (phần Nam Việt Chí, q. 170), v.v....
27 Một số tài liệu Trung Quốc (như Quảng Dư Ký, Đại Thanh Nhất Thống Chí, v.v....) chép là Nguyễn Ông Trọng, có lẽ vì dựa theo sử liệu Việt Nam đời Trần do kiêng húy đã đổi Lý thành Nguyễn.
28 Lâm Thao: tên huyện Trung Quốc thời Tần, nay thuộc tỉnh Cam Túc.
29 Tức đền Chèm ở huyện Từ Liêm, Hà Nội.
30 Quế Lâm: tên quận thời Tần, nay là vùng đất bắc và đông tỉnh Quảng Tây, chứ không chỉ riêng huyện Minh Quý, nơi đóng trị sở của tỉnh ấy.
31 Tượng Quận: tên quận đời Tần mà trước đây nhiều sách sử của ta và của Trung Quốc đều chú giải là quận Nhật Nam, hay bao gồm cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thời Hán, tức đất An Nam. Thuyết đó là dựa vào một câu cước chú của Hán Thư (q.28 hạ, tr. 11a) về quận Nhật Nam thời Hán: "Quận Nhật Nam - quận Tượng thời Tần ngày trước". Nhưng từ cuối thế kỷ XIX, thuyết đó đã bị phê phán. Chính Hán thư phần Bản Kỷ (q.7 tr.9a) chép rõ rằng: "Năm thứ 5 hiệu Nguyên Phương (76 TCN), bãi bỏ quận Tượng, chia đất vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha". Quận Uất Lâm là vùng Quảng Tây, quận Tường Kha ở phía tây quận Uất Lâm và gồm một phần Quý Châu. Vậy Tượng Quận là miền tây Quảng Tây và nam Quý Châu.
32 Chữ có hai âm: "Hiêu" và "Ngao". Chúng tôi phiên theo âm đã quen gọi.
33 Bắc Giang: tên đạo đời Đinh, tên lộ thời Lý, Trần và đầu Lê (nay là tỉnh Hà Bắc).
34 Cương mục (TB1, 16b) chú: "Bây giờ không biết con sông này ở đâu".
35 Thần giáng đất Sần: Tả Truyện chép rằng thần hiện ở đất Sần thuộc nước Quắc, Quắc công sai quan đến làm lễ tế, được thần ban cho ruộng đất.
36 Đá biết nói: Tả Truyện ghi việc năm thứ 8 đời Lỗ Ai Công ở đất Nguy Du nước Tấn có hòn đá biết nói.
37 Bá Hữu: tức Lương Tiêu, đại phu nước Trịnh thời Xuân Thu bị chết oan, thường hiện hồn về quấy nhiễu. Sau, Tử Sản cho con Bá Hữu là Lương Chỉ làm quan, hồn Bá Hữu mới thôi không báo oán nữa. (Tả Truyện, q.13).

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1
www.vietnamvanhien.net
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niền tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến, hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt

Trang [ 1 ] [ 2 ][ 3 ][ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ]