Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net



Truyện Sử
Vũ Thanh Thư

(Tiếp Theo)


Mục Lục

    Lời Nói Đầu

  * Lời Mở Đầu Về Thời Đại Tự Chủ

  * Nhà Ngô

  * Nhà Đinh

  * Nhà Tiền Lê

  * Nhà Hậu Lý

  * Lý Thái Tổ

  * Lý Thái Tông

  * Lý Thánh Tông

  * Lý Nhân Tông

  * Lý Thần Tông

   * Lý Anh Tông

   * Lý Cao Tông

   * Lý Huệ Tông

   * Lý Chiêu Hoàng

   * Nhà Trần

   * Trần Thái Tông

   * Giặc Nguyên

   * Kháng Nguyên Lần I

   * Trần Thánh Tông

   * Trần Nhân Tông

   * Kháng Nguyên Lần II

   * Kháng Nguyên Lần III

    * Trần Anh Tông

    * Trần Minh Tông

    * Trần Hiến Tông

    * Trần Dụ Tông

    * Trần Nghệ Tông

    * Trần Duệ Tông

    * Trần Phế Đế

    * Trần Thuận Tông

    * Chú Thích



Trần Anh Tông (1293-1314)

 *Thời thịnh trị.

 

          Ngày xuân nhớ Võ-Lâm chùa cũ,

          Nhân Tông thăm Yên-Tử núi xưa;

          Vui hồi chuông sớm mõ trưa

2100. Xe loan đổi cỗ đại thừa độ duyên (209).

 

          Vua truyền Thái-tử Thuyên nối nghiệp,

          Về Thiên-Trường trông việc quốc gia.

          Anh Tông hiếu hạnh, khoan hoà

2104. Tuy bề phóng túng, hào hoa khác người.

 

          Một hôm trót vui chơi quá chén,

          Thượng hoàng về ngự đến triều đường;

          Kịp khi tỉnh giấc quỳnh tương

2108. Bá quan về hội Thiên-Trường đã lâu.

 

          Vua cả sợ vó câu vội vã,

          Ngoài hoàng cung gặp gã tú tài,

          Nhìn ra cũng khách vãng lai

2112. Họ Ðoàn, chữ gọi Nhữ-Hài quen tên.

 

          Vua nắm áo kéo lên rong ruổi,

          Mượn viết bài tạ tội biểu văn;

          Ngày đêm nào dám dừng chân

2116. Thiên-Trường kịp hội quần thần may ra.

 

          Nghề nghiên bút tài hoa kẻ sĩ,

          Thượng hoàng toan nghiêm trị Anh Tông,

          Biểu văn xem lại khoan hồng,

2120. Vua thôi, từ đấy sạch không rượu chè (210).

 

          Việc quốc trị, gia tề cũng giỏi,

          Phép nước nghiêm khắp cõi bình yên,

          Ðống lương nhiều bậc tôi hiền

2124. Ðĩnh-Chi, Trung-Ngạn ... danh truyền sử xanh (211).

 

          Lại kể những tinh anh thuở trước,

          Nay mái đầu đã bạc gió sương,

          Trước là danh tướng Chương-Dương (212),

2128. Sau là Hưng-Ðạo Ðại-Vương lánh trần (213).

 

          Ðất nước phải mấy lần giặc giã,

          Quân Lào sang quấy phá Nghệ, Thanh

          Vua từng mấy trận thân chinh

2132. Sau Phạm Ngũ Lão xuất binh tiễu trừ.

 

* Mối duyên Chiêm-Việt:

 Việc gả Huyền-Trân công chúa.

 

          Năm Tân-Sửu (dl.1301) vân du Chiêm quốc,

          Vua Nhân Tông dạo bước Ðồ-Bàn,

          Gặp người quân trưởng Chế Mân,

2136. Thượng hoàng hứa gả Huyền-Trân cho chàng.

 

          Mây ngàn dậm thêu trang tình sử,

          Khói biên thuỳ dệt chữ thuỷ chung,

          Thuyền quyên sánh khách anh hùng

2140. Ngàn năm cây quế giữa rừng còn reo! (214)

 

          Sứ Chiêm đến Trần triều nạp lễ,

          Lại dâng thêm Ô, Lý hai châu.

          Bẽ bàng thay cuộc nông sâu,

2144. Kẻ trông ngàn dặm, người đau tấc lòng. (215)

 

          Năm Bính Ngọ (dl.1306) Thăng-Long cử sứ

          Ðưa Huyền-Trân công chúa lên đường;

          Hai châu Ô, Lý biên cương

2148. Ðổi thành Thuận, Hoá rộng phương nam thuỳ.

 

          Ðoàn Nhữ Hài vừa khi trấn nhậm,

          Việc trị bình còn lắm đa đoan,

          Bỗng thì tin dữ bay sang

2152. Người kia mà khách đông sàng (216) còn đâu.

 

          Tục hoả táng thay câu hương lửa,

          Các hậu, phi, ngự nữ đốt theo;

          Thương thay một đoá thuỵ kiều

2156. Chưa say chén ngọc đã thiêu gan vàng!

 

          Vua Anh Tông bàng hoàng thương sót

          Sai Khắc-Chung lập chước tháo thân;

          Ngựa hồng vượt lối Hải-Vân

2160. Viếng tang mà đón Huyền-Trân trở về.

 

          Duyên kia đã lỗi bề tơ tóc,

          Ðất nọ thì ngang dọc còn đâu;

          Dân Hời ngơ ngẩn nhìn nhau,

2164. Quân Chiêm tức giận hai châu tràn vào.

 

          Binh Ðại-Việt gươm đao tiến xuống,

          Anh Tông cùng chư tướng điều quân,

          Trần Khánh-Dư với Quốc-Chân

2168. Vượt châu Ô, Lý đã gần Chiêm kinh.

 

          Bắt Chế Chí, an bình Chiêm quốc

          Cử A-Bà trị nước thay anh;

          Hùm kia thất thế cũng đành

2172. Nam sơn gởi lại, Bắc thành lưu vong! (217)


Trần Minh Tông (1314 - 1329)

*Nhà Trần suy thoái, ngừng tiến hoá, hại trung thần.

 

          Năm Mậu-Thân (DL.1308) Nhân Tông viên tịch,

          Yên-Tử sơn tịch mịch bóng dương;

          Sáu năm nước thịnh dân cường

2176. Anh Tông về phủ Thiên Trường nghỉ ngơi.

 

          Thái tử Mạnh lên ngôi nối nghiệp

          Mười lăm năm lo việc quốc gia,

          Dân còn yên cuộc thái hoà,

2180. Tiếc thay hùng khí Ðông-A nào còn.

 

          Cuộc phát triển cạn nguồn tiến hoá

          Tuy triều đình dòng dã canh tân,

          Nếp nhà bỏ tục văn thân,

2184. Sửa sang luật lệ, giản phần kiện thưa.

 

          Riêng Chiêm quốc vẫn chưa nguôi hận,

          Lại tràn sang xâm lấn biên thuỳ;

          Việt quân theo ngọn tướng kỳ

2188. Quốc-Chân, Ngũ-Lão trùng vi đánh vào.

 

          Vua Chiêm bại, bôn lưu trốn chạy,

          Chờ thời cơ lại dấy đao binh.

          Quốc-Chân rong ruổi về kinh,

2192. Nào ngờ họa đã bên mình đâu xa.

 

          Nguyên lão tướng, sinh ra hoàng hậu,

          Vốn hai triều phên dậu quốc gia;

          Thói đời ghét buộc, ưa tha,

2196. Càng cao danh vọng, càng già tị ganh.

 

          Bởi hoàng hậu chậm sanh nam tử

          Phe Khắc-Chung tiến cử hoàng nhi

          Vốn là con của thứ phi (218)

2200. Lên ngôi thái-tử nối bề hậu lai.

 

          Chờ hoàng hậu hoài thai, viện lẽ,

          Phe Quốc-Chân xin để ít lâu.

          Khắc-Chung đã rắp mưu sâu,

2204. Trăm vàng mua chuộc kẻ hầu cáo gian.

 

          Trần Nhạc tố chủ nhân phản nghịch

          Âm mưu đưa thân thích vào cung;

          Minh Tông lòng những hãi hùng

2208. Ngẫm câu thả hổ về rừng mà ghê!

 

          Chùa Tư-Phúc bốn bề kiên cố,

          Cửa từ bi lấp ngõ thân riêng,

          Chập chờn khói ám hương nghiêng,

2212. Mõ chuông rộn tiếng xích xiềng lạnh khua!

 

          Ðau đớn cảnh cha từ oan khuất,

          Hoàng hậu thăm ngục thất cửa Không,

          Áo bào giấu vạt nước trong,

2216. Thảm thay lão tướng uống xong lìa đời!

 

          Quốc Chân đã ngậm cười chín suối,

          Mãi về sau chuyện mới vỡ ra,

          Ghen tuông cả lẽ chẳng qua

2220. Vợ chồng Trần Nhạc mới là tố nhau.


Trần Hiến Tông ( 1329 -1341)

*Ngưu-Hống nổi loạn, giặc Lào quấy nhiễu.

         

          Thời gian tựa vó câu qua cửa,

          Mười lăm mùa sen rỗ thu sang,

          Minh Tông về phủ Thượng-hoàng,

2224. Thái-tử Vượng nối ngai vàng Thăng-Long.

 

          Hiến Tông tuổi hãy còn niên thiếu,

          Việc chính triều lo liệu vua cha.

          Mấy năm loạn lạc nước nhà,

2228. Vừa yên giặc Hống lại qua giặc Lào.

 

          Ngưu-Hống dựa núi cao bản Thượng,

          Trại Chiêm-Chiêu đánh xuống sông Ðà.

          Thượng-hoàng thân dẫn quân ra,

2232. Dâng thư, Ngưu cử người qua trá hàng.

 

          Quân Thanh-hoá tiến sang vùng địch,

          Lọt vào vòng phục kích hại to.

          Ðại quân từ nẻo kinh đô

2236. Ðưa lên đánh mạn sông Ðà mới yên.

 

          Giặc tuy yên, lâm tuyền còn giữ,

          Trại Trịnh-Kỳ lúc thủ khi công.

          Ðến năm Ðinh Sửu (dl.1337) Hiếu Vương (219)

2240. Chém người Tù trưởng Bắc phương mới bình.

 

          Khi Ngưu-Hống khởi binh mạn Bắc

          Quân Lào thường nổi giặc phía Tây,

          Mịt mù Thanh, Nghệ khói bay,

2244. Minh Tông tuyển tướng chọn ngày xuất chinh.

 

          Nguyễn Trung-Ngạn đồn binh Thanh-Hoá,

          Lo vận lương, phong toả địa hình;

          Thượng-hoàng thống lãnh đại binh,

2248. Kiềm-Châu (220) quân giặc tan tành tháo lui.

 

          Bia đầu núi khắc lời oanh liệt (221),

          Ðá lưng đèo nhật nguyệt khoe cao!

          Vua đi thì giặc lại vào,

2252. Họa kia biết tới ngày nào mới tan.

 

          Ðoàn Nhữ Hài, Nghệ-An Kinh-lược

          Ðược cử làm Ðô-đốc Chư-quân.

          Vốn dòng kinh sử xuất thân,

2256. Dọc ngang rõ mặt, xa gần mến danh.

 

          Ðoàn xuất quân Nghệ Thanh bôn tập,

          Vào Tiết-La thuộc ấp Nam-Nhung (222).

          Thương thay vận khứ anh hùng,

2260. Cũng vì khinh địch đường cùng nào hay!

 

          Dòng Tiết-La phủ dầy sương khói,

          Quân Thăng-Long ngựa mỏi gối mòn,

          Ngập ngừng một giải con con,

2264. Bất thần giặc đã ùn ùn bổ vây.

 

          Ðoàn Nhữ-Hài trở tay không kịp,

          Dòng Tiết-La quân Việt chôn thây.

          Giặc Lào quen thói xưa nay

2268. Tràn lên cướp phá mới quay trở về.

         

          Mây vạn dặm lê thê đỉnh núi,

          Nước muôn trùng khe suối trong veo,

          Hoang tàn vượn hú chim kêu,

2272. Trăm năm bia nhạt đá xiêu còn gì!


Trần Dụ Tông (1341 - 1369)

*Nhà Trần suy tàn; thua Chiêm, rối loạn cung đình.

 

          Vừa mấy độ thu đi đông lại,

           Ðã xuân tàn héo dải nắng hanh,

          Hiến Tông từ kiếp phù sinh (223),

2276. Dụ Tông - Trần Hạo thay anh trị vì.

 

          Phường mũ áo thôi thì gặp lúc,

          Kẻ hạ lưu có phúc cũng nên;

          Triều đình bầy cuộc đảo điên,

2280. Vua tôi hoan lạc bon chen một tuồng,

         

          Trên xã tắc còn không chẳng thiết,

          Dưới dân lành rên xiết nào hay,

          Cuộc cờ, canh bạc mê say,

2284. Triều cung hoang loạn thế này thì thôi!

 

          Nghề hát bội tới thời thịnh đạt

          Tử tôn nhà Nguyên-Cát vẻ vang (224);

          Nhà giầu, chiếu bạc chung sàng,

2288. Công danh, hai trật trăm thăng đua tài! (225)

 

          Bọn hầu cận ra oai chiếm đất,

          Kẻ quan trên mỏi cật bon chen;

          Dân cùng uất ức nổi lên,

2292. Kìa như Ngô-Bệ ở miền Hải-dương.

 

          Năm Ðại-Trị (dl.1358) thượng-hoàng khuất núi,

          Các lương thần tiếp nối ra đi;

          Trong triều ngoài cõi suy vi,

2296. Quan thì mọt nước, lại thì sâu dân.

 

          Riêng có bậc chính nhân triều trước,

          Vốn toan vì vận nước trừ gian,

          Họ Chu, tên gọi Văn An,

2300. Sớ dâng xin chém bảy quan đại thần (226).

 

          Lời chính khí bàn quân vô đạo

          Khéo nghịch duyên đàn dạo tai trâu!

          Non xanh hẹn với bạc đầu

2304. Cúc tùng, phong nguyệt vui câu thanh bần (227).

 

* Việc bang giao với phương Bắc:

 

          Nay lại nói phương lân Bắc thổ,

          Lúc Trần tàn, Nguyên đã phai hương;

          Có người tên gọi Nguyên-Chương

2308. Từ-Châu khởi nghĩa, Kim-Lăng tiến vào.

 

          Mười lăm năm gian lao phục quốc

          Chu Nguyên-Chương giành được sơn hà,

          Lập nhà Minh ở Trung-Hoa,

2312. Bắc triều niên lịch chép là Mậu-Thân (dl.1368).

 

          Minh Thái Tổ xuất thân chinh chiến,

          Tuy nhiên còn lo chuyện tề gia,

          Cho nên vó ngựa Trường-Sa

2316. Chưa xâm phạm tới cõi bờ Thăng-Long.

 

          Sứ phương Bắc ruổi rong xuống dụ,

          Quan triều Nam áo mũ lên mừng;

          Gọi là cống vật minh trưng,

2320. Tránh loài lang sói vẫy vùng một khi.

 
 

* Việc động binh với Chiêm Thành.

 

          Dời cõi Bắc quay về Chiêm Quốc;

          Chế A-Nam bạc phước lìa trần,

          Con trai, con rể tranh phần,

2324. Triều cung hỗn loạn, quần thần láo lơ!

 

          Chế Mộ qua kinh đô Ðại-Việt

          Xin giúp quân tiễu diệt Bồ-Ðề;

          Quan quân gươm giáo sáng lòe,

2328. Lệnh vua, đưa họ Chế về Chiêm kinh.

 

          Binh Ðại-Việt vào ranh Cổ-Lũy (228)

          Gặp Bồ-Ðề bộ, kỵ tràn ra;

          Than ôi! hùng khí Ðông-A

2332. Ðành chôn dưới ngọn tháp ngà không tên.

 

          Chế Mộ nuốt ưu phiền mà chết,

          Giải biên thùy Chiêm-Việt khói bay;

          Ðồ-Bàn sóng dậy từ đây

2336. Mười ba năm lẻ mấy ngày bình yên (229).

 

          Chiếu Thăng-Long lệnh truyền chinh phạt

          Cõi Nam thuỳ gió cát tuôn mây;

          Tử-Bình men rặng núi Tây,

2340. Thế-Hưng thẳng lối chim bay tiến vào.

 

          Miền Chiêm-Ðộng (230) gió gào lửa hận

          Quân Ðồ-Bàn say trận tràn lên,

          Bãi hoang, đồi núi, lâm tuyền,

2344. Rợn nghe tiếng hú oan khiên vọng về.

 

          Quân Chiêm-Thành bốn bề vây chặt,

          Trần Thế-Hưng vỡ mật sa cơ;

          Hậu quân trở giáo cuốn cờ,

2348. Ðỗ Tử-Bình kéo quân thua chạy về.

 

 * Việc Dương Nhật-Lễ lên nối ngôi (1369 -1370)

 

          Quân thế đã muôn bề bạc nhược,

          Dân tình càng sa sút héo hon,

          Vua thì mải giấc Vu-Sơn

2352. Hại thay thác xuống không con nối dòng.

 

          Cung Ðịnh Vương cũng trong huynh đệ (231)

          Ðược triều đình cử thế Dụ Tông;

          Huệ-Từ Thái-hậu bất đồng

2356. Lập Dương Nhật-Lễ khác dòng lên ngôi.

 

          Nhật-Lễ vốn con người kép hát

          Tên Dương-Khương lưu lạc kinh kỳ;

          Vợ thời cũng kẻ ca nhi,

2360. Mặt hoa da phấn, dung nghi diễm kiều.

 

          Cung Túc Vương mến yêu nhan sắc

          Ðem về cung hoan lạc vui vầy;

          Ong kia trước đã đậu đài (232)

2364. Kết nhành Nhật-Lễ xinh trai, tốt lời.

 

          Dụ Tông mất, không người thừa kế

          Di chiếu cho Nhật-Lễ nối ngôi;

          Huệ-Từ cũng khéo nực cười,

2368. Bỏ dòng tôn thất lập người tha phương!

 

          Cuộc hi hữu hí trường chưa hết,

          Nhật-Lễ lên Ðại-Việt Quốc-vương

          Bèn toan đổi lại họ Dương,

2372. Giết ngay Thái-hậu, Tĩnh-Vương họ Trần.

 

          Các Cung Vương xa gần tạm lánh

          Ðem quân về vây đánh hoàng cung,

          Diệt xong được đứa gian hùng,

2376. Mẹ thời lẩn trốn sang vùng Chiêm kinh.

 

          Chiêm vương rõ tình hình Ðại-Việt

          Bèn quyết sang tiễu diệt Thăng-Long!

          Bấy giờ triều đã định xong

2380. Cung Ðịnh Vương, Phủ, nối dòng lên ngôi.


Trần Nghệ Tông (1370 -1372)

* Giặc Chiêm-Thành: Chế Bồng Nga đốt phá Thăng-Long.

 

          Nghệ Tông vốn tính người nhu nhược

          Việc tề gia, trị quốc chẳng nên;

          Triều đình chưa hết rối ren,

2384. Cõi trong giặc đã kéo lên biên thùy.

 

          Lúc ấy người trị vì Chiêm quốc,

          Chế Bồng-Nga, dũng lược kiêm toàn;

          Vắn dài một mảnh giang san,

2388. Thớt voi chưa thỏa dọc ngang vẫy vùng.

 

          Nuôi chí lớn kiếm cung dựng nghiệp,

          Gan anh hùng sống chết coi khinh;

          Rèn quân đợi lúc chiến chinh,

2392. Luyện voi dàn trận tượng binh lạ thường (233).

 

          Chế Bồng-Nga tỏ tường tình thế,

          Bèn đem quân qua bể Ðại-An (234);

          Chiến thuyền vượt giải Hoàng-giang

2396. Vào Thăng-Long tựa đất hoang không người.

 

          Quân Ðại-Việt rụng rời tháo chạy,

          Giặc Chiêm-Thành đốt cháy kinh đô,

          Phá cung vét sạch báu kho,

2400. Bắt người, cướp của đem về Chiêm kinh.

 

          Vua Nghệ Tông bỏ thành lánh nạn,

          Chạy về làng Ðông-Ngạn (235) nương thân!

          Trách gì bạc bẽo là dân,

2404. Bỏ dân ngôi báu nhà Trần lung lay.

 

          Chuyện thời thế xưa nay vẫn thế,

          Cuộc cờ tàn tốt thí sang sông,

          Ngựa què, pháo liệt, xe cùng,

2408. Cao cờ ai biết anh hùng là ai.

 

          Bởi ngôi báu đến ngày đổi chủ

          Khiến xui nên nước nhỏ khinh khi;

          Bấy giờ triều chính suy vi,

2412. Nhân tài riêng có Quý-Ly (236) lẫy lừng.


Trần Duệ Tông (1372-1377)

Ðánh Chiêm-Thành tử trận.

 

          Năm Nhâm-Tí (dl.1372) Nghệ Tông từ chính,

          Truyền em là Trần Kính lên thay.

          Bệ rồng gươm đã trao tay,

2416. Lệnh vua ban xuống chờ ngày xuất binh.

         

          Chiêm quen thói lấn ranh quấy nhiễu,

          Nghe Duệ Tông hạ chiếu Nam chinh,

          Chế Bồng Nga cũng thất kinh

2420. Tức thời huy động dân binh đắp thành.

 

          Lệnh vua ta từ Thanh đến Nghệ

          Dân đắp đường, quân vệ biên cương,

          Khắp nơi chuẩn bị chiến trường,

2424. Tải vào năm vạn thạch lương dự phòng.

 

          Ðiều tướng sĩ, Duệ Tông sắc cử

          Lê Quý-Ly Quân-sự Tham-mưu,

          Tiền quân Ðỗ-Lễ cầm đầu,

2428. Tử-Bình Trấn-thủ Hoá-Châu, hậu cần.

 

          Chiêm nghe tiếng Việt quân lừng lẫy

          Sai sứ đem mười mấy mâm vàng,

          Ðến dinh Trấn-thủ đưa sang,

2432. Nhờ lời chuyển lễ phiên bang cống triều.

 

          Ðỗ Tử-Bình của nhiều tối mắt,

          Dâng sớ về thêm thắt nguồn cơn,

          Ðổ dầu chữa lửa, ra ơn,

2436. Gian thần định cuộc vong tồn từ đây.

 

          Quân Ðại Việt đêm ngày hăm hở,

          Tải binh lương qua cửa Di-Luân (237);

          Hơn mười hai vạn tinh quân

2440. Tiến vào Nhật-Lệ (238) dừng chân tập thuyền.      

 

          Xuân Ðinh-Tý (dl.1377) lệnh truyền tiến phát,

          Ðại quân sang chinh phạt Chiêm triều,

          Qua Thị-Nại (239), phá Thạch-Kiều (240),

2444. Vượt Kỳ-Mang động hoả thiêu lũy đồn.

 

          Ðại quân trước Ðồ-Bàn dàn trận,

          Chế Bồng Nga biết phận xin hàng;

          Mặc lời Ðỗ-Lễ khuyên can,

2448. Duệ Tông quyết ngự ngai vàng Chiêm Vương.

 

          Vua ta cậy binh cường thế mạnh,

          Tiến quân vào chiếm lãnh Chiêm kinh,

          Than ôi trúng kế không thành

2452. Ðại quân phút đã tan tành ra tro!

 

          Ðỗ Tử-Bình cuốn cờ bỏ chạy,

          Lê Quý-Ly túng phải rút theo;

          Thương thay mấy vạn binh triều

2456. Vua tôi gục giữa lửa thiêu chập chùng.

Trần Phế Ðế (1377-1388)


          Duệ Tông mất triều cung tùy tiện

          Lập con là Ðế Hiển lên ngôi (241);

          Nỗi nhà việc nước bời bời,

2460. Triều đình nhớn nhác đứng ngồi không yên.

 

          Dân tình đã triền miên thống khổ,

          Sĩ khí càng lấp ló thảm thê,

          Vua quan khi tỉnh lúc mê,

2464. Chôn vàng giấu xuống Kiện-Khê, Nam Hà.

 

          Việc bờ cõi binh gia chiến trận 

          Mượn đám tăng Ðại-Nạn Thiền-sư;

          Thóc kho cạn đã mấy mùa,

2468. Ba quan tiền thuế tận thu đầu người (242).

 

          Lớp sĩ tử chưa thôi mải miết

          Ðua đòi theo cử nghiệp từ chương,

          Vinh thân ôm cái mộng thường,

2472. Mắt ngơ nào thấy quê hương chết mòn.

 

          Trên triều Bắc ngó dòm gây chuyện,

          Hết đòi lương cấp viện Vân-Nam,

          Lại đòi đưa đến Kim-Lăng

2476. Mấy mươi học sĩ nhân tăng nước nhà.

 

          Dưới Chiêm quốc lấn qua sinh sự;

          Ðược tin ta án ngữ Ðại-An,

          Thần -phù (243) quân giặc tràn sang,

2480. Vào Thăng-Long tựa thác ngàn cuốn phăng.

 

          Năm Mậu-Ngọ (dl.1378) thành Thăng lại vỡ,

          Quân Chiêm theo đường bộ Nghệ-An,

          Chiến thuyền ngược Ðại Hoàng giang,

2484. Tiến lên đốt phá tan hoang kinh thành.

 

          Năm Canh-Thân (dl.1380) Nghệ, Thanh cấp báo,

          Lê Quý-Ly thủy đạo chuyển binh,

          Hợp quân cùng Ðỗ Tử-Bình

2488. Ðánh tan giặc ở Ngu-giang (244) sông nhà.

 

          Năm Nhâm-Tuất giặc ra Thanh-Hóa,

          Ðại quân ta chặn ngả Thần-Ðầu (245),

          Tấn công các mặt trước sau,

2492. Quân Chiêm bại trận kéo nhau rút về.

 

          Trông quân thế có bề đã mạnh,

          Quý-Ly bèn tiến đánh phương Nam,

          Chiến thuyền đến cửa Nương-Loan (246)

2496. Hại thay gặp bão đắm tan cũng nhiều.

 

          Ra quân đã lắm điều trắc trở,

          Giữ nước càng gian khổ đắng cay;

          Giặc Chiêm lại vượt Nam nhai,

2500. Theo đường núi đến Quốc-Oai đóng đồn.

 

          Trấn thủ ta Mật-Ôn bị bắt,

          Ðoạt Tam-Kỳ quân giặc vây kinh;

          Vua tôi lên Bắc lánh mình,

2504. Giao Ða-Phương trấn giữ thành Thăng-Long!

 

* Việc thanh trừng trong cung cấm.

 

          Ngoài chưa yên giặc trong đã dấy,

          Trò biển dâu siết mấy cho vừa;

          Ðồn rằng năm ấy sao tua,

2508. Mậu-Thìn (dl.1388) ấy hạn thí vua hại thần.

 

          Bởi vận số nhà Trần đã kiệt,

          Khiến xui điều oan nghiệt tai ương;

          Người khôn phò kẻ trí thường,

2512. Kình nghê khép phận trạch lươn dễ gì.

 

          Ðế-Hiển thấy cơ nguy cảnh giác,

          Mưu cùng Trần Thúc-Ngạc biểu huynh (247),

          Dăm mười văn võ triều đình,

2516.           Mật bàn tính chuyện kết minh thanh trừng.

 

          Vương Nhữ-Mai ngoài cung tiết lộ,

          Lê Quý-Ly kinh sợ tính đường;

          Tướng quân là Nguyễn Ða Phương

2520. Khuyên Ly tạm lánh vào vùng Ðại-Lai (248).

 

          Phạm Cự Luận ghé tai bàn kế,

          Ly cả mừng gọn ghẽ tư trang,

          Vào cung mật tấu thượng-hoàng        

2524. Phế vua lập Chiêu-Ðịnh Ngang nối dòng (249).

 

          Nghệ Tông vốn cạn lòng nhẹ dạ,

          Chưa phân suy thật giả, gian trung,

          Triệu ngay Ðế-Hiển vào cung,

2528. Truyền giam ở chốn lao lung Phật đường (250).

 

          Bọn Nguyễn Khoái, Lưu Thường, Lê Lạc...

          Ðuổi quân theo cướp đoạt tù xa,

          Hầm hầm vó ngựa xông ra,

2532. Kiếm thì ngoài vỏ, cung đà sẵn giương.

 

          Ðau sót cảnh máu xương tranh chấp,

          Phế Ðế truyền giải giáp lui binh;

          Ðem thân vào chốn tử sinh

2536. Ôi thôi vua cũng giảo hình khác chi! (251)

 

          Ðế-Hiển bị Quý-Ly sát hại,

          Bọn công thần biên ải đầy đi,

          Ðồng mưu tông thất thân chi

2540. Sang cường Chiêm mượn quân uy nước ngoài.

 

          Dòng Hoàng thuỷ chia hai chiến tuyến,

          Hai quân Trần đối diện giao binh

          Máu đào đục sóng thủy tinh

2544. Bờ hoang lộng tiếng oan linh thét gào.

 

          Trần Khát-Chân binh trào thắng thế,

          Trần Thiểm-Bình (252) túng kế cao bay;

          Hoàng-giang một giải vơi đầy,

2548. Nấm mồ vô định chôn thây cũng nhiều!

 

          Riêng còn có đương triều Thái-uý,

          Trang-Ðịnh Vương, xử lý khó thay;

          Quý-Ly quỷ kế sẵn bầy

2552. Ðưa lời thương nghị định ngày nối ngôi.

 

          Trần Thúc-Ngạc kiếm lời thoái thác,

          Lại lánh mình ra hạt Vạn-Ninh;

          Quý-Ly giữa chốn triều đình

2556. Tâu xin triệu Ngạc về kinh xum vầy.

 

          Lại sai tướng ra tay cường khấu,

          Giết người rồi man tấu về kinh.

          Tội oan chống mạng triều đình,

2560. Thương thay Trang-Ðịnh giáng thành Man-Vương!

Trần Thuận Tông (1388-1398)

* Việc đánh dẹp nội loạn.

* Chế Bồng Nga tử trận.

 

          Phế Ðế mất, đống lương sa sút,

          Nghệ Tông cho con út lên ngôi;

          Thuận Tông đã mất lòng người,

2564. Anh hùng hào kiệt khắp nơi tung hoành.

 

          Vùng Thanh-Hoá Nguyễn-Thành ngang dọc,

          Tiếm xưng là Linh-Ðức Ðại-Vương;

          Nguyễn-Kỵ, Nông-Cống quật cường,

2568. Lâu dài tính việc tích lương xây đồn.

 

          Lại thêm Phạm Sư-Ôn lừng lẫy

          Phủ Quốc-Oai khởi dấy phong ba,

          Chiến bào thay áo cà-sa,

2572. Hiểm nguy chiến trận vào ra coi thường.

 

          Năm Kỷ-Tị (dl.1389) tiếm xưng Hoàng-đế,

          Sư chia quân ba Vệ vây kinh ;

          Nguyễn Mại cùng Nguyễn Khả Hành  (253) ,

2576. Hổ binh hai vạn nhập thành Thăng-Long.

 

          Sư-Ôn chiếm hoàng cung ba bữa

          Lại lui về chiếm giữ Nộn-Châu (254);

          Bấy giờ hai mặt đương đầu,

2580. Hoàng-giang Chiêm sắp tiến vào kinh đô.

 

          ...Nhắc lại lúc Chiêm vô Thanh-Hóa,

          Quân Quý-Ly thiết toả ngăn sông.

          Giặc Chiêm trá bại tẩu vong,

2584. Quân triều đuổi đánh lọt vòng phục binh.

 

          Thuỷ đội ta tan tành triệt thoái,

          Ly thoát thân, bỏ lại chiến tràng;

          Giả dàn trận bến Ngu-giang,

2588. Nguyễn Ða-Phương cũng vội vàng tháo lui.

 

          Qua tháng một tiết trời lạnh giá,

          Chế Bồng-Nga đánh phá Hoàng-giang.

          Thuận Tông tiễn tướng lên đàng

2592. Vua tôi giữa chốn giáo tràng rưng rưng!

 

          Trần Khát-Chân vào vùng lửa khói

          Tìm không ra địa lợi đóng quân,

          Hải-Triều (255) mới tạm dừng chân,

2596. Cồn hoang dựng trại liều thân cản thù.

 

          Dòng Hoàng thủy mịt mù khói toả,

          Ngọn triều dâng sóng cả mênh mông;

          Ðang cùng La-Khải giao phong,

2600. Tướng Hoàng Phụng-Thể khơi sông kéo về (256).

 

          Qua Miệt-giang men đê sông Hát,

          Ngược thuỷ lưu tới hạt Quốc-Oai,

          Quan quân bất chợt bao vây

2604. Bắt Sư-Ôn xử chém ngay trận tiền.

 

          ...Hoàng-giang, trở lại miền sóng gió,

          Ðại quân Trần cố thủ liều thân.

          Trùng trùng thuyền chiến Chiêm quân,

2608. Chế Bồng-Nga đã đích thân tiến vào.

 

          Phòng tuyến Việt xôn xao rúng động,

          Chiến thuyền Chiêm chém sóng xông lên,

          Ầm ầm trống thét đạn xuyên,

2612. Khói tuôn dầy đặc một miền duyên giang.

 

          Tướng sĩ ta hoang mang bất nhất

          Bỗng hàng binh tin mật dâng lên;

          Thì ra tội phạm có tên

2616. Trốn từ tuyến giặc sang bên trại Trần.

 

          Trần Khát Chân truyền quân lập tức

          Tập trung toàn hoả lực tấn công,

          Nhắm vào soái hạm giữa sông;

2620. Vỡ thuyền soái, họ Chế Bồng tan thây.

 

          Quân tràn tới cắt ngay thủ cấp,

          Chiến thuyền Chiêm thu xác tháo lui;

          Việt quân thừa thắng chưa thôi;

2624. Tướng Chiêm La-Khải vượt khơi chạy về (257).

 

 

* Cuộc đảo chánh của Hồ Quý-Ly.

 

          Trải cung khuyết mấy kỳ còn mất,

          Thượng-hoàng năm Giáp-Tuất (dl.1394) lìa đời,

          Trước khi nhắm mắt sai người

2628. Vẽ tranh Tứ Phụ thác lời trối trăn (258).

 

          Cuộc thế sự xoay vần cũng khéo,

          Ván cờ tàn tướng chiếu, sĩ lên.

          Ai ngờ tốt đã rình bên,

2632. Ngựa xe cũng vứt, tốt biên ích gì.

 

          Năm Ðinh-Sửu (dl.1397) Quý-Ly khởi mống,

          Xây Tây-Ðô ở động Yên-Tôn,

          Mở mang miếu xã, phố phường,

2636. Ðắp thành chuẩn bị chiến trường một khi.

 

          Lại mượn kẻ vô vi đạo hạnh

          Khuyên Thuận Tông xa lánh mùi trần,

          Ngọc-Thanh-Quan tạm dung thân,

2640. Tu hành nên bậc chân nhân xuất phàm.

 

          Thuận Tông vốn đã nhàm thế sự,

          Ban chiếu truyền thái tử nối ngôi.

          Ấu hoàng mới độ thôi nôi (259),

2644. Quyền thần nhiếp chính ai ngoài Thái-sư.

 

          Ngày khuyết nhật, tháng Tư, Kỷ-Mão (dl.1399)

          Ly sai phường ưng chảo giết vua (260);

          Nguyên quân biết phận sống thừa

2648. Uống xong độc dược vẫn chưa lìa trần.

 

          Viên Xạ-kỵ Tướng quân Khả-Vĩnh      

          Dâng lụa đào thừa lệnh Quý-Ly,

          Bấy giờ vua mới ra đi,

2652. Ngai vàng ấu đế thôi thì cũng xong (261).

 

          Mây trắng phủ Thăng-Long thành cũ,

          Vầng ác tà lấp ló non tây,

          Trăm năm nát với cỏ cây,

2656. Ngàn trầm dường có hương bay ít nhiều.

 

               

Chú thích

 

(1) Họ Khúc: ông Khúc Thừa Dụ quê ở Hồng-châu (thuộc địa hạt Ninh-giang, tỉnh Hải-dương). Nhân cơ hội nhà Ðường bên Tầu suy xụp ông nổi lên chiếm lại Giao-châu (dl.906). Ðường dùng chính sách mềm dẻo, cử ông làm Tiết Ðộ Sứ thay Tăng Cổn đã chạy trốn về Tầu, sau gia phong Ðồng-bình chương sự. Nhà Ðường mất ngôi năm 907, kế tiếp là đời Ngũ-Quý (Hậu Lương, Hậu Ðường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu) kéo dài hơn nửa thế kỷ. Ông Khúc Thừa Dụ ở địa vị chưa được một năm thì qua đời, Khúc Hạo lên thay cha, là nhà chính trị có tài. Ông Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ kế nghiệp. Năm 923, Nam Hán đem quân sang đánh, Khúc Thừa Mỹ thua, Giao Châu lại bị xâm chiếm.

 (2) Họ Dương: ông Dương Diên Nghệ, người quận Cửu-chân, là tướng trấn thủ Ái-châu về thời họ Khúc. Năm 931 ông khởi binh đánh quân Nam Hán. Sau khi đuổi được bọn Lý Khắc Chính và Lý Tiến về Tầu, ông tự đứng lên làm Tiết Ðộ Sứ, nối tiếp sự nghiệp dựng nền độc lập.

 (3) Nam Hán: Lưu Cung, thay thế anh là Lưu Ẩn (Lưu An) làm Tiết Ðộ Sứ ở Quảng Châu thuộc nhà Hậu Lương bên Tầu, vì bất mãn với triều Hậu Lương nên tuyên bố độc lập. Họ Lưu xưng đế, lấy quốc hiệu là Ðại Việt, sau lại đổi là Nam Hán (dl.947).

 (4) Bạch Ðằng Giang: con sông có sóng bạc đầu; bắt nguồn từ sông Gia, chảy từ khu vực Phả Lại, thuộc tỉnh Hải Dương ra cửa biển Nam Triệu (xem thêm chú thích 156, Quyển 1). Sông Bạch Ðằng là con sông đã ghi nhiều chiến tích lừng lẫy trong chiến sử của dân tộc Việt Nam.

(5) Bậc danh tướng: ông Ngô Quyền, người làng Ðường-Lâm, tỉnh Sơn-Tây (cùng quê với ông Phùng Hưng, tức Bố-Cái Ðại-Vương thời trước). Ông là tướng và cũng là con rể của Dương Diên Nghệ. Vốn là bậc trí dũng kiêm toàn, ông được cử ra trấn thủ đất Ái-châu, là vùng hiểm yếu. Khi Dương Diên Nghệ bị kẻ nha tướng là Kiều Công Tiện mưu giết để cướp quyền, ông mang quân về đánh. Kiều Công Tiện thua chạy, sai người sang Tầu cầu cứu nhà Nam Hán, do đó mới gây nên cái cớ cho Nam Hán mang đại binh sang xâm lăng nước ta. Nhưng trước khi quân Nam Hán vào đến địa phận nước nhà thì Ngô Quyền đã thanh toán xong Kiều Công Tiện. Ông thống lãnh binh thuyền, dùng mưu lược đánh tan quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Ðằng. Ðây là trận thủy chiến oanh liệt đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

 (6) Lập quốc hiến chương: bản hiến chương lập quốc của nước ta, được viết vỏn vẹn bằng hai chữ "văn hiến".

Tuy đây chỉ là cách diễn đạt của người đời sau để nói về ý chí tự chủ và ý niệm văn hoá chính trị của người xưa, vì thật ra không có bản văn nào gọi là bản Hiến chương được để lại từ thời lập quốc, cũng như có lẽ chưa có chữ "văn hiến" từ đời Hồng Bàng; nhưng trong bài Bình Ngô Ðại Cáo, một trong những bản thiên cổ hùng văn của nước nhà do đức Nguyễn Trãi đời Hậu Lê viết, đã có lời xác minh:

Như ngã Ðại Việt chi quốc

Thực thi văn hiến chi bang...

Cụ Bùi Kỷ dịch là:

Như nước Việt ta từ trước

Vốn xưng văn hiến đã lâu...

Nếu theo đúng ý nghĩa ấy thì nước Việt ta nên được gọi là nước Việt-Nam Văn-Hiến mới thể hiện được cái ý hướng cao cả của người xưa, và cũng vạch được con đường sinh tồn vừa nhân bản, vừa tiến bộ cho muôn đời sau. Người đời sau thường dùng chữ "Tinh thần văn hiến" để chỉ, một cách mơ hồ, ý thức văn hoá chính trị có kỷ cương và có hàm chứa đạo làm người. Cụ thể hơn, văn học và lịch sử nước ta lại thường nhắc nhở tới "nền văn hiến", ở đấy những ý niệm về nguồn gốc trong truyền thuyết, những triết lý và tư tưởng nguyên thủy về cuộc sinh tồn trong văn hoá dân gian, đã được hoà trộn với tinh hoa của các nền văn hoá ngoại lai luân lưu qua các thời đại, để kết lại cùng với những thành tích dựng nước và giữ nước, thành một nền tảng vững chắc làm căn bản phát triển dân sinh tốt đẹp cho dân tộc. Có thể nói "văn hiến" là một ý niệm sinh động về văn minh nhân bản của chung loài người, nhưng "nền văn hiến" là một ý niệm đặc thù, thể hiện ý chí sinh tồn có ý thức và cũng thể hiện nền văn minh nhân bản đã được bồi đắp từ lâu đời của dân tộc Việt ta.

 (7) Ðức Ngô Quyền, sử gọi là Tiền Ngô Vương, đóng đô ở Cổ-Loa là kinh đô cũ xây từ đời vua Thục An-Dương-Vương. Thành Cổ-Loa xưa hình xoáy trôn ốc, hiện nay còn di tích ở huyện Ðông-Anh, tỉnh Phúc-Yên. Người Ðường gọi là thành Côn-Luân.

 (8) Dương Tam Kha là con Dương Diên Nghệ và cũng là em vợ Ngô Quyền. Ông tự lên ngôi xưng hiệu là Bình-Vương, làm vua được 5 năm (945-950).

 (9) Ngô Xương Ngập bỏ trốn sang Nam-Sách (Hải Dương), bị Dương Tam Kha sai người đuổi bắt để trừ hậu hoạn, may được Phạm Lệnh Công giúp đỡ giấu trong vùng núi.

 (10) Ngô Xương Văn là em Xương Ngập, lúc nhỏ được Dương Tam Kha nuôi làm con nuôi.

 (11) Ngô Xương Văn cùng các tướng Dương Cát Lợi và Ðỗ Cảnh Thạc, nhân lúc cầm quân dẹp giặc ở Sơn-Tây, kéo về kinh làm cuộc đảo chánh. Họ Ngô bắt được Dương Tam Kha không nỡ trị tội, chỉ giáng xuống làm Trương-Dương Công, lại cấp cho thái ấp để hưởng lộc. Ngô Xương Văn sai người đi đón anh về cùng chia ngôi vị, sử gọi là Hậu Ngô Vương.

 (12) Chu-Thái cầm đầu hai thôn Thái-Bình thuộc Sơn-Tây nổi loạn. Nam Tấn Vương mang quân đi đánh dẹp, vì khinh địch bị trúng tên mà chết. Triều Hậu Ngô Vương kéo dài được 15 năm (950-965).

 (13) Sứ quân Ngô Xương Xí đóng tại làng Bình-Kiều (phủ Khoái-Châu, tỉnh Hưng-Yên).

 (14) Sứ quân Ðỗ Cảnh Thạc đóng tại Ðỗ-Ðộng-Giang (huyện Thanh-Oai, tỉnh Hà-Ðông).

 (15) Sứ quân Trần Lãm, xưng là Trần Minh Công, đóng tại Bố-Hải-Khẩu (tỉnh Thái-Bình). Sau này Ðinh Bộ Lĩnh nương nhờ thế lực của Sứ quân Trần Lãm để lập thành quân lực Hoa-Lư.

 (16) Sứ quân Kiều Công Hãn, xưng Kiều Tam Chế, đóng ở Phong-Châu (huyện Bạch-Hạc, tỉnh Vĩnh-Yên).

 (17) Sứ quân Nguyễn Khoan, đóng tại Tam-Ðái (phủ Vĩnh-Tường, tỉnh Vĩnh-Yên).

 (18) Sứ quân Ngô Nhật Khánh, xưng Ngô Lãm Công, đóng tại Ðường-Lâm (huyện Phúc-Tho, tỉnh Sơn-Tây). Sau Ngô Nhật Khánh bị bại dưới cờ Hoa-Lư, chạy sang Chiêm-Thành xui vua Chiêm đánh vào đất Việt. Năm Kỷ-Mão (dl.979), cũng là năm Ðinh Tiên Hoàng mất, hơn 1000 chiến thuyền Chiêm tiến đến cửa Ðại-An (cửa sông Ðáy, thuộc hải phận Ninh Bình - Nam Ðịnh) thì bị bão đánh chìm. Ngô Nhật Khánh cùng một số quân Chiêm chết thảm.

 (19) Sứ quân Lý Khuê, xưng Lý Lãng Công, đóng tại Siêu-Loại (phủ Thuận-Thành, tỉnh Bắc-Ninh).

 (20) Sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp, xưng Nguyễn Lịnh Công, đóng tại Tiên-Du (tỉnh Bắc-Ninh).

 (21) Sứ quân Lữ Dương, xưng Lữ Tá Công, đóng tại Tế-Giang (Vân-Giang, tỉnh Bắc-Ninh).

 (22) Sứ quân Nguyễn Siêu, xưng Nguyễn Hữu Công, đóng tại Tây Phù-Liệt (huyện Thanh-Trì, tỉnh Hà-Ðông).

 (23) Sứ quân Kiều Thuận, xưng Kiều Lịnh Công, đóng tại Hồ-Hồi (huyện Cẩm-Khê, tỉnh Phú-Thọ).

 (24) Sứ quân Phạm Bạch Hổ, xưng Phạm Phòng Át, đóng tại Ðằng-Châu (tỉnh Hưng-Yên).

 (25) Loạn Thập Nhị Sứ Quân kéo dài 22 năm (945-967), kể từ khi Dương Tam Kha tiếm vị đến khi các Sứ quân bị Ðinh Bộ Lĩnh dẹp tan.

 (26) Ðộng Hoa-Lư thuộc tỉnh Ninh-Bình, xưa thuộc Bộ Giao-Chỉ.

 (27) Ðinh Bộ Lĩnh là con ông Ðinh Công Trứ làm chức Thứ-sử Hoan-Châu dưới thời Dương Diên Nghệ và Ngô Vương Quyền.

 (28) Sứ quân Trần Lãm, tức Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu (tỉnh Thái-Bình).

 (29) Giao-Châu thất hùng, bẩy nhân vật có bản lãnh anh hùng của Giao-Châu thời đó là: 1.Ðinh Bộ Lĩnh, 2.Ðinh Liễn (con trưởng của Ðinh Bộ Lĩnh), 3.Lê Hoàn, 4.Ðinh Ðiền, 5.Nguyễn Bặc, 6.Phạm Hạp, 7.Phạm Cự Lượng.

 (30) Thiên Sách Vương và Nam Tấn Vương (Hậu Ngô Vương) đã có lần mang binh đánh vào Hoa-Lư. Vì thế lực còn chưa vững mạnh, Ðinh Bộ Lĩnh cho con cả là Ðinh Liễn sang làm con tin để xin hoãn binh. Hai vua Ngô biết kế ấy, bèn bắt giam Ðinh Liễn rồi ra lệnh tấn công. Giao tranh hơn một tháng trời không phân thắng bại, hai vua Ngô bèn sai trói Ðinh Liễn trên cầu rồi ra lệnh cho Ðinh Bộ Lĩnh đầu hàng, nếu không sẽ giết Liễn. Lĩnh cả giận nói: "Ðại trượng phu cốt ở công danh sự nghiệp chứ đâu bắt chước thói đàn bà con trẻ!". Nói rồi sai mười người cầm cung nỏ toan bắn vào Liễn. Hai vua Ngô thất kinh than: "Ta sở dĩ treo con hắn là để buộc hắn phải theo. Nếu hắn đã tàn nhẫn như thế thì có giết Liễn cũng vô ích mà thôi!", bèn cho thả Ðinh Liễn và rút quân về.

 (31) Ðinh Bộ Lĩnh được ba quân suy tôn làm Vạn Thắng Vương do những chiến công lừng lẫy trăm trận trăm thắng.

 (32) Sứ quân Phạm Bạch Hổ, tức Phạm Phòng Át, đóng ở Ðằng-châu.

 (33) Sứ quân Ðỗ Cảnh Thạc, đóng ở Ðỗ-Ðộng-Giang.

 (34) Ðinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng-đế năm Mậu-Thìn (dl.968), xưng là Ðinh Tiên Hoàng, đổi tên nước là Ðại-Cồ-Việt, đóng đô ở Hoa-Lư.

 (35) Khi Ðinh Tiên Hoàng vừa khởi đế nghiệp ở nước Nam thì Triệu Khuông Dẫn cũng vừa lập nhà Tống ở phương Bắc. Ngay sau đó Khuông Dẫn sai đại tướng là Phan Mỹ sang đánh Lưu Thành (nhà Nam Hán) vì họ Lưu không chịu thần phục Tống triều.

 (36) Dưới thời nhà Ðinh, quân đội được chia làm 5 cấp: Ðạo, Quân, Lữ, Tốt, Ngũ. Ðạo có 10 quân, quân có 10 lữ, lữ có 10 tốt, tốt có 10 ngũ, ngũ có 10 người. Nước ta dưới thời nhà Ðinh có được Thập đạo, tức 100 vạn hay 1 triệu quân hay không? Thời chống Nguyên, Trần Hưng Ðạo cũng chỉ có được 20 vạn quân. Sử nói trăm vạn quân có lẽ cũng chỉ là con số tượng trưng, có thể ước lượng quân số lúc ấy vào khoảng10 vạn quân thì hợp lẽ hơn.

 (37) Ðinh Tiên Hoàng xét thực lực chưa đủ mạnh, quốc gia mới thành hình, nếu bị Tống xâm lấn tất bất lợi nên sai sứ sang thông hiếu. Lấn thứ nhất vào năm 970, lần thứ hai vào năm 972; sứ bộ đều do Nam-Việt-Vương Ðinh Liễn là con trưởng của Tiên Hoàng cầm đầu. Tống sắc phong Tiên Hoàng làm Giao-Chỉ Quận Vương, Ðinh Liễn làm Kiểm-hiệu Thái-sư Tĩnh-hải quận Tiết-độ-sứ An-nam Ðô hộ.

 (38) Ðinh Tiên Hoàng đế ban hành nhiều luật lệ khắt khe, đặt vạc dầu trước điện, nuôi hổ báo trong vườn, dựng cột đồng nung đỏ,... để răn đe trừng trị những kẻ gian ác, phản bội. Nước ta thời ấy vừa qua cơn loạn lạc, không nhờ có hình luật nghiêm khắc thì khó vãn hồi được trật tự an ninh.

 (39) Tiên Hoàng rất trọng dụng các thiền sư vì họ có học lực uyên bác. Sư Khuông-Việt được phong làm Quốc-sư vào thời ấy. Ðạo Phật từ 7 thế kỷ trước đã có mặt ở nước ta.

 (40) Ðinh Tiên Hoàng không chọn Ðinh Liễn là con trưởng đã có công theo cha đánh dẹp từ thuở hàn vi và đã hai lần cầm đầu sứ bộ ngoại giao, mà lại phong cho thiếu tử Hạng-Lang làm Thái tử, có thể vì bà Hoàng hậu (trong 5 ngôi Hoàng hậu do nhà Ðinh lập ra) sinh ra Hạng-Lang là người được sủng ái nhất. Việc này đã khiến Ðinh Liễn nổi giận sai người giết Hạng-Lang (dl.979).

 (41) Theo dã sử, Ðỗ Thích một hôm nằm mơ thấy một vì sao sa vào miệng, cho là điềm báo trước hồng vận, nên mới nẩy ra cuồng vọng giết vua Tiên Hoàng và con trưởng của ngài là Nam-Việt Vương Ðinh Liễn để tiếm ngôi. Người sau cho rằng đây chỉ là một luận cứ mơ hồ để che đấu những âm mưu đen tối trong hậu trường chính trị thời nhà Ðinh. Vua Ðinh Tiên Hoàng mất năm 979, thọ 56 tuổi.

 (42) Ðỗ Thích bị bắt và bị làm tội. Bản án giết vua chấm dứt. Ðinh Tuệ là con bà Dương Thái-hậu, lúc ấy mới có 6 tuổi, được đưa lên ngôi tức là Ðinh Thiếu Ðế.

 (43) Thập Ðạo Tướng Quân Lê Hoàn, một trong thất hùng của nhà Ðinh, là người cầm đầu quân lực nắm vận mệnh Giao-châu lúc đó.

 (44) Cuộc khởi binh đánh Lê Hoàn ở Ái-châu của ba vị trung thần nhà Ðinh thất bại. Nguyễn Bặc tử trận, Ðinh Ðiền và Phạm Hạp bị bắt đem về xử tử ở kinh đô Hoa-Lư. Sự nghiệp Ðinh triều đến đây coi như đã xụp đổ.

 (45) Quân Tống xâm nhập Giao-châu do hai đường: bộ tiến xuống Lạng-sơn, thủy vào cửa sông Bạch-Ðằng. Tháng 3 năm Tân-Tị (dl.981), Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng dẫn lục quân, Lưu Trừng chỉ huy thủy quân, do hai đường thủy bộ nói trên tiến vào nước ta.

 (46) Phạm Cự Lượng, cũng là một trong thất hùng Giao-châu, được Lê Hoàn cử làm đại tướng. Phạm họp các tướng sĩ, bàn nên tôn Lê Hoàn lên ngôi vị Chúa tể Giao-châu. Trước tình hình nghiêm trọng, các tướng sĩ đồng thanh hưởng ứng. Bà Dương Thái-hậu bèn đem áo hoàng bào trong cung tự tay khoác cho Lê Hoàn. Ðinh Tuệ bị giáng xuống làm Vệ Vương, sử gọi là Phế Ðế. Ðời sau cho đây là một cuộc đảo chánh do các nhân vật chính trị thời ấy là Dương Hậu, Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng dàn cảnh.

 (47) Lê Hoàn lên ngôi năm 980, xưng là Ðại-Hành Hoàng-đế. Ngài sinh ở xã An-Thái, quận Thanh-Liêm, tỉnh Hà-Nam; mất năm 1005, làm vua được 24 năm, gây dựng được quân lực hùng mạnh cho Giao-châu lúc đó và xây dựng nền móng tự chủ vững vàng cho đất nước.

 (48) Khi Lê Hoàn vừa lên ngôi ngài sai sứ mang thư sang Tống, nói dối là của Ðinh Tuệ xin cầu phong. Tống triều không nghe, trách Lê Hoàn dám tiếm xưng đế hiệu, lại phong cho Ðinh Tuệ làm Thống soái, Lê Hoàn làm Phó soái; ra lệnh nếu họ Ðinh còn nhỏ không làm nổi chức vụ thì Lê Hoàn phải đưa mẹ con Ðinh Tuệ sang chầu Bắc triều rồi sẽ được phong quan tước. Mục đích của Tống là giữ dòng chính thống làm con tin để nắm chính nghĩa diệt Lê Hoàn, chiếm lại đất Giao-châu đổi làm quận huyện của Trung Quốc như trước.

 (49) Lê Hoàn là người giỏi dụng binh. Ngài lập kế cho viên bộ tướng trá hàng để dụ quân Tống tiến sâu vào hiểm địa. Quả nhiên Hầu Nhân Bảo khinh địch ngang nhiên mang quân tiến vào Ôn-Khâu, liền bị đại quân ta bao vây. Hầu Nhân Bảo sa cơ bị bắt đem chém, hai viên bộ tướng họ Quách, Triệu bị bắt làm tù binh, đại quân Tống bị chết quá nửa, còn bao nhiêu tan vỡ hết. Lưu Trừng giữ thủy quân nghe tin mất vía, bèn tức tốc rút lui.

 (50) Ðại-Hành Hoàng-đế lấy niên hiệu là Thiên-Phúc (dl.980-988), Hưng-Thống (dl.989-993) và ng-Thiên (dl.994-1005).

 (51) Năm 981, vua Lê Ðại Hành sai Từ Mục và Ngô Tử Cảnh sang sứ Chiêm Thành, Chiêm cự tuyệt, lại bắt giam sứ giả Giao-châu.

 (52) Năm 982, vua Lê Ðại Hành thân cử đại binh mở đường đánh xuống Chiêm Thành. Quân Chiêm đại bại, tướng Chiêm là Tỳ My Thuế bị chém tại trận. Ðại-Hành tiến quân vào kinh thành Phật-Thệ, bắt rất nhiều tù binh cùng với 100 cung nữ Chiêm và một vị sư Tây Trúc, ngoài ra còn thu vét vàng bạc châu báu mang về nước. Xét ra việc đánh Chiêm Thành của vua Lê Ðại Hành chỉ cốt để dằn mặt khiến cho người Chiêm không dám xâm phạm bờ cõi chứ chưa nhằm ý đồ mở rộng lãnh thổ về phương Nam.

 (53) Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huấn là hai viên bộ tướng của Hầu Nhân Bảo bị bắt làm tù binh ở mặt trận Chi-Lăng năm trước (dl.981).

 (54) Bấy giờ Tống triều đang bận tâm về việc quân Khiết-Ðan (Hung-Nô) khuấy phá ở biên thùy miền Bắc nên hoàn cảnh trở nên rất thuận lợi cho Giao-châu.

 (55) Tống phong cho vua Lê Ðại Hành chức Tiết-độ-sứ (dl.992), sau lại gia phongTĩnh-Hải quận Tiết-độ-sứ Giao-Chỉ Quận-Vương (dl.993). Bấy giờ vua Lê Ðại Hành mới sai sứ sang cống và gởi biểu của Ðinh Tuệ nhường ngôi. Sau vua Chân-Tông nhà Tống lại phong Lê Ðại Hành làm Nam-Bình-Vương (dl.997).

(56) Năm 995, vua Lê Ðại Hành sai sứ sang Tầu cống đồ phương vật, nhưng đồng thời cũng ngầm tung quân sang khuấy nhiễu biên cương để dò xét thực lực nước Tống. Chuyển-vận-sứ Quảng-Tây và Binh-mã giáp-ấp ở trấn Như-Hồng thuộc Khâm-Châu là Vệ Chiêu Mỹ dâng sớ về Tống triều báo cáo Giao-Chỉ mang hơn 100 chiến thuyền vào cướp phá trấn Như-Hồng. Triều đình nhà Tống cũng làm ngơ.

 (57) Lý Nhược Chuyết đại diện Tống triều mang chiếu thư và đai ngọc sang phong chức tước cho Lê Ðại Hành. Vua Ðại-Hành nói với Nhược Chuyết: "Ngày trước đánh Như-Hồng chỉ là đám giặc biển ngoài cõi, chẳng hay Hoàng-đế đã biết ấy không phải là quân Giao-châu chưa? Giả sử ấy là quân Giao-châu thì trước đánh Phiên-Ngung, sau chiếm Mân-Việt, há chỉ uy hiếp một trấn nhỏ bé như Như-Hồng mà thôi?"... đại để ấy là cái khẩu khí của kẻ mạnh hay kẻ ưu thắng.

 (58) Ðiện Bách-Bảo Thiên-Tuế xây năm 984, ở núi Ðại-Văn, nay là núi Trường-Yên, trong thành Hoa-Lư.

 (59) Vua Lê Ðại Hành cho đúc tiền Thiên-Phúc mở mang kinh tế, tăng cường quân sự, định lại luật pháp, mở mang nông nghiệp; lại sai Ngô Tử Yên đem 3 vạn quân mở đường từ cử bể Nam-Giới đến châu Ðại-Lý.

 (60) Vua Lê Ðại Hành mất năm 1005. Ðáng tiếc sau khi ngài qua đời mọi việc mở mang đều bị ngưng lại.

 (61) Như nguyên nhân của phần lớn các vụ xáo trộn trong cung cấm thời xưa, vì vua Lê Ðại Hành bỏ trưởng lập thứ cho nên các hoàng tử đã kéo bè kết đảng, tranh nhau ngai vàng. Cuộc rối loạn trong cung kéo dài hơn 8 tháng trởi. Cho đến tháng 10 năm ấy (1005) thái tử Long-Việt mới chính thức lên ngôi. Anh là Ngân-Tích bỏ trốn, bị người ở Thạch-Hà giết. Long-Việt lên ngôi mới có 3 ngày thì bị em là Long-Ðĩnh sai người trèo tường vào cung hạ sát để cướp ngôi. Lê Long-Ðĩnh xưng là "Khai-Thiên ng-Vận, Thánh-Văn Thần-Vũ, Tắc-Thiên Sùng-Ðạo, Ðại-Thắng Minh-Quang Hiếu Hoàng-Ðế". LongViệt sau được truy đặt tên hiệu là Trung Tông Hoàng-Ðế.

 (62) Trước cảnh huynh đệ tương tàn trong cung cấm, các quan sợ vạ lây nên bỏ chạy hế, duy có Ðiện-Tiền Chỉ-Huy-Sứ Lý Công Uẩn ở lại ôm thây ông vua xấu số. Vua Trung Tông mất lúc mới có 23 tuổi.

 (63) Lê Long-Ðĩnh là ông vua bạo ngược, nổi tiếng hiếu sát trong lịch sử nước ta, thường lấy việc hành hạ giết chóc tội nhân làm vui; có lần róc mía trên đầu nhà sư, giả phạm dao cho máu chảy, lấy làm thích chí. Ông lại hoang dâm quá độ đến nỗi phải nằm mà coi triều, nên sử gọi là vua Ngọa Triều... Tuy nhiên người đời sau cũng đặt nghi vấn về một ông vua có óc canh tân, bị ép giữa hai thế lực: thành phần thủ cựu và thế lực phò họ Lý. Dưới thời Long Ðĩnh cũng có công đánh dẹp giặc Cử-Long và làm được một số việc canh tân cải cách.

 (64) Trong lúc Long-Ngân và Long-Kính chiếm cứ trại Phù-Lan (huyện Ðường-Hào, tỉnh Hải-Dương) chống lại triều đình, bên ngoài lại có giặc Cử-Long vào cướp phá ở Ái-Châu (Thanh-Hoá), Long Ðĩnh phải đem quân đi đánh dẹp. Rợ Cử-Long bị đánh tan, nhưng mãi đến đời Lý Thái Tổ mới dẹp yên hẳn được.

 (65) Long-Ðĩnh sai em là Long-Xưởng đem bạch tê sang cống nhà Tống và xin thỉnh 9 kinh của Trung Hoa cùng Phật kinh Ðại Tạng. Vua Tống ưng thuận. Long-Ðĩnh lại xin được dùng áo giáp và mũ trụ có dát vàng và xin cho dân chúng được thông thương buôn bán với Ung-Châu.

 (66) Năm Ðinh-Ngọ (1006), Tống Chân Ðế sai bọn Triệu Việp sang kinh lý Giao-Châu. Bọn này trở về tâu rằng các con Nam-Bình-Vương Lê Hoàn chia bè kết đảng, lập thành trại sách, mỗi người chiếm cứ một nơi chống đánh lẫn nhau, xin đem quân sang đánh. Vua Tống không thuận nói: "Họ Lê không bỏ lòng trung thuận, nay Nam-Binh-Vương mới mất, chưa có lễ điếu, lại đánh người trong khi có tang, đấng vương giả không nên làm việc như thế...". Bọn Triệu Việp lại dâng bản đồ thủy lục từ Ung-Châu tới Giao-Châu, nằng nặc xin xuất quân Nam chinh. Tống đế vẫn không nghe. Ðây là một trường hợp hiếm có trong lịch sử.

 (67) Lê Long-Ðĩnh làm vua được 4 năm, mất năm 24 tuổi (1009). Khi Long Ðĩnh nằm xuống, con còn thơ, triều đình nhà Lê lập tức sinh biến.

68) Làng Cổ-Pháp thuộc huyện Ðông-Ngạn, phủ Từ-Sơn, tỉnh Bắc-Ninh.

 (69) Khi còn nhỏ, mẹ ông đem cho nhà sư Lý Khánh Vân trụ trì chùa làng Cổ-Pháp làm con nuôi.

 (70) Ông Lý Công Uẩn có một tiểu sử khá ly kỳ. Tục truyền rằng bà mẹ là Phạm Thị một hôm đi chơi chùa Tiêu-Sơn (thuộc phủ Từ-Sơn), nằm mộng gặp gỡ thần nhân, mới thụ thai sinh ra ông. Ðây hẳn là cách người xưa huyền thoại hóa câu chuyện để tránh việc dài dòng chú giải. Về sau ông làm con nuôi sư Lý Khánh Vân mới lấy theo họ Lý.

 (71) Lý Công Uẩn giữ chức Tả Thân-Vệ Ðiện-Tiền Chỉ-Huy-Sứ, là chức vị cao nhất trong triều đình thời bấy giờ. Ông là người đức độ, lại nắm trọn binh quyền trong tay nên thanh thế rất lừng lẫy.

 (72) Ðào Cam Mộc là người đóng vai quan trọng trong việc vận động thuyết phục quần thần để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Họ Ðào về sau trở thành Phò-mã.

 (73) Sư Vạn-Hạnh là thầy học của Lý Công Uẩn lúc nhỏ. Ông giữ địa vị Quốc-sư nhưng ông chính là một nhà chính trị phi thường. Ở địa vị Quốc-sư, ông là người chủ trương cuộc đảo chính không đổ máu để đưa Lý Công Uẩn lên ngôi thay thế cho nhà Tiền Lê đã suy tàn. Trong sứ mạng chính trị, ông là một kế hoạch gia đại tài đã đưa đất nước vào một giai đoạn toàn thịnh kéo dài ít nhất hai thế kỷ.

 (74) "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" (Coi dân là quý trọng, kế đến đất nước, còn địa vị quân trưởng nên coi nhẹ); Nho học (Mạnh-Tử) từ thời xưa đã khởi xướng một quan niệm dân chủ rất tiến bộ.

 (75) Nhà Lý nối ngôi trị nước được 215 năm, là một triều đại toàn thịnh của nước nhà, các việc văn trị, võ công đều hiển hách.

 (76) Hoa sen được coi là dấu ấn của nhà Phật. Bông sen trắng nở ra tám cánh, tượng trưng cho Bát chánh đạo và cũng hàm ý nghĩa tám đời vua nhà Lý. Lý Công Uẩn xuất thân từ cửa Phật. Cửa Phật cũng là nơi trở về của Lý Huệ Tông, ông vua thứ tám và cũng kể như đời vua cuối cùng của họ Lý. Lý Chiêu Hoàng tuy có lên ngôi nhưng chỉ là một cô gái ngây thơ được đặt vào vai trò chuyển tiếp để giúp cho cuộc đảo chánh của nhà Trần được thực hiện một cách êm thấm.

 (77) Năm Thuận-Thiên (niên hiệu của vua Lý Thái Tổ) thứ nhất, vua ban chiếu dời đô ra Thăng-Long theo kế hoạch của Quốc sư Vạn-Hạnh, xét vì đất Hoa-Lư tuy được vẻ sơn thanh thủy tú nhưng quá chật hẹp, chưa đủ để phát triển một vương quốc và một triều đại cường thịnh.

 (78) Tục truyền rằng nhân khi xa giá gần đến La-Thành có rồng vàng hiện trên trời nên vua Thái-Tổ mới đổi là thành Thăng-Long.

 (79) Vì nhà vua xuất thân từ cửa Phật nên Phật giáo dưới thời nhà Lý rất được coi trọng. Vua sai sứ sang Tống thỉnh kinh Tam-Tạng. Tăng thống lả Phi-Trí sang Quảng-Tây đón kinh để tại nhà Ðại-Hưng là nơi chứa kinh. Vua lại xuất 2 vạn quan tiền để dựng 8 ngôi chùa ở trong phủ Thiên-Ðức (Cổ-Pháp). Tại Thăng-Long thì lập chùa Thiên-Ngự, chùa Vạn-Tuế. Ở ngoài thành Thăng-Long thì xây các chùa Thắng-Nghiêm, Thiên-Vương, Cẩm-Y, Long-Hưng, Thánh-Thổ, Thiên-Quang, Thiên-Ðức. Các chùa chiền đổ nát ở các nơi khác đều được tu bổ.

 (80) Không những đạo Phật được trọng đãi, mà cả Tam giáo (Nho, Thích, Lão) đều được trọng vọng, khuyến khích như nhau, không có sự kỳ thị hay thiên vị. Các vị ra làm quan đều phải sát hạch qua kỳ thi Tam-giáo. Ấy là đặc điểm của văn học nước ta dưới thời Lý-Trần.

 (81) Năm1010, vua Lý Thái Tổ lên ngôi, ban chiếu đại xá và 3 lần miễn thuế cho nông dân trong nhiều năm. Người dân trước đây vì thiếu thuế phải lẩn trốn xiêu lạc, nay đều được trở về quê quán làm ăn.

 (82) Tống triều có ý không tán thành việc Lý lên thay Lê, nhưng có lẽ vì thế lực nước ta dưới thời nhà Lý đã bắt đầu vững vàng, nên nhà Tống chẳng những không có phản ứng gì mà lại còn phong ngay chức Giao-Chỉ Quận-Vương cho vua Lý. Kể từ đời nhà Ðinh và nhà Tiền Lê, Tống chỉ phong cho các vua ta bắt đầu từ chức Kiểm-Hiệu Thái-Úy, qua chức Tiết-Ðộ, Ðô-Hộ rồi mới đến Quận-Vương.

 (83) Năm Thuận-Thiên thứ 5 (1014), Man tướng ở Hạc-Thác (Nam-Chiếu) là Dương Trường Huê và Ðoàn Kính đem 20 vạn quân vào cướp nước ta ở miền thượng du, lập thành trại Ngũ-Hoa. Hoàng-tử là Dực Thánh Vương được cử đi chinh phạt. Dực-Thánh thắng trận, giết hàng vạn quân giặc và bắt rất nhiều người ngựa, vua sai đem 100 con ngựa bắt được của quân Man sang biếu nhà Tống.

 (84) Năm 1013, viên châu mục là Hà Trác-Tuấn thông đồng cùng quân Man nổi loạn ở Diễn-Châu. Vua Thái-Tổ tự làm tướng thân đi đánh dẹp. Sau họ Hà lại nổi lên chiếm nhiều châu miền thượng du (tỉnh Tuyên-Quang). Dực Thánh Vương và Vũ Ðức Vương đem quân đi đánh,  bắt được Hà Trác Tuấn đem về kinh trị tội.

 (85) Rợ Cử-Long, ở vùng biên giới miền Thanh Nghệ, cậy có địa thế hiềm trở, đã từng dấy động dưới thời vua Lê Ðại Hành và Lê Long Ðĩnh, nay lại nổi lên cướp phá (1011). Vua Lý Thái-Tổ thân đi đánh dẹp, bắt được bọn thủ lãnh. Từ đấy giặc Cử-Long mới yên hẳn.

 (86) Năm 1020, Lý Thái Tổ sai Khai Thiên Vương ( tức thái tử Phật-Mã) và tướng Ðào Thác Phụ vào đánh Chiêm-Thành ở trại Bố-Chính, chém được tướng Chiêm là Bồ-Linh. Năm 1022, Mán Ðại-Nguyên-Lịch (ở khoảng giữa trại Như-Hồng và trấn Trào-Dương) nổi lên quấy nhiễu. Ðực Thánh Vương đem quân đi đánh dẹp, lại vượt qua đất Tống đốt hết kho tàng lương thực rồi mới về. Dưới triều vua Lý Thái Tổ các vị hoàng tử đều có nhiều công trận.

 (87) Vua Lý Thái Tổ mất năm Thiên-Thành 1028, thọ 55 tuổi, làm vua được 19 năm. Ngài là một vị vua thương dân

 (88) Khai Thiên Vương, tức Thái tử Lý Phật-Mã, lên ngôi năm 1028, tức là vua Lý Thái Tông. Ngài lấy niên hiệu là Minh-Ðạo.

 (89) Ðông Chinh Vương và Dực Thánh Vương xin về chịu tội đều được tha và cho phục chức cũ. Ðể điều ngự tâm thuật của những kẻ chung quanh, vua Thái Tông đặt lệ hàng năm hành lễ tuyên thệ, gọi là Hội thề, tại đền Ðồng-Cổ (ở xã Yên-Thái giáp Hồ Tây, Hà-Nội ngày nay). Các quan đều phải lập lời thề: "Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất hiếu bất trung xin quỷ thần làm tội". Các quan ai không tới tuyên thệ bị phạt 50 trượng. Nhà Trần sau cũng duy trì tục lệ này. Hàng năm cứ đến ngày mồng 4 tháng Tư âm lịch, dân chúng rủ nhau đi xem Hội thề ở đền Ðồng-Cổ đông như nước chảy.

 (90) Châu Quảng-Nguyên (gồm các vùng thuộc các tỉnh Cao-Bằng, Lạng-Sơn và Thái-Nguyên bây giờ) do các châu mục người Nùng cai trị. Một trong các người thủ lãnh của họ là Nùng Tồn-Phúc cát cứ tại châu Ðảng-Ro, bành trướng thế lực, giết em là Nùng Tồn-Lộc (thủ lãnh châu Văn-Nhai) và em vợ là Dương-Ðạo (châu Vũ-Hạc) để chiếm lãnh cả vùng châu Quảng-Nguyên lập thành nước Trường-Sinh, một quốc gia Nùng trong lòng Việt tộc.

 (91) Năm Mậu-Dần (1038), niên hiệu Minh-Ðạo, Nùng Tồn-Phúc xướng nghĩa độc lập, xưng là Chiêu-Thánh Hoàng-Ðế, phong cho vợ làm Minh-Ðức Hoàng-Hậu, con là Nùng Trí-Thông làm Nam-Nha Ðại-Vương. Ðây là thời kỳ oanh liệt nhất của người Nùng.

 (92) Măm Kỷ-Mão (1039) vua Lý Thái Tông ngự giá thân chinh, bắt được Nùng Tồn-Phúc và con là Nùng Trí-Thông đem về kinh trị tội. Vợ và người con khác là Nùng Trí-Cao chạy thoát được.

 (93) Nùng Trí Cao chiếm cứ châu Ðảng-Ro, gồm đất Cao-Bằng và Lạng-Sơn bây giờ, lập thành nước Ðại-Lịch.

 (94) Nùng Trí-Cao bị bắt. Vua Thái Tông nghĩ đã giết cha và anh Trí-Cao rồi nên không nỡ hại, lại cho về làm Quảng-Châu Mục, sau gia phong chức Thái-Bảo. Trí-Cao lại làm phản, xưng đế, chống lại triều đình Thăng-Long. Thời ấy có câu ca dao: "Mở mang, mang chạy lên rừng; Ta hay mang chạy ta đừng mở mang" (mang cũng là tên con vật thuộc loài hươu).

 (95) Nùng Trí-Cao lại lập nước Ðại-Nam, xưng là Nhân-Huệ Hoàng-Ðế.

 (96) Năm 1052, quân Nùng tấn công Ung-Châu và Tân-Châu của nhà Tống, chiếm được 8 châu (Hoành, Quý, Cung, Tầm, Ðằng, Ngô, Khang, Ðoan) thuộc Quảng-Ðông và Quảng-Tây.

 (97) Trí-Cao chạy trốn sang nước Ðại-Lý (tỉnh Vân-Nam). Sau bị người nước Ðại-Lý bắt được, chém đầu đem nộp cho nhà Tống.

 (98) Ðây là việc năm Canh-Thân (1020), Chiêm Thành quấy nhiễu; vua Lý Thái Tổ sai Khai Thiên Vương (Phật-Mã) vào đánh dẹp, giết được tướng Chiêm là Bồ-Linh, quân Chiêm thua lớn.

 (99) Năm Giáp-Thân (24 năm sau, 1044) vua Thái-Tông (Phật-Mã) lại mang binh thuyền đi đánh Chiêm-Thành vì lẽ vua Chiêm bỏ lệ tiến cống và người Chiêm thường hay quấy nhiễu các vùng duyên hải.

 (100) Tướng Chiêm là Quách Gia Dĩ hạ sát Quốc vương Xạ-Ðẩu rồi xin hàng. Thắng trận quân ta giết dân Chiêm rất nhiều, vua Thái Tông phải thiết quân luật mới chấm dứt được cuộc tàn sát này.

 (101) Ðây là lần thứ hai quân ta tiến vào kinh thành Phật-Thệ của Chiêm quốc. Lần thứ nhất xẩy ra vào năm 982, vua Lê Ðại Hành cũng đã từng mang quân Nam chinh, tiến vào kinh đô nước Chiêm.

 (102) Vua Lý Thái Tông tiến và kinh đô Phật-Thệ, bắt được Vương phi là Mỵ-Ê đem cùng với một số cung nữ Chàm đem về nước. Lại bắt theo 5 ngàn tù binh Chiêm và 30 con voi trận. Số 5 ngàn người bị bắt sau được triều đình cấp cho ruộng đất để lập ấp sinh nhai. Cung nữ Chiêm là các nhạc nữ chuyên ca điệu Tây-Thiên khúc. Các cung nhân Việt sau cũng được học lời ca và điệu múa của nhạc khúc này. Về sau vua Lý Thánh Tông cho truyền bá khúc nhạc và điệu múa theo nhịp trống Chiêm-Thành. Vua Lý Cao Tông lại sai nhạc công chế soạn nhạc khúc gọi là Chiêm-Thành Âm đầy ai oán não nùng khiến người nghe phải ngậm ngùi sa lệ. Người ta cho rằng có lẽ điệu Nam-bình, Nam-ai của Huế đã thoát thai từ đó.

 (103) Khi thuyền ngự về đến hạt Hà-Nam, vua cho đòi Vương phi Mỵ-Ê sang chầu, nhưng nàng đã quấn tấm chăn chiên lăn xuống sông tự trầm. Nay bên bờ sông Châu-Giang cạnh tỉnh lỵ vẫn còn ngôi đền mà dân chúng địa phương đã dựng lên để thờ người tiết phụ đó.

 (104) Thái tử Nhật-Tông lên ngôi năm 1054, tức là vua Lý Thánh Tông, lấy niên hiệu lần đầu là Long-Thụy Thái-Bình (1054-1058). Ngài nổi tiếng là một vị anh quân tài năng đức độ, có lòng thương dân.

 (105) Kể từ vua Lý Thánh Tông, nước ta mới có quốc hiệu là Ðại-Việt, còn ngót một trăm năm trở về trước vẫn xưng là Ðại-Cồ-Việt.

 (106) Binh chế thời nhà Lý rất nổi tiếng khiến nhà Tống bên Tầu phải học hỏi bắt chước. Sử chép quan Tri châu Thái Diên Khánh ở Hoạt Châu, thuộc nhà Tống, có dâng lên vua Tống Thần Tông cuốn "An-Nam Hành Quân Pháp" bắt được của nhà Lý. Ðặc điểm về chiến thuật dưới đời nhà Lý là việc xử dụng kỵ binh trong các đội ngũ chính binh và quân thác chiến.

 (107) Triều đại của vua Lý Thánh Tông được coi là triều đại văn vật nhất. Tinh thần Tam Giáo về đời nhà Lý cũng đã mở đường cho những thành tựu vẻ vang về đời nhà Trần sau này. Ðể cổ súy Nho giáo, mỗi năm hai lần vào dịp xuân thu, triều đình cho cúng tế rất long trọng miếu thờ Khổng-Tử và chư hiền, tức là 72 người học trò giỏi của đức Khổng. Nhà vua lấy ngày Thượng-đình tế ở Văn-miếu. Các quan theo ngày Trung-đình tế ở Văn-chỉ hàng tỉnh. Dân gian vào ngày Hạ-đình tế ở Văn-chỉ hàng xã. Văn-miếu còn là nơi học tập của các hoàng tử. Ở giai đoạn lịch sử này Khổng giáo bắt đầu đi sâu vào nếp sống dân gian. Nền văn hoá nguyên thủy của Việt tộc ta là một nền văn hoá có tính dung nạp thái dụng. Từ thời Bắc thuộc cho đến thời tự chủ, dân tộc Việt đã khéo mang những tinh hoa của Nho-Thích-Lão vào nếp sống Việt, tạo thành một nét văn hoá đặc thù, bàng bạc một nền "đạo sống". Nói về ảnh hưởng của Tam giáo trong nếp sống văn hóa chính trị ở nước ta, người đời sau nhận xét rằng: Chỉ khi nào Phật giáo nhẹ thấm vào lòng người như sương như mưa thì mới làm lợi lớn cho dân cho nước; và chỉ khi nào tinh thần Khổng giáo được chan hoà cùng với những tinh hoa của Phật và Lão thì sự thành tựu của Khổng mới vẹn toàn... Trái lại, bất cứ những giá trị văn hóa nào, dù là cao quý, khi đã trở thành độc tôn, đã tuôn tràn mạnh mẽ như thác lũ khiến phải ngăn chống bằng đê bằng đập, thì đều có thể trở thành tai họa. Cái khôn khéo của người xưa là biết khai dụng tinh thần "Tam giáo đồng hành" để áp dụng vào việc an dân trị nước, bồi đắp thêm cho nền văn hiến Việt.

 (108) Năm 1060, Lang-châu mục (thuộc Lạng-Sơn) là Thân Thiệu-Thái đuổi theo bắt những quân trốn tránh sang đất Tống, đã bắt được chức Chỉ-Huy-Sứ của Tống là Dương Bảo-Tài. Quan Lại Bộ Thị-lang nhà Tống đến Ung-châu hội nghị với nhà Lý xin trả lại vị tướng ấy. Vua ta không chịu. Việc ấy tỏ rõ thái độ ngoại giao cứng cỏi đối với nhà Tống, khiến triều đình nhà Tống phải suy đi nghĩ lại trong ý đồ xâm lăng.

 (109) Năm 1068, vua Thánh Tông cho chuẩn bị thêm chiến thuyền để ngự giá Nam chinh. Lực lượng viễn chinh của nhà Lý gồm có 200 chiến thuyền, mỗi chiếc chở 200 quân lính cùng quân trang lương thực. Tính ra như vậy có khoảng 5 vạn quân tham chiến trong đoàn quân viễn chinh. Lý Thường Kiệt làm Ðại tướng tiên phong, em là Lý Thường Hiến giữ chức Tán-kỵ Vũ-úy. Ở lại triều lúc bấy giờ có Ỷ-Lan Phu nhân và Thái-sư Lý Ðạo-Thành trông coi việc nước.

 (110) Từ cửa Nam-giới phía nam núi Hồng-Lĩnh (Hà-Tĩnh), binh thuyền tới cửa biển Nhật-Lệ, nơi tập trung thủy quân Chiêm, mất 5 ngày; nhưng từ Thăng-Long tới cửa Nam-giới quân triều đã đi mất 10 ngày.

 (111) Tướng Chiêm là Bố-Bì Ðà-La dàn trận trên bờ sông Tu-Mao để chặn đánh quân Lý. Quân nhà Lý tràn lên giết được tướng Chiêm cùng rất nhiều binh sĩ. Trận này sử gọi là trận Tu-Mao. Thắng trận Tu-Mao, quân Ðại-Việt còn phải vượt qua 2 con sông nữa mới tới kinh thành Phật-Thệ.

 (112) Lý Thường-Kiệt mang quân truy nã vua Chiêm Chế Củ mất ròng rã một tháng trời. Quân ta tiến tới biên giới Chân-Lạp, qua các vùng Phan-Rang, Phan-Thiết ngày nay. Vua Chiêm vốn có cựu thù với Chân-Lạp nên hết đường chạy phải ra hàng. Trước đó dân thành Phật-Thệ đã mở cửa thành xin đầu hàng vua Lý.

 (113) Vua Chiêm là Chế Củ xin dâng 3 châu Ðịa-Lý, Ma-Linh và Bố-Chính để chuộc tội, được tha cho về.

 (114) Ðây là lần đầu tiên ta lấy đất của Chiêm-Thành. Có lẽ vì nhận thấy vùng châu thổ sông Hồng đã trở nên chật hẹp trước sức bành trướng của dân tộc, nên triều đình vua Lý Thánh Tông bắt đầu có chính sách đế-quốc ở Nam thùy. Trước đây ta đã hai lần đánh Chiêm-Thành và vào kinh đô Phật-Thệ, dưới thời các vua Lê Ðại Hành và Lý Thái Tông, nhưng chỉ bắt người lấy của, với mục đích là dằn mặt để ngăn ngừa sự gây hấn của nước Chiêm chứ chưa có chính sách chiếm đất.

 (115) Ỷ-Lan có nghĩa là người con gái dựa bụi lan. Ỷ-Lan hay Yến-Nương là tên gọi bà Nguyên-phi sinh ra Thái-tử Càn-Ðức.

 (116) Lý Thường-Kiệt là một vị danh tướng bậc nhất của nước ta, ngài làm tướng dưới 3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông. Ngài từng đánh Tống, bình Chiêm, giữ yên bờ cõi, làm rạng rỡ trang chiến sử nước nhà.

 (117) Làng Thổ-Lội thuộc tỉnh Bắc-Ninh, sau đổi tên là làng Siêu-Loại, rồi lại đổi là làng Thuận-Thành.

 (118) Theo sử liệu, năm 1068 vua Lý Thánh Tông ngự giá Nam chinh. Ở lại triều có Ỷ-Lan Phu nhân và Thái-sư Lý Ðạo-Thành coi việc nước. Về việc này, có sách cho là chỉ có bà Dương hậu, có sách lại nói cả hai bà Dương hậu và Nguyên phi cùng buông rèm coi việc triều chính.

 (119) Trong giai đoạn lịch sử này, ngoài việc bất đồng chánh kiến giữa Lý Ðạo-Thành và Lý Thường-Kiệt về việc đánh Tống, còn có sự tranh chấp quyền hành giữa hai bà Dương Thái-hậu và Ỷ-Lan Thái-phi. Sách Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn có dẫn sự tích xuất xứ từ làng Siêu-Loại, nói là khi vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm-Thành, ở nhà bà Dương Hậu biết Ỷ-Lan Phu nhân đang mang thai, sợ sau này mất địa vị nên nên hư truyền rằng mình cũng có nghén. Khi bà Ỷ-Lan sinh được con trai, tức là thái tử Càn-Ðức, thì bà Dương Hậu lập kế chiếm lấy người con sơ sinh ấy, lại bắt giam Ỷ-Lan Phu nhân vào lãnh cung, nói là vì bà Ỷ-Lan sanh quái thai... Khi vua Lý Thánh Tông băng hà, Thái tử Càn-Ðức lên nối ngôi, việc này mới vỡ lở ra. Nguyên-phi lúc bấy giờ được tôn làm Hoàng Thái-phi, liền báo thù xưa, giết Dương Thái-hậu và chôn sống 72 người cung nữ a tòng trong vụ hãm hại Nguyên phi ngày trước. Chuyện này xét ra có vài điều không chính xác, vì năm 1068 vua Thánh Tông đi đánh Chiêm-Thành; 4 năm sau ngài mất, lúc ấy Thái-tử Càn-Ðức đã 7 tuổi. Như thế khi vua đi đánh Chiêm thì Thái-tử Càn-Ðức đã ra đời được 3 năm rồi. Có lẽ trong dân gian có thói quen ưa nói những chuyện "Ác giả ác báo", nên đã thêu dệt sử liệu để đặt thành giai thoại chăng?

 (120) Trước khi vua Lý Nhân Tông lên cầm quyền, Ỷ-Lan Thái-phi là người trực tiếp tham gia quốc sự. Bà có công dậy dỗ thiếu vương để sau này ngài trở thành một vị anh quân. Người ta cho rằng việc mở mang văn học, việc đánh Tống bình Chiêm và những việc trọng đại khác đều có sự thẩm xét và quyết định của bà bên cạnh thiếu quân, nhất là những năm đầu sau khi Thái tử Càn-Ðức lên nối ngôi. Lúc ấy Thái-sư Lý Ðạo-Thành đã đi trấn thủ Nghệ-An vì bất đồng chính kiến với Lý Thường-Kiệt trong việc đánh Tống.

 (121) Kỳ thi Tam trường đầu tiên ở nước ta vào năm 1075 chọn được 10 người. Ông Lê Văn Thịnh đỗ đầu được cử vào dạy vua học. Ông làm quan đến chức Thái-sư, về sau bị đầy lên Thao-Giang (Phú-Thọ) vì bị nghi ngờ có ý phản nghịch. Mười một năm sau (1086) có Mạc Hiển Tích người Hải-Dương đỗ đầu, được bổ Hàn-Lâm-Viện học sĩ.

 (122) Vương An Thạch là một đại chính trị gia triều Tống, vốn có ý mở rộng đế quốc Trung Hoa. Về chính trị, họ Vương đặt ra phép thanh miêu (thu mua lúa lúc còn xanh), phép miễn dịch (cho nhà giầu được thuê người khác làm sưu dịch thay cho mình), phép bảo giáp (10 nhà hợp thành một Bảo, 500 nhà hợp thành một Ðô, dạy dân luyện tập quân sự), phép bảo mã (giao ngựa trận cho các Bảo nuôi). Vương An Thạch muốn lập biên công, mới tâu với vua nhà Tống rằng: "Giao-Chỉ vừa đánh Chiêm-Thành bị bại, quân không còn nổi một vạn, có thể dùng quân Ung-Châu sang đánh lấy". Tri châu Tiêu-Chú ở Ung-Châu đã có lần dâng sớ xin đánh Ðại-Việt, tuy nhiên thái độ ngoại giao cứng rắn của nhà Lý làm cho Tống triều sinh nghi. Tiêu Chú sau dò biết được tình hình Lý triều lúc này rất thịnh đạt, đánh thắng Chiêm-Thành mở rộng bờ cõi về phương Nam, họ Tiêu có ý trù trừ. Nhưng đến năm Lý Thánh Tông qua đời, vua Nhân Tông còn nhỏ tuổi, Dương Thái-hậu và Ỷ-Lan Thái-phi tranh nhau quyền vị; trong triều thì hai đại thần văn võ là Lý Ðạo-Thành và Lý Thường-Kiệt chính kiến bất đồng, triều đình nhà Tống tưởng cơ hội đã đến. Nhưng Tiêu Chú có tính cẩn thận nên vẫn ngần ngại. Trái lại Binh-bộ Thị-lang là Thẩm-Khởi lại sốt sắng việc đánh Ðại-Việt. Vua Tống bèn phái Thẩm-Khởi thay Tiêu-Chú lo việc xuất quân.

 (123) Thẩm-Khởi dụ dỗ mua chuộc các Tù-trưởng miền thượng du đang lệ thuộc nhà Lý, được Lưu Kỷ ở Quảng-Nguyên, Nùng Thiện-Mỹ ở châu Ân-Tình (Bắc-Kạn), sau lại chiêu dụ được cả Nùng Trí-Hội là con Nùng Trí-Cao ở châu Quy-Hóa. Khởi lại ra lệnh cho Ty Kinh-lược tỉnh Quảng-Tây mộ dân đinh các khê động làm thanh viện cho Trí-Hội.

 (124) Tô-Giàm là tướng giữ thành Ung-Châu, tài giỏi cả về quân sự lẫn chính trị. Khi thành bị quân nhà Lý bao vây, ông đem công nhu ra phân phát hết để khích lệ tinh thần quân dân, tính chỉ trong vòng nửa tháng là viện quân sẽ tới nơi. Ông lại ra nghiêm lệnh kẻ nào trốn chạy sẽ bị trị tội. Quân tiếp viện từ Quế-Châu do Vương Thủ Tiết chỉ huy không dám tiến thẳng đến Ung thành, đi vòng theo đường Quý-Châu, tới Tân-Châu rồi dừng lại nghe ngóng. Thành Ung-Châu ngày thêm nguy ngập, Trương Thủ Tiết bất đắc dĩ phải tiến quân. Ðoàn quân này tới huyện Tuyên-Hóa còn cách Ung-Châu 40 cây số thì bị quân nhà Lý chặn đánh. Quân Tống đại bại, Vương Thủ Tiết chết tại trận. Thành Ung-Châu chiến đấu đến sức cùng lực kiệt. Phút cuối cùng Tô-Giàm cho 36 thân nhân tự sát rồi cũng tự thiêu mà chết. Dân trong thành không chịu hàng, bị quân nhà Lý giết hết. Trong cuộc chinh phạt của Lý Thường-Kiệt, quân dân Trung Quốc bị hại vào khoảng 7 vạn người, hơn 200 người bị bắt đem về Ðại-Việt cùng nhiều của cải. Ba châu Ung, Khâm, Liêm bị đốt phá tan tành.

 (125) "Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư,

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".

 Trước sức tấn công dữ dội của quân định, Lý Thường-Kiệt phải lập kế để phấn khích tinh thần quân sĩ. Ông mật sai người đang đêm lẻn vào đền Trương Hát ở bên sông, giả làm thần nhân đọc lớn ra bốn câu thơ ấy. Người đời sau cho rằng đây chính là bản Tuyên ngôn Tự chủ đầu tiên của nước ta.

 (126) Các châu bị tạm chiếm là Quảng-Nguyên, Tư-Lang, Tô-Mậu và huyện Quảng-Lang.

 (127) Năm Mậu-Ngọ (dl.1078), hai năm sau chiến cuộc, sứ thần ta là Ðào Nguyên Tôn đưa 5 con voi đã thuần sang cống vua Tống và đòi lại châu Quảng-Nguyên. Tống ưng thuận với điều kiện Lý triều phải trả lại 221 người ở các châu Khâm, Ung, Liêm đã bị bắt đem đi năm Ất-Mão. Người Tống tiếc vì châu Quảng-Nguyên có mỏ vàng mới đặt hai câu: "Nhân tham Giao-Chỉ tượng, Khước thất Quảng-Nguyên kim". Các châu huyện khác, sau do phái bộ của Binh bộ Thị-lang Lê Văn Thịnh đòi về năm 1084.

 (128) Lý Thường-Kiệt là một danh tướng của nước ta, đến tuổi già ngài vẫn còn cầm quân đánh giặc. Ngài mất vào năm Long-Phù thứ 5 (dl.1105). Vua Lý Nhân Tông ban chiếu truy tặng chức Nhập-nội Ðô-tri Kiểm-hiệu Thái-úy Bình-chương Quân-quốc Trọng-sự, Việt Quốc Công. Ngài trước sau thờ ba đời vua đều được trọng dụng, kính mến. Sau khi ngài mất, dân bản phường (phường Thái-Hòa, huyện Thọ-Xương) thờ làm thần, được các triều về sau này phong tặng.

 (129) Sau khi những người chống Ðỗ Anh Vũ đã bị giết hại, triều đình vẫn còn những trọng thần trung dũng như Tô Hiến Thành, Hoàng Nghĩa Hiền, Ðỗ Trung Tín... nên Ðỗ Anh Vũ không dám đi xa hơn nữa trong âm mưu tiếm quyền. Tô Hiến Thành là bậc đại thần của nhà Lý, làm quan đến chức Thái-uý, coi cả việc văn lẫn việc võ, sau được gia phong Thái-phó Bình-chương Quân-quốc Trọng-sự và thêm Vương tước. Ông có tài chính trị lại giỏi điều khiển việc quân sự, tự chọn người làm tướng, luyện tập quân đội, nên giặc dã các nơi đều dẹp yên. Ông cũng chăm lo việc khai hóa dân trí, mở khoa thi vào năm Ất-Dậu (dl.1165).

 (130) Thân-Hợi xưng là con riêng của vua Lý Nhân Tông, có phen đã xuất gia, sau tụ tập đồ đảng ở Thái-Nguyên, tự xưng vương và phong chức tước. Năm Tân-Dậu, Ðỗ Anh Vũ cầm quân đuổi được Thân-Hợi ở phủ Phú-Lương khi Thân-Hởi đang điều quân vây hãm phủ lỵ. Thân-Hợi chạy lên Lạng-Sơn bị quân của Tô Hiến Thành đuổi theo bắt được đem về kinh trị tội.

 (131) Trong hai năm Tân-Mão và Nhâm-Thìn (1171-1172) vua Anh-Tông vi hành khắp nơi trong nước để xem xét dân tình và địa thế sông núi. Ngài cho họa cuốn Nam Bắc Phiên Giới Ðịa Ðồ. Việc trị dân cũng được canh cải.

 (132) Năm 1164, nhà Tống đổi Giao- Chỉ Quận làm An-Nam Quốc, phong vua Lý Anh Tông làm An-Nam Quốc-vương. Các triều vua trước của ta chỉ được Hoàng-đế nhà Tống phong là Giao-Chỉ Quận-Vương hay Nam-Bình-Vương. Có lẽ các triều trước không đòi cải chính cũng chỉ vì cốt đạt các mục tiêu ngoại giao, không muốn gây những mâu thuẫn vô ích với Tống triều.

 (133) Long-Xưởng đáng lẽ được nối ngôi vua vì đã được phong làm Thái tử, nhưng trước đây vì phạm tội nên đã bị truất.

 (134) Ông Tô Hiến Thành mất năm Kỷ-Hợi (dl.1179). Lúc còn sinh thời đã có sự bất đồng với Thái-hậu về ý đồ phế lập. Sau khi ông mất triều đình đã làm trái ý ông, cử Ðỗ Yên Di làm Phụ-chánh và Lý Kinh-Tu làm Ðế-sư.

 (135) Nhả Trần Lý có ba người con: ông Trần Thừa là con cả (sinh ra Trần Cảnh), kế là Trần Tự Khánh, bà Trần thị  (Trần Thị Dung) là con gái út.

 (136) Trần Lý lúc ấy đã bị giặc cướp giết nhưng con là Trần Tự-Khánh vẫn giữ được binh quyền.

 (137) Lý Huệ Tông phong Trần Tự-Khánh làm Trung Tín Hầu, người cậu là Tô Trung-Từ được phong làm Thái-úy Thuận Lưu Bá, Trần Thừa được phong làm Nội-Thị Phán Thử.

 (138) Thái-hậu cùng vua Lý Huệ Tông bỏ lên Lạng-sơn để phòng sự bất trắc. Bà lại ép vua bỏ Trần thị. Vua Huệ Tông không nghe, Thái-hậu định bỏ thuốc độc, Huệ Tông phải san xẻ bữa cơm của mình cho Trần thị. Sau bị bức bách quá Huệ Tông cùng Trần thị lén bỏ trốn về kinh đô. Từ đấy thế lực họ Trần càng mạnh hơn trước.

 (139) Trần Liễu là con trưởng của Trần Thừa, anh em cô cậu với công chúa Thuận-Thiên. Ông là thân sinh của Hưng-Ðạo Ðại-Vương Trần Quốc-Tuấn.

 (140) Trần Cảnh, em Trần Liễu, là con thứ của Trần Thừa và cháu ruột Trần Thủ Ðộ, mới có 8 tuổi được đưa vào cung làm quan Chính-thủ hầu cận nữ hoàng. Ðấy là vị quan nhỏ tuổi nhất. Một hôm Trần Cảnh bưng thau nước hầu nữ hoàng, bị Chiêu-Thánh cười đùa tạt nước vào mặt. Hôm khác Cảnh dâng khăn cũng bị nữ hoàng đùa ném khăn vào mặt. Trần Cảnh lặng thinh về kể lại với chú. Trần Thủ-Ðộ ngẩn người ngẫm nghĩ: "Không biết ấy là điềm được cho "nước" hay là điềm chết cả họ!". Họ Trần bèn nẩy ra kế mượn giai thoại "Tạt nước chọn chồng" để thực hiện cuộc đảo chánh không đổ máu trong hoàng cung.

 (141) Việc nhà Trần nghiễm nhiên lên ngôi sau cuộc đảo chính thầm lặng đã gây sự công phẫn khắp triều thần văn võ. Tuy nhiên vì thế lực họ Trần lúc ấy quá mạnh nên họ đành phải thúc thủ. Ðối với dân chúng thì nhà Lý vẫn là tiêu biểu cho quốc gia, tiêu biểu của cái chung đã được sự công nhận của toàn dân, cho nên trong dân gian mới có câu truyền khẩu châm biếm như thế.

 (142) Trần Cảnh tức là vua Trần Thái Tông lên ngôi lúc mới có 8 tuổi, quyền hành nằm trọn trong tay chú là Trần Thủ Ðộ. Với chức vụ Thái-sư Thống-quốc Hành-quân Chinh-thảo-sứ, Trần Thủ Ðộ lúc ấy có địa vị giống như một vị Thái Thượng-hoàng trong các triều vua nhà Trần sau này.

 (143) Thủ-Ðộ một hôm đến chùa Chân-Giáo thấy vua Lý Huệ Tông đang nhổ cỏ, liền nói rằng: "Nhổ cỏ phải nhổ cả rễ cái của nó đi!". Vua hiểu ý. Mấy ngày sau Thủ-Ðộ cho người đến mời. Huệ Tông biết ý bèn vào nhà trong tự thắt cổ chết. Việc chôn sống tông thất nhà Lý xẩy ra năm 1232, nhân lễ tế tiên-hậu nhà Lý tại thôn Thái-Ðường (làng Hòa-Lâm, huyện Ðông-Ngàn, tỉnh Bắc-Ninh). Những hành động tàn nhẫn của Trần Thủ Ðộ với mục đích củng cố địa vị cho một giòng họ chắc hẳn đã gây sự kinh hoàng khủng khiếp đến mọi tầng lớp dân gian lúc ấy, mặc dầu nhà Trần là một triều đại rất thân dân và nêu cao tinh thần dân chủ.

 (144) Thủ Ðộ bắt vua Thái- Tông phải bỏ Chiêu-Thánh Hoàng-hậu vì đã ăn ở 12 năm mà vẫn chưa có con nối dõi. Ðộ lại giáng Chiêu-Thánh xuống làm công-chúa rồi đem người chị của Chiêu-Thánh là bà Thuận-Thiên, vợ của Trần Liễu lúc ấy đã có thai 3 tháng, vào cung làm Hoàng-hậu. Lo xa hơn nữa, để tránh nạn thoán nghịch của ngoại thích, Thủ-Ðộ xướng thuyết trai gái họ Trần lấy lẫn nhau. Ðộ thực hành ý tưởng này bằng việc kết duyên với Thái hậu Trần thị Dung, vợ góa Lý Huệ Tông, và là chị họ của Thủ-Ðộ, khi ấy đã bị giáng xuống làm Thái-Cực công chúa.

 (145) Vua Thái Tông đang đêm bỏ hoàng cung lên ở chùa Phù-Vân trên núi Yên-Tử (huyện Hưng-Yên, tỉnh Quảng-Yên) để tỏ thái độ chống đối tiêu cực trước hành vi áp chế của ông chú. Thủ Ðộ đem các quan đi đón về triều. Thái Tông không chịu, nói mình còn ít tuổi không kham nổi việc lớn, yêu cầu triều đình cử người xứng đáng thay ngài. Thủ-Ðộ bảo các quan: Hoàng thượng ở đâu thì triều đình ở đấy. Rồi truyền các quan lo liệu việc xây dựng cung điện. Sư trụ trì phải vào kêu nài mãi Thái Tông mới chịu lên xa giá về kinh.

 (146) Năm Ðinh-Tý (dl.1257) quân Mông-Cổ trong khi đi đánh Tống đã từ Vân-Nam theo đường sông Thao tràn xuống nước ta. Giặc vào kinh thành Thăng-Long tàn sát không còn một người dân. Khi ấy chủ lực quân nhà Trần chống cự không nổi đã phải rút xuống Ðông-Bộ-Ðầu bên tả ngạn sông Hồng, nhiều cánh quân bị tan rã. Vua Thái-Tông đích thân dùng thuyền nhỏ đi tham khảo ý kiến các tướng lãnh. Tất cả đều tỏ lộ sự tuyệt vọng. Ðến lượt Thái-sư Trần Thủ-Ðộ; ông thản nhiên đáp: "Ðầu tôi chưa rơi xuống đất thì xin bệ hạ đừng lo!". Câu nói lịch sử này đã quyết định tình hình chiến sự và định đoạt cả vận mệnh của dân tộc. Trần Thủ Ðộ là hạng người nào? Ðời sau nhìn Trần Thủ Ðộ dưới nhiều nhãn quan khác nhau. Sử gia đời Hậu Lê, dưới lăng kính Nho-giáo, cho Thủ-Ðộ là kẻ bất nhân, loạn luân, tàn ác... có thể không sai, nhưng chưa hoàn toàn rõ nét. Phải công bằng mà nhìn nhận Trần Thủ-Ðộ là thể hiện của một nhân cách phi thường, chưa kể ông là người có công lớn đối với đất nước trong việc kháng Nguyên. Ông sinh năm Giáp-Dần (dl.1194), dưới đời vua Lý Cao Tông; mất năm 1268 đang lúc vua Trần Thánh Tông chuẩn bị cuộc kháng Nguyên lần thứ hai, thọ 74 tuổi. Ông chỉ xuất hiện trong lịch sử từ năm 1224 với chức Ðiện-tiền Chỉ-huy-sứ, cầm đầu Cấm vệ quân vào lúc cuối triều nhà Lý. Trước đó ông chỉ là một bộ tướng vô danh trong quân đội của Trần Tự Khánh (Tự-Khánh mất năm 1223). Ông không phải là một tướng lãnh có thành tích chiến trận. Khi cầm Cấm vệ binh giữ kinh thành ông chỉ làm một việc duy nhất là lật đổ ngai vàng nhà Lý bằng một cuộc đảo chánh không đổ máu. Nhưng trong chiến trận ông là một tham mưu giỏi, và ông chính là linh hồn của cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất. Về bản chất, ông là một nhà chính trị đích thực, khác với Vạn-Hạnh Quốc-sư, hay Lý Ðạo-Thành, Tô Hiến-Thành đời trước, vốn là những nhà chân tu hay nhà đạo đức làm việc chính trị. Và mặc dầu có những khuyết điểm nặng nề trong việc thanh toán tông thất nhà Lý bằng hạ sách, ông vẫn tượng trưng cho một ý chí phi thường trong việc giữ nước. Tóm lại Trần Thủ Ðộ là một nhà chính trị. Nhân cách của ông không được coi trọng như những danh nhân lịch sử của dân tộc, nhưng ông chính là người đã chuyển vận nước, đưa đất nước từ một triều đại đang tàn lụi sang một thời đại hùng cường mới, để vận dụng sức mạnh của dân tộc ngăn chống và đánh bại tất cả các cuộc xâm lăng khủng khiếp của đế quốc Mông Cổ thời bấy giờ.

 (147) Mười hai lộ (tỉnh) của nước ta dưới đời nhà Trần là: Thiên-trường, Long-hưng, Quốc-oai, Bắc-giang, Hải-đông, Trường-yên, Kiến-xương, Hồng-châu, Khoái-châu, Thanh-hóa, Hoàng-giang và Diễn-châu.

 (148) Câu tục ngữ này nói lên sự bất mãn hoặc chê trách của dân chúng về chế độ tập ấm và gia nô, gia đồng, mua bán nô lệ (đã bị bãi bỏ dưới triều vua Lý Thái Tông lúc trước). Lệ tập ấm kéo dài đến đời Trần Phế Ðế mới hết.

 (149) Khoa thi Tam-giáo được mở vào năm 1227 dưới đời Trần Thái Tông. Liên tiếp các triều vua sau việc khoa cử đều lấy tới Tam khôi: Trạng-nguyên, Thám-hoa, Bảng-nhãn.

 (150) Các thư biểu ngoại giao với Mông Cổ tuy lời lẽ nhũn nhặn nhưng lập trường thì rất đanh thép. Bài Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Ðạo cũng là một bản hùng văn của lịch sử.

 (151) Thiết Mộc Chân sau xưng là Thành-Cát Tư-Hãn (Gengis Khan), đánh bại quân đội Thổ-Nhĩ-Kỳ ngang với đời vua Lý Cao Tông ở nước ta.

 (152) Lúc này Trung Quốc chia làm 3 khu vực, thuộc quyền 3 vương triều: Khu vực Hoa-Bắc do người Kim dòng dõi Mãn-châu chiếm giữ, kinh đô là thành Bắc-Kinh. Hoa-Nam thuộc nhà Tống, kinh đô ở Hàng-châu. Miền Tây-Bắc thuộc nước Tây-Hạ.

 (153) Trước sức tàn phá và bành trướng như bão táp của đế quốc Mông-Cổ, các quốc gia Tây-Âu ở trong tình trạng khủng khiếp, lo sợ giặc Mông sắp sửa tràn tới bất cứ lúc nào. Giáo-hoàng Innocent IV và vua Louis nước Pháp đã phải cử sứ giả sang Mông để cầu hòa. Lúc ấy vó ngựa Mộng-Cổ đã dầy xéo tan nát khắp vùng Trung Á sang đến Ðông-Âu. Sau khi đánh tan Ðế quốc Hồi, tràn qua Afganistan (A-Phú-Hãn), Pakistan (Hồi quốc), Armenia... quân Mông-Cổ đã vượt núi Caucase tiến vào địa giới nước Nga. Năm 1223 Mông-Cổ tiêu diệt 8 vạn kỵ binh thiết giáp của Nga. Các công vương Nga bị bắt trói và bắc ván trên đầu để bọn tướng xâm lược uống rượu ăn mừng chiến thắng. Năm 1238 quân Mông vượt sông Volga chiếm kinh đô Mạc-Tư-Khoa và 14 thành thị lớn, 4 phần 5 lãnh thổ Nga bị xâm chiếm. Năm 1241 Mông đánh tan liên binh Ba Lan - Ðức, chiếm Hung-Gia-Lợi, lên đến tận bờ biển Nam-Tư và thành Venise của Ý. Một Ðế-quốc Mông-Cổ rộng lớn chưa từng thấy đã được thành lập vào đầu thế kỷ 13, bao quát 2/3 thế giới, trải rộng từ Thái-Bình-Dương tới bờ Hắc-Hải.

 (154) "Vó ngựa Mông-Cổ đi tới đâu thì nơi ấy một ngọn cỏ cũng không mọc lên được". Trong khi tất cả các quốc gia, các đế quốc lớn nhỏ, khi chạm với Mông-Cổ đều bị nghiền nát và cả thế giới lo lắng tuyệt vọng tưởng như đã tới ngày tận thế, thì 3 cuộc chiến thắng của Ðại-Việt dưới đời nhà Trần hiển nhiên đã bẻ gẫy mộng làm chủ toàn cầu của Ðế-quốc Nguyên Mông. Vào đầu thế kỷ 13 Ðại-Việt không những đã chặn đứng sức bành trướng của giặc Mông-Cổ, che chở cho các quốc gia trong vùng Ðông Nam Á, mà còn đánh tan kế hoạch nô lệ hoá thế giới của Thành-Cát Tư-Hãn được tiếp tục thực hiện dưới các triều đại kế thừa. Ngoài niềm hãnh diện về hùng khí của dân tộc và về kỳ tài lãnh đạo chiến lược của Hưng-Ðạo-Vương Trần Quốc Tuấn, ta còn niềm tự hào và tin tưởng ở tinh thần Diên-Hồng, tiêu biểu cho tinh thần dân chủ Nam phương. Tinh thần ấy đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến thắng bạo lực Mông-Cổ của quân dân ta dưới thời nhà Trần.

 (155) Mộng-Kha (Mong-ké) tức là vua Nguyên Hiến-Tông. Sau khi ông mất, em là Hốt-Tất-Liệt lên ngôi Nguyên chủ, xưng là Nguyên Thế-Tổ (quốc hiệu đổi là Nguyên từ đấy).

 (156) Ngột-Lương-Hợp-Thai (Wouleangotai) là một danh tướng của Mông-Cổ.

 (157) Sông Thao cũng là một tên khác của sông Hồng-Hà, còn gọi là sông Cái. Ba dòng sông lớn (Tam đại giang) là sông Ðà, sông Thao, sông Lô giao nhau ở Việt Trì. Các trận tấn công xâm lược của Ðế quốc Trung-Hoa thời xưa vào đất Việt thường dùng đường bộ tiến vào Lạng-sơn hay qua Cao-Bằng; đường sông từ Vân Nam xâm nhập vào sông Thao; hoặc đường biển vào cửa Bạch Ðằng.

 (158) Trong các đạo quân xâm lược của đế quốc Mông-Cổ, ngoài đạo quân của Á-Châu là con trai viên danh tướng Ngột-Lương-Hợp-Thai, còn có quân đội của 50 Thân-vương Mông-Cổ. Khí thế giặc rất mạnh, tiến vào Thăng-Long như chỗ không người.

 (159) Sông Ðuống là một phụ lưu của sông Hồng-Hà chảy từ tây sang đông ra sông Bạch-Ðằng.

 (160) Sông Cầu còn có tên là sông Như-Nguyệt, chảy qua tỉnh Bắc-giang xuôi theo hướng nam đông-nam xuống sông Bạch-Ðằng.

 (161) Sông Cái tức sông Hồng-Hà.

 (162) Ðông-Bộ-Ðầu là một địa danh chiến lược ở bên tả ngạn (phía đông) sông Hồng, khúc dưới thành Thăng-Long, thuộc địa hạt huyện Thượng-Phúc.

 (163) Sông Thiên-Mạc là khúc sông Hồng ở dưới Ðông-Bộ-Ðầu, thuộc huyện Ðông-Anh, tỉnh Hưng-yên.

 (164) Thành Thăng-Long bỏ ngỏ, quân giặc tiến vào tìm thấy 3 người sứ thần của họ bị giam trong ngục. Khi cởi trói thì một người đã chết. Quân Nguyên tức giận tàn sát dân chúng trong thành già trẻ lớn bé không tha một mạng. Trong lúc rút chạy khỏi thảnh Thăng-Long, Thái-úy Trần Nhật-Hiệu, em ruột vua, là võ quan cao cấp nhất chỉ huy quân Cấm vệ, đã lạc mất cả cánh quân Thiên-cương của mình. Khi vua Thái Tông dùng thuyền đi tham khảo ý kiến các tướng lãnh thì Nhật-Hiệu còn đang run sợ, ông phải cầm sào vạch xuống nước sông hai chữ "Nhập Tống", ngụ ý xin cầu cứu nhà Tống. Nhưng lúc ấy thì vận mạng nhà Tống cũng đang như chỉ mành treo chuông trước sức tấn công của quân Mông Cổ.

(165) Khi vua hỏi ý kiến quan Thái-sư, Trần Thủ Ðộ thản nhiên nói: "Ðầu tôi chưa rơi xuống đất thì xin bệ hạ đừng lo!". Câu nói lịch sử này đã quyết định trận đánh. Trong trận kháng Nguyên lần thứ nhất Trần Thủ Ðộ đã không xuất hiện như một dũng tướng, nhưng ông là linh hồn của cuộc kháng chiến. Các tướng lãnh được tung ra trận là những vị như Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Lê Tần,... và ngay cả vua Trần Thái Tông và Thái-tử Trần Khoán (Hoãng).

 (166) Trận Ðông-Bộ-Ðầu diễn ra vào tháng chạp năm Ðinh-Tỵ (ngày 29-1-1256), là trận đánh quyết định cuộc thắng bại. Trong trận này quân Trần đã dốc toàn lực quyết liệt phản công nên chỉ sau 9 ngày đại quân Nguyên đã bị đánh bật khỏi các cứ điểm tạm chiếm. Trên đường rút lui ngược sông Hồng-Hà giặc còn bị dân quân các vùng sơn cước tự động chặn đánh khắp nơi hết sức điêu đứng. Ðoàn quân bách chiến của tướng Ngột-Lương-Hợp-Thai đành phải tháo chạy về Côn-Minh. Ðây là trận chiến bại đầu tiên của Mông-Cổ kể từ khi mang quân đi chinh phục toàn thế giới.

 (167) Năm Mậu-Ngọ (dl.1258) Trần Thái Tông truyền ngôi cho thái tử Trần Khoán (Hoãng) để lên làm Thái-thượng-hoàng. Ðây là chính sách truyền ngôi rất khôn ngoan của nhà Trần, nhằm ổn định chính trị, đề phòng những đột biến có thể xẩy ra và tránh những sai lầm chính sách trong giai đoạn chuyển tiếp. Thái tử Khoán lên ngôi đổi niên hiệu là Thiệu-Long, tức vua Trần Thánh Tông. Ngài là một vị vua tài giỏi, khôn khéo cả về việc văn lẫn việc võ, lại hết lòng với dân với nước.

 (168) Triều đình Nguyên đòi đặt chức quan Ðạt-lỗ-hoa-xích (hay Ðạt-lỗ-cát-tề) tức là quan Chưởng-ấn để ngấm ngầm giám trị các châu quận của nước ta trong khi họ chưa cướp được nước. Vì biết lực lượng chưa đủ mạnh để đương đầu với giặc nên vua Thánh Tông phải đành tạm nhận điều khoản này. Ðến năm 1275 thì ngài từ chối thẳng. Trong bài biểu của vua gởi sang triều đình nhà Nguyên viết: "...Vả lại Ðạt-lỗ-cát-tề chỉ đáng thi hành với các nước xấu xa nhỏ mọn, nơi mọi rợ ở biên giới, lẽ nào tôi đã được liệt phong vào bậc Vương, đứng hàng phên dậu một phương mà lại lập Ðạt-lỗ-cát-tề cai quản thì hà chẳng bị các nước chư hầu chê cười ư ?"... Vua Trần Thánh Tông lại xin đổi chức quan Ðạt-lỗ-cát-tề làm chức Dẫn-tiến-sứ, tức là chức quan coi việc kiểm điểm đồ tiến cống, chẳng có quyền hành gì đối với nước ta; vua Nguyên không chịu. Triều đình nhà Nguyên biết rằng dụng kế để cướp nước không xong mới quay trở lại biện pháp võ lực.

Vũ Thanh Thư

Nguồn: http://www.taphopdongtam.org

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Truyện Sử
www.vietnamvanhien.net
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ của Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt

Trang [ 1 ] [ 2 ][ 3 ]