Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com



Kinh Hùng Khải Triết
Kim Định





Mục Lục

TỰA

Phần I: THAM LUẬN TRIẾT

Phi Lộ

I. Nét Song Trùng

II. Khi người đi tìm người

III. Triết lý số ba

IV. Cơ Cấu Kinh Hùng

V. Xứ Nghệ

VI. Văn Lang Quốc

VII. Từ Còn Mẹ Đến Mất Mẹ

VIII. Vang Vọng của Văn Lang Quốc

IX. Tổng Luận Kinh Hùng

Phần II: CHÍNH KINH

Phi Lộ

X. Truyện Hồng Bàng

XI. Truyện Ngư Tinh

XII. Truyện Hồ Tinh

XIII. Truyện Mộc Tinh

XIV. Truyện Trầu Cau

XV. Truyện Đầm Nhất Dạ

XVI. Truyện Phù Đổng Thiên Vương

XVII. Truyện Bánh Dày Bánh Chưng

XVIII. Truyện Dưa Hấu

XIX. Truyện Bạch Trĩ

XX. Truyện Lý Ông Trọng

XXI. Truyện Việt Tỉnh

XXII. Truyện Kim Quy

XXIII. Truyện Man Nương

XXIV. Truyện Núi Tản Viên

Thêm Một Số Truyện

Phần III: PHỤ TRƯƠNG

Giỗ Tổ Hùng Vương





  Tựa

 

  Tập này nhằm khai quật nền triết hàm tàng trong 15 truyện đầu quyển Lĩnnh Nam Trích Quái hầu hết xoay quanh Hùng Vương, nên đề nghị gọi phần này là Kinh Hùng. Sách tuy mới xuất hiện vào thế kỷ 15 do Trần Thế Pháp thâu thập, rồi Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu đính, nhưng cốt truyện thì hầu hết đã có lâu đời trước, như được chứng tỏ trong các đền điện, đồ cổ, cũng như các truyện tương tự tìm được trong các chi khác của Bách Việt như Mường, Mèo, Man, Thái, Tây Nguyên (miền Ban Mê Thuật), đủ chứng tỏ tính cách độc lập trước khi chịu ảnh hưởng của Tàu. Các truyện đó chứa đựng những chân lý nền tảng thuộc nhân văn nên trải qua mỗi đời đều được quý mến và coi trọng như lịch sử thiêng liêng của dân tộc cũng như của một nền văn hóa mà sử trình của nó gắn liền với vận hệ thuộc nền văn hóa nông nghiệp lúa Mễ, một nền văn hóa đã đạt tinh thần nhân chủ tức con người được sống tự do hài hòa trong những công thể đầy ứ tình người, với chiều kích tâm linh sâu thẳm.  

Tinh thần ấy tuy vào thời Thái cổ đã nảy nở nhiều nơi trong những miền nông nghiệp, nhưng rồi lần lượt bị đánh bại do tinh thần du mục. Nền nông nghiêp lúa Mễ của Bách Việt tuy cũng bị du mục đả thương nhưng vì hòan cảnh đặc biệt nên nó không bị tiêu diệt, lại còn đuợc thăng hoa và kết tinh vào dân Lạc Việt một cách bền bỉ, nên nay có thể dùng làm cơ sở cho những suy luận về một nền triết lý nông nghiệp chính truyền. Giá trị chính truyền của cơ sở này còn được bảo đảm hơn nữa khi khoa khảo cổ đã khai quật lên những di vật chứng minh nội dung của các truyện huyền thoại kia. Khảo cổ liên hệ đến văn hóa Việt tộc có thể chia ra ba chặng quan trọng sau: 

- Trước hết là văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn từ lối 10.000 năm trước công nguyên. Hòa Bình đã thuần phục được thú vật và xem ra đã khởi đầu nông nghiệp. Có thể đặt vào thời kỳ này truyện Hồng Bàng kỷ.  

- Giai đoạn hai là Phùng Nguyên vào lối ba ngàn năm trước công nguyên: đồ gốm đã lên tới đỉnh cao, và bắt đầu có đồng thau. Đây là thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang.  

- Giai đoạn ba là Đông Sơn: lối năm ba trăm băm trước công nguyên, đây là vào quãng cuối đời Văn Lang với những trống và thạp đồng rực rỡ, sẽ là đề tài cho quyển “Sứ Điệp Trống Đồng”.  

Trong 15 truyện đầu, có 11 truyện nói về Hùng Vương như vai chính hoặc có nhắc đến tên vua. Còn lại bốn truyện thì 3 truyện về Lạc Long Quân thuộc Hồng Bàng kỷ, một truyện về Man Nương. Đại ý của 15 truyện nói lên mẫu người sống hết cỡ người, tự lực tự cường đủ mạnh để phá vỡ mọi ràng buộc dị đoan (3 vĩ tích của Lạc Long Quân) để vươn lên địa vị trung gian đứng giữa trời cùng đất (bánh tròn vuông), vì thế gồm những mẫu đề phổ biến như Au Cơ, Hùng Vương, Thánh Dóng, Tiên Dung… Đó là những tác nhân xây dựng nước Văn Lang lễ trị, ngược với võ trị do tinh thần du mục như sẽ được bàn dài trong sách này.

 Phi Lộ

 

Huyền thoại chính là tự truyện của một dân tộc bao hàm những kinh nghiệm tích luỹ từ không biết bao đời tiên tổ kết tinh lại. Xuyên qua đó thường được kể lại bằng những nét lung linh cái sứ mệnh của dân tộc, nên đó quả là những di bảo thiêng liêng chứa chấp những giá trị thâm sâu nằm giáp miền tiềm thức.

Có thể nói tác giả đã dựng nên những huyền thoại cũng chính là tiềm thức cộng thông của tất cả tiên tổ đã góp phần vào việc kiến tạo dân nước. Nói đến tiềm thức là nói đến sự vượt biên cương lý trí phân minh, nên trở thành âm u.

Vì thế những niên đại, những địa danh, cũng như các nhân vật phải được hiểu một cách co dãn chập chờn, vì đó chỉ là những mảnh vụn của lịch sử được huyền sử dùng như tiêu biểu để nói lên những tư tưởng hướng dẫn cuộc sống của dân tộc, nên mang tên này hay tên khác, xảy ra nơi nọ hay nơi kia đều không quan trọng.

Huyền sử thuộc vòng trong tiềm ẩn không nhằm ghi chép sự kiện hay biến cố ngoại diện như sử kýmà cốt nhằm phác họa những hình ảnh văn hóa, những mẫu mực chung của lối sống, nghĩ, cảm, là những dạng thức có liên hệ mật thiết với hoàn cảnh nơi ấy, nên khi nào con cháu muốn tìm ra những làn sóng ngầm của lịch sử dân tộc cùng những cái nhìn soi dọi vào đời sống hiện đại để tìm ra những mẫu mực căn bản thì cần phải mở một cuộc hội thoại thâm thiết với những di bảo nọ. Việc đó có thể gọi theo tiếng nói ngày nay là làm triết lý. Như thế triết lý ở đây là một cuộc đào sâu kinh nghiệm sống của tiên tổ để lấy chất liệu tạo dựng những dạng thức canh tân hợp cảm quan thời đại.

Chính trong ý hướng đó chúng tôi đã thử đi vào cánh đồng u linh nọ, lấy quyển Lĩnh Nam làm chất liệu, lấy trống đồng Ngọc Lũ làm tiêu điểm để mở một cuộc thám quật tâm linh dưới ánh sáng của các khoa nhân văn mới, nhờ đó chúng tôi nghĩa là đã gặp một nền nhân bản tinh tuyền, đáng gọi tôn lên là nhân chủ. Như thế phần tham luận này xin được kể như tiền đường cho quyển Sứ Điệp Trống Đồng, để làm nên quyển dẫn nhập vào khoa tàng triết lý Việt Nho mà thế hệ này cần phải đem hết tâm trí ra để đặt nền móng. Xét về điểm tựa thì quyển Dẫn Nhập này có thể phân ra làm ba thời là Viêt thoại, Nho ngôn và Triết lý.

Việt thoại là giai đoạn mà đạo lý được diễn tả bằng huyền thoại, ẩn dụ, ngụ ngôn và cái ẩn số mà người duy sử cho là vô nghĩa (còn sử gia trung thực sẽ không nói thế mà coi đó là những ẩn số cần được khám phá). Thí dụ, đọc truyện cổ có những câu kiểu “đàn voi đực 7 con, bước chân trái rồi cùng bước chân mặt”. Hoặc xem lên bàn thờ tổ tiên ta sẽ thấy đầy những con số ẩn bên trong: đốt ba nén nhan, rót ba chén rượu… Vậy xin hỏi những số đó có muốn nói lên cái chi chăng? Đây là việc của các khoa tân nhân văn như cơ cấu luận, uyên nguyên tâm, dân tộc học cũng như cả triết, và sẽ được thử làm phần nào trong sách này. Ngoài huyền thoại và ẩn số thì còn có tục ngữ, ca dao, tục lệ và nghệ thuật mà đại biểu sáng chói là trống đồng có thể coi như công trình đại biểu cho giai đoạn Việt thoại.

Nho ngôn: là giai đoạn hai ở tại vượt giai đoạn biểu tượng để dùng ngôn ngữ trực chỉ và văn tự. Chính trong giai đoạn này Nho công thức hóa Việt lý tức là việc đem nội dung của bộ huyền thoại, lệ tục trên kia diễn ra bằng những câu nói sáng sủa, gọn ghẽ, và chép thành văn. Bên Tàu việc này xảy ra vào khoảng nhà Chu (thế kỷ 10 t.c.n) và hoàn bị vào lối thế kỷ 5-3 t.c.n.

Triết lý là giai đoạn mới ngày nay mà việc chính là vừa tiếp nối hai giai đoạn trước, vừa hội nhập các sở đắc của các nền văn hóa trên toàn cầu để làm cho Việt lý hợp với cảm quan con người thời đại. Vì thế phương pháp dùng sẽ là phân tích, đối chiếu và tạo dựng nên một số phạm trù mới để xây một tổng hợp mới.

Ba phần trên đây chỉ là cách phân chia ước lệ để đặt nổi tính chất của từng giai đoạn. Trong thực tế ba phương pháp trên quấn chặt lấy nhau để làm nên một nền triết lý nhân sinh hầu đáp ứng sự đòi hỏi cấp bách phải cố một hướng đi, một đạo sống. Đây sẽ là nền triết lý của thời hậu công nghệ mà tinh hoa của nó là an vi, tức nền triết lý hướng đến lối sống phong lưu an lạc.


   I. NÉT SONG TRÙNG

   Nét song trùng nói đây là hai gạch song song gặp thấy khắc vào những viên đá cuội tìm được ở Bắc Sơn (tỉnh Thái Nguyên) mà cho tới tận nay các nhà nghiên cứu chưa hiểu được ý nghĩa. Với họ đó vẫn là bí ẩn (enigmatic) nhưng lại rất phổ cập đến độ đã được coi như dấu chỉ nền văn hóa Đông Nam Á xưa với tên gọi là dấu Bắc Sơn (le marque Bacsonienne qui consiste en deux traits paralleles).

Nhìn theo lối triết thì thấy nó là một nét hết sức quan trọng không chỉ cho thời Bắc Sơn mà còn cho cả nền văn hóa Việt Nho sau này, vì tính cách phổ cập của nó cũng như nó sẽ còn bám riết theo các chặng thám quật sau như với di chỉ Phùng Nguyên thì nó trở nên hoa văn chỉ đạo, rồi đến Đông Sơn càng trở nên nổi bật với vô số vòng song song chạy quanh đồ vật và nhất là cả quanh tượng người nữa, cũng như với các cặp đôi tràn ngập cả vật lẫn người.

Thế là đã đủ lý do móc nối nó vào nét lưỡng hợp của biết bao truyền thuyết và huyền thoại thường đi cặp đôi như giữa:

Đất và trời

Chim và rồng

Cái với đực

Ông Đùng với bà Đà

Ông Cồ với bà Cộc…

Đó là nét vừa xuất hiện rất nhiều vừa thâm sâu đến độ trở thành vật biểu của nước, của người dưới Tiên Rồng. Con người sinh ra vừa bởi tiên trên trời vừa bởi rồng dưới nước.

Đến đây tự nhiên chúng ta bật ra câu hỏi: đã biết bao ngàn năm và biết bao triệu triệu người Việt từng đọc đi đọc lại hai chữ Tiên Rồng thế mà có bao giờ và có một ai nghĩ đến chiều sâu của hai chữ đó chưa? Vì nếu có một ai chịu đưa mắt nhìn rộng ra năm châu, rồi nhìn sâu vào thời cổ đại sẽ thấy không một nước nào trên thế giới có vật biểu đi đôi như thế mà tất cả chỉ là một:

Ấn Độ là con voi.

Nước Pháp là con gà.

Nước Đức là con chim ưng.

Nước Anh là con sư tử.

Nước Tàu trước hổ sau rồng.

Riêng nước Việt lại nhận cả đôi, cả tiên lẫn rồng.

Trước khi tìm ý nghĩa thiết thực của cặp đôi uyên nguyên nọ thì cần nhận kỹ đây là nét đặc trưng ngay từ nguyên thuỷ và hiện diện tràn ngập  nên nay ta có lý do vững chắc để coi đó là nét song trùng biểu thị lưỡng hợp tính (dual unit).

Các nhà khảo cổ đều công nhận đó là nét đặc trưng của nền văn hóa Đông Nam Á, nhưng ta có thể nói thêm là cả Việt Nho nữa, tức rộng hơn nhiều cả về không gian lẫn thời gian nên đó không chỉ là những vạch hay những nét khắc suông, một huyền thoại cũ không còn liên hệ chi tới hiện tại, mà thực ra nó đã ngấm vào tận xương tuỷ người Lạc Việt và trở nên hai cột trụ chống đỡ toà nhà văn hóa Việt Nho, đem lại cho nền văn hóa này nét đặc trưng vô cùng ơn ích mà không một nền văn hóa nào có, ít ra đến độ chói chang như vậy.

Nếu ta đi vào những nền văn hóa cổ nhất của lưỡng hà mà Perse là đại biểu cuối cùng, thì không thấy lưỡng hợp mà chỉ độc trụ hoặc cặp đôi đấu chọi: sáng chọi tối, thần lành thần dữ tranh đấu liên tục. Đó là nét một chiều đã làm tiền đề cho sự sụp đổ của nền văn hóa nọ. Sang đến Hy Lạp cổ đại thì nét một chiều còn được công thức hóa thành nhị kháng thuyết (dualisme) theo nghĩa chọn một bỏ một, chọn nước bỏ lửa, chọn hữu bỏ vô, chọn tâm bỏ vật hay ngược lại, đặt nền cho sự tranh đấu giai cấp trường kỳ giữa hữu sản và vô sản, giữa tự do với nô lệ. Chính sự đấu tranh đó hiện đang gây nguy cơ đe dọa nặng nề nền văn hóa Tây Âu dưới danh hiệu tư bản và vô sản. Bên Ấn Độ cũng đấu tranh theo kiểu đó như đã hiện lên rõ trong vụ chim đại bàng (garuda) ăn thịt loài rắn Naggi, chứ không có chuyện chim trời giao thoa với thuỷ tộc. Ngược lại chỉ ở Việt Nho mới có nét song trùng lưỡng hợp. Đó sẽ là nét tiền đề cho các xã hội thống nhất vắng bóng đẳng cấp đấu tranh. Vậy nét lưỡng hợp đó chỉ thấy xuất hiện ở những trang đầu lịch sử văn hóa Việt tộc, nơi đã nhận cả tiên lẫn rồng một trật và không phải nhận suông nhưng đã biến nó thành rường cột cho văn hóa của nước của nòi. Tuy nhiên vì quá lâu đời nên nó đã chìm lắng xuống vùng tiềm thức mất rồi. Con cháu không nhận ra ơn ích sâu xa của sự vụ nên coi chuyện tiên rồng cũng như bao chuyện hoang đường khác, chứ không dám ngờ rằng nó hàm chứa một chân lý nền tảng không những cho triết lý mà luôn cho hết mọi ngành ngọn của cuộc sống, hơn thể nữa của chính khoa học ở đợt cao nhất là vật lý vi thể.

Đó là điều cuối cùng con người đã nhận ra dần dần xuyên qua sự hình thành của khoa học mà ban đầu là hai giây nóng lạnh của điện lực, rồi hai cực tiêu tích của từ khí, sau là proton-electron trong nguyên tử, và cuối cùng bắc cầu sang triết đó là thuyết tương đối của Einstein mà tinh hoa là không thời nhất phiến, tức không gian với thời gian đúc là một (space-time-continuum). Đó là một khám phá cực kỳ mới lạ vì trước kia người ta quan niệm không gian với thời gian như hai thực thể đứng rời nhau, nay Einstein khám phá Không Thời luôn luôn hòa hợp như hai đường chỉ ngang dọc dệt lên tấm vải, và từ đấy chỉ Thời Không được coi như những viên gạch xây nên vũ trụ, xây nên vạn vật. Nói khác, muôn vật có là do hai đường lực trái chiều giao thoa nhau mà thành. Hai đường lực đó gọi bằng tiếng mới là Không gian và Thời gian.

Đó là tinh tuý của tương đối thuyết và phải nói ngay rằng chính nó làm đảo lộn toàn triệt văn hóa Tây Âu vốn xây trên không gian mà gảy thời gian ra ngoài, nên là một nền văn hóa bất động, chỉ hợp cho sự vật im lìm mà không hợp cho con người vốn là thực thể sống động, vì thế mà triết Tây Âu tuy rất đồ sộ nhưng không dựng nổi một nền triết lý nhân sinh.

Như thế, ai cũng phải công nhận cần phá đổ trọn vẹn văn hóa cũ vì tính chất một chiều của nó, để xây lại trên nền mới hẳn có hai chiều. Nhưng đó mới là lý tưởng chứ thực tế thì không biết bao giời mới thi hành được. Lý do là chân lý lưỡng hợp của tương đối thuyết mới là sự hiểu biết bằng lý trí, bằng toán học dành riêng cho một số rất nhỏ chuyên viên phải vò đầu bóp trán mới hiểu nổi, còn xa mới cảm thức được, nên tất nhiên còn phải lâu nữa chân lý nọ mới thấu được vào triết lý, nhất là triết lý nhân sinh gồm không những lý trí mà cả tình cảm và ý chí. Đó là điều chưa xảy ra ngay được. Vậy mà có ai tin được chăng là nó đã xảy ra rồi ở Việt tộc, cách đây có cả mười ngàn năm, nhưng cần nói thêm rằng nó mới xảy ra trên đợt Tình và Chí mà chưa trên đợt Ý, tức tiền nhân ta đã trực thị thấy chân lý trên nên dùng làm cơ cấu cho văn hóa cũng như cho cuộc sống nhân sinh, vì vậy mà con cháu mất ý thức, nên Việt Cộng đã đi rước trọn nền triết lý Tây Âu thứ triết một chiều duy vật để thi hành trong nước. Cuộc rước đã diễn ra cực kỳ long trọng kéo dài hơn một phần tư thế kỷ với hàng triệu con dân chết tủi nhục trong bầu khí chiến tranh, căm hờn, và ngày nay biến Nước thiêng Tiên Rồng thành lao tù đắm chìm trong nước mắt và xương máu. Hậu quả của một nền triết thiếu nét song trùng đắt đỏ là vậy.

 

Hiện lúc này thiết nghĩ không một dân nước nào bằng dân Việt cảm thấy thấm thía câu nói của Heidegger, triết gia nổi tiếng nhất của Tây Âu hiện đại rằng: “Văn hóa Tây Âu truyền đi đến đâu thì gieo máu và nước mắt đến đó”.

 

Từ trong bản chất nó đã là một sự hiểu lầm (misdeutung) và một sự sử dụng lầm (misbrauch). Vì hiểu lầm tức đánh mất nét song trùng mà Heidegger gọi là đánh mất nét gấp đôi (twofoldness), nên dùng lầm tức đồng hóa người với vật, biến ngừơi thành dụng cụ sản xuất, không thấy con người là vật linh thiêng nữa. Đánh mất nét song trùng rồi còn thấy sao được chiều kích tâm linh. Chỉ được nhìn bằng con mắt duy vật thì tất nhiên người xuất hiện như những con vật mà nhà nước tha hồ quản lý như quản lý một bầy dê, cừu, trâu, ngựa.

Tôi nhớ lại sự bỡ ngỡ lúc xưa khi mới đi vào cánh rừng già văn hóa dân tộc, đọc cảm tưởng của mấy vị thừa sai khi đến nước Việt vào cuối thế kỷ 16-17, họ đều tỏ ra ngạc nhiên hết sức khi thấy nguyện vọng triết vương (philosophe-Roi) của Plato không bao giờ hiện thực được bên Âu Tây, mà quái lạ sao lại thấy hiện thực trên đất Việt rồi, còn đẹp hơn trong mộng là khác “plus belle en pratique que ne l’était la cité rêvée par Platon en théorie”.

Cảm tưởng ấy còn được nhắc lại nhiều lần do các học giả trứ danh trong đó có linh mục Cadière với câu nói đại để: Việt Nam không những có triết lý mà còn có một nền siêu hình cùng cực vì nó đã được khảm vào đời sống rồi (une métaphysique engagée).

Đó là những cảm nghĩ mặc dầu phát xuất từ miệng các học giả nghiêm túc, và tuyệt nhiên không do thành kiến nào cả, dẫu vậy lúc đầu tôi cũng lấy làm sửng sốt không dám nhận; trái lại bụng bảo dạ rằng nước mình nghèo túng, tiểu nhược, chậm tiến, bê bối đủ thứ chuyện, tại sao các ngài đùa dai thế?

Nhưng sau nhiều chục năm nghiên cứu triết, đủ các thứ triết Tây Âu, từ cổ điển qua thời mới, cho tới Ấn Độ rồi cả Nho gia, ông nào có máu mặt chúng tôi cũng đọc thử, rồi đến mấy năm nghiên cứu về văn hóa xã hội, tâm lý, cơ cấu v.v… nhưng phải thú thực chẳng bao giờ chúng tôi gặp thấy được thứ triết lý nào đáp ứng tâm hồn lâu dài cả, thường thì chỉ thích được hai ba năm là nhiều nhất, và cái thích chỉ ở đợt hiếu kỳ bác vấn mà thôi chứ thực chưa gặp được nền triết lý nào làm cho say mê đến độ thấm nhập tận tâm hồn, đủ để đưa ra những chân lý chỉ đạo cho đời sống tư riêng cũng như cho giáo dục, kinh tế, gia đình, quốc gia, nên lòng vẫn khắc khoải đi tìm, nhưng gần suốt hai mươi năm trời không tìm ra. Tuy nhiên không dám nghĩ rằng Việt Nam lại có một nền triết lý có thể chường mặt ra với hoàn cầu.

Đột nhiên ngày kia chúng tôi cảm được vài ba câu Nho rồi đến vụ xẹt lửa từ nét song trùng thì từ hôm ấy, tưởng như mình đã tìm ra được suối cam tuyền vọt lên từ Việt tỉnh, mới vội vàng kín lên để trình bà con, lòng chỉ lo là quá muộn, vì tình thế nước mỗi ngày một đen tối không biết có còn kịp cứu vãn chăng. Bởi thế mà chưa viết xong quyển này đã viết tiếp quyển khác, tung ra từng loạt như những hồi trống ngũ liên cốt để lay tỉnh đồng bào. Nhưng hỡi ôi! Tuy sự thức tỉnh cũng có lác đác, nhưng đi theo tiết nhịp từ từ, chậm rãi. Thế là không kịp nữa rồi, bờ đã vỡ, làn sóng văn minh Tây Âu một chiều kích đã tràn vào làm ngập lụt toàn cõi An Việt để cuối cùng biến nước thiêng Tiên Rồng thành trại giam đồ sộ, khổ lụy ngút trời. Đã quá nhỏ mà hiện đang bơ vơ như người mất hồn. Xem lại thì mình chẳng có chi đáng kể, nhưng nhìn vào văn hóa Tây Âu cũng nhiều ngổn ngang, bên cạnh những hiện thực thuộc kỹ thuật lớn lao rực rỡ lại thấy bày ra những cảnh đáng ngại và hiện đang trải qua cơn khủng hoảng rất trầm trọng. Bởi vì giới trí thức đã cảm thức sâu đậm về sự lung lay tận nền tảng của văn hóa Tây Âu. Họ cảm thấy mọi giá trị của nó đều là giả tạo, vì xây trên nền tảng phi nhân nên cần phải thay đổi từ gốc móng. Nhưng việc tìm ra được một nền mới, một hướng mới thì tuyệt nhiên chưa. Lý trí đã thấy nét song trùng trong khoa vật lý vi thể, nhưng Tình và Chí chưa rung lên theo nhịp song trùng, nên chưa xây được nền triết để chỉ huy cuộc sống. Mà triết đã không xong thì rồi việc nào cuối cùng cũng sẽ kết thúc như chiến tranh Việt Nam. Viện trợ thật nhiều, thiện chí không thiếu, nhưng vì bế tắc trong tư tưởng: kết cục là đổ vỡ.

Thế là một nhúm người Việt thoát lao tù sang đây lại tiếp nối cuộc sống vô hồn vô hướng như trước sao? Hay là cần khua lên những hồi trống mới, đem triết Việt ra để làm tiêu chuẩn cho việc thâu hóa cái hay của nước người? Có thể được chăng?

Nghĩ tới đó tôi lại thấy hăng say trả lời rằng tại sao không. Thế giới đã đạt tới độ lưỡng hợp trong khoa học nhưng còn thiếu nét song trùng cho văn hóa, đang khi Việt tộc đã có nét nọ trong văn hóa tại sao không cố công thử đem ra đóng góp, bởi vì nét song trùng nọ là hạt ngọc quý trọng nhất cho con người. Mọi vấn đề nhiêu khê của triết học, thí dụ vạn vật động hay tĩnh, giống nhau hay khác biệt… và bao vấn đề căn bản khác mà nếu thưa một chiều thì đều sai: mà khốn thay sự sai lầm đó sẽ gây nên cho con người muôn trùng đau khổ như cộng sản duy vật là thí dụ. Trái lại nếu thưa đúng thì con người sẽ được thảnh thơi hạnh phúc. Vậy mà có ai dám ngờ rằng câu thưa trúng chỉ có thể tìm được giữa nét song trùng của Việt tộc. Đó là điều chúng ta sẽ khởi công tìm hiểu trong các chương sau.

II. KHI NGƯỜI ĐI TÌM NGƯỜI

 “Sớm đi bốn chân, trưa đi hai chân,

Chiều đi ba chân, đêm đi tám chân.

Đố biết là gì?”

Đó là câu chúng ta nghe từ nhỏ và thường đưa ra để đố nhau. Tưởng có vậy là hết, không ngờ lớn lên học triết vẫn còn gặp, mà lại gặp ở điểm then chốt đó là đạo làm người; tức đạo làm người xuất hiện như một bài toán đố chưa ai tìm ra lời đáp. Nói kiểu triết là chưa ai xây dựng nổi một nền triết lý nhân sinh nhằm tìm hiểu bản tính đích thực của con người để phụng sự. Nền triết lý đó phải khác xa các những thứ triết lý đang được dạy trong cả trường thường được gọi là triết học hàn lâm trường ốc, ít có ăn chịu với đời sống con người, con người thật đang sống trong xương thịt ở đây và bây giờ, chứ không phải con người ướp khô trong Kim tự tháp hay trong những hệ thống tư tưởng trừu tượng. Đó không là triết lý nhân sinh mà chỉ là ý hệ. Nếu thật là nhân sinh thì nó phải ăn liền vào con người, chảy trong dòng máu, xuyên qua gân thịt, đọc lên làm người cảm thấy vui sống, thấy sáng lên trong tâm hồn, giúp nhìn tỏ hơn vào những nẻo đường gai góc của cuộc sống. Nền triết lý như vậy hiện chưa có. Tại sao chưa? Có hiểu được tại sao thì rồi mới hiểu được cái hay của nét song trùng, sự cần thiết của nền triết lý nhân sinh lưỡng hợp.

Để hiểu lý do thất bại của triết lý trường ốc, xin hãy trở về nơi phát xuất triết Tây Âu là Hy Lạp cổ xưa, mà tiêu biểu hơn cả là câu chuyện Oedipe con vua Laius cai trị thị quốc Thebes. Khi gần sinh Oedipe thì có nhà tử vi đoán rằng “đứa con sắp sinh sẽ giết cha cưới mẹ”. Vì thế khi sinh con rồi thì mẹ là hoàng hậu Jocasta truyền bỏ con ngoài rừng cho chết. Nhưng Oedipe đựơc một người tiều phu rước về nuôi, sau được vua thành Corinth nhận làm con. Lớn lên Oedipe biết mình không phải là con thật nên bỏ nhà đi lang thang vào rừng sống bằng săn bắn. Ngày kia gặp một người đi săn khác hai bên tranh nhau con mồi đi đến ẩu đả. Kết cục Oedipe giết người kia. Bất ngờ người bị giết lại chính là vua Laius.

Thời ấy dân thành Thebes đang bị con quái vật Sphinx tác hại và hẹn chỉ tha khi có người giải được câu đố sau: “sáng đi bốn chân, trưa đi hai, tối ba. Đố biết là chi?” Thành Thebes đặt giải thưởng cho ai thưa trúng thì sẽ được làm vua và cưới hoàng hậu hiện đang góa. Oedipe đã thưa trúng: “đó là người: trẻ bò bốn chân, lớn lên đi hai chân, già chống thêm gậy. Vậy là ba.” Thế là Sphinx tự nhảy xuống biển biến mất. Oedipe được lên làm vua và cưới hoàng hậu.

Câu chuyện muốn nói lên rằng con người không thể thoát định mệnh, mặc dầu bà Jocasta đã làm tất cả để tránh né cũng vô hiệu.

Đó là niềm tin chung của thời kỳ ấy. Vì thế triết lý Hy Lạp được đặt dưới quyền Định Mệnh (moira) và câu chuyện Oedipe đã trở nên đề tài cho những vở kịch trứ danh của văn chương Hy Lạp và mãi tới tận nay vẫn còn là đề tài then chốt cho phân tâm học: vì ý nghĩa sâu xa là hễ định mệnh thắng thì con người thua, tức nền tự do của con người bị chối bỏ. Đó gọi là vong thân. Thế nhưng ý nghĩa nọ đã được hàm ngụ một cách quá âm u thành thử không dễ nhìn ra. Trước hết ta nên chú ý câu đố không có chi khó lắm, một người tỉnh táo vừa phải đã có thể phán đoán được, nhất là khi bớt vế “đêm tám chân” (chỉ lúc chết bốn người khiêng). Thế tại sao phần thưởng lại to tát đến thế? Được làm vua.

Nhưng xét lại phần thưởng chỉ to giả tạo, vì khi biết sự thực thì bà Jocasta tự vẫn, còn Oedipe thì tự móc mắt rồi đi đâu không biết. Và từ đấy trở đi chẳng còn một ai nghĩ đến nữa: cho là chuyện xong rồi, kỳ thực thì chưa, có nghĩa là Oedipe mới nhìn thấy vấn đề con người mà không giải đáp nổi hay đúng hơn chưa thấu được vào bản tính con người, mới giải đáp có vòng ngoài nên được một phần thưởng tuy trọng đại nhưng chóng qua, còn gây tai họa cho mình và mẹ mình là khác.

Vậy đó là hình ảnh văn hóa Tây Âu đã đưa ra những định nghĩa con người toàn bì phu duy vật một chiều nên gieo tai họa cho tới tận nay. Việt Nho có câu “làm thầy thuốc mà lầm thì giết một người, làm chính trị mà lầm thì giết một thế hệ, nhưng làm văn hóa mà lầm thì giết muôn thế hệ”. Đó là sự thực đã xảy ra cách hãi hùng với nền văn hóa Tây Âu.

Nói cách khác, câu thưa của Oedipe mới chạm tới người một chiều hoàn toàn vòng ngoài chưa nói lên được nhân tính lưỡng hợp kiểu con rồng cháu tiên, nên kể là cuộc người đi tìm người chưa thành công; con người được bàn đến trong các triết học chưa là người lưỡng thê có hai đời sống một cho tiểu ngã vòng ngoài, một cho đại ngã vòng trong. Triết học Tây Âu mới đạt có con người tiểu ngã. Nói theo số trong câu đố thì mới đạt có số bốn; còn số ba thì chưa, mà nếu thiếu số ba thì mới là con vật bốn chân bò sát đất chiếu giãi vào thói tục văn hóa là đề cao tiền tài sức mạnh mà coi thường minh triết, biểu thị bằng tâm tình kinh nghiệm như phụ nữ và người già. Vậy con người dựa trên sức mạnh mới là người theo sinh lý, không mấy khác con vật. Đến khi vươn lên giai đoạn lý trí thì thấy mình bị căng ra giữa hai đối cực y như hiện tượng hay bất cứ sự vật nào cũng có hai cực, chỉ khác là ở sự vật thì nó tự nhiên như thế, còn nơi con người thì chính con người phải tham dự vào việc duy trì hai cực đó: cả âm lẫn dương, cả quỷ lẫn thần như câu Nho giáo định nghĩa “con người là nơi quỷ thần hội tụ”; cả tình cả lý tương tham. Nói vào xã hội là công hay của, tự do hay quy luật… Nếu duy trì được cả hai thì là lưỡng hợp (song trùng), còn không sẽ là lưỡng phân hay nhị nguyên đối kháng (nói vắn là nhị kháng) tức chọn một bỏ một, nên là “duy” hay một chiều kích- số 1.

Tóm lại, con người dù trong bất cứ phạm vi nào cũng không thoát khỏi gọng kềm lưỡng thê, nếu nhận thức ra và sống theo đó thì mới là người toàn diện sống đủ hai chiều kích. Con người khác con vật ở chỗ đó, ở chỗ cảm thấy hai chiều trái ngược mà lại không được bỏ bên nào, nhưng phải tìm cách hòa hợp cả hai, vì thế gọi con người là vật lưỡng thê (amphibious) tức phải sống theo nguyên lý lưỡng hợp, Nho gọi là lưỡng nghi, tức phải thích nghi với hai chiều trái ngược như tròn vuông, như trời đất. Vậy vấn đề sẽ là làm thế nào để hòa giải hai dòng trái ngược đó. Hễ hòa giải xong thì có nét song trùng, rồi có triết lý nhân sinh, tức thứ triết hợp cho con người lưỡng thê (amphibious) còn không thì chỉ có triết lý bằng số một là theo nguyên lý đồng nhất. Đồng nhất người với thần hay với quỷ cũng là đồng nhất con người với cái gì bên ngoài con người, không phải là người trung thực nên là vong thân sẽ bị vật bản hay vật hóa (reified man) chỉ bằng số 4.

Điều đó bên Đông ghi lại trong tích thần Cộng Công (*) húc đầu vào núi bất chu (núi không tròn), là cột chống trời, nên trời nghiêng đất lở. Đó là ám chỉ triết lý thiếu trời, duy địa, hay duy vật, trong đó con người bị đặt ngang với sự vật, tức con người không còn tự do, nhân phẩm là những cái làm nên chiều kích thứ 3, cao cả ngang với trời cùng đất.

Để nói vắn tắt thì từ ông tổ triết học Tây Âu cho đến nay chỉ có thứ triết lý một chiều mà thôi. Tuy cũng có những trường hợp ngoại lệ, nhưng đó chỉ như vài cánh nhạn lẻ loi giữa tiết đông tuyết lạnh, không làm nên được mùa xuân với muôn hoa đua sắc, vì không được chính quyền công nhận nên đời sống xã hội vẫn nằm bẹp dưới đất, như triết học chính thức dang cả tứ chi ra bốn phương, bắt lấy được, tích trữ được. Đó là những đặc tính của đất, nên Việt Nho gằn lợi liền với đất gọi là địa lợi (theo câu: thiên thời, địa lợi, nhân hòa). Nói triết đã đặt trọn trên địa hay nói đặt trên lợi cũng thế.

Đặt nền tảng “duy như thế làm sao có hòa, vì hòa phải có hai, có hai mới làm ra hòa chỉ bằng số 3. Nói khác chỉ có hòa khi người sống đúng lưỡng thê: tức cả hai đời sống, có thế mới là đạt nhân. Nếu không là vong nhân, cũng quen gọi là vong thân, vong thân sẽ đưa đến bất hòa. Thế giới hiện nay mất hòa vì đang sống trong bầu khí duy vật, mà không có nhân. Nói cho dễ hiểu là con người không còn được trị giá theo nhân linh, nhưng theo mức độ sản xuất: người được đánh giá cao thấp tuỳ theo năng suất cao thấp. Hồ Chí Minh đã học mót Mao Trạch Đông câu nói người già không bằng đống phân. Thực ra không cứ người già mà với duy vật thì tất cả những cái cao đẹp của tình người, tình bạn, tình mẹ, cha, của chân thiện mỹ đều bị coi như không có giá trị gì hết. Tất nhiên những nơi nuôi dưỡng những cái đó cũng bị xếp xó luôn, như gia đình là vườn ươm tình nước, tình người chẳng hạn.

Vì thế càng ngày con người càng cảm thấy trống trải cô đơn, cô lập, bơ vơ, vô hồn. Không có nhà (homeless) tức thiếu một nơi để hướng về. Đó là tai họa do một chiều kích, nói gọn là do số 1, là trạng thái được nuôi dưỡng để sửa soạn tâm hồn con người bằng lòng chui vào cái chuồng bốn góc vuông muốn gọi là cũi chó, cũi mèo, hay chuồng trâu, chuồng ngựa cũng được, và vui lòng chui vào vì ngoài ra không còn chi nữa để mà nuối tiếc. Còn đâu nữa gia đình, làng xóm, quê hương với muôn mối tình người để mà xót thương. Tất cả đều vuông vức, bốn góc phân minh.

Thế nghĩa là văn minh Tây Âu có rực rỡ huy hoàng đến đâu, cũng mới là cái ngai vàng của Oedipe không mang lại hạnh phúc trường tồn, còn bị làm thui chột mất con mắt thứ ba (chuyện nói là Oedipe tự móc mắt) tức tự vất bỏ số 3, hay con mắt thứ ba cũng gọi là tuệ nhãn, nên chỉ thấy nhị kháng, mà không nhìn ra chỗ hòa, đành chọn một bỏ một, thành ra đủ thứ duy, mà đã duy thì kiểu này hay kiểu khác đều là duy vật. Nói theo huyền số là đành quanh quẩn từ 1 sang 4 rồi lại từ 4 về 1 hoài hoài mà không tìm ra đường thứ 3. Ôi triệt tam, triệt tam! Ta thù ngươi.

Tai họa con người ở chỗ triệt tam đó. Có thấu hiểu được điều này mới biết triết lý quan trọng dường nào. Nước Việt Nam tan nát trong ba mươi năm rồi cũng vì triết. Người Việt Nam phải chạy tháo chết sang đây cũng vì triết. Chính triết mới là cái lái con thuyền đời sống. Nhưng xưa rầy không được chú ý, mà lý do thâm sâu là tại triết học Tây Âu đã nhỡ một lần đi trật ra khỏi con đường số 3, rồi cắm đầu chạy mãi ngoài vòng nhân sinh, không sao kéo trở lại được nữa. Triết chỉ còn bàn những chuyện trên trời, dưới đất, bên ngoài con người nên khi xem vào triết người ta không nhận được tia sáng nào soi vào ngõ ngách cuộc đời, mới đâm ra coi thường việc quan trọng hơn hết. Bài sau chúng ta sẽ xem Việt Lý đáp câu đố của Sphinx ra sao.

 III. TRIẾT LÝ SỐ BA

Một trời hai đất ba người.

Ba người là một nét đặc trưng cho triết lý an vi, coi người như một tài ngang với trời đất, nên cũng gọi là “Tham thông” cả ba tham dự: nếu trời làm, đất làm thì người cũng làm. Có làm mới là tham thông mới là một tài trong ba tài. Con người khác muôn vật ở chỗ tham dự, cùng làm đó, nên còn gọi là nhân chủ: con người làm chủ sự vật, không giữ được điều đó thì là vật chủ tức con người để cho sự vật sai xử, thí dụ coi tiền tài sản vật cao hơn mình, hơn người, hơn những mối nhân luân, đấy là phí đất. Còn phía trời thì là tất mệnh, định mệnh, đặt trọn tin tưởng vào số kiếp định mệnh, con người không còn giữ lại cho mình quyền lực nào để có thể sửa đổi được thân phận mình, đấy gọi là thiên chủ, thần chủ. Tóm lại, triết có thể chia ra ba loại là thiên chủ, nhân chủ, vật chủ. Nền tảng văn hóa Việt là nhân chủ, được biểu thị trong những câu như:

“Có trời mà cũng có ta”

“Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều…”

Đấy là những câu kết tinh của một lịch trình tranh đấu dẻo dai trong đêm trường khuyết sử và được phản ánh lại trong những huyền số cũng như huyền thoại và hơn thế nữa cả văn học. Trong sách tự điển đầu tiên của Nho là quyển Thuyết Văn Giải Tự của Hứa Thận đã ghi ý nghĩa nhất là trời, nhì là đất, ba là người. Đến khi xem vào những truyện truyền kỳ ta cũng thấy địa vị con người được đề cao xuyên qua những nhân vật chính thường là người nghèo khó cùng tột, nhưng biết tự cường tự lực nên đã xoay đổi được số kiếp như An Tiêm, như Tiết Liệu, và vô số truyện của các dân tộc thiểu số đề cao những vụ thành công rực rỡ đề cao những người nghèo, xấu, thất thế. Những truyện đó hàm ý rằng chính con người mới là chủ chốt, còn giàu sang, xinh đẹp, quyền thế chỉ là phụ thuộc. Vì thế kèm theo đó là những truyện trọng nghĩa khinh tài, như truyện Tiên Dung tuy là công chúa mà không ngại lấy người nghèo cùng cực. Tất cả đều đề cao những nhân vật biết vượt qua vòng địa lợi: coi thường tài sản danh vọng. Đó là thoát được cái bệnh trục vật (chosisme), không để cho sự vật sai xử mình.

Ngược lại bên thiên đạo nếu không được nâng đỡ bằng quan niệm nhân chủ tất sẽ rơi vào chỗ phục tùng quá đáng để trời choán hết phần quyền của con người để trở thành nạn nhân của tất mệnh: hoàn toàn thụ động. Vì thế tuy Việt Nho coi trời rất trọng như được chứng tỏ trong lễ tế Nam Giao không còn gì trọng hơn, hay triết lý chữ thời cũng chính là đạo thuận thiên, nhưng lại vẫn có những truyện hạ thấp trời xuống một ít để trời không choán hết chỗ người, thú vị nhất là truyện “Con cóc là cậu ông trời”. Đây là một hòn đá ném hai con chim là vua và trời. Vua xưng mình là con trời. Nhưng dân nói “con trời đâu đã bằng cậu ông trời”. Trong chế độ mẫu hệ, địa vị ông cậu rất to lớn, vì thay mặt cho cha, nên nói có là cậu ông trời cũng ngang nghĩa với cậu cóc là cha trời. Do đó mới có những lần cóc kiện trời, mà trời lại thua! Rồi trời tức quá động binh thì cóc đưa dân quân lên đánh tan tác quân nhà trời. Thế là trời thua cả lý cả lực. Tinh thần này sau xuất hiện trong truyện Tôn Ngộ Không nhiều lần cũng đánh quan thiên đình. Dân Bana có truyện Dam Đông đánh tan thần sét, bắt sét chặt ra từng khúc, nên các thần, kể cả thần mặt trời đều sợ run lập cập, tê cả chân không chạy chốn nổi. Dam Dông bắt mặt trời phải dừng lại ở độ cao hơn 3 ngọn núi cho anh giết giặc xong mới được phép lặn.

Dân Ca Tu có truyện trời thua trận rồi buồn thiu. Đó là truyện Song Pế bắn trời bị thương ở mắt, điều trị mãi chẳng được phải mời Song Pế lên chữa. Xong việc trời đề nghị gả con gái nhà trời cho, nhưng Song Pế không nhận, vì cũng giống như Từ Thức không chịu ở lại trên trời, nhất định trở về đất để nuôi bà. Nuồi bà là nói lên mối tình người rất quan trọng không nên để cho tình trời lấn át.

Đó là thuyết nhân chủ diễn đạt bằng truyện cổ tích truyền kỳ. Đó là nói vòng ngoài cho dễ hiểu, nhưng muốn đi sâu thì phải dùng đến cơ cấu, tức nói bằng số: thay vì nói đạo nhân thì nói bằng số ba. Dùng số Ba là một sự cự tuyệt triết học duy lý Tây Phương cho là không thể có trường hợp thứ ba. La Tinh nói tertium non datur, Pháp gọi là nguyên lý triệt tam- tiers exclu, Mỹ kêu là excluded middle. Trái lại Việt lại nói có số ba ở quãng giữa, nên đã không triệt tam mà còn tôn số ba lên bậc triết lý, tức là khước từ cả nguyên lý đồng nhất cũng như nguyên lý triệt tam, không cho chúng tham dự vào cõi nhân sinh. Nói nôm na thì với sự vật có là có, không là không, nhưng với con người là vật uyển chuyển thì có mà không, không mà vẫn có, nói bằng huyền số thì đó là số Ba. Tất cả túi khôn Đông phương nằm trong chữ Ba đó. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề nhiêu khê này trong quyển Sứ Điệp, ở đây chỉ xin kể thêm vài chuyện liên hệ đến số ba để chứng tỏ ngay từ đầu Việt tộc đã quan trọng hóa số ba đến mức nào.

Dân Bana có chuyện sông Ba đầy phép màu, rồi chuyện Tía Oong Tư với chim đại bàng. Câu truyện chỉ dài chừng mươi trang mà đếm sơ sơ đã có tới hai mươi lần số 3. Thí dụ nhà rông chứa được ba trăm con sông, tiếng trống trèo qua ba quả núi, con trâu có sừng bằng ba con voi; bờm nó tốt như bụi nứa làm được ba nhà rông. Họ trồng lên ba cái cột. Trong truyện Dam Dông kể về con quỷ có cái gương thần, hễ nó quay ngửa lên trời xoay ba vòng thì trời nóng như đốt. Khi nó úp gương xuống xoay ba vòng thì trời đất tối như mực v.v…

Hầu như không mấy truyện mà không có những con số lơ mơ mà nổi bật nhất là số ba. Do đó chúng ta có thể suy đoán là lúc xưa, mấy số này đóng vai trò linh thiêng (từ ma thuật đến triết lý). Do vậy, khi nghiên cứu triết xưa mà coi thường các số, là bỏ lỡ cái chìa khóa mở vào kho tàng ẩn giấu di sản vậy. Việt Nam có câu:

“Mồng ba cá đi ăn thề

Mồng bốn cá về cá vượt vũ môn”

Phải đoán đây không phải là những số cầu âu, mà tiên tổ xưa đã muốn xuyên qua các số nọ nói lên cái chi trầm trọng lắm. Ta có thể ngờ điều đó trong chữ ăn thề: chữ ăn thề ở đây hàm ngụ cái gì linh thiêng vượt ra ngoài cõi hiện tượng hữu hình, nơi mà có đối với không, sáng chọi tối, vuông chọi tròn, luôn luôn đề kháng mà không có hòa hợp, nói theo triết đó là nhị nguyên đối kháng thí dụ nước với lửa không sao hợp được, và đó là nguyên lý của triết Tây. Triết Việt trái lại xây trên số Ba mà ta có thể gọi là lưỡng hợp hay là lưỡng nhất tính, hai mà là ba, ba mà là một, nhưng cho được thấy điều “kỳ lạ” đó thì phải có con mắt thứ ba cũng gọi là con mắt minh triết, hay huệ nhãn, thiếu huệ nhãn thì hai là hai đối kháng kịch liệt nên gọi là Nhị Kháng (dualism) mà không thể có nét song trùng hay là lưỡng hợp để đi lên số 3.

Vậy muốn vượt lên số 3 thì phải dùng con mắt thứ ba tâm linh là cái biết thâm sâu chạm vào mối liên hệ nằm ngầm nối 2 lại thành 3, cho nên 2 mà lại 3, vuông mà tròn, có mà không, sáng mà tối, tức là nói lên sự vươn lên khỏi nhị nguyên đối kháng thuộc tai mắt để tiến vào đợt tâm linh và chỉ từ đấy tâm thức mới tiến lên được đợt tam tài. Tài là tác, tức con người được định nghĩa bằng tác hành, mà tác hành cao sâu nền tảng hơn cả là tác hành tâm linh gọi là chí thành như thần, tức con người phải tiến tới đợt như thần. Huyền thoại chỉ thị điều đó bằng ba bước tiến hóa của long: Long chỉ đức người phải tiến từ thấp lên cao, nói bóng tự cá lên long, nên sau ngư long (*) thì còn ba thể long khác là bàn long, quỳ long và phi long.

Bàn long cũng gọi là Bàn Quỳ hay là long cuộn khúc.

Quỳ long hay quỳ văn: khởi đầu múa cặp đôi: giao long.

Đến Phi long thìi bay lượn khắp nơi gọi là “phi long tại thiên”. Đó là nhờ đã bước vào số ba tâm linh, nên đạt “vũ trụ chi tâm” (tâm bao la như vũ trụ) rồi vậy.

(*) Ngư long chưa hẳn là long vì mới ở bước đầu biến hóa. Trong Kiến Văn Tiểu Lục (trang 52) có ghi mũ các vị thần thượng đẳng thì áo có hai rồng, trung đẳng áo một rồng, hạ đẳng thì áo chỉ có ngư long.

Đến đây ta có thể hiểu tại sao tiền nhân quý trọng số ba, coi như số linh thiêng siêu việt, vì thế dặn con cháu nắm giữ từ khi sinh ra cho tới chết trong câu phương ngôn triết lý sau:

“Cố sao giữ trọn đạo Ba

Sau dù có thác cũng là thơm danh”.

Và để con cháu thấm nhuần thì ngay tự lúc sinh ra đã gọi “ba sinh”, đến lúc chết cũng còn cho ngậm ba đồng tiền gọi là phạm hàm. Rồi ở giữa biết bao là số 3 rải khắp trong đời, cũng như đã phổ cập trong nhân gian, dưới vô số huyền thoại đầy số 3. Vì đã từ lâu lắm, lâu đến nỗi nó đã chìm xuống tiềm thức không ai để ý nữa nên phải dùng cơ cấu mới nhìn ra được.

Sở dĩ tiền nhân xa xưa đã quan trọng hóa số ba cùng cực đến thế vì nó biểu thị bước tiến lên nhân chủ hay nói theo huyền thoại là đi từ thần thoại lên nhân thoại. Ở thần thoại thì thần làm chủ, còn với nhân thoại thì nhân làm chủ và đây là một phân biệt rất quan trọng mà xưa nay chưa được ai nêu ra vì ít nơi có nhân thoại. Một trong hai vinh hiển của Lạc Việt là không có thần thoại (và không có anh hùng ca theo kiểu võ lực như sẽ nói sau). Vậy đây chính là chìa khóa cho câu hỏi đã có người đặt ra nhưng chưa ai tìm được câu trả lời, vì chưa ý thức được ý nghĩa sâu xa của con số 3. Hỏi rằng tại sao huyền sử nước Việt không có những truyện về sáng thế ký, ít ra không có nhiều bằng các chi khác trong Bách Việt, chẳng hạn như Thái có chuyện Ai Lậc Cậc khai thiên lập địa, gieo giống người, lập địa bàn cư trú, làm ăn và sáng tạo văn hóa Thái; dân Mao (Mán) có truyện Bàn Vũ hoặc Bàn Hồ xếp đặt trời đất và sinh ra loài người. Tại sao Việt không có những truyện như thế, hay nếu có thì cũng không lưu ý tới? Thưa vì Lạc Việt đã tiến mạnh hơn trên con đường nhân thoại. Chứng cớ là Ai Lậc Cậc của Thái lớn lao đến độ có thể dựng lên trời đất… vậy mà sau bị “ông chống trời” của Việt quơ tay bẻ gãy giò bắt bỏ vào giỏ, nên bị chết, thì rõ rệt là nhân thoại của Thái chưa cao bằng bên Việt, nơi có những ông chống trời lên để làm nhà, hiểu là tự tay mình xây lấy nhân tính chứ không để cho “trời” ngãng trở quyền làm người của mình, nên ta thấy tính chất nhân thoại toàn triệt (các nơi khác bị “trời” ngãng trở nên không có nhân thoại mà chỉ có thần thoại).

Tóm lại, khi tìm hiểu các huyền thoại của Bách Việt ta thấy đầy khí thế của nhân thoại, của những ông khổng lồ làm được những việc lớn lao ơn ích cho con người. Đó là tính thần nhân bản đích thực. Tinh thần này đã manh nha và phát triển trong toàn chủng Việt, nhưng đến Lạc Việt thì tinh thần đó còn đi xa hơn nữa vì đã biến tính chất không lồ thân xác để đưa vào tâm linh tức các ông khổng lồ Lạc Việt không còn to xác nữa mà là to hồn, vì thế mà không giữ truyện những ông có thân xác khổng lồ với những việc biểu thị sức mạnh gân thịt, mà chỉ chú ý đến những việc tinh thần như an bang, tế thế kiểu Lạc Long Quân hay Hùng Vương như sẽ bàn sau.

Trở lên là một số huyền thoại hay tục ngữ, bây giờ chúng ta thử đi vào vùng khảo cổ để tìm vết tích, thì cũng thấy tràn ngập. Ở đây chúng tôi chỉ đưa ra một bằng chứng, đó là những bộ ba cái chạc gặp được trong 6 ngôi mộ ở Lũng Hòa thuộc giai đoạn Phùng Nguyên. Chạc là vật hình cốc (cái ly uống nước) nhưng lại có hai chân dạng ra như cành cây nên gọi là chạc (trạc) còn lòng cốc lại có lỗ, nên không thể dùng để đựng nước mà chỉ dùng làm vật tuỳ táng (vật chôn theo người chết). Các nhà khảo cổ suy luận rằng như vậy là tục khi cúng tổn tiên rót ba chén rượu, đốt ba nén hương, vái ba cái… đã có từ đời ấy rồi. Như thế ngay khảo cổ cũng đã chứng minh sự lâu đời cũng n hư sự quan trọng của số 3, chứ không phải đợi tới thuyết tam tài thì số ba mới được chú ý.

Sau bằng chứng khảo cổ xin đưa thêm một bằng chứng xã hội, đó là sự kính trọng tuổi già. Đấy là một trong những hậu quả của số ba. Như trong câu đố đã nói số 3 chỉ lúc tuổi già phải chống gậy làm thành chân thứ ba, nên các cụ xưa thường được gọi là “lão trượng” (trượng là gậy) nhưng rồi theo “tâm linh sử quan” thì gậy trở nên tiêu biểu cho minh triết hay nói nôm na là kinh nghiệm sống mà nơi quy tụ là người sống trước quen gọi là tiền nhân hay tiên nhơn, hoặc tiên. Đó là nền tảng cho truyền thuyết gậy thần của Hùng Vương, tức một ẩn dụ chỉ cây gia phả (the penealogical tree or the ancestor pole) để nói lên di sản thiêng liêng của tiên tổ truyền dòng nối dõi qua muôn thế hệ gọi là Việt Thường. Nên chú ý là các tiên thường xuất hiện với cây gậy trong tay là nằm trong bầu khí đề cao kinh nghiệm sống, kính tuổi già.

Trường cổ nhất của Việt có tên là Động Đình Hồ. Hồ tròn (số 3) giữa có cái đình vuông (số 4). Việc dạy trong đó không ở tại ở việc truyền đạt một mớ tri thức như nay, nhưng là dạy múa bài Hàm Trĩ (**), còn giáo sư là các bô lão. Thoạt mới xem ta cho là kỳ lạ: tại sao lại đưa các bô lão vào đó dạy múa? Gân cốt chùn hết rồi múa đâu có nổi. Nhưng không sao, vì múa đây không phải là giật gân mà là giật giây hướng dẫn sự sống hay là múa trong cuộc đời cần đến kinh nghiệm sống, nó phải ngấm dần vào không những chân tay mà cả đến tâm can tỳ phế, ngũ tạng tức là đời sống tâm linh mà tổ tiên xa xưa chỉ bằng các điệu múa (sẽ bàn sau). Vì thế cần phải là những người sống lâu mới có đủ kinh nghiệm tâm linh (số 3) để dạy cho đời (số 4).

(**) Hàm Trĩ có nghĩa là ao ngậm: hồ ngậm đình.

Vì kinh nghiệm đời sống tinh thần cao hơn đời sống sinh lý, nên xưa có bậc thang “quân, sư, phụ” trong đó đặt thầy trước cha là vì vậy. Cha mới đẻ ra con người xác thân số 4. Sư mới giúp sinh ra người tâm linh số 3. Ba phải trên bốn: bán dày phải trên bánh trưng: tròn phải bao lấy vuông, Hàm Trĩ hay Động Đình Hồ là vậy.

Xã hội Tây Phương theo triết số 4-1 (sẽ nói sau) mà cụ thể nhất là lối đầu phiếu bách tiền, tức ai có tiền nhiều trăm ngàn thì được bỏ nhiều phiếu, ít trăm thì ít phiếu, không trăm nào thì không được bỏ phiếu, khôn ngoan mấy cũng mặc. Đó là đề cao tiền tài trên hết, gọi tắt là Vật chủ hay Địa chủ (gọi là bách tiền centuric, do tiếng Latin centum là trăm). Chính tinh thần trọng tài khinh nghĩa ấy đã truyền đến nay dưới hình thức coi khinh tuổi già, kể như đồ vô dụng, vì hết khả năng sản xuất rồi, giá trị con người tính theo khả năng sản xuất cao thấp. Đông Tây khác nhau ở chỗ đó, nói bằng số thì Tây số 4 còn Đông số 3.

Huyền thoại là những nét chấm phá lung linh phác họa sử trình văn hóa của một dân, trong đó bước quan trọng hơn hết là vươn lên đến số 3, cha ông ta đã vượt qua được như ghi trong truyện mẹ Âu Cơ đẻ con sau thời kỳ cưu mang dài 3 năm 3 tháng 10 ngày. Ta thấy con số 3 được đặt nổi tới hai lần. Còn cái gậy đi kèm số 3 được biểu thị bằng số 10 của “thập thiên can”. Can là gậy, trong truyện Hùng Vương có truyện gậy thần thì phải hiểu là nét dọc tâm linh giúp sống vươn lên tận trời: tức đợt Đại ngã vậy.

Vì thế bên cạnh bàn thờ thổ thần bao giờ cũng cố trồng một cây gọi là cây linh, cũng có khi gọi là “ông chống trời”. Ta thấy tang chứng rõ rệt của câu nói “những tư tưởng lớn gặp nhau”. Cái gậy trong Sphinx hàm tàng trong huyền sử nước ta là theo lẽ đó.

Vậy sự có được cái gậy tâm linh là lý tưởng của cả nhân loại mà tiên tổ Lạc Việt đã có lần may mắn đạt được, nên trong huyền sử nước ta mới có nhiều gậy, từ gậy thần của Hùng Vương qua gậy của các tiên ông tiên bà cho đến những cây linh trên gò đống là ngầm đề cao minh triết số 3. Không may về sau con cháu mất ý thức về ý nghĩa mới chạy theo văn minh Thái Tây xây trên số 4, nên xảy ra những chuyện làm sụp đổ cột trời như trong tích Cộng Công húc vào cột chống trời. Việt Cộng nay không những húc cho đổ cột trời, mà còn đào cả móng cả nền, cạo rửa cả chút di sản trời tròn còn sót lại để nằm sát đất toàn triệt.

Sau vụ Cộng Công phá hỏng thì may thay có bà Nữ Oa đội đá vá lại liền nên dân ta vẫn còn có trời để che. Không biết sau khi bọn Cộng sản rước triết Tây số 1-4 về dầy mồ tiên tổ, liệu rồi chúng ta có tìm ra được những con cháu đích tôn của bà Nữ Oa vá lại trời tròn chăng? Mong quá hỡi hồn con cháu Lạc Việt.

Chú thích: Bài một nói về số 2 (nét song trùng). Bài ba đặt nổi số 3 nói lên đạo nhân chủ hay là tác động cao cả nhất uyên nguyên nhất là hoà trời với đất. Trời số 1 đất số 2 hoà lại thành 3. Như vậy ta đã tạm có ý niệm sơ sài về cơ cấu nền tảng con người tiên thiên. Từ chương sau chúng ta sẽ đi vào “hậu thiên” để xem con người Đại ngã tâm linh động ứng ra sao như sẽ được biểu thị bằng các số 2-3 và 5 với 9.


  IV. CƠ CẤU KINH HÙNG

   Trong các con số huyền niệm của Việt Nho thì số hai và ba quan trọng hơn cả như đã bàn ở hai bài trên. Bài này bàn về số năm cũng quan trọng không kém, nhưng sự quan trọng không nằm trong số năm đơn độc, nhưng trong số năm như kết tinh của số hai và ba. Chính sự kết đúc đó làm nên nét đặc trưng của số năm, chứ còn riêng số năm thì đâu không có, thế nhưng ở đây có những sự đi đôi không có nơi khác, thí dụ Nho hay dùng thành ngữ “tam lưỡng” hay “lưỡng tham”. Khổng Tử thường gọi môn sinh là “nhị tam tử”. Kinh Thi nói về mấy ngôi sao thì dùng bộ số tam ngũ. Trúc Thư Kỷ Niên nói về Ông Vũ có “hai ba lỗ” (lưỡng nhĩ ta lữu). Việt Nam có những kiểu nói “vài ba”, “dăm ba”. Tại sao lại có sự nhấn mạnh cũng như sự đọc trại đi, thay vì nhị thì là lưỡng, thay vì tam thì là tham, thay vì hai thì là vài, thay vì năm thì là dăm. Nghiên cứu kỹ ta sẽ nhận ra rằng những chữ đó (vài, lưỡng, tham, dăm) nói lên sự co giãn, sự thanh thoát, sự không bám víu vào cái chi có số độ, đó là đức tính cần cho sự tham thông, cho con người tham dự trời với đất. Để được như vậy thì con người không được bám sát vào địa, vì tai họa sẽ là duy địa, duy vật. Vậy thay vì nói hai (đất) thì ra vài, thay vì nhị thì ra lưỡng. Cũng thế, thay vì năm thì ra dăm, hoặc gắn liền ba vào năm thành ra tam ngũ. Không bám trời không bám đất thì con người mới trở nên được nhân chủ tham dự cùng trời với đất.

Nói theo triết thì có vài mới vươn lên được để gặp thể hòa, trong thể hòa bao giờ cũng có sự mềm dịu hòa hoãn. Nếu 2 là 2 cứng ngắc thì chỉ đạt thể đồng, mà không đạt thể hòa. Đây là nền tảng sẽ gây một âm vang quyết liệt trên lối sống cũng như nghệ thuật. Vì thế ta thấy dấu vết trong nhiều đồ vật thí dụ tục đánh “túc chinh” tức đánh một tiếng chiêng lớn với hai chiêng nhỏ; hoặc trong khảo cổ tượng cóc lớn cõng hai cóc nhỏ; hoặc những nhà một căn hai chái do nghi thức bó buộc phải làm như thế trong những điện đài chính thức như đàn Nam Giao, đàn Xã Tắc…

Sở dĩ chúng ta đặt nổi chữ vài, vì nếu không thể sẽ không lên được thể hòa mà chịu ở lại trong thể đồng với ác quả mọi mặt. Thí dụ về xã hội thì ở thể hòa là liên hệ người với người, còn ở thể đồng thì một bên mất bản chất người như trong liên hệ chủ nô, tuy cả hai là người nhưng nhân phẩm nô bị tiêu diệt, để nô chỉ còn là một vật sở hữu đồng nhất với các vật khác của chủ. Đó là liên hệ vong thân của con người. không may mối liên hệ nọ đã ngự trị trong các xã hội La Hi, và truyền đến nay dưới hình thức thống trị chuyên chế mà hiện đại là tai họa cộng sản; trong đó chỉ có nhà nước mới là chủ, còn dân chỉ là nô, vì phải đồng nhất (ý, tình, chí) với nhà nước,  mọi sự dị biệt dù chỉ trong ý nghĩ hay cảm xúc cũng bị tiêu diệt tất cả trở nên y hệt như nhau. đó là thể đồng của sự vật, nên chính là duy vật hạ tầng chỉ huy thượng tầng. Hạ tầng 4 chỉ huy thượng tầng 1. Còn nếu thượng hạ hài hòa thì phải là 2-3 tức đặt vật chất bên dưới con người: ngừơi là ba, ba phải nắm phần chính.

“Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Do đó ta hiểu tại sao tiền nhân đã quan trọng số 3 như đã bàn trong bài trước. Bây giờ xin bàn đến bước hai là dăm ba, nó ở tại đem số 3 hòa với 2 thành 5. Đó cũng là một cách nhấn mạnh trên số 3 bên trên số 2. Tuy 3 với 2 thành 5 nhưng hai bên vẫn còn giữ được bản vị. Sở dĩ phải chú ý như vậy vì trong truyện cổ và thói tục đều nhấn mạnh trên điều đó. thói tục chẳng hạn, có những nhà bắt buộc phải xây ba căn hai chái như ở đền Tế Thiên, đàn Xã Tắc, đàn Phong Vân. Truyện A Ngói khóc mẹ hai ngày ba đêm. Truyện Chàm Cơ Ho phá rừng 30 ngày 20 đêm thì được chín vạc cầy. Truyện Ê Đê giơ 3 ngón tay gọi ông Ơ Hon, giơ 5 ngón tay gọi bà Ơ Hon, giơ 3 ngón tay khấn, giơ 5 ngón tay gọi tay cầu. Rõ nhất là truyện thần núi Tản Viên cũng gọi là Ba Vì xuống chơi dưới thuỷ phủ được Long Quân tặng cho một quyển sách có 3 trang,  mà sau thần đọc 2 trang là mộc và hỏa tức là 2-3 (hỏa 2, mộc 3). Đó là chính tâm tính của mình nên thần cũng gọi là “Kỳ Mạng” cái mạng của mình. tóm lại những con số trên đây không cần thiết tại sao lại lập đi lập lại làm ta đoán xưa kia nó mang một ý nghĩa chi đó mà ta cố moi ra, và ta suy đoán được rằng ngữ thuật dăm ba vừa nói lên bước tiến trong tác hành phải từ 1 vươn lên 9 qua 5, nhưng 3 vẫn quan trọng nên phải bỏ nhẹ 5 để trở về 3 nhân chủ. Thành thử dăm ba cũng như vài ba đều nói lên sự quan trọng của đạo làm người biểu thị bằng số 3 như sau này được công thức hóa trong cơ cấu ngũ hành, con người vẫn là đầu mối (nhân giả ngũ hành chi đoan dã) chứ không bị mất hút trong các hành, trái lại ngự ở giữa 4 hành kia để điều động chúng: đó là nhân chủ sai khiến sự vật.

Nói kiểu thông thường là từ vài lên ba: từ dưới đi lên, còn dăm ba từ trên đi xuống bao giờ cũng lấy số 3 làm căn bản. Vậy nên đó là bộ số nền tảng của Việt Lý biến hóa ra các bộ cơ cấu khác như 5, 9 sẽ được bàn trong quyển Sứ Điệp. Ở đây chỉ có ý nói tới bộ số 2-3 như một thứ chìa khóa để mở vào ý nghĩa của kho tàng cổ.

Trong quyển Art du Vietnam (Somoly, Paris 1957) của hai tác giả người Tây Âu kể lại vào lối năm 1952 khi hai ông đi cùng khắp Bắc Việt để chụp hình các nghệ phẩm nói lên nét đặc trưng văn hóa Việt Nam thì có gặp bia tạc năm con hổ xếp thành hai lớp trên dưới, lớp trên 3 con, lớp dưới 2 con, hỏi cả nước không ai biết ý nghĩa ra sao. Biết sao nổi. Muốn biết, cần trước hết là có con mắt triết, thứ đến phải theo sát khảo cổ. Lúc ấy khoa khảo cổ còn quá mới cũng như chưa được mắt triết ngó tới. vì thế câu hỏi đành bỏ lửng không có câu thưa.

Vậy câu thưa xét như là hậu quả của cái nhìn đầy đủ nằm trong thành ngữ “vài ba”. Thành ngữ này hẳn đã xuất hiện từ lâu lắm, vì trong một ngôi mộ sang trọng tìm được ở Lũng Hòa cũng thuộc văn hóa Phùng Nguyên thấy có 5 viên sỏi: 3 viên mài nhẵn, 2 viên để thô. Hai viên để thô mà không mài nhẵn là vài. Còn 3 viên mài nhẵn là triết lý số ba đó (trong Sứ Điệp sẽ trưng thêm bằng chứng về vụ này rất nhiều).

Ơ đây chỉ cần nói rằng những lối xếp đặt đó nói lên sự quan trọng của bộ số vài ba, vì nó thấu nhập vào những tác động linh thiêng tế tự như tế Ngũ sinh và Tam sinh. Tam sinh là bò, heo, dê, còn ngũ sinh thì cộng thêm gà, chó.

Hoặc nhà ba căn hai chái ở đền Văn Miếu thì hai chái là vài vì chái bé hơn căn. Nho giáo đã công thức hóa vài ba thành câu “tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số” (ba trời hai đất là những số căn bản, Kinh Dịch). Trong câu trên thì lưỡng là vài. Không nói nhị mà nói lưỡng là cùng một tinh thần như chữ vài. Còn tham thay vì tam để nói lên phần tham dực của con người trên cấp tối thượng, cũng gọi là tham thông.

Bây giờ xin đưa ra một áp dụng vừa cụ thể nhất và cũng là nền tảng thiết thực hơn cả đó là sự phân chia tài sản. Để thấy rõ sự uyển chuyển của cơ chế này thì cần đối chiếu với cơ chế của Tây Âu đi theo lối 2 là 2 bàm víu  mà cụ thể là tư sản với quyền tuyệt đối, nên chỉ có nhị đối kháng là hữu sản và vô sản. Đó là đầu mối còn gây tai hại trầm trọng cho đến ngày nay giữa tư bản và cộng sản. Lý do vì thiếu triết lý vài nên quá bám víu vào tư sản, biểu lộ qua quyền tuyệt đối về tư sản (le droit absolui de propriété) được các triết học và các thuyết lý bênh vực. Vậy chính sự bám riết nọ đã gây ra nạn vô sản tức cảnh huống của những người không có tài sản. Đã không có tài sản tất trở nên nô lệ. Thế là trong xã hội phân ra có chủ có nô, có giai cấp, tiếp đến là có giai cấp đấu tranh liên tục. Toynbee đã quan sát gần ba chục nền văn minh, và nhận ra căn nguyên làm chúng sụp đổ đều phát xuất từ cảnh chênh lệch bên có bên không. Thế giới hiện nay rung động cũng vì thế. Trái lại Việt xưa đi theo lối “vài” uyển chuyển, nên không theo tư bản hay cộng sản mà theo lối bình sản, tức đứng giữa tư bản và vô sản: uyển chuyển giữa có với không.

Đây là một nền tảng cực kỳ hiệu nghiệm để gây dựng nên người hùng của đạo nhân chủ, nhưng con người đầy óc bất khuất, vì 3 năm mới phải nghĩ tới việc cấp phát có một lần, còn trong một ngàn ngày thì tự lập, hễ “tay khéo làm thì hàm nhai”, khỏi quỵ luỵ hàng ngày như trong chế độ tư bản hay cộng sản. Tất nhiên trong thực tế có nhiều phức tạp, nhưng đây đang nói về thể chế thì quả thật bình sản cấp cho người dân sự độc lập kinh tế khác hẳn chế độ cộng sản trong đó dân phải lệ thuộc hàng ngày vào nhà nước còn đâu nữa là bầu khí thuận lợi cho sự phát triển óc tự lập, tự cường, bất khuất.

Tuy nhiên đức tính dân tộc đó ngày một sa sút, đây là chuyện dài hơi và rất phiền toái do ngoại xâm cũng như do việc quên gốc. Ơ đây chỉ xin nhắc sơ qua cái gốc đó xuất hiện như sợi dây lôi xuyên qua quyển Kinh Hùng với tên là Hùng Vương chỉ mẫu người mạnh mẽ hùng cường từ đợt sơ nguyên: tham dự cùng trời đất. đó là đạo nhân chủ được biểu thị bằng các số 2, 3 và bộ cơ cấu vài ba như sau:

Trước hết là con số 2 thì đã hiện hình một cách rất nhân bản và thi vị trong cặp đôi Âu Cơ Tiên lấy vua Rồng xứ Lạc đẻ ra Hùng Vương. Vậy Hùng Vương là kết đúc của chữ vài, nên đẻ ra được con Hùng chỉ thị bằng người đại ngã. Vì thế mà mẹ đã cưu mang 3 năm 3 tháng 10 ngày và đẻ vào tháng 3. Hai chữ 3 trên là thời sửa soạn được nói đến trong hai bộ 3 đầu tiên. Bộ đầu trước hết là cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh. Bộ ba thứ hai là:

Đế Minh lấy Vụ Tiên đẻ ra Kinh Dương Vương.

Kinh Dương Vương lấy Long Nữ đẻ ra Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra Hùng Vương.

Đó là 3 lần 3 là 9. Vậy Hùng Vương là cháu chín đời vua Thần Nông sẽ được lập lại trong vụ Hùng Vương thứ ba truyền ngôi cho công tử thứ 9 là Tiết Liệu.

Điều nên chú ý là Kinh Hùng chỉ nói tới Hùng Vương thứ 3 mà thôi. Trong 10 truyện nói tới Hùng Vương thì 6 truyện chỉ nói trống Hùng Vương còn 4 truyện thì nói tới Hùng Vương thứ 3, đó là truyện:

VI. Tiên Dung (đần Nhất Dạ).

VII. Thánh Dóng.

VIII. Bánh chưng.

XII. Việt Tỉnh.

Toàn những truyện tràn ngập triết lý với số 3 căn bản. Từ khi lên ngôi của công tử thứ 9 thì có biến vì 9 là cùng tột, là đỉnh chót của số 3. Nên từ đấy có dấu sa đọa, anh em giành giật chức trưởng tộc, và lập trang trại riêng… Như vậy là khởi đầu đợt rút, tức 3 lên 9 là đi lên, rồi từ 9 đến 18 là đi xuống: nhịp lên từ 3 tới 9, nhịp xuống từ 9 đến 18, nên nược Văn Lang đến Hùng Vương thứ 18 thì mất (1). Nhưng mất mà vẫn trường tồn bằng truyện núi Ba Vì đứng sừng sững để chi linh khí phương nam không thể trừ được. khi Cao Biền muốn yểm linh khí nước Nam thì bỉ thần núi Ba Vì nhổ vào mặt (2).

Thế là từ đầu tới cuối Kinh Hùng ta thấy có câu vài ba ẩn ẩn hiện hiện với ở giữa rất nhiều số 3, 5, 9. Đó là bằng chứng triết Việt đã tiến rất cao rồi. những con số này làm nên sợi dây xâu các lời khôn ngoan đầy kinh nghiệm vào một mối nên gọi là kinh theo nghĩa là kinh qua, kinh nghiệm. Ấn Độ kêu là Sudra cùng nghĩa sợi dây xỏ qua các chân lý nền tảng làm nên một đạo lý thống nhất. nếu cần gọi tên cái dây xỏ qua Kinh Hùng thì đó là bộ số 2-3.

Trên đây chỉ là mấy nét sơ lược, nhưng tưởng đã tạm đủ để hé mở cho thấy rõ nó rộng lớn đến đâu, thấy vai trò của giếng thiêng (lược đồ của bộ số 2-3) ở chỗ nào, và tại sao trong Kinh Hùng 2 lần nói đến giếng cách lơ lửng:

“Nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu”.

Bài sau sẽ bàn về Lạc Long Quân dùng triết lý 2-3 trong việc dựng nước thế nào.

 

Chú thích

(1) Trong truyện Bánh Chưng chính ra không nói tới Hùng Vương thứ ba, nhưng vì cùng một nhân vật với truyện Phù Đổng Thiên Vương thuộc Hùng Vương thứ ba, nên thêm số ba vào cho thấy rõ cơ cấu từ 3 tới 9. Tuy nhiên vì nạn tam sao thất bản, nên có bản chép Hùng Vương thứ sáu, bảy và công tử thứ tám hay mười tám. Chúng ta cần phải làm sáng tỏ xem nên theo 3-9 hay là 6-18 (trong quyển triết lý cái đình chúng tôi biên công tử thứ 9 mà nay đọc lại thấy 18, thì đúng là lúc in nhà xuất bản tự ý sửa đổi, y như các chữ y sửa ra I, ý kiến ra í kiến). Trong phạm vi văn học sử chỉ có thể soi sáng một cách gián tiếp bằng cách so sánh các dị bản để quyết định 3-9 nhiều hay 6-18 nhiều. Đó là lối vẫn còn bấp bênh, vì các số trong Kinh Hùng rõ rệt không là lịch sử, hơn nữa tác giả thu thập sách Lĩnh Nam tỏ ra đã mất ý thức trọn vẹn về ý nghĩa sâu xa rồi, thí dụ rõ nhất là truyện Bánh Chưng lẽ ra phải nói cả hai, còn nếu nói một thì phải là Bánh Dày. Duy vật từ đấy. Vì thế nay muốn tìm lại ẩn ý truyện xưa chúng ta cần dùng lối phê bình của huyền sử là quy chiếu với toàn thể, với nội tại của câu truyện và những liên hệ ngầm của nó.

Vậy theo huyền sử thì phải nói số 3. Trước hết vì nói về toàn thể thì trong 11 quyển Hùng Vương toàn nói Hùng Vương mà không nói Hùng Vương thứ mấy, ngoại trừ bốn truyện nói tới thì toàn dùng số 3.

Ngược lại số 6 quá lẻ loi, nên không hợp với quy luật huyền sử bắt phải quy chiếu vào toàn thể hoặc một chùm sự kiện mà không vào một sự kiện lẻ loi, ấy là chưa kể số 6 cũng như 18 tàng ẩn số 3-9 nhân đôi, và có thể do ảnh hưởng Phật Giáo ưa số chẵn (tứ diệu đế, mồng bốn tháng tư hoặc mồng bốn tháng tám). Tô Đông Pha đã có lý khi quy số 6 cho Phật, rồi 9 cho tiên trong câu:

Dành dành sáu cánh Phật trên rừng,

Xương bồ chín đốt tiên trên đá.

(Vân Đài Loại Ngữ, tr.493)

Bây giờ  nói đến số 9 và18 thì chúng ta nhận thấy rằng nói 18 là không chính xác hay nếu có tạm dung là vì nhân 9 với 2, nhưng đã khởi đầu Hùng Vương thứ ba, thì phải là công tử thứ 9 mới hợp toàn thể, tức hợp bầu khí của nước Văn Lang đặt cơ sở trên nguyên lý mẹ. Nguyên lý đó gọi là Nữ thần Mộc (số 3), cũng có tên là “Cửu Thiên Huyền Nữ”: số 9. Rõ rệt 3 là căn của số 9 (3-9) hay nói vắn tắt là Cửu Lạc, tức cai trị theo lối đó thì dân nước được an lạc, vui thích, gọi là Lạc dân. Trang Tử nói là “trị thịnh, đức bị”. Vua Hùng Vương cai trị theo lối đó nên huyền sử kêu là có gậy thần 9 đốt. Vậy khi truyền ngôi tức trao quyền cai trị thì phải nói là trao gậy, hiểu ngầm gậy có 9 đốt; còn nếu không nói thế thì người nhận phải là công tử thứ 9. Nho gọi việc biết cai trị đó là “phù cửu đỉnh”, gọi việc lập nước là đúc 9 đỉnh (Vũ Chú Cửu Đỉnh), và ông đã chia theo lối tam tam (3*3=9) (*) và đỉnh được coi như “bảo quốc”, về sau bị du mục làm sai đường lối văn trị đó thì gọi là làm chìm mất một, còn lại có 8 đỉnh (8 là số du mục). Bánh chưng nằm trong liên hệ đó ở chỗ đỉnh là để nấu đồ ăn ngũ sắc, không cần lửa mà tự nhiên sôi. Huyền nghĩa của nó là cai trị phải liệu cho dân có đủ ăn: “dưỡng dân là đức chính của việc cai trị” (Đức duy thiên chính. Chính tại dưỡng dân). Nhân đức là biết cai trị giỏi, mà cai trị giỏi là nuôi được dân. “Đại Vũ mô”. Vì liên hệ đó mà trong việc Hùng Vương chọn người kế vị có cuộc thi gia chánh để lựa người tài.

(*) xin đọc kỹ lại bài “Vũ Chú Cửu Đỉnh” trong sách Cơ Cấu Việt Nho, trang 153-168.

Trên đây chỉ là một thí dụ về việc sử dụng số cơ cấu cũng như huyền số, cần phải có những cái nhìn cai quát trên toàn thể của nền văn hóa, lấy đó làm chuẩn thì mới hy vọng nói lên được ý nghĩa hàm ngụ ở trong.

Đó là việc rất dễ trở nên sai lạc. May thay ngày nay không còn cần nữa, vì chúng ta đã vượt qua giai đoạn dùng số rồi. Sở dĩ số được chú ý ở đây phần nào vì chúng ta đang tìm về nguồn tức vào lúc các số còn được dùng ít nhiều, nhưng cũng đã tan ra gần trọn, nên người kể cũng như kẻ sao chép đã mất ý thức, do đó dễ xảy ra sự sai lạc. Vì vậy chỉ nên dùng đến khi nghiên cứu về nguồn, và phải đối chiếu so đo rất cẩn trọng.

(2) Nhân nói đến núi Ba Vì cũng đoán được là đặt tên theo số 2-3. Ba là Ba Vì, còn hai là hai con sông ấp lấy thành Thăng Long ở giữa, nên Thăng Long cũng gọi là Hà Nội có nghĩa là giữa hai sông. Vậy phải viết Nhị Hà mới đúng đồng văn, còn viết Nhĩ Hà thì chỉ là mượn tên sông bên Tàu mà đặt, làm mất ý nghĩa, hay nếu cố gán thì quá gượng ép, vì nhĩ là hai tua mũa. Nếu cho nhĩ là cái tai thì cũng không có gì xác đáng vì thông thường người xưa hay đặt vào tên những ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Ta đoán được Ba Vì là tên đặt trước, còn núi Tam Đảo đặt sau vào thời đã tiếp xúc với Hán Nho. Nhưng cả hai núi đứng hai bên con sông Hồng Hà đã là động lực ngầm để tiền nhân đặt những tên trên. Vậy nên hiểu theo cơ cấu vài ba, chứ đừng hiểu theo sử địa là đếm xem thực sự núi có ba ngọn và sông có hai dòng chăng. Sông Cửu Long cũng thế, có thể ít hơn hay nhiều hơn 9 cũng được vì đây là huyền số. nghe câu nói “uốn ba tấc lưỡi” thì chẳng ai nghĩ đến việc xem lưỡi có thể dài ba tấc. Cũng phải hiểu thế về các số cơ cấu.

  V. XỨ NGHỆ

“Ai vô xứ Nghệ thì vô,

Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang.

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,

Truông nhà Hồ nội tán cản ngăn”.

Câu phong dao trên đây chính ra là nói về tỉnh Nghệ An, nhưng vì chữ Nghệ có những mối liên hệ rất thâm sâu vừa với huyền sử, vừa với di tích xa xưa nên cần mang nó lên đợt ẩn dụ để thấy phần nào ý nghĩa uyên nguyên mà người xưa đã gửi gấm vào đó.

Trước hết trong khi đi tìm ý nghĩa của chữ Nghệ chúng ta sẽ gặp mối liên hệ giữa chữ Nghệ và Việt tộc trong sách cổ xưa nhất là Kinh Thư. Trong sách này ở thiên đầu gọi là Thuấn Điển có hai chữ Nghệ Tổ mà các nhà chú giải đều nhận là khkông biết chỉ về ai. Rồi suốt trong Kinh Thư chữ Nghệ được dùng tới nhiều chục lần với ý nghĩa thông thường là cai trị tốt, mà theo đồng văn của nguyên nho thì cai trị tốt là nuôi được dây; còn theo nghĩa sơ nguyên thì chữ Nghệ có nghĩa là xếp đặt, mà sự xếp đặt cao cả hơn hết là sự xếp đặt đất trời. Có xếp đặt xuôi thì vạn vật mới được nuôi dưỡng (tức đạt thịnh trị cao đẳng) như được tóm trong câu sách Trung Dung: “chí trung hòa thiên địa vi yên, vạn vật dục yên”. Việc xếp đặt ấy được tóm trong chữ Nghệ mà Kinh Thư giải nghĩa là “thời trung nghệ, vạn bang hàm hưu”(Thiên Đại Cáo: luôn luôn xếp đặt trúng thì vận nước được nhờ) . Xưa kia xét về cội gốc có hai lối cai trị: một là lo an sinh cho dân, lối này thuộc nông nghiệp, lấy việc tuân theo thời tiết làm trọng nên có lễ tế thiên. Vậy tế thiên hàm ngụ sự xếp đặt trời đất, nhấn mạnh trên thời gian. Lối khác là do phú quốc cường binh. Lối này thuộc du mục nghiêng hẳn về không gian nên là duy địa tức không xếp đặt nổi trời, đất trúng chỗ nên không là nghệ vì là lối cai trị lo cho nền an sinh của dân là lối phải biết xếp đặt trời đất đúng chỗ. Lạc Long Quân nhận lối cai trị này. Sách nói Lạc Long Quân đóng đô ở xứ Nghệ sẽ được nói đến trong bài này không phải là tán tự mà là dựa vào chứng từ thuộc khảo cổ thời xa xưa nhất lúc văn tự còn đang hình thành. Vậy mà trong thời xa xưa ấy người ta đã tìm được chữ nghệ không những trong hệ thống văn tự, mà còn trong nhiều di vật khác, nên đó quả là một tang chứng rất quý.

Đó là mấy lý do tại sao câu phong dao về Nghệ An cần được ngụ ngôn hóa (allegorize) là cốt để nói lên những sự việc cần bàn về văn hóa dân tộc mà ý thức của người đặt ra câu ca dao trên có thể không nghĩ tới, nhưng ai dám quyết rằng trong tiềm thức của họ lại không có những liên hệ ngầm với những chân lý phổ quát hơn. Đàng khác, đây là dịp thuận tiện để cung ứng một thí dụ, cụ thể về việc vận dụng phương pháp huyền sử trong việc trở ngược về nguồn để nhận ra không được tán suông mà cần dựa trên cái toàn thể, cái môi sinh tinh thần lúc xa xưa còn lưu lại những dấu lung linh.

Trong tập sách “Hùng Vương Sự Tích Ngọc Phả Cổ Truyền” có lời rằng “Vua Kinh Dương Vương vâng ngọc chỉ phụng mệnh trời về núi Nam Miên Sơn lập đô ở phía Hoan Châu thuộc Nghệ An xứ”. Trên đây chính là một trang huyền sử nói lên bước tiến quan trọng trong tâm thức con người, cho nên chữ Nghệ An ở đây không còn mang nghĩa địa dư nữa mà là nghĩa nhân bản chỉ người tài giỏi biết quyền biến. Vậy muốn thấu đáo ý nghĩa của chữ Nghệ An thì cần phải biết con người đặt đô xứ Nghệ có tâm thức nào. Muốn thấy điều đó phải quy chiếu tới “ba vĩ tích” của Lạc Long Quân là diệt trừ ngư tinh, hồ tinh và mộc tinh. Vậy ý nghĩa siêu hình của “ba vĩ tích” có thể suy diễn như sau:

Theo cơ cấu ngũ hành thì:

Hồ tinh trấn phía tây, hành kim,

Ngư tinh trấn phía bắc, hành thuỷ,

Mộc tinh trấn phía đông, hành mộc.

Còn nghĩa bóng thì nên tìm trong ba mối chấp trước của con người thường ẩn trong ý nghĩ, ngôn từ và hành động. chính đó là đầu mối sinh ra những điều dụ dỗ mê hoặc con người thường chỉ bằng hình ảnh thông thường là những hồ ly, những cáo già. Theo ý đó, sách Phong Thần Diễn Nghĩa gọi Đát Kỷ vợ vua Trụ là “Cửu Vĩ Hồ Tinh” (hổ 9 đuôi). Rất nhiều chi tộc trong Đông Nam Á hình dung “cửu vĩ hồ tinh” là loại yêu ma hiểm độc hay làm hại người. trong triết lý thì nó chỉ đợt ý hệ mà Kinh Hùng ví với cái hang. Ai ở trong hang chỉ thấy có một chiều, còn bao sự thật khác kể như không có. truyện kể rằng “Hồ tinh bắt thanh niên thiếu nữ nhốt trong hang” thì nên hiểu là nó đem ý hệ trùm lên đầu óc nạn nhân không cho thấy được chi khác hết, ai mắc ý hệ thì giống như ngựa đeo cái khống chỉ nhìn được có con đường người đánh xe muốn cho thấy. Cái hang này giống hệt cái hang nhốt tù mà Plato nói tới trong sách Republic của ông trong đó tù nhân cũng chỉ được nhìn có bóng hình sự vật mà không được thấy sự việc.

Ngư tinh trấn hành thuỷ là quê hương của cá. Luật của cá là con lớn nuốt con bé một cách công khai, nên cá biểu thị chính quyền chuyên chế bóc lột hết mọi người một cách trịnh trọng đàng hoàng. Nhà Tần thờ thần cá (Hà Bá) nên Tần Thuỷ Hoàng kể được là một đại biểu của ngư tinh. Nhiều học giả cho rằng chữ thuỷ trong Tần Thuỷ Hoàng bao hàm nghĩa nước, tức cai trị dân theo lối đắp bờ giữ nước tức kềm kẹp dân đủ điều. Nhà Hán cũng chuyên chế nên hoa văn cá còn tìm được tràn ngập trong nghệ thuật nhà Hán. Ngư tinh trấn phía bắc liên hệ chặt chẽ với hồ tinh phía tây nên quen nói Tây Bắc. Cộng sản Tàu và Việt cũng được khởi động từ phí tây bắc là Nga Sô.

Còn mộc tinh chỉ những tin kiêng nhảm nhí dị đoan. Kinh Hùng kêu là xương cuồng (tức cuồng tín được làm cho lớn mạnh trở nên bạo tàn không thể trấn át) nếu nó nắm được chính quyền thì dọa ra thần quyền chuyên chế, như đã xảy ra trong khắp loài người gọi là sự lạm quyền của tăng lữ, mà tiêu biểu nhất là vua thần sẽ nói đến sau. Đó là một trong bốn tai họa của loài người.

Vậy Lạc Long Quân đã diệt tất cả những cái đó, tức cả hai phía Tây, Bắc và một nửa phía Đông, chỉ giữ lại có phía Nam hành hỏa chỉ ánh sáng gọi là “xích quỷ” mà nghĩa tinh thần của chữ xích là “cái gì tinh hoa nhất”, còn chữ quỷ là làm chủ. Lạc Long Quân giết ngư tinh bằng dùng khối sắt nung đỏ (Đỏ lửa) ném vào miệng nó. Vậy lập nước Xích Quỷ là làm chủ được cái tinh hoa của đạo làm người. Kinh Hùng (H2) nói “Lạc Long Quân dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về quân thần, tôn ti, có luân thường về phụ tử, phu phụ”. Đọc câu trên thấy rõ không dạy dân cái chi về ma thuật, bái vật có thể mê hoặc lòng người hay ý hệ lắt léo trừu tượng có thể dẫn đến tai họa vong thân, mà chỉ dạy toàn những truyện thường nhật gần gũi thuộc ăn làm, giao tiếp, tức khởi đầu có dệt vải, làm nhà, trồng lúa, là những dấu vết văn hóa bên ngoài, bên trong là những mối nhân luân của người đối với người tức là đã diệt trừ các trở ngại để người được làm người. nhân đó toàn khối sinh lực có thể hướng vào việc phụng sự con người, không còn phí phạm vào quỷ thần hay trục vật. Đó quả là Xích Quỷ tức đã đi được bước sửa soạn hay nhất cho việc đặt nền triết lý nhân sinh. Và vì thế, Lạc Long Quân đáng gọi là nghệ hiện thân, nghệ sĩ thượng thặng, Nghệ Sĩ viết hoa, tức biết sống trên cả hai đợt biểu thị bằng nét chữ Nghệ giao thoa X với công hiệu đương nhiên là an vui hoan lạc. Nói cách khác, câu “lập đô ở phía Hoan Châu thuộc Nghệ An xứ” nói lên bí quyết của triết lý an vi xứ Nghệ.

Cũng có thể đi sâu vào bầu khí văn hóa để quảng diễn ý đó như sau. Bên ta quen nói “bụng cứ rốn”. Ngày nay có nhắc lại câu đó là để nói chơi, mà có phần hơi thấp nên những người đứng đắn không dám dùng. Kỳ thực câu trên muốn diễn tả triết lý cao siêu của xứ Nghệ. Để thấy điều đó ta cần đặt nó vào thế đối chiếu. Người Pháp nói “autant de têtes, autant d’opinions” (có bao nhiêu đầu là có bấy nhiêu ý). Nếu thử đi tìm ý nghĩa sâu xa thì thấy nó khác câu “bụng cứ rốn” cả một trời một vực, tức triết Tây đặt quan trọng trên đầu, chỉ ý niệm, nên nữ thần minh triết Minerve sinh ra từ  đầu thần Zeus. Thế có nghĩa là nhấn mạnh trên sự sáng của lý trí nên là duy sáng tức duy trí. Nietzsche trách triết Hy Lạp đề cao thần Apollon mà bỏ Dionysos tức chọn dương bỏ âm, chọn sáng bỏ tối, đánh mất liên hệ với tiềm thức từ đấy.

Ấn Độ lại đặt chỗ nhấn bên dưới huyệt đan điền, cụ thể là cơ quan sinh dục, những phallus căng phồng được tạc thành tượng để thờ. Đó lại là một đối cực khác là sống đối chọi với sáng của Tây Au.

Lạc Long Quân đã từ hai đối cực kia, từ đầu tiến xuống, từ dưới tiến lên để thu gọn vào giữa, đúc hai đầu lại  một cho thành ba, hòa hợp hai đối cực vào chữ hòa, chữ nghệ, nói rộng ra là giao chỉ, tức chỉ tâm (sáng) và chỉ sinh (sống) giao thoa nhau ở chỗ chí cực, mà nơi ấy chính là tâm mình chứ không tìm ở xa trên trời hay dưới đất (biểu thị bằng đầu hay dưới hạ bộ).

Hoặc nói theo huyền thọai thì “Quỳ Long đánh trống bụng mà cười” (Quỳ giả cổ phúc nhi hi) chính là nói lên triết lý giao chỉ ở chỗ phải y cứ trên tâm thì mới đạt được hoan lạc, mà hoan lạc là đỉnh chót vót của nghệ thuật nhân sinh. Nói cách khác, cứu cánh cuộc đời là mỗi người phải sống sao cho đạt hạnh phúc, phải có ăn có mặc, có đầy đủ những sự cần dùng, lại được tự do phát triển hết mọi khả năng của mình. Sự thành tựu được biểu lộ bằng ca vũ, nên nói Quỳ Long đánh trống bụng mà cười. Cười là sự lóe bật của sức sống và minh đức, mà ta cần làm sáng lên, Nho gọi là phải “minh minh đức”. Bản tính con người đại ngã làm bằng hai dòng sinh và sáng. Khi hai dòng đó giao thoa thì gọi là giao chỉ (sách nói vâng ngọc chỉ). Hai chỉ có giao thoa thì mới đạt được cứu cánh của cuộc sống nhân sinh biểu  lộ ra bằng hoan lạc (đóng đô ở Hoan Châu).

Trên đây là nói về ý nghĩa siêu hình của chữ nghệ. Bây giờ cần thêm ít lời về gốc gác chữ nghệ. Chữ nghệ sơ thủy viết như chữ thập chéo X, một hình thái khác của thập tự nhai. Cả hai đều là nền tảng cho chữ Văn (lang), Giao chỉ, cũng như có liên hệ với hoa văn hình chữ nghệ có vòng O gặp nhiều ở đồ gốm Phùng Nguyên. Đại để liên hệ tìm thấy như sau: trong quyển Prehistoric anh Primitive Man (Mc.Graw Hill Book Co. N.Y.1966, tr.124), ông Andreas Lommel thấy trong tục thờ sọ người có hình người ngồi xổm với hai gạch chéo giao nhau X, có khi thêm vòng tròn O thì đóan rằng vòng tròn chỉ đầu, còn dấu thập chéo X chỉ hai tay khoanh lên ngực.

Còn chuyện móc nối hình trên với chữ nghệ (tức vạch X) hoặc với nghệ thuật sống là vì hình ngồi xổm là tư thế con người trong bào thai, xếp thế để mong cầu sinh trở lại hoặc sống mạnh trong cõi sau (hình ngồi xổm này là một mốc quan trọng để tìm nguồn gốc sẽ nói sau trong quyển Sứ Điệp).

Còn chữ nghệ X có thể đóan là một trong số ít chữ cổ sơ còn sót lại thuộc giai đoạn chữ chân chim hoặc con quăng đã xuất hiện lâu đời trước khi có chữ lệ ngày nay.

Trong những di chỉ thuộc vùng Ngường Thiều vào lối 5 ngàn năm trước công nguyên đã tìm ra các chữ số trong đó số 5 được viết với hình thái chữ nghệ là X (Cradle, 229).

Theo những điều trên ta có thể móc nối chữ X với số 5, với xứ nghệ, cũng như với chữ giao chỉ là 2 chỉ giao nhau: chỉ bằng hai tay khoanh trước ngực, rồi cao lên nữa là đất trời giao hội. Từ đó đi lên siêu hình chỉ bản tính sự vật và con người. Về bản tính sự vật thì Trang Tử có câu: “đạo vật chi cực” (đạo là cái cùng cực của sự vật).

Cùng cực của sự vật là gì thì nay ta đã biết qua khoa vật lý vi thể là hai đường lực đi ngược chiều giao thoa nhau. Còn về bản tính con người thì Bách Việt tiên hiền biểu thị bằng hai đường tâm và sinh giao thoa nhau ở tâm. Tôi quen thêm tiếng linh vào thành ra tâm linh để chỉ vũ trụ chi tâm: cái tâm thức rộng như vũ trụ tức nói lên chiều kích của con người đại ngã tâm linh. Con người trở nên người nhiều hay ít là tùy sự nhận thức và hiện thực được cái tầm mức vũ trụ đó. Vì thế vũ trụ chi tâm đã được cơ cấu hóa (có nói ở Chữ Thời và sẽ bàn thêm trong Sứ Điệp) để trở nên then chốt của triết lý Việt Nho, nên nó chính là Đạo là Nghệ. Trong nam còn giữ được mối liên hệ này trong thành ngữ “Đạo Nghệ”. Đạo nghệ làm nảy sinh ra đạo nghĩa mà trong Trung Dung nói “Nghĩa giả nghi dã”. Nghĩa là nghi tứ c sống đúng đạo phải thích nghi với cả sinh (số 2) lẫn tâm (số 3) nên gọi là lưỡng nghi, hay lưỡng hành. Vậy nói đạo nghĩa hay đạo nghệ cũng là một, đều chỉ tác động đến tận nơi, đến nguồn gốc, mà vì có hai chiều nên sự thích nghi rất uyển chuyển đáng tên là Nghệ.

Nho giáo đã công thức hóa nội dung đó một cách tài tình bằng chữ trung hay là “thời trung nghệ” (Kinh Thư, Thiện Cáo). Nói là tài tình vì chữ trung cũng như chữ nghệ vừa nói lên được tinh túy tòan thể triết Việt Nho, vừa chỉ ra phương pháp. Về sau sách Trung Dung giải rộng bằng ba chữ chí trung hòa. Cuối cùng trong quyển Chữ Thời chúng tôi giải rộng thêm nữa bằng câu “có chí trung thì mới chí hòa”.

Đó là vài nét chấm phá về xứ nghệ, cần phải moi lên khỏi vùng tiềm thức, là vì trải qua nhiều đời từ cuối thời Hùng Vương nó đã khởi đầu suy vi cho đến lúc Loa Thành sụp đổ thì kể là bị chôn táng.

Bên ngòai chỉ còn tam giáo khởi lên từ đời Tam Quốc ly loạn. Tam giáo không thể thay thế Bể Đông là Việt lý được mà chỉ phản chiếu được phần nào nên mới đáng tên là tam giang, chứ chưa là đại trùng dương.

Như vậy cũng đỡ, con cháu vẫn có sông có ao để tắm, tức có triết để mà giữ mặc dầu lơ mơ đục trong lẫn lộn, nhưng “dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Nhưng rồi điều này con cháu cũng mất luôn ý thức nên khi gặp văn minh Thái Tây huy hòang rực rỡ thì tam giang không đủ sức chống chọi vì mạch thông với nguồn đã bị bế tắc, nên rủ nhau đi rước ngư tinh, hồ tinh về, tức đưa những cái tai hại của văn minh Tây Bắc về cho nó tràn ngập quê hương khiến cho tòan dân lâm cảnh những nạn nhân bị hồ ly nhốt trong hang không còn thấy được chi khác ngòai những điều hồ ly cho thấy cho nghe, và bắt phải coi những lời hồ ly nói ra là có giá trị tuyệt đối, cần phải minh tâm khắc cốt, thế gọi là bệnh đã nhập lý. Chính sự nhập lý này trở thành chướng ngại cản đường không còn cho ai vô xứ nghệ nữa, tức không cho ai sống theo đạo tâm linh của tiên tổ cha ông. Uổng công Lạc Long Quân đã phá hồ tinh, ngư tinh nay con cháu lại đi rước những cái khốn nạn đó về lấp đường đi vô xứ nghệ.

Nếu thế thì tại sao lại rao “Ai vô xứ Nghệ thì vô”? Thưa ai muốn vô vẫn có thể vô vì đạo đó ở ngay trong lòng hễ muốn thì được. Và lẽ ra mọi người Việt còn được hưởng tự do phải cùng cố gắng mà vô để khơi lại nguồn suối hầu bảo tòan di sản thiêng liêng đã ghi trong ngọc phả.

Nhưng truông nhà Hồ nội tán cản ngăn thì sao? Thì phải theo gương tiên tổ mà diệt Hồ tinh, cũng như ngư tinh và mộc tinh.

Nhưng mộc tinh trấn đóng phía đông có Nữ Thần Mộc đã khai mở cho văn hóa Bộc Việt tai sao Lạc Long Quân cũng dẹp luôn? Thưa cái gì lâu ngày cũng bị cáu ghét, cũng bị xuyên tạc, thí dụ Nho giáo phát xuất từ xứ nghệ mà sau này đã bị Hán Nho xuyên tạc, cho nên làm văn hóa xứ nghệ phải có óc phê phán minh biện để biết đâu là nguyên thủy, đâu là pha tạp. Nói theo huyền sử là phải biết Nữ Thần Mộc khác với mộc tinh chỗ nào. Nữ Thần Mộc là yêu thương chân thực còn mộc tinh chính là ma mộc bất nhân, nghĩa là gỗ đá tê liệt tình người thì không còn dùng được nữa. Cần phải phá đổ. Vậy dù việc có khó tới đâu cũng chớ sờn lòng.

Lịch sử chứa đầy những chứng tích cho thấy có những quyền uy ai cũng tưởng cực kỳ vững mạnh, khiến kẻ nắm chính quyền tưởng sẽ tồn tại muôn đời như Tần Thủy Hòang đã tin thế, nhưng rồi đã sụp đổ mau lẹ vì đặt trên nền tảng bấp bênh hơn hết tức đặt bên ngòai con người nên không thể dài lâu, không thể chống chọi với sức sống trung thực của con người nó mạnh mẽ vô biên, mặc dâu đê điều cản bước tiến của nó có vững tới đâu rồi cũng sẽ bị phá. Vậy con dân đất Việt chớ nên sờn lòng trước lũ rợ Hồ bật rễ.

Trên đây khi nói đến nhà Hồ hay tam giang thì chỉ là nói về những trường hợp lịch sử vòng ngòai, còn nghĩa biểu tượng của xứ nghệ là đạo làm người muôn thủa thì ai cũng phải học phải sống. Để đạt đạo đó thì phải siêu lên khỏi giai đọan ma thuật và ý hệ chỉ bằng hồ tinh, ngư tinh, mộc tinh tức phải tránh tất cả những chi mê hoặc lừa bịp, lắt léo, giả tạo. Không vượt qua làm sao đạt tới được đạo người vốn làm bằng những sự thật trong sáng. Vì thế ai muốn học đạo làm người cần phải phá tan những chướng ngại đó, mặc dầu trên con đường nhân đạo sẽ gặp chông gai nguy hiểm nhưng phần thưởng cũng rất lớn lao: đó là một cuộc sống viên mãn tròn đầy mà ngay cuộc sống tiểu ngã cũng đã được tham dự.

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ,

Ai vô xứ Nghệ thì vô,

Chớ ngại truông Hồ với phá Tam Giang.

Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,

Truông nhà Hồ phải xóa sạch băng”.





  VI. VĂN LANG QUỐC

  1. Chữ Văn theo nghĩa cổ là vẽ mình quen gọi là Văn Thân. Rồi từ đó có nghĩa là văn vẻ: thân mình được vẽ là thân có văn vẻ. Sau cùng đạt tới nghĩa bao quát chỉ tất cả những gì có văn vẻ. Văn Lang là nước có văn vẻ ngược với nước bị cai trị theo lối thú vật bằng gậy, bằng chuồng thì gọi là võ trị. Chỉ có văn trị mới làm nảy sinh được các mối nhân luận, những mối liên hệ người với người được thấm nhuần bằng lễ, nghĩa, liêm, sỉ, tức những mối tình cao cả của con người.

 2. Về chữ Lang xét như bời chữ làng thì có nghĩa là làng nước. Văn Lang là nước có văn vẻ; còn xét theo âm chữ Nho thì Lang có nghĩa là người, ta quen gọi bằng lang quân. Cũng trong ý đó, ta nói sài lang để chỉ những kẻ mặt người nhưng bụng sói. Khi Hobbes nói người đối xử với người kiểu chó sói “Homo homini lupus” thì cũng ngụ ý chỉ mặt ngòai là người mà bụng lại là sài, lang, hổ, báo.

3. Ta liền hỏi làm thế nào để mặt người mà tình cũng người? Đây là vấn đề quá khó khăn đến nỗi đọc sử lòai người dễ có cảm tưởng “đó chỉ là những tiếng om sòm rời rạc do một thằng điên kể lại”. Mà điên thật, điên ở chỗ người không chịu làm người mà lại đi làm sài, sói, hồ, ly. Có phải do ý muốn của lòai người chăng? Không phải! Sinh ra làm người ai chẳng muốn làm người, tội chi trở lại làm thú vật, làm hồ ly, nhưng vì không nhận ra đạo làm người, hoặc bị chuyên chế cản đường, nên vong thân, mà vong thân với thú vật hay duy vật cũng nằm trên một bình diện, không sao tới được cuộc sống tâm linh cao cả. Không may đó là điều đã xảy ra hầu như khắp nơi trên vũ hòan đến nỗi đâu đâu cũng dần dà nổi lên những sài lang quốc phá đổ mọi nước Văn Lang đã manh nha từ khởi thủy. Thử hỏi có còn một hình ảnh nào chăng về nước Văn Lang của thời xa xưa ấy? Thưa có, đó là nước Văn Lang của Hùng Vương. Ta hãy khởi công nghiên cứu.

4. Xin đừng hiểu Hùng Vương ở đây chỉ là một nhân vật lịch sử suông nhưng trước nhất đó là hình ảnh con người mẫu của đại ngã tâm linh được phác họa như đã kết tinh của nhân, trí, dũng, đủ sức thiết lập và duy trì nước Văn Lang, mặc dù trong hiện thực có những sơ sót, hay trường hợp bất thường có thể Văn Lang chìm xuống một lúc, nhưng xét về cơ cấu thì đã có ghi lại trong quyển Kinh Hùng. Vậy chúng ta hãy đi vào Kinh Hùng để xem xét những nét cơ bản đó.

5. Nói đến Văn Lang là nói đến nước có lễ trị. Nhưng lễ trị không phải là một quà tặng vô thường cho lòai người vì thế hầu hết chỉ có chuyên chế. Vậy lễ trị chính là hậu quả của một cuộc tiến hóa năng động thuộc tâm thức con người. Nếu lấy đại cương mà bàn thì những bước tiến của tâm thức đó có thể chi ba bậc là bái vật, ý hế, tâm linh.

6. Bái vật nói rất chung là thời con người còn quá đồng nhất với thiên nhiên chưa nhận ra mình như một tự thể khác biệt và đặc thù. Sau dần dần nhận ra mình nhưng mới như một cái mình bé nhỏ yếu nhược; tuy là một tự thể nhưng cảm thấy thiếu thốn đủ điều phải cậy dựa vào biết bao cái bên ngòai, trong đó có đòan thể và quỷ thần. Đòan thể là cái cụ thể bên ngòai mà con người cá nhân phải cậy dựa vào trọn vẹn đến độ đồng hóa mình với đòan thể. Câu định nghĩa của Mặc Tử “quần ngã nhất thể” (ta với đoàn thể là một) chính là phản ảnh của thời bái vật đồng nhất cũng như câu của Karl Marx: “L’homme humain est l’homme social” cũng nằm trong cùng một lọai là định tính con người bằng chiều kích xã hội tức lấy yếu tố đòan lũ nhận chìm con người, cụ thể như cộng sản đang thi hành, lấy đảng và nhà nước nhận chìm cá thể. Đấy là điểm mốc.

Điểm hai là quỷ thần thì ở thể đồng này con người cũng để mình bị chìm ngập dưới quyền của quỷ thần; cái gì cũng phải cậy dựa quỷ thần ban cho, từ sự chữa bệnh cho đến mưa nắng cũng phải xin cầu cúng bái. Vì thế biểu lộ ra ngòai là bái vật hiểu là bái cầu ở ngọai lực, vì con người còn thấy mình quá bé mọn.

7. Ý hệ bao gồm các bước tiến ở giai đọan hai khi con người đã tiến hơn trong sự nhận thức ra mình như một tự thể, và vì thế tuyên dương cá nhân biệt lập để phán lại giai đọan đồng nhất xưa. Cơ năng được huy động trong giai đọan này là lý trí, nhờ đó con người bước lên đợt thực tế suy luận cụ thể. Đó là bước tiến rất quan trọng nhưng khi đẩy quá đáng thì lý trí đốc ra duy trí với hậu quả là duy niệm, và khi dùng hòan tòan ý niệm làm hệ thống tư tưởng, hệ thống triết lý thì gọi là ý hệ, tức hệ thống ý niệm, nó chống lại cơ năng được dùng nhiều trong giai đọan đồng nhất là tin tưởng: tin tưởng vào thế giá, vào lời truyền của thần minh rồi hòan tòan thuận theo, vì thế gây ra sự phản động mà ở đây gọi là ý hệ tức là những thuyết lý y cứ trọn vẹn trên ý niệm đến độ không nhận ra rằng ý niệm chỉ là hình ảnh của sự vật nên còn ở vòng ngòai, thiếu khả năng tham dự vào cái tòan thể của vũ trụ; hậu quả là chưa khám phá hết khả năng trung thực của con người nằm ở vòng trong tâm linh. Kết quả là con người y cứ tòan triệt ở ngọai vật mà dấu chỉ là theo nguyên lý đồng nhất một chiều.

8. Từ đó chỉ còn biết chinh phục những cái bên ngòai: chinh phục sự vật chưa đủ, còn muốn chinh phục người khác bắt phải làm nô lệ. Những chính quyền dựa trên ý hệ có thể gọi là địa quyền cũng như thiên quyền đều dễ dàng đi sang thống trị chuyên chế gây nên sài lang quốc là do lý lẽ sâu xa đó, nói khác chuyên chế chỉ là cái ngọn còn gốc là bái vật hoặc ý hệ.

9. Phải chờ đến bước thứ ba quen gọi là Nhân linh khám phá ra chiếu kích tâm linh nơi người mới biết rằng không thể nào đồng nhất người với sự vật, mới tìm cách khôi phục lại quyền làm người và từ đấy người mới có thể tạo dựng một xã hội gây hạnh phúc cho mình. Câu nói “linh tại ngã, bất linh tại ngã” phải hiểu biết đến đợt siêu hình cùng tột này.

Chỉ lúc ấy mới thực hiện được bước tiến cao nhất, gọi là văn lang, tức một nước có thể chế không phạm đến tự do nhân phẩm con người. Vậy khi xét theo lối triết theo lối cùng lý tận tính đáo căn thì cần hỏi xem văn lang trong Kinh Hùng quả có vượt qua nổi hai đợt bái vật và ý hệ chăng? Nếu có thì mới đặt nổi nền tảng cho văn lang quốc.

10. Lạc Long Quân với ba vĩ tích (Diệt mộc tinh, hồ tinh, ngư tinh đã bàn nhiều trong Kinh Hùng Khải Triết) như tang chứng đã vượt qua bái vật (gọi bóng là xương cuồng) cũng như đã vượt qua ý hệ biểu lộ bằng “hồ chín đuôi hóa ra người mặc áo trắng nhập vào bọn mọi, cùng lũ mọi ca hát dụ dỗ được người con trai con gái nào thì đem về nhốt trong hang đá” (H.16).

Đọc đến đây ai đã làm quen với triết tất nhớ đến cái hang nhốt tù nhân được nói đến trong triết học Plato, bị trói quay mặt vào tường và chỉ được xem những hình ảnh chiếu trên tường chứ không được xem sự thực bên ngòai. Lúc ấy mới nhận ra là hồ ly giống hệt bọn cộng sản cũng dụ dỗ người đưa về nhốt trong hang duy vật biện chứng không cho xem, nghe, cảm nghĩ gì khác với cái hang thẳng bốn góc duy địa. Cần thêm rằng bước vượt qua ý hệ này Tây Au hiện đang vất vả lắm mà chưa vượt xong.

11. Vậy mà Lạc Long Quân đã vượt cả: vượt bái vật bằng diệt mộc tinh, vượt ý hệ bằng diệt hồ tinh, ngư tinh, rồi vươn lên tâm linh gọi bóng là đóng đô ở Nghệ An xứ. Thế tức là đã đặt xong nền tảng vững chắc cho văn lang quốc. Người đi sau này chỉ cần xây thêm trên nền tảng sẵn có đó.

12. Xin hỏi liệu Hùng Vương có tiếp nối được công trình vĩ đại của cha chăng? Trước khi thưa xin hãy giải rộng ý câu hỏi. Theo nguyên nghĩa thì đạt đợt văn lang là khi nào con người có thể đưa vào trong tâm mình cả hai khối lực trước kia đặt ngòai con người, như những quyền năng siêu hình vế tính mệnh thì bái vật đặt trên trời, những quyền năng vật chất thì ý hệ đặt trên đất, tức đặt ngòai con người nên chúng sai sử con người, biến người thành nô lệ cho định mệnh, cho sự vật… Nay tâm linh dựa vào con người, nên từ nô lệ con người trở thành chủ nhân sai sử sự vật, bắt sự vật phục vụ mình, biến định mệnh thành tính mệnh, rồi hiểu tính mệnh theo tâm tầm tính nết, tức là đặt phần chủ quyền của con người vô chính tay con người. Từ đấy “có trời mà cũng có ta” chứ không như trước “ta chỉ là thằng phỗng thụ động bị ngọai lực giật giây”.

Đó là ý nghĩa của đợt tâm linh, là đợt tâm thức lý tưởng của một nước gọi là Văn Lang. Nói khác một nước dám xưgn là Văn Lang thì người trong nước, ít ra những bậc hiền giả, phải là những con người nhận thức ra chiều kích tâm linh cao cả nơi mình để mà vun tưới tài bồi, rồi từ đó những hậu quả bên ngòai sẽ là những đức tính bất khuất dũng cảm, tự lực, tự quyết, tự mưu sinh, cái gì cũng tự mình quyết định để xứng danh là nhân chủ.

13. Hỏi rằng những đức tính ấy có trong nước của Hùng Vương chăng? Thưa rằng có: đọc dài qua 15 truyện không chỗ nào con người không tỏ ra mình nắm phần chủ động. không bước nào con người không tự quyết. Nếu có ngoại lệ chẳng qua là sự nhỡ nhàng hay bất trắc mà dù tiến đến đâu con người cũng không thể tránh hết. ngoại giả toàn là những hình ảnh của những “trái hùng gái đảm”.

Cần đọc kỹ toàn bộ quyển Kinh Hùng sẽ thấy điều đó. sau đây chỉ xin nhắc sơ qua một hai truyện làm thí dụ, trước hết là truyện Phù Đổng Thiên Vương cũng gọi là Thánh Dóng.

14. Thánh Dóng không chi khác hơn là bóng dáng con người đại ngã tâm linh có tầm vóc như vũ trụ được biểu lộ ra ngoài bằng tinh thần tự động, tự cường của dân nước Văn Lang, ngày thường không ai để ý đến (nói bóng là trẻ ba năm mà không biết nói); nhưng khi phải đối phó với nguy cơ thì đức tự lực, tự cường dâng lên đến tầm kích vũ trụ, nâng con người lên ngang hàng cùng trời, đất, đáng mặt dẫn đầu các anh hùng trong nhân thoại Việt, tức người tự làm chủ thay cho các chủ trước là thiên (bái vật) hay địa (ý hệ).

Ngay cái tên ông cũng đã đầy oai hùng như “Thiên Vương” hay “Xung Thiên Thần Vương”. Xét đến việc thì quả đáng mặt là”Tề Thiên Đại Thánh” (thánh ngang với trời). Sách Thiên Nam Ngữ Lục chứa đầy những câu mang tầm kích vũ trụ, chẳng hạn ông Dóng từ một em bé lớn lên sừng sững nhập thần với vũ trụ:

“Thần vương khi biết khúc nhôi,

Tức thì vươn dài dư mười trượng cao.

Con mắt sáng như vì sao,

Lưu tinh chấp chới tót vào đẩu tinh,

 Ầm ầm dường tiếng lôi đình,

Hồ bộ long hành thất giác thiên tư.

…………………………………………………

Uy ra vẫy cái ầm ầm

Mình trên cật ngựa tay cầm kim tiên,

Lạ thay ngựa sắt tự nhiên,

Giẫm lên động đất, thét lên dậy trời.

Thần vương lên ngựa dặm chân,

Qua ngàn An Việt cõi gần vệ linh.

Giơ roi dựng ngựa dư kinh,

Vân cù thẳng bước thiên đình tới nơi!”

Toàn bản văn toát ra bầu khí nhân thoại cùng dòng máu Bàn Cổ đang vẫy vùng trong vũ trụ. Nhờ tính chất nhân chủ uy hùng như thế nên tự đấy phát triển tinh thần hòa giải, thống nhất thay cho đồng nhất ở hai đợt trước.

15. Kinh Hùng (H.22) biểu diễn ý tưởng thể hòa này bằng truyện trầu cau, mà ý nghĩa sâu xa là Thái hòa, tức thứ hòa sâu xa, có tính cách bao trùm nhất, chứa chấp mọi thứ hòa hợp bé nhỏ khác đó là hòa trời hòa đất để làm ra con người. có hòa hợp được những chất trước kia đứng riêng biệt mới làm nên thực thể mới. Trước thì là trầu, quả cau, đá vôi mang màu xanh và trắng, nay hòa hợp thì hóa đỏ để cụ thể hóa sự hòa hợp giữa nước và lửa như quẻ cách gồm lửa trong đầm: “the fire in the lake”. Còn việc hòa hợp là do con người, ở đây biểu thị bằng việc nhai trầu. Nhai một miếng trầu hàm chứa một triết lý sâu xa là thế. Như vậy câu tục ngữ “miếng trầu là đầu câu chuyện” không nên hiểu gọn vào việc gạ hỏi, cưới xin, mà còn phải hiểu ra câu chuyện văn hóa nhân chủ của Việt tộc, văn hóa đông nam chỉ bằng xanh đỏ. Trong tục điêu đề (xâm trán) của nhiều chi tộc Bách Việt thì xâm trên trán 3 vạch xanh đỏ là nằm trong liên hệ ngầm đó (đông màu xanh, nam màu đỏ sẽ bàn trong Sứ Điệp).

16. Truyện Đầm Nhất Dạ (H.29) nói lên nét tự do định đoạt của Tiên Dung Mỵ Nương trong việc lấy chồng. Tiên Dung tự định đoạt lấy chồng được đặt nổi bằng cách vượt ngoài quyền Hùng Vương và cả tay trên Chử Đồng Tử v.v… tức không dựa vào quyền thế, mà hoàn toàn tự định đoạt. Đã vậy Tiên Dung lại lấy người nghèo xác xơ đến cái khố cũng không có, tỏ ra độc lập với địa tức tiền tài vật chất, coi tình trọng hơn của cải. Sự độc lập còn được đặt nổi bằng lấy quyết định ngoài quyền cha, vậy mà vẫn được trời phù hộ cho làm ăn phát đạt.

17. Truyện Bánh Chưng Bánh Dày của Tiết Liệu nói lên nét trời đất giao thoa làm nên con người Đại Ngã. Ai mà nhận thức và hiện thực được (biểu thị bằng làm ra bánh trời bánh đất) thì sẽ được phần thưởng vĩ đại là làm vua, mà ý nghĩa cụ thể là trở nên nhân chủ (thông với thần minh tức tinh thần giũ bỏ được mọi xiềng xích do bái vật và ý hệ, còn phần thân xác sẽ có đủ những cái cần dùng cho cuộc sống được an vui.

18. Truyện Tây Qua cũng nói lên nét tự cường tự lực. Tuy sau có mang màu sắc Phật nhưng cũng còn giữ y nguyên nét tự lực, tức âm đức của kiếp trước còn giữ lại giúp An Tiêm tự lực cánh sinh trong kiếp này. Câu truyện bao hàm tấm lòng tín thuận vào nghĩa “tham thông” thiên hựu: trời sinh voi, trời sinh cỏ. Khi con người biết sống đủ nghĩa người đại ngã thì không bao giờ thiếu những thứ cần thiết cho cuộc sống: trời sinh đất dưỡng là vậy.

19. Truyện Việt Tỉnh Cương với Thôi Vỹ nói lên ba đợt tiến của tâm thức là bái vật, ý hệ và tâm linh. Bái vật biểu thị bằng xương cuồng vì tin dị đoan mà giết hại người. Còn ý hệ là bệnh nhục ảnh chỉ sự bám riết lấy hình ảnh của nhục thể để cho nó trói trăng mình, che mắt không cho mình nhìn ra được nét song trùng của vạn vật chỉ bằng Ngọc Long Toại và cưới được tiên nữ là đặt nền minh triết. Minh triết chỉ đạt được trên con đường “tham thông” của con người đại ngã tâm linh, chứ không thể nào trên nẻo đường cá nhân duy vật biểu thị bằng nhục ảnh. Bệnh nhục ảnh chỉ có thể cứu bằng Ngải cứu.

Chữ Ngải (chữ hán) cũng là chữ nghệ (chữ hán) thêm bộ thảo. Đó là thuốc tiên chữa bệnh nhục ảnh. Muốn chữa thì cần biết xả tức cắt bỏ ý niệm từ ngoài in vào, làm ngáng trở không cho thấy sự vật chính nó là thế, Nho gọi là cách vật. muốn cách vật tức thấy vật trực chỉ, có sao thấy thế mà không phải xem qua lăng kính ý niệm, thì cần phải biết xả bỏ ý hệ, như Lạc Long Quân đã làm trong việc diệt hồ tinh, ngư tinh, mới thiết lập được nước Xích Quỷ tức làm chủ ánh sáng tâm linh. Vậy ngải cứu chỉ sự xả bỏ những gì che lấp tâm linh. Trong dân gian có niệm t in là ngải cứu tốt nhất phải hái vào ngày mùng 5 tháng 5. Đó chẳng qua là nghệ thuật giáo khoa đã đạt độ trác tuyệt, để ngầm nhắc tới vụ tổ gặp được Vụ Tiên trên Ngũ Lĩnh. Ngũ Lĩnh là 5 đỉnh cao thường được dùng để chỉ minh triết. Tết mồng 5 tháng 5 cũng gọi là tết trùng ngũ, hay đoan ngọ (mặt trời lúc trưa) đều liên hệ tới Xích Quỷ (ánh sáng mặt trời lúc trưa tháng 5 là sáng láng nhất).

20. Đó là đại để ý nghĩa chữ Văn Lang: nước của những con người nhân chủ, những con người không những chỉ là dân cá thể mà còn là nhân cao cả như Đại Ngã tâm linh, có tầm kích bao la như vũ trụ. Đó là những con người rõ rệt là lưỡng thê: có hai cuộc sống.

21. Nhân tiện xin nhắc tại sao ta không có anh hùng ca. Nhiều độc giả đã cố gắng biến Thánh Dóng thành anh hùng ca để văn học mình có đủ như người. Sở dĩ họ muốn làm như thế vì chưa nhận ra rằng cứ sự mà nói thì anh hùng ca là những áng văn ca tụng võ công rất phản nhân chủ và lẽ ra phải dịch là dùng khí ca (épic) dành chữ anh hùng ca cho danh từ héroisme. Hai bản “anh hùng ca” lớn nhất là Iliade của Hy Lạp và Mahabharata của Ấn Độ đều nằm trong những nước có chế độ nô lệ rất khắt khe, cũng như văn hóa một chiều, đưa đến vong thân rõ rệt: những nhân vật trong đó y như thằng phỗng do các thần giật dây sai khiến bảo sao làm vậy: tuyệt không có chi là tự lực tự cường.

22. Trở lên là thử bàn sơ về nền tảng tâm linh của nước Văn Lang cũng như quảng diễn bằng một số huyền thoại trong Kinh Hùng. Tất cả đều nói lên những con người đã hội  nhập nổi được khối sức mạnh mà ở hai đợt bái vật và ý hệ bị đặt ra ngoài, nay đến đợt tâm linh thì chúng được hội nhận nơi con người, nên trở thành tự cường, tự lực, tự do, tự nội. Con người lý tưởng đó gọi là Vua Hùng, mà thể hiện ra là những “trai hùng gái đảm” trong nhân gian.

Phải có những con người như thế mới làm nền tảng chân thực của Văn Lang quốc, một nước không xây trên những quyền lực của ý hệ hay dị đoan khép con người vào gông cùm của sự vật, biến con người thành dụng cụ sản xuất để bóc lột. Ngược lại chỉ có những con người tự lực, tự cường bất khuất xứng là những con người của Văn Lang quốc. Đấy mới là nẻo đường trung chính có thể đưa con người đến tự do cũng như hạnh phúc chân thực

VII. TỪ CÒN MẸ TỚI MẤT MẸ

“Còn mẹ ăn cơm với cá,

Mất mẹ liếm lá gặm xương”.

Đó là câu tả cảnh mồ côi. Mồ côi nào cũng là bất hạnh: mất cha cũng như mất mẹ. Tuy nhiên còn mẹ thì bớt khổ hơn, hơn kém được diễn tả một cách cụ thể: một đàng ăn cơm với cá, một đàng liếm lá gặm xương. Trên đây là sự thường tình bé nhỏ. Nhưng câu tục ngữ có thể hàm chứa một sự thực lớn lao hơn nhiều thuộc văn hóa lòai người, nơi đây cũng có những nền văn hóa còn mẹ và những nền văn hóa mất mẹ, chỉ khác một điều là không thể mồ côi cha mà chỉ có mồ côi mẹ nhưng về hậu quả thì y hệt, tức cũng chỉ có liếm lá gặm xương nghĩa là văn hóa tòan vòng ngòai lý trí, không sao thấu vào được cõi tâm linh. Bởi vì tâm linh là thực thể vô biên, còn lý trí thuộc vòng hiện tượng hữu hạn: sản phẩm của lý trí là ý niệm có mốc giới vì đó là những hình ảnh sự vật được thâu nhận do những cơ năng có giới hạn như có tai mắt, chỉ giúp được phần nào trên bình diện hữu hạn như ăn làm. Còn muốn tiến đến cõi tâm linh là chính bản chất con người thì đó phải là tình, là tâm. Tâm linh có tính cách vô biên không thể nói gì được vì bao la như trùng dương bát ngát, nhưng may thay lại có tình như những sông ngòi đưa chất nuôi đến cho các chi thể và ta cũng có thể dùng tình như đường nẻo để đi ngược về nguồn suối là tâm linh bất tận. Như vậy tình là thực thể lưỡng diện, một mặt thông với tâm nên cũng bao la man mác không hiện lên rõ rệt, không thể vẽ trực chỉ ra hình, như không vẽ ra được ưu tư, cám cảnh, cô đơn. Tuy nhiên mặt khác tình lại ăn vào cõi hữu hạn, nên ta cảm thấy được và chính nhờ chỗ đó mà ta có thể bắt lấy tình như đầu mối để tiến đến chỗ vô biên mà ta gọi là tâm linh, hay “vũ trụ chi tâm”, hoặc “ngô tâm tiện thi vũ trụ”. Tất cả những ngữ thuật đó muốn nói lên cùng đích bao la để đưa ta đến với vũ trụ vạn vật. Vạn vật không có ý niệm nhưng cũng có tình: không những thú vật cỏ cây mà cả đến vật vô tri, như nước, lửa, kim khí. Đó là lọai vô tri, nhưng không vô tình vì cũng co rút bay nhảy, tức là những yếu tố biểu lộ sự xúc động nên cũng biểu lộ mối tương liên sâu thẳm.

Nói đến tình người là nói đến cái chi nặng đến muôn triệu tấn giá trị, vì nó không chỉ có nghĩa là tình của người mà còn hàm ngụ ý nghĩa “tình làm nên con người”, tình đem chất dưỡng nuôi đến cho con người chân thực, để con người lớn lên đến đợt đại ngã tâm linh. Nhưng muốn thế cần phải chọn những mối tình tích cực như yêu thương, quảng đại, bao dung, thông cảm, an vui… Nuôi dưỡng những mối tình đó là sửa sọan cho những mùa gặt hạnh phúc. Theo luật giá sắc, mỗi mối tình tích cực của tâm hồn ta phát xuất sẽ đi vòng quanh vũ trụ, quyện thêm chất đồng lọai để trở nên to lớn mạnh mẽ gấp bội rồi trở về với ta. Ta gieo ra một yêu thương, quảng đại, sẽ lại gặt về gấp trăm quảng đại yêu thương, cứ thế bồi dưỡng để đưa ta cao mãi lên trên bậc thang đại ngã. Một cử chỉ yêu thương, một sự san sẻ của cải, một ý nghĩa hay đẹp đối với người khác tất cả sẽ trở lại với ta gấp bội làm cho đời ta sung túc hơn, quảng đại hơn, an vui hơn. Minh triết xưa gọi việc tài bồi tình người là nguyên lý mẹ vì trong lòai người Mẹ là đại biểu đích đáng nhất cho những mối tình cao thượng bao la như đại dương. Nguyên lý mẹ khởi đầu từ chỗ mẹ tạo dựng và giữ gìn những gì cần thiết để nuôi dưỡng con làm cho con trưởng thành, nên nguyên lý mẹ sẽ mãi mãi cần thiết cho những nền văn hóa trung thực ơn ích. Thọat kỳ thủy nguyên lý mẹ đã được phát triển khắp nơi nhưng sau vì ảnh hưởng của du mục chuyên chế, nên nguyên lý mẹ dần dần bị chôn vùi, càng đi vào văn minh xảo trá con người càng quên mất nguyên lý đo. Đến nỗi một quãng dài không ai ngờ tới, mãi nay mới lại có người khởi đầu tìm ra.

Với Tây Au chỉ sự kiện này đã được khám phá ra năm 1861 do ông Bachofen trong quyển “Mẫu Quyền” (Mutterrecht) là sách vạch trần tính chất đực rựa của nền văn minh hiện đại do sự chôn vùi nguyên lý mẹ, vì thế mà nền văn minh hiện nay đang đi vào con đường cùng v.v… Đây là một khám phá đã bị công kích tới tấp và kịch liệt.

Thế nhưng sự thực dần dần nhô lên nhờ nhiều công trình của các nhà nhân chủng xã hội cũng như cả tâm lý nữa, nên nay đã thành sự thực không những được công nhận, mà còn có cả những cố gắng làm phục họat nguyên lý mẹ để tìm lại thế quân bình cho nền văn minh hiện đại đang nghiêng đổ vì tính chất đực rựa duy trí của nó.

Chính trong chiều hướng đó mà sự nghiên cứu lại nguồn gốc văn hóa nước nhà đột nhiên mang sắc thái thời thượng, kéo theo hy vọng đóng góp vào những việc chung vừa nói trên. Vì văn hóa Lạc Việt còn duy trì được nhiều yếu tố mẹ hơn các nơi khác, ít ra đối với văn hóa Tây Au.

Cần nhận chân rằng ban đầu đâu đâu nguyên lý mẹ cũng được đặt nổi mà biểu hiện là sự thờ các thần nữ, các great mothers (xem bài Cái Giống Của Các Thần trong Cơ Cấu Việt Nho) cũng như nhiều nơi dùng tên phụ nữ để chỉ nền minh triết như Sophia, Minerve, Demeter, Sakti, Nữ Oa, Vụ Tiên, Au Cơ…

Sở dĩ có truyện như vậy vì nguyên lý mẹ xuất hiện đồng thời với văn hóa nông nghiệp, một bước tiến quyết liệt nhất của lòai người kéo theo những phát minh khác như biết làm nhà, dệt vải, làm đồ gốm… Tất cả có được là do sự gieo trồng. Việc này rất quan trọng, nó giữ chân con người không cần đi lang thang hái lượm, mà có thể ở lại định cư nên cần làm nhà cũng như mọi đồ dùng khác. Vậy đó là cửa mở vào thời văn hóa.

Việc đầu tiên này (gieo trồng) mọi nhà nhân chủng đều đồng thanh xác quyết là do đàn bà, tất cả suy đóan rằng đàn ông mải đi săn bắn các bà ở nhà tẩn mẩn hoặc đánh rơi hạt xuống rồi thấy mọc lên… Đó là việc ngẫu nhiên tình cờ sẽ dẫn tới sự gieo trồng có hệ thống… Cũng vì thời ấy con không biết cha chỉ biết có mẹ nên cũng là khởi đầu mẫu tộc (Đây chỉ nói mẫu tộc mà không nói mẫu quyền, vì mẫu quyền chưa được chứng minh như sự kiện mẫu tộc) đặt tên con tên đất, theo họ mẹ.

Nhưng từ lúc định cư thì con biết cha là điều sẽ dẫn đến văn minh phụ hệ nổi về lý trí. Nhất là đến lúc tranh chấp đất đai, con thú rồi đền người (chiếm về làm nô lệ) thì xảy ra chuyện đánh nhau, mà đánh nhau thì phải có sức mạnh nên cần đàn ông. Từ đó nghiêng dần sang nguyên lý cha: đề cao pháp hình, quân đội, tổ chức chặt chẽ nghiêm minh, các mối liên hệ xã hội trở nên trừu tượng vì rộng lớn cần tới văn tự v.v… những khám phá này thường là do cha. Đó là lý do xảy ra chuyện chuyển mình từ mẫu tộc sang phục tộc, trong văn hóa là đi từ tình người ghé sang lý trí, hạ nghệ thuật đề cao lý luận v.v…

Sự chuyển mình này xảy đến vào khỏang khám phá ra kim khí, cũng là giai đọan xảy ra chiến tranh đọat nô lệ, giành đất đai mà kết quả là sự xuất hiện của những đế quốc lớn như Babylon, Perse, Roma v.v… Đó là về mặt ngòai. Còn mặt trong nguyên lý mẹ chuyển sang nguyên lý cha, biểu thị bằng nữ thần được thay thế bằng nam thần. Bên Babylon nữ thần Tiamat bị tiêu diệt do nam thần Marduch. Bên Hy Lạp thì các nữ thần đi trước, bị thay thế do các nam thần trên núi Olympe, đến độ Minerve sinh ra do đầu Zeus, tức bào thai của mẹ bị phế bỏ, nhường chỗ cho đầu cha tức là tình phải nhường chỗ cho lý.

Truyện này hàm ý nghĩa thâm sâu là minh triết ghé hẳn sang phần lý trí và tự đấy triết lý diệt tình cảm, trách tiếp xúc với thiên nhiên, với cụ thể để vận hành tòan triệt trong miền ý niệm trừu tượng, bước mạnh vào văn minh mà tôi quen gọi là du mục theo nghĩa đặt nặng uy quyền lấy sự vâng phục làm đức cao cả, bất tuân lệnh là tội nặng nhất. Đó là trào lưu xảy ra trong vùng Lưỡng Hà nhất là Babylon rồi truyền sang Ai Cập, La-Hy, Miền thảo nguyên đến tận bắc Tàu, mà ta có thể gửi vào hai chữ Hàm Dương kinh đô của Tần Thủy Hòang. Bên Đông Nam Á thì Tần Hòang là đỉnh cao nhất của du mục tây bắc đề cao lý trí là sức mạnh, nên thay hàm trì của Việt tộc bằng ham dương (ngậm mặt trời) của du mục. Tên đó tuy hàm ý muốn mặt trời sẽ soi sáng chế độ nhà Tần vạn đại. Nhưng chỉ 16 năm sau thì đổ vì duy dương không sống nổi trong miền “còn mẹ”. Tuy nhiên có thể nói được khắp hòan cầu đã cùng với thời kim khí bước vào nguyên lý cha, bước vào óc đế quốc, không những vật chất mà luôn cả tinh thần, chứng tích cụ thể là mặt trăng biến hẳn trong lịch dương, còn có duy mặt trời ngự trị trọn vẹn. Đó cũng là sự khải hòan của nguyên lý cha dìm hẳn nguyên lý mẹ tức cũng là lấp nẻo vào Thiên Thai của con người Đại ngã. Từ đấy con người chỉ còn biết có bình diện hàng ngang lý trí, không ngờ chi nữa đến bình diện bao la sâu thẳm của siêu thức. Có chăng chỉ còn phảng phất bên cõi Viễn Đông mà ta có thể kiểm chứng sơ qua như sau.

Tục ngữ nói “Ông Trăng mà lấy Bà Trời” (Việt Nho không có Bà trời xét như vợ ông trời, mà chỉ có thiên như một tòan thể còn gọi ông hay bà tùy lúc). Trăng chỉ nguyên lý mẹ, gọi ông trăng là theo nghĩa mẹ nắm phần trổi vượt. Nhưng rồi đến giai đọan mẹ chuyển sang cha, thì mẹ xuống làm bà, còn bà trời nhận quyền mới lên chức ông. Tuy lên chức “ông trời” nhưng không dám độc tài, vì bà vẫn còn tham dự. Lịch vẫn có cả mặt trời lẫn mặt trăng, nhưng trăng đã thôi là ông để trở nên cô Hằng. Từ ông trăng trởo nên cô Hằng, Hằng Nga là đã nhường quyền cho ông trời một nửa. Như vậy là không mất quyền mà chỉ chia quyền: nếu ông giữ lệnh thì bà giữ cồng. Tuy lệnh bắt đầu lấn át cồng nhưng nhiều khi “lệnh ông không bằng cồng bà”. Trong triết lý tình biểu thị xuyên qua ca, nhạc, vũ vẫn còn  chỗ đứng chứ không bị lọai trừ do khoa luân lý duy lý như trong triết Tây. Đó quả là một trường hợp ngọai lệ may mắn cho nguyên lý mẹ.

Vụ này đã xảy ra từ lúc lập nước Văn Lang với bóng mẹ Au Cơ che rợp cả nước, tức thời ấy tuy đã bước vào phụ tộc nhưng nguyên lý mẹ còn bao trùm tất cả như được biểu lộ một cách huy hòang trong việc nước Văn Lang lập ra không do 50 con theo cha xuống biển, mà do 50 con theo mẹ lên núi. Thành thử vai trò của mẹ vẫn còn nổi bật ngay từ lúc xuất hiện như vầng nguyệt do lưỡng long chầu, ta quen gọi là lưỡng long chầu nguyệt tức Au Cơ ngự giữa Đế Nghi và Lạc Long Quân. Có người đã xem theo lối thanh giáo chê Au Cơ là dâm phụ, mà không ngờ đây là sơ nguyên tượng đi theo luật Dịch Kinh: “ít làm chủ, đông làm dân” (quả vi chủ, chúng vi dân) hay là hai dương chầu một âm giống hệt như quẻ li chỉ văn minh của Lạc Việt. Vây quẻ li thành bởi một hào âm chỉ trung nữ ở giữa hai hao dương (hình quẻ li), tức đề cao nguyên lý mẹ trên cha theo liều lượng “vài ba” nhưng tất nhiên không hề có bỏ cha: cha 2 mẹ 3. đấy là điều quá hiếm hoi vì hầu khắp mọi nơi con người đã bước vào phụ hệ rồi, chỉ có chuyện nguyên lý cha chôn táng nguyên lý mẹ chứ không có vụ ngược lại, nên hễ còn mẹ thì chắc chắn cũng còn cha. Nhưng còn cha thì đến 99% là không còn mẹ. Cần thêm ngay rằng đó không là huyền thọai bâng quơ nhưng là nhân thọai đã in đậm ảnh hưởng vào xã hội nước Văn Lang mà chúng ta thử ôn lại vài ba nét.

Điểm một là tình huynh đệ được đặt nổi thay cho quyền cha, như thế là quyền mẹ vẫn còn nằm ngầm. Sở dĩ như vậy vì tình huynh đệ gắn bó với mẹ hơn với cha. Tình yêu của cha thường có điều kiện nên có giới hạn phải sao mới được yêu. Chính vì thế mà hay có hiện tượng là cha thưong yêu thiên tư một con nhận làm con riêng và thương các đặc trưng hầu như gẩy bỏ các con khác, nhưng không quên đặt điều kiện là những luật pháp nghiêm minh nên quen gọi là nghiêm đường với pháp trị. Ngược lại khi tình mẹ nổi hơn thì gọi là song thân vì tình yêu của mẹ vô điều kiện và phổ cập hơn, bao trùm mọi con biểu thị bằng cái bọc trăm trứng, nhất là không có tính cách thống trị nên thường là lễ trị. Vậy tính chất đó được nối tiếp trong tình huynh đệ là tình yêu có sự trọng kính lẫn nhau, thay vì thống trị nhau, tứ c thuận lợi cho sự bình đẳng hơn hẳn phụ tộc. Phụ tộc đi với giai đọan văn minh “công thương” coi trọng văn minh lý trí, còn mẫu hệ đi với tinh thần nông nghiệp “sĩ nông”, coi trọng văn hóa tình người, lấy chân thực trung tín làm nền tảng.

Điểm hai là tinh thần nông nghiệp còn biểu thị bằng việc mẹ Au vứt bọc trừng ra “ngòai đồng” (đồng ruộng chỉ tinh thần nông nghiệp, con cháu mang họ Mỵ là vậy, Mỵ là họ lớn nước Sở, mà Sở xưa là châu Kinh trong chữ Kinh Dương Vương). Xin nhớ Mỵ là Mễ, tức tinh thần nông nghiệp. Tinh thần nông nghiệp đã xuất hiện do mẹ, chỉ sống được trong xã hội mẹ. Còn xã hội du mục liên hệ với cha thì bước vào “công thương” pháp hình.

Điểm ba là óc tự lập là tinh thần nhấn mạnh đến sự tham dự của con người: tự làm ra thức ăn mà không còn lệ thuộc vào hái lượm bấp bênh như trước, hoặc nối tiếp bằng đi ăn cướp nhưng gọi bằng tên sang trọng là “chinh phục”. Đức tự lập được biểu thị trong vụ mẹ Au Cơ “không cho con bú mà cả trăm con tự nhiên trường đại, trí dũng song tòan, ai cũng úy phục, bảo nhau rằng đó là những anh em phi thường”.

Điểm bốn là “bình sản” cả trăm con đều phương trưởng, không phân ra kẻ có người không, kẻ chủ người nô, nên không có chế độ nô lệ nhà nước, chỉ có qua loa trong gia đình thì không đáng tên chế độ, nên gọi là nô tì, tức con ở đầy tớ.

Đó là đại để mấy nét nói lên sự còn mẹ: còn mẹ thì xây trên tình huynh đệ phổ biến. Không lọai trừ con nào. Con nào cũng có quyền tự lập tự cường, độc lập ngay trong sản nghiệp (bình sản). Tất cả được bao bọc trong tình thương thâm sâu của mẹ nên gọi nhau là đồng bào hiểu là cùng xuất phát từ một bào thai mẹ Au; nói kiểu triết là cùng nằm trong nguyên lý mẹ. Trên chúng ta đã nói hễ còn mẹ thì cũng còn cha, vì nguyên lý mẹ khkông có tính cách độc hữu như cha, nhưng là bao dung khắp hết. Vì thế nguyên lý cha vẫn còn dưới danh hiệu là rồng. Tuy không được nổi bằng mẹ biểu thị bằng Lạc Long Quân ở thủy phủ lâu lâu hiện vệ với mẹ Au trong cáh đồng Tương, tức là giao thoa với Tiên mẹ để đẻ ra con là Hùng Vương bao hàm cả trí, nhân, dũng:

Mẹ non nhân

Cha nước trí

Con hùng cường

Lấy tên Hùng là nhấn mạnh trên tác động là cái có sức hội nhập mạnh nhất. Tác động cùng cực thì sức hội nhập cũng cùng cực, nhờ đó mà hội nhập được hết, cả nhân cả trí không để cho lý trí cha vùi trọn tình thâm mẹ như trong các nên văn minh duy lý.

Với óc duy lý thì sẽ xảy ra những vụ chuyên chế của vương quyền, thần quyền với tòan dân nô lệ như bên Perse xưa.

Tiến nhiều lắm cũng mới tới “quý quyền” tức còn quá bán phần dân trong nước là nô lệ như bên Hy Lạp, La Mã. Hy Lạp có gọi tên là dân quyền thì thực chất vẫn là quý quyền.

Nay đến dân quyền thì có thực là dân quyền chăng? Hay chỉ là tiền quyền, hoặc mưu trí quyền, rõ rệt như trong các chế độ cộng sản, gảy hết tình người đi thì tòan dân trở nên nô lệ. Riêng phụ nữ thì con đường tranh đấu còn dài dằng dặc, tự quyền bỏ phiếu trừu tượng qua những quyền lương bổng, nói năng…

Đành rằng có thời mẹ phải nhường cha. Đó là con đường tiến hóa, nhất là trong phạm vi chính trị. Người ngày thêm nhiều thì “người nhiều của khó” nên ở lại mẫu tộc không thể yên ổn nữa. Trong Kinh Hùng có ghi chuyện đó bằng biểu thị lúc Long Quân vắng nhà thì “nhân dân khổ vì phiền nhiễu, không yên ổn như xưa, đêm ngày mong đợi Long Quân về” (H.3). Ta suy đóan được rằng thời thế đã đổi, xã hội đã đông thêm, bờ cõi đã mở rộng, sự đe dọa bên ngòai gia tăng, không còn hợp cho mẫu tộc được nữa, đã đến lúc phải nghĩ đến sức mạnh ít nhất là để chống ngọai xâm, vậy nên mẹ phải truyền sang cho Hùng Vương biểu thị phụ tộc.

Tuy nhiên bóng mẹ Au vẫn còn che rợp vũ trụ nước Văn Lang, đến nỗi có thể nói là những hậu quả nguyên lý mẹ vẫn còn nguyên, nói lên một sự chuyển mình êm thắm theo kiểu giao thoa hài hòa: thống nhất giữa mẹ và cha, chứ tuyệt đối không có vụ cha đẩy mẹ. Nói theo ngày nay thì sự chuyển mình không đi theo lối cách mạng phá đổ mẫu tộc nhưng theo lối triển diễn hội nhập. Giai đọan sau hội nhập những bước tiến, những cái hay của giai đọan trước như bình sản, tình tự gia đình, tình tự thị tộc chuyển thành tình tự dân tộc trong tình quảng đại tương thân đùm bọc với đời sống đầy ứ tình người…

Đây là dịp thuận tiện để đáp lại câu hỏi của các nhà khảo cổ rằng Việt Nam có thờ vật tổ hay không? Các nhà nghiên cứu bất đồng ý rất nhiều và chưa tìm ra đáp số. Vậy đáp số nằm trong chữ triển diễn mà không cách mạng, tức là có mà như không, không mà lại có, liên hệ tới nguyên lý mẹ như sau. Có thờ vật tổ chứ. Đó là những bước khởi đầu không đâu không có, chỉ khác về sau thì nước ta chuyển nhẹ sang vật biểu mà cụ thể là từ chim sang tiên. Tiên thay thế chim, nhưng không đẩy chim. Chim vẫn còn đó, nhưng trước là vật tổ, còn nay rút vào vai vật biểu (heraldic animal) nhường chỗ cho các nghi mẫu.

Thế là từ đấy các nghi mẫu ta đều có liên hệ với chim ngay trong tên gọi như Au Cơ là Hải Au, Vụ Tiên là vịt trời. Các con mẹ Au luôn đội lông chim khi múa, chân cũng xòa ra như chân chim để giống mẹ từ đầu đến chân (vì thế dễ bị hiểu lầm là ngón chân giao nhau kỳ thực là ngón chân tượng tạc xòe ra như kiểu chân chim)(*) và từ  đấy thì chim theo mẹ tiên liền bước, đến độ khi ai tu tiên đắc đạo thì gọi là vũ hóa, tức là “hóa ra có cánh” như chim và lông vũ (nhất là của chim trĩ) đã trở nên dấu chỉ văn hóa Đông Nam (ngược với lông mao chỉ văn hóa Tây Bắc). Thời xưa bao giờ múa cũng đeo lông chim như sẽ xem sau là do vậy.

(*) Chỗ này nên ghi Kinh Lễ (chương I, tiết 2, câu 10) khi tế mà nói đến chim trĩ thì gọi là con “xòe chân” (Trĩ viết sơ chỉ).

Ở đây chỉ ghi rằng lông vũ là bóng dáng của nguyên lý mẹ và nước Văn Lang gọi là Hồng Bàng (nhà chim) tức xã hội xây trên mẫu mực gia đình tràn ngập tình yêu, các con gọi theo họ mẹ. Sự vụ đó được biểu thị trong việc các tiên nữ luôn lởn vởn trong Kinh Hùng từ Vụ Tiên, Au Cơ, qua Mỵ Nương, Tiên Dung, Ma Cô Tiên cho tới Mỵ Châu… Sau này bóng dáng Nữ Thần Mộc vẫn xuất hiện lờ mờ qua những hiện thân như Liễu Hạnh, (Núi) Bà Đen, Thiên Mụ và nhất là Bà Chúa Xứ: tức là mẹ vẫn còn làm chúa “của” xứ. Nhờ đó con cháu mẹ Au Cơ đã phần nào đạt được những điểu mà hiện nay nhân lọai còn đang dầy công tranh đấu: tự do, bình sản, óc công thể, tình tương thân tương ái v.v…

Tuy nhiên lâu ngày con cháu không cảm được thế nào là “còn mẹ” thì được “ăn cơm với cá” nên hò nhau đi rước văn minh Thái Tây đầy nam tính về, thì nay hơn năm chục triệu con cháu Lạc Hồng nhất là những người ở trong các trại cải tạo đang hiểu tận tâm can tì phế thế nào là “mất mẹ” liếm lá gặm xương (chẳng biết xương có còn mà gặm?).

“Vú mẹ đã khô nguồn sữa cũ.

Tình con còn lại bấy nhiêu thôi”.

VIII. VANG VỌNG CỦA VĂN LANG QUỐC

Bài này sẽ bàn về ảnh hưởng của tinh thần Văn Lang đối với các nước lân cận khác văn hóa. Như vậy là để nối tiếp bài trên nói về nội lực văn hóa: Việt có nguyên lý mẹ nên dân con được an vui hạnh phúc, đến đây kiện chứng thêm bằng sức mạnh đó có thể chuyển hóa được các văn minh khác. Đó là một đề tài chứng minh văn hóa có nguyên lý mẹ thì bền vững vì nó hợp tình hợp lý. Còn các nền văn minh duy lý tuy có hùng cường về võ lực, nhưng lại không lâu bền và nội lực tỏ ra kém hơn văn hóa có nguyên lý mẹ. Vì vấn đề quá rộng nên ở đây xin được giới hạn vào hai truyện trong Kinh Hùng, một là truyện Bạch Trĩ đối với Bắc Phương, hai là truyện Man Nương đối với Tây Nam là An Độ. Truyện Bạch Trĩ kể rằng:

Việt Thường cống vua Thành Vương nhà Chu chim Bạch Trĩ lấy cớ rằng có điềm thánh nhân xuất hiện. Nhưng Chu Công không dám nhận đồ cống “vì chính lệnh chưa thi hành, đức trạch cũng chưa mở rộng tới Văn Lang…” Những câu này cho thấy ảnh hưởng Tàu lúc ấy chưa lan tới Việt Nam. Vậy mà Việt lại có đồ cống đầy ý nghĩa như chim trĩ hay được nhắc đến gọi là “Tùy dương Việt trĩ”, tức chim trĩ của Việt tộc hay tiến theo mặt trời, chỉ giai đọan còn thờ mặt trời thí dụ chứng tỏ văn hóa Việt đã tiến xa ngay từ thời đó. Tuy nhiên ý nghĩa truyện bạch trĩ không được rõ vì là truyện có muộn sau nên đã để trụt mất nhiều ý nghĩa. Muốn hiểu sâu hơn cần nghiên cứu truyện cống rùa nhắc đến trong sách Ngự Phệ Thông Giám Tập Lãm. Truyện kể rằng năm thứ 6 Việt Thường cống vua Nghiêu con rùa lớn đã sống nghìn năm, bề vuông hơn ba thước, trên mu có 64 chữ khoa đẩu chép việc thiên hạ từ đời hồng hoang v.v… (có thể là 64 quẻ Kinh Dịch). Đây là truyền thuyết nói về ảnh hưởng phương nam lan lên phương bắc. Vì rùa là một vật linh của Bách Việt. Nhiều chi tộc như Tày, Thái còn thờ rùa làm vật tổ. Người Mường gọi là ông, là bác và có phép bói rùa gọi là chí rò (rò là rùa) căn cứ trên số 9. Với Lạc Việt thì rùa cũng là một trong 4 vật linh: lân, ly, quy, phượng. Rùa còn là vật biểu tượng trời đất (lưng tròn, 4 chân vuông) sau này biến ra quy thư (sách rùa) cũng gọi là Cửu Lạc, cùng với Lạc Thư như nhau về số và cơ cấu. Cả hai cùng căn cứ trên số 9 cũng như đều nói lên những luân thường đạo lý trường tồn. Vì thế chữ Việt Thường ở đây không nên hiểu theo hai nghĩa sử ký (*), nhưng nên hiểu theo nghĩa siêu việt như chim bay nhảy lên cao.

(*) Theo sử thì Việt Thường có hai nghĩa: một là dải đất từ Quảng Trị tới Quảng Nam (theo địa dư chí của Nguyễn Trãi), hai là chỉ chung tòan thể Việt Nam như lối hiểu của các sử gia trước.

Còn chữ cống nói lên cái thế yếu của Việt Thường đối với Tàu trong thời câu truyện được ghi chép, nên không thể dùng chữ cho, ban, truyền bá, nhưng ý nghĩa về nơi phát xuất hay về tác giả thì còn y nguyên, tức nền tảng Kinh Dịch phát xuất từ nếp gấp song trùng nảy sinh từ Đông Nam Á; mà dân lãnh đạo tinh thần là Lạc Việt, thì điều đó không một nhà nhân chủng học nào chối cãi cả, vì không những có rất nhiều mang tính lưỡng hợp (dual unit) mà còn có cả di tích khảo cổ, như đã bàn trong bài Nét Song Trùng. Có thể thêm một số tang chứng khác chẳng hạn nhà mái cong, vật biểu rồng, tẩm tang đều phát xuất từ miển nam.

Cũng phải nói như thế về con số 3 với những bộ ba cái chạc. Cả về con số 5 trong ngũ hành cũng không khác như sẽ bàn thêm trong quyển Sứ Điệp. Đây là về phía Việt, thì tác động là cống, là hiến, phía Tàu là tiếp nhận như ta có thể đọc thấy dọc dài qua cả huyền sử lẫn lịch sử. Xin lược qua vài ba vụ:

Huyền sử nước Tàu mở ra với Đế Kỷ (*) lãnh đạo do Hiên Viên lạm xưng hoàng đế có câu truyền tụng rằng “Hoàng đế đắc Si Vưu nhi minh ư thiên đạo” (Hoàng Đế nhờ có Si Vưu mà hiểu thiên đạo). Si Vưu là thủ lãnh Tam Miêu tức liên đoàn các dân Bách Việt (**), có cả đạo trời lẫn đạo đất, cả số 4 lẫn số 3. Còn Hiên Viên khi vào đánh Si Vưu chỉ có số 4 tượng trưng bằng 4 con ác thú là hổ, beo, hùm, báo (***).

(*) Bên trên Đế Kỷ (gồm Ngũ Đế) còn có Hoàng Kỷ gồm tam hoàng là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông. Tam Hoàng thuộc Bách Việt, đầu đời Hán một số sách mới thâu vào làm của riêng Tàu mà chính ra là của Việt, ta quen nói Hoàng Việt (xem Needham I p.163).

(**) Needham II p.115

(***) Theo Trúc Thư Kỷ Niên

- Đến ông Đại Vũ nhờ lấy được vợ Việt nên đúc được 9 đỉnh như đã bàn dài trong Việt Lý và Tinh Hoa Ngũ Điển (bài Vũ Chú Cửu Đỉnh).

- Xin nhắc sơ qua về vụ lủng củng của Tàu vào lúc sơ khai. Thí dụ khi thì đề cao bên chiêu, khi thì bên mục (xem bài Chiêu Mục trong Việt Lý). Cũng phải nói về số 4 và số 3, hoặc 6, 5. Nhà Chu theo số 6 (của phương Tây Bắc), đến Nguyệt Lệnh (Kinh Lễ) thì lại đề cao số 5 như phương nam, cũng như khởi đầu đúc đỉnh 4 chân, rồi sau mới 3 chân. Vật biểu khkông có sự nhất trí: trước hổ hoặc cá và chim cú (có sách nói trước nữa là chó Đại Bản), sau cùng mới tới rồng được thâu nhận sớm lắm là đời Thương An, nhiều học giả cho là đời Hán.

Trong truyện Việt Tỉnh có nói về “Ngọc Long Toại” ban cho Thôi Vĩ từ thủa trời đất mới khai tịch đã có một cặp trống mái (xin hiểu là nét song trùng xuất hiện khi mới đặt nền văn hóa) và “các nhà vọng khí biết hòn ngọc Long Toại còn ở phương nam, người Tàu đem vàng bạc, gấm vóc trị giá trăm vạn để mua. Thôi Vĩ nhân đó thành đại phú”.

Niềm tin này còn được nhắc đến trong truyện núi Tản Viên với vụ Cao Biền muốn yểm linh tích các nơi danh thắng bên Việt. Theo sách Phong Thuỷ kể lại rằng quan coi về thiên văn bên Trung Quốc thấy các sao lớn đều chiếu về phía nam mới tâu với vua là Việt có chân mạng đế vương, đất Việt Nam rất linh nếu không triệt hạ sẽ gặp tai họa. Do đó vua sai Cao Biền sang trù yểm các đất linh của Việt Nam trong đó có núi Tản Viên thì bị thần khạc nhổ vào mặt. Cao Biền than rằng linh khí phương nam chưa thể trắc lượng được.

Trở lên là huyền thoại, nhưng có ảnh hưởng lịch sử. Bây giờ xin thêm một chứng tích lịch sử. Đó là chuyện Cát Hồng tiên ông (đời Tần 289-340). Ông cũng chung niềm tin là linh khí còn ở phương nam, nhưng diễn đạt theo lối “đan đạo”, luyện thuốc trường sinh (cũng gọi là “thần tiên đan đỉnh” đã thấy dấu vết lâu đời, như Tư Mã Thiên đã có nhắc tới Xích Tùng Tử là vũ sư đời Thần Nông). Muốn luyện được thuốc thì cần chất chu sa cũng gọi là thần sa hoặc đan sa (Cinabre). Nhưng chu sa chỉ có nhiều ở Việt Nam. Vì thế Cát Hồng tiên ông nhất định đòi xuống Việt cho bằng được để lập lò luyện thuốc nhưng vì bạn bè can ngăn cho là nơi chướng khí, cuối cùng nể bạn, Cát Hồng không xuống hẳn Việt Nam nhưng cố gắng lập lò nơi gần Việt Nam hơn hết đó là núi La Phù trong tỉnh Quảng Đông (trong mấy tỉnh Hải Dương, Sơn Tây, Bắc Ninh cũng còn di tích của Cát Hồng).

Bây giờ xin bước sang bình diện không những lịch sử mà còn thuộc đạo lý nữa. truyện Việt Tỉnh mở rằng “Việt Tỉnh ở núi Trâu Sơn, quận Vũ Ninh, đời Hùng Vương thứ ba, An Vương cử binh nam xâm đóng quân ở núi Trâu Sơn” (H.79). Đoạn giữa truyện nói về tiên cho Thôi Vĩ ngọc Long Toại, rồi kết truyện một cách đột ngột rằng “Ma Cô tiên rước vợ chồng Thôi Vĩ đi, không biết đi đâu. Nay giếng bỏ hoang thành bẩn thỉu, hang thì còn ở núi Trâu Sơn. Người đời gọi là Việt Tỉnh Cương vậy” (H.96). Đây quả là một đoạn văn bí ẩn, nhưng ta có thể dùng lịch sử và khảo cổ mà tìm ra manh mối như sau:

Trước hết là câu “An Vương cử binh Nam xâm, đóng quân ở núi Trâu Sơn”. Lịch sử khảo cổ cho biết nhà An đến xâm chiếm Long Sơn, nơi có tất cả dấu vết của Việt Lý: bên ngoài là cái Lịch tức nối 3 chân thông với nước ở lòng nồi, xét về cơ cấu thì cái lịch cùng một ý với bộ ba cái chạc tìm được ở Phùng Nguyên. Ngoài ra cũng có lễ gia tiên, cũng đề cao mẫu quyền v.v… Cả đến Ngưỡng Thiều ngày nay cũng được khoa khảo cổ công nhận là gần với phương Nam bởi vì cũng có người ngồi xổm, Văn thừng, rìu chữ nhật, rìu lưỡi xéo, đường tiến xoáy ốc ngược kim đồng hồ (Cradle p.344). Tóm lại là có đủ những nét chính làm nên tinh thần Văn Lang. Nên nhớ tính chất Văn Lang này sau bị nhà Chu đưa 4 yếu tố du mục vào phá hoại (xem Tinh Hoa tr.11) sau được Khổng Tử lặp lại.

Ai cũng biết ở quê Khổng Tử có ấp Trâu Sơn trong nứơc Lỗ, điều ấy gợi ý liên hệ với chữ Trâu Sơn trong truyện. Còn đạo của Khổng là gì: ông tuyên bố rõ đó là đạo cổ. Ông nói ông không sáng lập ra đạo mà chỉ truyền lại đạo cổ mà thôi (ngô thuật nhi bất tác). Hỏi đạo cổ ấy ở đâu thì ông hướng về phương nam như câu ông trả lời Tử Lộ hỏi về đức cường, Khổng Tử đáp: “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo. Nam phương chi cường dã, quân tử cư chi” (Trung Dung, câu 10).

Cái cường Nam phương ở tại khoan nhu dĩ giáo (khác cái cường của bắc phương ở tại dám chết nơi chiến trường). Vậy đó phải là nơi quân tử y cứ (quântử cư chi) vì thế mà đạo quân tử gọi là nhu giáo (khoan nhu dĩ giáo), tức nói lên tính chất phương Nam, nhu thuận ôn hòa: nhu giáo chính là triết lý số 3 đặt trên con người khi phát triển theo cơ cấu nó biến ra khung chữ tỉnh là giếng, nên nói đến giếng. Còn Giếng thêm tiếng Việt vào thành Việt Tỉnh thì phải hiểu là Việt Lý. Chứ giếng thì đâu chẳng có nên không ai thèm đem tên nước mình gắn liền với giếng. Riêng ở đây làm thế thì phải hiểu Việt Tỉnh là Việt Lý. Vậy nho gia đã y cứ trên Việt Lý (Việt Tỉnh) mà phát triển đạo nghĩa nên người sau thêm tiếng cương vào thành ra Việt Tỉnh Cương. Cho nên Việt Tỉnh Cương chính là Việt Lý đã được nho công thức hóa là lược đồ hóa thành Hồng Phạm cửu trù tức là khung chữ Tỉnh đó: nói Việt Tỉnh Cương hay Việt Nho và hiểu liên hệ đến Hồng Phạm cửu trù tức là khung chữ Tỉnh với 9 Đại Cương và nhiều điều tiểu mục. Chữ cương liên hệ là thế.

Nền Việt Nho này cũng chính là Nguyên Nho đã xuất hiện từ đời Tam Hoàng nhưng rồi bị phai lợt đi dần qua Đế Kỷ cho tới đời Hán bị xuyên tạ đến độ thành ra Hán Nho (xem vụ này trong chương 3 Nguyên Nho) và chính nó đã chôn vùi Việt Nho, biểu lộ bằng “cái hang trong có con rắn trắng dài trăm thước mỏ vàng miệng đỏ” (sẽ nói kỹ trong Sứ Điệp- H.88). Con rắn là con rồng, trăm thước là Bách Việt, trương cờ Si Vưu nền vàng giữa có miệng tròn đỏ để chỉ lửa phương nam quẻ li hay trước nữa là “Xích Quỷ” tức là Việt Nho. Nhưng sau bị quên trọn nên truyện nói “nay giếng bỏ hoang bẩn thỉu, hang thì còn ở núi Trâu Sơn”, tức những sách kinh điển của các Nho gia, tuy còn đó nhưng chỉ như cái xác, hồn đã mất lâu rồi, quên luôn cả nơi phát xuất của sách vở là miền Trâu Sơn. Nay ai muốn khám phá hang nên đi qua Nho giáo nguyên thuỷ như chúng tôi đã thử làm trong 10 quyển đầu của bộ Triết Lý An Vi.

Câu truyện trên nêu lên hai chiều đi của đạo lý: một tự Việt truyền lên mạn Bắc trước bằng vụ cống rùa, sau bằng vụ An Vương nam xâm tức tự bắc đi xuống mượn của miền nam. Nên nhớ đây còn đang nói về Bắc Nam sơ thuỷ bao la chưa là Bắc Nam đời Xuân Thu với Khổng Bắc Lão Nam. Bắc đây phải hiểu là du mục gồm Mông, Mãn, Kim, Hồi v.v… (xem Cradle p.405) trong chiều hướng đó thì Tàu thua Việt, nên bao nhiêu vật tổ vật biểu của Tàu sơ thuỷ (Cú, Hổ, Cá, Ngựa) đều phải biến đổi. Chim cú của Hoàng Đế còn truyền đến đời Thương rồi biến mất (sau nó biểu thị loài giết cha mẹ bất hiếu) nhường chỗ cho long phát xuất tự Việt. Còn hổ thì hóa ra lân hiền khô. Cá thì hóa long (chỉ còn di tích trong Văn Cá thịnh hành đời Hán). Ngựa không đổi vì xin được việc chở Hà Đồ để thành ra Mã Đồ.

Nói khác, vấy nhiêu vật biểu (cú, cá, hổ, mã…) là của du mục Tây Bắc xâm nhập văn hóa Đông Nam của Bách Việt, sự xâm nhập đã làm nảy sinh một dân mới mang đặc tính mới, nổi bật ra khỏi đại chủng tộc Việt, đó là dân tộc Tàu, vậy nên Tàu là người gốc Việt (Bách Việt) nhiều hơn gốc bắc Mông, Mán, Hồi, Tạng. Chính điều đó thì giải nghĩa tại sao tiến lên Bắc thì hết là Tàu, còn tiến xuống Nam thì là Tàu hơn lên. Khi du mục Bắc cai trị Tàu thì bị đồng hóa với Tàu. Còn Tàu khi lấn xuống đất Việt thì Việt không bị đồng hóa mà còn biến đổi Tàu là khác (Việt chỉ bắt chước hình thức của Tàu vào giai đoạn sau).

Trong chiều hướng đó Nho sơ thuỷ của Bách Việt dần dần biến thành một thứ Nho bác học, và bị lợi dụng như một khí cụ chinh phục để truyền bá từ Bắc xuống Nam dưới hình thức Hán Nho đầy lệch lạc.

Chính những cái lệch lạc này che hét vòng trong của triết lý số ba đặt trên đỉnh của Ngũ Lĩnh xoay trở chiều nào cũng có tính năng động như 15 Bộ nước Văn Lang tức 3*5=15 xoay trở 4 chiều cũng vẫn là 15 như hình Lạc thư truyền lại.

Vậy là tạm bàn xong về mạn Bắc. Ta thấy Việt Lý chuyển hóa Bắc phương được chứng minh bằng cả huyền sử, lịch sử lẫn đạo lý.

 

TRUYỆN MAN NƯƠNG

  Kể về một nhà sư Tây Trúc tư thông với một cô gái Việt mà đẻ ra được 5 pho tượng Phật rất linh. Ý nghĩa ẩn dụ là đạo Phật đại diện cho ngành đạo cao nhất bên Ấn Độ truyền vào nước Nam do sư Đồ Lê từ Tây đến. Phương Tây hành kim, còn Đông hành mộc. Tây là phương chỉ sự chết, cõi sau, còn mộc là cõi sống, đời này. Vậy Phật truyền từ Tây sang Đông là đi từ cõi chết (số 4) sang cõi sống chỉ bằng số 3 (ngã ba đầu sông, cây đa ở ngã ba) và số 5 (tháng 5) mà chủ tịch là nguyên lý mẹ đại biểu bằng Man Nương nghĩa là người đàn bà của dân Man (Việt) đẻ ra mộc Phật (phương Đông) là bốn pho tượng bằng gỗ còn về Tây phương thì giữ lại trong tượng bằng đá, nhưng đã được tô vàng là màu hoàng thổ Bách Việt có nghĩa là đã chịu ảnh hưởng đậm đà của Việt tộc.

Đây là huyền thoại nói tiên tri về cuộc Việt Lý thâu hóa và biến cải các làn sóng xâm nhập Đông Nam Á trong đó có vụ biến Phật giáo Ấn Độ ra Phật giáo Tàu, tức làm cho Phật giáo mang đầy tính chất nhân sinh: từ tượng Phật Ấn khắc khổ sang Phật Tàu béo búc đầy chất sống. Vụ này xảy ra lối đời Đường trong những miền của Việt Chiết Giang như Hoa Nghiêm, núi Thiên Thai, nó biến đổi Phật giáo toàn triệt chứ không chỉ có thích nghi ngoại dụng, mà là tự siêu hình đến dạng thức đều đổi hẳn: về siêu hình thì từ không tới có, từ vô thường thái hư đổi ra Như Lai, Chân Như. Còn dạng thức thì tự tĩnh tọa, tọa thiền đổi ra hành thiền và nhất là tam bảo: Phật, Pháp, Tăng đổi ra Giác, Chính, Tính. Đó quả là đưa đạo ngoại cứ vào trong tâm linh con người(xem Định hướng tr.116-121).

Vậy tất cả những cuộc biến thể nọ đã được biểu thị trong truyện Man Nương với những ẩn số, để trừu tượng hóa những biến đổi có thực, thí dụ truyện Man Nương ở làng Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) nơi một cô gái đã có công chống hạn hán, đem nước suối vào ruộng cho dân cấy cày, nên sau được nhân dân suy tôn làm Phật.

Đây là một cuộc cách mạng sâu xa từ du mục sang nông nghiệp. Đạo Phật xuất hiện từ Ấn Độ nằm dưới ách cực nặng của Bà La Môn du mục: xã hội đi theo lối đẳng cấp, dân chúng và đàn bà bị khinh miệt, đến độ vợ bị coi là tài sản của chồng, phải chết theo chồng v.v… Phật giáo tuy là một nền nhân bản, nhưng chưa vượt được khỏi hết những xiềng xích du mục kia, nên địa vị đàn bà ban đầu cũng rất thấp, khởi đầu không được tu, không có Phật Bà. Vậy mà khi truyền sang đất Việt liền có Phật Bà. Phật Bà đầu tiên ấy lại không do một bà quyền quý mà do một cô gái đói khổ. Như vậy là cuộc cách mạng có tính cách nền tảng bao gồm nhiều bước, mỗi bước đều do bầu khí văn hóa Việt gây ra.

- Bước đầu: không còn phải là nam nhi mà nữ lưu cũng có thể trở nên Phật. Đó là vai trò quan trọng của phụ nữ bên Việt Nam.

- Bước hai: thay vì diệt sinh bên An thì ở đây lại sinh sinh theo tinh thần Kinh Dịch “sinh sinh chi vị dịch” và do thói tục ưa đông con nhiều cháu của Việt tộc xưa, coi việc không con là sự bất hạnh.

- Bước ba: táo bạo hơn cả, sinh con đã không có cưới xin lại còn “bước ngang” do một nhà tu hành, vậy mà vẫn sinh một cách viên mãn: sinh một lúc được tới năm Phật. Sinh như hoa nở. Dân chúng nói “mẹ ta hoa Phật”. Cả năm đều linh hết: hễ dân bị hạn hán mà cầu đảo thì liền có mưa, nên bốn pho tượng chung quanh được đặt tên là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Bước này có thể quy cho sự quan trọng hóa gia đình như được bày tỏ trong câu ca dao “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”.

Đó là những biến đổi tận nền y như vụ nam thần Avalo bên Ấn khi vào vùng đất Việt Chiết Giang thì biến ra thần nữ là Quan Thế Âm Bồ Tát. Đã vậy lại còn “tống tử” (tay bồng con), ngược hẳn với diệt sinh, diệt dục bên Ấn.

Trên đây là mấy biến đổi tượng trưng cho sức mạnh của nền văn hóa Việt tộc đã cải biến được các nền văn hóa mà nó gặp.

Đến đây chúng ta có thể nêu lên câu hỏi: tại sao nước Văn Lang lại có thể gây ảnh hưởng vừa sâu vừa rộng đến thế? Sâu vì đổi văn hóa Ấn Độ đến đợt định đề cơ cấu, còn rộng là lan lên tận miền bắc vượt qua cả Hoàng Hà. Đó là truyện thực hay chỉ là hư cấu suy luận?

Thưa đây là suy luận nhưng không hư cấu mà là căn cứ trên khảo cổ và sử sách, nên một khi đã biết sự thực thì không còn chi đáng thắc mắc.

Trước hết về phía Phật giáo vì là khách nên nhập gia tuỳ tục là lẽ thường. Thứ đến Phật giáo tuy chống đối Bà La Môn kịch liệt, nhưng về cơ cấu và định đề thì còn y như nhau. Thái hư nhà Phật không khác vô vô (neti, neti) Bà La Môn. Tứ diệu đế với samkhya cũng đại đồng tiểu dị, vậy mà cơ cấu bao giờ cũng mạnh hơn đợt lương tri. Vì mạnh và vững vàng ở cơ cấu nên nền nhân chủ Văn Lang biến đổi Phật dễ dàng.

Riêng về Tàu thì có lý để thắc mắc vì Văn Lang là khách tại sao biến đổi nổi Tàu đã lớn hơn và văn minh hơn lại còn là chủ nữa? Tuy nhiên đó chỉ là cảm nghĩ theo thói thường nên rất sai lạc, còn nếu cảm nghĩ theo sự thực đúng theo khoa học nhất là khảo cổ và xã hội thì phải nghĩ khác, tức Tàu là khách mà Việt là chủ.

Trước hết nên chú trọng rằng nước Tàu xét như một dân tộc, một thực thể văn hóa và chính trị như nay mới xuất hiện từ Tần Thuỷ Hoàng. Trước nữa thời nhà Chu, nhà Thương, Tàu mới ở giai đoạn hình thành với nước bé nhỏ trên bờ sông Hoàng. Khảo cổ mới tìm ra dấu vế đến có nhà Thương, trên nữa như nhà Hạ thì chỉ là truyền thuyết suông.

Chính sử gia Tư Mã Thiên cũng chỉ đẩy đến Đế Kỷ với Hiên Viên Hoàng Đế là cùng cực, tức nước Tàu dù bé nhỏ cũng mới xuất hiện sau Hồng Bàng kỷ. Điều này không phải vô nền, trái lại có thể minh chứng bằng khảo cổ, như sẽ trình bày tường tận trong Sứ Điệp.

Không hiểu vì đâu từ quãng 1960 tới nay một số người cho truyện Đế Minh cháu Thần Nông là một sai lầm truyền kiếp mà không ngờ rằng coi Thần Nông như của Tàu hay ít ra riêng của Tàu mới là một sai lầm truyền kiếp, chứ theo khảo cổ thì ngay từ văn hóa Hòa Bình đã thấy dấu vết nông nghiệp, và bên các chi Bách Việt không thiếu truyện “Thần Nông”: Thần Nông Chàm, Thần Nông miền Lâm Đồng v.v… Phương chi khi vươn lên ý nghĩa siêu linh thì Bắc Nam chỉ còn là biểu tượng của đất trời, rồng tiên, chối bỏ thì giải nghĩa sao nổi lưỡng hợp tính hiện hình cách huy hoàng trên mặt trống đồng. Vậy xin hãy mở rộng tầm mắt ra xa như khoa khảo cổ cho phép và hơn thế nữa phải vượt qua quan niệm sử địa khi đọc huyền thoại, vì đó là miền của văn hóa, của triết lý. Lúc ấy mới thấy bờ cõi Văn Lang cho tới Động Đình Hồ có cái “lý” của nó, và 15 bộ nước Văn Lang phải mở rộng tới tất cả những nơi nào có bộ số 2, 3, 5 với tục xăm mình, khi múa thì cầm mâu với thuẫn, trên mình có đeo lông chim. Lúc ấy sẽ thấy những trường cổ nhất như Bích Ung “của Tàu’ cũng chỉ dạy có múa mâu với thuẫn với đeo lông chim như trên mặt trống đồng. Cả vua Thuấn cũng múa như thế. Mãi sau này đến đời Xuân Thu mà ba nước rất lớn ở mạn nam sông Hoàng là Sở, Ngô, Việt vẫn là của người Man, nơi còn gặp nhiều dấu Việt như tả nhậm, cắt tóc, xâm mình, cũng đeo lông chim khi múa, thì biết ảnh hưởng Việt tộc sâu rộng đến đâu.

Như vậy nói ảnh hưởng Văn Lang lan rộng lên Tàu phải hiểu là Tàu nhớ tiếc và bảo tồn gốc cũ. Gốc ấy chung cho cả người Tàu thái cổ lẫn người Văn Lang. Nếu quy chiếu vào Văn Lang theo nghĩa hẹp ở Phong Châu thì có thể hiểu đó là một trong những nơi kết tinh rất đẹp của nền văn hóa nông nghiệp lâu đời và đã lan rộng trên toàn cõi Đông Á cũng như Nam Á với nhiều trung tâm đại đồng tiểu dị; còn Văn Lang theo nghĩa rộng thì là toàn thể nứơc Tàu lúc chưa có dân tộc nào tên là Tàu, mà mới có “Thần Châu xích huyện” cùng một nền văn hóa với “Xích Quỷ” mở đầu cho Văn Lang.

Tóm lại tinh thần Văn Lang là một nền văn hóa rất lớn đã biểu lộ sự hùng mạnh bằng chỉ ra được đường tiến hóa chân thực cho con người là mở lối thênh thang tiến lên chiều kích tâm linh, vì thế đầy khả năng cải tạo các nền văn hóa mà nó có dịp chạm tới. Cái bí quyết củasự hùng mạnh kia là chất nhân bản đầy ứ tình người. Cái may mắn của văn hóa dân tộc Việt cũng chính là nền văn hóa nhân tộc toàn diện đó. Vì thế sức chinh phục của nó sẽ còn mãi mãi với đất trời

IX. TỔNG LUẬN KINH HÙNG

 

Sau những bài suy luận trên, chúng ta đã thấy nổi lên một nền văn hóa trác việt với rất nhiều giá trị làm nên một cơ sở tinh thần đầy những nét đặc trưng cao cả. Nét nổi nhất trong Kinh Hùng là nhân chủ tính được biểu hiện một cách phong phú, chưa hề thấy một sách cổ xưa nào lại đông đủ những con người tự lực tự cường với những tác động nhân bản rốt ráo như vậy. Sau đây xin nhắc lại vài ba nhân vật cũng như dăm ba tác động nền móng. Nổi bật hơn hết thì không có ai khác hơn là Lạc Long Quân, Hùng Vương và Au Au Nghi Mẫu. Đó không còn là những nhân vật sử nữa mà đã trở thành đại biểu cho những nguyên lý căn bản, những bước tiến quyết liệt trong cuộc biến hóa con người, quả xứng đáng là đại diện cho nhân tộc.

 

A. KHI BỐ LẠC KHAI QUANG.

Với ba vĩ tích diệt hồ tinh, ngư tinh, mộc tinh, Lạc Long Quân đã làm một cuộc khai quang triệt để dọn đất tốt cho ngôi nhà nhân bản sau này, tức là đã đọan trừ tất cả những tà vọng, những mê hoặc thường ẩn náu trong những thần thọai, trong những mê tín là những yếu tố đã trùm phủ khắp nơi không cho cây nhân bản mọc lên. Trái lại ở đây Bố Lạc đã dứt bỏ quyết liệt đến nỗi những thần thọai đầy tính chất bái vật còn đang lớn mạnh ở các chi khác như Mèo, Mường, Xá, Lào và Tây Nguyên thì đến Lạc Việt đều lu mờ hẳn đi nhường chỗ cho những truyện về gốc nguồn nòi giống, những việc dựng nước dựng nhà, những việc khai phá thiên nhiên, những mối nhân luân cụ thể chân thực. Đây là một bước xả quyết liệt đến nỗi sau này không một tôn giáo nào gây được ở Việt Nam những phong trào cuồng tín, hoặc bóp chết được sự tôn thờ các anh hùng dân tộc hoặc lòng tin tưởng vào hào khí núi sông. Đây là một bước tiến vĩ đại trong việc khai quang cho văn hóa nhân bản hiện đang được đề cao rất mực khắp nơi; nếu muốn đưa ra một tên tuổi để làm triết gia thượng thặng cho Việt tộc như Plato với Tây Au thì đó phải là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân chính là hình ảnh tối sơ của triết gia thượng thặng của Lạc Việt.

 

B. HÙNG VƯƠNG VỚI THUYẾT NHÂN CHỦ

Nhân chủ cũng là nhân bản nhưng nó khác những thuyết nhân bản gặp thấy ở hầu hết các nơi nên cần gọi tôn lên là nhân chủ cho dễ nhận diện: nhờ cuộc khai quang của Bố Lạc, nó không phải trải qua cuộc chiến đấu với những tin tưởng vu vơ, thí dụ phải sinh ra do huyết thống thần Zeus mới là người tự do như bên Hy Lạp, hoặc phải sinh ra bởi một phần nào của Phạm Thiên mới là người như bên An Độ. Ở đây nhân chủ xuất hiện cách an nhiên: bất cứ ai đã sinh ra thì đương nhiên là người, không cần lý lịch, huyết thống của thần minh, đến tuổi thì được quyền bỏ phiếu, được dự vào hội đồng kỳ mục. Điều đó được biểu thị bằng quyền trị nước được trao vào tay Tiết Liệu nghèo khó, hay nơi Chử Đồng Tử túng đến nỗi cái khố cũng không, vậy mà vẫn lấy được công chúa Tiên Dung. Vì thế ta sẽ thấy những mẫu đề được săn sóc hơn cả trong truyện dân gian là em út, con côi, phụ nữ, ông gìa, bà cả, người bệnh hoạn v.v…

Đó là óc trọng nghĩa hơn tài được đề cao một cách kín đáo. Tóm lại tài sản hoặc dòng tộc không là nền tảng bó buộc cho nhân phẩm con người. Đây là điểm một.

Điểm hai là giá trị không căn cứ bên dòng tộc hoặc giàu sang nhưng đặt trên tác hành, trên công tich. Hễ ai có công trạng, có thành tích thì được xưng tụng không kể là ai dù là nữ nhi hay người cùng khổ. Vì thế có hiện tượng khác thói tục nhiều nơi dùng tên vua chúa đặt cho những nơi quan trọng, thì trong nước Văn Lang lại gọi bằng những tên của thường dân như xưa đã nói về ông Đùng bà Đà.

Ông Đổng cắn nát núi

                          húi sạch rừng

                          bưng ngang lũ.

Còn “bà Đà thì trồng cây, xây núi”, mở màn cho các bà Dâu tìm ra phép nuôi tằm bằng lá cây dâu, rồi các bà Đậu, bà Nành, bà Giàn, bà Hom… tòan đề cao thành tích sáng tạo.

Điểm thứ ba là an vi, tức làm mà không để cho mình bị trói buộc vào hậu quả. Thấy đáng làm là làm, làm cực hăng say mà không để trọn tâm trí vào công hiệu như ở đợt lợi hành. Ong tổ của triết lý an vi chính là Thánh Dóng. Thánh Dóng chỉ là một trẻ thơ ba năm chưa biết nói, nghĩa là không cần nói mà cần làm, và làm những việc lớn lao cao cả như thương nước yêu nòi, thấy giặc An xâm lăng đất tổ thì ra đánh, đánh tận tình, đánh hăng say đến độ nhổ cả từng cụm tre già vất vào mặt giặc. “Đứa thì sứt mũi, sứt tai. Đứa thì chết chóc vì gai tre ngà”. (Vè dân gian).

Nhưng khi thắng trận rồi lại không chú tâm vào bổng lộc, không để ý đến cả ca khúc khải hòan mà đi thẳng lên trời liền. Thực ra không cần siêu thóat đến vậy cũng đã là an vi, nhưng đây là mẫu mực nền tảng nên dùng lối văn khoa đại. Truyện kể rằng sau khi thắng giặc An, Thánh Dóng lên núi Sóc Sơn ở miền An Việt mà hóa. Không còn hình ảnh nào đẹp hơn cho triết lý an vi: làm tận lực mà không màng công danh nhưng đi lên núi Sóc Sơn An Việt. Cao thay An Việt, đó là núi thánh của triết lý An Vi. Truyện kể tiếp “đó là ngày mùng 9 tháng 4”. Lại thêm một hình ảnh tuyệt vời về An Vi nữa, tức là lấy số 9 trời bao quanh số 4 đất. Bánh trời 3 đã đủ để được đặt trên bánh đất 4, vậy mà ở đây 3 còn phồng lên tới 9 để bao 4 cho trọn.

Đó chính là tâm linh sử quan hay triết lý an vi cũng thế.

Chính tinh thần an vi ấy đã làm cho tổ tiên ta thắng không kiêu, bại không nản. Hình ảnh mới nhất của An Vi là Nguyễn Thái Học với câu nói để đời:

“Không thành công thì thành nhân”.

 

C. THÂN MẪU TÂM LINH

Nhân vật sau cùng cần nhắc đến là “Au Cơ Nghi Mẫu” người đã gặp Bố Lạc trên cánh đồng Tương. Đó chính là hình ảnh của nét song trùng, của hài hòa, của vài ba. Au Cơ Nghi Mẫu chính là hiện thân của nguyên lý mẹ: đem tình thương cốt nhục ràng buộc mọi người trong nước để tất cả coi nhau như cùng một bọc, gọi nhau bằng những danh xưng trong gia đình: “bà con cô bác”, đem tình yêu thương tương trợ thấm nhuần mọi mối nhân luân, nhờ đó mà tránh được sự đấu tranh từ nền tảng. Nói theo triết là gạt bỏ được mầm mống cho mọi thuyết nhị kháng (dualism) đã làm hư hại biết bao nền đức lý cũng như triết lý, rồi tràn ra xã hội bên có bên không, thế là xui nên bên chủ bên nô, bên thống trị bên bị trị và ngày nay hiện hình một cách thảm khốc vào hai khối tư sản và cộng sản. Trái lại dưới bóng mẹ Au là tinh thần hài hòa lưỡng hợp, tinh thần công thể tương trợ, coi nhau như thân nhân phát xuất từ cùng một bọc.

Hai chữ đồng bào gây đầy âm vang cụ thể vào xã hội chứ không chỉ là lối nói suông. Thí dụ trong kinh tế là bình sản, trong nghệ thuật là nét song trùng, trong triết lý là thế lưỡng hợp… khiến cho xã hội không làm bằng tranh đấu bóc lột mà bằng cộng tác tương thân. Đó gọi là tâm linh sử quan, được biểu thị bằng cô Liên trong truyện Trầu Cau. Hai anh em đã biến thể thành cây cau và hòn đá coi như không thể hòa lại, vậy mà nhờ cô Liên biến thành dây trầu không quấn quít lấy cả hai, nên mối tình lại trở thành đỏ thắm. Đỏ thắm chính là màu sắc tâm linh. Cô Liên là bóng dáng nguyên lý mẹ. Bóng dáng đó còn được biểu hiệu dưới nhiều tên khác từ Nữ Oa, Vụ Tiên, Giáng Tiên, Tiên Dung trài qua các Lê Thị, Phan Thị, Trần Thị cho tới Thiên Mụ, Bà Đen, Bà Chúa Xứ tức nguyên lý mẹ vẫn còn chờn vờn khắp nẻo non sông để tiêm sức sống mãnh liệt cho Văn Lang có được tinh thần thống nhất làm bằng yêu nước thương nòi, nên dầu trải qua hàng ngàn năm bắc thuộc vẫn chiến đấu cả trong mặt trận văn hóa lẫn quân sự chính trị để duy trì tinh thần Văn Lang cao cả.

Có nhìn chung lịch sử nhân lọai ta mới nhận ra sự cố gắng bảo tồn truyền thống Văn Lang quả là có lý do sâu xa, bởi vì Văn Lang là một thành tích lớn lao ít có trong xã hội lòai người; ở các nơi khác hầu hết là thống trị với nô lệ và bất bình đẳng. Đang khi Văn Lang là một công thể mà mọi thành viên vẫn được hưởng tự do và bình đẳng. Đó chính là lý tưởng của biết bao tâm hồn quảng đại yêu thương mà những người đã thiết lập nên các nền đức lý, triết thuyết, tôn giáo, rồi cả các cuộc cách mạng lật đổ chính quyền đều đã thiết tha mong mỏi, cố gắng như vậy, nhưng mãi tới nay mới đạt được một phần nhỏ, thế mà Văn Lang quốc đã thực hiện được một thời gian dài tới ba bốn ngàn năm thì đủ biết tinh thần Văn Lang quốc đáng quý biết bao.

Làm thế nào mà được như thế? Câu thưa nằm trong chỗ ba vị nói trên đã đặt tay ấn mạch trúng các điểm then chốt làm thăng tiến con người. Hỏi đó là những điểm nào?

Các nhà cổ nhân học đã nhận ra hai biến cố làm cho con vượn người trở nên người đích thực, con người khôn sáng (homo sapiens) đứng biệt lập ra khỏi cái khối vượn người đã xuất hiện trước đây nhiều triệu năm, và cứ tiến dần, tiến dần cho đến lúc cuối cùng cách đây lối trăm ngàn năm thì con người khôn sáng mới tách hẳn ra khỏi khối đó. Vậy hai yếu tố kèm theo biến cố quyết liệt này là lao tác và tình nhà.

Với hiện tượng thứ nhất là lao tác, con người vượt ra khỏi tình trạng ăn sẵn để đi sang tình trạng ăn làm với rất nhiều hệ quả kéo theo. Ăn sẵn thời hái lượm, săn bắt. Vì thức ăn không có sẵn và nhất là thất thường nên con người phải tiêu quá nhiều năng lực vào việc kiếm ăn, không còn giờ dư dành cho văn hóa tinh thần. Đã vậy lại còn gây ra những cuộc tranh dành cướp đọat: mạnh lấn yếu…

Với ăn làm trái lại con người bớt lệ thuộc vào thiên nhiên vì sản xuất được nhiều đồ ăn không những đủ cho việc định cư, khỏi lang thang nay đây mai đó, lại còn dành ra được nhiều thì giờ rảnh rang để có thể phát huy óc sáng tạo, phát minh ra đồ dùng, các phép chăn nuôi, làm nhà, dệt vải… để nâng cao đời sống con người, cũng như phát huy chiều kích mỹ thuật, văn hóa. Đó là con đường đi lên: từ ăn giập cướp đoạt chuyển sang tự làm ra, càng ngày càng tinh xảo, nhờ vậy thức ăn vừa thêm nhiều vừa tinh tế hợp khẩu vị. Một sự biến chuyển rõ rệt từ võ lực đi lên tinh thần.

Điểm hai là tình nhà.

Đây là điểm quan trọng làm con người khác thú vật. Nơi thú vật không có tình nhà. Không cả tình mẫu tử nữa. Tuy con mẹ có bảo vệ đòan con nhưng hòan tòan vì sinh lý: gà chăn con đến lúc con tự túc được thì liệu hôn với mẹ: đến gần sẽ bị mổ. Cá chuối chăn con cũng vậy, lớn lên đủ sức tìm của nuôi mà không trốn khỏi mẹ thì bị mẹ nuốt. Con vật không có tình, không thể làm nên được gia đình. Cộng sản chủ trương vô gia đình là điều rất thuận lợi với lý duy vật. Đã đặt nền tảng trên duy vật thì sự trở lại lối sống của lòai súc sinh là lý đương nhiên.

Trái lại nơi con người tình người kết thành tình gia tộc rồi lớn lên thành thị tộc, rồi dân tộc tức mối liên hệ sinh lý huyết thống được phát huy thành mối tình nhân loại, vươn lên đến đợt Đại Ngã tâm linh có tính chất bao quát rất hiệu nghiệm nhờ đó đã trờ thành nền tảng mới cho sự tổ hợp xã hội. Thay vì xây trên sức mạnh đấu tranh bóc lột thì nay xây trên tình người, trên sự cộng tác tương trợ. Thay vì coi nhau như sài lang theo kiểu ác thú tranh mồi, thì nay coi nhau như” thân nhân” giúp nhau cùng sống. Đây lại là một bước tiến về tinh thần hơn nữa: từ họ hàng huyết thống đi đến họ hàng thiêng liêng của nhân loại.

Trên đây là hai yếu tố mới xuất hiện cùng với hiện tượng người (phénomem humain) gọi là văn hóa. Thời văn hóa này kéo dài cho tới lúc con người bước vào văn minh cách đây lối mười ngàn năm thì dần dần thờ ơ với hai yếu tố trên nên không thiết lập nổi triết lý lao động, hoặc coi nhẹ tình nhà vì vậy xã hội loài người về mặt tinh thần lại lui về thời vượn, tức chỉ có sức mạnh nên nảy sinh đấu tranh giai cấp và bóc lột lẫn nhau.

Trái lại ta thấy ở Văn Lang vẫn bảo tồn được hai sự kiện trên. Trướt hết là nhờ Lạc Long Quân đã triệt phá những trò quỷ mị huyền hoặc thường đưa con người tới chỗ vong thân mà cụ thể là quên làm ăn, quên tình nhà để hướng lòng lên cõi lý giới mơ mộng. Nhờ vậy vua Hùng thay vì hướng vào việc xây dựng quân đội để gây chiến tranh chiếm nô lệ, cướp phá các bộ lạc khác, thì ở đây lại hướng trọn lực lượng sản xuất vào việc phụng sự con người một cách tích cực cụ thể: bạt núi, húi rừng, xẻ sông làm xuất hiện bà lúa, bà nành, bà dâu, bà đậu… để làm cho đời lên cao, đạt độ phong lưu cũng như dẫn tới tinh thần làm việc đốc kính an vi; thay vì xâm chiếm chiến tranh, thì ở đây là những lễ hội đình đám tưng bừng kéo dài cả hàng tháng.

Mẹ Âu thì đem tinh thần ruột thịt nhuần thấm mối liên hệ giữa người với người khiến xã hội thị tộc nguyên thuỷ bước lên được xã hội nông thôn với tinh thần công thể, nghĩa là tài sản quân phân định kỳ mà tình người phát triển thành ngũ luân, với những đức tính cao thượng của nhân nghĩa liêm sỉ làm nội dung cho mối tình huynh đệ phổ biến. Đó là hậu quả của sự việc đặt tay đúng vào những điểm làm cho con người tiếp tục trên thang nhân linh hóa.

Trái lại nếu bị đặt sai căn bản thì sau khi đã bước vào quy chế người khôn sáng một thời con người lộn trở về với thời dã thú xưa như tranh cướp, ăn thịt lẫn nhau, còn xã hội thì tổ hợp theo lối đoàn lũ hóa, tức ràng buộc bằng bạo tàn với luật pháp khắt khe mà bên trong là sự thiếu tình người làm tiêu tan hoặc công bằng hoặc tự do, hoặc luôn cả hai. Vì thế một mặt con người tiếp tục tiến lên các bước văn minh (hết nông nghiệp thì đến kỹ nghệ rồi công nghệ, và đang lăm le bước lên đợt cuối cùng của con người phong lưu), nhưng mặt khác vẫn duy trì cung cách thú vật là cướp đoạt, tranh mồi, nên văn minh thiếu nội dung người hoặc nói gọn thì văn minh hiện nay là một nền văn minh rừng rú.

Vì thế Văn Lang quốc theo nghĩa rộng có thể gọi được là một phép lạ vì không đâu có được tình người thâm sâu và bền bỉ đến thế. Người ta quen gọi văn minh Hy Lạp là một phép lạ nhưng đó là một phép lạ khác, vì nó chuyên chú vào vật thể, còn Văn Lang thì chú vào nhân tính, chú vào tình người, vào tinh thần tức cái chi vi tế. chính bởi thế mà cho tới nay không được các học giả chú ý.

Thế nhưng tình trạng hiện nay của loài người lại đang nghiêng ngửa vì óc khoa học đã vượt quá xa tình người, nên cung cách tranh mồi kiểu dã thú, cũng như lối tổ hợp kiểu đoàn vật càng ngày càng lan xa đến độ đe dọa an ninh loàin người, thì tinh thần Văn Lang quốc rất đáng được nghiên cứu một cách thâm sâu hơn cũng như rộng hơn. Quyển Sứ Điệp tiếp theo sẽ nhằm đóng góp vào hướng đó. 

Xem tiếp trang 2

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Kinh Hùng Khải Triết
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt

Trang [ 1 ] [ 2 ]