Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889


www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info




Nguồn Gốc Việt Tộc:
"Từ Truyền Thuyết Đến Lịch Sử"

(Phần 1)

Phạm Trần
Anh





LTS: Nguồn Gốc Việt Tộc của Quốc việt Phạm Trần Anh là một quyển sử giá trị. Khoahoc.net sẽ lần lượt trích đăng để cống hiến độc giả xa gần. Qua nhiều dữ kiện tài liệu tham khảo phong phú sẽ cho chúng ta và con cháu chúng ta tìm về gốc tích một dòng giống Việt Nam oai hùng khí khái, tạo vững mạnh trong ta và hun đúc giữ gìn tình đồng bào nghĩa nhân lọai…

Uyên Hạnh
Trang mạng Khoa Học
Trích từ:
www.khoahoc.net


CÂU ĐỐI TRONG ĐỀN HÙNG

 

“THÁC THUỶ KHAI CƠ .. “ Mở lối đắp nền ..

TỨ CỐ SƠN HÀ Bốn hướng non sông ..

QUI BẢN TỊCH về một mối ,

ĐĂNG CAO VỌNG VIỄN Lên cao nhìn rộng ..

QUẦN PHONG LA LIỆT Nghìn trùng sông núi ..

TỰ NHI TÔN”. tựa đàn con.”

 


VĂN HIẾN THIÊN NIÊN QUỐC,

XA THƯ VẠN LÝ ĐỒ ..

HỒNG BÀNG KHAI TỊCH HẬU,

NAM PHỤC NHẤT ĐƯỜNG NGU.


MINH MẠN
G

Ngàn năm văn hiến nước ta ..

Giang sơn Tổ quốc một nhà Việt Nam .

Khởi từ Tiên Tổ Hồng Bàng ,

Thái Bình thịnh trị vẻ vang giống dòng !

PHẠM TRẦN cẩn dịch

 

Chúng ta đều do Tổ Tiên sinh ra, không cứ là trai gái, già trẻ, không cứ là chi tộc nào, dòng họ nào .. Mọi người đều là “ Con Rồng cháu Tiên”, đều từ một bào thai của mẹ Âu nên tất cả từ một họ sinh ra các ngành tức các chi mà thôi ..

Cành cây lớn muôn lá, gốc vốn ở rễ. Nước có nghìn dòng sông, muôn ngọn suối, vốn có gốc từ một ngọn nguồn. Cảnh vật còn như vậy, huống chi là con người chúng ta. Con người sinh ra đời, đời đời nối tiếp về sau, đều do các người đời trước nuôi nấng dìu dắt vậy.

Ngưỡng mộ và tưởng nhớ Tổ Tiên, chúng ta hãy lấy việc siêng năng mà bồi đắp cho gốc rễ, Lấy sự cần kiệm làm răn .. Rồi tu nhân tích đức, giàu lòng thương người hơn là chê bai ghen ghét người ..

Là con cháu thì chúng ta phải nối tiếp truyền thống của Tổ Tiên, chứ lẽ nào con cháu mà lại không suy nghĩ về ý nghĩa thâm trầm cao đẹp nói trên hay sao ?

HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG

(Nói chuyện với các bô lão làng Vân Nội)


LỜI GIỚI THIỆU

ĐẠI VIỆT SỬ LƯỢC là bộ sử đầu tiên của nước ta do một tác giả vô danh đời Trần biên soạn. Bộ sử này bị giặc Minh tịch thu và bản duy nhất còn lưu trữ trong “Tứ khố toàn thư ” của triều Mãn Thanh sau khi đã bị Tiền Hy Tộ sửa đổi toàn bộ nội dung kể cả đặt lại tên là VIỆT SỬ LƯỢC. Năm 1272 sử gia Lê Văn Hưu đời Trần, viết bộ Đại Việt Sử Ký (hiện nay bộ sử này không còn nữa). Đời Lê, Ngô Sĩ Liên dựa vào Đại Việt Sử Ký để viết bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư hoàn thành năm 1479, Lê Quý Đôn viết Đại Việt Thông sử, Ngô Thời Sĩ viết Việt Sử Tiêu án. Đời Nguyễn biên soạn Khâm định Việt sử Thông Giám Cương mục, Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược. Tiếp sau đó, có Phạm Văn Sơn, Đào Duy Anh … cũng đã viết lịch sử nước Việt Nam, từ sơ khai đến cận hiện đại.

Nay Quốc Việt Phạm Trần Anh, một Phật tử trí thức, nối chí các bậc đàn anh đi trước, đã vận dụng trí tuệ và tinh thần bát nhã để viết bộ NGUỒN GỐC VIỆT TỘC, tìm về cội nguồn sử tích họ Hồng Bàng. Kinh Dương Vương truyền ngôi cho Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy công chúa Aâu Cơ sinh ra 100 người con, 50 con theo cha xuống miền ven bể, 50 con theo mẹ Aâu lên định cư ở vùng cao Phong Châu và cùng tôn người con cả lên ngôi lấy hiệu là Hùng Vương thứ nhất của nước Văn Lang, cách nay 4878 năm, đã khơi mở một nền minh triết Việt Tộc. Tác giả dẫn chứng bằng những sử liệu chính xác, một công trình nghiên cứu đúng đắn, tìm về nguồn cội dân tộc, phục hoạt nền văn minh cổ đại của dòng giống Bách Việt, hợp sáng với nguyên lý “ Nhân duyên sinh” của Đại thừa Phật giáo.

NGUỒN GỐC VIỆT TỘC là một tác phẩm giá trị, tôi xin mời bạn hãy tìm vào nội dung để thưởng thức những cái hay đẹp, những khám phá mới lạ mà từ trước những nhà viết sử trong nước chưa ai đề cập tới. Quốc Việt Phạm Trần Anh đã tìm tòi trong các cổ và tân thư về Khảo cổ học, Khảo tiền sử, Nhân chủng học, Dân tôïc học, ngôn ngữ học và nhất là Di Truyền học để hoàn thành tác phẩm biên khảo công phu về nguồn gốc Việt tộc. Tìm về cội nguồn dân tộc cũng chính là tìm về quê cha đất tổ, nơi tổ tiên Việt tộc đã từng dày công vun bón ươm những kỳ hoa, dị thảo, làm vinh hiển cho một nòi giống thông minh vốn tự hào có chiều sâu và bề dày lịch sử của ngót năm nghìn năm “ Văn hiến chi bang ”.

Phật lịch 2543

Cố Hoà Thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN

Nguyên Chánh thư ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN

 

TRẦN TÌNH

Là người Việt Nam, chúng ta tự hào là con RỒNG cháu TIÊN thế nhưng, mỗi khi tìm về nguồn cội dân tộc thì nỗi ray rứt niềm băn khoăn làm nhức nhối tâm can biết bao con dân đất Việt. Ngay từ khi còn cắp sách đến trường, bài học thuộc lòng thuở đầu đời “ Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra …”. Biết bao câu hỏi được đặt ra trong đầu óc ngây thơ trong trắng như núi Thái Sơn ở đâu thì được thầy trả lời ở bên Tàu. Tại sao công cha nghĩa mẹ lại so sánh với núi Thái Sơn ở bên Tàu? Lớn lên học văn chương truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thì lại được giảng thêm là Nguyễn Du phỏng theo cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu. Nhân vật Từ Hải quê ở Việt Đông “ người anh hùng Việt tộc” một thời “ chọc trời khuấy nước” cũng lại ở bên Tàu. Thế rồi ai trong chúng ta mà chẳng một lần ấm ức xen lẫn hoài nghi khi nghe nói về huyền thoại Rồng Tiên, truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc bị một số trí thức “ Tây học” chê là hoang đường huyền hoặc. Chúng ta lại càng hổ thẹn hụt hẫng khi đọc quyển sử “Việt Nam thời khai sinh” của tiến sĩ sử học Nguyễn Phương khẳng định người Việt chúng ta gốc là người Tàu ..!

Thật đáng buồn là các sử gia thời quân chủ phong kiến thì nhất nhất chỉ tin vào chính sử Trung Quốc còn các nguồn gốc sử liệu khác thì chê là ngoại thư không thể tin được. Thậm chí các ông nho sĩ ta thời trước còn tôn thờ Sĩ Nhiếp là sĩ vương trong khi các ông quên hẳn một điều là dù muốn dù không, Sĩ Nhiếp cũng là một tên thái thú sang cai trị dân ta. Chính Sĩ Nhiếp chứ không ai khác đã đem chữ Hán nô dịch đồng hoá dân tộc ta. Dân ta không chịu học chữ Hán, vẫn dùng ngôn ngữ Việt cổ nên Sĩ Nhiếp cấm dân ta viết chữ tượng thanh của Việt tộc.

Trước đây, một số sử gia tuy không cho rằng người Việt ta là gốc Tàu nhưng chịu ảnh hưởng của Tàu trên nhiều phương diện nên cũng tán đồng luận điểm áp đặt của các nhà Nhân chủng cho rằng dân tộc ta thuộc chủng Mongoloid ngành Phương Nam. Ngày nay, các nhà sử học CHXHCNVN viết sử theo nghị quyết của Đảng nên đã không những không dám nói lên sự thật lịch sử mà lại còn nhất tề phụ hoạ với luận điểm cho rằng nước Văn Lang ta chỉ mới hình thành hơn 600 năm TDL cho phù hợp với sử quan bành trướng Đại Hán xa xưa mà hiện nay là Trung Quốc XHCN anh em … Họ phủ nhận cương giới của nhà nước Xích Qui sơ khai của Việt Tộc, chống lại sử quan dân tộc của những người Việt nam chân chính mà họ phê phán là khuynh hướng dân tộc cực đoan hẹp hòi .

Chính vì những ấm ức hổ thẹn đó, chúng tôi mới đủ can đảm viết quyển sách nhỏ này. Bản thân người viết không có tham vọng viết sử mà chỉ muốn nói lên những ý nghĩ của người Việt Nam yêu nước xuyên suốt dòng vận động lịch sử của dân tộc. Quyển sách này ra đời trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, điều kiện sức khoẻ, tài chính và thời gian không cho phép được lãnh hội những cao kiến của các bậc thức giả cũng như tham khảo nguồn sách sử nhiều nên chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mạnh dạn đặt vấn đề, đưa ra những giả thuyết để có cái nhìn tổng quát xuyên suốt toàn bộ quá trình lịch sử dân tộc hầu mong nhận được những cao kiến đồng tình đóng góp hoặc phê bình phản bác của các bậc thức giả, những người Việt Nam yêu nước chân chính để vấn đề nguồn cội dân tộc ngày càng sáng tỏ. Được như vậy, người viết sẽ rất hân hạnh vì đã góp được phần nhỏ nhoi của mình trong công cuộc tìm về nguồn cội dân tộc, chu toàn bổn phận của một con dân đất Việt

Đồng thời người viết cũng xin chân thành cảm ơn bằng hữu và những người có lòng ưu tư về nguồn gốc dân tộc đã giúp đỡ khích lệ cá nhân tôi hoàn thành quyển sách này. Chúng tôi cũng xin trân trọng tác giả những nguồn sử liệu và xin được phép tham khảo ngõ hầu sáng tỏ thêm nguồn cội dân tộc chúng ta. Một số tư liệu ghi chép đã lâu trong điều kiện khó khăn nên không nhớ rõ xuất xứ, xin quý vị thông cảm. Chúng tôi may mắn là người đi sau nên có được điều kiện tham khảo những nguồn sử liệu mới nhất của nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc, Triết gia Kim Định, giáo sư Nguyễn Đoàn Tuân, giáo sư Cung Đình Thanh và Bác sĩ Trần Đại Sĩ nên mạnh dạn đặt vấn đề tìm về cội nguồn dân tộc.

Đứng trên quan điểm dân tộc, chúng tôi chỉ dùng chữ “ Nhà” thân thương cho các triều đại của nước ta như nhà Ngô, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần … còn Hán tộc thì chúng tôi dùng chữ “ Triều ” (đại) như triều Thương, triều Chu, triều Hán … Thứ nữa, lấy năm thứ nhất Dương lịch làm điểm mốc lịch sử cho thật chính xác thay vì từ Công nguyên như vẫn dùng từ trước đến nay. Sau cùng, chúng tôi quan niệm rằng yêu nước tất phải trân trọng tất cả những thăng trầm hưng phế của dòng vận động lịch sử mà biết bao thế hệ đã vun trồng bằng máu và nước mắt để viết lên những trang sử hào hùng hoành tráng. Đồng thời phải học biết về lịch sử để hiểu rõ hơn về nguồn cội dân tộc, hiểu rõ giá trị cao đẹp và ý nghĩa tuyệt vời của huyền thoại Rồng tiên.

Tri ân tiền nhân chưa đủ mà chúng ta phải học tập, noi gương các danh nhân anh hùng khai sáng văn hoá, các anh hùng dân tộc của thời xa xưa thấm đậm trong tâm thức Việt để rồi dân tộc sẽ sản sinh ra những anh hùng của một ngày mai. Chính vì vậy, có thể nói lịch sử là ngọn nguồn của lòng yêu nước, chính lịch sử quá khứ anh hùng của một dân tộc sẽ là tương lai xán lạn huy hoàng của dân tộc đó. Nói theo sử gia thời danh Arnol Toynbee thì “Nếu thiếu những sự thách thức tức là thiếu yêu cầu bức bách đòi hỏi phải biết vận dụng được một cách vượt bậc khả năng xoay chuyển tình thế thì không có điều kiện để một cộng đồng người thể hiện được sức mạnh và sự sáng tạo của mình. Chính sự đáp ứng thích hợp trước những thách thức, sự vận dụng một cách vượt bậc khả năng xoay chuyển tình thế, đã đưa tới những thành tựu văn hoá lớn tạo nên bản lĩnh của các dân tộc và có thể nói lịch sử hình thành một nền văn minh lớn, không bao giờ diễn ra trên một con đường bằng phẳng với những bước đi bình thản...”.

Trên thế giới có lẽ không một dân tộc nào mà chịu đựng thử thách gian nan khốn khó hơn dân tộc Việt. Lịch sử cũng đã chứng minh dân tộc ta đáp ứng được những yêu cầu bức bách, sự thách thức của từng thời đại để Việt Nam là một trong 35 nền văn minh của nhân loại còn tồn tại mãi đến ngày nay. Chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng hãnh tiến hướng về tương lai trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ III. Tuy nhiên chúng ta không thể đứng yên mà trông chờ vào cái gọi là “ định mệnh lịch sử ” mà nên nhớ rằng, Lịch sử hôm nay là chính trị của những ngày qua và chính trị ngày nay sẽ là lịch sử ở ngày mai. Lịch sử là cuộc trưng cầu dân ý mỗi ngày của một dân tộc thế nên chính chúng ta, mỗi ngày đang góp phần lịch sử vào tương lai của dân tộc chúng ta.

Trong ý thức đó chúng tôi xin mời quý vị, chúng ta cùng tìm về cội nguồn Việt tộc, Việt Nam thời lập quốc từ truyền thuyết đến hiện thực lịch sử Việt Nam.

Mùa giỗ tổ Việt Lịch 4878 (DL1999).

PHẠM TRẦN ANH.

 

CHƯƠNG I

DẪN LUẬN

 

Kể từ khi nhân loại có chữ viết thì đã nhận thức rằng việc ghi chép những sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội của một quốc gia là điều cần thiết và sử biên niên đã ra đời. Người ta ghi chép theo thứ tự thời gian, những sự kiện xảy ra trong một triều đại. Lịch sử tự thân là sự thật khách quan và người chép phải tôn trọng sự thật, phải thật sự khách quan trung thực.Thật vậy, sự kiện lịch sử là sự thật tồn tại độc lập bên ngoài ý thức của con người. Polibius, nhà sử học Hy Lạp thế kỷ thứ II TDL đã nhận thấy rằng trong sử học có tính thực dụng (Pragmatikos). Họ quan niệm lịch sử nhằm mục đích thực dụng có nghĩa là phục vụ cho chế độ nên sự thật lịch sử bị chà đạp một cách trắng trợn. Nhận thức lịch sử thường lại chủ quan và người ta chép sử vì những mục đích khác nhau. Sự sùng bái cá nhân lãnh đạo hoặc do yêu cầu đấu tranh tư tưởng, tô hồng chuốt lục, đánh bóng cá nhân và chế độ nên lịch sử đã bị lợi dụng. Sự thật bị bóp méo, xuyên tạc hoặc thổi phồng cho phù hợp với ý đồ của bạo chúa độc tài. Chính vì vậy, lịch sử thành văn ngày nay đã không còn giữ được ý nghĩa trung thực cao đẹp của buổi biên niên ban đầu nữa.

 Cicéron, sử gia nổi tiếng thời La Mã cổ đại đã định nghĩa:“Lịch sử là lịch sử chính yếu của cuộc sống (Historia magistra vitae) gắn liền với ánh sáng của sự thật(lux véritatis)”. Trong tác phẩm De Oratore, Cicéron cho rằng “ Người viết sử phải tôn trọng 2 điều luật: Điều thứ nhất buộc các nhà chép sử không được nói nhiều điều giả mạo. Điều luật thứ hai buộc nhà chép sử phải nói lên tất cả những gì là sự thật nghĩa là ghi rõ sự kiện xảy ra theo thứ tự ngày giờ năm tháng vì chỉ như thế mới đạt yêu cầu trung thực của một sự kiện lịch sưû.”

 Thế nhưng thực tế đã hoàn toàn trái ngược với những gì Cicéron quan niệm. Mỉa mai thay “ Nữ thần Clio” của nền văn minh Hy Lạp biểu tượng cho sử mà ngữ nghĩa của chữ Clio theo ngôn ngữ cổ Hy Lạp lại có nghĩa là ngợi khen, ca tụng. Nói là một chuyện nhưng thực tế lại là chuyện khác vì trong vòng cương tỏa của danh lợi nên Cicéron đã đánh mất lương tri của con người và tính khách quan trung thực, sự vô tư trong sáng của một sử gia chân chính khi ca tụng bạo chúa khét tiếng Néron. Cicéron đã hết lời ca tụng cái thú vui vô nhân đạo của Néron buộc hai người nô lệ phải chém giết lẫn nhau để một người được sống. Thật chua xót khi Cicéron lợi dụng ngôn từ để đặt bút viết một cách trơ trẽn “ vui thú biết bao, giải trí biết bao cho một tinh thần đã được nhân bản hoá, được tinh luyện khi xem một người đi săn người, đánh trúng ngực một trong những kẻ giống ta, một kẻ yếu đuối bị xé xác bởi một con thú mạnh mẽ hơn”. Phải chăng, cái thú tính “mạnh được yếu thua” bất kể luân lý đạo đức đã lấn át tính người nơi “động vật cao cấp” Cicéron ? Chính Sénèque, một sử gia táng tận lương tâm khác, kẻ đã lên tiếng bào chữa bênh vực cho hành động phi nhân giết mẹ đẻ của Néron, cũng phải lên án cảnh tượng dã man của trò vui “giác đấu” vì theo Sénèque thì người đối với người là một vật linh thiêng lại bị đem đi giết để làm trò vui ư?

 Nền văn minh Phương Tây khởi đầu bàn về yếu tính của sự vật chứ không phải khởi đầu từ nhân tính như triết học Đông Phương. Nhân loại sau một thời gian dài sống dưới sự ngự trị của thần quyền mãi tới thời Socrate với chủ nghĩa duy lý đã giải phóng con người ra khỏi sự nô lệ thần quyền. Socrate đã phá bỏ ách thần thoại, đánh đổ quan niệm cổ hủ đã bóp chết tự do tư tưởng của con người. Chủ nghĩa duy lý đạp đổ thần quyền kéo theo sự sụp đổ của cả chế độ Hy Lạp xây dựng trên nền tảng thần thoại để mở đầu cho một thời kỳ mới trong lịch sử. Thế nhưng nhân loại vừa thoát khỏi sự nô dịch của thần quyền lại bước vào thời kỳ độc tài duy lý ngự trị khống chế tư tưởng nhân loại suốt 25 thế kỷ. Saint Paul đã gọi nền triết học La-Hy là hoàn toàn thế tục vì nó tự giam mình trong phạm trù hạn hẹp của lý trí nên dẫn người ta đến tư tưởng độc hữu. Tình trạng thái quá của ý niệm chiếm hữu dẫn tới độc tôn, độc tài duy lý với mọi biến thái của nó, không bao giờ siêu vượt lên hiện tượng để thấy rõ bản chất của sự vật. Một sự thật phũ phàng là nhân loại càng văn minh bao nhiêu thì những quan niệm về sử lại đối kháng bấy nhiêu. Lịch sử càng xa rời sự thật nên Agustin Thière đến thế kỷ XIX mới bứt thoát khỏi vòng vây của duy lý để nhận ra một chân lý đó là: “ Lịch sử thật chỉ tìm thấy trong các giai thoại truyền kỳ, đó là sử dân gian truyền tụng sống động. Có thể nói rẳng ¾ nó thật hơn những cái mà chúng ta gọi là lịch sử”. Thật vậy, truyền thuyết không hẳn là sự thật lịch sử nhưng những nhân vật, những chứa đựng trong truyền thuyết là sản phẩm đúc kết biết bao suy tư của một thời đại tạo dựng độc sáng nhưng nó còn chờ người đời sau diễn đạt bằng ngôn từ minh nhiên lý giải nên JUNG, triết gia thời đại của chúng ta đã nhận định: “ Truyền thuyết, thần thoại với những ẩn tàng hàm chứa một ý nghĩa đặc trưng của mỗi nền văn hoá riêng biệt với bản sắc độc đáo đặc thù của nền văn minh mỗi dân tộc”.

 Vào thời quân chủ phong kiến người ta viết sử để ca tụng vua chúa, bạo quyền thì đến thời đại văn minh, nền văn minh duy lý với cái gọi là yêu cầu tự do tư tưởng và do ý thức đấu tranh tư tưởng nên có hai quan niệm sử đối chọi nhau. Thật vậy, sử quan duy tâm với quan niệm thần bí cho rằng mỗi dân tộc có một định mệnh riêng do Thượng Đế ban phát. Quan niệm này phủ nhận tính khách quan của lịch sử và sự quyết định của ý chí con người. Alfred de Vigny còn chủ trương thuyết chủng tộc ưu việt, thuyết này cho rằng dân tộc Đức là dân tộc ưu việt được Thượng Đế chọn lựa (les élus de Dieu). Thomas Carlyle, nhà văn lớn của nước Anh cũng đề xướng quan niệm anh hùng tạo thời thế “ Thế giới chính là sản phẩm của vĩ nhân. Lịch sử thế giới chỉ là tiểu sử của các danh nhân”. Trong khi đó, Nietzche ca tụng xiển dương chủng tộc Arian của Đức là ưu việt và siêu nhân của tầng lớp đặc tuyển như nhà xã hội học Áo Wieser quan niệm. Wieser cầu khẩn một lớp người siêu việt ra đời để thống trị nhân loại. Chính từ quan niệm cực đoan thiển cận trên đã dẫn tới sự hình thành của chế độ độc tài phát xít Hitler mà hậu quả gây ra một tội ác ghê tởm trong lịch sử loài người. Hơn 20 triệu người thiệt mạng trong thế chiến thứ hai, hàng triệu người Do Thái đã bị đưa vào trại tập trung lên lò thiêu người sống. Đó là vết nhơ trong lịch sử nhân loại và để lại những ray rứt lương tâm không những cho dân tộc Đức mà còn của cả nhân loại nữa.

 Thuyết tiền định thần bí lịch sử của Puskin về sau được Thomas cải biên gọi là thuyết Néo-Thomas giải thích những sự kiện lịch sử bởi một ý chí tuyệt đối ngoài sự tiên liệu, chủ động của con người. Néo-Thomas cho rằng lịch sử hướng tới mục đích nào đó được nhận thức thông qua lòng tin cuồng tín và sự mặc khải mà chỉ có Thượng Đế toàn năng mới quyết định số phận của mỗi cá nhân và cả vận mệnh lịch sử của một dân tộc. Théodore Lessing lại cho rằng lịch sử là sự vận động vô nghĩa và không mục đích của những lực lượng dị chất, là sự hỗn loạn của dòng thác các biến cố không thể điều khiển được.

 Không phải đợi tới Karl Marx thế kỷ thứ XVIII mới đưa ra Duy vật sử quan mà ngay từ thời Xuân Thu chiến quốc, Hàn Phi Tử một triết gia nổi tiếng đã cho rằng Lịch sử xã hội loài người luôn luôn thay đổi. Không một chế độ nào tồn tại mãi cả nên nhà cầm quyền phải biết căn cứ vào những nhu cầu khách quan đương thời kết hợp với xu thế của thời đại mà đề ra những chính sách, đường lối mới để xây dựng một chế độ mới phù hợp với lòng người. Hàn Phi Tử nổi tiếng là nhà vô thần luận khi cho rằng chính dân số và yêu cầu xã hội nhiều ít là nguyên nhân căn bản quyết định biến động của lịch sử .

 Quan niệm duy tâm lịch sử có ảnh hưởng trong nhận thức của dân gian nhưng không thoả đáp được yêu cầu tri thức của thời đại, Thật vậy, Puskin nhận định Hoàng Đế Napoléon là người được thiên định chấp hành những định mệnh bí ẩn của lịch sử, trong khi chính Napoléon lại phủ nhận cái mà người ta gọi ông là thiên tài, là định mệnh thần bí gắn cho ông. Napoléon cho rằng thiên tài chính là kết quả của công trình học tập nghiên cứu được chuẩn bị sẵn sàng để lúc hữu sự nắm thời cơ, chủ động đối phó giải quyết một cách tài tình hữu hiệu mà thôi. Mãi đến thế kỷ XIX, quan niệm duy vật lịch sử ra đời phản bác những quan niệm siêu hình thần bí trên. Karl Marx cho rằng sự kiện lịch sử là hệ quả tất yếu của những quan hệ nhân quả và các sự kiện lịch sử tác động nhau một cách biện chứng. Sử quan duy vật biện chứng trên cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội quyết định thượng tầng kiến trúc chính trị. Duy vật sử quan phủ nhận tính thường hằng bất biến của định mệnh lịch sử, thế nhưng vẫn không thể lý giải được những quy luật thăng trầm đầy bí ẩn của lịch sử. Mặt khác lại rơi vào tệ sùng bái cá nhân, thần thánh hoá, vĩ đại hoá cá nhân và tô hồng chế độ nên lịch sử ngày càng sai lạc, xa rời sự thật. Duy vật sử quan Karl Marx đúng cho các hiện tượng phổ quát nhưng sự thật hết sức éo le, phũ phàng khi nó lại rơi đúng vào những gì mà Karl Marx hằng ấp ủ hoài bão: sự xụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa! Karl Marx nói: “Lịch sử tác động lẫn nhau một cách biện chứng, nó không làm một cái gì nửa vời cả một khi muốn đưa hình thái xã hội già cỗi đến huyệt mộ thì lịch sử sẽ là tấn bi hài kịch của chính nó. Tại sao lịch sử lại diễn ra theo tiến trình ấy? Đó chính là để cho nhân loại rời bỏ được cái quá khứ ấy một cách vui vẻ vậy!”.

 (Trích Đọan- Lần thứ nhất)

UYÊN HẠNH phụ trách phần tuyển đọan trích đăng

Thật vậy, cuối năm 1988, cuộc khủng hoảng bắt đầu nổ ra ở Ba Lan, sau đó lan sang Hungari, Tiệp Khắc, Cộng Hòa Dân chủ Đức, Rumani, Bungari, Nam Tư, Anbani như một dòng thác cách mạng. Đảng Cộng sản và nhà nước các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông âu lần lượt buộc phải chấp nhận xóa bỏ độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản, thực hiện chế độ đa nguyên và tiến hành tổng tuyển cử tự do. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản ở các nước Đông âu đã dẫn tới những biến đổi lịch sử : Ba Lan, Hungari, Tiệp Khắc quay trở lại theo con đường Tư bản chủ nghĩa. Cộng Hòa Dân chủ Đức sát nhập vào Cộng Hòa Liên bang Đức. Trong khi đó, ngày 21-8 đảng Cộng sản Liên xô bị đình chỉ hoạt động trong toàn liên bang, chính phủ Xô viết bị giải thể. Mười một nước cộng hòa tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Liên bang Xô Viết. Một làn sóng chống đảng Cộng sản và chống Xã hội chủ nghĩa dâng khắp mọi nơi. Ngày 21-12-1991 chính thức thành lập các quốc gia độc lập SNG buộc Tổng thống Liên Xô M Gorbachev phải từ chức và cùng ngày đó, ngày 25-12-1991 lá cờ đỏ búa liềm trên nóc điện Cẩm Linh (Kremlin) sau 74 năm bị hạ xuống. Đây là một thất bại nặng nề của chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới, dẫn đến hệ thống thế giới của chủ nghĩa Cộng sản trên thực tế không còn tồn tại nữa.(1) Thật vậy, nếu K Marx còn sống dưới thời Lenin, Stalin thì hẳn là K Marx đã chết trong các trại cải tạo ngút ngàn ở Sibérie rồi và ông ta cũng không thấy được nhân loại vui mừng thế nào khi vứt bỏ chủ nghĩa CS vào giỏ rác lịch sử: Liên Xô và các nước Đông Aâu xụp đổ vào cuối thế kỷ XX..!

Ngày nay, với sự tiến bộ của nhân loại, quan niệm lịch sử thần bí không có tính thuyết phục và phản khoa học, đi ngược lại thực tế sinh động đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Mặt khác, nếu cho rằng lịch sử do ý thức của một người, một lớp người, với điều kiện hoàn cảnh xã hội tác động một cách biện chứng có thể đúng với từng sự kiện, từng thời kỳ lịch sử nhưng lại không lý giải được toàn bộ tiến trình của lịch sử. Thực tế, lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng, trong suốt tiến trình lịch sử của một dân tộc, tuy có những thời kỳ rời rạc thậm chí ngắt quãng nhưng thực ra dòng lịch sử vẫn vận động tiến triển theo một chiều hướng riêng biệt mà người ta thường gọi là định mệnh của một dân tộc. Hướng đi lịch sử như một sợi dây vô hình xuyên suốt tiến trình lịch sử một dân tộc, gắn liền các sự kiện, các biến cố lịch sử theo một chu kỳ vận động từ suy vong cùng cực tới tột đỉnh vinh quang rồi lại từ trên đỉnh cao hưng thịnh, xã hội tự nó nảy sinh những mâu thuẫn nội tại phá vỡ thế ổn định để rồi trở lại thời kỳ suy vong theo quy luật muôn đời thường hằng bất biến của chu kỳ Âm dương biến dịch.

Lịch sử nhân loại chứng kiến biết bao hưng phế, thăng trầm của các dân tộc với những đỉnh cao vinh quang của nền văn minh rực rỡ để rồi lại tàn lụi theo thời gian kéo theo sự suy vong của cả một dân tộc. Tiến trình hưng vong của một dân tộc tùy thuộc vào tư tưởng chủ đạo, bản sắc văn hoá tạo thành sức sống của dân tộc đó. Chính bản sắc văn hoá dân tộc thể hiện dân tộc tính với những tư tưởng chủ đạo nhân ái hoà bình mang tính truyền thống xuyên suốt toàn bộ dòng vận động lịch sử đã tập đại thành nền văn minh đạo đức Việt tồn tại mãi với thời gian. Ngược lại, những tư tưởng phi nhân từ quân chủ phong kiến chuyên chế, đến thực dân, đến độc tài phát xít, đế quốc rồi siêu đế quốc nhằm nô dịch con người, tước đoạt quyền sống căn bản tối thiểu của một con người, dù che đậy dưới những danh từ hoa mỹ như lý tưởng khai hoá giải phóng, xây dựng xã hội công bằng văn minh này, thiên đường Xã Hội chủ nghĩa nọ sớm muộn cũng sẽ cáo chung. Bài học lịch sử đã cho thấy một chế độ độc tài dù thống trị kềm kẹp dân chúng đến đâu cũng sẽ tiêu vong bởi chính ý chí của nhân dân một khi họ đã ý thức được thế nào là dân chủ chính thống, dân chủ tự do thực sự, thế nào là dân chủ giả hiệu, lừa bịp mị dân…

Nhà sử học lừng danh Arnold Toynbee trong tác phẩm nổi tiếng“ Nghiên cứu lịch sử” (A study of history) đã nhận định:“Nếu thiếu những sự thử thách tức là thiếu những yêu cầu cấp thiết bức bách đòi hỏi phải biết vận dụng một cách vượt bực khả năng xoay chuyển tình thế thì không có điều kiện để một cộng đồng người thể hiện được hết sức mạnh và sự sáng tạo của họ. Chính những sự đáp ứng thích hợp trước những sự thử thách, sự vận dụng một cách vượt bậc khả năng xoay chuyển tình thế đã đưa tới những thành tựu văn hoá lớn, đã tạo nên bản lĩnh của các dân tộc và có thể nói rằng lịch sử hình thành một nền văn minh lớn không bao giờ diễn ra trên một con đường bằng phẳng với những bước đi bình thản. Lịch sử luôn luôn tiến lên phía trước dù cho có sự lập lại trong hiện tại với những dạng thức nào đó, của những hiện tượng nào đó trong quá khứ thì lịch sử nói chung không bao giờ lập lại ”.

Vấn đề của thời đại chúng ta là phải phục hồi tính khách quan trung thực của sự thực lịch sử. Lịch sử đúng nghĩa không phải là để ca tụng, thần thoại hoá kẻ cầm quyền. Lịch sử cũng không phải để ghi chép những yêu cầu chính trị giai đoạn mà lịch sử phải trung thực khách quan để hậu thế quyền phán xét cuối cùng. Chúng ta không thể chấp nhận những chiêu bài giả nhân giả nghĩa là “ Khai hoá giải phóng các dân tộc nhược tiểu” nhưng thực chất là để tuyên truyền biện minh cho chủ nghĩa thực dân, đế quốc, siêu đế quốc Cộng sản để nô dịch văn hoá, xoá bỏ dân tộc, tước đoạt quyền sống căn bản của con người và thân phận con người nô lệ trở lại thời Trung cổ!

Chính vì thế, chúng ta không thể chấp nhận một loại sử quan chính trị luôn luôn tô hồng chế độ, thần thánh hoá lãnh tụ vĩ đại như một Stalin, một Mao Chủ tịch (2) một Hồ chí Minh như một siêu nhân có những phẩm chất siêu thực như một vị thần thánh. Siêu nhân này cái gì cũng biết, cái gì cũng thấy, lãnh tụ suy nghĩ thay cho mọi người, cái gì cũng làm được và không bao giờ phạm sai lầm. Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Liên xô Ng. Kroutchev báo cáo trước Đại hội 20 Đảng CS Liên Xô rằng:“ Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại toàn bộ sách giáo khoa lịch sử xã hội Liên xô, các sách về lịch sử nội chiến và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thời Stalin với toàn bộ tính khách quan khoa học”. Chính vì ý đồ xấu của chính trị, lịch sử đã bị lợi dụng cho mục đích phục vụ cá nhân lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu chính trị nên không phản ánh trung thực sự kiện thực tế nên đã đánh mất niềm tin của quần chúng. “Lịch sử sẽ chẳng còn là lịch sử nữa khi người ta viết sử theo nghị quyết, theo khuôn mẫu đúc sẵn một chiều” như giáo sư Phan Huy Lê Viện trưởng Viện Sử học của nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã phải lên tiếng và chính sử gia Đào Duy Anh cũng đã phải chua chát thốt lên rằng:“ Có biết tôi cũng chỉ ở lịch sử dân tộc mà có buộc tội tôi cũng chỉ ở lịch sử dân tộc ..!”. (2bis)

Sử học thời đại mới bước sang thiên niên kỷ thứ III phải đạt tới mẫu mực soi rọi ánh sáng của sự thật và phê phán con người, chế độ. Phục hồi khách quan tính, bằng cách sắp xếp cấu trúc lại sự kiện một cách hợp lý để khôi phục tính trung thực của lịch sử trong toàn thể dòng vận động lịch sử. Sử học ngày nay đã phục hồi giá trị chân lý của lịch sử. Sử gia chân chính phải tôn trọng sự thật lịch sử với tính khách quan trung thực cho dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tôn trọng sự thật, phục hồi chân lý khách quan lịch sử của thời quá khứ, phê phán các sự kiện, các biến cố lịch sử một cách khách quan để vượt lên trên biên kiến hẹp hòi của dân tộc, tôn giáo, ý hệ. Sử gia chân chính phải tìm hiểu cặn kẽ các sự kiện lịch sử của quá khứ, sắp xếp lại theo quá trình biện chứng một cách thống quán xuyên suốt toàn bộ dòng vận động lịch sử của mỗi dân tộc nói riêng và cả nhân loại nói chung.

Will Durant với công trình vĩ đại: “Lịch sử văn minh nhân loại” đã viết: “ Viết sử mà có đầu óc hẹp hòi, theo truyền thống cũ bắt đầu bằng sử Hy Lạp, chỉ chép vài hàng về sử Châu Á thì là thiển cận, thiếu hiểu biết, hậu quả có thể tai hại. Tương lai ở phía Thái Bình Dương và chúng ta phải hướng cặp mắt và trí óc về phía đó”. Thật vậy, người ta thường nói: “Trung Hoa là thiên đường của các sử gia. Trong mấy ngàn năm đất nước này đã có những viên Thái sử ghi chép tất cả những điều xảy ra và nhiều điều khác nữa”. Burton Walson cho rằng “ Không có dân tộc nào ham viết sử và ham đọc sử như dân tộc Trung Hoa. Đời Chu cách đây 3000 năm họ đã đặt ra chức sử quan chép lại những Điển, Mô, Huấn, Cáo của vua tôi thời Nghiêu (2357-2256 TDL), vua Thuấn (2255-2206 TDL), nghĩa là chép lại những sự việc quan trọng hàng ngàn năm trước. Nhờ vậy ngày nay chúng ta hiểu về thời cổ đại hơn là cổ sử La Hy của phương Tây”.

Lịch sử một dân tộc là quyển “Quốc phả” truyền lưu từ đời này sang đời khác những sự kiện, những biến cố thăng trầm suy vong của dân tộc nên sử gia, người chép sử giữ một vai trò quan trọng không những ở hiện tại mà còn cả ở tương lai do hậu thế phán xét. Sử gia phải là những người thông kim bác cổ, có kiến thức của một nhà bác học và văn chương như một nhà văn mà còn luận cổ suy kim như một triết gia nữa. Tuy nhiên, hậu thế nhận định các sử gia không chỉ ở tài năng mà quan trọng hơn là đức tính dám viết sự thật, không khuất phục quyền uy bạo lực để bẻ cong ngòi bút của mình. Ngày nay hậu thế cũng không ngớt lời ca tụng bốn anh em Thái sử nước Tề đời chiến quốc đã “ uy vũ bất năng khuất” không sợ bạo chúa, cường quyền hy sinh tính mạng của mình để viết lên sự thật:“Thôi Trữ giết vua”. Truyện kể vào thời Chiến Quốc vua Tề gian dâm với nàng Thị Khương là vợ của Tể tướng Thôi Trữ, nên bị Thôi Trữ giết. Quan Thái Sử Bá ghi: “Vua Tề gian dâm với Thị Khương nên bị Thôi Trữ giết Vua cướp ngôi”. Thôi Trữ bắt Thái Sử Bá sửa lại nhưng Bá vẫn giữ nguyên nên bị chém đầu. Người em thứ hai Thái Sử Trọng lên thay cũng viết y như anh nên bị Thôi Trữ chém, người em thứ ba là Thái Sử Thúc lên thay anh vẫn giữ nguyên sự thật như hai người anh nên cũng bị Thôi Trữ chém chết. Người em thứ tư Thái Sử Quý lên thay chức vẫn hiên ngang chấp nhận cái chết chứ không bẻ cong ngòi bút, viết sai sự thật. Sự ngay thẳng, khí tiết của bốn anh em Thái Sử nước Tề khiến Thôi Trữ hồi tâm tha chết và để cho Thái Sử Quý viết hết sự thật vì sự thật là sự thật, sớm muộn gì cũng bị phanh phui .. nguyền rủa. Truyện kể bạn của Quý là Nam Sử Thị ở nước láng giềng cũng qua chấp nhận cái chết để nói lên sự thật vì nghĩ thế nào Quý cũng bị giết không còn ai can đảm nói lên sự thật. Điều này chứng tỏ sức mạnh của quần chúng nhân dân: “ Đại nghĩa thắng hung tàn”, dù độc tài bạo ngược đến đâu thì sớm muộn gì cũng sụp đổ tiêu vong.

Khổng Tử là sử gia đầu tiên ở Trung Hoa, ông đã có công san định Kinh Thư và soạn bộ Xuân Thu là bộ biên niên ghi chép chuyện nước Lỗ từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công ( từ 722 đến 491 TDL). Trong Kinh Xuân Thu chép lại chính sự triều Chu và các nước chư hầu. Giá trị của kinh Xuân Thu ở chỗ: “Ngụ bạo biếm, biệt thiện ác” tức khen chê việc làm của vua chúa để phân biệt đúng sai, thiện ác. Kinh Xuân Thu là loại kinh điển hàm chứa triết lý chính trị:“Chính danh định phận”. Vua phải ra vua, tôi phải ra tôi. Mỗi người phải hành xử đúng đắn với danh phận của mình thì danh phận mới đúng đắn. Chính Khổng Tử đã ca ngợi:“Sở Ngư là sử gia trung thực ngay thẳng”(trực tai sở ngư). Sau Khổng Tử, bộ “Sử ký” của Tư Mã Thiên được Lỗ Tấn ca ngợi là:“Tuyệt xướng của sử gia” là “Ly tao không vần”(3). Ban Cố trong bài Tư Mã Thiên truyện tán cũng viết: “ Văn của ông thẳng suốt, việc của ông ghi chép chắc chắn, không tô điểm cho đẹp, không giấu cái xấu cho nên có thể coi là “ thực lục” nghĩa là chép đúng sự thực”. Bộ sử ký viết dưới thời Hán mà Tư Mã Thiên vẫn phê phán ngay cả Hán Cao Tổ với những thói xấu như ham mê tửu sắc, bài bạc, ghen ghét các công thần. Ngay như Lữ Hậu, vợ Hán Cao Tổ thì ông chép lại hành vi ghen tuông ghê tởm của bà ta đối với một ái phi của Lưu Bang là Thích phu nhân. Khi Cao Tổ chết, Lữ Hậu cho khoét mắt, chặt cụt chân tay rồi nhốt vào cầu tiêu gọi là “heo người” (nhân trệ) khiến Huệ Đế trông thấy ghê sợ một năm mới hết.

Trong lời mở đầu cho tác phẩm “Việt Nam Thông sử”, nhà bác học Lê Quí Đôn viết: “Những đức hạnh tốt và những lời nói hay, những mưu sâu và kế lớn của các bậc vua Thánh, tôi hiền đã có công gây dựng cơ đồ, nếu cứ để lu mờ hoặc bị che lấp, khiến cho không thể nào nổi bật lên, thì nhất định là gian ngoan và tham quan ô lại sẽ nhờ đó mà được giấu mặt, đáng trách lắm thay !”. Chính vì vậy Lê Quí Đôn đã nhấn mạnh đến việc tôn trọng sự thật như một tôn chỉ của người chép sử “ Việc soạn sử phải lấy việc dùng người làm trọng. Người có văn học nhưng không biết cách chép sử thì không thể cho dự vào sử quán. Người có văn học biết cách chép sử nhưng bụng dạ bất chính cũng không được dự..”. Vấn đề cốt lõi là lương tâm của người chép sử. Người viết sử phải tôn trọng sự thật, chân lý khách quan của lịch sử, đồng thời phải nắm vững phương pháp sử học, tuân thủ trình tự là trước hết phải biết chọn lựa rồi căn cứ vào nguồn sử liệu trung thực để từ cơ sở đó khôi phục lại sự kiện lịch sử, giải thích và đánh giá những sự kiện lịch sử một cách hết sức khách quan trung thực. Người viết sử phải nghiên cứu mỗi sự kiện lịch sử trong tiến trình xuyên suốt toàn bộ lịch sử một dân tộc. Mỗi sự kiện và toàn bộ dòng vận động lịch sử thường chịu ảnh hưởng của những điều kiện chủ quan và khách quan tác động theo nguyên lý tương tác nhân quả để tạo thành những biến chuyển lịch sử.

Bên cạnh nền văn minh Trung Hoa là nền văn minh Lưỡng Hà của Phương Đông, Bộ thế giới sử của Abl-Er Rahmanibn Khaldoun người Ả Rập tiêu biểu cho nền văn minh Lưỡng Hà. Tác phẩm đồ sộ nổi tiếng này phải mất 50 năm mới hoàn thành với giá trị độc đáo đến nổi sử gia nổi tiếng Toynbee phải lên tiếng ca ngợi là “ tác phẩm lớn nhất trong loại đó ở bất kỳ thời đại nào và trong bất cứ dân tộc nào”.

Trên đây chúng ta vừa phân tách sử quan phương Tây và quan niệm sử của phương Đông cũng như nhận xét về nhân cách của sử gia qua các thời đại để có một nhận thức đúng đắn về lịch sự hiện đại. Sử quan thời hiện đại với tinh thần duy lý của triết học phương Tây đã dẫn đến hai quan niệm sử đối kháng: Duy tâm và Duy vật. Sử quan của hai hệ thống ý thức, hai hệ tư tưởng đấu tranh quyết liệt đưa nhân loại vào thế đối đầu một thời tưởng như không lối thoát có thể tiêu diệt cả nhân loại. Trong quá khứ, nhân loại cũng đã khốn khổ chứng kiến cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài hàng thế kỷ, giết chết biết bao sinh mạng con người một cách phi lý. Thế rồi, nhân loại cũng đã vượt thoát thời kỳ tối tăm xuẩn động đó để tìm ra một triết lý làm phong phú cho đời sống tâm linh sâu thẳm của con người. Đến nay, cái gọi là “thời chiến tranh lạnh” giữa hai siêu cường đứng đầu hai hệ thống ý thức xem như đã chấm dứt với sự sụp đổ của Liên Xô và sự xét lại tự điều chỉnh của chủ nghĩa Tư bản. Từ một thế giới đối đầu, lưỡng cực về chính trị và quân sự chuyển sang một thế giới đa cực, đa nguyên về tư tưởng và chính trị, thể hiện tính tất yếu tự do tư tưởng của con người trước thiên niên kỷ thứ III. Thế nhưng, nhân loại lại quay trở lại quan niệm cực đoan về dân tộc và tôn giáo, người ta dễ bị kích động để sẵn sàng hi sinh mạng sống để vừa là “anh hùng dân tộc” vừa là “Thánh tử đạo”. Quan niệm cực đoan này dẫn đến những cuộc chiến tranh mang màu sắc chủng tộc và tôn giáo đang đe doạ sự tồn vong của cả nhân loại.

NGUỒN GỐC VIỆT TỘC Đọan 2

UYÊN HẠNH phụ trách phần tuyển đọan trích đăng

Nguồn: www.khoahoc.net









Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Nguồn Gốc Việt Tộc
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc, thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống văn hiến hầu phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt