Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4888

www.vietnamvanhien.net









Giải pháp nào để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam?

Việt Hoàng




“… Khi nghèo mà bị người khác “coi thường” đã là nhục lắm rồi nhưng khi đã giàu (thành đạt) mà vẫn bị coi thường thì cái nhục đó còn lớn hơn vạn lần.…”

Bất cứ một chế độ nào, dù là các siêu cường như Mỹ hay thậm chí các quốc gia độc tài đều luôn trăn trở và mong muốn xây dựng đất nước mình ngày càng giàu mạnh, có được một vị thế xứng đáng trên thế giới. Thế nhưng, muốn là một chuyện còn có làm được hay không lại là một chuyện khác. Việt Nam cũng không là một ngoại lệ.

Việt Nam đang nằm ở vị trí nào trên trường quốc tế?

Dù đồng tình hay phản đối chính quyền Việt Nam thì tất cả chúng ta đều phải thất vọng mà thừa nhận rằng VN đang nằm ở vị trí cuối bảng xếp hạng về phát triển kinh tế-chính trị so với gần 200 quốc gia trên thế giới.

Về kinh tế thì VN vẫn chưa nằm trong các quốc gia được thừa nhận là có nền kinh tế thị trường. VN vẫn chưa có được một công ty hay tập đoàn nào có thương hiệu được thế giới công nhận hay biết đến. Xuất khẩu chủ yếu của VN vẫn là tài nguyên thô hay các sản phẩm nông nghiệp sơ chế.

Về chính trị VN vẫn là 1 trong 4 nước cuối cùng trên thế giới theo chủ nghĩa độc đảng, tôn thờ chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời và lạc hậu. VN là một trong những nước luôn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ nhất về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo.

Bối cảnh thế giới hiện nay ra sao?

Dù lạc quan đến mấy chúng ta vẫn biết rõ một điều là thế giới mà chúng ta đang sống luôn bất ổn. Nguy cơ chiến tranh và xung đột luôn tiềm ẩn và có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc người ta hy vọng thế giới sẽ an toàn hơn, thế nhưng hy vọng đó đã nhanh chóng tiêu tan.

Nước Mỹ với vai trò bá chủ thế giới đang gặp nhiều khó khăn, đầu tiên là cuộc chiến gây nhiều tổn thất về người và của tại Iraq và Apghanistan. Đã 2 năm trôi qua mà tình hình ở đây vẫn chưa được ổn định. Liền sau đó là vấn đề hạt nhân của Iran đang gây căng thẳng cho cả thế giới. Người Mỹ đã khôn khéo khi đẩy vấn đề hạt nhân của Iran cho Châu Âu, sự việc vẫn chưa ngã ngũ thì lại xảy ra một vụ việc nghiêm trọng khác là chuyện Bắc Hàn phóng thử tên lửa tầm xa, khiến Mỹ, Hàn Quốc, Nhật hết sức quan ngại.

Người Mỹ gặp khó khăn khi muốn ôm đồm mọi việc vào người. Biện pháp khôn ngoan đang được Mỹ áp dụng là chia sẽ bớt gánh nặng này cho các đồng minh lâu đời và hùng mạnh của mình như Châu Âu, Nhật và cả Ấn Độ.

Hai quốc gia đang gián tiếp và trực tiếp gây khó khăn cho Mỹ chính là Nga và Trung Quốc. Sau một thời gian dài bị lép vế trước Mỹ nay nhờ kinh tế phát triển nên hai quốc gia này muốn thể hiện vai trò cường quốc của mình trên các vấn đề quốc tế. Tất nhiên Nga và Trung Quốc không (hoặc chưa) dám đối đầu với Mỹ nhưng các hành động ủng hộ các quốc gia hoặc các tổ chức “thù địch” với Mỹ khiến cho tình hình an ninh thế giới ngày càng căng thẳng. Sở dĩ Iran “cứng đầu cứng cổ” như vậy là do Nga và Trung Quốc phản đối lệnh trừng phạt và cấm vận của Liên Hợp Quốc, còn nếu hai nước này cũng cứng rắn với Iran thì vấn đề hạt nhân có lẽ đã giải quyết xong. Việc Bắc Hàn bất chấp sự phản đối của cộng đồng thế giới khi thử nghiệm tên lửa cũng là vì có Trung Quốc hậu thuẫn. Chính quyền Hamas vẫn không chịu chấp nhận nhà nước Do Thái, dù bị Mỹ và Châu Âu phản đối vì được Moscow ủng hộ...

Theo tôi các xung đột này ngày càng trầm trọng chứ không thể tiến bộ được.

Việt Nam là một nước nhỏ nên chúng ta không thể nào thay đổi được tình hình phức tạp của thế giới. Chúng ta không thể nào tác động được đến các chính sách của Mỹ, Nga hay Trung Quốc. Việc chúng ta cần làm và chỉ có thể làm được là làm sao để bảo vệ được Việt Nam trong hoàn cảnh phức tạp của thế giới như hiện nay. Có nghĩa là chúng ta phải lựa theo tình hình để mà tồn tại và phát triển. Điều này tuy dễ mà khó vì chúng ta có vị trí địa lý nằm trong các khu vực dễ xảy ra xung đột.

Chiến lược nào cần áp dụng cho Việt Nam?

Hiện nay Việt Nam đang “đơn thương độc mã” trong cuộc chơi toàn cầu. Nếu có chiến tranh hay bất cứ xung đột nào thì chúng ta không hề có một hậu thuẫn hùng mạnh nào. Trước đây VN có Liên Xô, bây giờ thực tế là không có ai. Trung Quốc là chỗ dựa tinh thần của chính quyền nhưng không phải là một người bạn đúng nghĩa, thậm chí lại là mối lo trước mắt và cả tương lai.

Chính quyền VN đang thực thi chính sách: về chính trị thì đi theo Trung Quốc vì cùng độc đảng và tôn thờ chủ nghĩa Mac-Lênin. Theo Trung Quốc thì VN nhận được sự đồng thuận về thể chế chính trị. Đổi lại VN lại phải chịu nhiều thua thiệt trong các vấn đề như biên giới, lãnh thổ và hàng lậu.

VN cũng đồng thời tăng cường phát triển và giao thương kinh tế với Mỹ và các nước phương Tây vì nhận thấy tiềm năng to lớn của các quốc gia này về thị trường, công nghệ cao và mô hình quản lý tiên tiến. Điều cản trở duy nhất (nhưng lại là sống còn với chính quyền) khiến VN không thể “đồng hành” một cách toàn diện với Mỹ và Phương Tây được là do thể chế chính trị dân chủ và đa đảng ở các quốc gia này. Vì thế VN đành đu dây với cả hai phe này. Đây cũng là việc làm rất “tiến bộ” của chính quyền VN, có có thể làm cho VN không phải là “kẻ thù” của ai cả nhưng để làm bạn một cách “đích thực và toàn diện” thì vẫn còn xa.

Ngoài giải pháp “đu dây” này của chính quyền hiện tại thì dư luận trong và ngoài nước còn đưa ra hai giải pháp nữa, đó là:

a) Thay đổi thể chế chính trị và hợp tác toàn diện với Mỹ, Nhật và Châu Âu

Giải pháp này hiện chưa khả thi vì đảng cộng sản vẫn đang cầm quyền mà ưu tiên hàng đầu của chính quyền là duy trì thể chế độc đảng như hiện tại. Giải pháp này có ưu điểm là sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ và Châu Âu. Đừng nghĩ rằng các nước này sẽ áp đặt điều kiện này nọ cho VN mà đơn giản một nước VN hùng mạnh sẽ không phụ thuộc nhiều vào các quốc gia khác, trước mắt là Trung Quốc. Việc VN không phụ thuộc vào nước khác sẽ phù hợp với lợi ích của Mỹ, đó là sự ổn định trong khu vực.

Cái bất lợi trong giải pháp này là sự can thiệp của Trung Quốc. Bất cứ một sự hợp tác quân sự nào của VN với Mỹ hay Châu Âu cũng khiến bắc Kinh không hài lòng và do VN có đường biên giới rất dài với Trung Quốc, đồng thời giữa VN và TQ đang có nhiều khu vực tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ. Việc gây “khó dễ” cho VN là điều mà Bắc Kinh có thể làm được, đơn giản vì họ mạnh hơn chúng ta.

Đài Loan đã thành công trong giải pháp này vì họ ngăn cách với Đại lục bằng đường biển, mọi sự can thiệp hay “lấn sân” rất dễ bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Nếu chọn giải pháp này thì VN phải xây dựng được một hàng rào điện tử (hay một bức tường) kiên cố suốt dọc biên giới với TQ. Việc này đòi hỏi một kinh phí rất lớn, có thể lên tới hàng tỉ đôla, do địa hình biên giới VN đồi núi phức tạp. Việc xây dựng bức tường thành này Irxael đã làm với Palestin hay Ả Rập Xê Út cũng đang định làm với Iraq.

b)Xây dựng một nước Việt Nam trung lập và phát triển mạnh về kinh tế

Giải pháp này có vẻ “mới mẻ” nhưng cũng có ưu điểm của nó. Như chúng ta đã biết là VN nằm trong khu vực rất dễ xảy ra xung đột, đó là khu vực Biển Đông. Sau 2 thập niên phát triển mạnh mẽ về kinh tế, TQ đã đầu tư cho quân sự một ngân sách rất lớn. Là một nước lớn lại khác biệt về thể chế chính trị với thế giới nên TQ luôn muốn khẳng định mình và khó tìm được tiếng nói chung với Mỹ hay Châu Âu về các vấn đề quốc tế. Sự đối đầu “ngấm ngầm” của TQ trong vấn đề Iran hay Bắc Hàn và việc gia tăng sức mạnh quân sự của mình khiến Mỹ và Châu Âu lo ngại.

Việc gia tăng ảnh hưởng và thân thiện với các nước có chung biên giới với TQ là việc mà Mỹ đang làm (thấy rõ nhất là việc hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân và kinh tế giữa Mỹ với một cường quốc mới là Ấn Độ).

Đề nghị về giải pháp này đang được giáo sư Vũ Quốc Thúc (Pháp) kêu gọi và vận động. Ưu điểm của nó là khiến VN không làm “mất lòng” ông bạn TQ. Dù chọn bất cứ giải pháp nào thì việc “đối đầu” với TQ là việc không nên làm. Bất cứ liên minh hay hợp tác quân sự nào giữa VN và các nước khác đều “chọc giận” Bắc Kinh, thế nhưng việc ký kết các hiệp định song phương về kinh tế là việc VN hoàn toàn có thể làm được, đó là trào lưu trên thế giới hiện này, không ai có thể ngăn cản hay phá hoại được.

Nếu chọn giải pháp này thì VN phải cực kỳ khéo léo trong lĩnh vực ngoại giao và ứng xử quốc tế. Đông thời phải thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong chính sách đầu tư để thu hút các công ty nước ngoài vào làm ăn tại VN. Bằng các chính sách minh bạch và dễ hiểu. Ngoài việc vận động và tạo mọi điều kiện để các tập đoàn lớn của Mỹ và Châu Âu đầu tư vào VN, một quốc gia có vai trò cực kỳ quan trọng để thực hiện giải pháp này đó là Nhật Bản.

Do lịch sử để lại và cả hiện tại bây giờ thì Nhật và TQ cũng đang có nhưng tranh chấp căng thẳng về chính trị và lãnh thổ. Việc tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực và khẳng định vai trò cường quốc trong khu vực Châu Á khiến Nhật sẵn sàng giúp đỡ VN phát triển kinh tế để bớt phụ thuộc vào TQ. Nhật là một nước có tiềm năng kinh tế hùng mạnh và hoàn toàn có đủ điều kiện (và cả thiện chí) để giúp chúng ta phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế.

Khi VN thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế của Mỹ, Châu Âu và Nhật vào đầu tư và làm ăn ở VN đó là khi chúng ta đã tự bảo vệ được mình trước sự can thiệp của các nước khác. Nếu “gây hấn” với VN thì sẽ đụng chạm đến quyền lợi của các cường quốc khác nên họ sẽ can thiệp và bảo vệ chúng ta. Chỉ có điều là sự đầu tư vào VN phải đủ lớn và đủ nhiều để các quốc gia đó cần phải can thiệp khi cần thiết. Tấm gương của Thụy Sĩ khi “biến” mình thành nơi “giữ tiền” của các cường quốc khiến cho họ không bao giờ bị đe dọa là việc cần học tập khi chọn giải pháp này. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Khi đã có kinh tế hùng mạnh rồi, chúng ta sẽ độc lập và tự quyết trong các vấn đề liên quan đến chúng ta, vừa đảm bảo được quyền lợi của dân tộc vừa phù hợp với lợi ích của các bên liên quan. Trong các cuộc thương thuyết quốc tế sẽ không chịu nhiều thiệt thòi và nhượng bộ như bây giờ nữa. Chúng ta sẽ xây dựng một lực lượng quân đội hiện đại và tinh nhuệ để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của VN.

Ngoài ra còn một lực lượng quan trọng nữa là cộng đồng người Việt hải ngoại. Đây là một lực lượng hùng mạnh và có tình cảm đặc biệt với quê hương đất nước. Mong muốn của bất cứ người Việt nào thành đạt dù trong nước hay ngoài nước là làm sao để VN nhanh chóng trở thành cường quốc, để danh dự và phẩm giá của người Việt được tôn trọng. Khi nghèo mà bị người khác “coi thường” đã là nhục lắm rồi nhưng khi đã giàu (thành đạt) mà vẫn bị coi thường thì cái nhục đó còn lớn hơn vạn lần.

Dù chọn bất cứ giải pháp nào thì việc đầu tiên phải làm là dân chủ hóa đất nước. VN chưa có dân chủ, chưa có một nhà nước pháp trị thật sự, chưa có đa nguyên đa đảng và hệ thống tam quyền phân lập, chưa có tự do báo chí...thì bất cứ giải pháp nào cũng sẽ dẫn đến sự bế tắc.

Bao giờ VN sẽ có dân chủ?

Đây là câu hỏi mà ai cũng muốn có ngay câu trả lời. Theo tôi chỉ có hai cách.

Một là như hiện nay, đó là sự dấn thân của các công dân VN ưu tú. Phương pháp công khai và trực diện như chủ trương của nhóm 8406 và Linh mục Nguyễn Văn Lý là có hiệu quả nhất. Cứ đấu tranh mạnh mẽ, chấp nhận sự đàn áp của chính quyền cho đến khi chính quyền phải nhượng bộ thì thôi.

Phương pháp này rất cần thời gian và do những người dân chủ đó không phải là những người “nổi tiếng” (tức là đã nắm nhưng chức vụ cao trong chính quyền), chỉ có vài tên tuổi lớn như Trần Độ, Trần Xuân Bách, Bùi Tín, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Lê Hồng Hà...còn đa số là những công dân ưu tú, thấy được cái cần làm nên phải đứng dậy mà làm như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Nam Hải...Do vậy cần có thời gian để vận động quần chúng.

Phương pháp này có ưu điểm là kiên trì vận động, tuyên truyền và thay đổi tư duy của người dân để mang lại sự thay đổi. Tuy chậm nhưng chắc chắn, đã thay đổi là không thể đảo ngược được. Nhược điểm của phương pháp này là cần nhiều thời gian và như thế cơ hội vươn lên để đuổi kịp các nước ngày càng xa. Hay nói cách khác là sự tụt hậu ngày càng lớn.

Hai là có sự thay đổi từ trên xuống dưới. Không phải là sự thay đổi của toàn đảng cộng sản mà là sự quyết tâm thay đổi của một số người có tài, có tâm và có thực lực trong tầng lớp lãnh đạo đảng cộng sản VN. Một thay đổi hoàn toàn chứ không nữa vời như hiện nay. Cụ thể là xuất hiện một vài Enxin của VN, có thể là vài vị trong Bộ chính trị kết hợp với các vị Tướng lĩnh trong quân đội VN, đứng lên tuyên bố từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, xây dựng một nhà nước pháp trị và dân chủ. Những người này phải có đủ thực lực để áp đảo được phe bảo thủ trong đảng, họ tạm cầm quyền và để cho các đảng phải chính trị xuất hiện và đưa ra các cương lĩnh của mình, trong thời hạn một năm và sau đó tiến hành tổng tuyển cử Quốc hội trong cả nước. Có giám sát quốc tế để tránh gian lận trong qua trình bầu cử. Đảng nào hoặc liên minh các đảng nào chiếm đa số trong quốc hội sẽ đứng ra thành lập chính phủ và nội các.

Quốc Hội dân bầu này sẽ thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và chính phủ dân bầu này sẽ trực tiếp điều hành và quản lý đất nước. Mọi sự hoạt động chính trị của nhân dân và chính phủ sau đó đều có thể dựa trên nền tảng của Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, tất nhiên là nếu được Quốc Hội đồng ý.

Phương pháp này sẽ rút ngắn được thời gian rất nhiều cho việc dân chủ hóa đất nước, có thể có những xáo trộn nho nhỏ trong thời gian đầu nhưng tôi tin rằng người Việt biết phải làm gì để có được một tương lai tốt đẹp cho mình và con cháu mình.

Tóm lại, xây dựng một Việt Nam dân chủ, phát triển và phồn vinh sẽ là chỗ dựa tốt để đất nước có thể nhân khối sức mạnh toàn diện của mình cho công cuộc bảo vệ tổ quốc một cách bền vững và đáng tự hào.

Việt Hoàng

Nguồn: http://thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=964






Bao Giờ Việt Nam Có Dân Chủ ?


   Câu trả lời ở ngay trong bạn. Bạn có thật sự  muốn Việt Nam có dân chủ hay không...? Bạn biết được như thế nào là dân chủ và lợi ích cuả nó không ...? Cái nguyện vọng cuả bạn khởi đi từ đâu...?  Từ trong tiệc trà hay bàn nhậu ? Từ những bích chương hay truyền đơn ? Từ những tin tức loan tải qua hệ thống truyền thông ? hay từ tâm thức cuả bạn?

  Bạn bài tỏ nguyện vọng thiết tha cuả mình về dân chủ khởi đi từ tâm thức. Từ bạn mà lan rộng ra đến thân hữu và toàn khối dân tộc, triệu ngươì như một thì dân chủ sẽ đến. Lấy nhân tâm mà chuyển đổi thế giới bên ngoài thì kết quả sẽ đến một cách mỹ mãn trong an lạc và tự chủ.

  Ngược lại bạn đòi dân chủ vì bị thất sủng, vì có được hậu thuẩn cuả ai đó, vì được nổi tiếng..v..v...thì kết quả cũng như hiện tại không hơn,  không kém, vì chế độ độc đảng đương thời cũng khởi đi từ đó.

  Khi dân tâm qui về một mối : Dân chủ, thì dân chủ tất nhiên sẽ đến. Làm thế nào để dân tâm qui về một mối ? Câu trả lời nầy xin được gợi ý vậy ? 


Ngườì Nông Dân gợi ý





Trở Lại Trang Mặt