Hùng Việt Sử Ca

Kim Định



Mục Lục

Tựa
Chương 1 : Những Điều Kiện Để Một Nước Thành  " Văn Hiến Chi Bang"
Chương 2 : Phương Pháp và Những Mỏ Nhiên Liệu Triết Việt
Chương 3 : Sử Trình Hình Thành Văn Hoá Việt
Chương 4 : Thời Đại Hoàng Việt
Chương 5 : Thử Máu Văn Hoá Việt
Chương 6 : Từ Việt Mễ Tới Việt Thường
Chương 7 : Ý Nghiã Chữ Hoàng Trong Hai Tiếng Hoàng Việt
Chương 8 : Bàn Về Cổ Sử Tàu
Chương 9 : Vụ Hiếp Dâm Lịch Sử Lớn Nhất Chưa Được Tuyên Án
Chương 10 : Hai Lão, Ba Cô Với Một Trò
Chương 11 : Huyền Sử Cũng Là Hùng Sử
Chương 12 : Huyền Việt Sử Ca
Chương 13 : Chiều Sâu Cuả Danh Hiệu Hùng Vương
Chương 14 : Từ Hùng Gấu Tới Hùng Chim
Chương 15 : Ta Về Ta Tắm Ao Ta
Phụ Trương 1 :  Hùng Vương hay Lạc Vương
Phụ Trương 2 : Lấp Đường Về Cội
Sách Tham Khảo




Tiểu Sử Triết Gia Lương Kim Định


(1915-1997)

Triết gia KIM ĐỊNH sinh ngày 15.6.1914 tại Trung Thành, Nam Định. Sau khi tốt nghiệp triết học tại Giáo Hoàng Chủng Viện Sait Albert Le Grand, ông dạy triết tại Đại Chủng Viện Bùi Chu (1943-1946). Năm 1947, ngài sang Pháp 10 năm nghiên cứu về triết học tại Institut des Hautes Etudes Chinoise để thâu thập tài liệu xây đắp nền triết lý Việt Nam. Trở về nước năm 1957, ngài dạy triết Đông tại Học Viện Lê Bảo Tịnh, Đại Học Văn Khoa Sàigòn, Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Đà Lạt.
Từ năm 1960, triết gia bắt đầu cho ra mắt một loạt những cuốn sách về triết Việt, mở đầu là cuốn Cửa Khổng, Triết Lý Giáo Dục, Nhân Bản, Căn Bản Triết Lý Trong Văn Hóa Việt Nam . . . Học giả Linh Mục Vũ Đình Trác viết về công trình của ngài như sau:
“Nhờ công phu mở đường trở về triết Đông của Giáo Sư Bửu Dưỡng và Nguyễn Văn Thích cũng như tâm huyết của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục, chương trình triết học Đông Phương được khai giảng tại Đại Học Văn Khoa Sàigòn năm 1958. Sẵn đường trở về Đông Phương, triết gia Kim Định tiện đường, đơn thương độc mã, ông lên một nước táo bạo, mở đường đi vào Triết Lâm Việt Nam. Trong suốt 16 năm trời tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, giáo sư đã ảnh hưởng sâu rộng cho cả một thế hệ thanh niên và sinh viên. Mặc dầu bao chống đối, ông đã im lặng xây dựng một hệ thống Việt Nho khá trung thực và hấp dẫn. Không ai có thể chối cãi công phu xây dựng và ảnh hưởng sâu rộng của ông trong lãnh vực văn hóa dân tộc. Từ Đại Học Văn Khoa Sàigòn, ông mở rộng mặt trận tới các Đại Học khác: Đại học Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức, Thành Nhân và An Giang. Chính trong giai đoạn này ông đã sáng lập chủ thuyết AI VI và VYẾT NHO”.
Nhận định về địa vị của triết gia Kim Định trên trường Việt Nho, Việt Triết - học giả Linh Mục Vũ Đình Trác còn viết như sau:
“Nhờ công khai thác và biên khảo, sáng tác của giáo sư, những bậc thức giả khắp nơi đã suy tôn ông là Triết Gia Việt Nam. Aûnh hưởng Việt Triết và Việt Nho của ông đã gây ý thức cho người Việt khắp nơi nhìn lại thực tại văn hóa của mình. Các đồ đệ của ông đã đáp ứng nguyện vọng của Thầy để khai thác và phổ biến Việt Lý của Thầy qua tổ chức AN VIỆT. Các nhóm An Việt được thành lập khắp nơi: San Jose, Orange, Houston, Louisiana, Washington DC, Philadelphia, Seattle, và tại Canada, Uùc Châu, Anh, Pháp, Đức v.v ... An Vi đã như một luồng gió dân tộc bùng lên khắp nơi có người Việt định cư. Các nhóm này coi Triết Gia Kim Định như bậc Đại Sư, mà họ tôn làm Tổ: TỔ SƯ AN VI, TỘC PHỤ AN VIỆT. Aûnh hưởng của Triết Gia không những thế mà còn lan rộng tới các học giả, triết gia ngoại quốc: Aâu Mỹ và khối Viễn Đông”.
Năm 1987 hội nghị Quốc Tế về “Khổng Học Với Thế Giới Ngày Nay” (International Symposium on Confucianism and the Modern World) tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan, qui tụ 400 học giả khắp thế giới. Triết gia Kim Định cùng với Lm Vũ Đình Trác đã thuyết trình đề tài “Đạo Trường Chung Cho Đông Nam Á” (A Tao-Field for South East Asia). Bài tham luận do Giáo Sư Trần Văn Đoàn, Giáo Sư Đại Học Quốc Gia Đài Loan trình bày (Professor of Philosophy at Taiwain National University). Đề tài này đã gây tiếng vang rất lớn trong giới Nho Lâm Á Châu.
Sau đó ngài còn tham dự Hội Nghị Triết Học tại Brighton Anh Quốc năm 1988 (The World Congress of Philosophy) – Hội Nghị Triết Học Á Châu và Bắc Phi lần thứ 33 tại Toronto Canada năm 1990 (The XXXIII International Conference on Asian and North African Studies). Ngài nói với các đồ đệ; “Thầy phải đi để nói cho thế giới biết con người, tư duy và đạo sống cao đẹp của dân tộc Việt Nam”.
Oâng Nguyễn Ngọc Bích, giáo sư Đại Học Georgetown, Washington DC, viết về triết gia Kim Định trong báo Ngày Nay, số 121:
“Trong nỗ lực đi tìm một con đường Việt Tộc, Nhân Chủ, Tự Do, thì chúng ta phải kể ở hàng đầu công trình đồ sộ của triết gia Kim Định. Ở đâu ông cũng thế, không phải sang Mỹ ông mới tìm “về nguồn”. Việc làm của ông trong một tình cảnh mất mát vô biên, chẳng qua cũng chỉ là nối tiếp công việc của ông đã bắt đầu khi còn ở trong nước, khi còn ở Miền Nam tự do. Từ năm 1962 tới nay, ông đã hoàn tất được 23 cuốn triết học, tương đương với 7000 trang, một mảng tư tưởng mà không dễ mấy triết gia có thể so sánh được. Sự độc đáo ở nơi ông cũng đã là một truyện quá rõ - dầu ta có đồng ý với ông hay không, thì ta cũng không thể phủ nhận được tính cách độc đáo của tư tưởng ông. Ngày nay tham vọng cuối cùng của triết gia Kim Định là sẽ dựng xong một bộ Kinh (hiểu theo nghĩa Bible) cho dân tộc ta. Để thực hiện tham vọng này, ông đã cho in hoặc đang in năm cuốn thuộc bộ “Ngũ Kinh Khải Triết”, đó là: Hùng Việt Sử Ca, Kinh Hùng Khải Triết, Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc, Sứ Điệp Trống Đồng, Văn Lang Vũ Bộ (số lớn do nhà in H.T KELTON xuất bản). Nếu ai hỏi tôi rằng có nên đọc hay không, thì tôi xin thưa ngay: dứt khoát là có. Tại sao ? – Tại vì nếu ta không nhất thiết đồng ý với hết cả ý kiến của ông, ta cũng sẽ được làm thân với một trong những bộ óc triết lý lớn nhất nếu không của nhân loại thì cũng của Việt Nam. Tôi nói điều này trong sự cân nhắc, cũng không khác gì câu tôi sẽ trả lời cho người nào hỏi: Có nên đọc Platon hay Aristote không ? Đã nhất thiết gì ta đồng ý với Platon trong tác phẩm La République, nhưng ai không đọc tác phẩm đó, thì chắc chắn mất đi một mảng hiểu biết rộng lớn về triết học Tây Phương. Cũng như vậy, ai không đọc Kim Định cũng không sao, ông sẽ từ tốn mà “an vi”, để chờ một ngày kia người nọ sẽ tỉnh mộng mà trông thấy hết cả cái mất mát của mình”.
Triết gia Kim Định từ trần ngày 25 tháng 3 năm 1997 tại dòng Đồng Công hải ngoại, Carthage, Missouri, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi. Ngài để lại cho đời bộ triết Việt Nho và An Vi, gồm 42 cuốn để giúp cho dân tộc có Chủ Đạo để tránh cảnh vô hướng vô hồn và giúp cho dân tộc có một Minh Triết để sống an vui hạnh phúc giữa Trời và Đất.

danh sách tác phẩm kim định


 

Cửu Khâu
(9 đồi nhỏ - Những vấn đề thiết yếu)

1 - 1. Nguyên Nho (Cửa Khổng)
2 - 2. Triết Lý Giáo Dục
3 - 3. Nhân Chủ
4 - 4. Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên
5 - 5. Chữ Thời
6 Vũ Trụ Nhân Linh
7 - 6. Lạc Thư Minh Triết
8 - 7. Định Hướng Văn Học
9 - 8. Loa Thành Đồ Thuyết
10- 9. Tâm Tư

278 trang
190 trang
306 trang
321 trang
700 trang
230 trang
149 trang
237 trang
187 trang
348 trang

Ra khơi
Ca Dao
Thanh Niên QG
Nam Cung USA
Thanh Bình
Khai Trí
Nguồn Sáng
Ra Khơi
Thanh Bình
Khai Trí

1965
1975
USA
1979
1967
1969
1971
1969
1973
1970

Bát Sách
(8 quẻ - nền tảng cho nhiều sách sau này)

11 - 1. Việt Lý Tố Nguyên
12 - 2. Dịch Kinh Linh Thể
13 - 3. Triết Lý Cái Đình
14 - 4. Vấn đề Nguồn Gốc Văn Hóa VN
15 - 5. Vấn Đề Quốc Học
16 - 6. Hiến Chương Giáo Dục
17 - 7. Cơ cấu Việt Nho
18 - 8. Tinh Hoa Ngũ Điển

430 trang
170 trang
188 trang
139 trang
157 trang
155 trang
285 trang
192 trang

An Tiêm
Ra Khơi
Nguồn Sáng
Nguồn Sáng
Nguồn Sáng
An Tiêm
Nguồn Sáng
Nguồn Sáng

1970
1970
1971
1973
1973
1970
1972
1973

Ngũ Luận
(Kinh điển – Minh Triết Việt)

19 - 1. Hùng Việt Sử Ca
20 - 2. Kinh Hùng Khải Triết
21 - 3. Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc
22 - 4. Sứ Điệp Trống Đồng
23 - 5. Văn Lang Vũ Bộ

272 trang
241 trang
226 trang
431 trang
251 trang

Thằng Mõ San Jose
Thanh Niên QG
HT Kelton
Thanh Niên QG USA
H.T Kelton USA

1984
USA
USA
1984
1982

Tam Phần
(Chơn dấu bảo vật dân tộc)

24 - 1. Đạo Trường Chung Cho Đông Á
25 - 2. Phong Thái An Vi
26 - 3. Trùng Phùng Đạo Nội

111 trang
230 trang
174 trang

An Việt Houston
An Việt Houston
Chưa xuất bản

1987
2000

Thái Bình
(Mở rộng khắp Thái Bình Dương)

27 - 1. Những Dị Biệt Triết Lý Đông Tây
28 - 2. Hoa Kỳ &Thế Chiến Lược TCầu
29 - 3. Cẩm Nang Triết Việt
30 - 4. Hưng Việt
31 - 5. Thái Bình Minh Triết
32 - 6. Gốc Rễ Triết Việt

33 - 7. Việt Triết Nhập Môn

222 trang
185 trang
80 trang
125 trang
225 trang
180 trang

174 trang

Ra Khơi
An Việt Úc Châu
An Việt Houston
An Việt Houston
Thời Điểm
An Việt Houston

An Việt Houston

1969
1986
1987
1987
1997
1988

1988

Chưa in

34. Tập Tranh Nước Việt
35. Nguyên lý Mẹ
36. Gia Tài Của Mẹ
37. Triết Lý Nghệ Thuật Việt
38. Quốc Phả Sử Trình
39. Triết Lý Thái Hòa
40. Cẩm Nang An Vi
41. Hội Nghị Triết Học Thế Giới

 

 

 

Các sách bị thất lạc

42. Duy Vật Và Duy Thực
43. Tự Chiêu Minh Đức
44. Tâm Đạo
45. Triết Lý Hòa Giải
46. Huyền Sử Nước Việt

1945
1957
1957
1975
1975

 

 

 


Nguồn: //www.anviettoancau.net






TỰA

Ngay tự đầu thế kỷ này nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng Đông Nam Á có một nền văn hóa đặc trưng nhưng chưa được tìm hiểu thấu đáo, và tự đấy đã lác đác xuất hiện dăm ba công trình liên hệ thuộc khảo cổ, cổ nghệ, cổ sử học, nhân chủng học… nhưng còn triết lý hay cái nhìn bao trùm để tìm ra ý nghĩa thâm sâu thì chưa có và đó là điều chúng tôi muốn đóng góp phần nào.

 Trong khi tìm kiến tạo nền triết nói trên xuyên qua khảo cổ, huyền thoại, xãhội học, thói tục học v.v… chúng tôi đã nhận ra nguồn gốc các dân tộc Đông Nam Á lẫn vào với nguồn gốc nước Tàu. Kết quả là chúng tôi đã dùng định đề, nguyên lý và tài liệu của cả Việt lẫn Tàu để kiến tạo một nền triết mới nên về phương diện nguồn gốc thì tôi gọi là triết Việt Nho. Nho (hay Khổng giáo) đứng thay cho Tàu một bên, bên này là Việt.

 Chữ Việt dùng trong bộ sách này không có ý chỉ Việt Nam, nhưng chỉ cái học mà học giả Needham (II, 117) gọi là liên đoàn huynh đệ các dân thổ trước đã cư ngụ trong toàn cõi nước Tàu trước cả khi người Tàu xét như là một dân tộc xuất hiện. Liên đoàn này được người Tàu gọi bằng rất nhiều tên khác nhau tuỳ từng thời như:

 Viêm tộc, Nhật Chủng,

 Tam Miêu, Cửu Lê,

 Man, Di, Nhung, Địch,

 hay Tứ Di hoặc Cửu Di hay Tứ Hải,

 và nhất là Bách Việt.

 Tên Việt này được dùng cuối cùng cũng như bao gồm nhiều địa vực và nhóm người như U Việt, Mân Việt, Bộc Việt, Lạc Việt v.v… nên tôi dùng tên này để chỉ toàn khối. Đó cũng là theo lối nhiều học giả. Thí dụ sử gia Eberhard khi kể về sáu trung tâm văn hóa cổ sơ của Tàu thì có đến ba được đặt dưới tên Việt (Need I.89).

 Tóm lại Việt chỉ khối rất lớn người thổ trước đã cư ngụ đầu tiên trên nước Tàu. Đó chính là những tổ xa xưa của không những các dân tộc hay bộ lạc ở Đông Nam Á mà còn cả của Nhật Bản, Đại Hàn, và Tây Tạng, một phần Mãn Châu… Hơn thế nữa có thể đến 60-70 phần trăm người Tàu cũng nói được là đều do cùng một gốc nọ. Học giả H.Maspero nói người Tàu là ngành bắc của đại khối đó (C.A 17), họ làm nên cái mà học giả Granet gọi là nước Tàu thôn xã nó khác xa với nước Tàu thành thị: Tàu thành thị theo Hán nho, đang khi Tàu thôn xã theo Việt nho. Đó là nước Tàu mà học giả H. Maspero bảo có họ hàng văn hóa (parentés de culture) với các chi tộc miền Nam như Thái, Lôlô, Mèo, Mường, An Nam… (C.A 15-18).

 Đối với đại gia đình văn hóa đó thì Việt Nam chỉ là một thành phần, nhưng nhờ hoàn cảnh sử địa đặc biệt nên gọi được là ngã ba các văn minh, cũng như có thể coi như nơi ký thác, hoặc là người kế thừa nền văn hóa của đại gia đình. Do đấy thiết nghĩ có thể dùng Việt Nam làm khởi điểm phần nào trên bước đường tìm hiểu nền văn hóa của đại tộc, vàluôn cả Nho sơ thuỷ nữa.

 Đó là thứ Nho mà tôi cho là trung thực, nên tôi gọi là Nguyên nho hay Việt nho để phân biệt với Nho hàn lâm cũng gọi là Hán nho. Cho tới nay người ta chỉ biết có Hán nho còn Việt nho đã lu mờ hẳn. Nay muốn tìm ra nguyên nho nọ tất phải tìm hiểu Việt như nguồn cội. Điều này chưa được các học giả chú tâm, và đó là điểm chúng tôi muốn góp phần nào ở đây.

 Tôi xin nói rõ: chúng tôi chuyên về triết, vì thế những suy tư triết là phần chính, còn việc sưu khảo là tuỳ hay nói đúng hơn chúng tôi chỉ dùng những dữ kiện đã được các nhà chuyên môn sưu khảo sẵn làm như phương tiện để trình bày triết lý an vi của tôi, do đấy đem lại cho những dự kiện được dùng một ý nghĩa mới mà tôi nghĩ là trung thực hơn với tinh thần của toàn khối gọi là Việt nho… Như vậy chúng tôi không là nhà sưu khảo, có chăng là đã gián tiếp gợi ra một hướng mới về sưu khảo. Và lúc ấy hơn một trăm chương trong bộ sách này có thể trở nên bấy nhiêu đề tài luận án còn chờ đợi được thực hiện và đó là việc dành lại cho các nhà chuyên môn về khảo cổ, cổ sử, nhân chủng, thói tục, xã hội… Chúng tôi chỉ đứng về văn hóa và một cách tổng quát nên chỉ coi Tàu và Việt là hai thực thể văn hóa với những dấu hiệu biệt trưng sẽ nói đến ở chương 4 (4.2). Vậy xin gảy ra ngoài mọi suy tư chính trị hay chủng tộc, mà chỉ coi Tàu và Việt như đại diện cho hai mô thức văn hóa: cả hai có đến quá nửa mẫu số chung, tức cả hai đều nông nghiệp, chỉ khác biệt về độ lượng du mục pha vào.

 Tàu nhiều chất du mục hơn Việt, hãy giả sử một con số là Tàu có đến 4 chỉ số du mục, nông chỉ còn 6; Việt trái lại chỉ độ 1 du, còn 9 nông. Dầu vậy mẫu số chung là nông vẫn còn nổi hơn. Đã thế cả đến người cũng quá nửa là chung như đã nói trên là đến 60-70% Tàu là gốc Việt. Có thể nói là càng lui về trước thì Tàu càng nhỏ dần, cho đến lúc đầu thì chưa có Tàu mới có các thổ dân trước, sau sẽ mang tên Việt. Tôi muốn xem Việt đã đóng góp những gì vào việc hình thành Nho để từ đó thiết lập nền triết lý mới mà tôi gọi là An Vi, một thứ nhân bản toàn diện.

 Chúng tôi nghĩ là đã có đủ dữ kiện để đưa ra mô thức hay cơ cấu của nền triết lý mới nọ mặc dầu về chi tiết thì tất sẽ còn dần dần được khám phá thêm rất nhiều. Nhưng nhiều tới đâu thiết nghĩ cũng không có tính căn bản đủ để thay đổi cái mô thức chung kia nữa, có chăng chỉ là thêm bớt hay sử đổi tí chi tiết mà thôi, còn về đại thể tức về cơ cấu nền tảng thì An Vi đã là một nền triết ổn định. Đó là cái nhìn mới về Nho, nhìn từ nguồn gốc của nó là Việt, được bày tỏ bằng huyền thoại, huyền số v.v… Đó là tinh hoa văn hóa của toàn khối Việt và Nho mà trong hơn hai ngàn năm qua đã bị lu mờ nay được khai quật lên để hy vọng có thể lại làm ngọn đuốc soi đường cho toàn cõi Đông Nam Á và cả Đông Á nữa, hơn thế còn hy vọng có thể góp phần vào việc thống nhất nhân loại trong thời kỳ đang tới.

 Việc làm này chúng tôi đã khởi công từ quãng năm 1954 cho tới 1975 và đã viết mười sách về An Vi, rồi tiếp đến mười sách khác về Việt nho. Từ 1976 tời nay tôi tiếp tục viết và sẽ trình bày trong bộ An Vi đợt mới gồm 7 tập kể dưới.

 Độc giả sẽ gặp một số lặp lại. Xin được bày giãi đôi điều. Có hai thứ lặp lại: một thứ bắt buộc vì nó thuộc phương pháp triết Đông, là triết cơ thể (cũng là toàn thể) không chia ra những phần rời nhau như luận lý, siêu hình, tâm lý, chính trị. Vì thế mỗi bài đều nói hầu như về tất cả, nên rất nhiều điểm không nói đến tận cùng ở một bài được. Độc giả nếu chưa thỏa mãn về điểm nào thì chờ đến một bài sau, điều đó sẽ được bàn tới nữa, vì thế mà có lặp lại, nhưng lặp lại mà vẫn mới, vì vị trí cũng như thể tài khác, khiến cho mỗi bài, mỗi triệt ví được như những nhát búa mới giáng lên đầu cùng một cái danh (cũ) để đanh ngập ngập sâu mãi vào lòng gỗ. Đó là đường lối Kinh Dịch gọi là “đồng quy nhi thù đồ” đường thì khác nhau nhưng bao giờ cũng về một mối như được biểu thị bằng 64 quẻ đặt chung quanh thái cực viên đồ; các quẻ khác nhau nhưng quẻ nào cũng châu đầu về thái cực. Bởi thế mà bó buộc có lặp lại: sự lặp lại ở đây chính là linh hồn của việc truyền đạt: “la répétition est l’âme de l’enseignement”.

 Nhưng còn một thứ lặp lại do khuyết điểm, không biết chúng tôi tránh được bao nhiêu nên phải xin độc giả thông cảm vì đã phải làm việc trơ trọi một mình, không có sự giúp đỡ của đồng chí hướng, không cả sách vở. Thế mà còn gặp phải gặp đủ thứ trở ngại: những cơn bệnh kéo dài, việc dời chỗ ở liên miên, cộng với sự trục trặc trong việc đánh máy, xuất bản, cũng như tìm tài liệu. Tất cả làm đứt quãng việc trước tác: dòng tư tương chưa được bày tỏ rốt ráo theo nhan đề sách: đành bỏ dở. Thế là rồi phải bù bằng cách tuỳ hứng, tuỳ gặp chút tài liệu, hay dịp bó buộc nào đó thì viết một vài hoặc dăm ba bài: chẳng nhớ rõ trước đã viết gì… Bởi thế đôi khi mắc sự lặp lại không cần thiết, nay nếu bỏ đi thì sợ có hại cho sự tiến diễn của bài viết. Đã vậy khi xem lại thì mỗi lần lặp lại vẫn có ít dữ kiện hoặc suy tư mới thêm vào nên không nỡ bỏ. Vậy xin độc giả thông cảm và khi gặp thì xin chấp nhận như một việc coi lại sự vật đã xem rồi nhưng nay xem lại ở một không thời mới.

 Hy vọng thế nên tôi thu thập các bài linh tinh vào bốn tập (1, 3, 5, 6) làm một thứ phụ trương đặc biệt thành ra có lúc phụ trương dày hơn chính sách, âu cũng là cái sẹo của cuộc di tản. Đã vậy các chương không ăn với nhau cách mạch lạc lắm. Có bài viết sau lại đặt trườc, không theo được nhịp sinh thành của dòng tư tưởng. Do vậy đôi khi gặp những bài trục trặc hoặc nói phớt qua những điều lẽ ra phải nói kỹ hơn, với dẫn chứng đầy đủ hơn, gặp trường hợp đó xin độc giả đọc lướt qua hoặc là bỏ hẳn, sau khi đã đọc hết sách hoặc toàn bộ sẽ trở lại lúc ấy sẽ thấy bài viết xuất hiện ra cách dễ dàng, cũng như sẽ thấy các dẫn chứng đầy đủ hơn.

 Những tập này cùng với các sách được ghi số theo chương triệt chỉ cốt làm cho dễ việc quy chiếu, nhất là với bản tiếng Anh nếu sau này có được. Các sách tiếp nối như sau:

 Hùng Việt Sử Ca: kể như phần dẫn nhập vào toàn bộ, ghi số từ 1-20.

 Kinh Hùng Khải Triết: sẽ ghi số từ 21-30 (đã được Thanh Niên Quốc Gia xuất bản rồi).

 Pho tượng đẹp nhất của Việt tộc: coi như phụ chương Kinh Hùng, số ghi từ 31-50.

 Sứ điệp Trống đồng: sẽ ghi số từ 51-70. (đã đem xếp chữ tự hơn ba năm nay).

 Văn Lang vũ bộ: kể như phụ trương Sứ Điệp, ghi số từ 71-90.

 Phong thái An Vi: kể như phần dẫn vào Đạo Nội, ghi số từ 91-100.

 Trùng phùng Đạo Nội: nói về đường tu luyện tâm linh, ghi số từ 101-110.


Chương 1

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ MỘT NƯỚC THÀNH “VĂN HIẾN CHI BANG

Cái làm nên một dân tộc là bộ sách của dân tộc ấy. Thiếu bộ sách nọ không thể có dân tộc trung thực mà chỉ là một đoàn lũ chung sống với nhau trên cùng một mảnh đất với những liên hệ chính trị, kinh tế, binh bị… Phải có sách mới thực có yếu tố trường tồn làm như sợi dây nối các thế hệ xưa với hiện nay thành một thực thể thống nhất về tinh thần, có vậy mới là dân tộc đích thực. Sách càng lớn dân tộc càng to. Nhưng sách lớn không đo bằng số lượng mà bằng mức độ tâm linh được tàng ẩn trong sách và làm như linh hồn sống động của dân, nghĩa là bao nhiêu những việc quan trọng của con người trong nước đều quy chiếu vào đó như trung tâm. càng giàu chất tâm linh sách càng lớn lao và dân tộc càng vĩ đại, vĩ đại đến cấp siêu việt thì nước được gọi là có văn hiến (văn hiến chi bang). Như vậy muốn được gọi là văn hiến thì phải có những văn kiện cao quý, cao quý đến độ khiến được những phần tử tinh anh trong dân hi hiến thân tâm mình cho cái văn đó. những người này vì thế gọi là hi hiền, hi thánh hay là “hiền nhân quân tử”. Nói vắn tắt muốn nước là “văn hiến chi bang” thì nước phải có Văn và Hiến (hiến tức hiền).

 Vậy xin hỏi Việt tộc có sách chăng? Có đáng gọi là dân tộc chăng? Thưa không mà có. Không vì chưa có văn tự riêng, đã không chữ viết thì lấy gì mà có sách. Nhưng vậy mà lại có, đó là những “Kinh vô tự” tức những văn kiện được biểu hiện bằng dăm ba bộ số với một mớ huyền thoại và vô số tục ngữ ca dao. Các số này gọi là huyền số, nó không dùng để đo đếm mà dùng để biểu thị cái khác vì vậy chúng làm nên những tiêu điểm khách quan nhưng câm nín nên cần đến những huyền thoại làm như những lời nói lên ý nghĩa. Vậy tuy không có chữ nhưng còn có truyền khẩu mà nội dung là huyền thoại nên kể là có.

Hỏi chỉ có số như vậy có đủ giá trị chăng? Thưa quá đủ vì đây đang nói về giá trị văn hóa thuộc tinh thần. Mà tinh thần đi ngược với vật chất. Với vật chất càng to càng hay. Còn với tinh thần thì càng bé càng quý: bé cho đến số Không thì quý vô cùng. Vì thết tất cả các triết lý Đông phương đều đặt nền trên chữ Không. Ấn Độ là Thái Hư, Lão Tử là Cốc Thần (hang trống), Nho là vô thanh vô xú, Việt là Trống (trong chữ trống đồng) muốn nói bằng Nho thì đó là Hư Tâm, cũng là hư linh tức cái tâm có hư có trống rỗng thì mới đạt được linh thiêng. Tóm lại tất cả đều đặt quan trọng và chữ Không, nên giá trị phải tim về phía đó, và đó là bí quyết làm cho nước nên văn hiến, tức là có nền văn hóa giàu chất tâm linh.

Để nói lên điều nọ chúng ta có thể dùng bảng Tứ Linh làm thí dụ để biểu lộ quan niệm linh thiêng của Việt Nho nằm trong chỗ hư tâm.

 (Hinh vẽ Bảng Tứ Linh)

Xem bảng tứ linh ta thấy con người được đặt vào giữa bốn con vật: hai con dương có lông là Phượng và Lân (Lân là lông mao, Phượng là lông vũ) hai con âm có vảy là Li và Quy: Li là rồng vàng không có ngà nhưng có vảy, còn Quy thì có mu. Con người ở giữa không có mu không có vảy, không có lông vũ cũng chẳng có lông mao hoàn toàn khoả thân: tức là trần trụi (Need II, 269). Chính nhờ chỗ trần trụi đó mà người được làm chủ tịch 4 con vật linh kia. Bốn con đã linh mà con người còn linh hơn gọi là “nhân linh ư vạn vật”. Ấy chỉ vì chữ khỏa. Nhân vật điển hình trong vụ này là Chử Đồng Tử, không có cả đến cái khố, nhờ vậy mà Chử Đồng Tử đứng vào hàng hi thánh hi hiền tức là những cột trụ cho văn hiến. Đó là nhờ đã trút bỏ hết những cái thuộc trần trược.

Trở lại bộ sách dân tộc xin hỏi có bao nhiêu sách và những sách nào? Hãy nhắc lại: các sách Việt toàn là kinh không chữ chỉ biểu hiện bằng bộ số vài ba. Sau khi nghiên cứu mới thấy bộ số đó quả là một thứ con chấm chủ quyền đã đóng vào vô số văn kiện, điển chương, lược đồ, di vật, hiện vật, nên có thể nói đó là bấy nhiêu sách dân tộc. Tuy nhiên vì con chấm đóng hẳn xuống nghĩa là biến dạng nhiều cách nên khó nhận diện, chỉ sau khi đọc toàn bộ mới thấy rõ. Ỡ đây xin kể tạm vài ba quyển thôi, một là sách ước gậy thần của Hùng Vương, hai là sách Tản Viên Ba Vì, ba là Lạc Thư, tất cả đều thành bởi 4 bộ số 2-3, 5, 9. Đó là những sách có tên. Còn không tên thì vô số: như cái trống, cái đình, cái nhà sàn, cái giếng và vô số vật dụng khác đều hàm tàng các số 2-3, đôi khi cả 5, 9 nữa. Cũng phải kể tới những huyền thoại mà nét đặc trưng là vắn tắt hết sức chỉ một vài dòng như truyện “Nữ Thần Mộc dậy anh em Lộ Bàn, Lộ Bộc biết làm nhà chữ Đinh”, vắn tắt có thế nhưng ý nghĩa lại bao la vô tận. Quả đúng như câu châm ngôn triết “nội hàm càng nhỏ ngoại hàm càng to”. Nội hàm rút vào cùng cực thì tỏa ra cũng cùng cực. Nội hàm rút vào còn có một chữ Trống thì tỏa ra man vàn. Viết cả một quyển lớn về trống đồng vẫn thấy chưa nói hết. Nhưng nhiều tới đâu cũng vẫn giữ mối liên hệ ngầam làm nên một cái quán triệt nội tại rất mạnh nói được là có tính cách cơ thể.

Trong các kinh vô tự phải kể đến quyển Kinh Dịch. Vì nó có một địa vị đặc biệt ở chỗ có chân trên cả hai bình diện là văn và tự, tức vừa vô tự là không có chữ mà chỉ có số, vì thế gọi là văn; vừa có chữ nên gọi là tự (là các hệ từ). Truy tầm theo lối sinh thành thì thấy Kinh Dịch có đến 5 giai đoạn (theo tam phần thư).

Giai đoạn 1 là Dịch thiên nhiên hay đạo Dịch của Trời Đất tức hồn Dịch gặp được trong các huyền thoại đầy chất lưỡng hợp như truyện ông cồ bà cộc, núi sông, nước lửa, tiên rồng…

Giai đoạn 2 là của Phục Hy thành bởi nét đứt - - nét liền – ghép thành 8 quẻ đơn, mỗi quẻ có 3 nét. Đó là gồm bộ số 2, 3, 5.

Giai đoạn 3 của ông Đại Vũ đúc 9 đỉnh tức thêm vào vòng trong 5 số sinh, 4 số thành nữa là 9, cũng gọi là Cửu lạc (số 9 của dân Lạc).

Giai đoạn 4 Dịch của Văn Vương bắt đầu có văn tự đó là những lời giải nghĩa 64 quẻ gọi hào từ.

Giai đoạn 5 gọi là của Khổng Tử có thêm thập dưc nổi nhất trong đó là hệ từ đại truyện có giá trị triết lý siêu hình.

Xưa nay người ta chỉ biết có giai đoạn 4 và hầu hết nó đã trở thành sách bói toán và tán nhảm. Còn giai đoạn 5 được chú ý chút ít. Chí như 3 giai đoạn trước thì hầu như không ai nói gì tới và đấy là chỗ cắt nghĩa sự sa đọa của Nho là vì Đạo là cái chi linh thiêng siêu việt không thể dùng ngôn từ hữu hạn mà nói được, “nói được thì không phải đạo thường hằng nữa” mà chỉ là đạo phù phiếm thuộc xã hội. Vì thế “trí giả bất ngôn” người biết đạo không nói mà chỉ dùng một hai dấu hiệu, vài ba con số để chỉ thị rồi im lặng. Đấy là lý do tại sao các đạo lý Đông phương quý chữ Trống Rỗng, Hư Tâm, Vô Thể… Và vì thế Kinh Dịch khởi đầu chỉ có hai số 2 và 3, đến sau mới thêm lời vào. Vậy mà các thế hệ sau lại chú ý nhiều về lời thành ra chỉ chuyên ngành ngọn mà bỏ gốc. Nay muốn tìm lại mối Đạo Uyên Nguyên thì phải học về các số trong Kinh Dịch.

Ý NGHĨA CÁC HUYỀN SỐ

Muốn tìm ra ý nghĩa các số ta hãy căn cứ trên Kinh Dịch. Kinh Dịch chia các số theo những lối cấn phải biết để sau đoán ý.

Trước là số Đất chỉ bằng các số chẵn là 2, 4, 6, 8. Nếu vẽ ra hình sẽ là nét ngang – hoặc hình vuông

- Số Trời chỉ bằng các số lẻ 1, 3, 5, 7, 9. Vẽ rà hình là nét   dọc         hoặc hình tròn

Lại chia ra vòng trong và vòng ngoài. Vòng trong gồm 5 số từ 1-5 gọi là số sinh. Vòng ngoài gồm 4 số từ 6-9 gọi là số thành.

Văn hóa nào có nhiều số 4 là thiên về Địa có thể gọi là duy vật với hình ngang – hay vuông

Chính trị đặt trên mẫu du mục: có giai cấp, liên hệ người là chủ nô. Còn thiên về số 1 là nghiêng vê Thiên có thể gọi là duy tâm linh, hình là nét dọc hay tròn.   Xã hội cũng du mục: có đẳng cấp và cũng chủ nô. Đây chỉ là kiểu phân loại tiên thiên chưa được áp dụng. Đó sẽ là việc được làm trong toàn sách, chỉ cần nói rằng trong thực tế văn hóa nào cũng có rất nhiều những sửa sai nên nó làm cho khó nhận diện. Lại theo luật “hai thái cực ở liền ngõ”: “les extrémités se touchent”, nên văn hóa ưa dùng số 4 cũng dùng số 1 (nguyên lý đồng nhất) còn văn hóa ưa dùng số 1 cũng lại dùng số đất như số 4. Vì thế có những bộ số 1-4 hay 4-1.

Việt nho thì dùng bộ số 2-3. Việt nói “vài ba” 2-3. Tàu nói “tham lưỡng” 3-2. Hai số cộng với nhau thành 5, số ngũ hành. Đó là bộ số chỉ trỏ sự quân bình vũ trụ: trời 3 đất 2. Vẽ ra hình là thập tự nhai + gồm nét ngang là 2 Đất cộng với nét dọc là 3 Trời thành ngũ hành là số 5. Hoặc cũng vẽ là (hình) tức tròn trên vuông dưới hay (hình) là tròn bao lấy vuông. Xã hội theo quy chế bình sản không có chế độ nô lệ. Nếu hỏi ai là chủ bộ số 2-3 này trứơc thì đó là Việt. Vì cả khảo cổ (nét song trùng) lẫn huyền thoại (tiên rồng) đều nói lên điều đó. Đây chỉ nói có số 2, vì nó là đầu mối cho các số nền tảng sau:

Thí dụ:

Số 3 là hai số 1+2

Số 5 là hai số 2+3

Số 9 là hai số 5+4

Các bộ số cứ đi đôi (2) như vậy, nên số 2 vừa căn bản lại vừa đặc trưng để nhận diện.

Trong thực tế thì phải nói cả Việt lẫn Tàu đều là chủ. Việt chủ ở đợt số sinh gọi là văn hóa. Tàu chủ ở đợt số thành gọi là văn minh. Nói khác Việt thai nghén ra những tượng ý, thí dụ bánh dầy bánh chưng. Còn Tàu thì hoàn chỉnh tượng ý đó bằng đổ khuôn lời, gọi là công thức hóa. Bánh dầy bánh chưng của Việt trở thành câu “thiên viên địa phương” của nho. Còn rắn với thuồng luồng của Việt trở thành con long của Tàu, nhà sàn trở thành Tam tài… Do đó tôi đặt thứ tự Việt nho tức Việt trước Nho (khi Nho hiểu là Tàu). Đây là vấn đề rắc rối sẽ phải nhờ đến sự trợ lực của các khoa tân nhân văn như khảo cổ, dân tộc học, cổ sử để phân xử.

Ở đây xin tạm thông qua để đi đến hệ quả là muốn tìm ra đâu là Nho trung thực tức Nho chưa xa lìa số sinh của nó thì phải kể đến yếu tố Việt. Nói cụ thể là phải kể đến huyền thoại và huyền số nữa, nếu không sẽ trật đường.

Sau đây là một thí dụ đi trật đường. Trên đã nói bộ số nền tảng của Việt Nho là vài ba. Trong thời thai nghén văn tự còn gọi là thời chữ chân chim hay con quăng thì số hai đất được biểu thị bằng 2 nét ngang = còn số 3 trời biểu thị bằng 3 gạch thẳng /// cả hai hợp lại thành chữ kỳ (căn = radical 113). Vì hai bộ số này là linh thiêng nên dùng căn kỳ đi với các chữ gì chỉ linh thiêng như:

Tế        (chữ hán)

Lễ

Thần

Thiền

Kỳ

Hựu

v.v

Nhưng sau người ta quen viết tháo thì (chữ hán) thành ra (hán) tức chỉ còn có 4 nét (thay vì 5 nét) vậy là sa đọa ra số đất lúc nào rồi mà không một ai ý thức điều nọ nữa.

Thí dụ nữa là hủ nho bỏ lơ số sinh mà chuyên nhiều về số thành là bát quái và 64 quẻ. Do thế Nho là một nền đạo lý quân bình siêu đẳng đi lần vào chỗ suy vi bị bẻ quặt. Nay muốn tìm ra mối đạo uyên nguyên thì đó cả là một công trình bao la đòi phải có sự đóng góp của nhiều ngành chuyên môn. Ở đây tôi đứng về triết, cố gắng tìm lại phần nào bằng chú tâm đến bộ số “vài ba, tham lưỡng” và công ti, hay là 2, 3 và 5, 9. Cái bí quyết thành “văn hiến chi bang” nằm trong mấy con huyền số nọ. Nói khác đây là nhằm khai quật phần tâm linh trong nền văn hiến nước nhà. Đó là công việc mà bộ sách này nhằm đóng góp.

Riêng về Tàu với Việt mà tôi gọi là Việt nho thì chỉ xin hiểu là 2 thực thể hoàn toàn văn hóa, xin gảy ra ngoài mọi suy luận thuộc chũng tộc hay chính trị, để chỉ chú ý đến có văn hóa mà thôi. Theo đó thì Việt chỉ tất cả các dân đã cư ngụ trong nước Tàu trước khi có dân tộc Tàu. Việt Nam chỉ là một chi trong cái khối lớn lao đó. Có chăng là chi được coi như kế thừa nền văn hóa của khối Đại Việt, đối với Tàu xuất hiện về sau: cả hai nơi đều tổ chức xã hội theo mẫu nông nghiệp, nhưng Việt thì còn giữ nguyên chất nhiều hơn, hãy tạm gọi là 9 nông 1 du. Còn Tàu thì 6 nông 4 du. Do vậy có một số nét khác biệt làm cho Tàu nói chung không quân bình bằng Việt. Thí dụ về vật biểu, Tàu chỉ có Rồng đang khi Việt có cả Rồng lẫn Tiên, nhân đó Việt trọng bên tả, nổi về văn hóa (tinh thần), Tàu trọng bên hữu nổi về văn minh (vật chất). Còn nhiều chi tiết lắm sẽ đề cập dần trong toàn bộ.

Bây giờ ta hãy đi thêm một bước chi tiết hơn về bộ sách dân tộc này trong bài sau là Mỏ Nhiên Liệu và Phương pháp của Việt nho.


Chương 2

PHƯƠNG PHÁP VÀ NHỮNG MỎ NHIÊN LIỆU TRIẾT VIỆT

Triết Việt là tinh hoa của văn hóa Việt. Văn hóa này được truyền thừa trong ba thực thể vĩ đại.

Một là những huyền thoại mà quyển Kinh Hùng là đại biểu chói chang.

Hai là trống đồng đại biểu cho Cổ Nghệ cũng như khảo cổ.

Ba là làng xã Việt, chứng nhân sống cho nền văn hóa nọ.

Ba thực thể đó làm nên hệ thống quy chiếu rất trung thực: ai muốn trình bày văn hóa hay triết Việt đều phải coi đó như cái toàn thể rất cần thiết để quy định nội dung chi tiết của văn hóa nọ, một nền văn hóa chưa được diễn đạt bằng lời trực chỉ, nếu không theo sát hệ thống quy chiếu sẽ dễ lạc ra ngoài bằng gán nghĩa xa lạ với thực thể cổ xưa.

Để dễ vận dụng cái toàn thể đó ta có thể quy vào 4 chữ từ, tượng, số, chế.

Từ là một chùm huyền thoại như Kinh Hùng. Khi căn cứ vào một nhóm huyền thoại như vậy lời giải nghĩa không sợ bị coi là tự tiện hoặc ăn may nhờ truyện nọ bổ túc và làm chứng cho truyện kia. Một đức tính gặp được trong nhiều truyện tất nhiên không phải là ngẫu nhĩ lẻ loi mà là những đức tính thông thường. Thấy được như vậy ta có thể đoan chắc đó là những đức của dân tộc không phải của cá nhân. Sự thâu thập chỉ làm cách vô thức nhưng đã được 15 truyện liền nhau nói lên cùng một tinh thần dân chủ, nên kể là một chứng từ vô giá, một may mắn phi thường. Vì vậy chúng tôi gọi 15 truyện nọ là Kinh.

Tượng và Số cũng nói lên cùng một điều nhưng cách  khác: những biểu tượng truyện tích có lâu đời đến độ đã được trừu tượng thành lược đồ, số độ, tượng hình, và rất phổ biến chứng tỏ chúng đã được lập đi lặp lại nhiều thể cách. Chúng tôi sẽ nói dài hơn cũng như năng dùng số độ vì nó giúp cho việc tìm nguồn có được tiêu điểm quý giá để thấu tận gốc rễ. Đã vậy nó còn giúp trình bày các nét đặc trưng hơn hết: nó trặt trờ ngay ra bằng những con số, tức là một bước cao về độ chính xác.

Chế nói đây là thể chế, thói tục, những phương thức sống… tất cả đều được giữ lại trong cái làng Việt Nam, nên là những bằng chứng sống động. Sau đây xin đi vào một vài chi tiết về ba thực thể nọ.

Trước hết là quyển Kinh Hùng, nét đặc trưng uy nghi của nó là nhân chủ tính đuợc trình bày bằng huyền thoại, nên ít được nhìn ra. Những người duy lý cho đó là truyện thần quái trâu ma. Bước lên một đợt người ta đi “tìm ra” ý nghĩa lịch sử trong đó. Điều này không hẳn sai, nhưng nếu chỉ có thể thì chỉ mới chạm đến chân lông bộ truyện. Vì thực sự nó không là sử ký mà là huyền sử. Hơn thế nữa phải gọi là nhân thoại, vì con người làm chủ trong những truyện đó, khác xa với thần thoại nơi con người chỉ đóng vai tuỳ phụ, hầu hết còn là nạn nhân, vì thế thần thoại không được gọi là nhân thoại, cũng như không được gọi là huyền sử. Vì nói tới sử là nói tới những việc của con người, con người chỉ là người khi làm chủ, tự do động ưng theo cung cách tự nội phát xuất: còn nếu do thần giật dây thì chưa là nhân chủ nên cũng chưa có sử. Sau đây là một số tựa đề của huyền sử Việt cũng gọi là Kinh Hùng.

Truyện Tiên Âu Cơ gặp Bố Lạc đẻ con theo tục điểu (bằng trứng).

Truyện bánh trời bánh đất hay hình tượng vuông tròn.

Truyện trầu cau hay là trời đất giao thoa sinh ra sắc đỏ (quẻ li) chỉ văn minh.

Truyện Ngọc Long Toại nói về hai hòn ngọc đực cái có từ thưở trời đất khai mở, tượng ý thai nghén ra phạm trù âm dương.

Sơn Tinh Thuỷ Tinh: lưỡng hợp tính trong thế cạnh tranh.

Đầm nhất Dạ: con vua lấy người nghèo khó: hai thái cực giao thoa trên mặt xã hội, dân chủ cùng cực.

Truyện Việt Tỉnh Cương lược đồ hóa sự giao thoa trên bằng khung chữ tỉnh. Lược đồ mẫu cho Hồng Phạm cửu trù, Hà Đồ Lạc Thư, Minh Đường.

Truyện Kim Quy là một trong 4 vật linh giúp Vua Việt xây thành Cổ Loa.

Tất cả các truyện đều nói lên nét lưỡng hợp tính (dual unit) hợp với bầu khí môi sinh tinh thần của khu vực, nên các nhà khảo cổ gọi là nét đặc trưng của Đông Nam Á.

TRỐNG ĐỒNG

Cũng nói lên cùng một đề tài như Kinh Hùng, nhưng bằng hình tượng và số độ. Xem lên mặt trống nét đập vào mắt ta hơn cả là bộ số 2-3. Số 2 thì lu bù tự đực cái (dê đực dê cái), chẵn lẻ; mái nhà một chim bên kia hai chim, nhỏ to (chim to chim nhỏ), mặt trống chia hai mảnh bán nguyệt, rồi đôi chẵn đôi lẻ (6-8 chim hay là 3 đôi và 4 đôi); ngang dọc: mặt trống ngang, tang trống dọc chỉ đất trời người. Số hai trong chim rồng được trừu tượng hóa bằng hai gạch chạy song song trong có chấm dải (hình)

(Hình trống đồng ngọc lữ)

 Các chấm dải chỉ linh lực phát xuất rất nhiều xung quanh 2 bộ 4 trống đang được giã bằng chày đứng. Ở đây được đặt dải ra ở giữa hai vạch chạy song song vòng quanh hiện vật. Đó là hai hạn từ hay gọi là năng sở (chủ từ và đối tượng) còn mối tương liên luôn luôn ở giữa, không nghiêng sang bên nào để khỏi đốc ra duy tâm hay duy vật, nhưng luôn ở giữa: luôn luôn là tương quan tức cái gì thuộc linh lực, energy mà ở đây có thể hiểu là con người được định nghĩa là đức trời đức đất, nên con người được quan niệm là một tác năng (agent) là tổ triết lý an vi, vì tác động luôn luôn ở trên thế tốt nhất được biểu lộ cụ thể bằng điệu vũ là luôn luôn di động trong thế tưng bừng vui tươi.

Tôi nhấn mạnh chữ Tương Quan vì then chốt của cơ cấu luận là không đặt nặng trên năng hay sở mà trên tương quan. Việt Nho được nhìn nhận là cơ cấu uyên nguyên nên không lạ chi nó đã nhấn mạnh trên tương quan; để có tương quan phải có hai hạn từ (two terms). Nét này đã xuất hiện rất sớm ngay từ thời đá mới trong các dấu Bắc Sơn ở tại hai hàng chạy song song “marque bacsonienne qui consiste en deux traits paralelles!”. Hoa văn này sẽ truyền qua Phùng Nguyên thành những nét song trùng chạy trên đồ gốm, rồi đến giai đoạn Đông Sơn được đưa vào Trống đồng và phát huy cùng cực trong 4 vòng rồi vòng tiếp tuyến (hình)

đã trở thành nét đặc trưng của Đông Nam Á mà Việt Nam là khu nữu (central axis).

Đã có số 2 tất phải có số 3 ở giữa để chỉ thị mối tương quan. Số 2 là năng và sở, số 3 là tương quan…

Số 3 trong trống đồng là những tam giác gốc có 14 cánh quay vào chỉ sinh và 14 cánh quay ra chỉ sáng (tâm) (2*14=28 là số ngày trong tháng trăng). Đó là hình ảnh yoni trong có linga được tôn thờ trong giai đoạn tôn giáo phong nhiêu tượng trưng cho nguồn sinh lực (đạo sinh sinh trong Kinh Dịch) tỏa sinh và sáng xuống vũ trụ (sẽ bàn rộng trong Sứ Điệp). Điều đó được biểu thị bằng vô số tam giác nhỏ bao ngoài cùng xếp thành hai dẫy đối đầu, để diễn tả nguyên lý chí trung hòa: đi vào cùng cực như tam giác gốc thì ngoại hàm cũng bao cùng cực, các tam giác nhỏ bao khắp mặt trống, tức sức sinh sống tự sáng ra lan tỏa cũng trong vũ trụ.

Ngoài số 3 được diễn tả cách đồ sộ bằng cảnh thái hòa trên mặt trống nơi trời, đất, người hòa hợp do con người làm trung gian:

Trời là mặt trời ở giữa

Đất là các vòng vũ ngoài cùng gồm chim và nai…

Người ở giữa đóng vai liên lạc. Đó chính là chữ Tương viết hoa. Đấy là bề mặt, hàng ngang.

Số 3 cũng được diễn tả ở hàng dọc gồm tang, thân, chân.

Tang chỉ trời.

Thân chỉ người.

Chân chỉ đất.

Đã có 2 và 3 tất phải có 5

Số 5 thành bởi 4 vòng bán nguyệt của hai vòng cộng với vòng trong cùng của tam giác gốc được coi là Đại Ngã. Hoặc cộng với vòng ngoài cùng là đại diện cho tam giác vòng trong. Số 9 do cộng số 5 trên với số 4 ngoài cùng là 4 quai. Đừng tưởng 4 quai chỉ có mục tiêu ích dụng mà chính ra nó chơi vai trò huyền số: trong thạp Đào Thịnh có 4 đôi trai gái đang giao hợp chỉ rõ điều đó.

Về cái làng Việt thì nên coi đó là chính cái bọc của mẹ Âu Cơ nói đến trong truyện đầu Kinh Hùng: Tiên rồng giao thoa đẻ ra cái bọc trăm con, tất cả có một lối sống bình đẳng, tự do an vui, y như quang cảnh diễn trên mặt trống. Làng Việt cũng có hội hè đình đám như vậy. Về điểm này không thể nói quá vắn tắt, cùng lắm cũng phải một bài dài như đã viết trong quyển Sứ Điệp. Xin xem ở đó (đã trích in trong quyển Hồn Nước).

Đại để đó là ba nguồn mạch để triết Việt múc nhiên liệu đặng kiến tạo triết mới sao cho hợp tinh hoa xưa mà cũng hợp cho cảm quan thời đại. Cả ba nói lên hai điều, thứ nhất là phương pháp thì nó rất hợp với các khoa tân nhân văn như khảo cổ, xã hội học, phong tục học, uyên tâm (tâm lý các miền sâu), cơ cấu luận… nên rất hợp nhu cầu mới đang mong muốn một thứ triết lý cụ thể khác lối lý trí quá trừu tượng. Thứ đến là nó rất trung thực vì vừa có huyền thoại lại có cổ vật ghi lại đích đáng. Đàng khác được chứng minh cách cụ thể bằng lối sống thực của dân chúng với những phong tục, tập quán, thể lệ, định chế của làng.

Ngoài ra vì nó dùng số độ được ghi trong cổ vật (thuộc khảo cổ) nên có tiêu điểm rất vững để đi tìm sâu vào dĩ vãng. Sau đây là thí dụ về niên đại.

NIÊN ĐẠI TRIẾT VIỆT

Có thể căn cứ vào trống đồng mà tính. Trống đồng xuất hiện vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Y cứ trên hoa văn chủ đạo của trống là hai chỉ chạy dài ta thấy hoa văn nọ cũng gặp được trong các đồ gốm tìm được ở Phùng Nguyên, một di chỉ ở tỉnh Phú Thọ Bắc Việt ước lượng chung quanh 3000 năm tr.cn. Trên nữa thì gặp thời đá mới Bắc Sơn với những hòn cuội mài nhẵn thường có hai gạch chạy song song, những đá cuội này có rất nhiều nên đựơc khảo cổ gọi là dấu Bắc Sơn như đã nói trên. Các nhà khảo cổ chưa biết ý nghĩa ra sao. Chúng tôi căn cứ trên cái toàn thể là nét lưỡng hợp trong huyền thoại, và hoa văn chủ đạo ở Đông Sơn với Phùng Nguyên kết luận rằng đó là dấu ghi đầu tiên của lưỡng hợp tính. Vì đặc tính này là của Việt nên kết luận được rằng dấu vết văn hóa Việt đã xuất hiện tự đời Bắc Sơn quãng 5000 tr.cn. Người Việt quen nói bốn ngàn năm văn hiến. Câu này xưa rồi, bây giờ tính theo khoa học phải nói ít ra bảy ngàn năm. Đó là đại lược nguồn gốc văn hóa Việt mà sự xuất hiện có kiểm chứng bằng khả cổ hẳn hòi phải vào quãng bảy ngàn năm trước đây. Như vậy cũng hợp với huyền thoại nói nước Việt có trước Tàu. Việt xuất hiện vào thời Hoàng Kỷ; Tàu xuất hiện vào thời Đế Kỷ. Do đó nghiên cứu về văn hóa Việt sẽ giúp đẩy Nho học đi xa hơn một quãng: quãng từ Khổng Tử lui lại tới Phục Hy Nữ Oa, thời đó gọi là Việt Nho.

VIỆT NHO

Nho đây hiểu là văn hóa Tàu quen gọi là confucianism hoặc ju (Việt nói là Nho). Phân tích Nho nguyên thuỷ ta thấy nó chính là sự công thức hóa Việt Đạo… Nghĩa là Nho không nói gì khác với nội dung Việt lý, chỉ khác hình thức: Việt nói bằng hình bằng số, Nho nói bằng văn tự, tôi gọi đó là công thức hóa. Công lớn của Nho là đã công thức hóa nội dung Việt lý cách khéo dị thường. Hai lâu đài nổi nhất của công việc nọ là Kinh Dịch và sách Trung Dung.

Kinh Dịch chính là công thức hóa nét song trùng lưỡng hợp: số 2.

Trung Dung nói lên nhân chủ tính của văn hóa Việt. Nó công thức hóa Trời, Người, Đất trên mặt trống thành thuyết tam tài: đặt con người ngang hàng cùng trời đất. Đó là công thức số 3. Các vòng vũ tả nhậm thuận thiên được công thức thành thuyết ngũ hành nghĩa là hành theo hướng ngũ: mà ngũ là thiên, cũng là Đại Ngã Tâm Linh được định nghĩa là thiên mệnh “Thiên mệnh chi vị tính” (chỗ này chưa thể rõ được xin đợi quảng diễn dài). Như vậy Kinh Dịch và Trung Dung có thể coi là đại diện cho Nho, đặt liền sau Việt mà lâu đài văn hóa là Trống Đồng, Làng Nước, Kinh Hùng. Ba thực thể đó cùng với Kinh Dịch và sách Trung Dung làm nên điển chương của Việt Nho, nó ăn khớp với nhau như một cơ thể. Ta có thể khởi tự bất cứ cái nào trong năm thực thể đó cũng đi đến kết quả như nhau. Dùng cả năm thì sự chứng minh trở nên chói sáng, không nguồn gốc văn hóa nào bì kịp sự chính xác như vậy. Những bài sau đây chỉ là những quảng diễn luôn luôn vần vũ trong năm điển chương nọ, nếu sự thu thập có lỏng lẻo, những ghi chú có thưa thớt nhưng chúng đã dựa vào năm điểm trên làm căn cứ chính nên vẫn hưởng một sự quán xuyến nội tại dàm sánh vai với sự chính xác minh hiển khách quan (khoa nhân văn cần sự quán xuyến nội tại, khoa học cơ khí cần sự chính xác khách quan).

Bài này có vẻ quá khô khan, vì chỉ có ý giới thiệu đường lối và nhiên liệu để độc giả thấy trước sự nghiêm túc của công việc hầu yên tâm theo dõi, rồi dần dần tất cả sẽ sáng ra: cả về an vi lẫn Việt nho. Cả hai là một nhưng xét về nguồn gốc hay nơi phát xuất thì gọi là Việt nho. Việt nhiều Nho ít. Còn khi xét về kết quả hay nội dung thì gọi là An vi. An vi nằm giữa Hữu vi và Vô vi, An vi hội nhập cả ngoại lẫn nội.


Chương 3

SỬ TRÌNH HÌNH THÀNH VĂN HÓA VIỆT

Theo huyền sử thì bờ cõi Việt là hai châu Kinh và Dương cũng gọi là Xích Quỷ (nước của Lộc Tục cha của Lạc Long Quân) tức miền châu thổ sông Dương Tử và Hoài Giang. Nhiều người cho đó là truyện biến ngôn chứ làm gì nước rộng đến thế. Nhưng nếu xét kỹ thì đây mới là châu thổ nước Văn Lang, trước nữa còn một thời gọi là Viêm bang thì bờ cõi còn lan lên trên cả sông Lạc và sông Hoàng Hà. Thật quá bao la nhưng có thực và bài này muốn đặt lên đó một cái nhìn cai quát để cắm một hai mốc thời gian. Nhưng xin nói trước đây không là sử địa mà là mấy nét sơ sái phác họa lại khuôn mặt của cái nền văn hóa cổ sơ của Việt, cũng có thể gọi là của Tàu nữa, nhưng ban đầu Tàu chỉ có phần nhỏ còn phần căn bản là của Việt.

Ta hãy chia quá trình hình thành văn hóa này làm năm đoạn như sau:

Giai đoạn khởi đầu là Hoàng Việt hay Viêm Việt gồm khắp nước Tàu.

Giai đoạn hai là Hùng Việt của Văn Lang.

Giai đoạn ba là Bách Việt từ Giang tô, Chiết giang trở xuống.

Giai đoạn bốn là Nam Việt gồm lưỡng Việt (lưỡng Quảng).

Giai đoạn năm là Lạc Việt thu vào Bắc Việt.

Sự phân chi này căn cứ trên những tên cổ sử, và những dữ kiện văn hóa nông nghiệp. Phải nhận ngay rằng sự phân chia này rất lỏng lẻo, cũng như tên gọi mỗi thời có thể khác. Nhưng xin tạm nhận để làm tiêu điểm mà tựa. Ta hãy lên sổ những dữ kiện của nền văn hóa đó:

      Việt                                         Tàu

về vật chất

- Lúa ruộng nước                - Ruộng khô

- Đi thuyền                          - Đi ngựa

- Có trống đồng                    - Trống da

- Nhà sàn                             - Nhà hang

- Ăn trầu                               - Không ăn trầu

- Có cung và nỏ v.v…              - Có cung không nỏ.

 Về tinh thần

- Huyền thoại lưỡng hợp            - 0

- Địa vị đàn bà cao                   - Địa vị đàn bà thấp

- Trọng bên tả                          - Trọng bên hữu

- Vẽ mình v.v…                         - Không vẽ mình

- Đeo lông chim khi múa            - Không đeo

Trên đây là những dữ kiện có để lại ấn tích trong cả khảo cổ, cổ sử lẫn dân tộc học và truyện tích… nên bám sát những dữ kiện đó là có được những tiêu chuẩn vững nhất. Những dữ kiện đó có thể chia hai loại, một thuộc môi sinh vật chất như lúa ruộng nước… Ta tóm vào lối viết chữ Việt cổ với bộ mễ gọi là Việt mễ. Loại hai thuộc tinh thần như huyền thoại có tính cách lưỡng hợp, ta tóm vào chữ Việt siêu: như vậy chữ Việt rất quan trọng vì nói lên nét đặc trưng văn hóa Việt hơn hết, đó là động tính hay nét song trùng. Các nhà khoa học gọi đó là nét lưỡng hợp (dual unit) và bảo là nét đặc trưng văn hóa của miền Đông Nam Á. Đây là nét quan trọng nền tảng sẽ trở nên mối đầu của Kinh Dịch và cũng là nền cho tên Việt siêu: tức là đi từ có tới không, từ sáng tới tối, từ rắn tới mềm… như sẽ bàn dài về sau. Ở đây chỉ ghi chú tên Việt có tính bao trùm và cao siêu nhất.

Bây giờ hãy lược qua các giai đoạn như đã tạm chia ở trên. Trước hết là giai đoạn sơ nguyên thì có những truyện Bàn Cổ, Toại Nhân, Hữu Sào… Đây là giai đoạn chấm phá ghi lại mấy nét lớn của văn hóa như tính tự lập tự cường trong Bàn Cổ. Toại Nhân chỉ giai đoạn phát minh ra việc dùng lửa. Còn Hữu Sào là giai đoạn biết làm nhà: trước hết là tổ trên cây, sau là nhà sàn. Cả ba trang huyền sử trên này sẽ lưu ảnh hưởng quyết liệt trên các giai đoạn sau: Bàn Cổ là nhân chủ tính. Toại Nhân là quẻ li đi với tên Viêm Bang. Hữu Sào đi với nhà sàn sau sẽ chi Tam tài… Toàn là những dữ kiện quan trọng trong văn hóa Việt. Ở đây hãy ghi nét đặc trưng là không có sáng thế ký kiểu thần thoại, mà chỉ là truyện những anh hùng văn hóa. Tôi gọi đó là nhân thoại. Nhân thoại là nét đặc trưng vĩ đại phân biệt với các nền văn hóa khác thường khởi đầu bằng thần thoại, nên không đạt nhân chủ tính như với nhân thoại.

Biết thế rồi bây giờ ta lược qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn nhất gọi là Hoàng Việt hay Viêm Việt. Đây là giai đoạn thờ mặt trời mà ấn tích còn sót lại là tên Xích Quỷ hiểu quỷ làm chủ, còn xích là tinh hoa của cái gì, đây là tinh hoa của thời thờ mặt trời. Cũng trong ý đó nước ta nhận quẻ li (lửa đỏ của mặt trời) cũng như chim chu tước (con trĩ đỏ), cùng trong liên hệ đó là tên “Thần châu xích huyện” mà sau Châu Diễn dùng để gọi nước Tàu. Vua ở giai đoạn này là Viêm Đế Thần Nông, cũng có tên là Liệt Sơn. Thời này chưa có gì gọi là Tàu hết. Nếu có thì cũng chỉ là dăm ba bộ lạc trong cả trăm cả ngàn bộ lạc khác. Nếu muốn nối Tàu vào thì phải gọi Thần Nôn là tổ chung của cả Việt lẫn Tàu. Chính trong ý đó mà nhà Hán khi mới lên ngôi cũng tự xưng Viêm Man, Viêm Hán và cũng tế Si Vưu. Si Vưu dòng dõi Thần Nông. Thần Nôn cùng với Phục Hy Nữ Oa làm thành Tam Hoàng. Vì thế Si Vưu cũng cùng dòng máu với Viêm Việt hay Hoàng Việt (chỗ này sẽ bàn rộng trong bài phân tích máu Việt).

Giai đoạn hai là Hùng Việt của Văn Lang quốc. Đây là giai đoạn thành lập văn hóa riêng của Việt. Trong sách “Hùng Vương sự tích ngọc phả cổ truyền” có lời rằng “Vua Kinh Dương Vương vâng chỉ phụng mệnh trời về núi Nam Miên Sơn lập đô ở phía Hoan Châu thuộc Nghệ An xứ”. Trong câu trên nên chú ý đến chữ nghệ vừa nói về nguồn gốc văn hóa, vừa nói lên nét đặc trưng của văn hóa đó. Người miền Nam quen nói đạo nghệ, tức đặt phương trình giữa đạo và nghệ

Nghệ = Đạo hay Đạo = Nghệ

Phương trình này còn gặp thấy trong kinh Thư chương Vũ Cống, học giả Legge đã nhận xét chữ nghệ dùng như chữ đạo, như trong hai câu sau: câu 29, “Hoài Nghi kỹ nghệ” tr. 105, và câu 23 “Duy Tri Kỳ Đạo” tr.102 (dịch nghĩa: sông Hoài và sông Nghi đi theo đường của nó; câu 23: sông Duy và Tri cũng theo đường nó!). Theo cổ tự thì chữ nghệ viết như thập xéo X. Đó cũng là chữ ngũ X, mà ngũ hành cũng là đạo hoặc nói đạo Việt Nho tóm trong ngũ hành cũng vậy. Vì thế chữ nghệ phải làm nền tảng cho các chữ Văn (hán), hay Giao Chỉ (chữ hán) cả hai có bộ nghệ nằm dưới. Còn tượng linh là hình Nữ Oa Phục Hy quấn lấy đuôi nhau (đuôi ông giao (chỉ) với đuôi bà). Vì những ấn tích này thấy cả trong huyền thoại lẫn trong dân gian cũng như cổ thư, cổ tự… nên ta biết mấy phương trình trên kia không là tán tự, mà chính là những ẩn tích đích thực còn sót lại của loại chữ cổ gọi là “điểu tự”- chữ chân chin, còn hoàn toàn tượng hình, nên là những ấn tích rất quý. Vậy những ấn tích đó nói lên nét song trùng nguyên thủy của đạo Việt mà sau này các nhà khảo cổ gọi là lưỡng hợp (dual unit). Chính nét đó làm nên đặc trưng của Văn Lang quốc, tức là tổ quốc của văn hóa Việt. Văn hóa đó đã được thiết lập trong thời Hoàng Việt.

Thời này có thể chia 2. Một là Hồng Bàng Kỷ cũng gọi là Hoàng Việt, hai là thời Hùng Kỷ với tên Văn Lang. Nước Tàu theo huyền thoại khởi đầu với Hiên Viên thuộc giai đoạn này nhưng sau họ Hồng Bàng “182” năm, nên gọi là Đế Kỷ. Chữ đế chỉ ngũ đế là:

Đế Thiếu Hao

Đế Chuyên Húc

Đế Cốc

Đế Nghiêu

Đế Thuấn

Đó không là nhân vật lịch sử mà chỉ là những mẫu mực tiên thiên được sáng chế về sau theo cơ cấu Ngũ hành để tiếp nối với Tam hoàng ở giai đoạn khai nguyên thành ra “Tam hoàng ngũ đế”. Đế cũng có thể hàm ngụ nghĩa “chinh phục”, hiểu là Hoa tộc “chinh phục” Văn Lang của Việt tộc. Cuộc chinh phục này mở đầu bằng Đế Hiên Viên nhưng người ta hay gọi là Hoàng Đế. Chữ Hoàng nối với Tam hoàng còn đế nối với ngũ Đế. Đế mới là chính nên người ta quen nói Hiên Viên xuất hiện tự đế kỷ.

Giai đoạn ba Bách Việt. Đây là giai đoạn mà truyền thuyết kể rằng: “Hoàng Đế chiến Si Vưu”… Tức Hoàng Việt bị Hoa tộc đẩy lùi bước đầu tiên. Dân Việt bắt đầu được gọi là Tam Miêu và Cửu Lê tức bằng số: số quan trọng nhất là 3 với luỹ nhân của nó là 9 (3*3=9) số 9= Cửu Lê là tên liên đoàn các dân thổ trước tức Việt, còn số 3= Tam Miêu kể như bộ lạc chỉ huy tất cả. Từ đó sẽ nảy ra tên Bách Việt. Chữ Bách chỉ có nghĩa là nhiều, như Bách tính là nhiều họ, nhưng theo bầu khí văn hóa thì có thể hiểu theo cơ cấu là con số 100 của Hà Đồ (45) và Lạc Thư (55) cộng lại, cũng như Lạc Thư có nghĩa thông thường là sách của sông Lạc, nhưng theo đồng văn thì hiểu là sách của Lạc Việt (đây là tên đầu tiên gọi theo tên sông. Về sau nam tiến thì di cư tên này xuống Bắc Việt). Lạc Thư là hậu thân của Cửu Lạc, mà Cửu Lạc có họ Cửu với Cửu thiên huyền nữ, một tên khác của nữ thần mộc (hành mộc số 3) nên cũng là nữ thần của Tam Miêu và Cửu Lê. Đấy là ý chính của Bách Việt, còn nghĩa thông thường là nhiều thì xin kể ra ít tên:

Phía đông là:

Di Việt

                                    Vùng Giang Tô

Điểu Việt

U Việt (Chiết Giang)

Dương Việt (Giang Tây)

Đông Việt (Quảng Đông cũng gọi là Nam Việt)

Lạc Việt (Bắc Việt)

Phía tây là:

Việt Thường (Trung Việt)

Tây Việt

                                    Vân Nam

Âu Việt

Bộc Việt

                        Châu Kinh

Mân Việt

Mấy tên địa danh cũng như tên chi tộc chỉ nên hiểu cách hết sức co giãn chứ không có ý đặt bờ cõi ranh giới gì cả, chẳng qua là tạm dùng để mang theo vài ý niệm lơ mơ thôi. Vì thời gian gồm nhiều cuộc thiên di, nên không thể có bờ cõi rõ rệt.

Giai đoạn bốn Nam Việt. Chỉ còn lại có lưỡng Việt là 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây mà vua Quang Trung tính đòi lại. Giai đoạn này Việt đã mất thêm ba nước Ngô, Việt, và Sở cũng gọi là Kinh Man tức là Mân Việt, Bộc Việt… Đây là giai đoạn nửa thuộc huyền sử, nửa thuộc sử ký. Huyền sử thì như Hùng Vương với Thục Phán, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, còn sử thì như Triệu Đà với hai Bà Trưng… Đây là giai đoạn suy vi của Văn Lang quốc.

(Hình bản đồ nước Tàu về đời nhà Tần)

Giai đoạn năm Lạc Việt. Thu gọn vào Bắc Việt và Trung Việt gồm cả Việt Thường. Đây là giai đoạn nam tiến cuối cùng, Bách Việt chỉ còn lại mảnh đất nhỏ là nước Việt Nam hiện nay gọi là Lạc Việt, xét như đại diện cho Bách Việt theo cả hai nghĩa chủng tộc và dân tộc. Chủng tộc thì là sự kết đúc của nhiều chi tộc như Môn Khmer, Thái, Mèo, Mường, Cổ Việt tức những người Sở, Ngô, Việt. Huyền sử tóm vào hai ngành là chim họ mẹ và rồng họ cha. Chim ở phía Tây như Mân Việt, Bộc Việt, Tây Việt, Việt Thường, còn rồng ở về phía đông như Lạc Việt đại diện cho cả U Việt, Đông Việt, Nam Việt… Về khảo cổ thì Đông có thể là di chỉ Long Sơn hay Thành tự Nhai với cái lịch thời danh. Còn phía Tây thì lấy Ngưỡng Thiều làm cứ. Hai đàng đổ xuống gặp nhau ở Bắc Việt để làm nên người Việt ngày nay. Đây là giai đoạn chung đúc các chi tộc lần cuối cùng. Trước kia đã có nhiều cuộc đúc rồi xảy ra ở miền Kinh Dương Vương và trên nữa là lúc Hoàng Đế đánh Si Vưu. Đó là những ý niệm về sự pha giống giữa các chi trải qua nhiều ngàn năm nhiều lần khó lòng phân rõ. Dầu sao đó cũng là việc của nhân chủng học. Còn ở đây chỉ nói về dân tộc tức là về văn hóa truyện tinh thần, không cần bờ cõi theo sử địa, mà chỉ cần những yếu tố văn hóa như tả nhậm, trống Đồng, ruộng nước…

Trên đây là 5 giai đoạn rất lờ mờ (với bờ cõi trồi sụt) đặt ra chỉ cốt làm tiêu điểm cho ý tưởng, nó muốn nói lên rằng văn học từ trước tới nay mới nghiên cứu có giai đoạn 5 và một nửa giai đoạn 4. Còn Việt Nho tính nghiên cứu cả 5 giai đoạn, luôn cả phần mở đầu là Bàn Cổ với Toại Nhân và Hữu Sào. Đó là điều ngược với tự trước tới nay nên có biết bao điều phải được chứng minh như sẽ làm trong các chương sau.


Chương 4

THỜI ĐẠI HOÀNG VIỆT

Đối với người Việt Hùng Vương là tiên tổ. Hồng Bàng là cao tằng. Muốn biết rõ về Hùng Vương với nước Văn Lang tất phải tìm hiểu về Hồng Bàng kỷ. Đây là việc rất diệu vợi vì tài liệu đã hiếm hoi lại lờ mờ như bị đêm tối bao phủ nên gọi là huyền sử. Sau đây là mấy dòng huyền sử về Hồng Bàng.

“ Cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh tuần thú phương Nam gặp Vụ Tiên trên núi Ngũ Lĩnh đẻ ra Lộc Tục phong cho làm vua hai châu Kinh và Dương lập ra nước Xích Quỷ. Anh Lộc Tục tên là Đế Nghi cai trị phương Bắc. Đế Nghi muốn bắt chước Đế Minh trong việc tuần thú nên trao nước lại cho Si Vưu rồi cùng với vợ là Âu Cơ tuần thú phương Nam, sau để vợ ở lại hành tại và đi đâu không biết. Âu Cơ lấy Lạc Long Quân con của Lộc Tục đẻ được một trăm con, 50 con theo mẹ lên núi lập ra nước Văn Lang, còn 50 con nữa theo cha xuống biển”. Đó là vốn liếng về “tiền sử” nước ta. Thật là ít ỏi và lờ mờ nên không lạ chi trải qua bao đời không một ai buồn để ý đến còn coi là hoang đường đáng phải thải bỏ là khác. Tuy nhiên ngày nay được trang bị đầy đủ hơn với những khoa tân nhân văn như uyên tâm, cơ cấu, khảo cổ ta có thể làm một cuộc thám hiểm có tính cách siêu khoa học để thử tìm ra ít ý nghĩa tàng ẩn đàng sau những mẩu truyện lu mờ nọ.

Xem bao trùm lịch sử văn hóa lòai người quyển Civ. I 264 đã chia ra ba thời.

Việc thời nhất là hình thành sáng tạo ra những tư tưởng nền móng, có thể gọi là buổi bình minh với những ánh chiêu dương tạo dựng hay gọi là Hòang kỷ.

Việc thời hai phát triển và công thức hóa những điều đã được sáng tạo trước. Ta hãy gọi là Đế kỷ.

Việc thời ba là thừa tự, truyền bá và suy vi, hãy tạm gọi là mạt kỷ.

Đối với văn minh Lưỡng Hà cho đến nay được coi là nơi phát nguyên ra văn minh lòai người thì

Thời sáng tạo là Sumer

Thời phát triển và công thức là Babylon

Thời thừa tự truyền bá, suy vi là Assyria

Với La Hy thì thời sáng tạo là Crete

Thời phát triển đổ khuôn là Greece

Thời truyền bá suy vi là Roma.

Theo trên ta có thể nói với Việt Nho thời sáng tạo là Hòang Việt

Thời đổ khuôn là nguyên nho, nổi nhất đời nhà Chu.

Thời truyền bá và suy thóai là Hán Nho. Hoặc nói cách khác:

Thời Hòang Việt là tinh thần

Thời Chu là văn hó

Thời Hán là chính trị (xem thư tịch ở số 9.13)

Ba thời đó không phân ranh rõ nhưng ăn ngoàm vào nhau như có thể thấy trong bảng sau:

Thời I Hoàng Việt gồm Tam Hoàng – 4480 (dấu trừ (-4) là 4 tr.cn) gồm Hồng Bàng Thị -2879.

Tiếp tới Hùng kỷ tận cùng vào lối thế kỷ thứ ba tr.cn. Đang lúc đó Tàu đời Chu đã khởi tự thế kỷ 12, nhưng truyền thuyết thì lại đẩy Tàu tới Hoàng Đế tức 28 thế kỷ trước. Như vậy đủ thấy tính cách cài răng lược của ba thời. Do đó ai muốn truy căn về nguồn gốc văn hóa Việt bó buộc phải nghiên cứu về nguồn gố c văn hóa Tàu mà ở đây tôi gọi là Nho. Việt Tàu sẽ là Việt Nho. Vì cái làm nên nước Tàu là văn hóa chứ không chủng tộc như học giả quốc tế đã công nhận như thế, mà điều đáng quý nhất trong văn hóa Tàu là Nho, nên nói Nho là nói Tàu.

Ta hãy dùng khảo cổ để lên sổ sơ sái nguồn gốc của hai nền văn hóa Việt, Nho. Theo đó thì thời Hòang Việt có thể thấy dấu vết ở hai di chỉ thời danh ở mạn Bắc nước Tàu là Ngưỡng Thiều trong tỉnh Thiểm Tây và Long Sơn ở vùng Sơn Đông. Long sơn nổi bật với cái lịch có ba chân hai tai rõ ràng thuộc về văn hóa Việt.

(Hình cái lịch)

Cái lịch đời tân thạch, ngang thời Phùng Nguyên. Ngay từ lúc đó đã thấy có số 3-2 vài ba tham lưỡng xuất hiện (3 chân hai tai) thấy đầy ở Đông Sơn, và các đỉnh sau này.

Chỉ còn Ngưỡng Thiều là có sự do dự nhưng theo một số công trình nghiên cứu mới nhất thì Ngưỡng Thiều cũng do miền Nam ảnh hưởng lên (Cradle 38 và 342). Ong Needham cũng ghi nhận Ngưỡng Thiều do phía Nam (Need I. 25).

Trên đất Việt thì nhờ lối cơ cấu ta nói được là văn hóa Hòang Việt đã xuất hiện từ thời đại đá mới Bắc Sơn, là vì ý tưởng nguyên lý lưỡng hợp (dual unit  thấy ở Bắc Sơn, với số 2 trong 2 đường gạch song song); số 3 nhân chủ cũng như số 5 tâm linh gặp được ở Phùng Nguyên (bộ ba cái chạc và các thứ bình có ba chân) số 5 (tức 2+3) thấy được trong mộ có 5 hòn sỏi mà ba hòn mài nhẵn hai hòn để thô. Bộ số này được chú ý vì có nhiều thể chế đi kèm thí dụ nghi lễ bắn tên lúc trẻ sơ sinh, trong 5 tên, bắn 3 giữ 2, nhà 3 căn 2 chái. Có truyện Polynesien nói đến 3 thúng khôn với 2 hòn đá (Primitive 304). Cũng số 5 nhưng kép nửa dưới (số 2 đất kép thành 4) thì ra bộ số 3-4 hay là hình tròn vuông như bánh trời tròn, bánh đất vuông, trống trời trống đất (trống 6 mặt chỉ trời = 6 là 3 đôi; trống 8 mặt chỉ đất: 8 là 4 đôi). Cặp 6-8 có phản chiếu trên mặt trống đồng Ngọc Lữ (trong 6 chim và 8 chim) và có thể ngờ là căn để cho lối văn lục bát. Đó là vài ấn tích mà cơ cấu giúp ta ghi dấu sự xuất hiện của thời Hòang Việt, thời này sẽ kéo dài tới lúc Tần Hòang chiếm ba nước Việt, Ngô, Sở. Còn bên ta là lúc Triệu Đà chiếm nước Au Lạc vào thế kỷ thứ ba tr.cn.

Thời II thuộc nguyên Nho tức Nho còn gắn liền với Việt như hài nhi chưa cắt giây rốn. Nếu kể theo truyền thuyết thì phải nói Nho có từ Hòang Đế (Đế kỷ = -2697) xuyên qua Nghiêu Thuấn xuống tới ba nhà Hạ, Thương, Chu tức từ thế k ỷ 28 đến 3 tr.cn. Đó là theo truyền thuyết, còn theo cổ sử thì phải kể tự cuối đời Đông Chu là thời đã chế tạo ra các truyền thuyết về nguồn gốc nước Tàu với các nhân vật Hòang Đế, Nghiêu, Thuấn, Hạ, Vũ… Điều này đã được chứng minh do các khoa cổ sử và khảo cổ với hậu quả là cổ sử Tàu chỉ có thế kể từ nhà Thương vì khảo cổ chỉ có thể đẩy đến đấy (trên nữa là nhà Hạ (1) rồi Nghiêu, Thuấn và Hòang Đế không tìm được dấu vết gì). Vậy mà về nhà Thương thì khoa học thấy Tàu giống Việt. Quyển Tiền sử (Prehistoric 10) nói vùng Thái Bình Dương và mạn nam Trung Quốc cùng một nền văn hóa. Quyển Man’s Conquest nhận định Ngưỡng Thiều và Long Sơn gây ra nhà Thương (Pacific 158). Hai Di chỉ này xúyt xoát vào thời truyền thuyết cho là nhà Hạ, nhưng thực sự thì nó lêntới thời Phục Hy Nữ Oa (-4480) và cả hai đều chị ảnh hưởng quyết liệt từ miền Nam. Theo truyền thuyết thì nên ghi vào thời này những huyền thọai về ông Vũ lấy vợ Việt và việc ông đúc 9 đỉnh, cũng như lời ghi trong thiên Vũ cống rằng châu Từ (miền sông Hòai) cống lông trĩ ngũ sắc (C.A. 97) lấy từ núi Vũ (Vũ quyến hạ địch, chữ hạ đây có nghĩa là ngũ sắc) và nên ghi cả những câu như “những người Man Di, Đông Di cắt tóc vẽ mình” (bị phát văn thân” và “Nam Man điêu đề giao chỉ” (xâm trán vẽ mình Li Ki 296). Tất cả những câu đó chứa đựng bằng chứng nguồn cội văn hóa Việt. Riêng câu “châu Từ cống lông trĩ ngũ sắc” còn được phản ánh trong Kinh Hùng truyện cống bạch trĩ.

Do vậy mà nói nghệ thuật nhà Thương với Việt giống nhau. Nhà khảo cổ người Nga ông Kisselev cũng nhận như thế (Vietnam 10). Trong quyển Indochina ông Groslier cũng nói Đông Sơn với Tàu chiến quốc là một (Groslier 28) Borneo cùng một văn hóa với sông Hoài vì người ta tìm được ở đây nhiều ấn tích thí dụ như lòai chim trĩ phương nam mà người ta quen gọi là thuộc nhà Hán (hình chu tước). Phương chi đến nhà Thương thì còn giống Việt biết bao. Tàu Việt cùng chung một nền văn hóa. Vậy hỏi ai học với ai? Xưa nay người ta đều cho là Việt học của Tàu. Đó là nhìn theo lối văn minh và chính trị nhà Hán. Còn nếu nhìn theo lối tố nguyên sinh thành (génétique) tứ c ngược lên tới thời Hoàng Việt thì rõ ràng Tàu lấy của Việt.

(Hình Chu tước)

Chu tước –Oiseau rouge embleme du midi: được kể là một trong những thành tựu đẹp nhất thuật chạm trổ Tàu tìm thấy trong một ngôi một ở Tứ Xuyên (đời Hán). Một chân giơ ra trước, chân kia đứng thẳng. Cánh và đầu giật về sau, ngực giơ lên làm cho chim có dáng đang tiến cách quyền uy cao thượng.

Sau đây là ít thí dụ.

Bà Giản Địch tổ nhà Thương sinh con theo lối Việt tức có mang do nuốt trứng chim huyền điểu (con én đưa thoi tức có mang trong dịp hát trống quân kiểu Việt). Đã vậy chính bà là gái Di Việt, sách nói là con gái Hữu Nhung (Shang, 3) mà Nhung với Hòai Di là một (State Craft, 199). Trong quyển Pacific (Pacific 158) có nhắc đến luận án của học giả Bayard chủ trương phương Nam (Non Nok Tha) ảnh hưởng lên Tàu, vì Tàu mượn những danh từ kim khí và lúa gạo của phương Nam. Nhà ngữ lý học Benedict cũng hỗ trợ luận đề này bằng nhiều đóng góp về ngôn ngữ. Vì thế không lạ khi thấy ông Needham (I. 27) nói nhà Thương chịu ảnh hưởng phương Nam (được phản ánh trong truyện Việt Tỉnh Cương) và cho khá đầy đủ chi tiết.

Ta có thể chứng minh điều đó bằng khảo sát điển chương tiêu biểu nhất của nhà Thương đó là diễn đề Thao Thiết (hình) gặp lu bù trên các đồ đồng. Thao Thiết có thể nói là một cố gắng của Hoa tộc hội nhập văn hóa Việt tộc, vì Thao Thiết chính là của Việt với tên Tam Miêu, vì Tam Miêu cũng có tên là Thao Thiết (D. 233). Nền của văn Thao Thiết là bò và hổ nhưng các nhà nghiên cứu không dám xác nhận là bò hay là hổ hoặc giống gì vì nó không rõ.

(Hình Thao Thiết)

Ta có thể cho là hổ nhưng dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của Việt thì hổ báo phảti biến dạng ra bò nhưng phần nào còn giống hổ nên gọi là “hổ phù”. Gọi là hổ chứ hiền khô: đã không làm hại con bảo trợ cho người là khác (xem Sứ Điệp chương VIII đầy đủ hình mới dễ hiểu). Đó là ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa Viêm Việt. Hổ ở các nơi du mục thì giết người, ở đây bảo trợ cho người và nhận sống hài hòa với các giống khác. Đến cuối đời nhà Chu thì hổ phù bị coi là quái đản và cho mang tên là Thao Thiết với nghĩa là kẻ háu ăn (Sullivan 35). Kể cũng đáng tội nếu xét về yếu tố hổ, nhưng văn Thao Thiết cũng có yếu tố chim và rồng và những yếu tố này đã biến ra văn Quỳ Long để cuối cùng ra Long. Cho nên văn Thao Thiết chính là bản ráp của long tức là tiến trình biến thể văn hóa: ban đầu văn minh du mục chiếm văn hóa Việt mà truyền thuyết ghi là Hòang Đế chiếm màu vàng của Si Vưu (D. 548), nên hổ làm nền văn Thao Thiết, nhưng rồi Việt ảnh hưởng ngược lại nên hổ trở nên giống bò và trở nên “hổ phù” kém giá. Còn phần tinh hoa của Thao Thiết tức yếu tố của Việt thì biến ra văn quỳ long nửa rồng nửa chim, để sau cùng biến ra long. Cả ba điển chương trên đều là những tổng hợp của hai nền văn hóa Việt Tàu. Trong Thao Thiết Tàu đóng góp hổ, nhưng sau hổ xuống giá thì đến quỳ long là nền Việt, Tàu chỉ tô tạo bề ngòai. Cuối cùng là long cũng là một thứ hợp thể gồm rắn, giao long, chim ưng, cá, nai, bò, lạc đà… nên nói bán ráp của long là quỳ long. Xem mấy mẫu đề này (Thao Thiết, quỳ long, long) ta thấy ảnh hưởng văn hóa Hòang Việt nổi bật: đó là chữ Hòa. Hòa được cả thú dữ như hổ, với những giống bay trên trời như chim, hoặc lặn sâu dưới đáy bể như long.

(Hình Văn quỳ long) 

Riêng về hình thể thì quỳ long là một thứ chim nhưng lại có đèo thêm tên long (quỳ long) như vậy văn quỳ long kể là một bước dò đường để biểu hiện sự nối kết hai dòng máu tiên và rồng. Một thể thiện hiếm hoi trong nền văn hóa nhân loại. Về long thì nên nhớ nó là hậu quả giao thoa của xã long và giao long, cả hai đều là long, nhưng mạn Bắc tức các dân vùng Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam (châu Kinh) thờ xà long, còn dân Đông Nam Á thì thờ giao long (các nhà khảo cổ gọi là thuồng luồng và nhận xét thuồng luông cũng như chim nước là mẫu đề riêng biệt của các dân Đông Nam Á). Đến đời chiến quốc thì xà long và giao long hội nhập làm ra long: giao long đóng góp 4 chân với móng chim, xà long góp cái mình dài, làm nên một dạng thức mới phức tạp nói lên tổng hợp tính cao độ gồm cả chim trời lẫn cá bể (móng chim ưng, vảy cá v.v…)

Tóm lại xem tiến trình Thao Thiết biến thể ra quỳ long rồi long đủ biết Tàu chịu ảnh hưởng Việt xiết bao. Học giả Groslier (p.15) nói người Tàu chính là người Việt ở mạn Bắc (hiểu là mạn Bắc nước Tàu). Có thể hỏi tại sao không nói người Việt là Tàu mạn Nam. Thưa nói thế là đã đi sang thời sử ký và chính trị tức là thời mới, lúc mà Hán tộc đã nuốt trọn ba nước Sở, Ngô, Việt của Việt tộoc mang tên là Man và Di, nhờ đó nước Tàu đã trở thành mênh mông. Còn nếu vượt qua thời mới để lên thời tiên Tần thì khác, vì lúc ấy nước Tàu còn bé hơn đất Bách Việt. Trong quyển Chine Esprit et Socíeté ông Speiser (21) cho là đời Thương nước Tàu mới rộng 12000 km2 (400*300), tức còn bé hơn Bắc Việt (164.000 km2). Nếu xét về chủng tộc thì rât phiền tạp nên các nhà nghiên cứu đều nói nước Tàu thành nên bởi những người không phải là Tàu, tức không do yếu tố chủng tộc mà do yếu tố văn hóa. Vậy văn hóa là điều khá rõ nét và trường tồn đến độ có thể theo dõi tiến trình biến thể như ta vừa xem về văn Thao Thiết và Long. Thế mà về văn hóa thì chỉ thấy Tàu lấy của Việt mà thôi. Câu này mới nghe có vẻ trái sự thực là bởi ta chỉ quen lịch sử mà không biết đến huyền sử, tức là chỉ biết Tàu có tự đời Hán. Các truyền thuyết về thời khuyết sử của Tàu như Hòang Đế, Nghiêu, Thuấn, Hạ, cả nhiều truyện nhà Thương và nhà Chu nữa đều do các học giả đời nhà Hán chế tạo ra, tuy có dựa trên ít nhiều lưu truyền cổ đại nhưng những lưu truyền đó không xa hơn cuối đời Đông Chu, lúc mà tinh thần chỉ huy sự biến chế đã nghiêng mạnh sang chính trị đủ làm lu mờ các yếu tố văn hóa, phương chi các yếu tố tâm linh đời Hòang Việt còn bị lu mờ hơn nữa. Vì thế vẽ lại cái môi sinh tinh thần của Hồng Bàng với ba thời k ỳ của văn hóa Việt là bài học cần thiết để người Việt mửa hết các điều Hán nho đã áp đặt: từ sử Tàu cho đến kinh sách. Rồi dùng phương pháp phân chất máu của Việt tộc để đi tìm lại nền móng văn hóa siêu linh của mình.

Tóm lại thời khai sinh của văn hóa Việt bị bao trùm bởi lịch sử và nhất là huyền thoại của Việt nhưng đã bị làm ra “của Tàu” nên đó là một cái rừng rậm thâm u cần dùng cơ cấu và sự phân chất máu văn hóa để minh định yếu tố nào là của Việt, đâu là của Tàu. Khi nắm vững hai chìa khóa nọ (cơ cấu với các bộ số 2, 3, 5 và chất máu TR.) lúc ấy chúng ta sẽ phăng lần ra được những lối đi thênh thang với những cái nhìn bao quát chỉ đường. Đó là phận sử triết. Còn việc đi vào chi tiết có tính cách văn học sẽ là công trình lớn lao cần thiết có tính cách văn học sẽ là công trình lớn lao cần nhiều nhà chuyên môn đủ ngành tự khảo cổ, cổ sử qua xã hội học, thói tục, thể chế… Vì thế đặc biệt trong bài này chúng tôi có ghi thư tịch kỹ hơn để cống hiến những người mới bước vào và để chứng tỏ câu nói Việt trước Nho (tức Nho bởi Việt) có đầy đủ chứng tích khoa học càng ngày càng chói chang. Tài liệu ghi trong bài chỉ là phần nhỏ.



Chương 5


THỬ MÁU VĂN HÓA VIỆT

Huyền sử là một loại sử có biên cương ẩn hiện trùm lên cả sử ký lẫn cổ sử và tiền sử, nó không có những chứng liệu đích xác như sử ký vì phần nhiều nó phải tìm chất liệu trong huyền thoại là thứ mà ý nghĩa lùng bùng như cao su ai kéo chiều nào cũng được. Vì thế việc giải nghĩa huyền sử vốn đã là truyện khó, còn trở nên khớ hơn thập phần phức tạp vì các huyền thoại đã hầu hết bị giật ra khỏi môi sinh thần của chúng, bị chặt bét ra, ghép lại lộn xông: râu ông cắm cằm bà là truyện rất thường. Vì thế chẳng mấy khi dùng được huyền thoại y nguyên, mà phải giầy công so đo kê cứu.

Để chứng minh điều đó, nhân tiện cũnglà nhắn gửi những ai muốn đi vào huyền sử phải gia tăng chăm chú trong việc thâu thập tài liệu: phải đọc nhiều đã vậy nhưng nhất là đừng đọc bản tóm, vì bản tóm đánh mất hầu hết những mối liên hệ nằm ngầm thường ẩn trong những tiểu tiết thoạt nhìn tưởng như vô tích sự. (1)

(1) Đó là lối thường tình của các người viết luận án. Phải đọc nhiều quá nên mỗi thứ chỉ mở Index analylique đọc thoáng qua, để có cớ viết các bảng thư tịch cho dài. Nhưng thư tịch dài có là bảo chứng cho giá trị luận án đâu. Các luận án hầu hết là rất ít giá trị, chỉ vì lối hời hợt đó. Sách triết ít cho bản thư tịch và index analytique là vì lý do nọ.

Bài này sẽ đưa ra ít thí dụ, phần lớn xoáy vào Si Vưu một “nhân vật” bị hiểu lầm nhiều nhất, nhưng lại đóng vai trò lớn trong khúc quanh lịch sử của Viêm Việt. Si Vưu có tên được ghi ngay trang đầu huyền sử nước ta rằng “Đế Nghi muốn bắt chước Đế Minh trong việc tuần thú phương nam nên trao nước lại cho Si Vưu rồi lên đường nam tiến”. (Xem Kinh Hùng số 3)

Như vậy thì Si Vưu là họ hàng nhà, cớ sao trong dĩ vãng lại bị coi là giống ác độc? Cần phải tìm cho ra nguyên uỷ vụ này. Để làm điều đó ta hãy thử dùng một phương pháp mà tôi gọi là thử máu văn hóa xem Việt có loại máu nào? Si Vưu có cùng loại máu với Việt tộc chăng? Đây chính là lối nhận họ văn hóa một cách khoa học hơn hết.

Muốn thử máu Việt tộc thì dễ, vì huyền sử nói nước Việt thuộc “mẹ tiên cha rồng” (long phụ tiên mẫu). Như vậy nếu nói cho có vẽ khoa học thì đó là loại máu TR.(tiên rồng) tức là loại máu cao trọng và siêu việt hơn hết, nên tiên đựơc chỉ bằng một loại ngỗng trời (Hồng) cũng gọi là thiên nga: hàm ý bay thấu tới trời. Đó là dòng máu mẹ.

Còn dòng máu cha rồng thì lặn sâu tới tận đáy bể: tức không còn thể sâu hơn được, nên trong huyền sử đấy đại dương thường được dùng để chỉ thị những chân lý sâu xa nhất. Muốn nhận họ ta chỉ việc xem ai có dòng máu TR thì nhận là có họ không sợ sai; nhưng trong thực tế sự vụ lại không dễ dàng như vậy vì xuyên qua nhiều hoàn cản dòng máu TR đã biến thể rất nhiều thí dụ về Si Vưu là loại máu SV nhưng cũng có tên QH hay LM… Vậy trước hết ta hãy phân chất máu SV của Si Vưu coi thử có họ với dòng máu TR chăng. Rồi lần lượt tới loại máu QH và LM.

Điều trước hết ta thấy Si Vưu thuộc dòng dõi Thần Nông, đầu cũng có sừng y như Thần Nông, nên nhờ Thần Nông có họ Khương (chữ hán). Chữ Khương có bộ dương trên với hai cái ngà. Vậy là văn hóa nông nghiệp lúa mễ. Đó là điều hợp đầu tiên với dòng máu TR.

Điều thứ hai Si Vưu cũng có tên khác là Thao Thiết sinh bởi ông Quỳ và bà Huyền Thê, như vậy là thuộc loại máu QH, tức họ máu hàng dọc với loại máu TR. Vì Quỳ cũng là rồng, Huyền Thê cùng họ với huyền điểu thuộc tiên, nên nói ông Quỳ lấy bà Huyền Thê cũng như nói Âu Cơ lấy Lạc Long Quân: hai loại máu QH và TR. Có bản đọc Li Vưu thì cũng không xa vì Li là rồng vàng, còn Vưu là thượng thặng “par excellence”: nói về người đàn bà tuyệt đẹp người ta dùng chữ vưu vật. Như vậy Li Vưu là rồng vàng thuộc Hoàng Việt (Hoàng có nghĩa là Vàng). Cũng trong vòng chữ li, Si Vưu còn gọi là Li Mị với nghĩa là thần đầm ao (li) và thần núi (mị) như vậy là nói kiểu khác hai chữ non nước hoặc tiên rồng: li là rồng, mị là tiên (tiên ở trên núi).

Về chữ li mị này (chữ hán) có sự rắc rối vì người Tàu đọc là Si Mị. Từ điển Từ Nguyên cho cách đọc là “sách y thiết như si chi vân” và giải nghĩa rằng “theo thuyết xưa thì li giống như rồng vàng, không ngà”. Còn người Việt ta lại đọc Li Mị. Người xưa khắc hình thứ rồng này vào đầu cột nhà và gọi là Li đầu. Người Tàu đọc Si đầu, ai phải? Theo luật chung thì chữ kép có hai bộ phận, một bộ là để hội ý, một bộ là hài thanh: như chữ li thì có bộ trùng (hán) hội ý chỉ con vật, còn li là phần hình thanh. Vậy đọc li là phải. Tại sao Tàu đọc Si căn cứ trên bộ trùng mà Tàu phát âm gần như si. Vậy chữ li bỏ đi đâu? Cho nên ta suy đoán được rằng đó chẳng qua là cái thuật chiến tranh chính trị, chiến tranh tâm lý. Li Mị là thủ lãnh các dân Man Di nên thay vì Li Mị thì đọc là Si và gắn liền vào Mị (hán) viết với bộ quỷ cho thêm bệ rạc để chỉ những tinh quỷ trên núi, theo đó ta có thể hiểu Si mị chính là li mị bắt nguồn từ những kháng chiến ẩn nấp trên núi để chống Hoa tộc xâm lăng, coi như “xuất quỷ nhập thần”. Còn nghĩa đơn sơ thì hiểu được là con rồng vàng (li) của dân Mị (nhớ Mị là họ rất lớn trong Sở, tức là Kinh Man, Kinh Việt, cũng là họ lớn trong nước Văn Lang). Ta đọc Mỵ Nương, người Mường đọc là Mễ Nàng gì đó. Vì sự biến thái của ngôn ngữ, nhiều khi do sự cố ý của kẻ thắng nên sau con cháu không nhận ra được họ hàng giữa Việt tiên rồng với Si Vưu, Li Vưu, Li Mị. Khác tên nhưng cũng họ máu. Và xin đề nghị từ nay ta sẽ đọc Li Vưu.

Cũng trong ý đồ đánh lạc hướng nọ chữ Bàn trong tên Lộ Bàn Lộ Bộc có liên hệ với Bàng, Bành, Bà, Ba (Hồng Bàng, Bành tổ, Bành Lãi, Hồ Bà Dương cũng đọc Ba Dương) phát nguồn từ rồng quận khúc có tên là Bàn Quỳ, lại bị đèo theo một âm là phiên để chỉ những sâu bọ bên dưới chum (lu) lọ là để nhằm hạ đối phương. Các thể rồng khác của Việt đều bị hạ như vậy. Quỳ là rồng đầm ao thì bị Hoàng Đế bắt lột da bưng trống! Lúc ấy Tàu chưa nhận rồng làm vật biểu, rồng mới là của Việt nên bị khinh khi. Tuy nhiên truy căn thấu đáo mới nhận ra Li Vưu thuộc dòng máu rồng tiên nên loại màu LV này cũng là họ máu hàng dọc với loại máu TR.

Li Vưu còn là tên một ca đoàn trưởng, một vũ đoàn gồm 81 người, có khi 72. Trong đoàn vũ có một người mang cái nõ bự. Rõ ràng là hình ảnh đoàn vũ trong trống đồng cũng có cái nõ bự. Nõ là khí dụng riêng của Việt tộc có nói đến trong truyện thần KimQuy. Tàu lúc xưa mới có cung, chỉ có đòn ngang, phải có thêm đòn dọc nữa như chữ Đinh T mới ra nõ. Chữ nỏ là do phiên âm tiếng Việt: nõ, ná. Tự điển Từ Nguyên có cho Si Vưu sáng tạo ra dao, kích, và đại nõ. Dao đây là thứ dao cong cũng gọi là Côn Ngô dùng trong việc tế tự, nó cùng loại với cái phủ việt cũng lưỡi cong (hình phủ việt). Kích cũng tên là cái qua đã bàn trong Sứ Điệp với bộ hình vài ba.

(Hình phủ việt)

Còn rất nhiều truyện về Li Vưu, nhưng bằng ấy tưởng tạm đủ để chứng minh Li Vưu cùng một dòng máu TR như Việt tộc, cùng bộ cơ cấu “vài ba”. Nên nhớ bài vũ đầu tiên của Việt nho có tên là “lưỡng lưỡng tam tam” chính là bài vũ Li Vưu, căn cứ trên bộ số nền tảng “vài ba tham lưỡng” đó.

Li Vưu cũng còn được gọi là nhà lãnh đạo của Tam Miêu một chi dẫn đầu của Cửu Lê mà Cửu Lê là toàn khối người Thổ trước (Viêm tộc) đã cư ngụ rải rác trên toàn cõi nước Tàu lâu, rất lâu trước khi người Tàu xuất hiện như một dân tộc. Đoàn vũ có 81 người đó là 9*9 = 81; căn 9 là 3. Còn 72 là 8 hàng vũ 9 người. Chữ Tam trong Tam Miêu nên hiểu là số 3 căn của 9 (Cửu Lê) tức cùng loại cơ cấu “vài ba tham lưỡng” và 3-9 được cụ thể vào 3 hồi 9 tiếng trống vẫn được khua lên trước mọi cuộc hội hè của Viêm Việt. Chữ miêu theo nghĩa nguyên thuỷ là mạ, chỉ nông nghiệp ruộng nước (lúa mễ) có gieo mạ. Lúc mễ mọc ở Đông Nam trước sau đã lan lên tận mạn Bắc Tàu, rồi do đó đôi khi có nghĩa chung chỉ cốc loại vì tính chất phổ quát của nó.

Thế nghĩa là đất Tam Miêu cũng chính là đất của Văn Lang và nó trải ra cực kỳ rộng có thể nói khắp cõi nước Tàu, mãi cho tới sau này trong các sách Tả truyện, Chiến Quốc Sách… vẫn còn thấy Tam Miêu chiếm cứ toàn vùng Hồ Bành Lãi, Động Đình, Vân Sơn, Thái Hồ tức hợp với hai châu Kinh và Dương của Lộc Tục xưa. Nhưng trước nữa theo Kinh Thư thì thấy Li Vưu được thờ ở Sơn Đông, ở nước Tề, lan cả lên Mãn Châu; phía Tây thì lan đến núi Tam Nguỵ vùng Cam Túc, tức toàn cõi nước Tàu. Vì thế các học giả đời nay gọi Tam Miêu hay Cửu Lê là liên đoàn các dân hoặc liên bang các dân: Confraternities of people, Confederation of people. Need II. 117. Tự điển Từ Nguyên dẫn sách Lễ Ký (theo lời giải nghĩa họ Trịnh) gọi Tam Miêu là Li Vưu và sách Thượng Thư Khổng Truyện cho Li Vưu là Cửu Lê, rồi cho hai sách đó bất đồng. Sự thực rất đồng tức Li Vưu hay Tam Miêu là chi lãnh đạo của Cửu Lê (3*3=9). Lê, Lộ (Bàn) Lạc, Lai cùng một họ. Ta có thể gọi gồm tất cả các thứ dân đó vào hai chữ Tứ Hải hay Tứ Di, rồi sau biến ra Bách Việt… đều chỉ toàn khối các dân cư ngụ trong nước Tàu đã có lâu trước dân tộc Tàu.

Huyền thoại nói dân tộc Tàu đã xuất hiện với Hoàng Đế. Các nhà khoa học nay cho đó chỉ là sự hoàn toàn bị đặt (pure phantasy, Legge) vì không tìm được di vật khảo cổ nào chứng minh. Nhưng ta có thể cấp cho Hoàng Đế một thẻ căn cước theo lối huyền sử để giúp vào việc hiểu biết hơn về mẫu người đại diện văn hóa nông nghiệp Đông Nam là Li Vưu, tức coi Hoàng Đế là một mẫu người đại diện cho nền văn minh du mục phát xuất từ Tây Bắc. Theo sách Trúc Thư Kỷ Niên thì Hoàng Đế có tên là Hữu Hùng và Hiền Viên. Cả ba tên đều nói lên tính chất du mục xâm lăng. Thứ nhất là chữ đế chỉ đế quốc, chiếm đoạt. Thứ hai đến chữ hùng là con gấu: rõ ràng du mục vì du mục thường nhận ác thú làm vật tổ, những bức chạm trổ người có hình hổ tìm được ở Sơn Đông hẳn phải có liên hệ với Hữu Hùng ở đây. Thứ ba Hiên Viên tuy là tên núi mà cũng có nghĩa là xe nói lên liên hệ với công và thương gắn liền với du mục, y như sĩ, nông đi với nông nghiệp. Sách Thế Bản gán cho Hoàng Đế nhiều phát minh, điều đó rất đáng ngờ, nhưng có điều chắc là ông khởi đưa vào Tàu 2 yếu tố văn minh, một là luật hình đối nội, hai là chiến tranh chiếm đoạt đối ngoại (Kwang I. 216). Xin nhớ văn minh ở đây hiểu trong liên hệ với thành thị, còn văn hóa hiểu liên hệ với nông nghiệp, nông thôn (Civ. I. 2). Theo đó thì Hiên Viên chinh phục Li Vưu tức là du mục lấn át văn hóa nông nghiệp; thị xã lấn át nông thôn v.v…

Chắc vì lý do sâu xa này mà Hiên Viên có tên là Phong Long tức thần sét (lôi công). Ông có được một người con gái đặt tên là Nữ Thần Bạt chủ về đại hạn. Rõ ràng là những dấu chống Li Vưu vốn có hai thần gió và mưa phụ tá chỉ nông nghiệp ruộng nước sợ đại hạn cần mưa. Đó là những khía cạnh đối kháng của hai nền văn hóa mà hai trận tuyến đã khởi từ xa xưa: một bên Hoàng Đế đại diện văn minh, bên kia là Li Vưu đại diện văn hóa. Nói theo Hoàng Đế đại diện kỹ thuật còn Li Vưu đại diện tình người (nhân bản). Vì thế trận tuyến đó sẽ còn diễn dài dài vì là cuộc chiến thuộc văn hóa: bên nông bên du chẳng bao giờ hết được. Về mặt quân sự Hoàng Đế đã giết Li Vưu, đã đánh tan Tam Miêu, vậy mà cho đến “cháu 5 đời” là Nghiêu vẫn còn bị phiền hà với Tam Miêu. Ông Thuấn cũng phải đánh dẹp và cho là xong, thế mà đến đời ông Vũ còn phải cất quân đi đánh Tam Miêu nữa và thua, đành trở về mặc áo lông chim rồi dùng cái mộc và giáo mà múa: lúc ấy Tam Miêu mới chịu phục. Như vậy có nghĩa là ông Vũ phải múa theo kiểu Tam Miêu, tức có mang lông chim khi múa, nói vắn tắt là phải theo văn hóa Tam Miêu. Y như trước kia Hiên Viên cũng thế, các nhà khoa học cho là Hiên Viên đã tiếp thu phù hiệu và biểu tượng với các kỹ thuật của Li Vưu, nhờ đó mà Hoàng Đế “trở nên nhà sáng tạo đủ điều” nào là đúc đồng, đúc trống, nào là làm nhà, dệt vải… Sự thực không phải là sáng tạo mà chỉ là “tiếp thu” của Li Vưu.

Đại để đó là hậu quả chiến cuộc giữa Hiên Viên du mục và Li Vưu nông nghiệp. Được thua, thua được lẫn lộn, trận tuyến thì rộng lớn không những về quân sự; chiếm đất chiếm người, mà còn kéo theo mặt trận tâm lý chiến: hai bên cố bới xấu nhau nên Li Vưu bị đọc là Si Vưu và bị chê là “ngu đần”, “hay gây rối” là “quái vật”… Đang khi theo một dòng lưu truyền khác thì Li Vưu lại là Thiên tử, là lá cờ hướng đạo, là thần đáng đựơc tôn thờ. Hán Cao Tổ khi mới lên ngôi cũng còn tế Li Vưu. Như vậy chẳng qua là truyện được làm vua thua làm giặc. Li Vưu thua nên tên bị bôi bẩn thỉu như Mỹ nguỵ ngày nay vậy.

Tuy nhiên Việt tộc cũng mở mặt trân tâm lý chiến đánh vào tim gan giặc xâm lăng, tức là đánh vào cái hồn, cái vật tổ của Hiên Viên. Chỉ xin kể ra một vụ chính về chim cú. Chim cú được phe Hoàng Đế thờ và đặt làm thánh quan thầy các thợ luyện kim khí mà Hiên Viên đứng “đầu”. Xem ra chim cú chính là vật tổ vì được Hoàng Đế ăn thịt theo nghi lễ để được tham dự phần linh lực của nó. Vậy nhưng Việt tộc tuyên truyền thế nào mà về sau cú biến ra cú vọ, ra “quỷ điểu” có tiếng là ban đêm hay lần mò đi bắt trẻ sơ sanh và làm hại các bà mới đẻ. Quỷ điều có 10 đầu nhưng bị chó ăn mất một nên sợ chó lắm (1). Vì thế để đề phòng chim cú người ta phải kéo tai chó cho nó kêu, hoặc đập cửa đập giường. Với trẻ sơ sinh thì người ta bôi lên trán nó vạch đỏ để xua đuổi chim cú (có thể tục xâm trán (điêu đề) phát xuất từ đó) hoặc bán con cho thần, thánh, tiên, phật để được nhờ sự che chở.

(1) Chó nói ở đây có liên hệ với chó Bàn Hồ là vật tổ của các chi Dao ở Vân Nam, Quý Châu và các chi Mán… Tộc phả của họ ghi rằng: Thời xưa vua Hải Đảo đánh nhau với vua Lục Địa. Vua Lục Địa treo giải ai giết được vua Hải Đảo thì gả công chú cho. Chó Bàn Hồ của vua liều đi, bơi tới hải đảo, được vua Hải Đảo đưa về nuôi, nó lừa dịp cắn chết vua Hải Đảo, tha đầu trở về và vua Lục Địa phải gả công chúa cho. Chó Bàn Hồ đón công chúa về Dương Châu, sinh được 10 con tức 10 bộ lạc Dao mà con trưởng là họ Bàn. Sau vì bên Tàu mất mùa nên con cháu Bàn Hồ phải di cư qua Việt Nam. Vì thế khi ai chết đều làm bè chuối tiễn về Dương Châu, nơi đây có từ đường thờ công chúa đứng cạnh con chó Bàn Hồ. Do tích này mà các cô gái Dao hay thêu cái đầu con chó trên cổ áo. Ở Tứ Xuyên giáp giới Vân Nam có một bộ lạc được gọi là người lai chó. Chắc vì mối liên hệ với họ Bàn. Mà Bàn Hồ nằm trong khối Viêm Việt nên cũng có liên hệ với Rồng. Con cháu Li Vưu có người gọi là Cẩu Long (chó rồng) là vì liên hệ ngầm đó.

Lại còn truyện sợ Phong Long mới ác. Ta đã biết Phong Long là tên của Hiên Viên thế mà tâm lý chiến của Việt trình bày thế nào khiến các bà mới đẻ rất sợ phong long. Việt Nam có câu “sinh dữ tử lành” theo nghĩa các người mới sanh hay mang lại sự không may cho ngừơi khác gọi là phong long. Vì thế sau khi sinh đầy cữ phải đi đổ phong long bằng cách mua một vật gì: đồng tiền do sản phụ trả ra có mang theo phong long, tức những sự không may mắn. Nếu giữa đường ai gặp sản phụ thì gọi là “chạm phong long”: ngày ấy làm cái gì cũng hỏng, đi thì tất trược, buôn bán tất ế. Muốn trút độc lại phải đi đổ phong long. Thế là dần dần chim cú trở nên xấu xa: trong Kinh Thi bài thơ Si Hiêu (số 155 Bân Phong) có câu:

Cú cơi cú hỡi.

Cú đã bắt con ta

Xin đừng phá nhà ta

“Si hiêu, si hiêu

ký thủ ngã tử

vô diệt ngã thất”.

Việc có tính cách phá nhà hơn cả là tội bất hiếu, vậy mà cú là chim mang tiếng bất hiếu: dám ăn thịt mẹ cha. Xưa chửi ai là cú là câu thóa mạ nặng hơn hết. Điều đó là do ám chỉ văn minh du mục không coi trọng chữ hiếu. Chính vì sự tuyên truyền bền bỉ như vậy nên đến đời nhà Châu không còn dám coi trọng chim cú nữa. Nhà vua còn bắt các quan phải ăn cháo chim cú lấy cớ là để tránh tội bất hiếu bất trung (ông Creel cho là tục này có từ đời Hán). Rồi Tàu nhận vật biểu rồng: còn bao vật biểu của Tàu trước như hùm, cú, cá… đều lần lượt bị đào thải. Vậy có nghĩa là kết quả trận chiến kéo dài nhiều ngàn năm với hậu quả là Việt tộc bị mất đất, mất dân, mất tiếng của nhiều phát minh nhưng xét về văn hóa thì Việt có thắng: thắng được một nửa nghĩa là Tàu phải nhận rồng, còn thiếu chim tiên (thiếu nguyên lý mẹ) nên Hán nho kể là khập khiễng: có máu R thiếu máu T. Chỉ có họ cha thiếu họ mẹ.

Kết luận là chúng ta có những bằng chứng cụ thể về tiên và rồng. Rồng là giao long, xà long, Bàn, Quỳ. Còn tiên là các loại chim nước mà dẫn đầu là Hồng Hộc với họ Hồng Bàng, nên kể là có tiêu điểm vững chắc để đẩy cuộc nghiên cứu xa hơn sang phần đất Trung Hoa cổ đại; phải nghiên cứu lại toàn bộ cổ sử và tiền sử nước Tàu từ tiên Tần về trước. Tuy đây là việc rất nặng nhọc nhưng bõ công, vì đó chính là nghiên cứu về nguồn gốc của một nền văn hóa nông nghiệp thuấn tuý nhất, ơn ích hơn hết cho con người mà Việt Nam lại có may mắn là kẻ thừa tự có bằng khoán chói chang là trống đồng Ngọc Lữ với Kinh Hùng, trong hai lâu đài ấy có đầy ấn tích về tiên (chim) và rồng


Chương 6


TỪ VIỆT MỄ TỚI VIỆT THƯỜNG

Trên thế giới tưởng không một dân tộc nào gắn bó với văn hóa nông nghiệp thâm sâu như dân tộc Việt, thâm sâu đến độ đưa tinh hoa nông nghiệp lên làm đồ trang sức cao cả, cũng như lấy nó làm dạng tự cho tên nước, hơn nữa còn dùng làm danh tính. Tôi tạm gọi giai đọan này là Việt Mễ. Nhưng rồi vì nghịch cảnh con cháu đã quên trọn vẹn giai đọan khởi thủy này, có thể coi như chạy trốn nên sẽ kêu là Việt Tẩu, chính nó là đầu mối gây nên cảnh nước mất nhà tan. Trước tình thế đó chúng ta phải làm chi? Thưa phải mở ra giai đoạn mới gọi là Việt Siêu để cố đạt tới Việt Thường. Vậy bây giờ chúng ta đi vào nghiên cứu sơ qua về ba giai đoạn trên.

VIỆT MỄ

Hình cổ nhân chi tượng trong Kinh Thư, Ích tắc. Phấn Mễ số 22. Phủ Việt số 27.

Việt Mễ nói lên tinh thần nông nghiệp cách công khai nên chúng ta còn có thể ghi lại một số điển chương. Trước hết là bảng trang sức chỉ uy quyền mà Kinh Thư kêu là “Cổ nhân chi tượng” (Thiên Ích Tắc, 4) gồm 12 điển thì trong đó có phấn mễ (chữ hán) như xem trong hình kèm theo (một bảng đầy tính chất Việt = vì con số 3 hiện hình trong tất cả các vật, phấn mễ lại tổ chức theo lối Loa Thành với 9 vòng, và nhất là Phủ Việt với lưỡi cong cong. Nếu nghiên cứu cả thời gian xuất hiện với không gian phân bố và ý nghĩa của bảng trên thì đó là một đề án rất thú vị.

Điều đó giúp ta hiểu được tại sao viết chữ Việt (hán) với bỗ mễ (hán), lấy mễ làm trung tâm của quốc hiệu. Còn vòng ngòai nhái lại hình mà có học giả cho là cái phủ việt (hình trên số 27.

Chữ mễ còn được dùng để chỉ danh tính gọi là họ Mỵ là họ nổi nhất trong nước Sở. Nước Sở là tên cuối cùng đời Xuân Thu Chiến Quốc chỉ cái miền trước kia kêu là Kinh Sở, trước nữa kêu là Kinh Việt, trước nữa là Châu Kinh, cùng với Châu Dương làm thành nước của ông cố Lộc Tục lấy hiệu là Kinh Dương Vương tức là vua hai xứ Kinh và Dương và quê hương của Bách Việt ở giai đoạn rút lui lần thứ hai hay ba. Chính vì mối liên hệ đất tổ này mà họ Mỵ còn lưu lại trong huyền sử nước ta dưới danh hiệu là Mỵ Nương cũng đọc là Mễ Nàng và ta vẫnt hấy bóng Mỵ Nương lờn vờn bên cạnh Hùng Vương là để biểu thị cho nền minh triết nông nghiệp vốn gắn liền với nguyên lý mẹ mà một trong các dấu bên ngòai là tụ c Tả Nhậm như sẽ bàn rộng về sau.

Ở đây chỉ nhắc qua để làm như mốc thời gian cho giai đoạn thiết lập cơ sở tinh thần dân tộc dưới danh hiệu Văn Lang. Văn Lang là một lá cờ tiên phong cho những đức tính cao quý nhất của loài người mà những hiện thực bên ngòai thì như là gieo gặt, làm nhà, dệt vải, đồ gốm… Còn những bước vòng trong là đức tự lập, tự cường đựơc un đúc do tinh thần nông nghiệp là tự lực cánh sinh để thay thế sự ỷ lại của thời săn hái. Săn hái ăn sẵn, nông nghiệp tự “tay làm hàm nhai”, nên từ săn hái bước vào nông nghiệp đòi phải có nhiều đức tính tự lực, tự cường. Tiêu biểu tinh thần mới này là Hùng Vương, một danh hiệu bao trùm đức tự cường cao độ với những đức tính khác như tự do, tự phát triển và bình đẳng được biểu lộ trong nền thống nhất tinh thần đặt trên chế độ bình sản, khiến cho không có chế độ nô lệ kiểu bên có bên không. Huyền sử nói mẹ Au Cơ vứt bọc trứng ra đồng mà trăm con đều phương trưởng tức hàm ngụ chế độ bình sản: ai cũng được có phần tài sản. Đó là đại khái mấy nét định tính nước Văn Lang, cần nói thêm rằng nó vẫn còn là lý tưởng của nhân lọai cho tới tận nay. Hiện tất cả các triết gia nhân bản đang tranh đấu ráo riết cho lòai người có được bấy nhiêu thôi, mặc dầu phương tiện và hòan cảnh có khác, nhưng lý tưởng thì đã cao vời vợi, nên tiền nhân ví với tầm bay cao của chim Hồng chim Hộc gọi bóng là họ Hồng Bàng “xuất hiện năm 2879 tr.cn”. Đây chỉ là niên hiệu huyền sử phải hiểu cách co giãn, mà trong thực tế nên đưa lên xa hơn là hạ thấp. Vì khoa khảo cổ mỗi ngày gặp thêm dấu vết chứng tỏ nền văn hóa này đã có từ lâu lắm, ít nhất cũng từ đợt Bắc Sơn với nét song trùng của nó đã xuất hiện từ lối 7-9 ngàn năm. Giai đoạn Văn Lang này đã chấm dứt với nhát gươm oan nghiệt của An Dương Vương giáng xuống đầu Mỵ Châu.

VIỆT TẨU (chữ hán)

Chữ tẩu có ý dùng để nói lên sự bỏ chạy cả về vật chất lẫn tinh thần. Vật chất là những bước Viêm Việt rút lui khỏi địa bàn tổ. Địa bàn tổ này ở bước một là tòan cõi nước Tàu với những người cư ngụ đầu tiên mang danh hiệu là Viêm tộc rồi Cửu Lê với Tam Miêu. Đó chỉ là những danh xưng tổng quát chỉ liên đoàn các dân thổ trước dưới quyền lãnh đạo của Li Vưu cùng nằm trong liên hệ văn hóa nông nghiệp biểu thị bằng bộ điền (chữ hán = chữ miêu kép bởi điền và thảo). Dân tộc Trung Hoa mớ xuất hiện sau tự Đế kỷ, với vụ “Hòang Đế Chiến Si Vưu” rồi lớn mạnh dần lên, đó là bước tẩu lền đầu của Việt.

Bước hai Bách Việt còn giữ được vùng Nam là Hà Nam Hồ Bắc và ăn chéo lên phía Đông, như những nước Lỗ, Tề, Yên với vùng Thái Sơn… còn nói tiếng của Lạc Địch là những chi của Việt tộc. Nhưng về sau cũng bị đuổi nữa để bước cuối cùng còn lại có vùng Lưỡng Việt mà vua Quang Trung toan đòi lại gồm hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Đây là nghĩa vật chất của chữ tẩu. Còn nghĩa tinh thần là vụ Việt tộc quên dần bản gốc là siêu lên chỗ văn minh tinh thần gọi là hỏa đức ở phương nam (quẻ li) để đi vay mượn hết mọi cái của Tàu từ chữ viết đến chính trị, kinh tế v.v… Khởi thủy vụ đó là từ Triệu Đà, mà việc tiêu biểu hơn hết vụ Mã Viện thâu thập trống đồng là điển chương văn hóa cao nhất của Lạc Việt nay bị đúc chảy ra mất hình dạng cũ để đổ vào khuôn du mục Bắc phương biểu thị bằng ngựa (Hồ) “Hồ mã tê Bắc Phong”. Từ đấy nước ta cũng quay trọn vẹn về phía Bắc để mượn văn minh Tàu gồm mấy yếu tố chính là nhà nước, pháp luật, quân đội, chữ viết và thành thị. Mấy yếu tố này tuy đã manh nha ở giai đoạn văn hóa, nhưng chưa hình hiện quyết liệt như ở đợt văn minh, nhất là chữ nho, mà đạo lý trung thực của nó chính là Việt Đạo đã được công thức hóa (điểm này rắc rối chờ xem Sứ Điệp Trống Đồng) và đó là liên hệ nằm ngầm giúp cho sự đón nhận văn minh Trung Quốc trổ nên êm thắm, đến đỗi sự quên gốc đã trải dài trên hai ngàn năm mà hầu như không có phản ứng. Cả đến mấy truyện về họ Hồng Bàng, về nước Văn Lang đều bị coi là quái đản, kể cả người thâu thập cũng đặt tên sách là “Lĩnh Nam Trích Quái”. Cuộc vong bổn này còn trầm trọng hơn nữa khi tiếp cận với văn minh Thái Tây  tì những truyện trong Lĩnh Nam bị hiểu thấp xuống đến trình độ “khoa học” nên nhiều người đổ xô đi tìm xem trong thế giới kim cổ có người đàn bà nào đẻ trứng chăng (chưa dám nghĩ đến để một phát mà được trăm trứng). Có dân nào mà cơ thể học chứng minh được là hai ngón chân cái giao nhau. Làm sao 18 đời Hùng Vương kéo dài được hơn hai ngàn năm v.v… Vì tìm không ra nên cối tuột, cho là chuyện nhảm rồi nhân tiện mạt sát chữ nho mà không ngờ rằng chữ nho chính là một rong những đầu mối giúp tìm về địa bàn tổ.

Thực dân Pháp cảm thấy rõ điều ấy, nên quyết tâm phá nho, họ biết rằng bao lâu unho giao còn tồn tại thì không thể nào đồng hóa nổi người Việt Nam. Nghe đâu mới đây bên Pháp có ra đời một sách trong có nhắc tới vụ này nhan đề là Les missions et leur protectorat gì đó của De Lanessan (?). Trước sự tấn công “khoa học” như thế, trong giới trí thức Việt nhiều người từ khỏan 1930 trở đi đã muốn đoạn tuyệt với văn hóa cũ, muốn quên hẳn gốc tổ để “tự lực văn đoàn”. Ngừơi thì cho rằng dòng dõi ta là Tàu, kẻ khác cho là Indônêdiêng, người khác nữa thì bảo nguồn gốc Việt Nam là Mã Lai, còn một số cũng gọi là tìm về văn hóa dân tộc nhưng chỉ tìm tới nhà Lý, cùng lắm lên tới Triệu Đà tức không ra khỏi giai đoạn vong bổn nên quanh quẩn vòng ngoài không sao trở lại được quê tổ. Chính vì thế khi quyển Việt Lý Tố Nguyên nói lên mấy sự thực khác trước, nhất là nhấn mạnh về nguồn gốc văn hóa xét như là xuất hiện trước nho giáo, Kinh Dịch thí dụ không thể phát xuất từ Bắc phương được v.v… thì bị đả kích nặng nề. Tất cả sự đả kích đó đều là tang chứng của sự chạy trốn khỏi nguồn gốc nước nhà đã khởi tự An Dương Vương rồi đến thời mới trở nên quyết liệt đến độ đặt mình trọn vẹn vào quỹ đạo Thái Tây gây nên nhát gươm thứ haigiáng xuống đầu miêu duệ của Mỵ Châu ngày 30/4/1975 cũng có đủ: kẻ thì máu chảy, kẻ thì mất đầu, một số nhỏ thì rẽ nước chạy vào biển… Y hệt. Vậy là tan nát hết chăng? Thưa không vì còn có Việt Thường nữa.

VIỆT THƯỜNG

Xưa kia tôi cứ tưởng chữ thường trong tên Việt Thường có nghĩa là thường hằng là văn hóa Việt sẽ trường tồn mãi mãi, vì thế tôi muốn viết chữ thường là thường hằng (hán). Nhưng khi đọc chữ nho lại thấy viết chữ thường y xiêm (hán). Tôi đặt câu hỏi phải chăng người xưa viết lầm hay có ngụ ý gì đây?

Và tôi nghĩa là đã tìm ra câu đáp trong khi nghiên cứu trồng đồng, vì trên mặt trống có tạc hình đoàn vũ trang sức tòan bằng lông chim. Nhìn đi ngắm lại đòan vũ để tìm ra ẩn ý làm tôi liên tưởng đến bài “nghê thường vũ y khúc” (hán). Ban đầu tôi không chú ý lắm vì các sách đều nói đó là tên bài các tiên ca múa trên cung quảng hàm do vua Đường Minh Hoàng đã thấy khi được tiên cho vua lên chơi trên cung quảng. Nhưng xét lại thì đó chỉ là truyền thuyết không lấy gì làm căn cứ. Vì thế tôi lại xem xét kỹ từng chữ trong tên bài vũ thì thấy nó hợp với đoàn vũ Trống Đồng từng điểm như sau:

Nghê: màu đỏ ráng tức màu hồng lúc rạng đông.

Thường là xiêm y. Nghê thường là xiêm bằng lông chim có màu sắc ráng (màu đỏ hồng).

Vũ là lông chim. Theo sự xếp đặt trong nguyệt lệnh thì lông chim là vũ đi với nông nghiệp ngược với lông mao con thú đi với du mục. (chữ Vũ Sơn thuộc Tam Miêu (Việt) nên cũng đọc Miêu Sơn, rồi vì vần thơ đọc Miêu ra Mao, nên vô ý dễ lẫn với lông mao con thú).

Vì vậy khi dân nông nghiệp (Tam Miêu) múa thì bao giờ cũng mang lông chim, chim đó có khi là chu tước một giống chim trĩ tiêu biểu phương Nam. Chữ chu đây không là thuộc nhà Chu mà là chu đỏ lửa, đỏ mặt trời, học giả dịch là pheasant vermillon. Vỉ ngưởi ta thấy hình chim nhiều trong nghệ thuật nhà Hán, nên một số tác giả kêu là con tước nhà Hán chính ra là con tước đỏ. Cũng có khi gọi là địch như trong tiếng “địch y”. Chữ địch đây có nghĩa là ngũ sắc, địch y như vậy có nghĩa là áo bằng lông chim ngũ sắc. Đó là thứ xiêm y mà tổ tiên Việt đã mặc trong khi ca vũ, hai đàng gắn chặt với nhau đến độ vũ y đã trở nên con dấu bản quyền hễ đâu có ca múa với xiêm áo bằng lông chim thì đấy là bằng khoán chủ quyền văn hóa Việt. Như vậy bài “Nghê Thường Vũ Y Khúc” có phải là của Việt chăng? Nếu theo truyền thuyết Đường Minh Hòang thì không. Nhưng nếu xét theo lịch sử thì ta có quyền quả quyết đó đúng là bài vũ trên trống đồng mà không mang tiếng nhận vơ, vì bên kia chỉ có một giấc mơ của một ông vua vào thế kỷ thứ bảy. Còn đàng này là chứng tích cổ sử cũng như khảo cổ gần hai chục thế kỷ trước. Khảo cổ là trống đồng đã có vào đầu thiên niên kỷ tr.cn, còn cổ sử là đòan vũ của Li Vưu với các sử liệu khac mỗi khi nhắc đến vũ là phải có lông chim, cho nên muốn đúng tinh thần khoa học phải xử cho Việt được. Và do vậy chữ Việt Thường (xiêm y) chính là con dấu chủ quyền bài hát đó.

Tại sao có một bài hát mà phải giữ chủ quyền? Thưa vì bài ca vũ đó biểu lộ Đạo Việt một triết lý tác hành, nên biểu thị bằng vũ bằng ca. Ca vũ là tác động An Vi hơn hết, tức không nhằm lợi ích vật chất mà chỉ là việc tu luyện đạo để được lên tiên, nên dùng biểu hiệu chim vì chim bay cao. Vì vậy tiên đã được đồng hóa với chim nên khi tu đắc đạo gọi là vũ hóa trở nên có cánh. Đó là dầu lọai máu TR của Việt nên có đầy đủ trong trống đồng. Yếu tố T (tiên) thì là chim tràn đầy trên mặt trống, còn yếu tô R thì nằm bao quanh tang trống (tức là 6 thuyền rồng). Phải hiểu chữ rồng đồng nghĩa với thuyền. Thuyền rồng có nghĩa là thuyền đã biến ra rồng.

Đó là triết lý (hay đạo) lạc quan tràn ngập mà vũ trụ quan gọi là con tạo, hoặc “hóa nhi đa hí lộng”. Hí lộng (chơi vui nô đùa) là hành động an vi nhất, cao cả nhất của con người, vì chơi thực không màng chi tới lợi ích mà chỉ là chơi là nô đùa hí lộng. Xin nhắc lại lời sách Hùng Vương sự Tích Ngọc Phả Cổ Truyền nói rằng “Vua Kinh Dương Vương lập đô ở phía Hoan Châu thuộc Nghệ An xứ”. Câu này nói lên hai điều: một là đạo Việt được quan niệm như nghệ thuật. Cứu cánh của nghệ thuật là hòa cái vô biên vào cái hữu hạn. Nói khác dùng một vật thể nào đó để biểu hiện cái không thể biểu hiện gọi là linh, là thần, là vô biên. Sách xưa nói Kinh Dương Vương đóng đô ở “Nghệ An xứ” có lần đi du thuyền đã tới tận Động Đình Hồ. Đó là huyền sử để chỉ Kinh Vương quả là Nghệ tổ, vì đạt tới cùng đích nghệ thuật là hòa tròn với vuông, hòa thiên với địa, địa vuông chỉ bằng đình vuông (hay chữ nhật) chỉ cái gì có hình thể. Còn thiên viên là hồ (tròn) chỉ trời, chỉ vô biên.

Điều hai là đạo đó là đạo tích cực gây an vui hoan lạc. Huyền sử kể “lập đô ở phía Hoan Châu” là muốn nói lên điều đó. Mấy tên cổ của nước ta cũng hàm tàng ý đó như Di là an vui, Lạc là hoan lạc. Đây chỉ một sự an vui hoan lạc siêu hình có tính cách trường tồn hằng hữu vì thế Việt Thường y xiêm chính là biểu hiệu Việt thường hằng hữu vậy.

Tóm lại chữ thường trong Việt Thường nói đến đạo Việt là đạo tiên rồng mà hậu quả là an vui hoan lạc. Đó là nền triết siêu Việt mà con người gặp được trên những chặng tu cao để tiến tới cõi bất tử.

Chương 7

Ý NGHĨA CHỮ HOÀNG TRONG HAI TIẾNG HOÀNG VIỆT

Ý nghĩa chữ Hoàng tìm thấy trong hai văn kiện quan trọng nhất của Việt nho: một là Hoàng Cực (trong lược đồ ngũ hành) quen dịch là sự hoàn hảo cao trọng nhất (la perfection royale). Thứ đến là trong huyền thoại Tam Hoàng là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông. Đó không là những nhân vật lịch sử mà là những dạng thức tối sơ của một đạo lý mà sau này Nho sẽ công thức hóa thành thuyết Tam tài: Thiên, Địa, Nhân.

Thiên được đại biểu trong vai Phục Hy có họ Phong là gió (trời).

Địa trong vài Thần Nông đầu bò để cày ruộng (đất).

Nhân trong vai Nữ Oa đang bồng trong tay thập tự nhai để chỉ con người đại ngã được định nghĩa là đức của trời cùng đất. Trời nét dọc, Đất nét ngang làm thành thập tự nhai trong tay Linh mẫu Nữ Oa.

Đây là cơ cấu uyên nguyên của nền nhân chủ, một nền triết đã giải thoát con người khỏi những trăng trói của dị đoan để con người hiện thực được quyền làm người, tự làm chủ lấy vận hệ mình, tìm được đủ túc lý ngay nơi mình để làm người khỏi cần đến ngoại viên, nhưng đường đường một vị trượng phu. Đó là đại để ý nghĩa chữ Hoàng, nó chỉ mức độ cao cả hơn hết của chí thiện y như trong nước thì vua là cao trọng hơn cả, một thứ cao cả toàn bị không cần đến tha lực.

Bây giờ ta hãy xem chữ Hoàng Việt có liên hệ nào chăng với chữ Hoàng nọ. Và ta thưa được là có lắm, đó là liên hệ họ máu hàng dọc. Chứng cớ là vào thời khai sáng nước Văn Lang, Lạc Long Quân đã diệt Hồ tinh, Mộc tinh, Ngư tinh. Đó là loại danh chỉ các thứ dị đoan đã khống chế giam giữ con người khắp nơi trong cảnh vong thân không để cho ngoi lên được bậc nhân chủ. Trái lại nhờ vua cha đã phá hết mọi trở ngại nên vua con là Hùng Vương đã có thể kiến tạo một nền nhân chủ toàn triệt có tầm vóc lớn như vũ trụ, được biểu thị bằng cặp bánh Trời Đất với ẩn nghĩalà con người sẽ tránh được nạn vong thân bằng học nền nhân đạo nọ. Nhờ vậy mà con cháu có những mẫu người như Thánh Dóng làm nhưng việc đáng mặt là “Xung Thiên Thần Vương”, với cô Liên nối trời cùng đất trong truyện trầu cau. Cau đứng thẳng chỉ trời, đá vôi nằm dưới là đất. Cô Liên hóa thành cây leo chung quanh liên lạc cả hai lại thành hình đỏ thắm. Đó là mấy nét chấm phá vẽ lại cái sơ đồ của Đạo Việt khi mới xuất hiện, sau này nó sẽ lu mờ đi hầu như tắt hẳn, đến nỗi ai cũng cho Phục Hy, Nữ Oa là người Tàu. Đó là một sự lầm truyền kiếp đã gây ra tự đời nhà Chu đầu nhà Hán do những người nặng óc thần tiên đề cao Đạo Lão, rồi tôn vinh Hiên Viên làm Tị tổ văn minh Tàu. Tư Mã Thiên đã mở đầu sử nước Tàu với Hiên Viên Hoàng Đế mà không với Nghiêu Thuấn như kinh Thư. Tuy rất nhiều Nho gia đã bài bác Tư Mã Thiên về điều đó nhưngvì sự phê bình không thấu triệt nên cuối cùng bộ ba Tam Hoàng bị Tàu hóa. Vì thế ở đây phải dùng phương pháp huyền sử để phanh phui một vụ đạo văn khổng lồ trong lịch sử văn học Việt Nho.

Vụ đó mở đầu bằng Hiên Viên được gán cho tên là Hoàng Đế bằng cách xóa bỏ tên Nữ Oa đi để đưa Hiên Viên vào với danh hiệu Hoàng Đế. Đây là một việc đánh tráo mà dọc dài 25 thế kỷ không một ai ngờ, mãi cho tới nay mới có một số học giả hé nhìn thấy nhưng lại bị chính quyền như Tưởng Giới Thạch đã làm vào quãng 1920 khi cấm phát triển phong trào thu thập những truyền kỳ cổ tích thần thoại Tàu. Vì qua sự phân tích các huyền thoại về khai quốc chính quyền nhận thấy sự nguy hại cho hào quang vinh hiển vẫn bao quanh những trang sử Tàu khi các tên tuổi như Phục Hy, Nữ Oa v.v… đều được nhận ra là các thần tượng hay vật tổ của các bộ lạc thổ trước. Ấy là lúc cuộc khai quật của các học giả mới ở đợt văn học, cổ sử, chứ chưa đi tới đợt triết mà đã vậy. (xem thư tịch ởo dưới số 10.12)

Hôm nay chúng tôi sẽ tiếp tục việc trên bằng dùng phương pháp huyền sử và cơ cấu. Trước hết hãy xét tên Hoàng Đế. Đó là một mâu thuẫn tố cáo sự chiếm đoạt, chữ Hiên Viên chỉ là đế không thể là Hoàng. Chữ Hoàng đi với hoàng cực là sự trọn hảo cùng cực, mà cho được thế thì phải vượt qua các đợt vòng ngoài (to have) để nhập trung cung (to be). Trung cung cùng với thần là một, mà thần vô phương không đâu không có, cần chi phải chiếm đoạt, phải lập đế quốc, mà vẫn làm được các việc lớn lao có tầm vóc vũ trụ, như Tam Hoàng biểu lộ rõ rệt không hề xâm chiếm của ai. Trái lại Hiên Viên xuất hiện với đạo quân hổ, bào, hùng, bi, đã giết Thần Nông, diệt quân Li Vưu ở Trác Lộc máu chảy hàng trăm dặm: hoàn toàn là đế (quốc) có chi hoàng đâu mà nói hoàng đế? Nói đế là thò cái đuôi đế quốc ra rồi đó. Sau này vì Tam Hoàng bị Tàu hóa, nên chữ đế được dùng nhiều đến độ lấn át chữ hoàng. Thay vì nói Hoàng Đạo thì người ta nói Đế Đạo. Nói Hoàng Đạo thì dễ bị lộ, vì có Hoàng Việt đó, nó sẽ hỏi tại sao Hoàng Đạo lại không là của Hoàng Việt mà là của Tàu. Vì thế mà chữ Đế được thịnh hành trong bộ ba: Đế đạo, vương đạo, bá đạo.

Gọi thế là đã bị lầm theo óc đế quốc chiếm đoạt của Hiên Viên đẩy Nữ Oa ra khỏi bộ Tam Hoàng. Thế là đi đời Tam Hoàng. Vì Hoàng Đạo cũng là Hoàng Cực mà cho được vậy thì ngoài dương phải có âm trong, âm đây biểu thị bằng Nữ Oa đóng vai nguyên lý mẹ cách huy hoàng với những tác động có tầm vóc vũ trụ (vì vậy mới đáng tên nguyên lý mẹ) nay bị đẩy ra đưa Hiên Viên đực rựa vào thì còn chi là đạo, mà chỉ còn là một thứ duy nào đó, ở đây là duy dương thiếu nước, vì Hiên Viên đi với Nữ Thần Bạt là thần coi về đại hạn: thế là Hoàng Việt bị đoạt mất hồn.  Đây là một vụ xâm chiếm lớn lao đến nỗi Thượng Đế cũng bị luôn. Các sách sau này khi viết chữ hoàng thiên thượng đế thì toàn viết chữ hoàng bạch vương (chữ hán) mà không dám viết hoàng lúa chín (hoặc ruộng (hán) công (hán) hợp lại ra hoàng (hán)).  Đấy là một tội phạm thượng tày trời vì dám đẩy Thượng Đế ra rìa phía Tây (bạch đế trấn Tây thổ) để chỗ cho Hiên Viên, lấy cớ rằng Hiên Viên cai trị theo thổ đức, nên phải viết hoàng trung cung (thổ là trung cung của ngũ hành). Thôi thì cũng tạm cho qua vì vào ở cung Thượng Đế mong để được nhờ hồng phúc của trời. Đàng này vào được rồi hạ bệ luôn cả trời, bắt trời phải mang áo của bạch đế tức bắt trời coi có góc tây của trời. Ấy là chưa nói đến cái chữ hoàng bạch vương lúc xưa còn bị xấu lây vì nó giống chữ tội xưa. Sau này Tần Thuỷ Hoàng không chịu được bắt lập ra chữ tội mới là tứ phi (hán) thay cho chữ tội cũ (hán) giống chữ hoàng (Need I. 28). Trời mà còn bị xử tệ đến thế, huống chi Hoàng Việt thì sức mấy mà được viết với chữ hoàng cực, hoàng trung cung màu lúa chín với “ruộng công” theo lược đồ chữ tỉnh tức là giếng của Việt, thế là người xưa khi viết Hoàng Việt lại phải hạ chữ hoàng bạch vương. Vậy là Việt bị mất tổ mà không ai dám nghĩ tới, dù chỉ thoáng qua rằng Tam Hoàng là tị tổ của Hoàng Việt. Vì thế ngày nay muốn phanh phui vụ này thì cần phải dùng phương pháp thử máu của huyền sử và cơ cấu luận mới xong cho.

Trong một bài khác chúng tôi đã mổ xẻ văn hóa của Việt tộc và thấy rằng đó là loại máu T.R (Tiên Rồng). Chúng tôi đã phải chứng minh bằng cả khảo cổ lẫn một chuỗi những huyền thoại để chứng tỏ rằng loại máu T.R không phải một sự ngẫu nhiên hoặc chỉ là một câu chuyện văn chương phù phiếm mà chính là cái gì căn cốt nhất ví như khí huyết đã đem lại sự sống mãnh liệt cho văn hóa Việt. Bây giờ muốn biết Nữ Oa Phục Hy có phải là của Việt chăng thì chỉ cần thử máu: hễ cùng dòng máu T.R là đúng Việt. Trước hết về Phục Hy thì dễ thấy vì tên tự của Phục Hy là Thương Tinh nghĩa là rông xanh tức là máu họ R. không ai chối cãi được.

Nữ Oa thì có phần khúc mắc một chút nhưng tìm kỹ thì cũng thấy bà thuộc loại máu T. Ta biết tiên được biểu thị bằng chim, vậy mà Nữ Oa sinh ở Đồ Sơn cũng có tên là Vũ Sơn (chữ vũ (hán) là lông chim) trong châu Phượng Tường (phượng là chim phượng). Nhiều sách nói Đồ Sơn chính là Cối Kê kinh đô Việt Chiết Giang. Nhưng trong phạm vi huyền sử không cần xác định nơi cho bằng xem ẩn nghĩa, lúc ấy ta sẽ thấy Vũ Sơn, Phượng Tường cũng là một loại tên chung như Bạch Hạc ởo Phong Châu của Âu Cơ Nghi Mẫu. Như vậy thì Nữ Oa là bà nội cùng dòng máu họ tiên; rõ hơn nữa là khi bà tịch thìhóa ra chim Tinh Vệ tha đá lấp bể Đông, có sách nói à để hả giận vì bể làm bà chết đuối. Nói vậy là lầm theo Hiên Viên tìm cách triệt hạ uy tín của bà để nhẹ cái tội chiếm đoạt của mình chứ làm sao mà bà chết đuối được, bà thường xuyên xuống biển để gặp rồng xanh, nên đuôi đã hành cá hoặc rắn (rồng) sức mấy mà chết đuối, chỉ vì mối tình thâm hậu vô cùng với rồng xanh nên khi chết không nỡ để cho rồng xanh cô độc, nên hóa ra chim tha đá bỏ xuống biển để cho hai mối trời (đá) đất (biển) được giao thoa. Nói cụ thể là để bảo vệ con người đại ngã được biểu thị trong quẻ kiền của Kinh Dịch là long đức, thành ra chim Tinh Vệ nghĩa là chim (bảo) vệ tinh tức là Thanh Tinh (rồng xanh). Vậy chim Tinh Vệ tha đá lấp bể đông chỉ là một hình ảnh đầy thi vị để cụ thể hóa thập tự nhai được bồng trong tay Nữ Oa lúc sinh thời (lúc đang quấn đuôi bà đuôi ông). Với Phục Hy thì Nữ Oa là vợ mà đồng thời cũng là em. Đây lại là thêm một bằng chứng rằng Phục Hy Nữ Oa là người cổ Việt vì anh em lấy nhau là mô dạng huyền thoại của Đông Nam Á, mà dấu vết còn sót lại nơi các dân Mon Khmer, bên ta có tích nàng Tô Thị lấy anh đến khi anh bỏ đi thì Tô Thị ở nhà chờ mong biến thành đá. Bên Nhật anh em Izanagi va Izanami. Bên An Độ là cặp đôi Yama và Yami…

Vậy là giải quyết xong vụ thử máu Nữ Oa Phục Hy cả hai cùng một loại máu T.R. như Âu Cơ Lạc Long Quân, nên kết luận được Phục Hy Nữ Oa chính là tị tổ của Hoàng Việt. Chúng minh như vậy quả đã vững vàng. Tuy nhiên cần đẩy xa hơn để nghiên cứu về động ứng và tác hành xem “mang máu anh hùng con cháu có khỏi làm hư máu anh hùng” = có còn giữ được tính chất tinh tuyền của Tam Hoàng tị tổ chăng?

Xin nhắc lại Hoàng là giai đoạn an vi nguyên thủy nó ở tại đặt căn để trên con người tự lực tự cường, biết hiện thực hết các chiều kích của con người Đại Ngã Tâm Linh được biểu thị bằng những tác động lớn lao như vá trời, lấp biển. Vậy ở đây trong dòng dõi Việt ta cũng thấy những tác động xứng đáng họ Hoàng như các ông khổng lồ Việt, ông thì chống Trời, ông thì san Đất, cắn núi, húi sạch rừng… không thiếu gì những tác động mênh mông như Trời cùng Đất. Đó là những việc tạo ra cho con người một hình ảnh Đại Ngã Tâm Linh của mình, xứng đáng đứng ngang hàng với Trời cùng Đất để nói được

“Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh

Trời Đất Ta đây đủ hóa công”.

Nói được là con cháu không giống lông thì cũng giống cánh: không một cử động nào làm ta phải hổ ngươi. Đó quả là một nền nhân chủ trọn hảo. Vậy mà nền nhân chủ an nhiên tự tại nọ ta được thấy vẽ lại trong văn hóa Việt với họ Hồng Bàng với Lạc Long Quân lấy Âu Cơ tức họ máu hàng dọc của loại máu T.R đặt nền trong con người. Nhưng sau này khi văn hóa Tàu thành hình hẳn ở nhà Chu, thì nền tảng đặt sang Thiên mệnh và Thiên chí. Vậy là mở đầu nguy cơ có thể đặt nền ra ngoài con người rồi đó. Nhưng rồi những người ý thức đã phản pháp lại trong câu nói “thiên mệnh chi vị tính” với ý nghĩa rằng thiên mệnh đây không nên hiểu lên trời hay dưới đất, mà thiên mệnh là chính tính con người. Do lý do đó mà tôi đã ghép chữ Nho vào Việt thành ra “Việt Nho”, vì trong những điểm nền tảng thì Nho nguyên thủy đã duy trì được Việt đạo như thí dụ câu nói mở đầu sách Trung Dung vừa trưng ở trên rằng “Thiên mệnh chi vị tính”.

Theo Chu Nho thì thiên mệnh ở trên trời và đã ban cho vua để mang lại đức chính thống. Việt Nho cãi lại rằng: thiên mệnh không ở trên trời nhưng nằm ngay trong con người, nơi sâu thẳm nhất, cốt cách nhất đó là tính con người. Còn biết bao câu nói khác không thể kể hết ở đây (xem Sứ Điệp chương bàn về Nho công thức hóa nội dung Việt). Xem xét Nho nguyên thuỷ rồi sẽ thấy rõ toàn bộ cuộc cách mạng của Nho ở tại phục hoạt tinh hoa của Hoàng Việt, một đạo lý đem lại cho con người tính cách an nhiên tự tại vì đã khám phá ra nguồn suối muôn sự lành ngay nơi lòng mình, gọi bóng là Việt Tỉnh, khỏi cần đi chinh phục ở ngoài. Tất cả những điều này được bàn dài trong quyển Kinh Hùng cho nên có thể nói là đã được minh chứng tạm đủ để phần thượng tầng cơ cấu gồm Phục Hy Nữ Oa, bây giờ xin bàn đến hạ tầng cơ sở đại diện bằng Thần Nông.

THẦN NÔNG

Huyền sử nước ta được nối với Tam Hoàng bằng truyện cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh tuần thú phương nam gặp Vụ Tiên trên núi Ngũ Lĩnh v.v… Nhiều người nay kỵ Tàu đến cực độ nên cho đó là cái lầm truyền kiếp do các cụ xưa có ý móc sử nước nhà vào với Tàu cho nước mình được oai lây. Nhưng xem lại thì đó là oan cho các cụ và chính sự đổ oan đó mới là cái lầm truyền kiếp, cái lầm vong bản. Ai đã nghiên cứu về cổ sử Tàu cũng sẽ nhận ra rằng văn hóa Tàu mới có từ đời Chu (thế kỷ 12 tr.cn) nhưng rồi vì tự ái dân tộc quá khích, nên đã tạo ra nhân vật Hoàng đế để cướp ghế điền tổ của Thần Nông để dân cho ông Khí, được nâng lên bậc Thần, gọi là Hậu Tắc (the Lord of Millet). Thế là từ đấy Hậu Tắc ăn hớt cả tên tuổi lẫn tế tự của Thần Nông vì từ nhà Chu, Tàu chỉ tế có Hậu Tắc mà không tế Thần Nông nữa. Xã tắc chiếm chỗ của Thổ thần ở nông thôn: Thần nông chịu lẩn quất trong hai cặp chữ thổ thần và nông thôn đó.

Vậy Tắc là chi? Thưa là một thứ lúa(panicum) nên cũng là nông nghiệp, nhưng thuộc loại ruộng khô (lại thiếu nước như Hoàng Đế), chỉ phát triển nhiều ở vùng Tây Bắc nước Tàu (Cam Túc và Thiểm Tây) nơi có đất vàng (loess), còn phần rất lớn nước Tàu (đến 80, 90%) là ruộng nước với lúa mễ, chữ nho kêu là đạo. Khi kể về ngũ cốc thì bao giờ cũng nói đạo đầu trước hết (Đạo, thử, tắc, mạch, thục). Thử cùng một loại với tắc (panicum) cũng như thục là một lại của mạch. Thứ tự đó bao hàm ý rằng Thần nông mới là chính còn Hậu tắc vừa nhỏ bé vừ đến sau mới xía vào mà lại còn đòi độc chiếm ý như Hoàng Đế đã xía vào chiếm ghế Nữ Oa vậy.

Chỉ phân tích sơo sơ thế đủ thấy rằng Tam Hoàng là của Hoàng Việt, hoặc nói cho thanh nhã là tổ chung của cả Việt lẫn Tàu cổ sơ, thế nhưng vì óc đế (quốc) chiếm đoạt che lấp nên các đời sau không thấy được nữa cái vai trò sáng lập của Thần nông. Trong văn hóa lưu truyền có câu “Thần nông nhân miêu nhi giáo”, Thần nông thiết lập giáo hóa trên nền tảng cây mạ, tức trên nền tảng ruộng nước, vì thế mà xưa ki bộ canh nông gọi là Tư Đồ cũng là bộ giáo dục luôn. Nói vậy nghĩa là văn hóa Tàu phần gọi là nho hoàn toàn phát xuất từ nông nghiệp ruộng nước trải ra trên 80, 90% nước Tàu, nhất là miền Đông Nam kể cả hai lễ trọng đại nhất là Phong Thiện biểu thị cho nét song trùng sơ thuỷ (tế trời đất) nói là có tự đời Vô Hoài tức là lâu đời không còn nhớ tên vị sáng lập được nữa, nhưng cũng phát xuất tự miền núi Thái Sơn với ruộng nước.

Vậy thì nền văn hóa phát xuất tự nước đó là của ai nếu không là của Việt tộc, nhất là Lạc Việt, nên nhớ Lạc thư đã ghi sẵn tên Lạc (Việt) vào trong rồi, xưa nữa thì có tên là Cửu Lạc. Và nên nhớ trong cái nõn chữ Việt xưa chính là chữ mễ mà mễ là kết tinh của lúc ruộng nước. Sau này chữ Việt với bộ tẩu với nghĩa là siêu việt thì không có gì nghịch lý hết. Vì văn hóa nông nghiệp đã có sức siêu lên tận bậc tâm linh, y như Nữ Oa có thể bay lên trời mà còn vá trời nữa, siêu việt đến thế là cùng.

Thiết tưởng bàn như vậy đã tạm chỉ cho thấy nội dung chữ Hoàng là chi, và biết đại khái nó thuộc về Việt tộc như thế nào. Tuy nhiên vì nói kiểu cơ cấu với huyền thoại Nữ Oa Phục Hy sợ rằng nhiều ngừơi sẽ hỏi tại sao đang lúc nước mất nhà tan cần phải lo cứu gấp đồng bào, nghĩ đến việc phục quốc mà lại phí giờ đi tranh luận xem Nữ Oa là người Tàu hay Việt. Xin thưa rằng trên đây không phải là vấn đề chỉ có tầm mức hàn lâm sách vở dành cho những lúc trà dư tửu hậu mà chính là vấn đề có liên hệ đến vận mệnh quốc gia dân tộc, bởi vì nếu không giải quyết xong vấn đề nọ (Nữ Oa là Việt hay Tàu) thì khó thể kiến tạo được nền chủ đạo hữu hiệu. Bởi Nữ Oa đây là nguyên lý mẹ mà thiếu nó thì triết lý đốc ra duy dương rồi sẽ duy vật mà hiện chúng ta đang là nạn nhân. Chính vì vậy mà mất nước, và mai đây nói đến phục quốc mà thiếu một chủ đạo thì rồi lại chỉ lẩn quẩn ở tầm mức chính trị vọng ngoại thiếu căn bản thâm sâu của dân tộc thì cuộc phục quốc chưa trọn vẹn.

Vì thế muốn có chủ đạo thì phải thiết lập được một nền quốc học. Bỏ qua Việt nho mà đòi lập nổi quốc học thì chỉ là điều mơ mộng. Trong dịp tôi cho xuất bản quyển Vấn Đề Quốc Học có một bài báo ở một đại học nọ đặt câu hỏi tại sao thời buổi quốc tế này mà còn nói tới nho vốn là cái chi cũ rích, sao không nghiên cứu các nền triết lý trên thế giới để kiến tạo cho mình một nền quốc học tân tiến v.v…

Tôi không buồn trả lời vì thực tế đã trả lời rồi đó cho những ai biết quan sát: Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã thiết lập xong quốc học có tính cách quốc tế hẳn hoi rồi đó, quốc tế quá xá đến độ càn quét cái học của tiền nhân của dân tộc: nên cũng đi vào lối Hiên Viên đẩy Nữ Oa ra ngoài để trở thành đực rựa duy dương tức tẩy sạch mọi tình người. Hậu quả đã trở nên quá khủng khiếp: cả một vùng Đông Nam Á đã bao đời an bình dưới bóng Nữ Oa nghi mẫu thì nay đang rên xiết với cái học vong bổn duy dương đực rựa.

Ngoài ra còn biết bao người khác nghiên cứu triết học quốc tế đều đã tận tình tận lực nhưng cuối cùng cũng chỉ đưa ra được vài quyển sách trừu tượng xa môi sinh tinh thần đất nước tức là vô tình đã giúp vào việc bỏ bên dân nước để đi lo nghĩa vụ quốc tế. Đó là những chứng nhân đang nói lên cách hùng hồn rằng chỉ còn có con đường hy vọng cho quê nước là trở lại với văn hóa dân tộc mới tìm ra chỉ đạo cân đối: muốn cho cuộc trở về thấu đến gốc ngọn cùng tột thì không thể không nói tới Tam Hoàng với Hoàng Việt. Vì thế mà vấn đề nọ mới coi tưởng là cổ mà hóa kim, tưởng là quái đản mà hoá thiết thực, cái thực nóng bỏng của quê hương đang quằn quại trong muôn trùng thống khổ rất cần được giải phóng khỏi cái chủ đạo thiếu tình người biểu thị bằng Nữ Oa Âu Cơ nên đã làm sụp mất trời che đất chở. Vì thế cần phải mời nghi mẫu mau mau trở lại nấu đá ngũ hành để trát lại trời nghiêng, kê lại đất lệch cho con cháu được nhờ.



Chương 8

BÀN VỀ CỔ SỬ TÀU

Tiền sử nước ta diễn ra mãi tận bên Tàu, lẫn lộn cả với nguồn gốc nước Tàu, nay muốn nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Việt không thể không nhìn qua cổ sử Tàu, nhưng cũng không thể nào chấp nhận y nguyên các pho cổ sử do người Tàu chép chẳng hạn bổ Sử Ký Tư Mã Thiên, hay bộ Tiền Hán Thư của Ban Cô, mà phải xét lại toàn bộ dưới ánh sáng khoa khảo cổ, cũng như các khoa tân nhân văn: dân tộc học, xã hội học, cổ thuật học… để từ đó kiến tạo lại một cổ sử Tàu theo lối sinh thành (génétique) khác hẳn lối tĩnh chỉ từ trước tới nay ở tại lấy cái khung đời Tần Hán chiếu ngược lên thời khai sinh, trái lại cần phải điều chỉnh toàn triệt, có vậy mới thấy rõ hơn nguồn gốc văn hóa nước nhà. Nhưng đó là một việc dài hơi không ai đủ khả năng làm một mình, mà cần sự cộng tác của nhiều nhà chuyên môn mới có thể đi vào chi tiết và chính xác được. Bài sau đây chỉ có ý đưa ra cái nhìn tổng quát về một số điểm để gợi ý.

1. Tên nước Tàu.

Trước hết là tên Tàu. Tôi chưa gặp được bài nào nghiên cứu về nguồn gốc danh hiệu này, vì người Tàu hình như không bao giờ rớ tới tên Tàu, với họ phải là Trung Hoa, Trung Quốc, hoặc là người Hán, Đường… kia.

Tìm trong cổ sử chỉ thấy có hai chữ coi được nhu gốc tích, một là chữ Đào Đường có nghĩa là nung đồ gốm và là tên đất phong của vua Nghiêu mà theo kinh Thư thì Nghiêu là thuỷ tổ. Như vậy chữ Tàu do Đào Đường chăng? Người Tàu đọc đào là Tào, rồi ta biến ra Tàu? Vì có một chữ tào chỉ nơi nuôi súc vật như ngựa mà ta đọc là tàu ngựa: “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”. Bách Việt cũng có tên Bách Bộc, là đất ở nam kinh Châu, có thể vì sự lân cận đó mà người Việt gọi lân bang là người Tàu hay nước Tàu. Y như sau này vì lân cận với nước Ngô mà ta gọi Tàu là Ngô, chứ Tàu không bao giờ gọi mình là Ngô cả.

Gánh vàng đi đổ sông Ngô.

Trong ca dao đôi lần nhắc đến chữ Tào:

“Sa cơ mới phải luỵ Tào

Những so tài sức thì tao kém gì.”

Câu trên có thể thoát ra do khẩu khí những vị như Hưng Đạo hay Quang Trung đánh cho Tàu chạy có cờ, mà rồi vẫn phải sai sứ đi cống. Bề ngoài cống nhưng trong bụng thì nói “những so tài sức thì tao kém gì”. Chữ Tào làm liên tưởng tới chữ Tào Khê trong ca dao:

Đêm đêm tưởng dạng ngân hà:

Bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn.

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn;

Tào Khê nước chảy lòng còn trơ trơ.

Câu này đọc lên nghe lòng hiu hắt như đang ở mạn Bắc lòng đầy những mối tiếc thương một cái gì, một mảnh quê hương đã mất, những mong lấy lại được liền, mà nay đã ba năm tức lâu rồi mà vẫn chưa. Tuy vậy không sao quên được. Tào này có lẽ ở mạn Tây Nam Sơn Đông (C.A. 81) và là tên xa xưa. Còn một Tào Khê nữa ở huyện khúc Giang tỉnh Quảng Đông có chùa Bảo Lâm nơi tổ Huệ Năng hoằng pháp, có thể là tên di cư của Tào Khê gốc cũ chăng?

Đó là đại để vài tên liên hệ với chữ Tàu, người Hy Lạp viết về Tàu thì ghi là Tauga nhưng có người bảo không do Tàu mà do Tabghaj- cách phiên âm Ả Rập của chữ Thát Bạt (Need I. 169). Khi nghiên cứu về cổ sử tôi ưa dùng tên Tàu vì ngoài vụ tên đó có hơi hướng với du mục do hai chữ tàu là tàu ngựa và đào là lò nung gốm, nó còn liên hệ với sự bé nhỏ của nước Tàu mới nhú mọc. Sự bé nhỏ này cần để trước mặt, nếu không sẽ bị cái hình ảnh khổng lồ đời Tần Hán làm hoảng sợ rồi cái gì rõ là của nhà cũng không dám nhận.  Nước vua Nghiêu chỉ mới quãng một làng một tổng của ta, cùng lắm là một huyện. Vì sau này mãi đến đầu đời Thương mà nước cũng mới bằng một phủ rộng độ một hai trăm dặm (Civ I. 85). Sau này mới chinh phục mở rộng ra dần.

Nhân tiện xin nói luôn tới chữ Chine, China mà Âu Mỹ dùng để chỉ Tàu. Chữ này còn gần với chữ Tàu hơn vì nó nói lên nước Tần. Tần cũng mới là một bá trong ngũ bá. Thứ đến cũng nói lên óc du mục đế quốc. Nói vậy không có ý bỏ hai chữ Trung Quốc hay Trung Hoa, vẫn phải giữ lại cho bộ ngoại giao cùng lắm thì khi viết về sử Tàu từ Tần Hán trở đi. Còn nói về cổ sử thì tên Tàu vẫn nên dùng vì nó có phần đúng nhất với thực trạng: nó nói lên sự bé nhỏ và lân cận với nước Việt cổ đại vươn mình mãi tận Bắc Kinh.

2. Niên hiệu.

Niên hiệu đích xác nước Tàu mới có từ năm 721, năm khai mở sách Xuân Thu, sau đó người ta tính ngược lên tới Nghiêu Thuấn, rồi sau tới cả Hoàng Đế nữa, cuối cùng lại ngược lên nữa tới cả Thần Nông năm –2737 (lưu truyền cho là năm –3320) Phục Hy –2852 (lưu truyền –4480). Sự tính ngược này có nhiều điều vô lý.

Trước hết là sách Trúc Thư Kỷ Niên (viết vào thế kỷ thứ ba trước rồi lạc mất sau tìm ra được trong một cổ mộ) đưa ra niên hiệu khác với kinh Thư sụt đi suýt soát hai trăm năm. Thứ đến là các niên hiệu gán cho Phục Hy, Thần Nông quá muộn, khảo cổ tìm ra dấu vết văn hóa lối 4, 5 ngàn năm tr.cn ở cả hai di chỉ Long Sơn và Ngưỡng Thiều đều đã lâu 5 ngàn năm là ít, nay lại mới tìm ra đợt trước cả Ngưỡng Thiều và Long Sơn hơn 3, 4 ngàn năm như văn hóa Đại Bôn Khanh có liên hệ với Hòa Bình toả ra ở Quảng Tây lên đến Đài Loan (xem The Archeology of Ancient China by Kwang Chih Chang 3 Rd, edition Yale Univ. Press 1978 p.512).

Thứ ba là gảy bỏ mất một lưu truyền dài hàng nhiều ngàn năm thuộc thời mà một hai học giả gọi là Sinic, còn tôi gọi là Viêm Việt. Chữ Bách Việt cũng còn là muộn vì ban đầu chỉ có những tên Tam Miêu, Cửu Lê, Cửu Di, Tứ Di, Nhung, Địch, Man, Di. Thế nhưng tất cả lại có những nét văn hóa giống nhau như tả nhậm (tứ di tả nhậm) xâm minh, đeo lông chim khi múa… và tất cả thuộc nông nghiệp lúa mễ (lúa tắc (1) chỉ là thiểu số). Vậy mấy nét ấy nằm rõ trong tên Việt cổ (hán) viết với bộ mễ (hán). Nền nông nghiệp này cũng như thói tả nhậm và mặc lông chim được ghi trong trống đồng mà sử sách Trung Quốc đều công nhận chủ nhân là Lạc Việt, cũng như nơi phát xuất chính của trống đồng được phát hiện ở nước Việt.

Chú thích: Lúa mễ ruộng ướt miền Nam. Miền Bắc ruộng khô, lúa Tắc tên chung chỉ lúa mì, miến v.v… của Tàu mạn Bắc.

Vì thế tôi gọi lưu truyền xa xưa đó là của Việt tộc và đề nghị phải dùng niên hiệu lưu truyền cho Phục Hy, Thần Nông chứ không để các nhà khoa học hạ thấp xuống rồi móc nối vào cổ sử Tàu, nó chẳng khoa học chút nào cả: nhận nó chỉ là giúp vào việc chôn táng nguồn gốc văn hóa Việt tộc mà thôi.

Nói cơ sở thế để thấy rằng đem huyền số cơ cấu để lịch sử hóa thì chỉ là bày bịa vô nền. Đây cũng là lý do tại sao các nhà nghiên cứu người Tàu ngày nay không còn dám nói đến “ngũ thiên niên sử”. Trong cuộc cách mạng văn hóa do Trần Độc Tú và Hồ Thích khởi xướng vào quãng 1920 thì có nhóm trí thức rút sử của họ xuống 4 ngàn năm. Cố Hiệt Cương cho rằng nếu gạn lọc cả những điều đáng nghi trong các sách gọi là sử chính thức (không phải nguỵ thư) thì có lẽ chỉ còn 2 ngàn năm.

Đó có thể là lập trường quá đáng y như ngũ thiên niên sử. Chính sử Tàu chỉ có từ năm 721 tr.cn. Còn văn hóa Tàu được thai nghén từ đời Thương tức từ thế kỷ 17 tr.cn trên nữa không có chứng tích gì bảo đảm, chỉ còn một mớ truyền thuyết như Bàn Cổ, Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông thì hầu chắc là lấy của Việt tộc như đã bàn trên và sẽ bàn thêm ở chương X và XI.

Ngược với Việt Nam nói 4 ngà năm văn hiến còn là ít, vì căn cứ vào họ Hồng Bàng với lối múa đeo lông chim làm cứ để tìm ngược lên thì thấy xa lắm, nói được là cho tới Phục Hy Nữ Oa đều có chứng từ khảo cổ (sẽ bàn dịp khác). Không hiểu câu 4 ngàn năm văn hiến xuất hiện lúc nào, chứ nếu xuất hiện vào đời Trưng Triệu cũng không sợ bị cải chính, và nếu thế thì nay phải nói 6 ngàn năm văn hiến. Sáu hay hơn nữa cũng chẳng sao miễn tìm ra ấn tích để chứng minh cho nội dung ấy, mà nét đó đã tìm được tự văn hóa Bắc Sơn lối 5000 tr.cn.

3. Người Tàu là ai

Chưa thể biết là ai, nhưng điều quan trọng cần phải thải bỏ là cái quan niệm thông thường cho người Tàu là một chủng tộc riêng biệt, rõ rệt khác với tứ di chung quanh.  Đó là điều ngày nay không một nhà nghiên cứu đứng đắn nào dám nhận nữa, mà chỉ coi Tàu là tập hợp bởi rất nhiều sắc dân với những tên dị biệt như Tam Miêu, Cửu Lê, Di, Địch, Man, Nhung, Việt… rồi sau thêm Mông, Mãn, Tạng, Kim, Hồ… nhưng nói chung thì là Cổ Việt, hoặc nói theo các nhà nghiên cứu thì Cổ Tàu là Sinic. Trong quyển Chine Antique (17) ông Henri Maspéro cho Tàu chỉ là những người Cổ Việt ở mạn Bắc và nay nằm trong danh xưng Hán, khi nhà Hán mới lên còn tế tổ của Việt là Si Vưu, và cũng có lúc xưng mình là Hán Man là Viêm Hán như kiểu Viêm Việt. Tuy nhiên vào quãng nhà Hán thì Viêm Việt đã bị đồng hóa quá nhiều không còn ai nhận ra được nữa. Muốn nhận diện phần nào phải vượt lên quãng nhà Chu và Thương. Khi Võ Vương nhà Chu giao chiến với vua Trụ thì Kinh Thư nói quân nhà Thương gồm toàn Di (Thụ (tên vua Trụ) hữu ức Di nhân. Thái thệ, câu 16). Còn bên Chu cũng thế với quân mang các tên Dung, Thục, Khương, Mâu, Vi, Lữ, Bành, Bộc (Mục thệ, câu 3). Đó toàn là Việt mang những tên khác nhau vì thuộc chi khác. Đừng tưởng đó toàn là quân lính còn cấp cấp chỉ huy là người Tàu. Đó là ý nghĩ sau này, chứ càng về trước càng không thấy có kỳ thị. Khi ông Thái Bá (bố Văn Vương) đi xuống miền sau này sẽ là nước Ngô thì ông không ngần ngại cắt tóc, xâm mình, đóng khố. Không hề có kỳ thị, mãi tới sau này mà các vua tuyển cung phi hoàng hậu cũng chỉ lấy sắc đẹp làm tiêu chuẩn, chứ không hề kể đến sắc dân. Tấn Văn Công lấy một phát 4 vợ toàn người Nhung (tức là Di). Còn thế lực các bà thì khỏi nói, đưa người nhà vào các chức quan trọng. Bố Tần Thuỷ Hoàng xưng là Tử Sở vì mẹ nuôi là người nước Sở.

Nhiều nhà nghiên cứu nay đi đến kết luận rằng cho đến nhà Thương thì Tàu còn là Việt. Nhà Thương mới vừa ra khỏi trình độ bộ lạc và mới lập thành nước Tàu về chính trị và văn minh như quân đội, chữ viết, thành thị, nhà nước. Còn về văn hóa chưa đóng góp chi đặc biệt. Tất cả lập lại của Việt tộc. Còn thực đóng góp về văn hóa thì phải kể từ nhà Chu, một nhà phát xuất từ miền Thiểm Tây mang ít nhiều máu Turc, đã chinh phục miền Cổ Việt mà sử gọi là nhà Thương. Vậy nên việc chinh phục này rất quan trọng, nó cũng xảy ra một trật với vụ Aryen vào chinh phục Ấn Độ và cả hai đã biến cải văn hóa bản thổ cho ra khác trước (nước Cao Ly cũng được thành lập trong giai đoạn này). Cho nên ông Trương Quang Trực viết trong quyển The Archeology of Ancient China rằng nhà Chu thắng nhà Thương kể như Tây Hạ thắng Đông Di vậy (p.383, 3 edition, New Haven 1978). Vậy văn hóa gọi là Tàu chỉ hiện lên rõ nét từ nhà Chu: vì chất du mục được đưa vào Nho làm cho Việt Đạo đốc ra Hán nho sau này. Hán nho tuy manh nha ở nhà Thương nhưng phát triển mạnh từ nhà Chu: gồm mấy nét đặc trưng như thiên về quân đội, đề cao vua, đưa ra quan niệm thiên mệnh để thần thánh hóa dòng họ… Như vậy là đã đưa đặt quyền bính lên trời rồi. Với Việt tộc xưa thì quyền bính thuộc về người có đức, có tài cán, có uy tín. Nay nhà Chu đưa thiên mệnh ra thay thế tức bỏ uy tín cá nhân để đặt nền sang uy quyền dòng tộc, thiên mệnh. Đó là tìm nền tảng bên ngoài con người và do sự liện hệ nằm ngầm sẽ cai trị theo lối du mục là dùng luật pháp nhất là luật hình vì nó tiêu biểu lối du mục hơn hết.

Luật hình

Ở đây xin nói tới Chu Mục Công như được ghi lại trong quyển “Mục Thiên Tử truyện”. Các nhà khoa học ngày nay đều cho đó là một quyển tiểu thuyết không có giá trị lịch sử, nhưng vớ triết thì nó lại có giá trị văn hóa. Yếu tố nổi nhất trong truyện là vụ Mục Công đến chầu Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu tuy có tiếng là con trời nhưng mang trong mình đầy yếu tố du mục như có răng hùm, đuôi báo, coi về các bệnh dịch hạch, vậy mà Mục Công xướng họa thơ với bà (bà hay ông?) thì hẳn rằng những bài thơ đó phải mang âm hưởng du mục chuyên chế. Ta đoán được thế vì kinh Thư có ghi lại trong thiên “Lữ Hình” nói về hình luật do Mục Công thực hiện. Mở đầu thiên bằng những lời lên án nặng nề Si Vưu vì đã dùng ngũ hình một cách tàn bạo. Tưởng là nói vậy rồi bãi bỏ hay ít ra rút nhẹ, ai dè Mục Vương đã đưa ra vô số tội phải chịu cực hình lên tới ba ngàn nố. Trong đó có

500 trường hợp bị chặt chân

300 trường hợp bị hoạn

200 trường hợp bị giết

1000 trường hợp bị cắt mũi hoặc thích chữ vào mặt.

Chính vì sự tàn khốc như vậy nên ngày nay nhiều học giả đặt vấn đề tại sao một thiên sách sặc mùi du mục tàn bạo đến thế lại được Khổng Tử đưa vào Kinh Thư. Có người hồ nghi cho là không phải Khổng Tử đưa vào mà do lúc Tần đốt sách rồi lúc Hán lập lại thì cho vào. Dù sao thì gốc tích thiên ấy là do nhà Chu không ai chối cãi (về rất nhiều điểm nữa đã bàn nơi khác xin miễn lập lại). Như vậy phải lấy nhà Chu làm khởi điểm cho văn hóa Tàu, nhà Thương là thời chuyển tiếp như biến thôn làng hòa bình thành ra thị xã hiếu chiến… Còn trước nữa chỉ là Việt, tuy đã có những làn sóng du mục tràn vào đước dán nhãn hiệu là Hoàng Đế, là Nghiêu, là Vũ thì đấy là những liều lượng du mục nhỏ nên tất cả bị Việt tộc cải hóa, chưa đủ sức làm ra một dân tộc mới. Điều đó chỉ xảy đến đời Thương Chu, và chỉ có tự Chu mới thực sự có Tàu xét như một dân tộc đối với Việt.

Tại sao Việt lại bị chinh phục.

Thưa có nhiều lý do trước hết là do du mục xâm chiếm, nắm được quyền hành nên đoạt thâu dễ dàng, đó là sự thường đến nỗi luật chung làm như hai nhịp thay đổi làm nên lịch sử nhân loại, một bình một loạn. Thời bình học thuật phát triển, thời loạn chiến tranh phát triển (Civ. 117). Ông Will Durant đã viết “nổi về quân sự là mạn Bắc: Aryens đổ xuống Dravidiens, người Acheans và Dorians xuống chinh phục Cretans và Egeans, người Germans đổ xuống Romans, người Lombards xuống Italians, người Anh đổ xuống thế giới. Mãi mãi thế, phương Bắc sản xuất người thiện chiến và cai trị; phương Nam sản xuất nghệ sĩ và thánh nhân, và kẻ hiền lành ăn tự trời” (Civ I. 397). Luật chung đó cũng xảy ra ở đất Tàu, người Tàu là Bắc, người Việt là Nam.

Đã vậy người Tàu có được một công cụ hết sức hiệu nghiệm đó là chữ Nho, một chữ tượng ý không những đẹp nhất và thành công nhất hoàn cầu, vì mỗi chữ đọc khác nhau tuỳ mỗi nơi, nhưng trông vào lại hiểu nhau liền. Vì vậy chữ nho trở thành yếu tố thống nhất kinh khủng không một nền văn hóa nào bì kịp. Các nhà nghiên cứu về Tàu đều phải công nhận rằng nước Tàu mà còn đến ngày nay và to lớn thống nhất như vậy là nhờ có chữ nho. Đấy là nói về mặt ngoài “tượng ý”. Còn ý đó là chi thì lại là nền nhân bản của Hoàng Việt đã được thành lập cách huy hoàng và trung thực đến độ đáng xưng là nhân chủ. Vậy mà chữ nho đã hội nhập được nền nhân chủ nọ nên mang trong mình một uy tín bất dịch giúp cho Tàu vừa được thống nhất, vừa được tiếng là chủ nhân ông của chữ nho. Đang khi đó Việt tộc bị tước đoạt, mất chữ nho không còn cách nào ghi chép thành ra một mình Tàu ghi chép sự kiện xa xưa thì tất nhiên bao sự kiện đều trở nên của Tàu hết trọi.

Đó là kể sơ qua vài ba sự kiện bó buộc chúng ta phải làm lại cổ sử của Tàu, vì nó là việc cần thiết trong việc tìm hiểu về nguồn gốc và sự chính truyền của nền văn hóa Việt tộc. Bài này cũng là để trả lời một vài ông tiến sĩ non nớt mới du học về nước dịp tôi cho ra quyển Việt Lý Tố Nguyên đảo ngược các điều tin tưởng trước, mấy vị đó phàn nàn tại sao tôi lại làm hư thiếu niên, nói những điều trái với sách vở xưa nay như vậy?



Chương 9

 VỤ HIẾP DÂM LỊCH SỬ LỚN NHẤT CHƯA ĐƯỢC TUYÊN ÁN

Bàn về văn minh Hy Lạp ông W. Durant có mở đầu một câu “khó có thể thiết lập một nền văn minh mà không cướp phá, cũng như khó có thể duy trì văn minh mà không phải dùng đến nô lệ” (Civ II.10). Đó là câu đáng ghi nhớ vì nó thực cho hết mọi nền văn minh. Chữ văn minh ở đây xin được hiểu theo nghĩa chuyên biệt ngược lại văn hóa. Văn hóa đi với nông nghiệp vốn tính hiền dịu và tổ hợp theo lối thôn làng được cai trị bằng tục lệ. Văn minh trái lại đi với thành thị, quân đội, nhà nước, pháp luật. Phân biệt này tỏ ra rất thuận tiện trong việc tìm về nguồn gốc, nhất là trong khảo cổ, nên được dùng nhiều trong bộ triết lý An Vi này.

Hôm nay xin nói về một vụ cướp đoạt lớn nhất mà văn minh Tàu đã phạm đối với văn hóa Việt: đó là vụ Nữ Oa Thái Mẫu bị Hoàng Đế hiếp. Sự vụ rất phiền toái cần được một lần phanh phui để thấy rõ cổ sử Tàu ra sao, Việt bị ăn hiếp như thế nào.

Ta đã biết ba cột cái của Việt là số 2, 3, 5 nho công thức thành âm dương, tam tài, ngũ hành. Đó là những ý niệm bao la trừu tượng đã được cụ thể hóa bằng đặt cho những tên huyền sử: Tam tài trở nên Tam Hoàng là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông đại diện cho trời, đất, người. Người chỉ bằng Nữ Oa trong tay cầm cái quy + cũng gọi là thập tự nhai thành bởi hai nét ngang dọc, nét ngang chỉ đất, nét dọc chỉ trời, hai nét hợp lại chỉ Người được định nghĩa là Thiên Địa chi đức. Còn ngũ hành được cụ thể hóa bằng Ngũ Đế là Thái Hạo, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Trong bảng ngũ hành, hành Thổ quý nhất do địa vị trung ương, được xếp đặt như sau:

             Thủy

 Kim      Thổ      Mộc

             Hỏa

Đó là lối xếp cơ cấu với ý nghĩa siêu hình dành cho Thổ địa vị siêu lên khỏi bốn hành chung quanh để chỉ Con Người Đại Ngã làm chủ vũ trụ. Đó là lý tưởng, còn trong thực trạng ngũ hành cũng như âm dương đã bị lạm dụng theo nghĩa ma thuật dị đoan.

Ngũ hành cũng được dùng vào lịch sử để làm dáng cho triều đại, bắt họ với những tổ huy hoàng. Theo đó quý nhất là Tam Hòang, thứ nhì là hành Thổ, thứ ba mới tới 4 hành xung quanh. Con người ai chả sính làm đẹp cho dòng tộc, người Tàu cũng theo luật đó, nhưng đã nổi bật trong vụ này vì có thuyết Tam Hoàng và Ngũ Đế trợ lực: gia phả quý nhất là móc nối được với Tam Hoàng, nếu không được thế cũng phải cố níu lấy một Đế nào đó mới chắc có Thiên mệnh trước mặt dân chúng vì các Đế kế tiếp theo thứ tự tiên thiên ngũ hành, nên móc nối dòng tộc vào được ngũ đế là chứng minh được thiên mệnh cho dòng tộc. Triều đại nào lên ngôi đúng vào hành Thổ thì sang vô cùng. Vậy ta hãy xem các triều đại xếp đặt theo thứ tự các hành, các hành theo thứ tự các mùa như sau:

Mộc chỉ mùa                Xuân                màu xanh

Hỏa chỉ mùa                 Hạ                    màu đỏ

Thổ chỉ mùa                  Tứ Quý            màu vàng

Kim chỉ mùa                 Thu                  màu trắng

Thủy chỉ mùa                Đông                màu đen

Đó là thứ tự vòng sinh: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ. Ngũ Đế đầu tiên xếp theo vòng sinh này mở đầu bằng Thiếu Hạo cũng gọi là Kim Thiên. Ngược lại thứ tự khắc: Thủy khắc hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ.  Cuối đời Chu đã bắt đầu lập lệ đặt gia phả triều đại, nhà nào cũng cố móc nối với một ông lớn như Nghiêu Thuấn, Chuyên Húc, Hoàng Đế. Tư Mã Thiên có lẽ vì nể Đạo Lão đã dùng vòng kháng khắc đặt Hoàng Đế lên đầu ở hành Thổ, ông Granet gọi đó là tội gian lận bắt được quả tang đổi huyền thoại ra sử ký. Theo bảng này nhà Chu ở vào hành Hỏa, dùng màu đỏ (màu Chu). Nhà Hán kế tiếp Chu phải là hành Thủy (thủy khắc hỏa) nhưng hành Thủy tầm thường không xứng với nhà Hán đã mở mang bờ cõi rộng lớn chưa từng có trong lịch sử Tàu, vậy phải xoay trở thế nào cho được hành Thổ. Khó chi đâu chỉ việc đẩy Tần Thủy Hoàng ra, chữ Thủy vừa có nghĩa là thứ nhất mà cũng có nghĩa là nước: Tần Hòang thờ Hà Bá. Vậy khắc Thủy phải là Thổ. Thế là nhà Hán diệt Tần nhận hành Thổ, đúng điềm triệu xuất hiện khi lên ngôi trong đó có sâu đất (Thổ) vô kể!

Tuy sự tráo trở đó gọi được là xuôi, vì thứ tự Ngũ Đế trước chưa phổ biến lắm, nhưng cũng không qua mắt được một số Nho gia trong đó có Lưu Hàm và con là Lưu HƯởng đã lập lại bảng sinh với hai điều đổi mới, một là đẩy xa hơn: các người trước như Trâu Diễn hoặc Tư Mã Thiên chỉ đi đến Hoàng Đế là tận cùng. Trái lại cha con Lưu Hâm gồm cả Thần Nông và Phục Hy vào nữa. Hai là thêm vào một ít triều đại tùy bằng “hành thủy đệm” để cho dễ xếp chỗ ngon cho thần tượng của ông như sau:

HÀNH                         NHÀ CAI TRỊ

Mộc                             Phục Hy

(Thủy đệm)                   Cung Công

Hỏa                              Thần Nông

Thổ                              Hoàng Đế

Kim                              Thiếu Hạo (Kim Tân)

Thủy                             Chuyên Húc

Mộc                             Đế Cốc

(Thủy đệm)                   Đế Chí

Hỏa                              Đế Nghiêu

Thổ                              Đế Thuấn

Kim                              Hạ Vũ

Thủy                             Thương

Mộc                             Chu

(Thủy đệm)                   Tần

Hỏa                              Hán

Thổ                              Vương Mãng

Theo bảng trên Hán bị mất ghế Thổ phải ra ngồi ghế Hỏa, làm sao được Hán triều hoan nghênh, Lưu Hâm súyt bị thiệt mạng là thế. Nhưng khi Vương Mãng lên nắm chính quyền liền tuyên dương bảng trên vì mình được vào trung cung hành Thổ (Hỏa Hán sinh Thổ Vương Mãn), thế là sang hơn nhà Hán: không thèm móc nối Đế Nghiêu như Hán nữa mà với Hoàng Đế, tức lên một bậc: tự Đế nhảy lên Hoàng! Hoàng Đế trị theo Thổ đức, Vương Mãng cũng trị theo Thổ đức với màu vàng chói. Nay ta phân tích thì thấy rõ sự giả tạo, nhưng xưa ít ai nhận ra nhất là khi Vương Mãn đổ thì lưu truyền đã ăn sâu lại được biên cả vào Tiền Hán Thư, thế là bảng trên được công nhận chính thức, được tin tưởng cho đến đầu thế kỷ hai mươi không một ai đặt vấn đề.

Trong bảng trên ta thấy Hoàng Đế được tôn vinh cùng cực: vừa lên bậc Hoàng, còn Đế thì ở địa vị Thổ. Không thể tôn vinh Hoàng Đế hơn được nữa. Hoàng Đế được tôn vinh tức là dân Tàu được lên theo, được tôn vinh đến cùng tột nên Lưu Hướng có đổi bảng khắc ra bảng sinh, có đưa thêm vào nhiều cải cách cũng vẫn theo Tư Mã Thiên dành chỗ tốt nhất cho Hoàng Đế. Điều đó không lạ: dân nào cũng có thể làm thế nhưng ở đây sự tôn vinh kéo theo một sự ăn hiếp là đẩy Nữ Oa ra để có chỗ trống cho Hiên Viên được tham dự vào đợt Hoàng, nhưng đây là vụ ăn cướp không kịp cạo số. Vì theo huyền thọai Tàu không bao giờ có tên Hoàng, mà chỉ có Việt mới gọi là Hoàng Việt. Việt bắt đầu bằng Hoàng kỷ, Tàu khởi ở Đế kỷ. Vậy chữ Hoàng thêm vào cho Hiên Viên là giả tạo, đồ nghề giả tạo là thuyết Tam tài, ngũ hành. Đấy là điểm một.

Điểm hai sự giả tạo nọ làm mất tính chất cân đối âm dương ở bộ ba đầu là lưỡng long chầu nguyệt: Nguyệt là Nữ Oa làm nguyên lý mẹ ngự giữa hai long là Phục Hy và Thần Nông theo luật Kinh Dịch “quả vi chủ” (ít làm chủ) được biểu thị bằng quẻ li của Việt tộc. Phục Hy và Thần Nông là hai hào dương phải nhường chức chủ tịch cho Nữ Oa ở giữa. Cả ba đều là Việt. Theo phương pháp phân tích máu văn hóa thì Phục Hy, Nữ Oa đều họ tiên rồng. Phục Hy có họ phong (gió: liên tưởng tới chim) cũng có tên gọi là Thanh Tinh, rồng xanh, cũng họ rồng như Lạc Long Quân. Còn Nữ Oa sinh tại Đồ Sơn tên cũ của Cối Kê kinh đô Việt Chiết Giang, lúc qua đời hóa thành chim Tinh Vệ (cùng họ tiên (chim) như Au Cơ). Huyền thoại nói: chim Tinh Vệ tha đá “lấp bể Đông” vì đã chết đuối ở bể. Đó là nói liều, vì Nữ Oa có nghĩa là loài ở dưới nước (nhái, ốc, cá) ta gặp hình bà đầu người mình rắn, hoặc cá… làm sao chết đuối được; bà tha đá bỏ xuống biển là dấu nhớ thương Phục Hy, nhớ thương Thanh Tinh. Chữ Tinh Vệ nói lên sự muốn duy trì bảo vệ mối liên hệ với Thanh Tinh tức với rồng xanh, vì đó là liên hệ nền tảng. Huyền sử nói bà là em hoặc vợ của Phục Hy, cả hai chữ chỉ tỏ mối tình thắm thiết, đồng thời nói lên mẫu đề huyền thoại một số dân Đông Nam Á anh em lấy nhau. Thêm một lẽ Nữ Oa thuộc văn hóa Đông Nam của Việt tộc. Mối liên hệ thắm thiết ấy bị Hoàng Đế phá vỡ, đẩy Nữ Oa ra ngoài, tức văn minh bỏ nguyên lý mẹ để trở nên duy dương du mục. Đó là tính chất nổi trong văn minh Tàu.

Tàu thờ Hậu Tắc (Lord Millet) làm điền tổ. Tắc là lúa ruộng khô (pannicled millet) đối với mễ (oriza sativa), ruộng nước mà điền tổ là Thần Nông. Thần Nông bị đẩy do Hậu Tắc (thành ra xã tắc) thì vào ẩn ở nông thôn. Nông thôn là tổ của văn hóa, duy trì nguyên lý mẹ. Còn văn minh ở tỉnh thành chú ý nguyên lý cha. Văn minh du mục thắng thì nguyên lý mẹ bơ vơ mất chỗ đứng, chỉ còn cách bù trừ bằng lương tri: nói bóng là gửi những viên đá xuống biển đối với việc đội đá vá trời. Đá chỉ nơi ở của chim tiên ở trên núi (đá) tức ở giữa trời cùng đất để làm mối liên hệ với cả hai: cả trời (đội đá vá trời) cả đất chỉ bằng nước bằng hình trên trống đồng, chim âu (cơ) lao xuống miệng rồng đặt cái hôn sâu thẳm, cái hôn giao cấu để sinh ra trăm con đang nhởn nhơ múa hát trên thuyền. Vậy thì Tinh Vệ không có ý lấp bể Đông mà là cố nối lại phần nào mối liên hệ đằm thắm cũ, nó phảng phất 4 câu thơ do tiềm thức cộng thông linh hứng qua ngọn bút tài tình của thi bá Nguyễn Du:

“Ngọn triều non bạc trùng trùng

Vời trông còn tưởng bóng hồng lúc gieo.

Tình thương bể thắm lạ điều

Mà hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào.”

Đó! Hồn Tinh Vệ không tha đá lấp bể, mà là gửi cánh hồng về thăm chồng để phần nào cố duy trì “tình thương bể thẳm” là nguyên lý mẹ. Nhờ sự cố gắng tha đá bỏ bể đó mà văn hóa Việt Nho chưa đến nỗi đốc ra đực rực tức còn giữ được phần nào nguyên lý mẹ như sự mềm dịu, nhu nhã đi với tình người. Còn văn minh do Hoàng Đế lãnh đạo vì đẩy Nữ Oa ra thì Tam Hòang trở nên đực rựa: ba cái đực rựa thì quả là duy dương, văn minh trở nên du mục, võ biền, chuyên chế. Người lập ra bảng này cũng cảm thấy có sự bất ổn nên thêm tên Cộng Công tuy dòng dõi Thần Nông nhưng đã làm nứt trời khổ công Nữ Oa phải vá đi vá lại, nên phải kể là Việt gian không thể thay thế Nữ Oa được. Vả Cộng Công là đực rựa thêm vào thì ra 4 góc: mất cả chữ ba cao trọng của Tam Hoàng. Vì thế bảng trên không được công nhận khắp hết.

Ta thấy trong các sách Tàu kể thứ tự Tam Hoàng Ngũ Đế không hợp nhau. Ngũ Đế có Huỳnh Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu, Đế Thuấn. Tam Hoàng thì có Toại Nhân, Phục Hy, Nữ Oa. Mỗi sách có bảng riêng (1). Đây là bài tổng quát không tiện đi vào chi tiết, chỉ cần biết có sự khác biệt trong các sách để không ngạc nhiên khi nghiên cứu. Sự dị biệt chỉ nói lên chứng tích của vụ ăn hiếp. Cần ghi nhận nữa là vụ ăn hiếp này có tầm ảnh hưởng vô biên vì nó không là trò chơi gia phả vô tội vạ mà là đại diện cho trào lưu chung của nhân loại là văn minh du mục đàn áp văn hóa nông nghiệp, và tự đấy đã chôn táng nguyên lý mẹ mà chúng ta cần phải phục hoạt (xin bài Còn Mẹ trong Kinh Hùng). Đó là một việc dài hơi. Ở đây ta hãy nhận định tóm lược rằng sử Tàu chỉ đáng tin cậy là tự năm 721 trên nữa thì nhận tạm được đến nhà Thương, ngoại giả đều là huyền thoại, đừng tin là lịch sử, cần phải phân biệt thực hư vì điều này rất quan trọng đến việc tìm về nguồn gốc văn hóa Việt tộc.

(1) Ông Eberhard có lên sổ được cả trăm bảng khác nhau như bảng của nhóm Am Dương, của Hồng phạm của Trâu Diễn, của Nguyệt Lệnh, của Tố Văn (Hoàng đế nội kinh) của Lễ ký v.v… Need II. 264

Việt nho chỉ có ý bênh vực con người chống lại du mục đã hiện thân vào du mục, và du mục bên Viễn Đông đã bắt tay phần nào với Táu nên Tàu đã vô tình tư sản hóa những mẫu mực của Việt. Năm 1919 Tàu làm cuộc cách mạng văn hóa tưng bừng ở tại dùng tiếng Bạch thoại thường dân làm ngôn ngữ văn học, nhân đó nhiều nhóm nhiều đại học đã đi tìm lại những chuyện cổ tích, những huyền thoại của thôn dân, của các sắc tộc thiểu số, thu thập và in ra nhiều ngàn truyện xưa, nhưng sau Tưởng Giới Thạch đã chặn đứng trào lưu đó, một trong các lý do có lẽ chính cốt là sự tìm kiếm đó làm lu mờo hoặc phá hủy hẳn những trang đầu oai nghi của “ngũ thiên niên sử Tàu”, vì các Hoàng Đế cao cả bị ánh sáng khoa học soi vào thì chỉ còn là những anh hùng thần thoại nghĩa là giả tạo (Hoàng Đế thí dụ) hoặc là những vật tổ của các bộ lạc man Di. (xem chi tiết trong quyển Folktales of China by Wolfram Eberhard. The University of Chicago 1965 p.XXXIV).

Vua Quang Trung xưa có giấc mơ đòi lại hai tỉnh Lưỡng Việt đã bị gọi bằng tên không liên hệ đến chủ quyền cũ nay đổi ra Quảng Đông Quảng Tây. Ta cần nối chí Quang Trung trong lãnh vực tinh thần là thâu hồi lại chủ quyền của các truyện huyền sử đã bị coi là của Tàu: như truyện Bàn Cổ, Tam Hoàng… Hiện bầu khí rất thuận lợi vì được sự trợ lực của các khoa học tân nhân văn: khảo cổ, dân tộc học, nhân tộc học, xã hội học, cổ sử, cổ nghệ, cơ cấu luận. Do đó từ 1970 năm xuất bản quyển Việt Lý Tố Nguyên tới nay tôi đã viết rất nhiều, quan trọng nhất là Sứ Điệp Trống Đồng. Nhưng xem lại thấy lực bất tòng tâm: cánh đồng mênh mông mà phương tiện và sức không đủ, nên chỉ xin coi các sách trên là mấy tiếng kèn ra trận gửi đến các nhà chuyên môn mai hậu để hợp lực viết lại những trang sử thời sơ khai của nước nhà, những trang sử đầy ứ chất văn hóa cao cả mà bấy nay chưa được khai quật đúng cung cách.

Hiện thế giới đang có những cố gắng khai quật như vậy nhưng sự việc không được sai trái như đối với Việt Nho. Bởi văn hóa Việt đã có lâu đời được thành lập vững bền trước khi Hòang Đế xâm nhập nên đã để lại ấn tích sâu đâm trong dân gian, nhờ đó nhà nghiên cứu có được nhiều tiêu điểm đánh dấu bước đường truy căn. Sau đây chỉ xin đưa ra tục tả nhậm làm thí dụ.

Tả nhậm nghĩa siêu hình là hướng theo trời, là chỉ “tình thương bể thẳm”. Kinh Thư nói “Tứ Di tả nhậm”. Bốn Di theo tục tả nhậm. Bốn Di cũng là tứ hải theo sách Nhĩ Nhã là bốn dân quanh nước Tàu tức là Việt tộc. Tiền nhân cất nhà có lể thượng đòn dông, lấy hướng Đông làm trọng (tức là tả nhậm). Con gái ở phòng Đông, con trai ở phòng Tây, đó là theo lúc Nữ Oa còn làm nội tướng. Các điển chương như Lạc Thư, trống đồng đều tả nhậm (tiến theo vòng tay tả). Kinh điển Nho chứa đầy lộn xộn khi đề cao tả, lúc đề cao hữu (như đã bàn trong Việt Lý Tố Nguyên) những sự lộn xộn đó là những ấn tích quý hóa cho việc truy tầm nguồn gốc. Đại để ban đầu Hoa tộc đề cao bên hữu, khinh dể bên tả, gọi là trái (tay trái) là hèn (tả đạo là tà đạo) nhưng sau bị Việt cảm hóa dần dần: coi trọng bên tả, khi tiếp khách thì để khách bên Đông tức bên tả là có ý trọng kính. Đi đường đàn bà bên tả đàn ông bên hữu (nam tử do hữu, nữ tử do tả. Lễ ký III. 515). Sau còn coi trọng bên tả bên Đông đến độ dành phòng Đông cho Thái tử kế vị gọi là Đông cung Thái tử. Nay ta quen nói nam tả nữ hữu là vô tình đi theo Hán nho. Chứ theo Lạc Thư thì về ngay bên hữu “nam tử do hữu”, chàng ràng bên tả làm chi đây, chực theo đóm Hoàng Đế ăn tàn du mục hay sao?

Tóm lại vì văn hóa Việt xuất hiện lâu đời trước, đã để lại những rễ lớn như Lạc Thư, trống đồng, tục tả nhậm, gái ở phòng bên tả… nên nguyên lý mẹ vẫn còn họat động được phần nào. Huyền sử chỉ bằng tích:

Nữ Oa đội đá vá trời, tha đá lấp bể.

Au Cơ nghi mẫu lâu lâu gặp Lạc Long Quân trên cánh đồng Tương.

Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm có hội…

Do vậy việc “Phục Việt” trở thành một ngành nghiên cứu đầy hứng thú có bằng chứng thi vị mà vững chắc. Hơn nữa đó cũng là làm việc đóng góp tích cực vào nền văn hóa lòai người đang cố gắng làm sống lại nguyên lý mẹ để tẩm nhuận cho nền văn minh hiện đại đượm thêm tình người.



Chương 10

HAI LÃO, BA CÔ VỚI MỘT TRÒ

Một trò là Hiên Viên Hoàng Đế

Hai lão là Lão Bành hay Bành Tổ và Dung Thành.

Ba cô là Tố Nữ, Thái Nữ, Huyền Nữ.

Còn giáo trình là quẻ Ký Tế để dạy cách làm tình sao cho được trọn hảo. Hậu quả của bài học dục nọ sẽ ra sao? Đó là ba tiết mục sẽ được bàn trong chương này.

Trước hết bàn về người học và thành phần giáo sư. Người học là Hiên Viên. Một khi Hiên Viên chiếm được chỗ trung cung của Nữ Oa xong liền tự phong cho mình chức Hoàng Đế, rồi một trong những việc đầu tiên là lo hội nhập nền văn hóa của Nữ Oa. Muốn học thì phải đi rước thầy. Thầy đó là “Hai lão Ba cô”.

Đây là một trang huyền sử hay nói mộc mạc là một huyền thoại được đặt ra quãng cuối nhà Chu nhằm đề cao Hoàng Đế, nhưng dưới tiềm thức thì trái ngược đó là nói lên việc Hoàng Đế thâu nhận văn hóa của Viêm Việt.

Điều này được ghi lại bằng nhiều truyện đã nhắc đến trong quyển Việt Lý nhất là câu nói “Tác nhật Hoàng Đế đắc Si Vưu nhi minh ư thiên đạo” = “ngày xưa Hoàng Đế được Si Vưu thì sáng ra (hay biết được) về đạo Trời”. Nói đạo Trời là cái gì lạ đối với Hoàng Đế mới biết có đạo Đất. Nói khác là Hiên Viên thuộc văn hóa du mục ngầm chỉ trong tên Hiên Viên (hán) là một thứ xe, nên cả hai tên đều viết với bộ xa (hán) xe đi với “công thương” bên du mục, cũng như “sĩ nông” bên Viêm Việt. Hiên Viên còn biểu lộ tính chất du mục trong số 4 khi chiến Si Vưu: Hiên Viên dẫn đạo quân có tên 4 con ác thú là hổ, báo, hùng, bi (Leg III. 108). Thời sau người Tàu đặt lễ giỗ tổ Hiên Viên vào mồng 4 tháng 4 hẳn có liên hệ tiềm thức với vụ con số 4 này, con số ruột của Hiên Viên. Đó là những căn cứu để gọi Hiên Viên là du mục.

Đến nay thêm một bằng chứng chói chang khác trong vụ Hiên Viên rước thầy về học Kinh Dịch; tất cả đều nói lên rõ sự vụ là văn minh du mục của Hiên Viên được văn hóa nông nghiệp của Viêm Việt tẩm nhuận ra sao. Điều đó được hàm tàng ngay trong thành ngữ vài ba. Vài là hai lão, ba là ba cô.

Hai lão là Lão Bành hay Bành Tổ với Dung Thành. Cả hai tên đều ngầm chỉ Viêm Việt. Chữ Bành cùng họ với Bàng (Hồng Bàng) Bàn (Lộ Bàn) Bà, Ba (hồ Bà Dương cũng đọc Ba Dương). Còn Dung là trung dung diễn bằng số 2-3 ở giữa hai thái cực chỉ bằng số 1 và 4. 4 với 1 không thể gặp nhau vì có 2, 3 ở giữa. Còn 2 với 3 liền ngõ, và ở giữa nên chỉ đạo Trung Dung tức đứng giữa 2 thái quá 1-4. Trong hai lão một vị có tên Dung Thành, ta đoán được đó là tên tiêu biểu để chỉ người hiện thực được đạo Trung Dung, là đạo lý ruột hay lý tưởng của Việt nho. Dung Thành đôi khi cũng mang tên là Thái Bá thì đó chẳng qua cũng là Bá, Ba, Bà, Bành, Ban như đã nói trên. Trong quyển sách thuốc “Hoàng Đế nội kinh” hoặc “Hoàng Đế tố vấn” hay nhắc đến Thái Bá, coi như phát ngôn nhân của Tố Nữ. Đây nói hai lão, hay vài lão, vì số lão có vẻ uyển chuyển không hẳn hai mà vài vì có lúc thêm Thái Bá: có phải là người thứ ba hay chỉ là một tên khác của Bành Lão hay Dung Thành? Không rô lắm nhưng địa vị các ông kém các bà thì rõ, vì các ông chỉ là phụ giáo, còn giáo chính ngạch là Ba cô. Vì thế các khóa trình lưu lại phần lớn mang tên Ba cô như Tố Nữ Kinh, Huyền Nữ Kinh Diệu Pháp hoặc Tố Nữ Diệu Luận. Ba cô đây chẳng chi khác hơn là nguyên lý mẹ chỉ bằng những tên huyền sử là:

Tố nữ

Thái nữ

Huyền nữ

H. Maspéro dịch Tố nữ là “fille de simplesse”. Ong Van Gulik (105) đề nghị fille de candeur, Thái nữ dịch La fille choisie. Huyền nữ: La fille aux Cheveux de Jais (tóc đen nháy) (Gulik 107). Con số hai lão ba cô biểu thị văn hóa của Viêm Việt. Viêm số 2 chỉ lửa đỏ hay quẻ li (li là mặt trời) nên cũng gọi chung là Xích đạo và chỉ phương nam. Còn Việt là số 3 (tự 2 vượt lên 3) màu xanh, hành mộc, số 3, chỉ phương đông. Cả hai dồn lại thành Đông Nam, nói bằng số là 3-2, hay 2-3. Dân Viêm Việt thường có tục “điều đề” vẽ trán. Một lưu truyền nói rằng nhiều chi vẽ trán xanh đỏ, gọi là “xích văn lục tự” nghĩa là văn thì đỏ mà chữ thì xanh. Nếu thế chắc học đã vẽ theo bộ chữ kỳ (hán) đã nói ở trên (2.11) là hai nét ngang trên, ba nét dọc dưới. Điều đó làm liên tưởng tời hai lão ba cô ở đầu bài.

Tóm lại đây là lần đầu tiên được ghi lại về việc du mục Tây Bắc tiếp thu văn hóa nông nghiệp Đông Nam. Vì là lần đầu tiên nói quá ư “huyền sử” nghĩa là hàm tàng một cách âm u. Ta có thể kể một vài lần nữa về sau như vụ ông Vũ đúc 9 đỉnh tức đúc hai văn hóa lại một: văn minh du mục số 4 với văn hóa Đông Nam (2+3) số 5 thành ra con số 9, nên gọi là đúc 9 đỉnh. Ong làm được vậy là nhờ có bà thầy, gọi bóng là “lấy được vợ Việt”. Thực ra sách nói là lấy vợ ở Đồ Sơn “thú vu Đồ Sơn, chữ hán” (Kinh Thư, Ích Tắc, câu 8 Leg.III. 85). Nhưng Đồ Sơn trước nữa gọi là Cối Kê hoặc nữa đều ở vùng Châu Từ miền Hoài Giang cũng là “quê” bà Nữ Oa, vì vậy nói lấy vợ Việt cho giản tiện.

Lần thứ ba nhắc đến việc du mục tiếp thu văn hóa nông nghiệp là khi Văn Vương nhà Chu rước thầy tên Dục Hùng là người đứng đầu đất Kinh tức Kinh Man, địa bàn tổ của Bộc Việt, Lạc Việt…

Đại để đó là những trang huyền sư3 nói lên vụ văn hóa Đông Nam của Viêm Việt biến cải văn minh Tây Bắc của Hiên Viên ra sao.

Bây giờ bàn đền bài vở xem “Hai lão Ba cô” dạy gì? Thưa dạy có một bài là dục, nói cho văn vẽ một chút là làm tình. Nói xiết chặt hơn nữa là dạy “quẻ ký tế” trong Kinh Dịch. Đó là quẻ thứ 63 áp chót kép bởi quẻ Khảm và quẻ Li. Ký Tế thường dịch là “đã xong”, làm trọn, còn ở đây có nghĩa là dạy sao để việc giao cấu được trọn hảo. Học giả Van Gulik dịch là l’union parfaite (Gulik 63) và nhận xét thêm: các sách về dục tính đều tựa trên quẻ này, hơn nữa nói được quẻ này là nên tảng tư tưởng của Tàu, tức của Việt nho. Vì đây là nền tảng minh triết của Việt Nho nên ta hay đưa ra ít hình ảnh quen dùng để ghi đậm nét. Trước hết là hình I (mượn từ Van Gulik 66) về quẻ Ký Tế.

(Hình 1 Về quẻ Ký Tế)

Bảng có đề 4 câu chữ nho rằng:

Khảm tượng lai điền.

Li quái thành ách.

Thiên địa định vị:

Phản bổn hoàn nguyên.

Hai câu dưới tương đối dễ hiểu mà ý lại cao xa tức nói truyện giao cấu mà cuối cùng dẫn tới “thiên địa vị yên” thì vạn vật được trở về nguồn cội. Còn hai câu trên rắc rối ở chữ điền và ách. Điền là làm cho đầy, hoặc động cựa êm êm. Còn ách (1) nghĩa là cái ách quàng cổ con vật kéo xe, kéo cày. Tiếng La tinh là jugum. Hôn phối gọi là conjugum. Chữ “con” chỉ cùng. Conjugum là cùng kéo ách. Quẻ Khảm chỉ con trai thứ nên đại diện cho Nam, còn quẻ Li chỉ thứ nữ nên đại diện cho Nữ. Nhưng đôi khi ta thấy lộn ngược Khảm Nữ, Li Nam là tại xét cái “đức”, cái power. Khảm là nước, còn Li lửa. Nên nghĩa giao thoa như vậy là truyện thường trong Kinh Dịch.

(1) Bản khắc không được rõ. Có thể là chữ loát hay ách. Tôi chọn chữ ách xem ra hợp hơn.

Bài học trên còn được minh họa bằng đồ biểu: Long hổ giao cấu đồ, cũng mượn từ Gulik 118.

(Hình 2 Long hổ giao cấu đồ)

Bạch diện lang quân kị bạch hổ.

Thanh y nữ tử khóa thanh long.

Duyên hồng đỉnh biên tương kiến hậu.

Nhất thời khai tỏa tại kỳ trung.

Nghĩa:

Chàng mặt trắng cỡi bạch hổ

Nàng áo xanh cỡi rồng xanh

Chì sa bên đỉnh sẽ thấy quả

Một thời khai mở ở bên trong

Chì= con trai, dan sa (mercury)= con gái. Chữ mặt trắng thêm vào để chỉ màu trắng phương tây cũng như chữ Bạch hổ tượng trưng tây bắc. Hành mộc màu xanh nguyên lý mẹ, phương đông. Hoặc một hình ảnh khác là Nữ Oa Phục Hy quấn lấy đuôi nhau.

(Hình 3 Nữ Oa & Phục Hy)

Nữ Oa cầm thập tự nhai cũng gọi là Quy

Phục Hy cầm thước vuông gọi là Củ.

Còn nếu nói thanh cao nữa cho hợp câu “thiên địa định vị” thì là hình bát quái do vua Phục Hy vạch ra gọi là tiên thiên bát quái

(Hình 4 Tiên thiên bát quái)

1. Kiền   2. Đòai  3. Li  4. Chấn  5. Tốn  6. Khảm  7. Cấn   8. Khôn

xem hình trên ta thấy mỗi quẻ đối nhau chan chát 1-8, 2-7, 3-6, 4-5.

Đó là bản tóm Kinh Dịch, vì 64 quẻ đều thành bởi hai quẻ đơn chồng lên nhau: một nằm trên “khom khom cật” một nằm dưới “ngửa ngửa lòng”.

Bây giờ bàn đến hậu quả của bài học “kỳ cục” nọ. Đây là chỗ các người thanh giáo có thể đặt câu hỏi nghiêm nghị rằng: kinh với sách gì mà toàn nói tầm bậy vậy cà? Cả một đoàn giáo sự chọn lọc kỹ lưỡng để đưa đến triều đình dạy một vị Hoàng Đế cao cả, mà đem truyện bù cú ra nói là cái nghĩa chi. Các cụ chửi cũng có lý do vì thế “bên trong còn lắm điều hay” hay hơn nhiều mà tôi không dám nói tới (để dịp khác có lẽ) chỉ xin nói sơ qua về hậu quả của bài học (duyên hống đỉnh biên tương kiến hậu).

Có một điều mà các học giả quốc tế hầu như đồng thanh công nhận là đang khi các văn minh đồng thời với Tàu thì hoặc đã chết ngóm từ lâu như Sumer, Babylon, Egypt, Greece, Roma, hoặc đã biến đổi nhiều như An Độ, Au Tây, chỉ có Tàu là còn y nguyên về nền tảng và vẫn thịnh đạt vẫn vươn lên, với một nền văn hóa có sức quy tụ đặc sắc, vậy xin hỏi bí quyết đó tự đâu? Ong Gulik cho là tại người Tàu đã khéo léo duy trì được sự cân bằng giữa yếu tố nam và nữ và điều đó ngay từ đầu kỷ nguyên của chúng ta (Gulik 412 và 414). Câu nhận xét đó quả là đúng nên chúng ta sẽ đào sâu thêm.

Trước hết là câu giữ được quân bình từ đầu thì rất đúng vì chúng ta đã thấy ngay từ đầu một đoàn giáo chức đã biểu lộ sự quân bình ngay trong thành phần của mình là 2 nam 3 nữ, tức con huyền số vài ba của Việt tộc đó.

Thứ đến là đề tài đưa ra hàm chứa một sự quân bình không đứt đoạn, tượng trưng bằng quẻ ký tế. 63 quẻ kia cũng đều có nét song trùng như tế: tức một quẻ trên một quẻ dưới, nghĩa là bài học không bao giờ rời xa cái vụ làm tình. Đấy chính là Đạo Trời Đất đã xuất hiện ngay từ thưở khai thiên lập địa có bao giờ bị đứt quãng đâu. Nếu đứt quãng thì chúng ta đâu có ở đây để mà kẻ viết người đọc.

Việt nho nhằm ngay vào cái chỗ đó mà lập đạo, sau này sách Trung Dung (câu 12) tuyên bố “quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ”. Đấy là điều kỳ lạ: đạo gì mà bắt đầu ngay chỗ lôi thôi nọ. Quả là kỳ lạ vìhầu khắp thế giới ít ra hai nền văn hóa lớn là Âu Tây và Ấn Độ không nói tới vụ đó nữa Âu còn cho đó là hư hỏng, nói đến là hèn hạ, là tội lỗi? Ai đúng ai sai? Đây là chỗ mà nhiều triết gia và dân tộc học đang bù đầu tìm lý do tại sao cơ quan sinh dục ban đầu được hết mọi dân cổ sơ thờ lạy mà đến nay mới nói đến thì đã đỏ mặt cho là không đúng đắn để khỏi nói là hư hỏng! Nhưng ai đây mới thực là hư hỏng. Có phải những người bị lên án là hư hỏng hay chính những người lên án mới đích thực là hư hỏng tức làm đảo lộn một trật tự thiên nhiên: cái được tôn thờ lại bị đảo ngược thành cái phải huý kị? Tại sao vậy?

Người ta đã đưa ra đủ giả thuyết, riêng triết lý An Vi thì thấy đó là tại thiếu nét song trùng tức không biết nhìn toàn bộ, mà đã vội ngưng tụ lại ở một điểm nào đó. Hãy lấy một thí dụ nhỏ nằm trong trào lưu lớn nọ là con rùa: xa xưa ngay tự đời An người Tàu cũng tôn thờ rùa như một trong tứ linh. Thế mà tại sao tự đời Minh về sau thì lại coi là tục. Không còn gì thóa mạ cho bằng gọi ai là rùa đen. Đó là lời chửi tục tĩu nhất (bên Nhật cũng như bên Việt không bị vạ nên vẫn kính rùa). Riêng vụ này thì có lý do lịch sử là tại người Mông Cổ khinh tất cả những gì của Tàu, đã vậy còn đẩy quẻ Ký tế đến chỗ thái thậm; sự vụ xảy ra đại lược như sau: quân Nguyên theo Phật giáo Tây Tạng, bên đó có lối thiền bằng giao cấu. Người ta tạc tượng nam thần đang giao hợp bằng cách ôm vào lòng một thần nữ, các tượng đó gọi là Yab Yum. Tàu dịch là Lạc Phật. Các đôi tân hôn cưới xong thì đến đảnh lễ Phật rồi lên sờ vào cái nút cửa Phật để học bài “sinh dục”! (Gulik 324).

Quá đáng là thế, nên một khi người Tàu lấy lại được độc lập liền phản đối đập phá om sòm. Do sự phản động quá mạnh đó mà mắc vào cái lỗi xem một phần thay vì cái nhìn thanh thản an vi cách bao trùm. Nếu nhìn bao trùm toàn thể sự vật, ở đây là toàn thể con rùa cả mu lẫn chân thì có thể vươn lên ý nghĩ mu tròn chỉ trời, 4 chân (vuông) chỉ đất; còn nhìn theo lối chấp ý thì chỉ chú mục vào có cái đầu, rồi nghĩ đến cái dương vật lúc này đã bị tục hóa. Thế là có màn đảo lộn “tự vật thánh ra vật tục” rồi kinh tởm tục, thế là bỏ hẳn. Cũng may nhờ bài học thâm sâu của “hai lão với ba cô” nên tuy cũng mắc bệnh, nhưng mới là sốt rét vỡ da, chưa đến nỗi nhập lý gây nên bệnh trầm trọng cả tâm lý lẫn siêu hình là chọn một bỏ một tức sự nhìn nghiêng hẳn vào những cái bé nhỏ, khiến cho văn hóa trụt mất bên âm cũng gọi là nguyên lý mẹ và trở nên duy dương đực rựa, gây nên tai họa tày trời cho nhân loại ngày nay.

Riêng văn hóa Tàu vẫn còn giữ được phần nào sự cân đối giữa âm và dương nên vẫn trường tồn không cần thay đổi nền tảng. Bí quyết phải tìm ở đâu?

Hãy trở lại với cái phallus để tìm căn do: hỏi tại sao bên Tàu nó không bị hạ bệ tức không bao giờ nó bị gọi là “củ tội” mà vẫn giữ tên là chày ngọc (ngọc hành) với sự cao quý? Tôi cho rằng bí quyết nằm trong chữ Việt với nghĩa là Việt lên, siêu vượt. Chứ ban đầu trong giai đoạn tôn giáo phong nhiêu thì quẻ ký tế cũng được thực hiện đậm nét lắm như ta thấy tỏ trên cái nắp thạp Đào Thịnh (tỉnh Yên Bái) bốn đôi đang làm tình cách trọng thể với dương vật to quá cỡ thợ mộc (hình 5). 

(Hình 5 Thạp Đào Thịnh (tỉnh Yên Bái))

Nhưng rồi nhờ việt tính nó đã biến thể nhiều cách như hình hai giao long đang Giao chỉ (giao hai tay) hình 6.

(Hình 6 Giao long)

Hoặc như hình Nữ Oa Phục Hy quấn đuôi nhau để rồi biến dần ra thanh thoát hơn nữa như

Cá nước chim trời,

Số chẵn số lẻ

Gạch đứt gạch liền.

Rồi những gạch chồng lên nhau thành quẻ đơn. Rồi cứ hai quẻ đơn chồng lên nhau thành ra 64 quẻ kép.

Rồi biến thể lần nữa thì ra thập tự nhai + thẳng hay thập tự nhai chéo X. Thập tự chéo này hóa ra chữ nghệ. Chữ nghệ làm nền tảng cho chữ văn trong Văn Lang hay giao trong giao chỉ, rồi vô số biểu tượng khác cũng như lược đồ tự phiền toái như Hà Đồ Lạc Thư minh đường, nguyệt lệnh cho đến vòng con giáp và bao danh từ như vũ trụ, núi sông, nước lửa, tiên rồng… Tràn ngập vào nền văn hóa Việt nho đến độ trở nên cơ cấu uyên nguyên của nền văn hóa đó đem lại cho nó một sử cân bằng siêu tuyệt.

Đang khi hầu hết các văn hóa vì thiếu chữ dịch, chữ biến thể ccứ để phallus nguyên con mà thờ thì đến một lúc nào, con người bị chi phối vì một ý niệm tư riêng nào nên coi sự thờ phallus là chướng liền bỏ tuột thế là trở nên duy dương đực rựa. Không duy tâm thì cũng duy vật. Xem thế đủ biết bài học của hai lão ba cô thực là quan trọng vô cùng, nó là tinh hoa của Kinh Dịch, nền móng của văn hóa Đông Nam. Nhờ đó mà âm dương vật vẫn được duy trì, nhiều khi còn đem treo cả bên cạnh bàn thờ để tôn kính mà chẳng ai lấy làm lòng, vì nó đã được biến thể, có thể nói là trở nên trừu tượng để thah thoát vươn lên làm đà tiến đến chỗ cao siêu cùng cực như đất trời, rồi cuối cùng đến chỗ chỉ Có với Không tức đi đến quân bình siêu linh. Nói khác là từ chỗ “rất thấp” nam nữ giao hợp mà bò lên tắp tít tới chỗ siêu hình có không, không có: “hữu vô tương sinh”

Vô là âm

Hữu là dương

tức là nét song trùng ở đợt sâu xa nhất bao trùm cả vũ trụ hơn hết. Đó là nhờ tác động Việt. Chính nhờ tác động Việt nọ mà Tàu duy trì được sự quân bình nền tảng, làm cho văn hóa trở nên trường tồn.

Đó là đại để khóa trình của “hai lão ba cô dạy một trò” nó vừa muốn chứng tỏ sự vụ văn hóa Viêm Việt đã cải tổ, nhuần nhã hóa văn minh du mục Bắc phương, vừa nói lên sự hiệu nghiệm ơn ích của bài học, mới coi tưởng như trò đùa mà kỳ thực là đặt căn bản trên nền móng cực kỳ vững mạnh. Nhờ đó mà văn minh Tàu còn giữ được chất nông nghiệp với nguyên lý mẹ đến 60% còn Việt đến 90% là do bà thầy (đội tên Nữ Thần Mộc) dạy làm chữ đinh, thanh hơn quẻ ký tế một độ (xem bài Pho Tượng Đẹp nhất của Việt tộc (41)).



Chương 11

HUYỀN SỬ CŨNG LÀ HÙNG SỬ

Huyền sử là sử chiều sâu, nên cũng gọi là sử hàng dọc, vì thọc sâu vào ý nghĩa của sự việc; trái với sử ký gọi là hàng ngang vì nó bò lan trên sự kiện: nó nhằm ghi các biến cố cá thể nghĩa là chỉ xảy ra một lần nên nó bám sát phạm trù không gian và thời gian, địa danh và niên hiệu vì thế trở thành quan trọng. Huyền sử trái lại vượt thời gian không gian, vì với sự kiện nó chỉ nhằm ý nghĩa là cái gì phổ quát. Huyền sử nhằm gợi lại cái dạng thức tinh thần, cái hồn của một dân, cái đường lối sống căn bản của dân ấy, cho nên chính thực nó là một nền minh triết, hay đạo lý nhưng khác minh triết ở chỗ dùng huyền thoại. Minh triết nói thẳng, nói vắn gọn bằng những câu châm ngôn tục ngữ, trái lại huyền sử dùng biểu tượng như đồ biểu, độ số, huyền thoại. Sở dĩ gọi là sử vì các huyền thoại phần nào dựa trên sự kiện lịch sử, nhưng lại gọi là huyền vì những sự kiện đó không cần thật hết bởi nó đã bị tổng quát hóa nghĩa là đã được róc hết khỏi mọi phạm trù không gian và thời gian, để chỉ còn chú ý đến ý nghĩa, nhưng ý nghĩa không được nói lên cách trực chỉ, mà lại gửi gấm vào số, vào tên gọi thí dụ 18 đời Hùng Vương, nếu đọc theo lối huyền sử thì ta sẽ không tìm xem thực sự có 18 đời Hùng trải dài trên hơn hai ngàn năm chăng, nhưng sẽ tìm hiểu ý nghĩa sao đây, đạo lý nào ẩn tàng trong số 18, ẩn trong tên Hùng, ta sẽ tìm xem vũ trụ quan 18 đời Hùng ra sao, thuộc nhân sinh quan nào? Vũ trụ quan thì có động có tĩnh về thời gian, có tả có hữu về không gian.

Nhân sinh quan thì có chủ có nô tức là nhân chủ hay vật chủ… Những câu trả lời cho những loại câu hỏi trên sẽ làm nên chân trời quy định ý nghĩa của huyền sử. Hiểu đúng được thì huyền sử sẽ giúp tìm ra được tâm hồn người xưa, dọi nhiều tia sáng vào những huyền thoại vẫn tưởng là vô nghĩa, đem lại cho sử trình tiến hóa của dân tộc một nền thống nhất lẫm liệt, một chiều kích u linh siêu việt cũng như đem đến cho những tiêu điểm vững chắc, những phân biệt thấu triệt mà sử ký hay cả khảo cổ không sao cung ứng nổi. Tuy nhiên hiểu được huyền sử cách đúng mức là việc diệu vợi vì huyền sử bao gồm ý nghĩa siêu linh của đạo lý, củacon người Đại Ngã Tâm Linh vượt tầm lý trí suy luận, nên phải dùng những lời bày tỏ gián tiếp.

Hỏi tại sao không nói thẳng mà lại nói quanh co rắc rối như vậy? Thưa trong chu trình tiến hóa con người có lúc lên lúc xuống. Lúc xuống thì lẩn sâu vào vật chất mà Truyền Thống quen gọi là mạt kỳ, thời ấy đạo lý nào, triết lý hay tôn giáo nào cũng sa đọa. Huyền sử cũng là hậu quả của một sự sa đọa nhưng tương đối nhẹ nhất vì nó dùng nhân thoại, tức còn duy trì niềm tin con người làm chủ tuy chỉ còn bằng biểu tượng (quên hầu hết hiện thực) ngược với thần thoại như trong hầu hết các văn hóa và đạo lý. Nơi thần thoại con người mất trọn nhân chủ tính kể cả bằng biểu tượng. Nói vậy nghĩa là muốn có huyền sử phải có nhân thoại, vì sử là sử ghi chép việc của người chứ con vật không có sử. Thế mà trong thần thoại con người chưa hẳn là người, mới là trò chơi của thần minh, một đối tượng, một vật thể, nên kể là chưa có sử, nói huyền sử là guợng ép. Những miền chưa đạt được nhân chủ không có huyền sử mà chỉ có vô sử rồi sử ký. Sử ký dễ đốc ra duy sử, mà duy sử là con đẻ của duy lý, là luồng tư duy chối bỏ cõi siêu nhiên không biết chi đến thế giới tâm linh nữa, hay nếu có thì cũng quan niệm theo những phạm trù hiện tượng duy vật mà đã duy vật là đánh mất nhân tính còn đâu chủ quyền về vận hệ mình mà gọi được là nhân chủ. Đã không có nhân chủ làm sao có được huyền sử. Xem thế đủ biết sự giải nghĩa huyền sử là việc khó khăn diệu vợi. Sự nhận thức những cái khó khăn đó sẽ giúp vào việc giải nghĩa huyền sử.

Để được vậy ta hãy nhìn bao trùm sử trình của tâm thức con người trên đường tiến hóa: ở đợt thấp nhất chỉ có sự vật, lên một đợt nữa là sự kiện, lên nữa là ý niệm, tiếp đến là cơ cấu và các mối tương quan. Sau cùng đến chữ Tương viết hoa. Các sự việc cũng như mọi biến cố bày ra trước mắt ta thì có muôn vàn, đó là sự vật. Khi ta chú ý đến một số sự vật, một số biến cố thì những cái đó trở nên sự kiện. Khi ta đem sự kiện đó róc hết những cái bám vào chung quanh như các phạm trù không gian và thời gian với các tuỳ thể của nó thì là ý niệ, ý niệm như vậy chỉ còn là cái khung của sự kiện, nó đã trở nên trừu tượng, mất hết những phẩm tính khả giác như mùi vị, màu sắc, tức mất tính chất tình tứ có khả năng lay động tâm hồn. Nhưng bù lại ý niệm trở nên dụng cụ chuyên biệt của cái nhìn trong suốt, có khả năng liên hệ với các sự kiện khác. Cái nhìn càng trong sáng, càng cất lên cao thì càng nhìn ra được những mối liên hệ nằm ngầm. Chính sự nhìn ra những mối liên hệ này quyết định các bước tiến của con người. Con vật không tiến vì chúng nhìn ra rất ít liên hệ. Nếu ta treo mấy quả chuối ở chỗ cao, hoặc ở nơi ngăn cách, và để những đồ khều quả chuối ở quanh đó thì nhiều con vật chịu đói chứ không biết dùng que lấy chuối mà ăn, chỉ có một vài loài khỉ là biết lấy quen khều chuối, có con biết lấy ghế để ở một góc nhà đưa lại gần cửa sổ đứng lên để chui ra ngoài. Con người nhìn ra nhiều tương quan hơn nên chế tạo ra rất nhiều đồ vật đủ loại để làm nên các bước tiến lên đài văn minh: đồ đá cũ rồi đá mới, nông nghiệp rồi kỹ nghệ, công nghiệp rồi điện tử… Mỗi bước tiến thành bởi những liên hệ được khám phá. Trong phạm vi thuần tuý lý thuyết cũng vậy: tự ý niệm ra tư tưởng, từ tư tưởng ra ý thức hệ, tứ ý thức hệ ra cơ cấu…

Tóm lại sự vật chỉ có cơ cấu đối với tâm trí ở một trình độ thức giác nào đó. Vũ trụ mà không có thức giác của con người thì không có cơ cấu với các phẩm chất, các giá trị đi kèm. Sự vật nọ kia có giá trị là do cái nhìn của con người gán cho, nhìn thấp trong đợt vô thức chỉ thấy có sự vật, nhìn lên cáo dần thì sự vật biến ra sự kiện rồi ra ý niệm, sau cùng là cơ cấu với các liên hệ của nó. Cuối cùng phải nhảy ra khỏi vòng vây của lý trí mới thấy mối Tương Quan nằm ngầm nối kết hết mọi sự vật vào một liên hệ căn bản ràng buộc tất cả trời, đất, người thành một thể (thiên địa vạn vật nhất thể). Kinh Hùng gọi đợt này là Cánh Đồng Tương. Phải đạt đến Cánh Đồng Tương mới mong hiểu được ý nghĩa huyền sử.

Phác họa sơ qua con đường tiến của tâm thức con người như thế để dễ thấy rằng huyền sử là một khoa học cao cả nên sự giải nghĩa phải được chú trọng nghiêm chỉnh vô cùng. Sau đây chúng ta sẽ dượt qua ít điểu kiện phải có để giải nghĩa huyền sử áp dụng vào Kinh Hùng được coi là một huyền sử thượng thặng, nên Hùng sử cũng chính là Huyền sử.

LUẬT QUAN TRỌNG ĐỂ GIẢI NGHĨA HUYỀN SỬ

Luật đó là phải quy chiếu vào cái toàn thể, vào cái môi sinh tinh thần của những huyền thoại để tìm ra ý nghĩa: tức phải chú ý đến cả vũ trụ quan lẫn nhân sinh quan: các ý nghĩa gán cho huyền thoại không được đi ra ngoài cái toàn bộ nọ. Để cụ thể hóa khuôn mặt của cái toàn thể, triết lý An Vi đưa ra 4 tiêu điểm là từ, tượng, số, chế.

Từ là lời nói, ở đây hiểu là các huyền thoại thuộc thời sơ nguyên, nhiều khi có cả sáng thế ký (cosmogony) như truyện Bàn Cổ. Với Lạc Việt thì căn bổn hơn hết là 15 truyện trong Kinh Hùng. Ta sẽ hỏi Kinh Hùng có Nhân Chủ tính chăng và ta sẽ phải ngạc nhiên một cách kinh hãi và thích thú là tất cả 15 truyện mang đậm tính chất nhân chủ. Thế mà không phải một hai truyện lẻ tẻ tản mát, nhưng là một chuỗi 15 truyện được thâu lượm vào thời duy sử nghĩa là vào thời đã quên ý nghĩa huyền sử. Điều đó chứng tỏ tính chất lẫm liệt của nhân chủ tính trong các truyện. Mở đầu không có thần thoại nào hết mà đi liền vào nhân thoại tức là các anh hùng văn hóa có đầy hoạt lực để tranh đấu với thần thoại với bái vật. Về điểm này không có gì hùng tráng hơn ba vĩ tích của Lac Long Quân khi diệt Hồ tinh, Ngư tinh, Mộc tinh đặng dành lại quyền làm chủ cho con người. Tiết Liệu xếp đặt trời đất, tức bánh trời để trên bánh đất, làm liên tưởng đến ông nội Bàn Cổ đã tạo lập ra đất trời. Đó là nền nhân chủ đến cùng cực mà biểu lộ bình dân của riêng chi Lạc Việt là Thánh Dóng, cũng có tên là Xung Thiên Thần Vương. Các huyền thoại này được thu thập vào quyển Kinh Hùng.  Nên Kinh Hùng đại diện cho Lời (Từ).

Tượng thì có những cặp đôi: uy nghi cũng có, mà cận nhân tình cũng có như: nước lửa, núi sông, ông Cồ bà Cộc, ông Đùng bà Đà… những cặp đối đó đã kết tinh lại trong cặp đôi Tiên Rồng với tính cách thi vị mênh mông, một cặp đôi đầy biến ảo và thấu nhập vào hết các ngõ ngách của cuộc sống: từ mỹ thuật cho đến thể chế, ngôn từ, thói tục… tha hồ cho con cháu tìm hiểu.

Cặp tượng này sẽ kép nét lên mà ra bánh dầy bánh chưng hay là tròn vuông tương hội. Những tượng này đã được đúc kết lại trong Trống Đồng nơi các cặp đồi được biểu lộ cách huy hoàng như chim với nai, con dài con vắn, con đi lẻ con đi cặp hai, con đực con cái… Mặt trống chia ra hai mảnh, rồi mỗi bên là lẻ chẵn (nóc nhà một chim bên kia hai chim) vòng sát ngoài có 3 đôi chim bên kia, 4 đôi bên này. Đó là cặp số 2-3 kép lên thành 3-4, 3 tròn 4 vuông, số của bán trời bánh đất. Như vậy Trống Đồng phải đươc coi là cái Tượng chói chang của huyền sử nước Việt.

Số. Về số thì phải tìm trong tượng, phổ biến hơn cả là số 2 với vũ trụ quan động: muốn động phải có 2, có âm có dương chứ duy dương hay duy âm đều bất động. Vì thế số 2 được quan trọng hóa bằng diễn tả ra rất nhiều cặp đôi như núi sông, nước lửa, đất trời, đực cái…

Số 3 chỉ con người nhân chủ tức không lệ thuộc vào bên nào: không duy dương cũng không duy âm, không duy trời cũng không duy đất nhưng đứng giữa kiêm cả hai nên là Ba. Số 3 được biểu thị trong trống Đồng bằng các hình tam giác gốc (xem Sứ Điệp Giải rộng) và ẩn trong hai mảnh trống ấp lấy mặt trời ngự ở trung cung thành ra ba, hai mảnh là lưỡng nghi, còn trung cung là vầng thái dương đóng vai thái cực.

Số 5 là 2 và 3 cộng lại thành ra ngũ hành. Ngũ hành là bộ số có ý nghĩa siêu linh nhưng đã bị quên trọn. Vậy ý nghĩa đó nằm trong hai bộ số 3 và 2. Số 3 chỉ con người đầy tác động tính nên gọi là một trong tam tài (tài là tác). Số 2 chỉ lưỡng thê= hai đời sống, một của thế giới hiện tượng, một nữa của thế giới siêu linh mà xưa kia kêu là “hình nhi thượng” tức bên trên hình tượng. Cần con người phải sang qua sông để đáo bỉ ngạn, Kinh Dịch kêu là “lội qua sông lớn” (thiệp đại xuyên). Phải hiện thực được bước lội qua sông này mới tới cõi con người Đại Ngã. Vì thế ở những cuộc hát trống quân sơ nguyên có cuộc “lội qua sông”: khi hai cô cậu ưng nhau rồi thì lội qua sông để làm động tác truyền sinh đặng sinh ra con người nhân chủ. Do ý nghĩa vòng vo như thế nên hành ngũ (trong ngũ hành) có tính cách u linh trống rỗng như đã bàn kỹ trong quyển Sứ Điệp.

Sau ngũ hành là mấy bộ số kép khác như số 9. Đó là do 3*3 mà ra, rồi số 18 là 2*9: 18 đời Hùng Vương, 18 ngàn năm của Bàn Cổ, 18 thước cao của con ngựa Thánh Dóng, 18 đôi chim ở vòng ngoài cùng của Trống Đồng…

Các số này sau được kết tinh vào Kinh Dịch mà khởi thuỷ là “kinh vô tự” vì chỉ dùng toàn số 2, 3, 5, 9 (nó chỉ trở nên kinh hữu tự từ lúc Tàu hóa tức Dịch gọi là của Văn Vương và Khổng Tử). Vậy là ta có thể coi Kinh Dịch như nơi kết tinh của số.

Chế là các thể chế, tục lệ mà nơi tập trung sống động là cái làng Việt. Làng là một nấc thang đi lên nước nên tiền nhân nối liền làng vào nước gọi là làng nước, cũng như đã nối liền nhà với nước gọi là nhà nước. Nối liền như thế là không cho phep quan niệm nước tách biệt khỏi nhà như trong lối chuyên chế quen lấy thế nước để bóp nghẹt tỉnh nhà, trái lại phải quan niệm nước theo mẫu mực nhà. Xưa vua quan được gọi là cha mẹ dân (phụ mẫu chi dân) là theo ý đó; cũng như ta thấy lối xưng hô trong gia đình áp dụng cho hết mọi người trong nước cũng vì ý đó. Dù với người không quen ta cũng xưng là bà, ông, anh, chị, chú, bác mà sâu xa hơn cả là hai chữ đồng bào. Để được gọi mọi người trong nước là đồng bào thì phải có huyền thoại bọc trứng Âu Cơ để chỉ mọi người cùng chung một mẹ sống trong tình nhà là đùm bọc, san sẻ, yêu thương, bình sản, lấy chữ hòa làm lý tưởng. Người ta cũng có thể gọi mọi người cùng nước là đồng hương nhấn mạnh trên đất nước (quê hương) nhưng tiền nhân ta đã chọn hai chữ đồng bào là nhấn trên mẹ (đất mẹ) để đặt nổi mối tình người, tình nhà, tình nước. Hiện nay người mình đang có khuynh hướng dùng chữ đồng hương thay cho đồng bào. Dùng thế có thể vì nghe hay hơn, mới hơn, “văn minh” hơn là chữ đồng bào, nhưng xét sâu xa thì gọi thế là do sự dẫn dắt của tiềm thức cộng thông không cho phép dùng hai chữ đồng bào nữa, bởi vì truyện mẹ đẻ trăm con đã bị cho là quái đản trâu ma: tình nước tình nhà hiện đang bị phá huỷ tận gốc. Vậy thì nên gọi là đồng hương nghĩa là những người cùng sống trong một mảnh đất như nhau: nơi ràng buộc nhau chỉ còn là đất đai bên ngoài, hoàn toàn vật chất chứ còn đâu nữa tình người, tình gia tộc sâu thẳm tự hơn bốn ngàn năm mà được phép gọi là đồng bào. Đó là một thí dụ hiểu sai, còn mấy điểm hiểu sai nữa rất trầm trọng sẽ được bàn tới trong ghi chú của  bài Hùng Việt Sử Ca ở chương dưới.

Đại để muốn tìm ra ý nghĩa của huyền sử thì phải quy chiếu vào cái toàn thể. Cái toàn thể đó chia ra bốn mục: từ, tượng, số, chế. Cả bốn đều có nơi kết tinh đó là:

Kinh Hùng cho Từ

Trống Đồng cho Tượng

Kinh Dịch cho Số

Thôn làng cho Chế.

Với 4 kết tinh đó, huyền sử Việt đã vươn lên trên hết mọi huyền sử để trở thành một Huyền sử thượng thặng và do vậy có thể nói Huyền sử cũng là Hùng sử.

Ý NGHĨA CHỮ HÙNG

Bây giờ chúng ta hướng suy tư vào chữ Hùng vì là chữ then chốt trong huyền sử nước ta. Muốn hiểu chữ Hùng cho đúng nghĩa phải vượt qua những nghĩa thường nghiệm như hùng dũng trong chiến trường, hay trong những công việc nguy hiểm như ta thường hiểu về các anh hùng. Đó chỉ là những nghĩa luân lý thông thường chưa phải là chính. Nghĩa chính phải là nghĩa chỉ sự thắng chính mình, khó hơn thắng kẻ địch gấp bội. Thắng quân thù có thể chỉ là cái thắng khí huyết. Anh hùng trung thực khó hơn nhiều: phải là thắng chính mình để nắm vận mạng mình, để tự đạo, tự đạt, tự thành = self-achievement, rồi từ đó tiến lên nghĩa siêu linh ở đợt Tam tài đứng ngang cùng trời đất. Nếu trời là chủ, đất là chủ thì người cũng là chủ, như một ông vua độc lập không ỷ lại vào trời hay đất nhưng tự mình làm chủ lấy mình đó gọi là nhân chủ. Đó mới là ý nghĩa chữ Hùng trung thực. Đó mới là đợt cao nhất kể cả trên cấp tối cao siêu linh, nên con người phải mất bao thời gian mới đạt tới sự hiểu biết nọ. Hãy lấy cặp đôi sông núi mà xét thì thấy hai cặp sông núi đối đáp mà ở đầu nền văn hóa nào cũng thấy xuất hiện, nhưng rồi thừong núi chỉ là nơi ngự trị của thần linh, còn sông thì thường có Hà Bá như bên Tàu. Núi Olympia bên Hy Lạp, núi Meru bên Ấn Độ toàn là nơi ngự trị của thần minh nghĩa là thuộc đợt bái vật, nó đè nặng trên con người như ta thấy rõ trong đền núi Đế Thiên, có đền, có núi, có sự chết (để quàn xác vua) có cõi âm ti… tất cả những yếu tố đó tập hợp lại đè trên lưng con người (xem bài IV trong Sứ Điệp) biểu hiện bằng sự vắng bóng tượng thần nữ, y như thần nam Lokesvara bên Ấn, đến khi sang đất Việt nho được thở bầu khí nhân chủ mới biến thể ra thần Nữ Quan Thế Âm đầy tình mẹ. Đó là hậu quả của đức Hùng siêu linh. Nhờ có đức nọ nên núi trở thành nơi ở của tiên mẫu gọi bóng là Phong Châu, còn nước trở thành nơi ở của Long phụ, cả hai gặp nhau trên Cánh Đồng Tương để sinh ra con Hùng mà bản chất là vua từ trên cấp tối thượng nghĩa là vua sán cùng trời đất.

Cho nên mấy chữ “mẹ tiên cha rồng” đã hàm tàng sẵn một sử trình đi lên của nhân chủ vừa được phác họa. Còn cần phải xem tính chất của kẻ cư ngụ. Ở những nền văn hóa du mục thường là những con ác thú được chọn làm vật tổ như sư tử bên Babylon, bò đực bên Hy Lạp, rắn bên Ấn Độ… Tất cả đểu đóng vai thần lấn át con người: đấy là bước một.

Bước hai là bỏ ác thú dính sát vào đất để nhận chim đó là bước tiến hơn, vì chim bay được lên trời cao hơn thú một bậc, nhưng cũng còn là vật tổ.

Bước cuối cùng chim trở nên vật biểu, không còn là vật tổ nữa, vì người đã lấy lại quyền làm chủ, làm nhân chủ, nên chim phải lùi xuống làm vật biểu và phải bàn giao cái đức tính của chim sang người như có cánh, bay cao, đẻ trứng, trong sạch (cò trắng, hạc trắng). Người mà có những đức tính của chim thì phải mang tên khác đó là tiên. Bước này mới thấy thực sự xảy ra ở trong sử Việt tộc nơi chim trĩ chuyển sang chim Hồng Hộc, cũng có tên là thiên nga để chỉ sự bay cao tận trời. Nhưng Hồng, Hộc hay hạc lại là những loại chim nước có thể hội thông được với rồng vốn ở thuỷ phủ, tức là xuống đến đáy biển chỗ cùng cực thấp, vậy mà cũng giao hội được với chỗ cực cao cho nên sự giao hội này gọi là “Giao Chỉ”, chữ Chỉ viết hoa để chỉ trời đất giao hội. Đó là bước căn bản làm nên con người nhân chủ được định nghĩa là sự giao hội của đức trời đức đất: “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”. Đấy quả là một cuộc thái hòa quá ư họa hiếm. Nhiều nơi chỉ đọng lại ở đợt ác thú không có chim. Ít nơi có chim như ở văn minh Ấn Độ có chim Garuda và rắn Naga đã phác họa ra hai nét tiên rồng nhưng rồi chim săn rắn nghĩa là đối kháng, không xảy ra vụ gặp nhau trên Cánh Đồng Tương như mẹ Âu với bố Lạc. Vậy cũng còn cao hơn các văn minh kia chỉ có một con duy nhất và thường là loài 4 chân như sư tử, gấu, voi, bò đực… đôi khi lên đến đợt chim thì dừng lại ở đó như chim ưng ăn thịt, hay chim cú của Hoàng Đế mới chán: sa vào tội ăn thịt mẹ cha. Như vậy hiện tượng Tiên Mẫu Long Phụ gặp nhau trên Cánh Đồng Tương quả là họa hiếm: có thể nói là độc nhất vô nhị. Chữ Tương viết hoa để chỉ một bước tiến vượt bậc là nhìn ra được mối liên hệ ngầm giữa trời cùng đất. Đó là cái nhìn thấu triệt. Phải vượt đợt hiện tượng mới thấy được liên hệ siêu hình giữa người với trời đất, nên Tương quan đó phải được viết hoa. Vì thế mà Tương quan này rất hiếm. Vậy mà Tiên Rồng gặp nhau khắng khít và cách phong phú được diễn tả bằng sự đẻ một trăm con! Sai mắn biết mấy là cuộc gặp gỡ của mẹ tiên cha rồng trên Cánh Đồng Tương.

Như vậy tên Hùng Vương bao hàm cả một tiến trình từ vật đến chim, từ chim duy dương đến chim nước để đi đến người, để ngừơi thành Tiên trên núi Phong Châu hay Ngũ lĩnh tức một quá trình biến núi của thầnlinh thành nơi ở của con người, con người chia nhau làm chủ cả nước cả non: cả non Nhân lẫn nước Trí để đẻ ra con Hùng. Hùng lên ngôi vua: vua chính mình cũng như vua nước vua non, vua ngang với Trời cùng Đất và vì vậy xứng đáng làm vai then chốt của Hùng sử cũng là Huyền sử.

Theo đó thì huyền sử họa hiếm dường bao, vì huyền sử là sử của con người Đại Ngã Tâm Linh. Nếu không đạt đợt đại ngã mà chỉ ở lì lại đợt con vật thì không có sử. Có lên đến đợt lý trí của phàm ngã thì cũng chỉ mới có sử ký, phải vươn lên đợt tâm linh mới có huyền sử. Vì sự hiếm hoi như vậy nên Hùng Vương hầu như là trường hợp hạn hữu trong lịch sử văn hóa loài người, vì thế ta có thể nói Hùng Việt Sử Ca cũng chính là Huyền Việt Sử Ca. Nói khác nước Việt là nước thiêng tiên rồng: giàu chất tâm linh hơn cả. Ngày nào con người biết trở lại nguồn cội của mình sẽ thấy cái kho tàng quý vô biên tàng ẩn trong những trang huyền sử của  nước Việt. Trong dĩ vãng dù con cháu đã mất ý thức về chiều sâu nọ, nhưng ơn ích trên bình diện xã hội cũng còn rất đáng nể. Sau này Nho đã nhờ công thức Việt Đạo mà được tiếng khen là đã đưa vào sử trính nhân loại một sự biến đổi lớn lao nhất, đó là một con người có nhân cách phổ biến, một kẻ sĩ mẫu mực, một người quý phái tinh thần có lẽ lần đầu tiên xuất hiên trên mặt đất như ông Lewis Mumford đã nói (trong quyển Transformation of Man. Edit. Harper and Row, N.Y. 1965 p.72): “Confucius brought about a change of the greatest magnitude… a universal personality, the archetypal scholar and gentleman: perhaps the first rounded incarnation of this type”. Mẫu người này đã sáng lập ra một lối nhân trị dựa trên đức tính không đâu có hết nên học giả Fairbank đã dùng từ ethocracy để chỉ lối cai trị đặt nền trên đạo lý tâm linh này (xem Chinese Thought and Institutions by John K. Fairbank, Universisty Chicago Press, 1959 p.7)

THỜI ĐẠI CỦA HUYỀN SỬ

Đã nói rằng huyền sử vượt phạm trù thời gian không gian nên các niên hiệu địa danh không giữ vai trò chính như trong sử ký, tuy nhiên nó vẫn là một loại sử cần đến một số tiêu điểm mập mờ thấp thoáng, với niên đại và biên cương hết sức co giãn. Vì thế ta cũng nên xét đến niên đại coi như những mốc lớn chỉ sự trước sau (ordre de grandeur) với một không gian trồi sụt (nghĩa là bờ cõi biến đổi qua bao ngàn năm nên biên giới Châu Kinh với Châu Dương (của Man với Di) có thể sai chạy cả ngàn cây số là ít).

Vậy huyền sử nước ta khởi đầu từ Thần Nông “cháu ba đời vua Thần Nông tuần thú phương Nam”. Tuy đây chỉ là một câu vắn tắt nhưng lại chứa cả một nội dung dài dằng dặc mất hút vào đêm tối dĩ vãng và cả hàng nhiều ngàn năm, nó gói ghém tính chất căn bản của nền văn hóa nước ta: là nông nghiệp, ngược với văn minh du mục đặt tên sự săn bắt như các nước miền Lưỡng Hà hoặc vùng thảo nguyên. Các vùng này sau đã bị tinh thần du mục lấn át tuy cũng có nông nghiệp nhưng là lúa tắc (tắc và thử thuộc loại lúa mạch, lúa miến) như của Tàu lúc xuất hiện với ông Hậu Tắc (the prince of millet).

Thần Nông cũng có tên là Viêm Đế, dân gọi là Viêm tộc, nước là Viêm bang, kinh Phật dịch là “Nhật chủng” thuộc hỏa đức (quẻ li) với chim trĩ thuần hoả bay theo hướng mặt trời. Đó là loại chim của Việt lúc còn thờ mặt trời, nên có sách xưa gọi chim trĩ là “tuỳ dương Việt trĩ” = con chim trĩ của chủng Việt bay theo hướng mặt trời Viêm Đế, Viêm tộc, Viêm bang là thuộc giai đoạn này. Vậy đừng lầm lẫn cho Viêm Đế là khác với Thần Nông, cũng đừng nghĩ Thần Nông là người Tàu. Thần Nông chính là điền tổ của Viêm tộc chứ không phải của người Tàu. Người Tàu sau này đã đưa ông Hậu Tắc ra làm điền tổ. Đó là chuyện mãi về sau cuối đời Đông Chu.

Thần Nông ở vùng Thái Sơn nên còn có tên là “Liệt Sơn” (núi Oanh Liệt). Liệt Sơn cũng là quê hương của Phục Hy, vì thế Phục Hy còn mang tên là thanh tinh= rồng xanh, ý nói ở phía Đông cùng với Nữ Oa quê ở Đồ Sơn (cùng quê bà vợ ông Vũ). Đồ Sơn là tên cũ của Cối Kê (kinh đô Việt Chiết Giang) cũng gọi là Miêu Sơn (đôi khi đọc mao sơn cho hợp vần thơ) tức liên hệ với Tam Miêu, Cửu Lê. Đấy là thời một, thời Viêm tộc còn ở rải rác khắp miền đất mênh mông mà sau này là nước Tàu. Thời Viêm tộc được kết thúc vào quãng giữa thiên niên kỷ thứ bốn trước. Truyền thống ghi niên đại Thần Nông là năm 3320-3080 tr.cn (không nên nhận niên đại “khoa học” 2737 vì họ không kể đến Viêm tộc). Niên đại lưu truyền không có tính cách xác đáng của sử ký, nhưng dùng được cho huyền sử để chỉ sự trước sau. Đây là chặng đầu của huyền sử nước ta được nối với đại chủng Viêm tộc mà giai đoạn sáng thế ký là Bàn Cổ (Bàn Cổ của Việt tộc xem ghi chú trong đầu quyển Nhân Chủ) rồi mới tiếp đến giai đoạn Tam Hoàng trong đó có Thần Nông. Nếu không kể Bàn Cổ với các ông Hữu Sào… thì Tam Hoàng là giai đoạn đầu, Việt tộc xuất hiện tự đấy gọi là Hoàng kỷ. Còn Tàu xuất hiện vào thời sau gọi là Đế kỷ với Hoàng Đế.

Chặng hai xảy ra khi “Hoàng Đế chiến Si Vưu” tức là manh nha sự xuất hiện của dân Tàu xét như một dân tộc. Hoàng Đế (-2697) đại diện cho Hoa tộc khởi đầu nổi lên xâm lấn đất của Li (Si) Vưu. Chính là Li Vưu (Li là rồng vàng như trong câu Lân Li Quy Phượng). Hoàng Đế chiến với Li Vưu tức là chiến với Thần Nông, dân của Li Vưu gọilà Cửu Lê, đó là một phần dân của Viêm tộc. Vì sự xâm lăng này mà có cuộc “Nam tiến” hoặc muốn nói là rút lui về miền Nam cũng được. Đại biểu của trào Nam tiến là Đế Minh dánh dấu sự Việt tộc tách khỏi đại khối Viêm tộc xảy ra vào thời Đế Minh gặp Vụ Tiên lập ra họ Hồng Bàng.

Niên đại họ Hồng Bàng được truyền lại là năm Nhâm tuất (2879) trước cả Hoàng Đế và hơn thế nữa bao gồm cả ba chặng trên (Thần Nông, Đế Minh, Hồng Bàng). (1)

(1) Các chữ Lê (Cửu Lê), Lộ (Lộ Bàn cũng đọc Ban, Lộ Bộc), Lộc (Lộc Tục), Lãm (Sùng Lãm), Lạc (Lạc Long, Lạc Địch, Lạc Việt), Lai (Đế Lai, Lai Di…), Lang (Văn Lang) dùng chủ âm “L”.

Đó là một thứ tiêu điểm vi vu trong đêm trường của thời khuyết sử, nhưng tạm dùng được trong phạm vi huyền sử nơi mà địa danh cũng như niên hiệu cần được hiểu cách rất co giãn. Niên hiệu 2879 cho việc sáng lập họ Hồng Bàng nên dùng hơn là niên hiệu của Nghiêu Thuấn (2333-2148) vì đây cũng là những huyền thoại. Nghiêu Thuấn không có chút chi thuộc sử ký mà chỉ là những “nhân vật” huyền sử do óc của Khổng Tử sản sinh, nên phải xét “máu văn hóa” chứ không xét máu chủng tộc và lúc ấy mới thấy đó là những dạng thức đầu tiên của Việt Nho. Ông Thuấn nổi nhất về hai điểm là chữ hiếu và nhạc thiều thì cả hai thuộc dòng Viêm Việt, nhất là nhạc thì Thuấn dùng ông Quỳ là người Viêm Việt. Sách Sơn Hải Kinh cho Quỳ với Long là một. Ông Quỳ chỉnh đốn lại luật ngũ âm, lục luật. Nên nhớ sử Tàu chỉ đáng tin có từ năm 721, trước nữa toàn truyện hư cấu suy luận, càng về xưa càng trở nên hư cấu, không được như sử Việt có huyền sử mà Trống Đồng còn ghi tang chứng rực rỡ về tiên rồng, tức là về Hồng Bàng và Thần Nông (chim Hồng và giã gạo). Ta quen nói Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến, chẳng biết câu này xuất hiện thời nào chứ nếu nay mà nói thì phải kể tự Hồng Bàng nghĩa là “năm ngàn năm” tức là đã lâu đời lắm, trước Nho nhiều. Nho cùng lắm thuộc Nghiêu Thuấn. Trái lại Việt đã có tự Hoàng kỷ mà tang chứng còn tràn ngập. Một nước đáng gọi là văn hiến chi bang hay là nước có nền văn hóa lớn lao là khi trong nước còn tàng chứa nhiều di tích của thánh nhân cũng như những điển chương rực rỡ. Theo đó thì quả nước Việt xứng đáng là nước văn hiến vì kiểm kê được đủ mặt điển chương kiêm đủ từ, tượng, số, chế: từ thì có nhân thoại, khảo cổ có trống đồng, số thì có Kinh Dịch, thể chế thì có làng nước, một thể chế còn sống cách sung mãn.

Chính với ý niệm lâu dài về thời gian, với ý tưởng thâm sâu về huyền nghĩa đó mà hôm nay chúng ta cung kính đọc lại ít trang đầu của huyền sử trích tự quyển “Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca” một sách đã phần nào được bao quanh bởi hào quang của thời gian (quãng vài trăm năm nay) và số đông tác giả tức được kể là công trình tập thể quãng 5, 6 người (trong đó có ông Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái). Vì bản này theo tài liệu cảu quyển Lĩnh Nam Trích Quái là sách được thâu lượm vào thế kỷ 15 nên đã có nhiều sự hiểu lầm huyền sử (huyền sử bị hiểu trên đợt sử ký) nên cần thêm phần ghi chú để chỉnh lại ít điều sai chạy.



Chương 12

HUYỀN VIỆT SỬ CA

Kể từ thời mở Viêm Bang,

Sơ đầu có họ Hồng Bàng mới ra.

Cháu đời Viêm Đế thứ ba,                          (1)

Nối dòng Hỏa Đức gọi là Đế Minh.               (2)

 

Quang phong khi giá nam hành,                  (3)

Hay đâu Mai Lĩnh duyên sinh Lam Kiều.      (4)

Vụ Tiên vừa thủa đào yêu,                          (5)

Xe loan nối gót tơ điều kết duyên.               (6)

Dòng thần sánh với người tiên,

 

Tinh anh nhóm lại, thánh hiền nói ra.

Phong làm quân trưởng nước ta,                 (7)

Tên là Lộc Tục hiệu là Kinh Dương.

Hóa cơ dựng mối luân thường,                     (8)

Động đình sớm kết với nàng thần long.          (9)

 

Bến hoa ứng vẻ lưu hồng.                           (10)

Sinh con là hiệu Lạc Long trị vì.                    (11)

Lạc Long lại sánh Âu Ky,                             (12)

Trăm trai điềm ứng hùng bi lạ thường.          (13)

 

Quy sơn, quy hải khác người biệt ly.            (14)     

Lạc Long về chốn Nam thuỳ,

Âu Cơ sang nẻo Ba Vì Tản Viên.

Chủ trương chọn một con hiền,                    (15)

Sửa sang việc nước nối lên ngôi rồng.

 

Hùng Vương đô ở Châu Phong,                   (16)

Ấy nơi Bạch Hạc hợp dòng Theo giang.

Đặt tên là nước Văn Lang,

Chia mười lăm bộ bản chương cũng liền.

Phong Châu, Phúc Lộc, Chu Diên.

 

Nhận trong địa chí về miền Sơn Tây.

Định Yên, Hà Nội đổi thay,

Ấy châu Giao Chỉ xưa nay còn truyền,

Tân Hưng là cõi Hưng, Tuyền,

Vũ Ninh tỉnh Bắc, Dương Tuyền tỉnh Đông.

 

Thái, Cao hai tỉnh hỗn đồng,

Ay là Vũ Định tiếp miền biên manh.

Hoài Hoan: Nghệ; Cửu Chân: Thanh.

Việt Thường là cõi Trị, Bình trung châu.

Lạng là Lục Hải thượng du,

 

Xa khơi Ninh Hải thuộc vào Quảng Yên.

Bình Văn, Cửu Đức còn tên,

Mà trong cương giới sơn xuyên chưa tường,

Trước sau đều gọi Hùng Vương,

Vua thường nối hiệu quân thường nối tên.

 

Lạc Hầu là tường điều nguyên,

Vũ là Lạc Tướng giữ quyền quân cơ.            (17)

Đặt quan “Bố Chính” hữu tu:

Chức danh một bực đẳng uy một loài.           (18)

Vừa khi phong khí sơ khai,

 

Trinh nguyên xảy đã gặp đời Đế Nghiêu.        (19)

Bình nguyên nhật nguyệt rạng kiêu,

Tấm lòng quỳ hoắc cũng đều hướng dương.

Thần quy đem tiến Đào Đường

Bắc Nam từ đấy bang giao là đầu.                (20)

 

 

Dõi truyền một mối xa thư,                           (21)

Nước non đầm ấm mây mưa thái bình.

Vua đời ngang với Chu Thành,

Bốn phương biển lặng, trời thanh một màu.    (22)

Thử thăm Trung Quốc thế nào:

Lại đem bạch trĩ dân vào Chu Vương.

Ba trùng dịch lộ chưa tường.

Ban xe tí ngọ chỉ đường nan nguy.

Nhân khi vận nước gặp nguy.

Vũ Ninh có giặc mới đi cầu tài.

Làng Phù Đổng có một người,

Sinh ra chẳng nói chẳng cười trơ trơ,           (23)

Những ngờ oan trái bao giờ,

Nào hay thần tướng đợi chờ phong vân.

Nghe vua cầu tướng ra quân,

Thoắt ngồi, thoắt nói muôn phần khích ngang.

Lời thưa mẹ dạ cần vương:

Lấy trung làm hiếu một đường phân minh.

Sứ về tâu trước thiên đình,

Gươm vàng ngựa sắt đề binh tiến vào.

Trận mây theo ngọn cờ đào,

Ra uy sấm sét nửa chiều giặc tan.

Ao nhung cởi lại Linh San,

Thoắt đã thoát nợ trần hoàn lên tiên.

 

Lại nghe trong thưở Lạc Hùng,

Mỵ Châu có ả tư phong khác thường

Gần xa nức tiếng cung trang,

Thừa long ai kẻ động sàng sánh vai.

Bỗng đâu vừa thấy hai người,

Một Sơn Tinh với một loài Thuỷ Tinh.

Cầu hôn đều gửi tấc thành.

Hùng Vương mới phán sự tình một hai:

Sính nghi ước kịp ngày mai,

Ai mau chân trước đính lời hứa anh.

Trống lầu vừa mới tan canh,

Kiệu hoa đã thấy Sơn Tinh chực ngoài.

Ước sao lại cứ như lời,

Xe loan trăm cỗ đưa người nghi gia.

Cung đàn tiếng địch xa xa,

Vui về non Tản oán ra bể Tần.

Thuỷ Tinh lỡ bước chậm chân,

Đùng đùng nổi giận đem ân làm thù:

Mưa tuôn gió thổi mịt mù,

Ao ào rừng nọ, ù ù núi kia.

Sơn Thần hóa phép cũng ghê:

Lưới giăng dòng Nhi, phên che ngàn Đoài.

Núi cao sông cũng còn dài,

Năm năm báo oán đời đời đánh ghen.

Bổ di còn truyện Trích tiên,                           (23)

Có người họ Chử ở miền Khoái Châu.

Ra vào nương náu Hà Châu,

Phong trần đã trải mấy thâu cùng người.        (24)

Tiên Dung gặp buổi đi chơi,

Gió đưa Đằng Các buồm xuôi Nhị Hà,

Chử Đồng ẩn chốn bình sa,

Biết đâu gặp gỡ lại là túc duyên.

Thừa lương nàng mới dừng thuyền,

Vây màn tắm mát kề liền bên sông:

Người thục nữ, kẻ tiên đồng.

Tình cờ ai biết vợ chồng duyên ưa.

Giận con ra thói mây mưa,

Hùng Vương truyền lệnh thuyền đưa bắt về.

Non sông đã trót lời thề,

Hai người một phút hóa về Bồng châu,

Đông An Dạ Trạch đâu đâu,

Khói hương nghi ngút truyền sau muôn đời.

Bể dâu biến đổi cơ trời,

Mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn?

Kể vua mười tám đời truyền,

Hai ngàn năm lẻ vững bền khôn lay.

Một dòng phụ đạo xưa nay,                          (25)

Trước ngang Đường Đế sau tày Noãn Vương.

 

GHI CHÚ

Theo sách “Sưu Thần Ký” của Can Bảo đời Tấn thì Thần Nông có một chiếc roi thần, thường dùng roi đánh vào các loại thảo mộc thì các dược tính của cây cối đều hiện lên rõ ràng, nhờ vậy mà Thần Nông thiết lập được nền y dược cho Việt tộc. Về sau người Tàu quy cho Hoàng Đế trong sách gọi là Hòang Đế Nội Kinh, mà chính ra là thuộc Hoàng Việt. Roi thần của Vua Thần Nông hay gậy thần của vua Hùng đều chỉ nền minh triết nông nghiệp đã được “cơ cấu” hóa thành những số 2, 3, 5, 9… vì thế có chỗ gậy thần có 9 đốt.

Hỏa đức chỉ phương Nam, là gốc cho những danh xưng Xích đạo, Viêm bang, Viêm Việt. Đức của hỏa là nóng và sáng, sáng là minh nên cháu ba đời Viêm Đế phải là Minh, sáng lắm, chinh phục được sự sáng thì gọi là Đế Minh. Do đó nước ta nhận quẻ li hay màu đỏ để chỉ siêu văn minh. Chim trĩ đỏ vào giai đọan này. Số 3 là số ruột của Việt tộc, căn của số 9: gậy 9 đốt là thế. Chúc Dong là quan coi lửa đời Thần Nông cũng thuộc Viêm tộc là do liên hệ với Hỏa Đức.

Quan phong: quan sát phong tục.

Giá là xa giá: xe vua. Nam hành tiến về phương Nam, cuộc Nam tiến. Bắc Nam có giao thoa nên có Bắc tiến cũng như Nam tiến tùy thời đại và phương diện.

Mai Lĩnh là một ngọn núi trong dẫy Ngũ Lĩnh mà địa vực rất xê dịch xưa kia là miền Côi Kê.

Duyên sinh lam kiều: sánh duyên cùng người đẹp. Người đẹp đó là Vụ Tiên kết duyên cùng Đế Minh.

Thưở đào yêu: chỉ thời kỳ trẻ đẹp như hoa đào đang nở (Thi Quốc Phong bài “đào chi yêu yêu”).

Xe loan: xe của Hoàng Hậu có gắn chim phượng mái gọi là loan, tức cũng là chim trĩ.

Quân trưởng nước ta: vua đứng đầu nước ta gọi là Lộc Tục hiệu là Kinh Dương Vương, tức là vua Châu Kinh và Châu Dương. Châu Kinh cũng gọi là Kinh Man hay Bộc Châu sau thành Kinh Sở rồi Sở nay là vùng Hồ Nam. Châu Dương là vùng Giang Nam có thể kiêm cả Giang Tô, sông Hoài, Châu Từ… Nếu người Châu Kinh gọi là Man thì người Châu Dương gọi là Di, nói giồn lại thành Man Di. Cặp từ này gợi ý hèn kém man rợ là tại sau này, chứ xưa kia đó là hai ngành sáng tạo văn hóa Việt Nho, nhất là người Di mà trong sử hay nói đến bằng nhiều tên: Hòai Di, Đông Di, Lai Di… và nhất là Tứ Di là tên nhiều lúc thay cho Tứ Hải. Theo sách Nhĩ Nhã thì tứ hải là 4 giống người ở chung quanh Hoa Tộc, cho nên Tứ Hải hay Tứ Di cũng là Việt tộc. Vậy xin đặc biệt chú ý đến Đông Di, Hoài Di… tới Châu Từ và sông Hòai vì nó bao gồm cả quê bà Nữ Oa, Vụ Tiên… và nhiều huyền thoại cũng như cổ nghệ cùng dòng với Đông Sơn sẽ năng nói tới khi bàn về cổ nghệ.

Hóa cơ: đặt nền móng cho phong hóa. Đây chỉ là ảnh hưởng hỗ tương từ Bắc xuống Nam sau lan ảnh hưởng từ Nam lên Bắc.

Động Đình Hồ trong tỉnh Hồ Nam rất lớn, giữa có nhiều đảo nhỏ, nhân đấy hồ trở nên tượng của cơ cấu triết với ba tiếng động đình hồ. Động là các hang động trên đảo chỉ sự trống rỗng (hư tâm), có đình vuông (hay chữ nhật) chỉ đất, hồ tròn chỉ trời. Đúng là hình tròn vuông hòa trộn, quả là hợp làm nơi dòng thần lấy con gái Long Vương (hai chữ tiên rồng giao thoa, nên có lúc tiên trên núi, lúc xuống thủy phủ). Khi nói Động Đình Hồ là cái nôi nước Việt thì cần hiểu theo nghĩa huyền sử tròn vuông, trời đất giao kết này.

Lưu hồng: cầu vòng đỏ rực. Nhân tính có người đàn bà nằm mộng thấy cầu vồng đỏ trôi trên sông Hoa sau sinh ra con làm vua.

Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh con là Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân: tức là vua rồng của dân Lạc (Lạc Việt). Nên hiểu rộng ra là tất cả các đôi trai gái lấy nhau, hiện thực cuộc pha giống bắc nam (tiên rồng) hay sâu hơn là giao chỉ trời cùng đất.

Lạc Long Quân lấy Au Cơ (đọc Ky cho hợp vần). Au có thể là Tây Au thuộc chi Thái miền Tây ở Vân Nam hay Tứ Xuyên. Nghĩa uyên nguyên là chim hải âu một giống chim nước mà các nhà khảo cổ nhận thấy là mẫu đề (decorative motif) Đông Nam Á, và trong Hùng sử được dùng như đại diện Tiên (nhớ phương trình chim = tiên).

Hình ảnh cái bọc trăm trứng (nõan bào) đẹp tuyệt vời nhưng sử gia đã mất ý thức hạ thấp huyền sử xuống đợt sử ký nên không hiểu được, thành ra viết 4 câu ngớ ngẩn đã bỏ không lấy vào bản văn:

“Noãn bào dù truyện hoang đường

Vì xem huyền điểu sinh Thương khác gì.

Đến điều tan hợp cũng kỳ,

Há vì thủy hỏa sinh ly như lời.”

Nếu không hiểu truyện noãn bào là lấy truyện tùy biện lý cho truyện chính. Vì huyền điểu là của bà Giản Địch đẻ ra tổ nhà Thương. Bà là người Nhung Di, nên nằm trong văn hóa chim của Việt tộc.

Quy sơn quy hải: về núi về biển, 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển… Đây chỉ là một chút sử liệu nhưng chở theo cả một cơ cấu là con số 3 (núi Ba vì). Số 3 tượng hình tròn (viên) nhưng lại tản ra (nên gọi là Tản Viên) kẻ lên núi người xuống biển.

“Chọn một con hiền” đó là giải pháp trung dung giữa kế tử và kế hiền. Đây tuy kế tử nhưng cũng là kế hiền tức chọn con nhưng là con đáp ứng được tiêu chuẩn tài đức, mà tài đức cao nhất là hiểu được con người là sự giao hội của trời cùng đất, nói bóng là tròn vuông, nói cụ thể là làm bánh dầy bánh chưng.

“Hùng Vương đô ở Phong Châu”… các địa danh ở đây thường được hiểu sát vào một nơi nào đó ở vùng Bắc Việt nhưng đó chỉ là nghĩa phụ, nghĩa áp dụng. Còn nghĩa chính phải là những đức tính của danh từ, vì vậy danh từ không còn là địa danh cho bằng là đức tính. Tất cả các tên khác như Văn Lang, Việt tộc, Hùng Vương đều phải hiểu vậy mới ra huyền sử nhất là chữ Việt Nam là siêu Việt lên chỗ sáng chỗ siêu văn minh (hỏa đức).

Thao Giang là một đoạn sông Hồng (nhị hà) ý nghĩa nằm trong chữ Hồng (Bàng) hoặc Nhị Hà là con số 2.

Văn Lang là nước theo tôn chỉ văn mà không võ (du mục). Địa vực có thể lan rộng khắp nước Tàu trước lúc người Tàu xuất hiện như một dân tộc. Thời Hùng Vương tức thời rút về miền Nam đợt I nước Việt cũng còn trải rộng cả trên vùng hai châu Kinh và Dương. Các cổ sử gia thường hiểu gọn vào Bắc Việt từ Phú Thọ, Sơn Tây, Yên Bái xuống tới Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… thì đó là nghĩa chính trị và sử kí thuộc đợt co rút. Theo nghĩa văn hiến thì Văn Lang cần mở rộng lên tới Động Đình, hơn thế nữa toàn cõi nước Tàu lúc Việt tộc chưa phải rút trước sức lấn át của Hoa tộc mà theo huyền sử chỉ xảy ra với Hiên Viên, tức sau Hoàng Đế. Vậy mà người Việt đã quên trọn chỉ thu gọn mình vào có Bắc Việt thôi. Tưởng nên nhắc lại tên Việt hãy còn nằm rải rác khắp nước Tàu từ Bộc Việt ở vùng cực Bắc với Lai, Lạc, Bành. Còn tự Chiết Giang trở xuống thì Chiết Giang là U Việt, Giang Tây là Dương Việt, Quảng Tây là Au Việt, Bắc Việt là Lạc Việt, Trung Việt là Việt Thường.

Điều nguyên là giữ việc chính trị, đối với quân sự gọi là quân cơ.

Đẳng uy là đẳng cấp (bậc) và uy quyền.

Trinh nguyên chỉ thời đại Thái bình của nước Văn Lang cũng đồi thời với Đế Nghiêu (2357) đóng đô ở Bình Nguyên cũng còn nằm trong quỹ đạo Văn Lang, nên cũng nương theo nguyên lý lưỡng nhất tính (dual unit) mà ở đây chỉ bằng nhật nguyệt, và nhất là bằng hoa quỳ và hoa hoắc đều là giống hướng dương: hướng theo mặt trời. Đó là hoa của nước Văn Lang nhân làm quốc hoa từ lúc còn thờ mặt trời, và được ghi lại cách huy hoàng trên mặt trống đồng, nơi các đoàn vũ đều vận hành theo hướng mặt trời (chờ xem bài Trống Đồng Chiếc Hoa Quỳ Vĩ Đại trong tập Văn Lang Vũ Bộ). Chú ý đời Nghiêu 2357 là lúc Văn Lang đã thịnh, không phải thời Hồng Bàng khai quốc đã lâu trước.

Đây bỏ 6 câu nói về việc vẽ giao long trên thân mình để khi xuống nước đánh cá khỏi bị giao long làm hại. Nói vậy là hiểu sai huyền sử, hạ thấp tục văn thân (vẽ hình giao long trên mình) xuống đợt lợi hành, mà chính ra phải hiểu trên đợt an hành tức vẽ hình giao long (vật tổ) để mình đồng hóa với vật tổ. Nghi lễ Văn Thân được hiện thực trong lễ Thành Đinh (vẽ mình là một thứ chứng minh thư đã làm lễ thành đinh) cùng với nhiều nghi lễ khác để nhiều người chị lễ chứng tỏ đức hùng cường là đức căn bản để mình đồng hóa với giao long (tổ phụ) đặng trở nên nhân chủ. Về sau ý nghĩa này đựơc đưa vào Kinh Dịch với 6 thể rồng để chỉ các chặng tiến của con người trên đường tâm linh. Ý nghĩa thâm sâu cao cả còn để ấn tích chói chang lại trong lễ thành đinh và Kinh Dịch rõ ràng thế mà còn bị óc duy sử hiểu sai, huống chi các tiêu biểu khác như cái bọc trăm trứng nói ở trên. Nếu biết hiểu theo huyền sử nghĩa là phải so đo với nhiều nơi khác thì sẽ thấy sự giải nghĩa tránh nạn giao long là lố bịch, vì trên miền Altai cũng xâm mình hươu nai. Ở Lào cũng có xâm mình rồng. Ai xâm mình rồi thì được coi là có can đảm được vào ở chùa… chẳng có liên hệ gì tới đánh cá hết. Vậy xâm mình rồng chỉ có nghĩa là nhận vật biểu rồng cho bên nam (họ cha) y như bên nữ mặc áo có lông hồng (trĩ) chỉ họ mẹ vậy.

Xa thư. Đây là hai chữ khéo vô cùng để nói lên nét tiêu biểu của hai nền văn hóa Tàu Việt. Xa là xe, thư là sách. Đó là hậu quả đầu tiên của hai miền Bắc Nam. Bắc chỉ Hoa tộc ghé theo du mục mà dấu hiệu là xe và ngựa (nhớ tên Hoàng Đế là Hiên Viên có nghĩa là xe); còn Nam là Văn Lang Quốc thì quốc bửu phải là sách. Xin nhớ sách ước gậy thần của Hùng Vương. Phương Nam thường dùng thuyền thay vì xe, nên nhiều học giả phân ra hai nước Tàu: một Tàu đi xe (ngựa) mạn Bắc, một Tàu đi thuyền mạn Nam. Đến thời Nghiêu, Bắc Nam bắt đầu giao thiệp trao đổi văn hóa (Hoàng Đế mới lấn át Việt chứ chưa có trao đổi văn hóa). Bắc đưa ra xe, Nam đưa ra sách. Sách đây là “Kinh vô tự” tức Kinh Dịch, không có chữ vì ở 3 đợt phôi thai chỉ gồm tòan biểu tượng. Tóm lại Bắc Nam giao thiệp từ đời Nghiêu và đã trao đổi hai bửu bối rất xứng hợp cho hai nền văn hóa, du mục đưa ra xe (Bắc). Còn Nam là văn hiến chi bang nên đưa ra sách Kinh Dịch được biểu thị bằng rùa trên lưng có 64 chấm (64 quẻ).

Chuyện trao đổi “thư xa” còn lặp lại nhiều lần, thí dụ đời nhà An sang chiếm nước ta lấy được ngọc Long Toại như được kể lại trong Kinh Hùng số 44, hoặc truyện Phù Đổng Thiên Vương và truyện Việt Tỉnh Cương (số 79) biểu lộ rõ tính chất du mục (xâm lấn) cả về văn hóa biểu thị bằng sự việc lấy được ngọc Long Toại (một biểu tượng khác của Kinh Dịch vì ngọc Long Toại có cặp đôi sống mái), tức âm dương, nền tảng chính của Kinh Dịch. Trong huyền sử ca không nhắc tới chuyện này nhưng nhắc truyện Bạch trĩ (Kinh Hùng 71) xảy ra đời Chu Thành Vương bên Tàu (năm 1110 tr.cn) Hùng Vương muốn thăm dò động tĩnh Trung Quốc mới lấy cớ cống chim Bạch trĩ. Trung Quốc đáp lễ bằng xe Tí Ngọ. Hai vật trao đổi cũng giống trước, một đàng văn là chim bạch trĩ. Trĩ là chim tổ của Việt tộc trong thời còn thờ mặt trời. Xin nhớ câu “tùy dương Việt trĩ”. Chim phượng (hoàng) đều vẽ theo hình chim trĩ nên nhiều học giả đồng hóa phượng với trĩ). Còn Trung Quốc trao đổi xe Tí Ngọ: Tí bắc, Ngọ nam tức xe có gắn địa bàn hay kim chỉ nam. Vật trao đổi vẫn là xe như lần đầu, nhưng lần này đã có tiến bộ là sáng chế ra địa bàn. Dầu vậy văn hóa chưa sâu nên chưa hiểu được ý nghĩa đồ “cống” của phương Nam. Nói bóng là ba tầng thông ngôn mà không hiểu nhau. Lần trước đời An xuống chiếm ngọc Long Toại rồi nằm chết chôn ở đó cũng có nghĩa là không hiểu nổi nét song trùng của Việt tộc, nói là bị chết chôn ở đó.

Từ câu 65 đến câu 80 kể truyện minh sư của triết ly An Vi là Thánh Dóng sinh ra 3 năm không biết nói, nhưng lại biết làm, làm quá cỡ, đấy là an vi (làm cùng cực hợp với Kinh Vô Tự = không nói nhưng làm làm, sinh sinh, hóa hóa). Khi dẹp giặc An rồi không ở lại hưởng lộc nhưng lên núi Sóc Sơn để hóa (đó là an vi, không bị sự đời trì kéo). Vì thế Sóc Sơn cũng gọi là Linh Sơn. Núi đó ở miền An Việt, quê hương của triết lý An Vi, là triết Nhân chủ xây trên số 3 (số của người) kép lên thành 9, 9 đi ra rồi 9 đi vào thành 18 nên Thánh Dóng cưỡi ngựa cao 18 thước… Mấy số trong này nói lên rõ tính chất huyền sử, chớ có đem óc duy sử vào mà hỏi có với không, vì thế nên bỏ câu sau số 80:

“Miếu đình còn dấu cố viên

Chẳng hay truyện cũ lưu truyền có không?”

Nếu hiểu đúng thì có vô cùng, có rất thâm sâu.

Câu 65 bản cũ viết là

“Sáu đời Hùng vận vừa suy”

Kinh Hùng nhận bản văn nói Hùng Vương thứ 3 mà không thứ 6, vì số 3 ý nghĩa hơn (hợp số 3 căn bổn của Việt) vì thế đổi và chữa cho câu văn trở nên chung chung “nhân khi vận nước gặp nguy” chứ không phải vừa suy. Hùng Vương thứ 3 mà suy sao?

Bổ đi = thêm vào. Mấy thâu là mấy thu, đọc thâu vì vần thơ.

Từ câu 84 đến câu 107 kể truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh tranh hơn gây nên bao tang tóc. Đó có thể là hình bóng sự chia rẽ về cuối Hùng anh em trên núi dưới biển chống nhau. Tiếp tới truyện Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử tuy hai người cách bậc nhưng vẫn hòa hợp thành vợ chồng được trời chúc phúc cho về Bồng Châu (đảo của tiên ở gọi là Bồng Lai). Hai truyện trên nhấn mạnh đến nét song trùng nguyên thủy của văn hóa Việt: một âm một dương vốn phải đi với nhau, thế mà lòai người chẳng mấy khi đạt được. Ngay đối với Lạc Việt đã xây văn hóa trên “lưỡng hợp tính”, với mẹ tiên cha rồng vậy mà còn có lúc đổ vỡ như Sơn Tinh, Thủy Tinh, nhưng cũng có trường đi đến thái hòa mặc cho địa vị xa cách cũng vẫn đạt được Bồng Lai tiên cảnh. Chính hai yếu tố âm dương đó đã mở đầu cho cuộc tiến hóa thiên địa, mở đầu cho bao cuộc đổi thay trong thiên hạ. Trong đó có hợp có chia. Đó cũng là sử mệnh của nước ta tự đây chi rẽ hoài. Dầu vậy cuối cùng Hồng Lạc vững bền.

“Bể dâu biến đổi cơ trời

Mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn.”

Thưa khó có ai hơn, vì nền văn hóa này đã xây trên tiết nhịp của trời đất cách huy hòang bằng chim Hồng (hộc) cũng gọi là thiên nga và Lạc Long Quânở thủy phủ chỉ đất. Nên cứu cánh của Đạo Việt phải là “phối thiên phối địa” gọi vắn là Giao Chỉ hai chỉ trời chỉ đất giao nhau. Đất trời giao hội là luật phổ biến thì tiên rồng cũng gọi là Hồng Lạc làm sao không dài, hết 9 ra rồi 9 vào là 18.

Kể vua mười tám đời truyền,

Hai ngàn năm lẻ vững bền không lay.

Một dòng phụ đạo xưa nay,

Trước ngang Đường Đế sau tày Noãn Vương.

Hồng Bàng kể từ năm 2879 nhưng Văn Lang lúc thịnh đạt lại kể ngang với Đường Đế là vua Nghiêu Thuấn (2333). Đời Hùng Vương đã chuyển sang phụ hệ, trước đó thì mẫu hệ xem ra còn mạnh, Au Cơ còn cưới rể: Đế Lai về nhà vợ. Noãn Vương là vua cuối cùng nhà Châu lên ngôi năm 314, mất năm 259 cũng xuýt soát thời Thục Phán phá nước Văn Lang lập ra nhà Thục (259-207) rồi tới Triệu Đà 207-137 tr.cn. Các sách sử cũ của ta chỉ bắt đầu từ Triêu Đà v.v… Còn thời Hồng Bàng lại bỏ qua, nếu không coi là “trâu ma thần quái”

PHI LỘ HAI CHƯƠNG SAU

Văn Thao Thiết là diễn đề chủ đạo của cổ nghệ đời Thương tức cũng là ấn tích sự thành hình của Nho giáo. Rất nhiều học giả quốc tế đã nghiên cứu rất sâu rộng về hoa văn này nhưng chưa ai đọc ra ý nghĩa. Sở dĩ có chuyện đó là vì Văn Thao hàm chứa một truyện chưa được nhìn ra đó là tiến trình biến cải của văn hóa Tàu từ du mục sang nông nghiệp (của Việt tộc). Quyển Sứ Điệp đã nói lên ý nghĩa đó (đọc chương VII). Văn Thao Thiết gồm nhiều giai đoạn: từ bạch hổ biến ra hổ phù, trong đoạn này hổ biến dần ra bò (tức từ du mục biến sang nông nghiệp). Rồi từ hổ phù biến ra quỳ long (nửa chim nửa rồng) sau cùng tan rã ra để biến ra long hoặc chim riêng rẽ. Những điều này đã được bàn giải trong quyển Sứ Điệp (chương VII).

Sau đó chúng tôi lại khám phá thấy rằng chính ngay lối viết danh hiệu Hùng Vương cũng có tàng ẩn tiến trình chuyển hóa kia. Để sự nhận thức về nguồn gốc văn hóa dân tộc được sâu xa và đích xác hơn tập này sẽ bàn về tiến trình trên với nhiều tư liệu mới. Độc giả sẽ theo dõi bằng hình ảnh khảo cổ tiến trình Việt đạo thai nghén ra nguyên nho cách cụ thể, nên tuy cao sâu mà không phải duy tâm không tưởng như nhiều người sợ.

Tập này nhằm đặt vài mốc lớn về nguồn gốc văn hóa nước nhà giúp vào việc thải bỏ những yếu tố cổ sử xưa hầu hết sai lạc hay ít ra cũng là hạn hẹp bất toàn.


Chương 13

CHIỀU SÂU CỦA DANH HIỆU HÙNG VƯƠNG

Với những người Việt thì Hùng Vương là tên riêng của tổ, nhưng đó chỉ là hậu quả của sự thành công trong việc đề cao một đức tính trổi vượt làm như mẫu mực hướng dẫn dân nước. Rồi do sự gọi lâu đời nên chỉ nghĩ đến Hùng Vương như nhân vật lịch sử mà sao lãng nội dung của danh từ chung chỉ đường hướng văn hóa đặc biệt. Vì thế ngày nay muốn thấy ý nghĩa nguyên thuỷ của danh xưng nọ cần phải ôn lại bằng cái nhìn bao quát toàn cuộc tiến hóa nhân loại để thấy vị trí của danh hiệu anh hùng hoặc hùng vương đứng ở giai đoạn nào.

Khởi đầu khi mới xuất hiện con người ở trong hang hốc, sống bằng săn hái và tụ tập thành những nhóm nhỏ như bộ lạc, thị tộc… Tình trạng này kéo dài rất lâu cho tới lúc của ăn thưa dần, không đủ nuôi sống số người ngày một gia tăng. Sự việc đó đòi con người phải từ bỏ săn hái để tụ làm ra của ăn: đó là thời kỳ bước vào nông nghiệp, chăn nuôi, làm nhà, dệt áo… Vậy đó là một khúc quanh rất quan trọng của giống người mà các nhà khảo cổ đặt vào thời đại đá mới. Thời này đòi hỏi một thứ lãnh đạo mới rộng hơn xưa để thực hiện những công việc có tính cách lớn lao như đắp đê, dẫn thuỷ nhập điền hoặc chống ngoại xâm. Đó là những việc vượt tầm sức của thị tộc. Chỉ cần một tổ phụ của đại gia đình hay gia tộc đã đủ. Nhưng rồi tổ hợp gia đình trở nên quá bé nhỏ không đủ cho đợt tiến mới rộng lớn hơn. Cần phải đi đến một cấp tổ hợp lớn như bộ tộc, một bước sửa soạn để thành quốc gia, cần cấp lãnh đạo. Chính trong giai đoạn bộ tộc nọ mà người ta thấy nảy sinh ra hai loại người lãnh đạo là anh hùng và vua. Vua là người nắm binh quyền thường hiện thực bằng võ lực. Song song với vua có tư tế nắm quyền lực về tôn giáo. Khi nào vua kiêm luôn chức tư tế thượng phẩm thì là vua thần. Vua dựa trên quân đội, còn tư tế dựa trên thần quyền, cả hai giồn lại một thì thành nhà chuyên chế có đủ uy quyền nô lệ hóa con người cả thân lẫn tâm. Chế độ này kéo dài làm nảy sinh ra nơi người bị trị tính ỷ lại, ỷ lại là một thứ lười sâu xa bao gồm sự mất tin tưởng vào nội lực của con người, giao phó cho kẻ thống trị toàn quyền định đoạt về vận hệ của mình. Điều đó có nghĩa trầm trọng là chấp nhận thân phận vật hóa, không còn biết đến quyền làm người. Vì con người đạt được nhân tính hay không thì quan trọng nhất là đức hùng tâm dũng khí. Thời sa đọa thì các thuyết lý và đạo giáo đều suy vi vì điểmỷ lại này. Đó là hậu quả của các chế độ chuyên chế tóm vào hai chữ vua thần.

Bên cạnh vua thần lại có một thứ uy quyền khác gọi là anh hùng. Đây là những người có quyền lực phi thường làm được những việc vĩ đại mà người thường không dám mơ tưởng tới. Chính những việc cao cả ấy hé mở cho con người thấy được phần nào hình ảnh lớn lao của con người toàn diện, vì vậy người ta thường gán cho những vị một thứ uy quyền siêu vượt không hẳn là thầnquyền nhưng rất mầu nhiệm tương đương với thần quyền nhưng đặt nơi chính con người. Điều đó nói lên chiều kích con người lớn lao cao cả vượt xa tầm vóc xác thân đến độ đặt ngang cùng trời đất. Nhà lãnh đạo anh hùng không dựa trên quyền bính võ lực nhưng trên uy quyền, nên chính thức không phải là thống trị mà chỉ cai trị tức điều hợp công tác chung và nhất là xuất hiện như gương mẫu cho mọi người. Khi loại người lãnh đạo này nắm quyền bính trong tay thì gọi là Hùng Vương tức vừa là thủ lãnh như vua, nhưng không dựa trên võ biền mà dựa trên tài đức vượt bực tạm gọi là anh hùng văn hóa (ngược với bên võ biền của vua thần). Vì vậy công nghiệp để lại toàn là những việc thuộc văn hóa tâm linh cao cả, nói bóng là nối trời với đất như truyện bánh dầy bánh chưng, truyện Thánh Dóng, truyện trầu cau v.v… Như vậy anh hùng thuộc về văn hóa và thường đặt nền trên nông nghiệp, phát xuất từ thị tộc hay ít ra vẫn giữ những đức tính gắn liền với thị tộc như đặt căn bản trên dòng tộc, lấy gia đình làm đơn vị, tức là đặt trên tình người. Đó là xã hội tình ngược với xã hội lý của vua thần thuộc về du mục đặt nền trên luật pháp nghiêm minh, lấy chiến tranh chinh phục làm quốc sách. Lối du mục này đề cao tù trưởng tận trời xanh để sửa soạn tâm hồn người bị trị sẵn sàng vâng phục một cách tối mặt vì thế bắt toàn đàn tôn thờ mình như thần thánh, nên gọi là vua thần. Đó là khuôn mẫu của óc chuyên chế mà ta thấy xuất hiện khắp nơi nhất là ở Babylon, Assyria, Egypte… Tất cả đều xây dựng trên sự người bóc lột người.

Con đường Hùng Vương thì khác hẳn, không đi lối chinh phục bằng võ biền nhưng bằng uy tín gọi là thần phục, nghĩa là được người ta suy phục vì tinh thần, vì uy tín của nhà lãnh đạo, nên người suy phục vẫn còn là người với đầy đủ tự do nhân phẩm. Dấu hiệu của thần phục là huyền thuật. Dùng hai chữ huyền thuật là nói theo thời xa xưa, hễ cái gì vượt xa hơn mức thông thường thì liền được gán cho một hào quang óng ánh kỳ lạ. Huyền thuật của Hùng Vương nước ta được kêu là sách ước gậy thần. Khi nghiên cứu theo các khoa tân nhân văn nay thì ta nhận ra rằng sách ước gậy thần chính là kết tinh nền minh triết nông nghiệp vốn gắn liền với lịch số nên hay dùng huyền số: như gậy thần có 9 đốt, sách ước có 3 trang. Đó là gốc của nền văn minh nông nghiệp, một thứ tổ hợp theo mẫu gia đình: người trong nước coi nhau như anh em. Nói theo nay thì là một lối nhân chủ sơ nguyên, nó giàu nội dung hơn chế độ dân chủ ngày nay ở chỗ lấy tình nhà làm mẫu nước, lấy lối xưng hô thuộc gia đình để bao trùm mọi mối nhân luân: bất kỳ ai xa lạ cũng gọi bằng cách thân mật như người trong gia tộc: bà, con, cô, bác… Xa xưa loại anh hùng văn hóa đã xuất hiện khắp nơi nhưng sau bị du mục lấn át chỉ còn sót lại lẻ tẻ đôi nơi không mấy đáng kể. Nhưng may thay trong miền Việt tộc còn khá nhiều và có thời đã kế tiếp nhau cai trị cách liên tục đủ sức in dấu lại trên nếp sống bằng những huyền thoại, huyền số để làm nên một thứ minh triết gọi là Hùng Vương mà Việt tộc có cái may mắn trở thành kẻ thừa kế và đại diện. Do đấy mà loại danh chung trở thành biệt danh tức nói đến Hùng Vương thì ta có quyền nghĩ ngay đến vua nước Văn Lang của Việt tộc, là vì Việt tộc có may mắn giữ lại được nhiều nhất ý nghĩa trung thực của hai chữ anh hùng; nhưng chính ra Hùng Vương với nước Văn Lang vẫn là loại danh chỉ đường lối lãnh đạo dùng văn trị nên nước được gọi là Văn Lang, dân con được gọi là “trai hùng gái đảm”, bất kỳ ở đâu nếu hiện thực văn trị cũng gọi được là Văn Lang với vua Hùng.

Đó là bước tiến cao cả của con người trên chu trình tiến về nhân chủ tính. Xét theo các bức họa còn để dấu lại trong các hang động của người thái cổ thì dấu hiệu của anh hùng thường là loài mang cánh chim gọi là vũ, ngược với bên du mục là loài mang lông thú dữ gọi là mao. Hễ du mục tiến mạnh ở nơi nào thì trong các hang và nhất là cổ nghệ ta thấy nổi bật lên hình các mãnh thú: sư tử, hùm, báo, bi, làm át hẳn loại người có cánh chim. Trong các hang thời đá mới cũng thấy hình vật có cánh nhưng thưa dần và phần nhiều chỉ còn lại như trang trí. Đó là dấu chim đã mất vai trò vật tổ rồi, bị đày xuống làm đồ trang trí. Loại có cánh chỉ xuất hiện nhiều bên Đông Nam Á, nhất là với Việt tộc mà nơi quy tụ chói chang hơn cả là họ Hồng Bàng với Trống Đồng làm điển chương, nơi quy tụ của những con người “có cánh” (mang cánh chim) với vai trò cao cả: vật tổ hoặc vật biểu.

Hình người tiên có lông chim nên gọi là vũ hóa. Vũ là lông chim đối Mao là lông thú.

Hồng Bàng thị lấy ngay tên chim Hồng làm họ, rồi đến các tiên mẫu đều mang tên chim như Âu Cơ là Hải Âu, Vụ Tiên là vịt trời, Lộ Bàn là cò trắng v.v… Đây là lý do tại sao trên mặt trống ta thấy tràn đầy chim: cả thuyền, chày giã, cả nhà đều được gắn lông chim. Coi thường ta không để ý nhưng nếu xem trong thế đối chiếu với du mục đề cao thú dữ sẽ dễ nhận ra giá trị tinh thần của những hình chim kia: nó làm nổi bật lên liên hệ giữa chim vớ hùng nên chữ hùng trong tên Hùng Vương phải viết với bộ chuy là chim mà không viết hùng gấu như sẽ nói trong chương sau về Hiên Viên. Như vậy ta thấy Hùng Vương quả là anh hùng thượng thặng. Anh Hùng viết hoa tức Hùng từ trong tên tuổi, từ trong tính chất, cũng như trong lối xuất hiện: mẹ Âu không những mang tên chim mà còn đẻ con theo lối chim (tục điểu) = đẻ trứng rồi ấp.

(Hình)

Trên đây là nói về danh xưng và biểu hiệu. Bây giờ cần xét đến công việc của Hùng Vương, hay là xét tới cung cách hành xử của ngài xem danh có nội dung xứng hợp chăng, và sung sướng thay ta cũng thấy cung cách của Hùng Vương khác hẳn con đường vua thần: không đặt nặng vấn đề pháp luật, quân đội (chỉ đến lúc chống xâm lăng mới hô toàn dân đứng lên, về sau lối đó biến ra truyện Thánh Dóng). Đấy là điểm một.

Điểm hai là bãi bỏ lối vua thần ưa dùng lừa đảo, đề cao quỷ mị. Trái lại quỷ mị ở đây bị phá bỏ như được biểu thị trong ba vĩ tích của Lạc Long Quân là diệt Hồ tinh, Ngư tinh, Mộc tinh. Đó toàn là những quỷ mị của thời bái vật được phía vua thần khai thác triệt để hầu khống chế con người tới tận tâm can trí tuệ. Ngược lại bên Hùng Vương thì Lạc Long Quân phá hết để đến vua con được rảnh tay xây nền nhân chủ viên mạn tức đạo làm người ung dung không bị những quỷ mị kia khống chế, vì thế tôi gọi là An Vi. Thuyết đó được biểu thị cách rất thú vi trong bánh trời bánh đất áp lên nhau làm thành của nuôi con người. Nhờ của nuôi có tính cách vũ trụ nọ mà con người trong văn hóa Viêt tộc có sức lớn lên bằng chiều kích vũ trụ với cái tâm bao la mà Kinh Dịch kêu là “vũ trụ chi tâm”. Về sau Nho giáo đã công thức hóa bằng câu dịnh nghĩa con người là Đức Trời Đức Đất giao hội (giao chỉ) “nhân giả kỳ thiên địa chi đức”.

Đó là một câu định nghĩa chân thực tràn đầy nội dung của con người Đại Ngã mà cụ thể là những người tự cường tự lực của con cháu Hùng Vương ta quen gọi là trai hùng gái đảm làm nên một dân tộc mà học giả Paul Mus gọi là “một dân tộc anh hùng không có anh hùng ca”. Đây là câu khen ngợi chí lý nhưng không mấy ai hiểu hết ý nghĩa là vì người Việt đã lầm theo cái lầm của văn minh du mục đề cao sức mạnh võ biền hoàn toàn sinh lý không cần lưu ý chi tới nội dung để xét cặn kẽ mọi mặt như xét xem mục đích có cao thượng cùng chăng. Sự lầm này được cô đọng vào việc dùng chữ anh hùng để dịch chữ epic có nghĩa là võ ca (Võ công ca). Sự dịch lầm có phản chiếu một sự vô tình đề cao óc du mục được chiếu giải vào những áng văn chương kêu là epic như Iliade của Hy Lạp hay Ramayana của Ấn Độ. Phải công nhận rằng văn chương trong epic thực là oai phong bi tráng, nhưng hỏi có một cái gì cao cả đâu: bởi không phải chống xâm lăng, cũng không phải vì dân vì nước, mà chỉ nhằm những mục tiêu riêng rẽ.

Iliade kể chuyện chiến chinh để báo thù cho vua Menelaus mà bà vợ đẹp tuyệt vời bị Paris bên Troy cướp; sự lãnh đạo của Agamemnon không vượt tầm chiến thuật: đánh cách nào để nắm vững thắng lợi. Các nhân vật thì rất xa với tự cường tự lực: toàn như những thằng phổng do thần giật dây, động ứng theo cảm xúc nhất thời chứ không thấy lý tưởng gì cao cả. Vậy mà Tây Âu cũng gọi là hero. Tiếng này có nhiều nghĩa mà nghĩa nổi hơn cả là người nổi về dũng cảm về sức mạnh, do đó chữ hero cũng được dùng để chi cái sandwich bự. Một nghĩa nữa là kép mùi tức là vai chánh trong một tuồng hát hay tiểu thuyết. Cuối cùng chữ hero cũng có nghĩa cao cả nhưng lại bị coi thường. Đó là đầu mối cho sự dùng bậy bạ: dịch epic bằng anh hùng ca mà thực ra chỉ là võ ca.

Trong võ ca Ramayana của Ấn Độ tuy không thiếu ý tưởng cao siêu về minh triết, đạo tâm, luật pháp… nhưng đó là những phần thêm vào sau chứ mở đầu cũng giống Iliade là chàng Ravana cướp đoạt nàng Sita và việc dành lại Sita cho Ravana không mang đến cho dân Ayodhya cái thớ gì cả. Còn bầu khí thì cũng võ biền man rợ được cô đọng trong câu Bhima nguyền rủa Dushasana “Tao sẽ bổ tim mày ra để uống máu mày”. Việt cộng đã mù quáng theo bài học nuôi dưỡng óc căm thù đó trong câu hát “thề phân thây uống máu quân thù” cái óc khiến kẻ thắng trận lên mặt kiêu căng phách lối, hạ nhục đối phương đến cùng triệt kèm theo những cảm nghĩ thấp hèn tiểu nhân. Toàn truyện Iliade xoay quanh sự giận hờn của Achille đến nỗi có thể dịch epic là “tức khí ca”, “oán hờn ca” cùng lắm thì là “dũng khí ca” cũng được. Có suy xét như vậy mới hiểu được lối nói của Paul Mus rằng “người Việt là một dân anh hùng không có anh hùng ca” là câu khen tặng tuyệt vời: tức là con người hùng của Việt tộc không tạo tên tuổi bằng võ biền bằng chinh phục, nhưng bằng cố hiện thực việc lớn lao cho dân, cho nước, cho hoàn vũ.

“Vũ trụ chi gian giai phận sự

Nam nhi đáo thử thị anh hùng”.

Đó là đại để ý nghĩa hai chữ Hùng Vương mà chúng ta chỉ còn cảm thấy mập mờ thấp thoáng. Một vì quálâu đời nên danh xưng giảm sức tác động. Hai vì đã bị du mục lấn át. Các nơi khác óc du mục đã chôn táng hẳn tinh thần Hùng Vương, còn ở Việt tộc tuy tinh thần đó không bị chôn táng nhưng cũng bị cướp đoạt và lấn át hóa ra lu mờ. Tuy nhiên vì nội lực rất thâm hậu nên đã khôngbị huỷ diệt, trái lại đã đủ sức phục hoạt để cảm hóa óc du mục.

Hiện nay con người đang giẫy giụa trong tình trạng tha hóa do sự lấnát của óc du mục chuyên chế. Bi trạng đó đang đi đến cùng cực. Theo Kinh Dịch thì “cùng tắc biến, biến tắc thông”! rồi đây con người sẽ có cơ lấy lại quyền làm người theo đúng nghĩa tròn đầy viên mãn. Lúc ấy danh nghĩa Hùng Vương sẽ lấp lánh trên vòm trời siêu thức của con người để con người từ bỏ tật ỷ lại vào tha lực để mạnh dạn đi vào con đường tự cường tự lực của Nhân chủ.




Chương 14
 
TỪ HÙNG GẤU TỚI HÙNG CHIM

Chữ Hùng trong Hùng Vương viết với bộ chuy chỉ về loài chim ngắn đuôi. Đó là truyện dễ hiểu vì Hùng Vương là con của mẹ tiên cha rồng, mà vì yếu tố mẹ còn mạnh nên con mang họ chim là phải. Nhưng xét ở thời sơ khai thì Hùng cũng có họ với gấu, chứng cớ là Hùng Vương sinh ở cung dần, cung thứ ba chỉ loài hùm, gấu, báo nên nói là sinh ra tháng 3. Như vậty thì sao. Chỗ này có thể giải nghĩa hai lối: một theo tâm linh, sinh ở cung dần để có được được đức hùng cường của cung dần, đặng tiến lên bậc nhân chủ, vì “nhân sinh ư dần”. Nếu Hùng Vương đạt đạo nhân chủ tất phải sinh ở cung dần. Lối giải nghĩa này rất hợp đồng văn.

Nhưng còn một lối giải thích khác cũng có thể chấp nhận được đó là ở thời nguyên thuỷ dòng tộc Hùng Vương cũng đã trải qua giai đoạn du mục hoặc nhẹ hơn là săn bắt, nên có thời đã nhận gấu hoặc một hai loại tương tự làm vật tổ, thế rồi sau tiến hóa dần dần leo lên đến hùng chim. Chẳng biết có xảy ra thế hay không nhưng trong cổ sử và cổ nghệ còn gặp ấn tích của tiến trình biến thể đó. Có phải đó là tiến trình biến thể của Hùng Vuơng hay chỉ làtiến trình biến thể củaHiên Viên (chỉ Tàu) ban đầu có óc du mục họ gấu (bạch hổ) nhưng sau gặp văn hóa Viêm Việt đã biến thể dần để cuối cùng nhậnvật biểu của Việt là rồng (long). Dù của Hùng Vương hay Hiên Viên đàng nào cũng là việc ơn ích khi theo dõi cuộc biến thể nọ. Bài này sẽ thử phác họa lại tiến trình đó.

Nên nhớ lại ban đầu Hiên Viên cũng có họ Hùng. Sách Đông Chu Liệt Quốc viết: “xưa kia cả Hoàng Đế lẫn Viêm Đế đều là con cháu của Thiếu Điển Hùng Quốc Quân”. Câu nói trên có điểm lúng túng bất ổn. Một là đặt Hoàng Đế trước Viêm Đế. Viêm Đế có trước cả đến ba bốn trăm năm sao lại đặt ngược như vậy. Thứ đến Viêm Đế chủ nông nghiệp thuộc họ hùng chim tại sao hùng gấu của Hoàng Đế lại chen vào đây.

Chỗ này có thể trả lời là Hùng Vương đại diện cho ngành nông nghiệp đã tiến mạnh trên đường nhân chủ. Thoạt kỳ thuỷ Hùng Vương cũng là hùng gấu, sinh ở cung dần chỉ chung loại hùm, gấu, hổ. Nhưng rồi hổ biến thể hóa lân, ra chó gọi là Bàn Hồ tức con hồ của họ Bàng, hay Bành, Ban… sau này tên Việt tẩu viếtvới bộ tuất có thể hàm tàng mối liên hệ này. Chữ tuất chỉ chòm sao chó, nên là loại rất chung thuỷ và còn gần với hổ, hay hùm mà trong các đảo Thái Bình Dương như Bornéo chẳng hạn gọi là Aso. Các nhà khoa học có khi kêu là long cẩu hoặc aso-dog, mà cũng có thể là hùm aso-tiger (1). Ta nên nhớ đây là giai đoạn còn đang hình thành trong bầu khí biến dịch thì các vật tổ không có hình thái cố định nên hổ ra cá, ra ba ba, rồi ra chim như ta sẽ thấy sau về hùng chim của ta. Còn hùng gấu của Hoàng Đế vì mang đậm tính chất du mục banđầu nên đi với họ gấu rõ và lâu hơn.

(1) Prehistoric Man. Lommel p.80

Ta biết Hiên Viên xuất hiện với đội quân “hổ, báo, hùng, bi” là đã thò đuôi du mục ra rồi. Tính của du mục là chinh phục là chiếm đất, chiếm người và nhất là chiếm cả văn hóa nông nghiệp. Vì thế quen gọi Tàu xuất hiện từ đế kỷ tức với Hiên Viên cũng xưng là Hoàng Đế, nhưng đúng ra chỉ được xưng là Đế. Còn xưng Hoàng là chiếm đoạt. Huyền thoại nói là Hiên Viên chiếm sắc vàng (hoàng) của Li Vưu. Hoàng đây hiểu là màu lúa mễ chín vàng và hiểu cao lên là màu trung cung cao cả. Đó là màu thuộc thời Viêm Việt đi trước, nước Việt xuất hiện ở thời Tam Hoàng nên gọi là Hoàng Việt. Nền văn hóa này đã có bộ cơ cấu vĩ đại là nét song trùng số 2 với thuyết Tam tài số 3, vớ ngũ hành số 5, cửu lạc số 9. Người xưa đã “huyền sử hóa” bộ cơ cấu nọ bằng các anh hùng văn hóa: nét song trùng là Phục Hy Nữ Oa, rồi Tam tài trở nên Tam Hoàng là thêm Thần Nông vào nữa thành Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông. Sau đó mới đến ngũ “đế” tuy cũng tiếp nối tinh thần nông nghiệp nhưng kém Tam Hoàng một bực, vì Tam Hoàng thuộc vòng trong, ngũ đế thuộc vòng ngoài.

Người sau nhại lại hai vòng này bằng vòng ngoài lịch sử là Tam Vương (Hạ, Thương, Chu) ngũ bá (Tề, Tấn, Sở, Tần, Việt). Nói vậy đủ biết Tam Hoàng Ngũ Đế chỉ cơ câu tiên thiên không chứa nội dung lịch sử: không có ý kể lại những biến cố đã thực sự xảy ra, mà chỉ cốt đưa ra cái dạng thức sơ nguyên của Việt Đạo, vậy mà dám đem dùng như sử thì rất dễ sai lạc. Hiên Viên đã không hiểu được điều đó nên theo lòng ham hố danh vọng muốn đeo lon Hoàng mà thực ra chỉ là Đế. Đế thì quá rõ rồi không thể xóa bỏ được; thành tích chiếm đoạt còn đó. Hiên Viên phải giữ nguyên chữ Đế nhưng quàng thêm chữ Hoàng vào thành ra Hoàng Đế. Thực là mâu thuẫn vì Đế là chinh phục, xâm lăng; còn Hoàng là đàng hoàng không xâm chiếm mà chỉ dung uy tín linh thiêng. Thế nhưng Hiên Viên đã bất kể nên chiếm đoạt luôn chữ Hoàng (1). Làm thế nào? Gảy Nữ Oa ra rồi chễm chệ vào ngồi giữa. Vì vậy mới có vụ Hoàng Đế đặt trước Viêm Đế: đó là tội thuộc chính trị.

(1) Hiên Viên phải hiểu là những sử gia đời Hán đã nguỵ tạo nên vai Hoàng Đế để chiếm công vi tư: chiếm thành tích của gốc chủng ViêmViệt làm của riêng chi Viêm Hán.

Tội hai thuộc triết lý là duy dương: Tam Hoàng cũ có âm dương, âm là Nữ Oa ngự giữa hai dương để làm chủ tức là nguyên lý mẹ nay bị Hiên Viên gảy ra để chiếm cho nên Tam Hoàng thành ra đực rựa: Tam Hoàng đốc ra đế tuốt luốt. Thế là Hùng gấu của Hiên Viên lấn át hẳn Hùng chim của Văn Lang quốc. Tội Hiên Viên còn nhiều lắm xin để gịp khác kẻo bài dài quá.

Ở đây chỉ xin hỏi liệu rồi Hùng chim có quật lại được Hùng gấu chăng? Thưa có như ta đọc thấy trong huyền thoại về ông Cổn. Ông Cổn là cha ông Vũ được ông Thuấn sai đi “trị thuỷ” nhưng ông thất bại vì đã đắp đê ngăn nước làm chìm mất ngũ hành, bởi thế ông bị cức tử trên núi Vũ Sơn. Nói Vũ Sơn cũng được hay nói “núi chim” tức là núi của Viêm Việt là một. Cho nên nói ông Cổn bị cức tử trên núi Vũ Sơn là nói lên tinh thần du mục của ông Cổn bị diệt bởi tinh thần Hùng chim. Truyện kể tiếp rằng xác ông Cổn bị vất xuống vực thẳm lâu ngày biến thành một thuỷ loại mà các học giả không thể xác định là cá hay là gì. Sách Nhĩ Nhã chương 16 viết như chữ Hùng gấu nhưng chỉ có ba chấm nên kẻ thì đọc Hùng, người đọc nai hoặc năng. Có người nói đó là một giống cá, người khác bảo là ba ba, hoặc một giống rồng. Thực ra thì nó là một “thuỷ loại” trong quá trình biến thể từ gấu qua cá, rồi ba ba để cuối cùng ghé qua rồng. Vì lẽ đó dòng gõi nhà Hạ (con ông Cổn) thường tế gia tiên bằng rồng hơn là bằng gấu hay cá. Sự phân vân này đã xảy ra vì đây là một sự chuyển hóa từ Hùng gấu đến Hùng chim xuyên qua cuộc thay đổi cơ cấu như sau: trước hết gấu Cổn rụng hết một chân còn ba. Theo cơ cấu thì đó là từ vật chất lên tinh thần nói hình bóng là từ đất lên trời, nói theo siêu hình là từ không gian số 4 chuyền qua thời gian số 3, cùng một quá trình như cóc 4 chân nhưng từ ngày lên chức Câu ông Trời thì mất một chân. Thực ra nói mất không đúng, phải nói là trút đi được một chân: vì số 4 là số du mục, phải thải bỏ mới ra ba tức tiến lên tinh thần nông nghiệp thời trời số 3.

Ở hai văn minh Lưỡng Hà và Hy Lạp không có vụ chuyển hóa này (từ không gian số 4 sang thời gian số 3), mà chỉ có số 4 sấp một, nên duy vật ròng kémViêm Việt chỗ đó). Như vậy nếu cần gọi tên thuỷ loại kia cách sát thực hơn cả thì hùng ba chân chính là con ba ba. Nếu dịch ra tiếng Pháp thì xin cố giữ được tiếng ba, thí dụ đừng dịch là Tortue molle mà nên dịch là tortue à trois pattes chẳng hạn, tức phải hiểu ba ba theo nghĩa huyền sử: ba ba là chín thì mới ra “cửu lạc”. Hoặc ông Cổn có rụng đi một chân còn lại ba thì con ông là Vũ mới đúc nổi cửu (9) đỉnh, tức cùng cơ cấu với vụ Hùng Vương được cưu mang 3 năm 3 tháng, hoặc Hùng Vương thứ 3 truyền ngôi cho công tử thứ 9, hoặc tục nước ta xưa cứ để mồng 3 tháng 3 thì ăn bánh trôi nước (xem Vân Đài Loại Ngữ tr.470).

Tuy lưu truyền nói ông Cổn hóa ra con ba ba là đúng nhưng chưa đi hết quá trình biến cải. Vì thế ở trên tôi đã dùng danh từ thuỷ loại, tức một sinh vật sống dưới nước, nhưng lại thuộc dòng lưỡng thê (amphibious) nên cũng có thể sống trên bờ. Vì thế đó là giống ba ba đặc biệt, cứ đến Hạ Chí thì biến ra rắn, rồi đến Đông Chí hóa ra chim trĩ. Quý vị thấy chưa máu Tiên Rồng của Lạc Việt đã trào lên rồi đó: máu tiên trong chim trĩ, máu rồng trong rắn. Thế là sau một chuỗi chuyển hóa Hùng gấu trở nên Hùng chim tức du mục được cải hóa ra nông nghiệp. Điều ấy chứng tỏ rằng văn hóa của Lạc Hồng, của con cháu Hùng Vương có nội lực rất sung mãn, đủ sức nhiều lần cải hóa được kẻ xâm lăng nặng óc chiếm đoạt. Sử Tàu không chi khác hơn là những cuộc du mục xâm lăng, khởi đầu trấn át tinh thần nông nghiệp, nhưng rồi tinh thần này lại dần dần trồi lên đến độ có thể cải hóa kẻ xâm lăng, để rồi lại bị đợt xâm lăng khác.

Đợt hiện nay tràn đến dưới danh hiệu cộng sản đã dẫm nát tinh thần nhân chủ Việt tộc nhưng hiện đã tỏ ra dấu suy tàn, rồi cũng sẽ đi vào giai đoạn bị giải thể.

Sau đây là một truyện được thâu lượm trong Vân Đài Loại Ngữ (tr.535).

Truyện rằng: “Ở khúc sông làng Vĩnh lại huyện Sơn vi, và sông Mạc giang huyện Tam nông cũng có cá anh vũ mà không béo. Cá ấy ở sông Việt trì lại ngon lắm, cứ đến tiết tháng đông lạnh mới có, không biết nó đi đâu? Còn từ sông Bạch Hạc trở xuống không có một con nào: vì cá ấy chỉ ở đến giới hạn sông Việt trì thôi”. Thuyết ấy thật vô lý. Tục truyền rằng: “đời xưa, ở biền giới tỉnh Hưng hóa, có một cây ngô đồng cao ngất trời, rễ cây ăn xuyên sang tận Trung Quốc. Mỗi khi cơn gió vàng (gió Thu) nổi lên, thì lá cây ngô đồng ấy rụng, bay sang tận trước cung điện vua Ngô. Vua Ngô hỏi sứ nước Nam mới biết chuyện, bèn sai Lý Bạch cưỡi ngựa sang tận nơi trấn áp”. Lý Bạch yểm xong, khi trở về, để một tờ giấy cho một bà lão già, và dặn rằng: “Đợi đến ngày mồng 10 tháng 3, gián tờ giấy ấy lên ngô đồng”. Bà lão quên ngày dặn; mới đến đầu tháng 3 đã vội đem tờ giấy ấy dán vào cây ngô đồng, một lúc thì cây ấy đổ. Một cánh cây ấy bay đi, đè chết Lý Bạch ở giữa đường. Chỗ gốc cây thì sâu hoằm, thành cái hang, thông sang mãi tận cửa sông đất Trung Quốc, cho nên cá anh vũ ở sông ấy sang nước Nam. Cứ mùa đông lạnh rét thì nó sang, đến mùa Xuân mùa Hạ thì lại về”.

Lê Quý Đôn bàn về cá anh vũ cho là thực vô lý. Nói vậy vì không biết đến huyền sử. Nếu hiểu theo huyền sử khi thấy cá anh vũ là giống cá mồm cong mà đó (đã nhắc đến ở trang trước 534) thì đúng là cá Việt, nên chỉ béo tốt khi sống trong ao Việt (Việt Trì) còn ở Bạch Hạ không có con nào, vì cá đã biến ra chim hạc (hồng cũng là hạc) mà tu đến lúc lông trắng (bạch hạc) thì lên tiên chứ còn ở lại ao làm gì. Tu mà giũ sạh bụi trần thì gọi là trở nên trắng, trở nên bạch hạc hay bạch trĩ cũng vậy. Còn truyện từ cá ra chim, hổ hóa rồng nói lên môi sinh tinh thần của nền văn hóa Kinh Dịch: sinh sinh hóa hóa chứ không ở trong thể cố định. Ở đây đá tu lâu thành cây, cây thành thú rồi thành người v.v…

Còn truyện Lý Bạch muốn yểm linh khí nước Nam chỉ ngày sinh nhật của Hùng Vương mồng 10 tháng 3. Nhưng bà lão quên lời dặn! Đó là ngôn ngữ huyền sử để chỉ rằng nguyên lý mẹ (bà lão) đã vật chết Lý Bạch. Tinh thần Viêm Việt ảnh hưởng sang Trung Quốc làm đường đi cho cá anh vũ.

Sau cùng xin đưa ra mấy hình ảnh cổ nghệ vẽ lại cuộc cảm hóa hùng gấu hóa ra hùng chim. Tức hùng hổ dữ tợn trấn át con người như hình 1 gấu ăn người bên Assyria. Hình 2 du mục, đến hình 3 hổ đè người, hình 4 gấu phù hộ người (hổ phù), nhưng cuối cùng đã suy phục con người để cho con người cưỡi lên lưng, hình 5. Nếu đọc giữa hai dòng chữ kiểu huyền sử thì có nghĩa là Tàu đã từ bỏ vật tổ của mình (hoặc biến mất hoặc còn thì bị cỡi lên lưng) đển nhận long của Việt tộc là vật biểu. Long là đức người nên biểu thị rằng người cỡi lên lưng hổ (gấu, hùm).

(Hình 1: thú ăn thịt người, thú ăn thịt thú.

Hình 2: du mục thú làm chủ, người bị đọa đày

Hình 3: hổ đè người

Hình 4: đời Thương: hổ phù (hộ người)

Hình 5: chiến quốc (nghệ thuật sông Hoài) người thuần phục hổ

Hình 4&5 mượn trong quyển The Archeology of Ancient China by Kwang-Chih-Chang, p.382)

Đó là phần lịch sử cổ nghệ minh họa cho huyền sử. Căn cứ trên huyền sử được kiện chứng bằng lịch sử chúng ta có nền tảng vững để tin tưởng và hy vọng rằng Hùng gấu Nga được Việt cộng rước về để “trị thuỷ” nhưng không thành công, rồi cũng sẽ trải qua quá trình chuyển hóa hoặc bị cức tử như ông Cổn hoặc còn lại thì sẽ bị cỡi lên lưng để nước ta lại trở về dưới bóng mẹ Âu với đôi cánh Hồng Lạc để xuất hiện nguyên hình là một dân anh hùng không cần “võ công ca” nghĩa là một dân anh hùng chính cống đã có huyền sử lại được tiếp nối bằng lịch sử nhiều ngàn năm chứng tỏ một nội lực phi thường có khả năng cảm hóa được những làn sức mạnh du mục bạo tàn, tượng trưng bằng hổ báo. Từ hổ ăn thịt người, đè người tới lúc hổ phải phục tùng để cho người cỡi trên lưng. Đó là hậu quả gây nên do làn sóng ngầm của Văn Lang quốc vậy.


Chương 15

TA VỀ TA VÉT AO TA

Ao ở đây phải hiểu là triết, chữ ao lấy từ cặp tiếng đôi “ao đột” (lõm lồi), một hình thức khác của sông núi. Ta về ta vét ao ta là ta phải trở về học hỏi, nghiền ngẫm Việt lý của nước ta. Nói vét ao là chẳng qua dùng lại kiểu nói huyền sử ở thời sơ nguyên khai sáng, khi nói “đào sông” (tuấn xuyên) lại phải hiểu là đào sâu triết.

Như vậy câu ca dao trên chứa đựng ba đề mục, và cả ba đều rất quan trọng cũng như mang một ý nghĩa khẩn cấp trong lúc này.

Trước hết là ta về, tại sao ta về?

Ta về hiểu rằng ta đã tắm thử các ao khác, và ta đã nhận được nhiều điều hay cũng như điều dở. Có thể nói nếu chỉ tắm thử để thâu kinh nghiệm thì tốt; còn khiêng ao ngoại lai về thì ta là tai họa như chúng ta đang nếm mùi hiện nay của ao Mác Lê, vì thế mà cần phải trở về ao nhà, ao dân tộc. Điều này hiện nay ai cũng thấy rồi, vì thế chỉ nhắc lại ở đây mà không quảng diễn, dành thì giờ cho hai tiêu đề sau, và trước hết là tiêu đề ao ta.

XIN HỎI AO TA LÀ AO NÀO?

Ta đây không là Tây rồi nhưng là Việt hay là Tàu? Vấn đề có phần khúc mắc nhưng cũng cần phải bàn sơ qua để việc vét ao được thấu triệt, và đây là hậu quả của một cuộc nghiên cứu khá dày công rằng ở khởi nguyên thì đó là ao Việt, về sau Tàu cũng có phần tham dự, và do đấy ta thấy cơ cấu triết Nho phát xuất từ nước giống như Việt lý vốn khởi tự ao, hồ, sông… Kinh Dịch nói Hà Đồ Lạc Thư đều xuất bởi sông “Hà xuất đồ Lạc xuất thư”. Rồi xuyên qua huyền sử thì thấy đầy ao, hồ, giếng, từ Hoàng Trì, Việt Trì, Dao Trì xuyên qua Động Đình Hồ, Hàm Trì, Việt Tỉnh cho tới Bích Ung, Phán Thuỷ… Đó là những văn kiện nói lên chỗ phát xuất của nền văn minh Đông và Nam Á, nó khác với hầu hết các nền văn hóa khác thường phát xuất ngoài nước, tức là duy dương. Còn đây là “âm dương” giao chỉ.

Bây giờ xét gần hơn đến nguồn gốc cả Việt lẫn Tàu thì ta nhận thấy khởi thuỷ văn hóa Tàu không dính dáng chi đến nước, đến ao cả. Vậy thì hai văn kiện Hà đồ, Lạc thư là của Việt. Đó là hai văn kiện tóm lược đạo lý Việt nho cách cơ cấu, và có thể là đã đến sau huyền thoại nói về Thần Ba Vì xuống Thuỷ phủ được Lạc Long Quân cho quyển sách có ba trang mà thần chỉ đọc có  hai trang. Hai trang đọc, một trang bỏ, điều đó mang đầy ý nghĩa sẽ bàn sau. Ở đây chỉ nói đến ý niệm đặt đạo lý liên hệ với nước, sách phải xuống thuỷ phủ mới được và đó là nét đặc trưng của Việt đạo. Tàu lúc sơ khai không có nước chi cả, ruộng khô (lúa tắc).

Trong quyển The Cradle of the Easst (Chicago Press 1975) có thể coi như bản kết toán cập nhật nhất về các cuộc khai quật đã hiện thực bên Tàu từ trước tới nay tác giả là ông Bỉnh Thế Hà (Pinh Ti Ho) đã đưa ra những bằng chứng khoa học để chỉ tỏ rằng người Tàu biết dẫn thuỷ nhập điền rất muộn, và văn minh Tàu không có liên hệ chi tới nước lụt trên đồng bằng sông Hoàng Hà như người ta thường tưởng (It is sufficiently clear that the rise of Chinese agriculture and civilisation bore no direct relation whatever to the flood plain of the Yellow river, and that of all ancient people who developped higher civilisation in the old and the new worlds, the Chinese were the last to know irrigation. p.48). Câu trên rất trúng khi ứng dụng cho lúa tắc là thứ lúa giống kiểu lúa mì gieo trên ruộng khô, vì thế mà có thể dùng để kiện chứng cho huyền sử. Theo đó thì cái nhân của văn minh Tàu không do nước. Hoàng Đế thờ nữ thần Bạt là thần coi về đại hạn, nên đúng là du mục duy dương vì thiếu nước để làm âm. Vậy tại sao người ta tưởng văn hóa Tàu phát xuất từ nước? Thưa là tại Tàu đã hôi nhập văn hóa Việt, một nền văn hóa có đầy ao, hồ, giếng với các thuỷ tổ tiên rồng đều bì bõm trong nước, trong ao. Rồng thì  như Lạc Long Quân ở trong thuỷ phủ, sách ước gậy thần cũng được trao dưới đó. Phần các tiên mẫu thì tuy được biểu thị bằng chim nhưng là chim nước, trừ con chim trĩ chỉ mặt trời, còn lại là hồng, hạc, cò, sếu, lạc… toàn chim nước. Cho nên quá đầy đủ lý chứng chỉ tỏ nguồn gốc văn hóa Việt phát xuất từ nước. Do đấy kết luận được rằng những phát xuất từ nước như Hà xuất đồ, Lạc xuất thư thì khởi thuỷ là mượn của Việt, nên nói Việt nho là chí lý. Vấn đề này tuy rất thú vị nhưng nó nhiêu khê phiền toái nên xin bàn dịp khác, để dành thì giờ ở đây cho việc vét ao.

VÉT AO

Vét ao là một điều cần thiết vì ao nhà đã bị ứ đọng đầy vẩn rá, bùn dơ do Hán nho, Tây nho, cũng như thời gian lâu đời không ai săn sóc.

Điều nhận xét thứ hai là không phải bất cứ nước nào, nhưng là nước có người nhúng tay vào như đào giếng, đào ao, đào hồ, đào sông… Đã vậy trong huyền sử cũng có vụ vét sông gọi là “tuấn xuyên” có nghĩa đào sâu sông như ông Hạ Vũ đã làm. Thế nào là đào sâu sông? Huyền sử nói ông Vũ đã đào cho tới lúc gặp hai thủ tổ Phục Hy, Nữ Oa đang nằm ôm nhau. Theo ngôn ngữ huyền sử thì phải hiểu là đào cho tới tầng cơ cấu, tầng ấy sâu nhất nên nằm bên dưới tầng ý, từ, dụng. Luân lý mới đào đến đợt dụng, văn chương đào đến đợt từ, triết học đào tới đợt ý. Còn đợt cơ (cấu) thì chưa ai đào tới. Và thế là chúng ta phải đào phải vét cho tới lúc gặp cơ cấu mới xong nhiệm vụ. Cụ thể là ta hãy đem các tên ao, hồ giếng ra để phân tích.

Trước hết hãy nói đến chữ Hoàng trong Hoàng Trì. Chữ này đã bị lãng quên gần như hai chữ Hoàng Việt. Tôi chỉ thấy chữ Hoàng Trì trong câu nói của Hán Sử: “Xích tử lộng giáp binh ư Hoàng Trì chi trung” = “trẻ con chơi đồ binh giáp trong ao Hoàng Trì”. Tất nhiên ý nghĩa thâm sâu của câu nói đã mất trọn. Vậy muốn tìm ra thì cần phải xem theo lối cơ cấu mà phân tích từng chữ. Chữ Hoàng thường được dịch là sự tốt lành trọn hảo cùng cực “la perfection royale”. Dịch như vậy là sâu nhưng còn phải đặt vào cơ cấu mới thấy được ý nghĩa quan trọng. Đó là đưa ra một lời giải đáp cho vấn đề đã hàm tàng trong câu “ao nhà vẫn hơn”. Hỏi tại sao hơn? Phải có cái chi làm mực để nói hơn với kém: đó là vấn đề tiêu chuẩn. Tức vấn đề cực kỳ then chốt và có ba lập trường. Một đại biểu cho triết lý Protagoras trả lời đó là con người. Cái gì người cho là tốt thì tốt, cho là xấu thì xấu. Do đó ông đã nói câu thời danh sau “man is the measure of all things”, người là thước đo mọi sự. Plato đối lại rằng thiện cũng như chân và mỹ là những giá trị làm nên lý giới ngoài con người, có tính cách độc lập không lệ thuộc vào ai hết, kể cả Thượng Đế. Tuy Thượng Đế yêu mến chân thiện mỹ nhưng vì là chúng đáng yêu nên yêu, chứ không phải được Thượng Đế yêu mến chúng trở nên đáng yêu, tức trở nên chân thiện mỹ. Thượng Đế mà còn không ăn nhằm chi thì con người sức mấy mà dám xưng là thước đo mọi sự.

Hai lập trường trên chống đối nhau toàn triệt. Protagoras thì đề cao con người đến độ duy nhân, không kể chi tới trời đất, thì quả là duy tâm, tiêu chuẩn không có phần khách quan nào hết. Khi người ta yêu thích khác nhau đếnđộ chống đối thì không biết dựa vào đâu mà phân xử. Còn Plato không kể chi đến người mà hoàn toàn dựa vào khách quan ngoại tại, vì vậy kết luận được rằng đó là tiêu chuẩn vong thân, tức con người không được dự chi trong việc quyết định thiện ác hết. Đó quả là nguỵ biện vì ngay cái lý giới gồm chân thiện mỹ của Plato cũng do chính Plato đặt ra và quyết định lấy chứ có khách quan đâu. Cho nên ngoài việc bắt người theo mình một cách thụ động thì không có đường lối nào tích cực hợp cho con người nhân chủ phải nắm được vai trò chủ động. Xem thế ta hiểu được tại sao hai lập trường trên cho đến nay không bên nào hẳn nắm phần thắng, hay nếu có thắng thì lại thắng kiểu cộng sản là dùng quyền lực bắt mọi người phải nhận cách võ đoán: coi lý tưởng trọng hơn thực tế nhân sinh, “hồng hơn chuyên” là theo lối Plato đó.

Tiên tổ ta đã đưa ra một giải pháp được gói ghép trong tên các ao. Nhưng Hoàng Trì là hoàn hảo cùng cực không kim hay duy mộc, không thuỷ hay duy thuỷ mà là ở giữa để hội nhập cả hai.  Sau này Nho giáo công thức hóa thành ba chữ “chí trung hòa”. Câu đó tuy vắn tắt nhưng rất đầy đủ chỉ cả đường đi và chỗ đến. Nói khác là đưa ra lý tưởng và lối đi đến lý tưởng. Lý tưởng là hòa đó là giá trị cao hơn hết. Có hòa mới có thống nhất, có thống nhất mới có sống, có sống mới nói đến hạnh phúc được. Cho nên triết phải tìm cho ra mối hòa. Vậy mối đó là trung. Có trung mới có hòa, trung là căn nguyên, còn hòa là hậu quả, hậu quả tuỳ theo căn nguyên. Trung nhiều thì hòa nhiều. Muốn đạt đến hòa cùng cực thì cũng phải đi tới trung cùng cực: giồn cả hai câu vào thành câu chí trung hòa, hay nói rộng thì ra câu “có chí trung thì mới đạt chí hòa”.

Vậy thế nào là chí trung? Thưa theo nguyên lý triết Việt thì muốn ôm cùng cực, ôm được cả đến trời cùng đất thì phải rút nhỏ cùng cực, nhỏ không còn gì nữa, nhỏ đến độ hết có thể nhỏ hơn, quen gọi là hư tâm: cái tâm trống rỗng, lúc ấy và chỉ lúc ấy thôi mới bao hàm được cả vũ trụ mà Kinh Dịch gọi là “vũ trụ chi tâm” thường dịch là cái tâm vũ trụ. Dịch đằng tả theo cơ cấu là “cái tâm mà muốn bao gồm cả vũ trụ thì phải trống rỗng, phải là “hư tâm”. Có hư tâm mới gồm cả vũ trụ.” Cho nên tâm trống rỗng là điều kiện. Điều này đã được nói rộng hơn trong cái ao lớn thứ hai có tên là Động Đình Hồ. Động là cái hang rỗng để chỉ tâm trống rỗng. Đình là cái nhà vuông hay hình chữ nhật có bốn góc để chỉ địa, hồ tròn để chỉ thiên. Nói gọn là nhờ cái tâm rỗng mà gồm được cả tròn vuông, cả thiên địa.                                   

    Hoặc nói đơn sơ hơn bằng tên ao thứ ba thì là Hàm Trì có nghĩa là ao ngâm, nói rộng hơn thì đó là ao tròn chỉ trời, ngậm cái nhà vuông chỉ địa. Đấy là ý nghĩa tiêu biểu, còn nghĩa chính là một nền triết lý toàn diện nhằm phát triển mọi cơ năng con người, giúp cho tất cả ý, tình, chí đều đạt đến chỗ hiện thực trọn hảo; ngược với những nền triết duy xây trên thái cực đối kháng chọn một bỏ một, chọn lý bỏ tình, chọn hồn bỏ xác, chọn quốc tế bỏ gia đình. Ngược lại đây thì cả thân tâm đều được tu theo nghĩa làm cho tươi tốt nên cũng gọi là “mẫu kỷ” là làm cho phát triển toàn diện con người. Đó là ý nghĩa của chữ Hàm Trì là ao ngậm. Ao mà ngậm được là nhờ có cái động (trong chữ động đình hồ) để chỉ tâm hồn trống rỗng thì thiên tính sẽ sáng lên trong lòng, không còn bị những tin tưởng tai dị, những tự dục tư ý che đậy.

Đó là nền tảng sơ nguyên của triết lý nhân sinh của Việt được gửi gấm vào tên mấy ao hồ mà cổ hơn hết là Hoàng Trì tức cũng là Việt Trì rồi Động Đình Hồ và Hàm Trì. Về sau Nho giáo hội nhập ban đầu dưới tên trường Bích Ung đời Chu để ra truyền nền minh triết theo lối Việt là trao trên bờ ao, cụ thể là đào ao theo lối hàm trì tức nhà trường có hình vuông xây giữa ao (ung) có hình tròn như viên bích ngọc nên gọi là trường Bích Ung. Rồi cuối cùng được công thức hóa thành câu: “chí trung hòa thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”, nghĩa là khi đã đạt chí trung thì cũng đạt chí hòa là hòa trời hòa đất: trời đất đều được đặt vào đúng vị trí (chứ không như duy vật sử quan đặt đất lên trên): nhờ đặt đúng mà vạn vật được nuôi dưỡng, con người được phát triển mọi khả năng.

Trước đã có nhắc qua về vụ ông Vũ đã hiện thực đúng cỡ “Hàm Trì”. Vũ là con ông Cổn, ông này được vua Thuấn trao cho việc trị thuỷ nhưng Cổn thất bại. Lý do thất bại ở tại ông dùng lối đắp đê. Đắp đê là đối kháng lấy khách quan kiểu Plato đối chọi với duy tâm lối Protagoras. Đó là nhị nguyên: làm sao có hòa. Muốn hòa phải đi lối khác, và đó là việc ông Vũ làm được bằng cách “tuấn xuyên” nghĩa đen là đào sông, nghĩa bóng là “tuấn triết” đào sâu triết, mà với Đông phương đào sâu triết là đào sâu tâm hồn: không hỏi có sự vật hay không, thế giới động hay tĩnh, không nói duy trí hay duy tình, không nói duy ông hay duy bà, duy tư bản hay duy cộng sản, nhưng tìm một đường hòa giải. Đường ấy phải đi sâu vào tâm vào tình cho đến chỗ cùng lý tận tính thì sẽ tìm ra. Chính chữ Việt trong Việt Trì là nói theo đó. Việt là siêu việt, mà siêu việt theo lối Việt nho thì không là đi lên nhưng là đi vào, đi vào tận cùng tâm hồn, vì thế Việt nho định nghĩa triết là triệt, nghĩa là phải đi đến chỗ triệt cùng, là cùng lý tận tính, hễ đạt được như vậy thì không còn là duy tâm hay duy vật nhưng giàn hòa được cả hai chủ trương trái ngược, một đàng đề cao con người cùng cực, con người là thước duy nhất để đo giá trị, mọi giá trị đều do chính con người. Điều đó đúng nhưng con người nào? Quyết không phải con người nông cạn bì phu đầy những tư ý tư dục, mà phải là con người đại ngã tâm linh tức là nơi sâu thẳm trong tâm hồn, mới gặp được cả đức trời đức đất và lúc ấy lại hợp với Plato ở chỗ khách quan tính là cái gì bên ngoài con người như trời đất, nhưng phải với điều kiện là trời đất đã được hội nhập nơi người, nơi tâm sâu thẳm để cho “tam gia tương kiến” ba nhà có thể thấy nhau tức thiên địa nhân hòa hợp mới quyết định được thang giá trị. Nói cụ thể là hễ cái gì hợp cho bản tính đồng nhiên con người thì đấy là chân là thiện là mỹ, tức không phải chỉ hợp cho một thời, một nơi hay hợp cho một vài giai cấp, mà cho hết mọi con người.

Có những chủ trương của triết nọ kia đã được người ta huấn luyện vô số cán bộ để phát huy và truyền bá, vậy mà nay chẳng mấy ai muốn ngó ngàng tới, đó là dấu tiêu chuẩn họ đặt chưa đủ sâu thí dụ chế độ nô lệ đời La Hy nay ai còn dám biện hộ; cũng vậy những “giá trị” của giới chủ nhân nay còn đâu được kể tới, vấn đề rất nhiêu khê không thể nói hết ở đây. Chỉ xin nói gọn là Việt nho đã không bao giờ phải đổi nền tảng tiêu chuẩn của mình, tức là tiêu chuẩn đó rất vững: đủ biết muốn tìm ra tiêu chuẩn đúng thực cần phải đào ao, vét lại ao, đào lại giếng. Sách nói bóng là trong suốt mười mấy năm trị thuỷ qua lại nhà biết bao lần mà ông Vũ không bao giờ vào. Cả những lúc con ông mới đẻ khóc oe oe, ông cũng không ngó ngàng tới. Đó là nói lên tâm ông chí công không có gì tư riêng, nhờ vậy mà ông thành công. Sự thành công được biểu lộ bằng việc ông đúc được chín đỉnh, lấy được vợ Việt, lên ngôi ở Cối Kê kinh đô U Việt (Việt điện U Linh).

Đó chẳng qua là nói lên hậu quả của sự hòa hợp cùng cực, hòa âm với dương. Am đây biểu thị bằng vợ Việt. Nhờ có âm dương hòa nên ông thành công trong việc trị thuỷ biểu thị bằng việc đúc cửu đỉnh.

Muốn hiểu được câu đúc cửu đỉnh phải hiểu được Việt Tỉnh Cương. Việt Tỉnh chính là loại giếng siêu việt, loại giếng có đặc điểm ở chỗ nước vọt lên bất tận. Ca dao nói: “bằng cái sàng ba làng ăn không hết”. Ba làng là tất cả mọi làng, thế mà ăn không hết thì phải hiểu về cái gì vô biên. Cái vô biên đó biểu thị bằng cái giếng tròn. Người xưa đặt bốn thanh gỗ chung quanh thành ra hình vuông, với bốn đầu nhô ra làm thành chín lô, gợi ra chữ tỉnh, cũng như gợi ra cái khung để cơ cấu hóa toàn thể triết Việt, mà một trong những áp dụng vào kinh tế là phép quân phân tài sản gọi là tỉnh điền. Chính khung nọ sau đã biến ra Cửu lạc cũng gọi là Lạc thư, Hồng phạm với cái khung giữa gọi là ngũ hoàng cực, nếu theo được thì có được ngũ phúc là Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh. Còn nếu không thì ra lục cực, nói bóng là “con sông lục đẩu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng”: như duy vật biện ra các lý chứng láo khoét để cố “hợp lý hóa” chế độ vô nhân đàn áp con người.

Đó là đại để cuộc thăm dò chiều sâu của ao nhà. Xin được tóm tắt như sau: trước hết đó là ao ta. Ta đây là Việt mà không là Tây, cũng không là Tàu nữa. Như vậy là văn hóa phát xuất từ nước nhưng không phải nước bất kỳ nào mà là nước có tay người nhúng vào như đào cho ra hồ, ra ao thì mới ra ao Hoàng Trì là ao trọn hảo. Đào cách nào? Thưa phải đào thực sâu tới chỗ vô đáy vô để gọi bóng là cái động (trống rỗng) như tên Động Đình Hồ, thì lúc ấy mới đạt hậu quả là ao ngâm (hàm trì). Đào đã vậy mà còn phải vét vì theo thời gian, tất có những ngấn đọng làm cho ao hóa ra nông, vì thế tổ tiên đã đào ao thì con cháu phải tiếp nối vét ao, đời cua cua vét đời cáy cáy đào. Hỏi cua nào? Trong quyển “The Fire in the lake” =  Lửa trong hồ, tượng quẻ cách (mạng), tác giả Fitzerald ngầm trả lời rằng đó sẽ là Việt cộng mà ngọn lửa cách mạng họ đưa về sẽ có sức gạn lọc cho ao Việt trong trẻo để mở lại một kỷ nguyên cường thịnh mới.

Thế nhưng nay đã rõ đó là hy vọng hão, là cuộc cách mạng giả tạo vì duy vật là duy dương chỉ có hỏa chứ đâu có thuỷ để có thể thành ra hàm trì, trái lại chút nước ao Việt còn sót lại cũng bị chúng lấy lửa duy vật làm cho bay hơi đi hết, khiến toàn dân bị một cơn khát điên cuồng, khát từ cơm gạo trở lên cho đến tự do nhân phẩm, tình người, khát luôn cả đến cái cười tiếng khóc, vì tất cả đều phải tuân theo tiêu chuẩn khách quan của đảng, nên vẫn còn là cái gì giả tạo gán ghép. Cho nên kém xa ao nhà ngay cả khi đục. Vì dù đục, dân nước còn được an vui chưa đến nỗi lo âu và đói khổ như trong ao duy vật. Như vậy muốn làm một cuộc cách mạng chân chính có bảo đảm cho hạnh phục dân tộc thì phải làm ngay một cuộc vét ao nhà tức phải học về nền triết lý ẩn trong Hoàng trì, Việt trì, Việt tỉnh, rồi phải sửa soạn liền một cuộc “trị thuỷ” ngay tại quê nhà càng sớm càng tốt. Lúc ấy và chỉ  lúc ấy thôi ta mới có quyền đọc lại lời mời:

“Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Hơn vì đã quen thuộc với ta. Hơn vì bất cứ ao ngoại lai nào dù có vẻ kiên cố đồ sộ và quyến rũ đến đâu, nhưng về khả năng bao trùm và thẩm thấu mọi thể chế của  ta thì không làm sao bằng được ao nhà. Từ gia đình, quốc gia, qua làng, qua xóm, qua đình cùng là tết nhất hội hè… tất cả đều được ăn thông với ao để được tẩm nhuận bằng một cái gì thâm sâu mà bàng bạc. Chỉ cần canh tân, đổ khuôn lại với lối nhìn, nghĩ, cảm mới thì sẽ thấy ao nhà, giếng nhà tràn lên những đợt nước cam tuyền đầy khả năng gây an vui hạnh phúc cho toàn thể dân con đất nước một cách bảo đảm dài lâu. There is no water like home water!



PHỤ TRƯƠNG 1

 HÙNG VƯƠNG HAY LẠC VƯƠNG

MỘT VẤN ĐỀ GIẢ TẠO

Vấn đề được học giả người Pháp Henri Maspéro đặt ra năm 1916 khi ông căn cứ trên ba cổ thư thì hai viết Lạc còn một viết Hùng. Cụ Lê Dư đã phản pháp cho là Hùng mới phải. Lý lẽ của cụ Lê Dư đúng, nhưng trình bày thiếu sắc bén và nhất là không chỉ ra chỗ nông cạn của Maspéro nên số người theo phe Lạc Vương xem ra có phần đông hơn (xem chi tiết trong Văn Hóa Thân Hữu bộ 1 số tháng 4.1981). Ở đây xin được xoáy vào lý lẽ của những người chủ trương Lạc Vương để thấy chỗ nông cạn và sái quấy của họ. Tôi xin nói ngay là thuyết của Maspéro đã nảy sinh ở cái chỗ ông không hiểu hay không muốn hiểu đoạn sử của Ngô Sĩ Liên như sau:

“Lạc Long Quân phong người con cả là Hùng Vương nối ngôi vua. Hùng Vương con Lạc Long Quân không rõ tên húy, đóng đô ở Phong Châu”. Đọan văn đó có thể viết rõ hơn rằng: “Lạc Long Quân phong cho con cả làm vua lấy hiệu là Hùng Vương”. Cứ như bản dịch trên thì cũng không thể lầm được: Lạc Long Quân mà người Tàu gọi là Lạc Vương truyền ngôi cho con (người Tàu cũng gọi là Lạc Vương) lấy hiệu là Hùng Vương. Chẳng thấy vấn đề chi cả, có chăng thì chỉ là vấn đề tại sao vua cha không có hiệu mà vua con lại có. Nhưng Maspéro đã không đặt vấn đề ấy mà lại đặt vấn đề phải với trái. Hùng Vương hay Lạc Vương đàng nào phải? Ong viết:

Những vua đầu tiên của nước Việt Nam hiệu là Hùng Vương. Sách Việt Sử Lược nói rằng: “Tục truyền có 18 đời vua đầu gọi là Hùng Vương”, và trước đó một thế kỷ, quyển Việt Điện U Linh Tập có kể một truyện hoang đường nói đến những vua Hùng Vương. Trước nữa có sách Thái Bình Hòan Vũ Ký cũng có nói đến và hai lần chép lại một đoạn ở sách Nam Việt Chí của Thẩm Hòai Viễn soạn: “đất Giao Chỉ rất phì nhiêu. Vua nước đó hiệu là Hùng Vương”. Người Việt truyền tụng như vậy từ thế kỷ thứ 5 sau tây lịch tới ngày nay, và điều này có lẽ đúng. Sách Thủy Kinh Chú chép ở sách Giao Châu Ngọai Vực Ký đáng lẽ chép là Hùng thì lại thấy viết là Lạc. Hai chữ này rất giống nhau nên dễ lầm lắm, lỗi ở tại người chép sách. Nhưng chữ nào đúng? May mà quyển Quảng Châu Ký, quyển sách cổ thứ ba giúp ta giải quyết vấn đề đó. Sách ấy có chép chữ Lạc viết không thể nhầm lộn được. Vậy Hùng Vương mà người Việt Nam truyền tụng là sai, phải bỏ đi. Không bao giờ có Hùng Vương mà chỉ có Lạc Vương thôi. Lại ở trường hợp này, không những các tác giả Việt Nam nhầm mà cả các sử gia Trung Hoa cũng nhầm nữa. Và lại các sử gia Việt Nam cũng biết là sai nhưng không dám chữa. Một người bình chú quyển Tòan Thư có viết rằng: “Lạc tướng về sau nhầm ra là Hùng tướng”, nhưng người bình chú đó không nhận thấy các vương hiệu cũng sai. Thực vậy sách Lĩnh Nam Trích Quái (mà đọan trên kia của sách Toàn Thư chỉ là đoạn tóm tắt) chép là Lạc hầu là Lạc tướng, nhưng vẫn chép Hùng Vương, chứ không chép là Lạc Vương. Tóm lại ta kết luận rằng theo các sử gia Việt Nam chép lại tên nước Văn Lang (có lẽ là Bắc Bộ ngày xưa) biên giới và những vương hiệu các vua trị vì này đều chép nhầm lẫn cả, và ta nhận thấy rằng lỗi ở các sử gia Trung Hoa từ đời nhà Đường, rồi sau này người Việt Nam lại nhầm khi sao chép các nguyên thư ấy. Tiếc rằng không có thể biết một cách rõ ràng những nguyên thư Trung Hoa nào mà các sử gia Việt Nam dùng để biên chép.

Đó là đại ý Maspéro. Theo ông trong bốn quyển nói đến Hùng Vương thì ba quyển mới quá không đáng kể:

Một là Việt Sử Lược, thế kỷ 14

Hai là Việt Điện U Linh Tập, thế kỷ 14

Ba là Thái Bình Hoàn Vũ Ký, thế kỷ 10.

Vậy chỉ còn Nam Việt Chí là cổ (thế kỷ 5) viết Hùng Vương, còn hai quyển kia: Giao Châu Ngoại Vực Ký và Quảng Châu Ký đều nói Lạc Vương. Ong đã phân xử theo đa số: 2 thắng 1.

Thế nhưng nếu mở rộng tầm mắt xa hơn sách vở thì thắc mắc của Maspéro được trả lời liền là Giao Châu Ngoại Vực Ký và Quảng Châu Ký đứng ở quan điểm người Tàu chép về Giao Châu đang đặt dưới quyền thống trị của mình, đứng ở xa mà nhìn nên nói sơ sài. Còn tác giả Nam Việt Chí thì chuyên về Việt và là người đến tận nơi thuật lại những điều mắt thấy tai nghe nên đi vào chi tiết nhiều hơn: nhắc cả danh hiệu Vua nữa. Hai đàng không có gì nghịch nhau hết. Một đàng nói chung nên viết Lạc Vương, cũng như ta nói Hán Vương, Sở Vương vậy; còn một đàng nói chi tiết thì nhắc đến hiệu vua là Hùng Vương. Thế thôi, có chi đâu mà phải đặt vấn đề. Thế mà ông dám dựng nên một thuyết (không thèm giả thuyết) lại còn kèm theo những phán đoán quyết liệt “ex cathedra” để lên án cả bao thế hệ sử gia Tàu cũng như Việt. Ta hãy thử phân tích lý lẽ của Maspéro.

1. Hai chữ Lạc, Hùng rất giống nhau nên dễ lẫn lộn, lỗi ở tại người chép sách.

Thưa:

a. Phải nói là mặt chữ chỉ hơi giống nhau chút xíu chứ không được nói rất giống nhau vì đây là khoa học, không nên dùng tĩnh từ bừa bãi. Chữ Các trong chữ Lạc có 6 nét, chữ Quảng trong chữ Hùng 4 nét, cấu trúc lại khác hẳn, giống nhau ở đâu?

b. Đã vậy còn hai chữ Lạc khác là Lạc bộ Mã và Lạc bộ Trãi cũng được thông dụng như Lạc bộ Các thì dễ gì lầm được. Xưa nay có lầm là những chữ thông thường như Tác đọc ra Tô, Ngô đọc ra Quá v.v… Còn đây là danh hiệu một Vua bao người nói đến, sao dám gán sự sai lầm bừa bãi vậy?

c. Nhất là khi đã đi qua mặt của bao học giả uyên thâm tại chỗ: Lê Văn Hưu, Hồ Tôn Thốc, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Ngô Thời Sĩ… đều là học giả trứ danh, đỗ đại khoa, ra làm quan ở Sử quán lâu năm đã tham khảo biết bao chính sử, dã sử, truyện ký; lại còn hằng trăm điện, đền đều nói Hùng Vương, không một đền nào nói Lạc Vương cả. Thế mà ông dám quả quyết là lầm và đổ lỗi ở người chép sách. Nếu là người thận trọng thì mới chỉ đặt giả thuyết là “có thể lầm”… Tuy cái có thể đó rất yếu ớt vì chỉ là giả thuyết tiêu cực. Thế mà ông đã vội kết luận là có lầm thật, không còn phải giải thuyết nữa, rồi đổ cho “lỗi ở tại người chép sách”. Cái lối viết ẩu tả này từ một sự phỏng đoán bước liền sang quyết đoán rồi mở rộng sang cả sử gia Trung Hoa cho oai, thật chỉ có cái bầu khí thực dân cao độ coi người “bị bảo hộ như cỏ rác” mới dám lên mặt thầy đời viết lách liều lĩnh như vậy. Cũng có lúc lương tri ông còn nhắc nhở là nói vậy không ổn nên ông tỏ ra dè dặt: “Nhưng chữ nào đúng, may mà quyển Quảng Châu Ký, quyển sách cổ thứ ba, giúp ta giải quyết vấn đề đó, sách ấy có chép chữ Lạc viết không nhầm lẫn đượoc”. Ô hay! Theo ông thì chữ Lạc với chữ Hùng rất giống nhau dễ nhầm lắm mà sao đến đây ông lại bảo không thể nhầm lộn được? Rõ ràng ông thiên tư chữ Lạc để đề cao sự khám phá của ông do cái mặc cảm tự tôn mà ông đã tỏ bày vuan vãi cuối quyển “La Chine Antique”, đến đây ông lại biểu lộ nữa: chỉ vì có thêm một quyển Quảng Châu Ký viết Lạc mà ông lên giọng:

“Vậy Hùng Vương mà người Việt Nam truyền tụng là sai, phải bỏ đi. Không bao giờ có Hùng Vương mà chỉ có Lạc Vương thôi”.

Sướng chưa? Rõ ràng là giọng của óc duy sử chỉ biết có sách mà không biết có gì ngòai sách (truyền thuyết, dân gian, đền điện…), rồi ông mạnh miệng lên án luôn sử gia Tàu: “lại ở trường hợp này, không những tác giả Việt sai nhầm mà cả các sử gia Trung Hoa cũng nhầm nữa”. Rõ ràng miệng nhà sang có gang có thép, ông mới dựa thế sách Tàu để luận phi sách Việt, đến đêy được đã, ông lên án luôn cả sách Tàu nữa cho nó oai trọn vẹn, nhưng thực ra là lố bịch trọn vẹn không xứng cỡ học giả đứng đắn. Nếu đứng đắn mực thước thì không đời nào dám viết những câu thừa thãi và quá đáng như vậy. Thừa vì nói một chữ sai cũng đã quá đáng rồi, cần chi phải thêm: “phải bỏ đi, không bao giờ có Hùng Vương mà chỉ có Lạc Vương…”. Mới hơn có một quyển (Giao Châu Ngọai Vực Ký) mà đã vội đoan quyết đến thế, nhỡ hai quyển chép lại nhau thì sao? Nhỡ còn những quyển khác chưa tìm ra? Chính Maspéro phải thú: “tiếc rằng không có thể biết một cách rõ ràng những nguyên thư Trung Hoa nào mà các sử gia Việt Nam đã dùng để biên chép”. Nếu tài liệu chưa bao quát được như vậy, thì lẽ ra chỉ nên kết luận nhẹ nhàng, tránh những câu quả quyết cực đoan như:

Hùng Vương là sai

Phải bỏ đi

Không bao giờ có Hùng Vương mà chỉ có Lạc Vương

Câu 2 quá đáng, câu 3 thừa. Những chữ quá đáng và thừa đó biểu lộ tâm trạng bất an phải lớn tiếng để át đi chỗ nghi ngờ của mình, chứ học giả đứng đắn không có lỗi “cãi bằng được” như vậy.

Ông viết tiếp: “những sử gia Việt Nam cũng biết là sai nhưng không dám chữa. Một người bình chú quyển Toàn Thư có viết rằng Lạc tướng về sau lầm ra là Hùng tướng, nhưng người bình chú đó không nhận thấy các Vương hiệu sai”. Ô hay! Có sai đâu mà nhận ra được. Sách nói về Lạc hầu, Lạc tướng chứ có ăn nhằm chi tới vua đâu, có lẽ có người nào đó gọi Lạc tướng là Hùng tướng (tướng của vua Hùng) để tâng bốc, đó là nghĩa chính của chữ ngoa, còn nghĩa lầm chỉ là phụ. Vậy nếu có lầm thì cũng chỉ lầm ở đợt quan tước mà thôi: dưới vua một bậc, không liên can gì tới Vương hiệu, không việc gì phải sửa đổi trên cấp tối cao nọ cả.

Đó là đại để ý kiến của Maspéro. Ông đã đặt ra vấn đề ở chỗ không có vấn đề, cùng lắm chỉ có cho người mới bước vào nghiên cứu chưa kịp thẩm định các tài liệu minh dùng, chứ chưa đáng là một giả thuyết. Thế mà ông dám đẩy lên bậc một thuyết để lên án là lầm là dối tất cả bao đời sử gia. Thật là xấc xược. Thế mà rồi cũng được một số người Việt nghe theo và thêm mắm muối vào cái lý lẽ của ông thầy cãi cối. Một số lý lẽ đó đã được tóm lại trong tin Địa Sử của nhóm Sử Địa Đại học Sư Phạm Sài gòn 1965, tr.72-75 như sau:

- Sử ta căn cứ theo sử Tàu đã có từ lâu, vậy những gì chép về nước ta, trong sử Tàu đúng hơn.

Đây là một ngụy biện rất lớn để khỏi nói là cẩu thả mà những người theo Maspéro đã vô tình chấp nhận. Ngụy biện ở tại “tự bé xé ra to”, từ sự tham khảo sử Tàu mà kết luận sử ta hoàn toàn là chép theo sử Tàu. Thế thì những sự tích chép trong Thiên Nam Vân Ngoại Lục, Việt Điện U Linh, Lĩnh Nam Trích Quái, Đại Việt Sử Ký Tòan Thư với quan điểm người Việt… bỏ đi đâu? Ngô Sĩ Liên đã có tiếng khéo xử dụng những tài liệu trong dân gian. Và một sử gia nào đứng đắn cũng phải chú ý đến lưu truyền của chính nơi việc xảy ra, coi trọng hơn điều người đứng xa đã viết lâu từ trước. Câu sau mới kinh khủng: “vậy những gì chép về nước ta, trong sử Tàu đúng hơn”. Tại sao đúng hơn? Thật là một câu nói biểu lộ cái óc nô lệ, cái óc thờ ông thầy Tàu rồi chuyển sang thờ thầy Tây đã làm lú lẫn các người viết những câu dở hơi đó. Bởi vì về sự kiện thì người ở tận nơi quan sát tại chỗ đáng tin hơn người ở xa “nghe hơi nói chõ”. Thế mà óc tự ti mặc cảm đã khiến được kẻ viết tin ngược lại mới tài. Nếu vậy Tàu viết: “Cổ Loa ở Nghệ An xứ, xây đời Hán”, thì các ông có dám nhận là đúng hơn sử ta chăng? Tàu gọi hai Bà Trưng là phường phản loạn thì cũng cắm đầu mà theo cái “thật” đó à?

- Hai chữ Lạc Vương xuất hiện trong sử Tàu trước hai chữ Hùng Vương cả trăm năm.

Câu này đưa vào đây thật là ngớ ngẩn, chẳng ăn nhằm chi cả. Tàu viết Lạc trước vì họ bàn chuyện nước ngoài thỉ chỉ nói: “Vua nước Lạc” là đủ, không cần biết đến danh hiệu vua nước ta. Thế mà không thấy lại đi học một câu của Maspéro rằng trước thế kỷ thứ 5 trong sử sách Tàu chỉ có danh xưng Lạc Vương, từ thế kỷ thứ 5 mới thấy xuất hiện danh xưng Hùng Vương trong sách Nam Việt Chí của Thẩm Hoài Viễn và người Việt cũng đã truyền tụng danh xưng Hùng Vương từ thế ký 5 cho tới ngày nay.

Đây là câu mâu thuẫn của óc duy sử quá trớn gọi là duy thư: hễ cái gì có trong sách mới kể là có, còn bao nhiêu lưu truyền, đền điện tại chỗ kể như không. Từ chỗ chỉ có quyển Nam Việt Chí nói đến Hùng Vương mà dám kết luận rằng người Việt đã truyền tụng danh xưng Hùng Vương tự đấy. Đố một sử gia nào đứng đắn dám nói dựng đứng lên như vậy trong lãnh vực mình không biết. Cùng lắm chỉ được viết như thế này: “danh xưng Hùng Vương được ghi chép lần đầu từ thế kỷ thứ 5”. Viết vậy cũng còn là quá vì đã chắc gì quyển Nam Việt Chí là quyển sớm nhất ghi danh Hùng Vương, nhỡ có nhiều sách khác trước chưa tìm ra hoặc đã thất lạc thì sao? Còn danh xưng Hùng Vương thì lưu truyền nói đã có từ lâu hơn hai ngàn năm trước. Tuy là lưu truyền nhưng không thể bác bỏ lấy cớ là không có sử sách nào nói đến. Đó chỉ là lẽ tiêu cực không đủ hiệu lực để bảo một lưu truyền là không có, vì nếu như thế thì bao truyện đời khuyết sử đều đổ cả xuống sông xuống biển hết hay sao? Huống chi đây có hơn bốn trăm đại diện, nhiều cái đã xuất hiện trước đời bà Trưng để thờ hùng Vương hoặc các tướng tá. Không thấy nơi nào nói Lạc Vương mà chỉ nói đến Hùng Vương. Người làm sử mà đúng óc khoa học phải tìm về đó, chứ không ôm mớ cổ thư viết mãi về sau tự thế kỷ thứ 5!

- Chữ Lạc với chữ Hùng rất giống nhau, một chữ bị phai mờ hay dán nhầm, người chép lại vì dốt hay sơ ý đã nhầm chữ Lạc ra chữ Hùng.

Đã trả lời trên kia, chép y nguyên Maspéro chỉ thêm được có lý lẽ con gián. Thưa không có nhầm vì dốt, mà chỉ có dốt những ai không thấy câu đó là ẩu, lại còn dám gán cho bao bậc tài giỏi sự lầm thực. Đấy mới là dốt, không những dốt mà còn hỗn láo và ngu xuẩn khi muốn gọi Vua tổ mình là Lạc Vương y như nói về một vua nước xa lạ với mình. Phải là những kẻ vong quốc mới nói về Vua tổ nước mình như kiểu người nước ngoài vậy.

- Chữ Lạc là chữ tượng hình, chữ Hùng là chữ hội ý. Chữ tượng hình có trước chữ hội ý; chữ hội ý có sau. Chữ có trước phải là chữ đúng.

Đây là câu nói phơi cái dốt và ngớ ngẩn ra. Dốt vì dám nói Lạc là chữ tượng hình mà không thấy là nó là chữ hội ý (Trãi hoặc mã hoặc chuy với các cũng giống như chữ Hùng đều cùng một cấu trúc như nhau, chứ có tượng hình gì đâu). Ngớ ngẩn bởi vì trước với sau có ăn nhằm gì tới đúng với không đúng, chán vạn cái có sau mới đúng. Những trang sử nói về nguồn gốc nước Tàu kể cả của Tư Mã Thiên có lâu trước vậy mà đến nay đều bị các nhà khảo cổ và cổ sự chứng minh là sai không chối cải vào đâu được kia kìa!

- Vua cha là Lạc Long Quân thì các dòng vua con cháu nối tiếp phải là Lạc Vương mới hợp theo đạo cha (vương đạo),

Ô hay, vương hiệu thì có ăn nhằm chi tới dòng vua: Gia Long nhà Nguyễn, vua con Minh Mạng, Bảo Đại kia kìa. Ay là chưa kể Hùng Vương khai nguyên một kỷ nguyên mới, khởi đi vào phụ quyền khác với Hồng Bàng kỷ chưa phân rõ. Vì Lạc Long Quân lấy họ Rồng về ở nhà mẹ, tức còn dấu mẫu hệ. Sách Lĩnh Nam Trích Quái nói: “Au Cơ hành tại” có thể là thời chuyển tiếp từ mẫu hệ sang phụ hệ chưa phân rõ lắ.

- Nói lại câu: “Lạc tướng hậu ngoa vi Hùng tướng”

Sai tầy liếp mà thầy nói sao, trò đều lặp lại như vậy. Cả lũ đọc một câu sách không thông.

- Những tên Hùng Vương hay Hùng Hiền Vương, Hùng Đại Vương là những tên mà những người viết truyện hoang đường bịa ra.

Câu này có thể làm nhiều người rét vì mấy tên vua kia có thể gặp trong một hai sách hoang đường, nhưng kỳ thực là một câu biểu lộ óc duy sử mà bản chất là duy lý, nó đã rùm beng trong thời duy khoa học (scientisme) nhưng đến nay thì đã tỏ ra lỗi thời trước sự xuất hiện của khoa tân nhân văn như khảo cổ, uyên tâm, cơ cấu luận với những phân biện hiện nghĩa và ẩn nghĩa, rồi với huyền sử đi tìm ý nghĩa sâu xa của những truyện huyền thoại, trong đó việc kể lại không còn đóng vai thông báo một sự kiện, một biến cố nhất định nào mà đã siêu lên đợt biểu tượng siêu hình để nói lên sử mệnh, nói lên cái lý tưởng của nước, nói lên những nguyên lý căn bản để hướng dẫn đời sống con dân. Vì thế nó phải biến thể và do vậy bị người duy lý, duy sử cho là hoang đường, thì quả là “hạt ngọc bị giày xéo”. Những huyền thọai đó bị coi là sử ký thuộc bình diện hiện tượng nên bị khinh rẻ. Khinh rẻ vì đọc huyền sử theo cung cách lịch sử tức bám vào bì phu. Trái lại huyền sử vì lặn xuống tầng ẩn nghĩa (génotexte) để tìm lại cái mẫu mực ban sơ của tiên tổ đã đặt cho quê nước thì lại coi những huyền thọai là di sản thiêng liêng, đáng trọng như những lời thì thầm của muôn thế hệ tiền nhân nhắn nhủ con cháu, nó nói lên cái hồn văn hóa dân tộc một cách sâu thăm thẳm. Vì thế đáng quý trọng hơn cả lịch sử. Với lịch sử, mọi sự kiện là một biến cố cá thể đã xảy ra ở một thời điểm và không điểm nhất định nên nó rất hạn hẹp. Chí như những huyền thọai của nước nhà không có ý thông báo (information) những sự kiện lẻ loi, mà là huấn linh (former) tức là truyền lại cái hồn thiêng sông núi, cái kho tàng u linh làm cho một nước đáng tên là “Văn hiến chi bang”. Chính trong ý hướng đó mà chúng tôi muốn gọi 15 truyện đầu trong quyển “Lĩnh Nam trích quái” là Kinh Hùng. Chúng tôi hy vọng rằng một khi đã thấy ý nghĩa sâu xa của những truyện đó thì người Việt sẽ có một mối hãnh diện thật chính đáng về văn hóa ơn ích nọ. Cần thêm rằng những tên Hùng Vương mà nhóm duy sử cho là bịa đặt là hoang đường là vì cái học của họ nông cạn không tìm đến tận nguồn, họ chỉ biết đến mấy tiểu thuyết đời Đường mà chưa biết rằng những tiểu thuyết đó là lấy hứng tự truyện tiên rồng có đã hằng nhiều ngàn năm trước và đã được tạc nên hình ảnh chói chang trong tang trống đồng tự bảy tám trăm năm trước công nguyên!

Đó là ít lời vạch trần sự ngụy biện của những người theo “thuyết” Maspéro. Thật cũng là bất đắc dĩ mà phải mất công bác bỏ, vì quả đó là những lý chứng rất tầm thường, đúng ra chỉ là ngụy biện, lẽ ra không đáng mất thì giờ phân tích, nhưng có một điều trầm trọng kéo theo: ấy là “thuyết” Lạc vương đã xảy ra xuýt xoát cùng thời kỳ mà người Việt bị cướp hồn, rồi cướp nước, thì những gì có liên quan đến tai họa nọ đều đáng nghi ngờ.

Maspéro thuộc trào lưu cố dìm văn hóa dân bị trị do bọn Malinowski, Taylor, Levy Bruhl chủ trương cho dễ đồng hóa dân bản thổ. Đã vậy ông ta là loại người mà tâm lý xếp vào hạng tough minded (cùng nghĩa với đặc ngữ esprit de géometrie của Pascal) chỉ thấy những gì hiện hình ra đập vào mắt, thiếu óc tế vi thì rất dễ chạy theo khuynh hướng của thực dân xưa muốn chiếm nước ta cả về vật chất lẫn tinh thần, nên có ý hạ giá văn hóa ta bất cứ chỗ nào có thể. Maspéro đã vô tình hay hữu ý đi theo ý đồ đó khi chối bỏ danh hiệu Hùng Vương, bởi vì thời đại Hùng Vương là thời đại đã đặt nền cho thuyết Nhân chủ là thuyết cao nhất, ơn ích nhất cho con người mà mãi tới nay những nước tiên tiến còn chưa đạt được, nên chối đi được là đã thành công biến người Việt thành lũ vong bản và cũng là vong quốc khi gọi Vua tổ mình là Lạc vương như người Tàu, nghĩa là coi mình như xa lạ với gốc Việt. Nếu làm được thế thì Maspéro đã thành công phá hủy được cái giường cột của nền Văn hóa Việt tộc rồi.

Điều này mới nghe có vẽ vu khoát nên chúng tôi đã phải trình bày dài dòng trong nhiều sách bàn về Việt Nho và đã trở lại cách thấu đáo trong 2 quyển Kinh Hùng Khải Triết và Sứ Điệp Trống Đồng gồm những vấn đề mà chúng tôi nghĩa là mỗi người Việt Nam có lòng yêu nước, nuôi chí phục quốc thực sự thì phải phục Việt trước hết, tức nhận thức lại cái hồn thiêng sông núi vì nó đã là sức mạnh xây dựng nước và giữ nước của cha ông chúng ta. Nên trước khi nghĩa đến phục quốc chúng ta phải nghĩ đến phục Việt, do đó phải lưu ý đến những kẻ tàn phá nước ta, phá văn hóa ta, những kẻ ấy đã đi rất đúng với câu “Đạo mất trước, Nước mất sau”. Chúng đã khởi đầu bằng phá “Đạo” tức phá nền tảng tinh thần của nước như thực dân và cộng sản đã làm rất tài tình (xin xem lại Hồn Nước với Triết lý Gia tiên ba chương đầu). Điều trầm trọng muốn nói ở đây không phải thực dân và cộng sản nó diệt mình, nhưng là có nhiều người mình cũng theo đuôi nó, trong đó có kẻ hoặc mất gốc, hoặc có thể thuộc lũ nằm vùng không chừng, nhưng nhiều người thực sự yêu quê hương cũng đâm đầu theo. Thế mà những lý lẽ nọ có sáng giá gì đâu, toàn là ngụy biện và nói cối, vậy mà cũng đón nhận thì thực ra cảnh mất nước nhu nay đã biết bao người vô tình nhúng tay vô, cũng như trong phạm vi chính trị biết bao người nghĩ là giúp nước khi theo tiếng gọi chống thực dân, chống Mỹ, giúp giải phóng miền Nam… đến nay thì đã thấy là mình nối giáo cho giặc, hối hận không còn kịp nữa. Cũng thế, trên đợt tế vi hơn, thiếu gì người muốn “nghiên cứu sử theo đúng khoa học”, đã lạng quạng đi trái khoa học mà còn vô tình tiếp tay cho tụi nằm vùng, tụi phá nước mà không hay.

Đây là động cơ khiến chúng tôi phải lên tiếng. Công cuộc phục quốc là một việc linh thiêng mà chúng ta cần phải đem hết tâm hồn vào đấy, không những trong chính trị mà cả trong văn hóa; không những trong việc ngoạn mục mà cả trong những việc tế vi ẩn tàng. Chúng ta phải theo Thánh Tản Viên nhổ vào mặt những tôi tớ Cao Biền Maspéro khi chúng muốn yểm khí thiêng sông núi./.


PHỤ TRƯƠNG II

 LẤP ĐƯỜNG VỀ CỘI

Các học giả thường chứng minh rằng người Tàu đã biến chế biết bao huyền thoại cổ xưa thành sử Trung Quốc. Tuy nhiên đó cũng là chuyện thường chưa hẳn do ý đồ chiếm đoạt, là vì hầu hết những huyền thoại xưa không còn ai nhớ gốc tích ra sao. Chính người Việt cũng quên dĩ vãng, chỉ bắt đầu sử tự quãng Triệu Đà, và thu mình vào Bắc Việt, nên không còn ngờ chi tới nguốn gốc xa xưa hơn. Thành thử có những dữ kiện hoặc tư liệu quý giá giúp cho tìm ra nguồn gốc hoặc giúp hiểu được bản chất trung thực của nền văn hóa mình mà không bao giờ ngó ngàng tới, lại còn làm cho sai lạc thêm. Trong bài này chúng tôi đưa ra vài ba thiếu sót vô tình đó để làm thí dụ.

Trước hết tôi xin nói đến hai chữ nạp ngôn. Với triết đó là hai chữ tối quan trọng nó làm tôi khi mới đọc như bị rung rinh trong người cả hàng tuần lễ và viết ra quyển Việt Lý Tố Nguyên để khai mạc một kỷ nguyên học thuật mới về Việt Nam gọi là Việt Nho tức đặt Việt trước Nho hay trước Tàu, cũng như giúp nhìn ra rõ hơn khuôn mặt của nền văn hóa này. Đó là nền văn hóa hầu như duy nhất đặt nền trên tiếng nói dân gian (như chúng tôi đã bàn dài nhiều nơi nhất là trong quyển Việt Lý). Điều đó đem lại cho văn hóa nước nhà một nét đặc trưng vừa quý hóa vừa hiện đại vì tính cách dân chủ từ nền tảng. Vậy nạp ngôn là gì? Khổng An Quốc cháu đích tôn Đức Khổng giải nghĩa bằng câu sau:

“Thỉnh hạ ngôn nạp vu thượng.

Thụ thượng ngôn tuyên vu hạ”.

(Nghe lời người dưới (dân gian) để nạp lên thượng cấp. Nhận lời thượng cấp để tuyên bố ra cho hạ dân.)

Tất cả giá trị và nét đặc trưng của Việt Nho nằm trong vế “thính hạ ngôn nạp vu thượng”. Chứ còn vế sau “thụ thượng ngôn tuyên vu hạ” thì đâu chẳng có, và chỉ có thế chứ mấy khi nhà chuyên chế chịu nghe dân. Đó là chuyện phải dày công tranh đấu cho đến thể kỷ 20 này mới đạt được một phần. Vậy mà Việt Nho đã có ngay từ thời khuyết sử. Kinh Thư nói là từ đời vua Thuấn đã có bộ Nạp Ngôn, tức là tính chất dân chủ dân bản đã xuất hiện từ lúc loài người các nơi còn đang chìm trong chế độ độc tài chuyên chế. Như vậy không đáng quý sao. Thế nhưng các nhà nghiên cứu của ta có thấy đâu. Cụ Thẩm Quỳnh khi dịch Kinh Thư đã bỏ vế trên “thính hạ ngôn nạp vu thượng” mà chỉ nói vế sau “thụ thượng ngôn tuyên vu hạ”. Vế sau này đưa vào giải nghĩa hai chữ nạp ngôn đã là không sát ý, vậy mà lại được chú ý, còn vế chính thì bỏ qua, cho nên quả đó là một bỏ sót rất quan trọng: vô tình đi về phía chuyên chế.

Đọc vụ này tôi nhớ đến bản dịch sách Diệu Pháp Liên Hoa Kinh của Soothil bỏ mất chữ không (trang 183). Ai đã nghiên cứu sâu rộng về triết lý Đông phương đều biết chữ không nặng giá dường nào. Trong quyển Diệu Pháp chưa đi đến ý niệm không nhưng đã có một chữ mở đường, thế mà lại bị dịch giả bỏ mất. Nhắc như vậy để thấy những sự dịch sai bỏ sót rất quan trọng đối với triết Việt, nó làm người ta không nhìn thấy cái hay của mình rồi đi rước cái bậy cái dở của người.

Một thí dụ khác trong quyển “Việt Nam văn học sử yếu” (tr.206) Dương Quảng Hàm víết đại lược rằng “văn chương Việt xưa ít có tính cách xã hội, nghĩa là ít nghiên cứu về các vấn đề có liên lạc đến cuộc sinh hoạt và sự hạnh phúc của bình dân, người nghèo khó trong xã hội”… Đấy là những câu nói lơ mơ lấp nẻo đường về. Nó không sai hẳn vì nếu đem so với văn chương Tây Au thế kỷ 19, 20 thì quả nó không chuyên chú về xã hội bằng văn chương Tây Au, là vì lúc ấy Tây Au đã thành lập khoa xã hội học rồi, nên văn chương đầy tính cách xã hội. Đấy là điều thuộc đời mới. Còn nếu xét bao trùm thì sẽ thấy cổ văn ta nói về người nghèo nhiều hơn hết: truyện Chử Đồng Tử, truyện công tử Lang Liêu, Việt Tỉnh đều là những nhân vật nghèo. Đàng khác nếu không nói đến nghèo nhiều như ngày nay thì lý do sâu xa phải tìm trong câu nói của Bernard Shaw rằng tại sao lúc thường không ai nói đến răng? Thưa vì răng không đau. Người ta chỉ nói đến răng khi răng đau. Ta không nói về xã hội vì vấn đề ấy êm rồi, vì giàu nghèo nằm trong việc phân chia lợi tức quốc gia đã được giải quyết từ thời Hùng Vương bằng chế độ bình sản, nên kể là ổn (ấy là nói trên cản bản định chế chứ không trên hiện thực). Vấn đề còn lại chỉ là sản xuất, mở mang chứ không là quân phân. Đấy là lý do tại sao tiền nhân ta không nói.

Không nói vì đã nói rồi và đã được việc. Đọc truyện cổ của ta mới thấy văn hóa ta săn sóc cho dân nghèo, cho bình dân nếu không hơn hết các nơi thì cũng vào hạng nhất và đã thành công thiếtlập hoặc duy trì được chế độ công điền công thổ từ ngày lập quốc tới nay.

Như vậy nước ta có nghèo, nghèo lắm nhưng là nghèo cả hàng tổng, chứ không nghèo có giới vô sản như bên Pháp thí dụ, nơi mà ruộng đất thời Trung Cổ nằm gọn trong tay lãnh chúa, rồi đến đời mới thì tiền bạc nằm trong “hai trăm gia đình” tức trong thiểu số quá bé, phần lớn đều vô sản. Vì thế mà có đầy đủ tư liệu cho các văn sĩ viết về người nghèo, về xã hội… Đấy! Nói với không nói khác nhau chỗ đó. Thế hệ 1920-1940 không nhận ra điều nọ mới đi đả phá các làng xã, gia đình, dọn đường cho Việt cộng đưa xã hội chủ nghĩa về hầu giải quyết vấn đề công bằng xã hội, thì tự đấy không những người trong nước nói nhiều về người nghèo, người bình dân mà còn bị bắt buộc nói và học về sự công bằng tự do, thì đã biến toàn thể dân ra hàng nghèo nàn, nói về người nghèo khỏi lo thiếu chất liệu.

Một thí dụ khác: sách Đông Chu Liệt Quốc hay nói đến nước gọi là Man Kinh, nhưng bản dịch của Mộng Bình Sơn chỉ dịch là Sở. Dịch thế không sai nhưng không theo thứ tự sinh thành, tức lúc xưa miền ấy gọi là Kinh, rồi Man, đến đời Chiến Quốc mới gọi là Sở. Cần phải dịch, y nguyên là Kinh Man vì bỏ hai chữ đó là làm chìm mất mối liên hệ giữa Sở và Man, Kinh khiến cho người thường không để ý rằng Sở chính là Kinh tức là nước của vua Lộc Tục một tổ của ta được phong làm Kinh Dương Vương. Tức là xa xưa nước ta trải rộng trên đồng bằng sông Dương Tử đó. Cũng trong bản dịch ấy chữ Mị viết ra Vu hay thiên cũng là lấp lối về nguồn. Vì trong nước Sở thì họ Mị là nổi nhất và nó móc nối với Mỵ Nương của Việt hay Mễ Nàng của Mường. Vậy mà người dịch đánh Mị ra Vu, hoặc thiên vì chữ Mị (bộ dương) viết gần giống chữ Vu và chữ thiên (cả hai bộ thảo). Nếu chỉ là tiểu thuyết thì sai chẳng có sao, đằng này “Đông Chu Liệt Quốc” là một lịch sử tiểu thuyết chứa đựng nhiều huyền thoại cổ xưa, nền mỗi sự sai lầm là một cái ụ lấp đường tìm về tổ. Vì nhiều truyện cổ mới đọc nghe rất dị đoan, nhưng nó lại lẩn vào vài ba nét giúp tìm về nguồn thí dụ truyện sau:

Tục truyền rằng họ Mị phát sinh từ đời đế Chuyên Húc. Cháu Chuyên Húc là Trùng Lê làm quan Hỏa Chánh đời vua Cao Tân, vì có đức nên được gọi là Chúc Dong. Sau cháu Trùng Lê sanh con là Lục Chung. Lục Chung cưới con gái nước Quỷ Phương có thai mười một năm rồi giở nách bên tả sinh ra ba người con, giở nách bên hữu sinh ra ba người con. Trong các con ấy, người thứ sáu tên là Quý Liên họ là Mễ (Mị). Dòng Quý Liên sau có Dục Hùng học rộng được làm thầy vua Văn Vương. Từ đó con cháu lấy chữ Hùng làm họ. Sau được phong chức ở nước Nam Kinh, đến đời Hùng Cừ xưng vương hiệu. Từ Hùng Cừ truyền qua Hùng Thông cho tới Hùng Hoàn và Phụ Sô trải qua trên 50 đời Hùng.

Nói vậy là con số 18 đời Hùng Vương của ta chỉ là huyền số không phải lắp lại 50 đời Hùng Sở. Tuy nhiên có rất nhiều liên hệ giữa Việt và Sở. Ngòai vụ Lộc Tục được phong làm Knh Dương Vương thì còn có các họ như họ Hùng, họ Mị, họ Bàng (cũng đọc là Bành, là Bàn, là Ban, là Ba, là Bà) đều lấy bên tả làm trọng (Sở tục dĩ tả vi thượng). Câu này móc nối vào tục “tả nhậm” của tiền nhân ta như được tạc trên trống đồng, và ta biết là nó rất rộng nên Kinh Thư nói “tứ Di tả nhậm”: tất cả các Di (tức không phải Tàu) đều cài áo bên tả. Man hay Di hay Việt đều là một. Như vậy ta biết triết Việt xưa rất rộng. Truyền thuyết cho rằng nỏ được nước Sở sáng chế. Câu này liên hệ với nỏ của Thần Kim Quy. Nỏ là sáng chế riêng của Việt, nỏ có thêm cái dọc, còn cung chỉ có cái ngang. Thiên hạ đâu cũng có cung còn nỏ là một sáng chế tiến bộ hơn vì có thể biến thành liên hòan nỏ (liên thanh thời thái cổ).

Đoạn phát, một thí dụ khác là hai chữ đoạn phát mà dịch là búi tó cũng là lấp một nửa lối về, nếu dịch là cắt tóc thì nó mới đi với văn thân là hai dấu của tiền nhân ta, vả lại dịch là búi tó  thì sai đồng văn lúc ấy của Ngô Sở. Lúc đó quân nước Tấn đánh với quân Ngô, quân Tấn chắc mình thế nào cũng sẽ thắng trận nên có lệnh phải đưa dây thừng đi sẵn để buộc cổ quân Ngô lôi về, vì quân Ngô cắt tóc không thể túm đầu được. Nếu búi tó đã chả phải ra lệnh mang dây thừng.

Trên đây là vài thí dụ về sai một chữ. Bây giờ xin đưa ra thí dụ chỉ sai một dấu là đã lấp đường về, thí dụ hai chữ uỷ xà mà lại âm là uy đà theo giọng Tàu thì đánh mất liên hệ với xà long còn gì. Xin nhớ xà long là tiền thân của long vật biểu của Việt đó. Việt thờ long, nhưng mạn Bắc là xà long, mạn Nam là giao long. Về sau thành long có 4 chân. Long mình dài là xà long, 4 chân là do giao long. Xin nhắc lại bộ kỳ 5 nét viết tháu còn 4 nét ở chương 3 trên.

Về cái vòng vũ trong trống đồng Ngọc Lữ chia ra hai phần bán nguyệt coi như nhau: cũng nhà, cũng 4 cõi, cũng giàn đồng… nên hầu hết học giả cho là hai mảnh giống nhau như hệt. Thế nhưng nếu xem bằng con mắt triết lý An Vi thì lại có chỗ không giống nhau, đó là trên nóc nhà bên này có một chim, bên kia hai chim, một với hai giống nhau sao được? Nếu xét về mỹ thuật thì không sao, nhưng nếu xét về triết thì là lẻ chẵn tức thuộc cơ cấu. Bảo giống nhau y hệt là đánh mất cơ cấu, tức cái tế vi quý nhất của văn hóa ta rồi đó. Sách khác nói mỗi bên 8 chim. Đâu có! một bên 6 một bên 8 tức nói về đôi là 3 đôi, 4 đôi tức là tròn vuông cũng lại thuộc cơ cấu. Nói là 8 con cả tức là vô tình đi vào duy rồi. Đó là một sự khác biệt căn bản đối với cơ cấu đến độ nói khác nhau thuộc lưỡng hợp, nói giống nhau là vô tình đi theo duy vật hoặc duy tâm, tức là cả một trời một vực. Bỏ mất cái quý hơn hết trong văn hóa nước nhà là lưỡng hợp tính đó, nên sau đây sẽ đưa ra vài thí dụ. Trước hết là vụ tả nhậm: cài áo bên tả.

Tả nhậm. Sách Đông Chu Liệt Quốc hồi 92 trang 55 nói về vua nước Triệu bắt dân Tàu ăn mặc theo lối rợ Hồ “trách tụ tả nhậm”. Bản dịch bỏ hẳn 4 chữ sau chỉ nói là vua Triệu bắt dân ăn mặc theo lối rợ Hồ. Nếu chỉ là tiểu thuyết thì chẳng có sao, vắn đi được 4 chữ càng hay. Nhưng với người nghiên cứu thì lại buộc phải hỏi xem rợ Hồ ăn mặc ra sao? Thưa họ ăn mặc “trách tụ tả nhậm”, “tay áo hẹp, cái cúc bên tả”. Thế là tìm ra một liên hệ rất thú vị. Rợ Hồ cũng ăn mặc như Việt tộc, cũng tả nhậm cũng trách tụ. Họ bắt chước ta hay ta bắt chước họ. Thưa có thể không ai bắt chước ai cả mà cả hai ăn vận theo lối Việt cổ xưa lúc chưa có Tàu ngăn giữa thì “tứ di tả nhậm” hết.

Xin đưa ra thí dụ nữa về gốc tích lễ Hàn Thực (ăn đồ lạnh). Hầu như không sách nào không cho đó là tiết để kỷ niệm Giới Tử Thôi đã chịu chết cháy trong núi, mà không ra mặt với Tấn Văn Công. Số là Tấn Văn Công trong lúc tranh ngôi báu phải tị nạn, trải qua bao gian truân đói khổ, trong số người theo phò có Giới Tử Thôi. Thôi tỏ ra quá tận tình với chúa, có lần thầy trò đói quá, Thôi cắt thịt đùi nấu cho Văn Công ăn. Lúc Văn Công lên ngôi quên khuấy không nghĩ đến công của Thôi. Thôi liền cùng mẹ giá lên ở ẩn trong núi Miên Sơn, có người mách Văn Công, Văn Công hối hận thân hành lên núi tìm: yêu cầu Thôi ra mãi không được, Tấn Văn Công đành cho nổi lửa chung quanh núi để ép Thôi ra nhưng Thôi đã quyết ở lại ôm mẹ giá chết cháy. Người sau có cảm tình với Thôi nên đến ngày Thôi chết thì ăn nguội ba ngày để tưởng nhớ… Đó là truyện gán tầm bậy. Đọc theo lối Việt Nho ta thấy liền Giới Tử Thôi là ai mà được vinh dự đến thế: toàn cõi nước Tàu giỗ, và ghi tronglịch. Thưa Thôi chỉ là một người “giới quyến vô tị”, nói nôm na là một người thờ chúa cực trung đến độ gàn không ai bì kịp. Đấy là điểm một.

Điểm hai là Tấn Văn Công có phải là thánh hiền có công lớn với toàn cõi nước Tàu đâu. Ông chỉ là một trong “ngũ bá” lúc nước Tàu còn thu gọn ở mạn bắc. Đức tính không nổi lắm. Chính Khổng Tử chỉ cho Tấn Văn Công 4 chữ “quyệt nhi bất chính” L.N. XIV.16, quỷ quyệt mà không chính trực. Chúa không đáng thờ, tôi lại cù lần, sức mấy mà đáng toàn quốc kỷ niệm trọng thể. Vậy tại sao có tiết hàn thực? Thưa tiết hàn thực chính là tiết thanh minh trong tiết tháng 3 mồng 5 đã có lâu đời. Huyền thoại nói là đã có từ đời Chúc Dong với các lễ xuất hỏa, cải hỏa, trước khi ăn lửa mới thì lãnh thực là ăn nguội ba ngày gọi là tiết hàn thực. Đó là những lễ của Viêm Việt lúc còn thờ Toại Nhân, thờ mặt trời, đề cao quẻ li (chỉ đỏ lửa mặt trời). Lúc mà Lạc Long Quân dùng que lửa đó để diệt ngư tinh. Tức có đã nhiều ngàn năm trước chứ đâu mãi tới Giới Tử Thôi mới có tiết hàn thực. Có thể một số người cảm thương Giới Tử Thôi, nhân lễ Hàn thực thì nhớ đến Thôi, rồi một số “sử gia” gà mờ biên lại sự kiện và tổng quát hóa. Thôi thì mặc họ, không nên theo mà lấp mất đườcng về nguồn gốc dân tộc. Vì mấy tiết đó có liên hệ với lúc thờ mặt trời của ta, lan cùng khắp nơi, cả những chi Mường Mán Thái cũng có lễ đó rồi.

Trên đây là mấy thí dụ về sự bỏ sót, dịch sai, hoặc đánh chữ nọ ra chữ kia, tuy với tiểu thuyết không ăn nhằm chi, nhưng với triết lại quan trọng vì có nhận thức được mới đủ khả năng nhìn ra những cái tế vi hơn mà sau đây là thí dụ.

Ta biết thề phải có chứng nhân cho lời thề. Chứng nhân thường là đối tượng thờ bái tức vật gì người ta cho là cao trọng hơn hết, thì người ta để tay trên đó như để tay trên thánh kinh (thời xa xưa nữa khi loài người còn thờ bộ sinh dục (lễ phong nhiêu) thì để tay trên chỗ đó, nên chứng nhân kêu là testis cùng gốc với dương vật testiculum). Thành thử có những câu nói không những người dịch phải dịch rất sát mà cả người đọc cũng phải lưu tâm đặc biệt hơn, vì những lời thề trở nên ấn tích của những chặng đường tâm thức con người đã trải qua. Đọc trong Đông Chu Liệt Quốc ta thấy người Tần hay lấy nước sông làm chứng giám.

- Hữu như đại xuyên = có sông lớn chứng giám. Khi Tấn Văn Công bỏ tần về Tấn thì lấy Hà Bá làm chứng:

- “Hà Bá vi minh chứng dã”.

Các đại thần nước Tề lấy mặt trời làm chứng lời mình:

- “Hữu như hồng nhật”.

Riêng An Anh thề thì lấy Thượng Đế làm chứng:

- “Hữu như Thượng Đế”.

Việt Câu Tiễn thề còn chú ý đến cả tâm:

- “Thượng thiên tại thượng thực giám ngô tâm”

Đọc 5 lời thề trên ta thấy như một cái thang từ dưới đi lên. Vì lý tưởng tối hậu của con người theo triết lý nhân chủ là hội nhập mọi nguồn sinh lực vào tâm mình: lúc còn man rợ thì để nguồn đó ở sự vật như ở sông, ở núi, ở Hà Bá. Lên một bậc nữa là mặt trời mặt trăng đó là giai đoạn thờ hồng nhật. Sau đó chuyển sang thờ trời dưới hình thức Thượng Đế còn ở trên chưa ở dưới: ở tại thượng, vậy là chưa tại hạ, chưa ở cùng khắp sao? Nên còn thể lên bậc nữa là bỏ cả tại thượng, bỏ cả thực giám để trở thành “thiên lý tại nhân tâm”. Thiên cũng là tâm nên nói được là “ngô tâm thiện thị vũ trụ”= tâm tôi là vũ trụ, tức con người to lớn có cái tâm mênh mông như vũ trụ. Đó là con người nhân chủ cao trọng đáng tôn quý nên cái chi xuất phát tự nó cũng đáng quý và vì vậy lấy tâm mình mà thề là đợt cao cuối cùng. Nếu đặt các câu trên vào vị trí phát xuất ta thấy liền văn hóa phía Tây (nước Tần) thấp hơn văn hóa phía Đông (nước Tề và Việt) rõ rệt. Vì thế không lạ khi ta thấy các văn kiện, điển chương, lâu đài về văn hóa đều năm về phía Đông Nam.

Thí dụ như hai lễ Phong, Thiện. Lễ phong là tế trời lấy nghĩa trời cao, nên phải đắp đất lên mà tế, còn lễ thiện là tế đất, nên quét sạch đất mà tế. Đây là hai lễ quan trọng bậc nhất xứng đáng là hai cánh cửa mở vào nền văn hóa Đông Á và Đông Nam Á. Nó sẽ chiếu ánh sáng vào Kinh Dịch và mọi nét song trùng lớn nhỏ của Việt Nho như núi sông, đực cái, tiên rồng… và rõ ràng là do Việt tộc đến độ Tàu không dám sử ký hóa, cũng không dám quy công sáng lập cho “Hoàng Đế” như biết bao vụ, mà buộc phải nói là “vô hoài” tức có tự lúc nào không ai còn nhớ được nữa. Là vì hai lễ ấy vẫn còn được tế ở phía Đông: phong ở núi Thái Sơn, thiện ở núi Lương Phủ. Cả hai núi này nằm bên Đông trong nước Tề, chư không bên nước Bân của vua Nghiêu ở Sơn Tây.

Một thí dụ khác về cái tiêu. Tương truyền tiêu do vua Phục Hy ghép trúc làm ra, chế theo hình chim phượng, tiếng thổi cũng giống tiếng chim phượng gáy, gọi là tiêu quản. Thứ không đáy gọi là động tiêu, Nho viết cùng một chữ như Động Đình Hồ. Vậy mà bản dịch âm là đổng tiêu, thì nhận ra liên hệ với Động Đình Hồ sao được. Chữ động là chữ then chốt hơn hết trong triết Việt nho vốn đặt nền trên sự trống rỗng, vô thanh vô xú, với “cốc thần bất tử” Lão (hang rỗng không chết) được biểu thị bằng cái nhà đá rỗng. Trong chữ Động Đình Hồ thì động là cái nhà đá rỗng đó biểu thị các hang động chỉ sự trống rỗng tâm hồn. Vì tâm có trống rỗng mới nối được hai chỉ là đất trời, biểu thị bằng tiên rồng trong truyện là Tiêu Sử và Lộng Ngọc. Tiêu Sử đại biểu rồng, sách nói là cỡi rồng, còn Lộng Ngọc là tiên, sách nói Lộng Ngọc cỡi chim phụng, cả hai bay lên trời: thiếu trống rỗng làm sao có cảnh “phỉ nguyền sánh phụng đẹp duyên cỡi rồng”. Tiên rồng là then chốt văn hóa Việt, xây trên chữ trống, nên Động Đình Hồ phải có động trống rỗng. Viết động ra đổng là lấp lối về nguồn. Rõ ràng là thuộc loại sai một dấu phết đủ lấp lối đường về nguồn cội.

Xin đừng nghĩ rằng đó là những điều chi li vụn vặt, mà là những điều tế vi thuộc phạm vi triết. Trên một chục quyển sách triết Việt Nho đã được viết ra toàn lấy chất liệu từ những chữ bỏ sót, đặt dấu sai, dịch sai đó cả. Còn biết bao cái chưa được khám phá mà cần phải được khám phá. Nhưng đây là một việc lớn lao đòi nhiều công của và buộc phải quy tụ được một số học giả đủ ngành như triết lý, các khoa tân nhân văn như khảo cổ, ngữ lý học, nhân chủng học, xã hội học, phong tục học, truyện cổ, cổ sử Tàu… Trong đó tất nhiên phải có được vài ba cụ rất thông thạo Nho.

- Các cụ sẽ khởi công đi tìm về và đọc lại những sách cổ Tàu như Thế Bản, Sự Thủy, Bách Vật chí, Sự Vật Kỷ Nguyên, Ngô Việt Xuân Thu, Thủy Kinh Chú, Sơn Hải Kinh, Việt Tiên Truyện, Ngọc Hải, Văn Hiến Thông Khảo, Bách Việt Tiên Hiền… Đa đa ích thiện. Nếu có đông người thì đọc sâu vào những bộ Đồ Thư tập Thành rồi Thái Bình Ngự Lãm…

- Các người tân học thì thu thập các công trình trước tác của các học giả quốc tế đã nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Tàu cũng như Việt loại Creel, Needham, Granet, Karlgren, Eberhard, De Saussure… càng nhiều càng tốt và nhất là những sách khảo cứu mới như của Trương Quang Trực mà quyển The Archeology of Ancient China mới tái bản lần 3. 1978 tại Yale University press, rồi quyển Shang Civilisation. Quyển The Cradle of the East của Bỉnh Thế Hà, Chicago press, quyển Man’s conquest of the Pacific của Bellwood. Trong mấy sách đó đều có bảng các sách cần thiết. Đọc những công trình này chúng ta có cái nhìn khách quan và khoa học hơn về cổ sử.

Chỉ khi đạt mấy điều kiện vừa kể mới trông sửa lại các lầm lẫn gặp đầy trong sử văn học, văn hóa của ta, mới trông nhận ra được cái hồn văn hóa trung thực của dân tộc, là điều sẽ đem lại cho việc nghiên cứu về nguồn những cái nhìn soi dọi, nhờ đó việc nghiên cứu không chỉ có tính cách hàn lâm khô cạn, nhưng sẽ mang một chiều kích hệ trọng rất mới, một chiều kích của cuộc kiến tạo chủ thuyết để hướng dẫn việc thiết lập quốc học cũng như công cuộc phục quốc kiến quốc mai ngày vậy./.


Mồng 9 tháng 7 năm 1981.

Kim Định



SÁCH THAM KHẢO

BẢNG VIẾT TẮT ÍT SÁCH THAM KHẢO

(các số chỉ trang sách được trưng)

 

BEZACIER:             Asie du Sub-Est Tom II. Le Vietnam par L.Bezacier Picard Paris 1972.

C.A:                 La Chine Antique par Henry Maspéro. Presse Univ.de France, 1965

CIV:                 The story of civilisation by Will Durant Simon and Schuster N.Y 1954

CRADLE:            The Cradle of East by Ping Ti Ho. The Univ. of Chicago press 1975.

CRÈTE:            La Crète et la Grèce primitive par Fredrich Matz, Michel Paris 1962

GULIK:                       La vie sexuelle dans la Chine ancienne par Robert Van Gulik. Paris 1962

D 85:                Danses et legendes de la Chine ancienne par Marcel Granet presse. Unive. de France 1959 p.85

GROSLIER:                 The Art of Indochina by Bernard Philippe Groslier. Crown publisher N.Y.1962

INDO:             Indonesie: l’art d’un archipel par Fritz. A. Wagner 1960

LEG I-V:            James Legge: Chinese classis, hongkong 1960, I Analects, II Mencius, III Shoo Kinh, IV Poetry, V. Ch’un-tsew.

LIKI:                Li-Ki par Seraphin Couvreur, Cathasia, Paris.1950

KWANG:            The Archeology of ancient China by Kwang Chih Chang, 3 rd.edition Yale Univ.press 1978

NEED I, II:            Science and civilisation in China by Joseph Needham vol I and II, Cambridge Univ.

PACIFIC:            Man’s conquest of the Pacific by Peter Bell Wood, Oxford Univ. press N.Y. 1979

PREHIST:            Prehistoric and primitive man, Andreas Lommel, Mc Graw Hill book CI. N.Y.1966

SHANG:            Shang civilisation by Kwang Chih Chang. Yale Univ. 1980

SPEISER:             China, Esprit et société par Verner Speiser. (edition Francaise)

SHEN:             Shen Pu Hai, G.Creel, The Univ. of Chicago press. 1974

SULLIVAN:            The art of China by Sullivan, Univ. of California, La, 1973

VIETNAM:            Vietnam and China 1938-1954 by King C.Chen, Princeton Univ.press N.N. 1