Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net






Trang mạng Việt Nam Văn Hiến  xin trân trọng lưu trữ và phổ biến bài: Cốt Lõi Tư Tưởng Việt Nam và Vấn Đề Tam Giáo Phật-Nho-Lão, trong mục đích bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc và để tri ân  sự  hiện hữu  cuả Luật Sư Cung Đình Thanh trong dòng sinh mệnh Việt, cùng những đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt.

Nhóm mạng Việt Nam Văn Hiến




Cốt Lõi Tư Tưởng Việt Nam

và Vấn Đề Tam Giáo Phật-Nho-Lão
Cung Đình Thanh




Phần dẫn nhập :

 

Người viết đã đắn đo, dùng dắng rất nhiều trước khi đặt bút viết về đề tài này :

 

- Lý do thứ nhất là bởi đề tài nêu ra rất khó, không dễ gì có thể gói ghém được trong một bài viết.

 

- Lý do thứ hai là không những vấn đề quá phức tạp mà sự hiểu biết của một người không thể cho thấy hết được những khía cạnh khác nhau của vấn đề.

 

- Lý do thứ ba, và điểm này sẽ được làm sáng tỏ hơn ở phần sau, là những tài liệu không phải chỉ khan hiếm vì còn ẩn mật ở kho tài liệu vô cùng phong phú viết bằng chữ Hán mà hiện cả tên tác giả lẫn những tác phẩm đều đã bị thay đổi, đánh tráo đi, nếu muốn tìm ra căn nguyên của nó không phải là vấn đề đơn giản.

 

Sự đắn đo đó lại trở thành một nỗi âu lo, bởi đây là đề tài mà nhiều bậc trưởng thượng đã sống từ thời kỳ Nho học chưa tàn, am hiểu cả Nho lẫn Tây học một cách thấu đáo và đã để gần suốt cuộc đời mình suy nghĩ về vấn đề này mà đến nay vẫn chưa công bố những khám phá của mình. Người viết chỉ là một kẻ hậu học sự hiểu biết còn nông cạn, nên rất ngại ngùng khi nghĩ đến việc phải viết bài này.

 

Tuy nhiên, người viết thiển nghĩ, muốn vào tham quan tòa lâu đài tư tưởng Việt thì không thể không bước qua ngưỡng cửa cốt lõi tư tưởng và vấn đề tam giáo này. Bởi vậy, chúng tôi mạn phép cứ tạm trình bày phần suy nghĩ của mình chỉ với lòng ước mong như một lời mời gọi, xin bạn đọc và các bậc trưởng thượng bổ túc và chỉ cho những chổ sai lầm hầu có thể có được tài liệu hoàn chỉnh hơn trong tương lai.

 

 

GIỚI HẠN ÐỀ TÀI

 

Nói đến tư tưởng Việt Nam người ta nghĩ ngay đến tư tưởng của ba tôn giáo Phật, Nho, Lão đã lưu hành lâu đời và thấm được vào trong cách suy nghĩ của mỗi người Việt chúng ta. Nhưng về vấn đề này cũng có những ý kiến khác biệt: có những nhà nghiên cứu từng khẳng định rằng tư tưởng Việt Nam là Tam giáo, hay nói cách khác, ngoài Tam giáo ra Việt Nam chẳng còn có tư tưởng gì khác.

 

Không ai trong chúng ta không công nhận ảnh hưởng của Tam giáo đối với tư tưởng Việt Nam là quan trọng. Nhưng nói rằng tư tưởng Việt Nam chỉ là Tam giáo thì chắc chắn sự khẳng định đó là không đúng, bởi vì cốt lõi của tư tưởng Việt đã thành hình trước khi có Tam giáo. Còn nói tư tưởng của Tam giáo rất quan trọng trong đời sống Việt Nam thì cũng chỉ đúng một phần, nhiều lắm là một nửa. Bởi vì tư tưởng của Tam giáo chỉ quan trọng đối với đời sống tư duy, đời sống tinh thần của người Việt khi nó đã được bản địa hóa, được Việt Nam hóa đi chứ tự nó không thấm sâu vào được trong tuyệt đại đa số người bình dân Việt. Mà nói tư tưởng Tam giáo đã được Việt Nam hóa tức đã xác nhận cốt lõi của tư tưởng Việt Nam trước khi có Tam giáo vào, đã đủ mạnh, đủ phong phú nên mới có thể dung hóa được những tư tưởng trong Tam giáo là những tư tưởng rất cao thâm, đứng vào bậc nhất của nhân loại. Vậy, chúng ta có ba vấn đề cần phải khảo sát :

 

1 - Cốt lõi của tư tưởng Việt Nam là gì ?

 

2 - Nó đã dung hóa, đã biến đổi tư tưởng căn bản của Tam giáo để hoà nhập vào nó như thế nào ?

 

3 - Và sau khi đã bản địa hóa tư tưởng Tam giáo, nó lại qui ba tư tưởng đã được Việt Nam hóa đó thành một mối mà người ta thường gọi là Tam Giáo Ðồng Nguyên. Tam Giáo Ðồng Nguyên được hiểu ra làm sao ?

 

Ðó là đối tượng của bài tham luận này.


MINH XÁC VỀ VẤN ÐỀ TÀI LIỆU

 

Chúng ta căn cứ vào đâu để tìm hiểu cốt lõi của tư tưởng Việt Nam và sự Việt hóa tư tưởng của Tam giáo.

 

Trước hết phải căn cứ vào chữ viết. Ai trong chúng ta cũng biết về phương diện này, trong thời cổ đại tài liệu rất hiếm hoi. Sự hiếm hoi này chưa hẳn là vì có ít tài liệu mà có thể vì những tài liệu này đã bị mất đi bằng nhiều cách. Gần đây, Học giả Lê Mạnh Thát (Thượng Tọa Thích Trí Siêu) trong quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào năm 1999 đã công bố những khám phá của ông chứng minh rằng Việt Nam xưa đã có chữ viết mà tài liệu hiện còn thấy nhắc trong các sách sử. Có ba điểm đáng lưu ý nhất là : Quyển Việt Luật - chúng tôi nhấn mạnh ở chữ quyển bởi đây là một quyển luật được viết thành sách chứ không phải là luật truyền miệng (trong Hậu Hán Thư, Mã Viện đã có nhắc đến Việt Luật khác với Hán Luật 10 điểm. Cả hai bộ Việt Luật và Hán Luật nay đều không còn nữa). Thứ hai, là đã có một bài Việt Ca (văn bản) được nhắc đến trong sử sách Trung Hoa. Và thứ ba, quan trọng nhất, là bản Lục Ðộ Tập Kinh do nhà sư Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán mà trước kia người ta vẫn coi là dịch từ chữ Phạn. Nay học giả Lê Mạnh Thát đã chứng minh được quyển kinh này đã dịch từ chữ Việt ra chữ Hán chứ không phải từ chữ Phạn. Ông Lê Mạnh Thát là một học giả hết sức thận trọng trong việc công bố những sưu khảo của mình. Mỗi điều viết ra, ông đều dẫn chứng bằng những tài liệu trong các sách cổ một cách rất chi tiết (xin xem Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Lê Mạnh Thát - sđd). Học giả họ Lê chưa nói rõ chữ Việt cổ đó viết dưới dạng nào. Riêng người viết sẽ đưa ra thiển ý của mình về vấn đề này trong một bài khác. Ở đây chỉ cần nhấn mạnh rằng : vấn đề tài liệu còn cần phải được tìm hiểu thêm nữa trong đống cổ văn, kho tàng chung của nhân loại Á Ðông hiện tàng trữ tại nhiều thư viện trên khắp thế giới, đặc biệt tại các thư viện trên đất Trung Hoa.

 

Tuy nhiên, ngoài chữ viết ra, chúng ta còn có thể có nhiều tài liệu khác bổ túc, do những di vật khảo cổ đào được. Ngày nay bằng những phương pháp khoa học nhất là phương pháp phóng xạ C14 người ta có thể đọc biết được qua những di vật đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, những xương cốt cổ, những điều mà tiền nhân đã ký thác vào đó, và muốn gửi gấm lại cho người đời sau.

 

Ngay cả những tài liệu khảo cổ này cũng chưa phải là tất cả hay là quan trọng nhất. Bởi tổ tiên người Việt đã biết rằng không có gì có thể tồn tại vĩnh viễn với thời gian nhất là ở những xứ gặp những cảnh khắc nghiệt về thiên nhiên cũng như nghịch cảnh do con người làm ra như mảnh đất quê hương của tộc Việt. Do đó không biết đã tự bao giờ, trong văn chương bình dân Việt đã có câu :

 

Trăm năm bia đá thì mòn

Nghìn năm bia miệng hãy còn trơ trơ


Chúng ta hiểu chữ bia miệng đây theo một nghĩa rộng : tài liệu truyền khẩu. Trong những tài liệu bằng lời mà tiền nhân còn để lại có cả một kho tàng về tục ngữ ca dao, một rừng những chuyện cổ, tích xưa, nhất là có những hội mùa xuân phản ánh được tập tục, tư tưởng cổ nhân thời trước. Quan trọng hơn cả là kho huyền thoại mà cho đến nay, đã có nhiều người tìm cách diễn giải, nhưng có lẽ chưa có ai hiểu được hết những điều mà tiền nhân muốn gửi lại qua những huyền thoại đó. Ðiều đó có thể hiểu được, bởi huyền thoại Việt Nam không được viết dưới những áng văn dài lê thê, mà được kể qua các câu chuyện ngắn, xúc tích, dễ hiểu. Các cốt chuyện chính kể trong huyền thoại chỉ cho biết những ý bề mặt chứ chưa cho thấy những ý chính, ẩn tàng trong những chi tiết mà nghe qua tưởng như không có gì quan trọng. Hơn thế nữa, ý nghĩa ẩn tàng còn có nhiều tầng, qua nhiều bình diện, đi từ nông đến sâu, từ thực tế đến tâm linh, từ thế giới nhân sinh đến những gì rất u ẩn, siêu linh mà phần trình bày dưới đây có thể cho chúng ta hình dung được ít nhiều những nét độc đáo đó. Ý nghĩa những chuyện huyền thoại và nói chung, tài liệu dùng trong bài này là học được từ nhiều bậc tiền bối đi trước. Ở đây, chúng tôi đặc biệt ghi ơn GS. Trần Ngọc Ninh, GS. Nguyễn Ðăng Thục, GS. Kim Ðịnh, BS. Nguyễn Văn Thọ, Học giả Lê Mạnh Thát và nhiều học giả khác không thể kể hết. Tất nhiên việc xử dụng các tài liệu này để minh chứng cho lập luận của mình là trách nhiệm của người viết.

 

 

CỐT LÕI TƯ TƯỞNG VIỆT NAM

 

Tư tưởng vốn là vấn đề phức tạp, nó chằng chịt, đan xen với nhau, phần nọ gối lên dầu phần kia chứ không dễ dàng có thể phân chia ra một cách rành rọt được. Tuy nhiên, để vấn đề được dễ theo dõi, người viết xin mạn phép phân ra những đề mục như : nhân sinh quan, vũ trụ quan và tín ngưỡng của người Việt cổ.

 

 

NHÂN SINH QUAN

 

Chúng ta đã được biết tổ tiên người Việt là một trong những giống người cổ nhất ở Á Châu. Họ đã di cư từ Phi Châu đến vào khoảng độ 100.000 năm trước. Giới khảo cổ học đã dùng tên văn hóa Hòa Bình, một địa danh tại Bắc phần Việt Nam, để chỉ cái nôi của nền văn minh cổ đại Ðông Nam Á mà từ đó tỏa ra các nơi khác. Họ đã trụ ở đó vào khoảng sáu, bẩy chục ngàn năm và đã phát triển trở thành một xã hội tương đối văn minh vào khoảng trên dưới ba chục ngàn năm trước : người Việt đã biết dùng những công cụ để làm cho cuộc sống được tiện nghi, dễ dàng thêm. Họ đã có ý niệm chính xác về vòng tròn, về sự chuyển động quay. Họ cũng đã có tư duy về thời gian qua những hoa văn biểu thị sự chuyển động của thời gian ngược chiều với sự chuyển động của mặt trời mà người ta còn tìm thấy ở trên những vách đá hay những miếng gốm. Những ý niệm này đã được cụ thể hóa bằng những số đếm như ở Lam Gan, người ta đã tìm được những hòn cuội hình tam giác cân, có rìa cạnh có đến chín nhóm vạch và mỗi nhóm là ba vạch hay ở Hang Mái Ðá làng Mí người ta cũng đã thấy trên mặt những hòn cuội có 18 nhóm vạch mà mỗi nhóm có ba vạch. Ở Hang Chiềng Xến đã thấy những vạch này được đục ở xương của những động vật người ta săn bắt được. Có một điều cần phải nhấn mạnh rằng hệ số đếm đây là đếm trên số 3, điều hiếm thấy trong thời đại đồ đá (tài liệu của D. J. Struik viết trong Stones Age Mathematics Scientifice American 1948 trang 46) - (Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam Tập I do Viện Khoa Học Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 1993, chương 3, Hà Văn Tấn). Xin Quý vị Ðộc giả lưu ý, con số 3 này cùng với con số 2 biểu trưng của cặp song trùng Rồng-Tiên là điểm đặc trưng của tư tưởng Việt như sẽ được chứng minh. Trong giai đoạn kế tiếp, thời kỳ đồ Ðồng, văn hóa Ðông Sơn đã phát triển rực rỡ, dù vùng hoạt động đã thu hẹp hơn văn hóa Hòa Bình đôi chút. Qua những di tích đồ đồng để lại, chúng ta có thể đọc biết rất nhiều điều mà tổ tiên ta đã gửi gấm vào đo.


Căn cứ vào khảo cổ và huyền thoại, chúng ta hãy xét cốt lõi của tư tưởng về phương diện nhân sinh quan qua ba phần : về cá nhân, về gia đình và về xã hội với làng và nước.

 

Về cá nhân, chúng ta biết rằng mở đầu Hiến Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ có câu : con người sinh ra đều bình đẳng. Tư tưởng con người ta sinh ra đều bình đẳng được coi là rất mới ở Âu, Mỹ, nhưng đã có trong truyền thống người Việt và đã được tổ tiên ta diễn tả một cách linh động hơn nhiều bằng chuyện kết hợp giữa Lạc Long và Âu Cơ để đẻ ra một bọc 100 trứng và nở ra 100 con. Xin nhấn mạnh hai yếu tố là những người Việt đầu tiên đó cùng sinh ra trong một bọc và nở ra cùng một lúc. Vậy là tuyệt đối bình đẳng, không ai trước ai sau, ai hơn ai kém. Ý tưởng con người sinh ra đều bình đẳng diễn tả bằng hình ảnh như vậy rõ ràng hơn, dễ hình dung hơn bất cứ những lời nói hoa mỹ nào khác. Vậy bình đẳng là tư tưởng cốt lõi của người Việt, quan trọng nhất, chi phối mọi tư tưởng, hành động khác trong những giai đoạn kế tiếp khi người Việt tiến lên sống thành gia đình, thành bộ lạc, thành tập thể như làng và nước. Chúng ta thấy rằng tổ tiên người Việt đã ra khỏi đời sống mông muội rất sớm bằng cách kết hợp lại với nhau thành những gia đình là tế bào căn bản cho đời sống văn minh. Chuyện Trầu Cau đã là một bằng chứng rất rõ mà tổ tiên ta muốn nói lên điều đó. Câu chuyện hai anh em nhà kia thương yêu nhau, rồi người anh lập gia đình, người em cảm thấy cái tình người anh thương yêu dành cho mình đã giảm nên buồn mà bỏ đi, rồi chết, hóa thành cây cau. Người anh vì thương em đi tìm, thấy em chết hóa thành cây, nên cũng chết bên cạnh mà hóa thành đá. Sau rốt người vợ vì nhớ chồng, đi tìm chồng thấy cảnh hai anh em chết biến thành đá và cây cũng buồn mà chết rồi hóa thành cây trầu không. Câu chuyện cho thấy tình và nghĩa ở đây đã bắt đầu phức tạp chứ không còn đơn sơ như thời mông muội. Nhưng ý nổi trội là người em không ở lại vì sợ có thể có cảnh loạn luân chứng tỏ xã hội cổ Việt Nam thời đó đã vượt khỏi giai đoạn sống bầy lũ. Khởi thủy con người chung sống lẫn lộn, có nhu cầu sinh lý thì ăn nằm với nhau, không phân biệt tôn ty, cũng chẳng biết đến vợ chồng. Kế đến là xã hội mẫu hệ, ở đó vai trò người đàn bà là cột trụ có thể ăn ở với nhiều người đàn ông thường là anh em với nhau. Câu chuyện Trần Cau là biểu trưng sự hàm ngụ siêu hóa một cổ tục hôn thú còn ẩn ức trong tiềm thức dân tộc, một tâm thức xã hội đã chuyển qua phụ hệ, không còn ở giai đoạn mẫu hệ. Cũng vấn đề gia đình này, ta còn thấy phản ánh trong hai chuyện khác. Trước hết là chuyện Chử Ðồng Tử hay Ðầm Nhất Dạ, kể lại việc một nàng Công Chúa đi du thuyền trên sông, trong lúc tắm ở bãi sông, nước chẩy đi để lộ ra thân thể trần trụi của anh đánh cá, vì có hiếu với cha, nên đã chôn cái quần duy nhất của hai cha con theo cha. Anh ta vì vậy không có tấm vải nào che thân. Gặp cảnh này, nàng Công Chúa coi như duyên trời định, nên đã kết hợp vợ chồng với anh đánh cá nghèo khó. Câu chuyện biểu lộ sự bình đẳng tuyệt đối của con người trước việc hôn nhân, không phân biệt sang hèn, là công chúa hay bạch đinh. Sự bình đẳng trong việc kết hợp lập nên gia đình đó còn được biểu lộ trong một chuyện khác được gọi là Sơn Tinh, Thủy Tinh hay Thánh Tản Viên. Vua Hùng kén rể cho người con gái duy nhất là Mỵ Nương. Vì có hai người cùng đến hỏi nàng một lúc nên vua đã ra thể lệ là sáng sớm hôm sau, ai đem lễ hỏi đến trước thì gả cho người đó. Ðiều kiện hoàn toàn bình đẳng. Sơn Tinh đem lễ đến trước và lấy được vợ. Chuyện này cũng như hai chuyện trên còn mang rất nhiều ý nghĩa huyền bí khác mà chúng ta sẽ có dịp trình bày sau. Riêng ở đây chúng ta chỉ nhấn mạnh rằng tinh thần bình đẳng đã chi phối cho quyết định hôn nhân và cuộc sống gia đình của người dân cổ Việt. Gia đình là bộ phận quan trọng trong việc cấu trúc xã hội Việt Nam. Vì vậy nên ngay từ khởi thủy đã được tổ tiên ta xây dựng bồi đắp và đặt ra những tư tưởng hướng dẫn việc thành lập và tổ chức gia đình rất chặt chẽ. Như chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh tính phụ hệ đã phản ánh qua việc tổ chức những ngày hội đưa nàng dâu Mỵ Nương về nhà chồng, chứng tỏ khi đã lập gia đình, gái phải theo chồng.

 

Khi gia đình đã được tổ chức vững vàng, người Cổ Việt mới nghĩ đến chuyện dựng làng, dựng nước. Làng dựng trước, nước dựng sau. Chuyện dựng nước, không phải là vấn đề đơn giản. Tư tưởng chỉ đạo cho người lãnh tụ trong việc dựng nước ở đây là phải vượt thắng thiên nhiên, phải trừ được những dị tộc gây ra chiến tranh xâm chiếm bờ cõi. Trong việc dựng nước, huyền thoại đã đưa ra ba chuyện là diệt Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh của người lãnh tụ Lạc Long Quân. Ðã có nhiều kiến giải nói về ý nghĩa của Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh như tượng trưng cho việc chống với người phương Bắc (Ngư Tinh), chống với thủy quái, ngoại bang, chống với những tệ đoan tập tục ở trong xã hội (Mộc Tinh). Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói lên cái ý nghĩa việc lập quốc lúc ban đầu rất cam go, khó khăn. Nhưng khi dựng được nước rồi vấn đề là phải làm sao giữ được nước. Ðó là giai đoạn thứ nhì mà thần thoại đã để lại một câu chuyện vô cùng đặc sắc : chuyện Phù Ðổng Thiên Vương. Người anh hùng ở đây được tượng trưng bằng đứa trẻ mới lên ba, không biết nói, nhưng trước sự kêu gọi của nhà vua, trước nhu cầu chống ngoại xâm và để đáp ứng lại lòng mong mỏi của toàn dân, người anh hùng ba tuổi này đã vươn vai lớn lên để trở thành một bậc thiên tướng, dẹp giặc (ở đây nói rõ là giặc Ân tức là giặc đời nhà Thương). Khi bổn phận đã thành, giặc dữ đã tan, Ngài cưỡi ngựa lên trời không màng danh lợi. Câu chuyện có rất nhiều ý nghĩa nói lên tinh thần giữ nước chí công vô tư, công thành thân thoái, một hành động vô cầu tuyệt đẹp có thể làm gương sáng ngàn đời. Câu chuyện còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc khác, nhưng ở đây chúng ta chỉ nói về tinh thần giữ nước và sẽ trình bày những đặc sắc khác trong những phần sau.


Giữ nước là bổn phận thời chiến, còn quản trị đất nước là bổn phận của người lãnh đạo trong bất cứ thời nào. Người lãnh đạo đất nước phải có những đức tính gì ? Việc tuyển chọn người lãnh đạo phải theo những phương thức như thế nào ? Ðó là điều mà cổ nhân đã gửi gấm được trong chuyện Bánh Chưng Bánh Dầy. Tất nhiên, đức tính của người lãnh đạo trong chuyện này chỉ là đức tính của người lãnh đạo trong một xã hội nông nghiệp mà bổn phận chính là phải làm sao cho có thể quân phân đất đai một cách vuông vắn cho người dân để ai nấy đều có đất mà cầy, mà sản xuất, rồi lại phải điển chế hóa pháp luật thế nào cho tròn trịa để người dân có thể an cư lạc nghiệp. Ðể tuyển chọn một người lãnh tụ như thế vua đã áp dụng một thể thức hết sức bình đẳng và dân chủ. Chuyện kể là vị vua triệu tập những người con lại, không phân lớn nhỏ, nói rằng hễ ai làm những món ăn để cúng tế tổ tiên được đắc ý nhất sẽ được chọn là người kế vị. Trong khi những người anh tìm sơn hào hải vị thì người em mang tên là Lang Liêu (đứng hàng thứ chín), vì nghèo nhất không có tiền mua cao lương mỹ vị nhưng được thần nhân mộng cho biết nên đã làm được bánh chưng hình vuông và bánh dầy hình tròn đều bằng gạo nếp là thứ nguyên liệu sẵn có trong dân gian. Khi đồ ăn dâng lên thì bánh chưng bánh dầy của Lang Liêu đã được chọn là hạng nhất và Lang Liêu đã được truyền ngôi. Lang Liêu được chọn là hạng nhất là bởi vì bánh chưng bánh dầy tượng trưng cho tài quản trị trong việc chăm lo đời sống cho dân (vuông tròn là qui và củ, những dụng cụ giup đo đạc được chính xác, biểu trưng một xã hội đã được tổ chức và cai trị hợp lý) ; đồng thời cũng đáp ứng được lòng hiếu thảo mà tổ tiên đòi hỏi. Ðó là hai đức tính cần phải có của một người quản trị đất nước. Thể thức chọn lựa người trị quốc như vậy là hết sức bình đẳng.

 

Nói đến chuyện đất nước mà không kể đến chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy thì sẽ là thiếu sót. Ðây không phải là chuyện dựng nước, giữ nước hay trị nước. Ðây là câu chuyện tiêu biểu cho việc mất nước. Vua An Dương Vương vì không để ý đến lòng dân, sức dân mà chỉ cậy vào thành cao, hào sâu và nỏ thần nên cuối cùng đã bị mất nước. Nhưng câu chuyện ở đây đã bắt đầu phức tạp. Những nghĩa vụ ở đây bắt đầu tròng chéo giữa tình nghĩa cha con, chồng vợ, nước non để đi đến kết luận thê thảm là nhà vua thì mất nước, công chúa con yêu thì bị vua cha chém đầu và ngay kẻ thù đã lợi dụng tình nghĩa vợ chồng của công chúa lấy cắp móng thần đi là Trọng Thủy cuối cùng cũng phải đâm đầu xuống giếng mà chết. Cái ý nghĩa chính của câu chuyện là khi người ta không suy nghĩ đắn đo thì kết quả sẽ rất nguy hại : ông vua đã không suy nghĩ đúng về sự quản trị nước thì sẽ mất nước; người vợ chỉ biết chung thủy một cách mù quáng với chồng mà không nghĩ đến nghĩa nước cũng sẽ bị chết; còn kẻ lạm dụng tình nghĩa phu thê mà phản bội cuối cùng cũng đi đến thảm vong.

 

 

VŨ TRỤ QUAN



Tư tưởng về phương diện nhân sinh, như vừa trình bày tương đối là giản đơn. Về phương diện vũ trụ quan, cốt lõi của tư tưởng Việt sâu sắc hơn nhiều.

 

Trước hết, người Việt Cổ đã có quan niệm chết chưa phải là hết. Chết mà vẫn như còn. Chuyện Chử Ðồng Tử ở trên đã phản ánh tư tưởng đó một cách rõ rệt. Chủ Ðồng Tử nhà nghèo,hai cha con chỉ có một cái khố mặc chung. Khi cha bị mất, người con vì hiếu thảo sợ rằng cha chết đi về bên kia thế giới không có gì mặc nên đã chôn cái khố duy nhất cho cha và để mình trần như nhộng. Chuyện nhường khố độc đáo này đã chứng tỏ là người Việt Cổ tin là có đời sau, tin rằng chết là chưa hết. Chuyện này đã được khảo cổ học minh chứng một cách đầy đủ. Trong báo cáo khoa học của GS. Hoàng Xuân Chính đăng tại Khảo Cổ Học số 3 năm 82 có ghi rõ : "Cư dân Hòa Bình chôn người chết chủ yếu ở tư thế nằm co. Một số mộ có kê đá hộc xung quanh, rải đá dăm ở dưới. Ðây là tài liệu quan trọng để tìm hiểu mối quan hệ tộc thuộc của cư dân nguyên thủy nước ta". Ở nhiều báo cáo khác, người ta ghi nhận việc chôn người chết lại thường kèm theo với những dụng cụ như rìu búa hay khoen tai đối với giới nữ. Người ta giải thích rằng người thời cổ không những chỉ tin rằng chết là chưa hết, mà còn tin rằng khi chết người ta có thể tái sinh ở một kiếp khác và ở cái kiếp mới đó người ta vẫn cần những dụng cụ mà nếu đem chôn theo thì khi đến nơi đã có sẵn mà dùng. Như thế khi chôn trong những vò dưới dạng tư thế nằm co như hình một đứa hài nhi trong bụng mẹ, phải chăng người ta mong muốn là người chết sẽ sớm đầu thai vào kiếp khác vì đã nằm trong một tư thế sẵn sàng. Cái tư tưởng tin rằng khi chết đi người ta lại tái sinh trong một đời sau đó đã được diễn tả rõ rệt hơn nữa trong chuyện Quả Dưa Hấu. Chuyện kể là vua Hùng đã mua được một đứa trẻ ngoại quốc và Ngài đặt tên là An Tiêm mà Ngài rất thương yêu. Nhờ đó An Tiêm đã có một đời sống sung túc, được nhiều người biếu mọi thứ đồ quí giá. Ðiểm quan trọng ở đây là An Tiêm đã phát biểu những thứ người ta biếu mình đó không phải do ơn vua ma Tiêm được biếu, trái lại đó là do của tiền thân của An Tiêm. Câu nguyên văn ghi như sau : "Ðô thị tiền thân chi vật, bất tằng cố hữu chủ ân" ý là của cải này là vật của tiền thân ta, ta không từng trông nhờ vào ơn của vua mà có. Xin nhấn mạnh vào chữ "tiền thân". Phải chăng người Cổ Việt đã tin không những là có đời sau mà lại còn tin vào thuyết đời sau sướng hay khổ là nhờ kiếp trước, tức tin vào thuyết Luân Hồi Nghiệp Báo. Chúng ta sẽ quay lại tư tưởng nhân quả này vào một đoạn sau. Ở đây xin trở lại chuyện Chử Ðồng Tử để thấy rằng triết lý trong chuyện này biểu hiện sự tin tưởng nên trở về cách sinh hoạt của loài người thủa ban sơ mà tâm hồn hãy còn hoàn toàn trong trắng chưa bị những vẩn đục của vật dục che đi. Chàng Chử Ðồng Tử đây là một người hết sức hồn nhiên, hết sức ngây thơ. Hai cha con có chung một cái khố, khi cha chết đã chôn cha và cả cái khố theo. Không ngờ vì chuyện hiếu thảo đó mà lấy được vợ đẹp lại là công chúa. Nhưng khi người vợ giao cho của cải để đi buôn làm kế sinh nhai thì anh ta lại giao cả cái vốn đó cho ngưởi khác buôn giùm còn mình theo một bậc tu hành mà nhờ đó anh đã thành chánh quả. Chắc không phải là sự tình cờ mà huyền thoại đã đặt tên cho chàng họ Chử này là Ðồng Tử. Chữ Ðồng Tử, Lão Tử gọi là Anh Nhi, Mạnh Tử gọi là Xích Tử Chi Tâm. Bên Tây phương, Thiên Chúa Giáo trong sách Thánh Kinh cũng có ghi : "Ta nói các ngươi biết sự thực nếu các ngươi không trở về lại như những đứa trẻ thơ (đồng tử) thì các ngươi sẽ không vào được nước Thiên Ðàng" (Saint Mathieu). Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là tư tưởng cốt lõi Việt Nam rất thực tế. Tư tưởng đó đã vạch rõ rằng chỉ trong hiện sinh, nghĩa là trong đời sống vật chất giới hạn của thế gian này con người mới tìm được lối thoát để đến được cảnh giới trường sinh bất tử. Ðến đây chúng ta đã thấy chuyện Chử Ðồng Tử không đơn giản. Bởi biểu kiến thì rõ ràng là một chuyện nói về Phật Giáo Quyền Năng mà Chử Ðồng Tử đã được coi là người Phật Tử Việt Nam đầu tiên trong lịch sử Phật Giáo (Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam quyển I - Lê Mạnh Thát - sđd). Nhưng ta biết Chử Ðồng Tử đã được dân gian tôn lên làm người Tổ Sư thứ nhất trong đạo Tự Nhiên gọi là Ðạo Nội. Nghĩa là đạo lấy nguồn gốc của đời sống ở bên trong thực hiện được nhờ ở cái tâm đồng tử chứ không phải là vì những yếu tố từ bên ngoài đưa đến. Ðạo đó có thể phát biểu bằng câu sau đây của Lão Tử : "Nhân pháp điạ, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên" (Ðất phải theo trời, trời theo đạo, mà đạo theo tự nhiên). Ðến đây ta đã thấy được sự cao thâm của những chuyện huyền thoại mà xưa nay nhiều người vẫn tưởng như là những chuyện nôm na mua vui. Nhưng còn hơn thế nữa, huyền thoại hé mở cho ta những cảnh giới vô cùng cao xa mà tiền nhân chúng ta đã nghĩ tới, đã đạt được. Xin quay lại chuyện Bánh Chưng Bánh Dầy : Bánh Chưng hình vuông tượng trưng cho đất là không gian gián cách. Bánh Dầy hình tròn tượng trưng cho thời gian miên trường. Không gian và thời gian từ Newton trở về trước bao giờ cũng sai biệt. Chỉ từ Einstein trở đi người ta mới biết hòa nhập thời không để đưa ra được thuyết Tương Ðối mở đầu cho kỷ nguyên Nguyên tử rồi kỷ nguyên Lượng tử sau này. Người được chọn để điều khiển quốc gia ngày xưa không những cần biết phải làm sao quản trị đất nước để cho người dân được ăn no và sống trong an bình mà còn quán triệt cả chuyện không gian với thời gian. Không gian và thời gian không hề phân cách. Không gian với thời gian cũng chỉ là một. Ðó là căn nguyên của thuyết Vạn Vật Ðồng Nhất Thể. Con người sinh ra cốt để tiến hóa. Tiến hóa đây không phải chỉ có nghĩa là tiến hóa về phương diện vật chất. Tiến hóa đây là tiến về phía Tâm Ðại Ðồng để được cao đại hơn, được khiết tịnh hơn, để cuối cùng đạt được hạnh phúc. Nói một cách khác, khi sinh ra con người chưa phải là một người hoàn hảo. Muốn thành người hoàn hảo thì phải tu luyện để đi gần đến cái đích như là thánh thần. Muốn được như vậy thì phải hiểu rõ con người có ba phần, có phần xác tương đương với Ðịa, có phần tâm tương đương với Nhân và phần hồn, thần tương đương với Thiên. Ðó là quan niệm tam tài mà ta thấy phản ánh trong một số các chuyện huyền thoại như Việt Tỉnh, người Việt gọi là Ðạo Ba. Ðó cũng là điều mà từ thủa ban sơ Tổ tiên người Việt đã nghĩ tới và còn để lại nhiều dấu vết mà khảo cổ học đã cho thấy như nói ở đoạn trên. Con người Việt thời cổ luôn luôn để ý đến cả ba phần này, luôn luôn tu luyện đều cả ba phần, nhất là phần Thần. Bởi vậy nên mới thấy những tục lệ như thờ cúng ông bà, thờ cúng cả những cây đa, cây đề, có ống bình vôi ở gốc đa và từ đó đi đến thờ cúng anh hùng dân tộc, mà đỉnh cao là ngày Giỗ Tổ mùng 8 tháng 3 hàng năm. Tất cả đều dưới hình thức thờ Thần. Người với Thần tương thông với nhau đúng như lời học giả Cadière đã nhận xét : "Người Việt sống trong một bầu không khí siêu nhiên". Tây phương trước kia cũng đã từng quan niệm con người có ba phần là xác, tâm (hồn), và thần. Nhưng có lẽ để được tiến nhanh trên con đường vật chất nên Tây phương từ thời Descartes, đã nhập phần hồn với phần thần vào làm một và gọi chung là Mind (theo Ravi Ravindra, sđd, trg 338 -339). Và từ đó con người thay vì có ba phần rút xuống còn có hai phần (Descates 1596 - 1650 ; Cộng Ðồng Vatican I, 1569 - 1870), do đó những nhận định về con người trở nên lệch lạc dù con người có tiến nhanh về phương diện kỹ thuật khoa học. Phương diện vật chất giàu lên nhưng phương diện tâm thần lại nghèo đi rất nhiều. Con người vì vậy càng ngày càng xa với cái đích để có thể có chân hạnh phúc mà tôn giáo thường gọi với danh từ là Phối Thiên (Union with God) tức là đạt đến Ðạo, đến Giác Ngộ, đến cái Tâm Ðại Ðồng, cái Một Vĩnh Cửu vậy.

 

 

Phần trên, chúng ta đã phác họa ra cốt lõi tư tưởng Việt trước khi dung hóa Tam giáo, chỉ bằng vào huyền thoại và một chút tài liệu khảo cổ. Bấy nhiêu cũng đã hé cho chúng ta thấy cái cốt lõi này có thể lược tóm vào năm điểm căn bản sau :


1. - Tư tưởng căn bản thứ nhất là bình đẳng, ta thấy bàng bạc ở khắp mọi nơi : bình đẳng từ bẩm sinh (chuyện Rồng Tiên); bình đẳng trong mọi hành động mà quan trọng nhất là trong việc lực chọn hôn nhân (Sơn Tinh,Thủy Tinh) và cuộc sống hôn nhân (Chử Ðồng Tử).

 

2. - Tư tưởng căn bản thứ hai là việc đề cao gia đình (Trầu Cau), tình cha con (Chử Ðồng Tử), tình chồng vợ (Chử Ðồng Tử, Trầu Cau), anh em (Trầu Cau). Rồi từ gia đình xây dựng lên thị tộc (Hồng Bàng Thị) và quốc gia. Tóm lại, xã hội Việt Nam đã xây dựng trên nền tảng gia đình.

 

3. - Tư tưởng căn bản thứ ba là đề cao tinh thần dựng nước, giữ nước (chuyện Thánh Gióng). Chữ Trung được hiểu là Trung với nước, chứ không hề có chuyện trung quân mù quáng. Bổn phận dựng nước (Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh), giữ nước (Thánh Gióng), quản trị đất nước (Bánh Chưng, Bánh Dầy), và làm sao để không mất nước (chuyện Rùa Thần, Mỵ Châu-Trọng Thủy) được đưa thành Ðạo sống.

 

4. - Những tư tưởng trên đạt được kết quả tối đa nhờ tư tưởng căn bản thứ tư : tư tưởng chết là chưa hết (Chử Ðồng Tử) mà cái quả đời sau hay hay dở là tùy cái nhân đời trước (Quả Dưa Ðỏ).

 

5. - Và bao trùm trên hết là tư tưởng mà người Việt thường gọi là Ðạo Ba (con ơi giữ lấy Ðạo Ba), nghĩa là dạo Tam Tài, đặt Người ngang hàng Trời và Ðất (Thiên, Ðịa, Nhân) (Bánh Chưng Bánh Dầy, Trầu Cau). Tây phương vốn chủ trương hoặc Vuông hoặc Tròn, hoặc Có hoặc Không, hoặc Duy Tâm, hoặc Duy Vật, tức chủ trương Triệt tam (Excluded Middle). Tư tưởng Việt kết hợp Vuông với Tròn, Thời với Không, đưa đến tinh thần Nhân-Bản (có Trời mà cũng tại Ta). Hơn nữa tinh thần Nhân-Chủ (xưa nay Nhân định thắng Thiên đã nhiều). Sự kết hợp đó (lá trầu, quả cau, đá vôi) đã được con người hòa hợp (khi được nhai) để đưa đến sự THÁI HÒA (thành mầu đỏ) tức đưa đến quan niệm Vạn Vật Ðồng Nhất Thể vậy.

 

Ta có thể chứng minh năm điểm căn bản trên là cốt lõi tư tưởng Việt bằng khảo cổ, bằng tục ngữ, ca dao, nhất là bằng hội hè là kết tinh của đời sống thực tế được thần thánh hóa, vốn là quyển Bách Khoa Tự Ðiển về tư tưởng và văn hóa Việt vậy.

 

 

 

TƯ TƯỞNG TAM GIÁO

VÀ SỰ BẢN ÐỊA HÓA CÁC TƯ TƯỞNG NÀY TẠI VIỆT NAM


Như trên đã trình bày, cốt lõi tư tưởng Việt Nam rất cương mãnh và đã thấm sâu vào tâm hồn của người Việt Cổ, đã tạo một nếp sinh hoạt ổn cố, vững vàng và tốt đẹp, được phản ánh trong các hình họa của trống đồng, của ca dao, tục ngữ v. v... Ta sẽ thấy trong phần dưới đây sức mạnh của cốt lõi đó rõ hơn nữa khi tìm hiểu về tư tưởng của ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Nho Giáo và Lão Giáo tại Việt Nam khi các tư tưởng này đã phải biến thái đi như thế nào để phù hợp với xã hội Việt Nam, cho những con người Việt Nam vốn có văn hoá, có tư tưởng rất cương mãnh kia có thể sẵn sàng tiếp thu mà dung hóa đi để trở thành tư tưởng đặc thù của dân tộc mình.

 

 

TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO VÀ VẤN ÐỀ BẢN ÐỊA HÓA TẠI VIỆT NAM

 

Trước hết, ta hãy bàn về tư tưởng Phật Giáo và những biến thái của nó trong ba giai đoạn tại đất nước ta.

 

Ai cũng biết Phật Giáo là một tôn giáo có rất nhiều kinh điển. Nói như một vị Thiền Sư Việt Nam :

 

Kinh điển như rừng tám vạn tư

Học nhiều không thiếu cũng không dư

Ðến nay nhớ lại thì quên hết

Còn nhớ trong đầu một chữ Như (*)

 

Chúng ta sẽ thấy Thiền Sư này nhớ được một chữ Như trong Phật Giáo đã là nguời hiểu tư tưởng Phật Giáo thấu đáo lắm ! Chỉ xin nói thêm rằng kinh điển đã nhiều mà tông phái Phật Giáo cũng rất nhiều, nào là Pháp Tướng Tông, Tam Luận Tông, Chân Ngôn Tông. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ bàn đến ba tông phái có ảnh hưởng rõ rệt nhất trong xã hội Việt Nam, đó là Thiền Tông, Mật Tông và Tịnh Ðộ Tông. Trong thực tế, những tông phái này thường đan xen với nhau. Trong cùng một thời gian, ở cùng một nơi chốn có thể lưu hành nhiều tông phái một lúc. Ở mỗi nơi và mỗi lúc thường có một tông phái chính mà tư tưởng chủ động trội hơn các tông phái kia. Vậy tìm hiểu Phật Giáo mà không có một kim chỉ nam để chỉ đường thì sẽ dễ dàng lạc vào rừng kinh điển đó chẳng khác gì những người mù sờ voi vậy. Kim chỉ nam đó là kim chỉ nam nào ? Thiết tưởng chúng ta có thể chọn một kim chỉ nam cho Phật Giáo và cũng chung cho cả Nho Giáo, Lão Giáo. Ðó là : nguyên tắc Vạn Vật Ðồng Nhất Thể. Các tôn giáo đều chủ trương mọi vật đều dính chùm với nhau và liên quan mật thiết với nhau. Một là tất cả và tất cả là một. Vạn vật đều cùng chung một bản thể mà vị Thiền Sư ở trên đã diễn tả bằng chữ Như. Thật ra Như chỉ là một trong muôn vàn danh hiệu khác nhau để diễn tả cái thực tại tuyệt đối là mục đích cho con người cố tu để đạt tới. Phật giáo còn có nhiều danh từ khác để diễn tả cái Một Tuyệt Ðối đó như : Niết Bàn, Thực Tướng, Bản Lai Diện Mục, Bát Nhã, Pháp Thân, Phật Tính, Viên Giác, Như Lai hay Chân Như, Trung Ðạo Pháp Thể, Thực Tánh Thực Tướng, Chân Thiện v. v... có thể tóm vào một từ thông dụng nhất là Tâm.

_______________________________________________

 

(*) Bài này viết theo trí nhớ nay đã mòn mỏi đi nhiều, chắc không còn đúng. Quý vị Ðộc giả nào có nguyên văn bài thơ và tên tác giả xin phát tâm bồ-đề gửi về Toà soạn, người viết xin cảm tạ vô cùng.


Nội dung chân truyền nhất của Phật Giáo là chính những lời Phật dậy sau khi Ngài đắc đạo, được trình bầy ở trong những Kinh Phật. Khởi đầu phải kể đến Kinh Hoa Nghiêm là kinh Ðức Phật giảng lần đầu tiên khi vừa đạt đến Niết Bàn. Kinh này chủ trương vạn vật trong vũ trụ đều do tâm mà ra. Sau Kinh Hoa Nghiêm là Kinh A Hàm, thuyết về Tứ diệu đế và Thập nhị nhân duyên, Ðức Phật truyền giảng trong thời kỳ Lộc Uyển. Kế đó là những Kinh Lăng Già, Lăng Nghiêm và Kim Quang, mục đích để độ cho những hàng Ðại Thừa sơ cơ phát tâm bồ tát được giảng ở thời Phương Ðẳng. Kinh thường nói đến nhất là Kinh Bát Nhã và Kim Cương, giảng về chân lý Không. Sau nữa là Kinh Pháp Hoa với Niết Bàn xác định tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Chữ Tâm mà Kinh Hoa Nghiêm và Bát Nhã nhắc đến, gồm có hai phần. Ở Hoa Nghiêm, hai phần đó gọi là (nói chung là những vật có hình tướng thường do vọng tâm, vọng ngã mà ra, nằm ở trong vòng luân hồi sinh tử), và (không có hình tướng được gọi là chân tâm hay chân ngã thuộc về Niết Bàn đã ra ngoài vòng sinh tử). Lý và Sự tức là Giả tướngThực tướng hay là Bản thểHiện tượng hay là Chân nhưBản pháp là hai bộ mặt của cùng một Thực tại Tuyệt đối. Thực tại Tuyệt đối đó là tâm hay như trên đã nói, là Chân Như Bản Thể. Chữ Sự và Lý này ở Kinh Hoa Nghiêm khi chuyển sang Bát Nhã gọi là Sắc với Không. Cái Tâm hay cái Chân Như Bản Thể hay cái Như đó gần đây đã được ông T. Suzuki diễn tả lại và trình bày nguyên văn là : "Heaven and earth and I are of the same root. The ten thousand things and I are of one substance" (Suzuki, Zen and Japanese Culture, trg 352) và đó có thể coi như cốt tính của đạo Phật.

 

 

Nay ta thử xét xem Phật Giáo đã truyền vào Việt Nam từ thời nào và đã có những đặc điểm gì ? Trước đây, người ta cho rằng Phật Giáo truyền vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ hai sau Kỷ Nguyên. Nhưng mới đây do sự nghiên cứu của học giả Lê Mạnh Thát, ông đã chứng minh được rằng người Phật tử đầu tiên tại Việt Nam là Chử Ðồng Tử. Sự chứng minh này không phải chỉ căn cứ vào huyền thoại, chuyện Ðầm Nhất Dạ, mà còn căn cứ vào nhiều tài liệu văn bản khác ông đã lục tìm được trong kho tài liệu lớn lao viết bằng chữ Hán còn để lại. Những lý do ông nêu lên rất nhiều và đều có chứng dẫn bằng văn bản (xin xem Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam quyển I - sđd). Cũng theo sự phân tích của ông thì Phật Giáo từ khi truyền vào Việt Nam đến nay có thể chia làm ba thời kỳ :

 

- Thời kỳ thứ nhất : từ khi mới du nhập cho đến thế kỷ thứ 5, khi vua Lý Nam Ðế lập nên nhà nước độc lập Vạn Xuân.

 

- Thời kỳ thứ hai : từ Lý Nam Ðế cho đến hết đời Trần.

 

- Thời kỳ thứ ba : từ Lê Sơ cho đến ngày nay.

 

Ta có thể mượn sự phân chia thời kỳ này để dò theo mà tìm xem tư tưởng Phật Giáo đã truyền vào và đã được dung hóa với tư tưởng cốt lõi của Việt Nam như thế nào.

 

 

MẬT TÔNG HAY PHẬT GIÁO QUYỀN NĂNG


Tông phái làm chủ đạo cho thời kỳ thứ nhất có thể gọi là Mật Tông hay Phật Giáo Quyền Năng. Tông phái làm chủ đạo cho thời kỳ thứ nhì là Thiền và ở thời kỳ thứ ba là Tịnh Ðộ. Thực ra Thiền và Tịnh Ðộ đã song song phát triển chỉ khác ở giai đoạn II Thiền là chủ yếu và sang giai đoạn III thì càng ngày tông phái Tịnh Ðộ càng phát triển và phổ thông hơn. Có thể lấy điều hai trong tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Bác để định nghĩa Phật Giáo Quyền Năng như sau : "Phật là nguyên tố của đạo đức, là đầu mối của thần minh. Nói Phật có nghĩa là giác ngộ, biến hóa nhanh chóng, phân thân tán thể, hoặc còn hoặc mất, nhỏ được lớn dược, tròn được vuông được, già được trẻ được, ẩn được hiện được, đạp lửa không bỏng, đi trên dao không đau, ở dơ không bẩn, gặp hoạn không mắc, muốn đi thì bay, ngồi thì lóe sáng, nên gọi là Phật vậy" (Lê Mạnh Thát, LSPGVN I, trg 135). Theo Phật Giáo Quyền Năng thì giác ngộ thường được gắn chặt với một số phẩm chất có tính cách quyền năng : nói giác ngộ tức là nói đã có đạt tới một số quyền năng nào đó. Sách Lý Hoặc Luận rất quan trọng và cho ta biết rất nhiều điều về tư tưởng Việt Nam thời đầu Bắc Thuộc. Ðó là quyển sách quan trọng thuộc vào số năm bẩy quyển kinh điển về Phật Giáo thời cổ ở Viễn Ðông mà mãi đến thế kỷ thứ 5 mới được phổ biến rộng rãi cùng với sáu bức thư mà ta sẽ nói đến trong đoạn ba.

 

* - Sở dĩ Lý Hoặc Luận còn được lưu giữ trong kho sách kinh điển Phật Giáo là bởi tác giả nó mang tên Mâu Tử, mà trước đây vẫn được coi là người Hán. Các nhà sử học người Hoa đã lầm về điểm này. Ðó là điều may cho nền tư tưởng của nước ta. Thực ra Mâu Tử là người Việt, đã viết Lý Hoặc Luận trên căn bản tư tưởng Việt Nam để bênh vực cho chủ đạo Việt. Theo sử thì ông là người nước Thương Ngô, cùng mẹ chạy giặc đến xứ Giao Châu hồi thế kỷ thứ 2. Thương Ngô theo Trần Văn Giàu là Quảng Tây ngày nay. Quảng Tây, trước đó khoảng hai trăm năm cùng với Giao Châu đều dưới quyền cai trị của Triệu Ðà nước Nam Việt. Có người cho rằng Nam Việt không phải là nước Việt vì đã được cai trị bởi Triệu Ðà là một quan lại của nhà Tần. Nhưng bất luận Triệu Ðà là ai, ta chỉ biết rằng Nam Việt là nước của người Việt, được cai trị bởi một chính quyền từ Tể Tướng trở xuống là người Việt, theo luật Việt và sống trong phong tục Việt. Vậy Nam Việt không thể coi là nước Hán hay một nước nào khác được, mà chỉ có thể coi là một nước của chủng tộc Ðại Việt. Vả lại, tên nước nói rõ là Nam Việt, tưởng nay ta cần nhìn lịch sử với con mắt khoáng đạt hơn. Mâu Tử sống ở đất đó, nhân lúc loạn lạc, từ một nơi có giặc đã đem mẹ đến ở một vùng yên ổn hơn, có thế thôi ! Bây giờ hãy tạm quên dòng giống, chỉ xét về mặt tư tưởng, chúng ta sẽ thấy rằng Mâu Tử là người Việt, bởi ba lý lẽ căn bản sau đây :

 

- Thứ nhất, để chống với những luận điệu cho rằng đất Hán là trung tâm của Trời Ðất, vua Hán là người thay Trời trị dân, Mâu Tử khẳng định đất Hán chưa chắc đã là trung tâm của trời đất. Về điểm này ông xác định được vị trí của mình và những quan hệ tương tác với mảnh đất mà ông nhận làm quê hương. Lời xác định kể trên tuy ngắn gọn nhưng so với bài hịch mở nước của Lý Thường Kiệt : "Nam quốc sơn hà Nam Ðế cư" thì cũng cùng một ý nghĩa.

 

- Thứ hai, ông khẳng định ngũ kinh chưa hẳn là lời của thánh hiền. Ngũ kinh đây là Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu vẫn được coi là cốt lõi tư tưởng của tộc Hoa Hán. Xem như vậy thì ông đâu có bị chi phối bởi tư tưởng Hán.


- Thứ ba, ông chống với quan điểm bá quyền của Mạnh Tử khi Mạnh Tử chủ trương chỉ có Hoa Hạ cải biến man di chứ man di không cải biến được Hoa Hạ. Xin ghi thêm rằng thời kỳ Mâu Tử ở Việt Nam tức là thời kỳ có Chu Phù rồi Sĩ Nhiếp làm Thái Thú. Theo cổ sử, người ta vẫn cho rằng Sĩ Nhiếp hay Chu Phù là những thái thú do nhà Hán chỉ định cai trị đất Giao Châu, nhưng thực tế đã chứng minh rằng cả hai người đó đều không cai trị Giao Châu theo vị thế như một quan lại của triều Hán. Ngược lại, họ cai trị Giao Châu như một vị vua độc lập của một nước độc lập. Về Chu Phù, sử Tầu đã ghi rõ là người đã :"Vứt điển huấn của Tiên thánh, bỏ pháp luật của Hán gia, thường mặc áo đỏ, bịt đầu, đánh đàn, đốt hương, đọc sách tà đạo". Sách tà đạo đây ý nói là sách Phật và tất cả những hành động này chứng tỏ ông không cai trị đất Giao Châu như một viên quan nhà Hán. Còn Sĩ Nhiếp đã được học giới Giao Châu sau này tôn làm Nam Giao Học Tổ. Trong thực tế ông đã cai trị Giao Châu như một vị vua độc lập. Chỉ có điều ông quá thận trọng, nhút nhát mà không dám tuyên bố sự độc lập đó ra mà thôi. Ông là người đã cư ngụ ở Giao Châu sáu đời, đã học, tiếp thu nền văn hóa Giao Châu do đó không thể coi là một người Hán được.

 

* - Người Việt thứ hai có những tác phẩm để lại đã may mắn thoát được lưới kiểm duyệt của chính quyền Hán là Khương Tăng Hội. Ông đã đem Phật Giáo sang truyền bá tại Trung Hoa vào thời Tam Quốc. Nơi Khương Tăng Hội đến truyền giáo là nước Ngô. Người Khương Tăng Hội thường giao thiệp chính là Ngô Quyền. Ông là người được sử Trung Hoa ghi : "Hội là một trong hai người (cùng với An Thế Gia) đặt nền móng cho Phật Giáo Trung Hoa". (Hậu Hán Thư). Ông được cái may mắn như vậy bởi ông họ Khương, sử Tầu cho ông là người xứ Phật, người Ấn Ðộ. Thực ra, tuy cha ông là người Khương Cư nhưng đã đến Việt Nam buôn bán một mình. Ông sinh đẻ, học hành, tu tập ở đất Việt và có thể gần như chắc chắn mẹ ông là người Việt bởi không thấy nói có phụ nữ người Khương Cư nào hay nói chung người Hồi nào cư ngụ ở Giao Châu hồi đó. Ðiều người ta khẳng dịnh Khương Tăng Hội là người Việt không chỉ bởi việc ông sinh đẻ ở Việt Nam mà bởi tư tưởng của ông là tư tưởng Việt. Ông hiểu rõ cấu trúc của ngữ pháp tiếng Việt, dịch Lục Ðộ Tập Kinh sang tiếng Hoa từ bản tiếng Việt, dùng những truyền thuyết Việt trong bản dịch (chuyện đẻ ra trăm trứng), chứ không dùng truyền thuyết của Ấn hay của Hoa (trong trường hợp này người ta gọi là trăm cục thịt); ông thọ giáo tỳ kheo tại Việt Nam và cái học của ông là cái học dựa vào tu tập thiền định, cột chặt tư tưởng với thực tế là lối học độc đáo của Việt Nam thời đó, khác với học phong Trung Hoa thiên về "huyền học thanh đàm". (Xin Quí vị độc giả tham khảo LSTTVN -sđd- để biết thêm những chi tiết chứng tỏ Khương Tăng Hội là người Việt).

 

Cái học của Khương Tăng Hội như thế nào ? Hán Thư ghi rõ : "Hiểu rõ ba tạng (Kinh, Luận và Luật của Phật Giáo), xem khắp sáu kinh, thiên văn, đồ vĩ phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, lanh việc viết văn". (Tăng Hựu và Huỳnh Hạ). Vậy thì cái học của ông là một cái học bách khoa toàn diện mà cột sống của nền học phong đó là ý thức dân tộc. Ðiều này chứng tỏ tổ chức giáo dục tại Giao Châu (Việt Nam cổ) hồi đó nói riêng, và nền văn hóa, tư tưởng của dân ở miền này nói chung, đã rất cao. Cũng cần nói thêm Lục Ðộ Tập Kinh không phải chỉ là một quyển Kinh Phật, mà còn nói đến cả văn học, khoa học như quá trình phát triển của thai nhi, về phong tục tập quán, về hôn nhân, về những kỹ thuật như rèn, đúc, làm giáo ... cả về âm nhạc nghệ thuật nữa. Như vậy, có thể tạm kết luận mà không sợ vội vã rằng với Khương Tăng Hội, Việt Nam đã khẳng định được điểm mạnh của mình, bản lãnh văn hóa ưu việt của dân tộc mình trái với những điều mà sử sách Trung Hoa còn lưu truyền lại muốn bôi nhọ miền đất Giao Châu và dùng những từ phỉ báng coi như đó vẫn còn là đất man di chưa được khai hóa.

 

Bởi có trình độ tư duy cao như vậy, nên Phật Giáo Quyền Năng càng ngày càng tỏ ra không thuyết phục được sự tin tưởng của người dân Giao Châu lúc ấy. Và sự khủng khoảng niềm tin đã được phơi bầy rõ rệt trong 6 bức thư giữa "Sứ quân" Giao Châu lúc đó là Lý Miễu và hai vị đứng đầu Phật Giáo là Ðạo Cao và Pháp Minh. (Xin mở dấu ngoặc để ghi công Học giả Lê Mạnh Thát, người đầu tiên đã phát hiện được 6 bức thư này trong vô vàn kinh sách Hán tự còn đang chờ đợi những người có tâm huyết sưu tầm. Sáu bức thư này tìm thấy trong Hoàng Minh Tập DTK số 2102 quyển 11, tờ 70A 26 - 72A19 của bản in Ðại Chính). Tầm quan trọng của sáu bức thư này quả như Trần Văn Giàu đã kết luận : "Tuy ít về khối lượng mà đúng là cả một kho tàng chờ đợi chúng ta khai thác" (Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử số 3 năm 1982). Rất tiếc khuôn khổ của bài báo không thể đăng nguyên văn lại sáu bức thư. Nó phản ánh không những cái học rất rộng của các tác giả những bức thư mà còn cho thấy lối lý luận, tư duy rất cấp tiến không khác thời đại của chúng ta ngày nay bao nhiêu. Với những ai không đặt sáu bức thư này vào bối cảnh xã hội lúc nó xuất hiện và vào nguyên nhân đã phát sinh ra nó thì có thể cho rằng : "Nho Giáo và Phật Giáo đều ra sức chứng minh sự cần thiết của mình trong xã hội. Qua lý lẽ của mỗi bên cho thấy Nho Giáo không thể giải đáp được hết các vấn đề của cuộc sống; cần có Phật Giáo bổ xung. Phật Giáo cũng không thể thỏa mãn được hết yêu cầu của con người, cần có Nho Giáo thêm vào!" (LSTTVN tập I của Nhà XB Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1997, trg 129). Lý giải như vậy bởi người ta cho Lý Miễu là một ông quan của chính quyền Hoa Hán bàn chuyện Phật Giáo Nho Giáo với những nhà sư cũng nằm trong đất đai của vua Hán cai trị. Nhưng nếu người ta hiểu rằng Lý Miễu không phải là một ông Sứ quân được chính quyền cắt cử (vì trong sử Trung Hoa không hề nhắc đến một ông Thứ Sử nào tên là Lý Miễu và chuyện này rất thường xẩy ra trong hơn ngàn năm Bắc thuộc mà không được sử cũ ghi chép lại !) và rằng Ðạo Cao, Pháp Minh là những nhà sư Việt yêu nước, thì người ta sẽ hiểu ý nghĩa của sáu bức thư này khác. Bởi trong thư Ðạo Cao và Pháp Minh đã gọi Lý Miễu lúc thì là sứ quân, lúc thì là : "ở vào địa vị của một Ðấng Thiên Tử" (cư đại bảo chi địa). Nếu Lý Miễu và Ðạo Cao không sống ở một nước chưa hẳn độc lập thì cũng đã hoàn toàn tự trị, thì lời nói trên có thể khép các ông vào tội tru di tam tộc. Bởi vậy sáu bức thư này chỉ có thể giải thích là một cuộc tranh luận để giải quyết vấn đề khủng khoảng lòng tin vào Phật Giáo Quyền Năng với tư cách của người đứng đầu một vùng đất đang muốn đòi độc lập và thực tế đang hưởng quyền độc lập và những người có trách nhiệm lãnh đạo Phật giáo sống trong địa hạt quản trị của ông. Lý Miễu muốn người đại diện cho Phật Giáo Quyền Năng trong địa hạt của ông phải giải thích cho rõ điều thắc mắc của dân chúng là tại sao nói Ðức Phật đã giác ngộ là người có quyền năng mà không thấy xuất hiện ra bằng xương bằng thịt để cho dân chúng người ta khỏi thắc mắc. Dù đã dùng rất nhiều lý lẽ dựa vào thuyết có Cảm thì có Ứng và dựa vào rất nhiều điển cố phần lớn lấy trong truyền thuyết của dân Giao Châu để trả lời Lý Miễu, nhưng sự trả lời của đại diện Phật Giáo Giao Châu vẫn chưa đánh tan được lòng hoài nghi của Lý Miễu nói riêng, và theo lời ông, của dân chúng Giao Châu thời đó nói chung vậy. Ta biết Phật Giáo đồ là lực lượng chính, là chỗ dựa chính của chính quyền địa phương để chống với ách đô hộ của chính quyền Hoa Hán. Bởi vậy việc canh tân Phật Giáo để tranh thủ lòng tin của dân là nhu cầu khẩn thiết, nhu cầu sống còn. Khi đã có khủng khoảng lòng tin thì phải tìm cách giải quyết. Ðó là lý do Phật Giáo đã chuyển mình để tiến đến giai đoạn hai. Ở đây có thể tạm kết luận giai đoạn một ở ba điểm như sau :

 

- Ðiểm thứ nhất là trình độ học vấn ở đất Giao Châu thời đó rất cao.

 

- Ðiểm thứ hai là những tài liệu viết bằng chữ nay gọi là chữ Hán còn lại phần thường không phản ánh đúng sự thực đã xẩy ra ít nhất là tại phần đất Giao Châu thời đó, chưa kể còn có một số những tác phẩm nhằm bôi lọ đất nước và con người Giao Châu một cách thiếu tư cách.

 

- Ðiểm thứ ba là Giao Châu đã có một nền giáo dục và một học phong phát triển khác với Trung Nguyên. Sự giáo dục do những người đại diện của chính quyền Hán mang đến như kiểu Nhâm Diêm là sự giáo dục chỉ nhằm mục đích áp đặt tư tưởng của nòi Hoa Hán lên đất Giao Châu. Cách giáo dục đó không được dân chúng hưởng ứng và chỉ tạo ra một số tay sai như Lý Cầm, Lý Tiến mà sử sách trước đây đã lầm cho là những tinh hoa của đất Giao Châu hồi đó. Vậy ảnh hưởng của nền dô hộ Tầu về phương diện tư tưởng đối với dân Việt không quá nặng nề như trước đây chúng ta đã lầm tưởng.

 

 

PHẬT GIÁO THIỀN TÔNG

 

1 . - Sự nghi ngờ về Phật Giáo Quyền Năng nói ở giai đoạn I đã là nguyên nhân của sự phát triển tư tưởng Thiền Tông ở đất Cổ Việt mà khởi đầu bằng dòng Thiền Tì Ni Ða Lưu Chi (mất năm 574). Tuy dòng thiền mang tên Tì Ni Ða Lưu Chi nhưng do Thiền Sư Pháp Hiền xiển dương. Việc phát triển dòng thiền này chắc có liên hệ với việc vua Lý Nam Ðế giành được quyền độc lập ở đất Giao Châu. Dòng thiền này dựa vào ý nghĩa của Kinh Bát Nhã, dậy cho người ta tu để được giác ngộ. Ở đây chữ giác ngộ không có nghĩa là có nhiều quyền năng như trước. Giác ngộ là tâm chuyển hóa vì nhận được tâm ứng của Ðức Phật. Nó xẩy ra trong tâm của mỗi người chứ không phải ở bên ngoài đưa tới. Theo dòng thiền này Phật không ở ngoài mà hiện hữu trong tâm của mỗi người. Cái tâm mà không chấp trước là tâm giác ngộ. Chính quan niệm Phật tại tâm của mỗi người và người nào cũng có Phật tính tức là cũng bình đẳng như nhau đã gây thêm niềm tự tin cho người dân Giao Châu hồi đó và đã nuôi dưỡng phong trào độc lập ngày một mạnh mẽ thêm. Nhất là khi lại được các vị thiền sư dùng hình thức sấm-vĩ để tuyên truyền cho tư tưởng độc lập này.


2 . - Dòng thiền Tì Ni Ða Lưu Chi truyền được 600 năm và đến Thiền Sư Y Sơn khoảng năm 1216 mới như chấm dứt. Nhưng song song với dòng thiền này vào khoảng năm 759 có một dòng thiền khác được lập nên do một vị Thiền Sư có hiệu là Vô Ngôn Thông. Chủ yếu của dòng thiền này dựa vào Kinh Pháp Hoa chứ không phải là Kinh Bát Nhã nhưng cũng không khác với dòng thiền Tì Ni Ða Lưu Chi bao nhiêu vì cũng đề cao chữ tâm. Ý nghĩa của nó được tóm tắt trong hai câu kệ của Thiền Sư Vô Ngôn Thông truyền cho đệ tử là Cảm Thành trước khi mất :

 

                        Tâm thiên cõi này

                        Cõi này tâm thiên

 

                                                (Thiền Uyển Tập Anh)

 

Vậy nó đã bổ xung cho dòng thiền Tì Ni Ða Lưu Chi, bởi không những cho tâm là Phật mà còn cho ngoại cảnh bên ngoài cũng là cảnh Phật, vì Tây Thiên là đất Phật mà cõi này cũng là Tây Thiên, vậy cũng là đất Phật. Do đó, khi đã giác ngộ thì con người "tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu" ("Tâm địa được khai thông, thì mặt trời trí tuệ sẽ tự nhiên chiếu sáng" - dẫn theo Trần Ngọc Ninh, Tập san Tư Tưởng số 3 tháng 7/1999). Nói một cách khác, nó khẳng định sự bình đẳng giữa các quốc gia ngoài sự bình đẳng giữa các cá nhân. Bởi vậy nó khơi dậy ý thức tự tin và độc lập mạnh mẽ hơn bao giờ hết của dân Giao Châu hồi đó. Dòng thiền này truyền được khoảng 400 năm đến thời Ứng Thuận Vương thế kỷ 15 mới coi như chấm dứt.

 

3 . - Ðến giai đoạn ba là giai đoạn của dòng thiền Thảo Ðường, lấy tên một vị Thiền Sư người Chiêm Thành đã bị bắt về khi vua Lý Thánh Tông đi chinh phạt đất Chiêm. Thiền Thảo Ðường được truyền cho người đệ tử đầu tiên là vua Lý Thánh Tông. Ông ở vào vị thế rất tốt để xiển dương tư tưởng dòng thiền này. Trong đời ông, ông đã thực hiện được hai việc coi là rất quan trọng đối với tư tưởng Việt. Ðó là lập ra cư sĩ đoàn Phật Giáo để đưa đạo vào đời và lập ra Văn Miếu, không phải với mục đích xiển dương Nho học, mà với mục đích dùng Nho học để đào tạo nhân tài, phát huy Phật Giáo. Ðiều này thời đó cũng chỉ ngầm hiểu. Phải đợi đến thời Trần, trong quyển Thiền Tông Chỉ Nam, vua Trần Thái Tông mới minh định rõ rệt lập Văn Miếu để dùng Nho làm công cụ truyền bá cho Phật Giáo và lập đoàn Cư Sĩ để đem đạo vào đời (cư trần lạc đạo).

 

4 . - Tư tưởng thiền tông đã đạt đỉnh cao nhất với dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Người có công đưa tư tưởng thiền vào đời, cũng là người anh hùng bậc nhất : vua Trần Nhân Tông đã hai lần chỉ huy đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lăng đất Việt (năm 1285 và năm 1288). Ông đã gây được sự tự tin tuyệt đối cho người dân khi đưa Tâm là Phật lên đến đỉnh cao :

 

Nhân khuấy Bụt nên ta tìm Bụt,

Chỉn mới hay chính Bụt là Ta

 

Như ta vừa nói thời kỳ này là thời kỳ tư tưởng Tâm là Phật phát triển đến đỉnh cao, Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng đã thường nói :

 

Khi mê không biết ta là Phật,

Khi ngộ thì ra Phật là ta.


Và thú vị nhất là vua Trần Thái Tông vì giận Trần Thủ Ðộ ép mình lấy chị dâu lúc đang có thai nên trốn vào núi Yên Tử đi tu. Trần Thủ Ðộ đem cả triều đình vào Yên Tử ép vua về cung nên Sư Viên Chứng đã phải khuyên vua một câu rất hay : "Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm. Tâm lòng mà biết thì đó đích thị là Phật". Do đó mới khuyên được Thái Tông trở lại triều đình.

 

Cũng cần phải ghi thêm, trong thời kỳ này, Trần Nhân Tông lần đầu tiên hòa hợp Tịnh Ðộ Tông với Thiền Tông :

 

Tịnh độ là lòng trong sạch

Chớ còn hỏi đến Tây phương,

Di Ðà là tính sáng soi,

Lựa phải tìm về cực lạc.

 

Với những tư tưởng tích cực như thế, với những phương pháp đem đạo vào đời như vậy, ông đã biến toàn thể quốc dân thành những chiến sĩ có tư tưởng hùng mạnh, can trường, vị tha, báo quốc và vì vậy nên triều Trần đã là một trong những triều tạo được nhiều chiến công hiển hách nhất trong lịch sử.

 

 

PHẬT GIÁO TỊNH ÐỘ

 

Theo học giả Lê Mạnh Thát thì đời Trần chấm dứt là chuyển sang một giai đoạn khác. Từ thời Lê sơ, đúng ra từ thời Lê Thánh Tông, khi Nguyễn Trãi đã bị tru di tam tộc, lịch sử ghi là thời thịnh trị của Nho học,văn học, nhưng thực sự thì đây là thời kỳ tư tưởng bắt đầu suy bởi đã bị ảnh hưởng rất nhiều của các tư tưởng Tống Nho từ Trung Hoa đem vào. Thời kỳ này Tịnh Ðộ phát triển.

 

Vậy Tịnh Ðộ có gì khác với Thiền ? Phật Giáo Tịnh Ðộ đem đến những điều hay cho đất nước hay những điều không hay ? Trả lời câu hỏi trên không phải là vấn đề đơn giản. Ta chỉ biết rằng theo Phật Giáo thì khi chết con người mất hết chỉ còn có Nghiệp mang theo. Theo Tịnh Ðộ thì muốn giải thoát nghiệp báo, cách hay nhất là niệm Phật.

 

Bởi thế Trần Thái Tông đã tuyên bố : "Dĩ niệm ý niệm, niệm niệm diệt chi" và trong Tịnh Ðộ Yếu Chỉ cũng ghi rõ :

 

Già đến tu đường tắt,

Chuyên niệm A Di Ðà.

Khi báo thân này hết,

Nước Cực Lạc ắt về.

 

Nói một cách khác Tịnh Ðộ là thuộc khuynh hướng sùng bái, cơ sở dựa vào đức tin và lấy lòng từ bi vô lượng của các Ðức Quan Âm, Di Ðà và Thế Chí là ba Phật thuộc lịch sử đã được nhân cách hóa để giúp cho người tu hành không thể tự sức mình (như trong Thiền tông)có thể vượt thắng dược những trở ngại hầu có thể sang được Tây Phương Cực Lạc. Lúc đầu khi khởi xướng Tịnh và Thiền kết lập, vua Trần Nhân Tông chủ trương lấy Tịnh làm phương cho Thiền nhắm đến, vô tâm để nhập thế, hành động theo vô cầu. Nhưng rồi thời thế mỗi lúc một suy. Người ta niệm Phật để cầu phúc cho mình, có khi niệm Phật để cầu lợi chưa kể có kẻ lại còn niệm Phật để cầu cho kẻ thù phải thua thiệt, bại vong ! Tịnh Ðộ như thế mang cái tiếng đã đưa Phật Giáo vào chỗ suy thoái . Kể cũng oan cho Tịnh Ðộ. Bởi sự suy thoái này là do vận nước, lòng dân. Riêng Tịnh Ðộ cũng chỉ là một lối tu đưa người về cõi giác, dù là một lối tu phải dựa vào sự trợ lực của các Ðức Phật Di-Ðà, Thế Chí, Quán Thế Âm, chứ không thể tự sức mình như Thiền Tông. Nó không còn có cái tinh thần cương cường, tinh thần vì dân vì nước, vô úy vô cầu của Phật Giáo đời Lý Trần nữa. Tuy nhiên, cái tinh thần kết hợp Thiền Tông và Tịnh Ðộ vẫn được những người cầm cân nẩy mực của cả chính giới lẫn Phật giới chủ trương. Thí dụ như chúa Nguyễn Phúc Chu cũng đã đề cao việc kết hợp này và khi mời vị Thanh Liêm Thịnh Ðại Sàng từ Quảng Ðông sang để chấn hưng đạo Phật ở miền Nam thì chính vị này cũng đã khuyên bà mẹ của chúa Nguyễn Phúc Chu tên Tống Thị là : "Trong các con đường tắt để tu hành không có con đường nào khác hơn là niệm Phật" (năm 1694 - theo LSTTVN - sđd - trg 395). Phần đất từ miền Bắc Trung Phần trở vào dưới thời chúa Nguyễn chịu ảnh hưởng rất lớn của các sư từ miền Quảng Ðộng di sang thuộc dòng Lâm Tế nhất là sau thời kỳ Trung Hoa bị quân nhà Thanh chiếm đóng. Chỉ có một thời gian ngắn ngủi thuộc thời Quang Trung thì vì quân sư thời đó là Ngô Thời Nhậm, tự nhận là tổ thứ tư của phái thiền Yên Tử đã xiển đương lại tinh thần Phật Giáo Thiền Tông đời Trần. Tiếc rằng thời gian quá ngắn ngủi nên không gây được ảnh hưởng lớn đối với tư tưởng của người Việt thời mạt vận này.


TƯ TƯỞNG NHO GIÁO VÀ VẤN ÐỀ BẢN ÐỊA HÓA TẠI VIỆT NAM

 

Nếu tư tưởng Phật Giáo đã thấm nhuần vào quảng đại quần chúng tại Việt Nam thì Nho Giáo ít ra từ thời Lê sơ đã có vai trò quan trọng trong việc quản trị đất nước. Nếu tư tưởng Phật Giáo đã giúp cho Việt Nam rất nhiều trong việc tranh thủ lại độc lập từ thời Bắc thuộc, trong việc giữ nước và phát triển đất nước, bành trướng về phương Nam thời Lý, Trần, Lê cho đến ngày nay thì Nho Giáo đã hỗ trợ cho việc quản lý đất nước từ khi du nhập. Tìm hiểu Nho Giáo, để biết tư tưởng này đã giúp ích gì cho việc xây dựng đất nước và con người Việt Nam và còn có tác dụng gì cho Việt Nam trong tương lai thiết tưởng không phải là điều vô ích. Tuy nhiên, tìm hiểu về đạo Nho cũng gặp những khó khăn không kém gì tìm hiểu về đạo Phật. Kinh điển rừng Nho có thể không nhiều bằng kinh điển nhà Phật, nhưng ngược lại sự khác biệt của tư tưởng Nho trong các thời đại đã làm cho những người tìm hiểu bị bối rối không phải ít. Nói về Ðạo Nho, người Tây phương dùng danh từ Confucianism do ở chữ Confucius là tên của Khổng Tử, ý muốn đồng hóa đạo Nho với đạo Khổng. Không thiếu gì người Việt chúng ta cũng đồng hóa như vậy. Sự cho đạo Nho và đạo Khổng là một không hẳn là đúng mà cũng chưa hẳn là sai. Không đúng hẳn bởi chính Khổng tử đã nói ông chỉ thuật chứ không phải là người sáng tác (thuật nhi bất tác) có nghĩa là trước Khổng Tử đã có đạo Nho. Hơn nữa, sau Khổng Tử cũng có nhiều tác giả khác xây dựng thêm, bổ túc thêm vào đạo Nho, nhiều khi có những ý kiến không phải là hoàn toàn giống với Khổng Tử. Tuy nhiên, cũng không sai hẳn, vì dù có nhiều tác giả có những ý kiến sai biệt đáng kể xây dựng nên đạo Nho, nhưng thủy chung đạo Nho vẫn mang một đặc tính mà tất cả các tác giả phải tuân theo nếu muốn xứng đáng là nhà Nho. Ðặc tính chung này Khổng Tử đã nói lên rất minh bạch : "Ngô đạo nhất dĩ quán chi" (cái đạo của ta lấy Một mà quán thông hết mọi sự). Vậy cái Một này là gì ? Ðể trả lời câu hỏi này đã có những kiến giải khác nhau. Riêng tại Việt Nam gần đây, một số những học giả cho rằng cái Một đó là chữ Nhân. Ðó là chủ trương của các cụ Phan Bội Châu, Trần Trọng Kim ... Một số học giả khác lại cho Một đây là chữ Thành. Tiêu biểu của phái này có thể kể đến học giả rất nổi tiếng triều Nguyễn là Nguyễn Văn Siêu đã được tôn là Thần Siêu (1795 -1872). Về điểm này ông viết : "chữ nhất trong nhất dĩ quán chi, một mà quán thông hết thẩy là thành, trời có thành bốn mùa mới vận hành muôn vật sinh trưởng, đó là sự biến hóa của thành. Thánh nhân chí thành vì vậy mà khi tự xử, tiếp xúc, động tĩnh, nói làm, đều nhất quán ở chí thành. Nếu giải thích chữ nhất ở đây là lý, vậy gốc đạo chỉ có một, ví như tiền từ một chuỗi tiền tung ra; đó là cách giải thích bên ngoài đâu có giải thích được chữ nhất trong câu nhất dĩ quán chi" (Phương Ðình Tùy Bút Lục, trg 394 - theo LSTTVN quyển 2, trg 68 -70). Ý chừng ở đây họ Nguyễn muốn chống đối việc Tống Nho đang được đề cao thời đó vì cái Lý đây là Lý học tiêu biểu cho cái học của Tống Nho. Tuy nhiên, chữ nhất nhiều học giả gần đây chủ trương lại có nghĩa là Vạn Vật Ðồng Nhất Thể (mọi vật cùng là một thể). Người tiêu biểu cho thuyết này có thể kể GS. Nguyễn Ðăng Thục và BS. Nguyễn Văn Thọ. Hiện nay Nho cũng giống Phật, tuy dùng những danh từ khác nhau, như cái Một này Kinh Thư gọi là Lương Tâm hay Ðạo Tâm; Trung Dung thì gọi là Tính; Ðại Học thì gọi là Minh Ðức; Kinh Dịch thì gọi là Thái Cực; Mạnh Tử thì gọi là Xích Tử Chi Tâm. Ngoài ra còn có những nhà Nho gọi nó là Nhất, là Trung, là Thánh, là Mệnh. Tuy nhiên sự giống nhau chỉ ở mục tiêu, đi vào chi tiết có những cái khác biệt rất lớn. Ðể có một khái niệm về những sự giống và khác này, ta cần phải phân biệt, Nho từ khởi thủy trước đời Tần là Nguyên Nho hay Nho Tiên Tần gồm có : Khổng Tử (551 - 479 trước Kỷ Nguyên), Mạnh Tử (372 - 289 trước KN), Tuân Tử (325 - 238 trước KN); với Nho triều Hán : Ðổng Trọng Thư (thế kỷ thứ 2 và thứ 3), Nho Nam Bắc Triều (thế kỷ thứ 3 và thế kỷ thứ 4); Nho triều Tống : Chu Ðôn Di (1017 - 1073), Trình Hạo (1032 - 1083), Trình Di (1033 - 1167), Chu Hy (1130 - 1200); Nho triều Minh : Vương Dương Minh (1472 - 1558) và những nhà Nho sau này.

 

Như trên đã nói, trước Khổng Tử đã có đạo Nho, và sau Khổng Tử còn nhiều người góp phần xây dựng nên đạo Nho, nhiều khi chủ trương những tư tưởng khác biệt nhau rất nhiều. Bởi vậy mới có cái Nho Nhân Nghĩa của Khổng Mạnh; cái Nho trọng Pháp của Tuân Tử; cái Nho Chính trị của Ðổng Trọng Thư (Hán); Cái Nho thiên về Lý của Tống Nho; cái Nho trọng chữ Tâm của Minh Nho. Tuy khác biệt như vậy nhưng họ đều là Nho và họ đều tôn trọng cái mẫu số chung là Vạn Vật Ðồng Nhất Thể, họ đều bám víu vào cái phao chung là thuyết Tam Tài (Thiên, Ðịa, Nhân), mà ở đó, con người được coi đặc biệt cao quý, thiêng liêng hơn muôn vật ("Duy nhân vạn vật, chí linh bổn thông minh, tác nguyên hậu" - Kinh Thi, Thái Thệ Thượng).

 

Bàn về đạo Nho mà chỉ viết trong năm, ba trang giấy thì có khác gì người "cưỡi ngựa xem hoa", chưa kể ta có thể bị lạc dường trong rừng kinh điển mà điều này lại rất dễ xẩy ra! Vì vậy , những điều chúng tôi sắp trình bày dưới đây chỉ xin coi như việc cắm một vài cái mốc để nhận diện đạo Nho và hình dung ra vài nét Nho đã được bản địa hóa đi như thế nào trên đất Việt về các điểm căn bản như Trung Hiếu, Nhân Nghĩa, Tam Cương, Ngũ Thường; nói chung triết lý của đạo Nho.

 

TRUNG HIẾU

 

Ðầu tiên ta không thể không nói đến một tư tưởng mà gần đây đã gây tranh luận khá nhiều và đã đưa đến những hiểu lầm tai hại. đó là câu :

 

"Quân xử thần tử, thần bất tử bất Trung,

Phụ xử tử vong, tử bất vong bất Hiếu."

 

(Vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chịu chết là bất trung,

Cha bảo con phải chết, con không chịu chết là bất hiếu.)

 

Câu này có người cho do Thái tử Phù Tô, con trưởng của Tần Thủy Hoàng là tác giả (Kim Ðịnh, Cơ Cấu Việt Nho). Có người cho phát sinh từ Tống Nho (Nguyễn Tài Thủ, Viện Triết Học Hà Nội, Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam tập I, trg 78 - sđd). Tuy nhiên, không ai dẫn chứng được nguồn gốc rõ rệt nên tạm để là "tồn nghi".

 

Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là : câu này có là một bộ phận của tư tưởng Nho không ? Câu trả lời dứt khoát là : Không. Không là Nho vì không một nhà Nho nào dám nhận mình là tác giả của câu nói rất nhiều người biết nhưng cũng rất phi nhân đó. Không là Nho bởi tư tưởng đã ra ngoài cái cốt lõi của đạo Nho là tôn trọng nhân bản theo thuyết Tam Tài, trong đó con người ngang hàng Trời Ðất, "tương tự như Trời Ðất" (dữ thiên địa tương tự - Hệ Từ Thượng); "cùng sinh ra với Trời Ðất" (Thiên địa dữ ngã tịnh sinh - Tả Truyện - Chiêu Công 25); hơn nữa "con người là sự kết tinh của Trời Ðất, là sự giao hòa của Âm Dương, là nơi hội họp của Quỷ Thần, là khí thiêng của Ngũ Hành kết tụ lại" (Nhân giả kỳ Thiên Ðịa chi đức, Âm Dương chi giao, Quỷ Thần chi hội, Ngũ Hành chí tri khí dã" (Lễ Ký, Lễ Vận IX). Con người vì vậy bình đẳng và bình quyền với nhau. Việc giết người tùy tiện, như phản ánh trong câu nói trên không thể là Nho giáo. Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận một thực tế rất lạ lùng này là tư tưởng trung, hiếu một cách mù quáng như trên, không hề có trong bất cứ một kinh điển Nho giáo chính thống nào, lại là tư tưởng rất phổ biến tại lục địa Trung Hoa. Ngày nay xem phim tập hay những truyện dịch của Trung Hoa, người ta vẫn thấy phản ánh rất rõ tư tưởng trên. Tượng trưng cho sự phổ biến tư tưởng này là việc đề cao chuyện tướng Nhạc Phi, dù biết gian thần Tần Cối giả mệnh vua cố ý hãm hại mình mà vẫn đem đầu về cho Tần Cối chém vì sợ mang tiếng cãi lệnh vua, là bất trung. May thay, tại đất Việt, tư tưởng này không được đề cao. Tất nhiên, trong lịch sử cũng có vài chuyện ngu trung như vậy trong những thời kỳ mạt vận của đất nước như thời Lê Chiêu Thống hay thời Nguyễn. Dù sao, trong dân gian, không ai lập đền thờ và sùng bái những người như vậy, khác với tại Trung Hoa, người ta đã lập đền thờ Hàn Phi bên bờ hồ đẹp nhất Trung Hoa ở Hàng Châu.

 

Sự sùng bái Ngu Trung như vậy có thể hiểu là kết quả của việc tuyên truyền của tư tưởng Hoa Hán với mục đích trấn áp các cuộc nổi dậy triền miên, bất tận của các dân tộc bị trị, mà phần này lại là đa số. Bởi vậy gán câu "Quân xử thần tử ... " trên cho cha con Tần Thủy Hoàng cũng không phải là không có lý. Tuy nhiên, đừng vì thực tế này mà cho rằng các nhà hiền triết trong đạo Nho chủ trương việc ngu Trung như vậy. Trung thành với thuyết Vạn Vật Ðồng Nhất Thể, các Ngài phân biệt bổn phận mỗi người rất rành rọt tùy theo cương vị của mình : "vua phải ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con" (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử - Luận Ngữ). Các Ngài biết : " Bổn phận làm vua là rất khó, mà bổn phận làm tôi cũng không dễ" (Vi quân nan, vi thần bất dị). Tại sao bổn phận làm vua lại khó ? Bởi "Vua có bổn phận phải đem cho dân trật tự, sự giàu có, và có giáo dục" (Thứ chi, phú chi, giáo chi). Làm gì có chuyện nhà vua có thể giết bầy tôi tùy tiện, vì nếu "Vua coi bề tôi như chân tay, bề tôi sẽ coi vua như tâm phúc; vua coi bề tôi như chó ngựa, bề tôi sẽ coi vua như người đi đường; vua coi bề tôi như đất cỏ, bề tôi sẽ coi vua như giặc thù" (Mạnh Tử). Thực là rõ rệt. Thực là sòng phẳng. Tuân Tử còn đi xa hơn họ Mạnh nữa. Ông thẳng thừng tuyên bố : "Giết một tên vua tàn bạo có khác gì giết một tên phu xe độc ác" (Tru bạo quốc chi quân, nhược chu độc phu). Bởi vậy khi vua Trụ bị lật đổ và bị giết, Mạnh Tử khéo léo phân bua : "Chỉ nghe giết một người tên Trụ, có nghe nói giết vua bao giờ đâu". Về phương diện pháp lý, như thế con người thực đã hoàn toàn bình đẳng trước luật pháp ! Bởi khi vua không làm tròn bổn phận của vua thì mất quyền vua, đãthành dân thường. Mà đã thành dân thường thì ai cũng như ai trước búa rìu pháp luật. Những người tranh đấu cho đa-nguyên, cho nhân-quyền, cho bình-đẳng ngày nay tưởng cũng nên tham khảo tư tưởng Nhân-Bản, Nhân-Chủ này của Nguyên Nho vậy.


Tại Việt Nam, ông cha chúng ta đã dung nạp tư tưởng Nho Tiên Tần này với tư tưởng cốt lõi Việt Nam bao giờ cũng đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên hết. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt có chuyện đề cao ngu trung kiểu Hàn Phi. Bởi vậy, Lê Ðại Hành phế ấu chúa để đem toàn tâm, toàn trí ngăn giặc dữ đã được toàn thể quân dân ủng hộ. Lý Công Uẩn bỏ Lê Long Ðĩnh; Trần Cảnh thế Lý Chiêu Hoàng cũng đều trong những hoàn cảnh và cùng ý nghĩa tương tự. Và vua Quang Trung :

 

"Mà nay áo vải, cờ đào,

Giúp dân, dựng nước biết bao công trình"

(Ngọc Hân)

đã để lại danh thơm muôn thủa.

 

 

Về Hiếu cũng vậy, người Việt tự thủa ban sơ đã coi đạo Hiếu là giềng mối căn bản trong đạo gia đình, là tình cảm thiêng liêng của con người (chuyện Chử Ðồng Tử, Bánh Chưng Bánh Dầy ...). Tuy nhiên, quan niệm Hiếu của Việt Nam cũng có những khác biệt với Trung Hoa. Tư tưởng đạo Nho nói về Hiếu có ba điểm chính :

 

- Thứ nhất : Phải có con trai để nối dõi tông đường (Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại - Mạnh Tử).

 

- Thứ hai : Cha mẹ sinh ta như thế nào thì phải giữ nguyên trạng đó cho đến chết - "Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, đó là đầu của đạo Hiếu" ( Thân thể, phát phu, thọ chi phụ mẫu bất cảm tổn thương, hiếu chi thủy - Hiếu Kinh)

 

- Thứ ba : "Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, đó là kết của đạo Hiếu" (Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, hiếu chi chung - Hiếu Kinh)

 

Có nhiều tác giả đã quảng diễn những tư tưởng trên và viết ra nhiều sách để dậy dân đạo Hiếu. Ðáng kể trong các sách này có Nhị Thập Tứ Hiếu của Quách Cư Nghiệp viết từ đời Nguyên và đã được phổ biến ở Việt Nam qua bản diễn nghĩa của Lý Văn Phức, trước kia từng được dùng làm sách giáo khoa bậc trung học nước ta. Ðề cao đạo Hiếu là việc đáng khuyến khích; nhưng nhiều chuyện Hiếu kể ở sách trên không hợp với người Việt. Nhiều chuyện trái với khoa học tự nhiên như chuyện Ngô Mạnh Tông khi mẹ muốn ăn canh măng đã ra ôm cây tre khóc nằn nì với cây, cuối cùng cây tre nẩy ra măng non để đem về nấu canh cho mẹ. Có những chuyện không những phản khoa học mà còn rất ngu xuẩn như Ngô Mãnh nhà nghèo không có màn đành phải nằm làm mồi cho muỗi bu vào cắn, hi vọng muỗi sẽ đủ chán chê không cần cắn cha. Ngu xuẩn nhất và không hợp nhân tính là chuyện Quách Cự dự định đem chôn con để dành phần cơm nuôi mẹ. Và điều này là trái tinh thần Vạn Vật Ðồng Nhất Thể, như trên đã nói, của Nho gia.

 

So với chuyện Hiếu trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của Việt Nam và vô vàn những câu ca dao nói về đạo Hiếu được dân gian truyền tụng đời này sang đời khác thì ý nghĩa chữ Hiếu trong chuyện Tầu chưa chắc đã thấm thía bằng mà đứng về nhân bản thì Việt Nam cao hơn hẳn. (Chuyện QVGKT kể rất đơn sơ rằng có một người bạn thành danh, lâu ngày chưa gặp, về thăm bạn cũ. Người bạn cũ này ra vườn bắt gà làm thịt. Anh bạn đã thành danh chắc mẩm bạn mình làm gà đãi khách. Nhưng khi gà làm xong, người bạn nghèo này bưng thịt vào mời mẹ. Kết cấu câu chuyện thật bất ngờ mà ý nghĩa của nó đáng được kể lại cho con cháu chúng ta ngày nay). Lý lẽ về đạo Hiếu đã được các học giả Việt Nam viết trong sách xưa (Lục Ðộ Tập Kinh của Khương Tăng Hội) cũng rất hay, nhưng xem chừng các tư tưởng này đã có pha mầu tư tưởng Phật (xin xem LSPGVN của Lê Mạnh Thát - sđd). Dù sao, nhận xét sau của Lê Mạnh Thát để trả lời cho quan niệm Mạnh Tử : "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" là rất đáng lưu tâm : "Vô hậu (đối với người Việt) đã chuyển từ bình diện sinh lý sang bình diện văn hóa. Ðể bảo vệ sự tồn tại như một dân tộc, người Việt phải xác định mình có một nền văn hóa, một nền đạo đức học thuật cần phải được nối dõi, cần phải bảo vệ, nếu không, dân tộc không thể tồn tại với tư cách là một dân tộc." (LMT - sđd - trg 53).

 

NHÂN NGHĨA

 

Như ở trên đã nói, Khổng Tử từng tuyên bố "Ngô đạo nhất dĩ quán chi" (Ðạo ta lấy cái Một mà thông suốt tất cả - Luận Ngữ). Có nhiều học giả đã cho rằng Một đây là chữ Nhân (xin xem Khổng Học Ðăng - Phan Bội Châu, Nho Giáo - Trần Trọng Kim). Vậy Nhân là gì ? Và Nghĩa là gì ?

 

Một trong tứ thư phản ánh đúng tư tưởng của Khổng Tử nhất là quyển Luận Ngữ (vì ít bị pha chế, xuyên tạc) có nhắc đến chữ Nhân 60 lần với 60 nghĩa khác nhau . Khi thì Khổng Tử nói "Nhân là thương người" (trả lời Phan Trì - Luận Ngữ); khi lại nói "Bỏ được tư dục, hồi phục được chân lý của Trời là Nhân" (Khắc kỷ, phục lễ vi nhân - trả lời Nhan Hồi, Luận Ngữ); ở một chỗ khác "Ðiều gì mình không muốn đừng làm cho người khác" (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - trả lời Tử Cống - Luận Ngữ). Vậy Nhân theo Khổng Tử có nhiều nghĩa. Ai cũng biết Nhân là đức đứng đầu, còn Nghĩa đứng thứ nhì trong ngũ luân (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Nhưng nếu Ðức Khổng nói rất nhiều về Nhân thì Nghĩa lại ít được nhắc tới. Có điều rõ rệt, đối với Khổng Tử, cũng như đối với các nhà Nho khác, Nghĩa và Lợi là hai từ đối lập nhau. Hành động hợp nghĩa mới là hành động của người Quân Tử. Hành động vì lợi là hành động của kẻ tiểu nhân. (Quân tử biết rõ về nghĩa, tiểu nhân biết rõ về lợi - Luận Ngữ). Vậy Nghĩa hàm ý điều phải làm, điều không thể không làm đứng về phương diện luân lý, đạo đức; còn Nhân có nghĩa rất rộng, gần như chỉ mọi đức tính tốt của con người. Khổng Tử không định nghĩa về Nhân và Nghĩa, nhưng một hậu Nho đời Tống, Chu Ðôn Di, định nghĩa rõ rệt Nhân là yêu. Phải chăng ông đã lấy ý từ câu nói của Mạnh Tử : "Lòng Nhân của vua Thuấn không yêu khắp mọi người, mà trước hết yêu bà con và người tài giỏi". (Mạnh Tử, Tận Tâm chương, Cáo Thượng - dẫn theo Lê Mạnh Thát trong LSPGVN I). Có lẽ khởi từ lời nói này học giả Lê Mạnh Thát đã chứng minh tư tưởng Nhân trong Nho giáo hẹp hơn tư tưởng Nhân trong văn hóa Việt. Ông dẫn chứng lời một học giả Việt từ đầu thiên niên kỷ trước để minh chứng điều đó "Nhân là lòng thương không chỉ giới hạn trong việc thương người mà còn bao trùm hết cả sinh vật cho chí đến cả cỏ cây" (hoài vô ngoại chi hoằng nhân, nhuận đãi thảo mộc - Khương Tăng Hội, Lục Ðộ Tập Kinh). Tư tưởng này có lẽ đã chịu ảnh hưởng của Phật Giáo. Trước khi tiếp xúc với Nho giáo, dân Việt thời cổ tất nhiên đã biết Nhân, Nghĩa và đã có một cuộc sống hết sức hòa mục, vô cùng hoan lạc. Những hoa văn trên trống đồng cũng như tục ngữ, ca dao đã nói rõ điều đó. Nhưng vì văn bản thất lạc, việc viết phải chưng dẫn bằng cớ ắt còn cần lắm công phu. Ở đây xin tạm chỉ nói đến tư tưởng Việt Nam đích thực sau này về Nhân Nghĩa. Không biết có phải đã chịu ảnh hưởng của Nho và Phật không, nhưng rõ rệt tư tưởng Việt đã vượt cả Nho lẫn Phật. Ðiều này chắc chắn phải nhờ vào cái cốt lõi tư tưởng Việt rất vững vàng, rất cương mãnh như đã nói ở trên. Lấy Nguyễn Trãi làm một thí dụ. Trong Bình Ngô Ðại Cáo ông viết :

 

Ðem Ðại Nghĩa để thắng hung tàn,

Lấy Chí Nhân mà thay cường bạo.

 

Chữ Ðại Nghĩa phân biệt với Nghĩa thường để nói lên bổn phận phải làm, bổn phận không thể không làm đối với quốc gia. Phải chăng Ðại Nghĩa đây đồng nghĩa với lòng yêu nước, một tư tưởng đặc thù Việt Nam không thấy có trong tư tưởng Nho giáo hay tư tưởng Trung Hoa trước kia. Sau này chữ Ðại Nghĩa cũng thường được các hậu Nho thu gọn lại là Nghĩa để chỉ lòng yêu nước như : "Trương Ðịnh xướng Nghĩa, hào kiệt bốn phương kéo nhau đến đông như vậy, không biết việc lớn có thành hay không ?" (Nguyễn Thông - Truyện Hồ Huấn Nghiệp). Từ Nghĩa này dùng trong dân gian và cả trong luật lệ nữa với nghĩa rất rộng : "Nghĩa là lợi không ham; thấy của rơi không lấy; giúp đỡ chu cấp cho người mà không mong báo đáp; cứu giúp kẻ hoạn nạn; đánh đổ cường hào" (Dụ Gây thuần phong mỹ tục cho xã hội, Tự Ðức năm thứ 11 - dẫn theo Trần Văn Giàu, Triết Học và Tư Tưởng, trg 281 - 282). Còn Chí Nhân là lòng thương người, thương cả côn trùng cây cỏ (" ...vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ... tàn hại cả côn trùng cây cỏ ..." - Nguyễn Trãi, Bình Ngô Ðại Cáo), lòng làm tốt cho người, cứu giúp người, ngay cả đối với kẻ thù (" ... không giết còn cấp ngựa, cấp thuyền đưa kẻ thù về nước ..." - NT, BNÐC).


TAM CƯƠNG, NGŨ THƯỜNG

 

Nhiều người cho tam cương, ngũ thường là tư tưởng căn bản của Khổng giáo và cũng là tư tưởng chỉ đạo cho nếp sống đạo đức luân lý của người Việt trước đây. Cả hai nhận xét đó đều có phần lệch lạc, không đúng sự thực.

 

Ðối với Nho gia, người ta chỉ biết đến tam cương, ngũ thường từ đời Hán. Nói cho thực chính xác, đó là thủ đoạn của Ðổng Trọng Thư, kiến trúc sư của đế quốc Hán, lập ra nhằm mục đích hổ trợ cho kế hoạch chính trị của ông. Ðổng Trọng Thư không phải là nhà hiền triết lỗi lạc, cũng không phải là người sáng tạo vĩ đại. Nhưng ông quả là một lý thuyết gia chính trị đại tài. Nhờ ông mà đế quốc Hán có thể ổn cố được quyền hành trong buổi thống nhất ban sơ và giữ vững được ngai vàng mấy trăm năm dù nòi Hán chỉ là thiểu số trong cái đế quốc mông mênh ấy, và văn hóa Hán cũng thua nhiều so với văn hóa nhiều nước mới hòa nhập dưới quyền thống trị của Hán. Nói ông không phải là nhà sáng tạo đại tài, bởi họ Ðổng chỉ dựa vào những tư tưởng đã có từ trước rồi biến đổi đi để phục vụ cho mục đích chính trị của mình :

 

- Về vũ trụ quan, ông đã biến đổi rất khéo quan niệm Trời (Thiên) của Nho gia trước thời Tần, mà cũng là tư tưởng của các nền triết học lớn Á Ðông khác (Lão, Phật). Thay vì cho trời là Thiên Nhiên, là Ðạo, là Thái Cực, là Tâm Ðại đồng ... nói chung là Cái Một Vô Ngã, Cái Một vĩnh cửu thường hằng, thì ông lại cho Trời là đấng quyền linh tối cao ngự trị trên Thiên Nhiên. Từ đấy, ông lý luận vua là cái khuôn phép của Trời (Vương giả duy thiên chi pháp). Chữ Vương ( ) gồm ba gạch ngang là tam tài và vạch dọc có nghĩa quán thông hết (Thư thiên địa dĩ nhân chi trung, dĩ quán nhi tham chi). Lý luận của ông có mục đích đề cao vương quyền, coi vua vừa là Giáo Chủ, vừa là Hoàng Ðế, có quyền hành tuyệt đối, mà nhiệm vụ gồm cả ba phần : thay ý Trời (thừa thiên ý), trông coi việc giáo hóa dân (minh giáo hóa), sửa sang thi hành luật pháp (chính pháp độ). Bởi Lưu Bang, vua mở đầu nhà Hán, chỉ là một thường dân, không phải là "con vua để được làm vua". Lưu Bang được chính quyền cũng không phải tài giỏi hay đức độ gì, vì vậy Ðổng Trọng Thư đã mượn thuyết Thiên mệnh chỉ để biện minh cho sự lên ngôi vua của nhà Hán.

 

- Về nhân sinh quan, ông cũng mượn thuyết ngũ luân rồi đổi ra tam cương và ngũ thường. Ngũ luân là tương quan giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn, một tương quan hoàn toàn bình đẳng như trên đã nói tới (vua có bổn phận của vua, tôi có bổn phận của tôi, cha có bổn phận của cha, con có bổn phận của con). Còn tam cương thì khác, cương có nghĩa là sợi dây chính của lưới mà mọi sợi chỉ khác phải dính vào đó. Theo Ðổng Trọng Thư, vua là cương của tôi, cha là cương của con, chồng là cương của vợ. Ta thấy chỉ cần đi một bước ngắn nữa, kiểu "quân xử thần tử ..." như đã nói ở trên, thì họ Ðổng đã có thể tóm thâu được toàn bộ dân chúng sống dưới sự cai quản của nhà Hán phải thần phục vua Hán ngay từ trong phạm vi tư duy rồi ! Có cần nói thêm là chính Ðổng Trọng Thư là người đầu tiên đề ra lối thi cử để chọn người phục vụ nhà vua; mà thi cử trên căn bản kinh điển nho gia. Xin nói ngay đây là loại kinh điển đã được tu sửa lại. Bởi vậy ngày nay, ngay những học giả lỗi lạc nhất nhiều khi cũng bối rối về tứ thư, ngũ kinh, không biết đâu thực là của các thánh nhân đời trước và đâu là do Ðổng Trọng Thư thêm bớt tu sửa vào ! Trừ Luận Ngữ được coi là kinh văn trung thực nhất.

 

Ðổng Trọng Thư hơn Lý Tư, Thừa Tướng của Tần Thủy Hoàng, là họ Lý đề nghị đốt bỏ hết kinh sách đời trước, chỉ giữ lại sách và luật Tần. Vì vậy, nhà Tần bị tứ phương nổi lên chống đối, chỉ tồn tại được 15 năm. Họ Ðổng khôn hơn, cũng đề nghị bỏ hết Bách gia, Chư tử, nhưng giữ lại sách của họ Khổng : "Những gì không thuộc khoa Lục Nghệ (Lục Kinh) thì phải tuyệt đạo, đừng để cho tinh tiến" (Tiền Hán Thư, q. 56). Từ chỗ giữ lại sách của Khổng Nho, họ Ðổng tiến đến đề cao Khổng Tử sau khi sửa lại tư tưởng của vị hiền triết có uy tín này cho phù hợp với mục đích của ông.

 

Ðã có ý kiến cho rằng nếu không có sự chống đối thì nhà Hán đã biến Khổng Tử thành một vị chúa tương tự như Chúa Jésus và Khổng học đã được tổ chức thành một tôn giáo như Gia Tô giáo tại Ðông phương rồi ! (Phùng Hữu Lan, Ðại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, bản dịch Viện Ðại Học Vạn Hạnh ấn hành 1968, trg 211 - một số lời dẫn ở đoạn trên trích theo sách này).

 

Ðổng Trọng Thư có tài và có dã tâm lớn như vậy nhưng dù việc cai trị của nhà Hán có vẻ thành công, việc đồng hóa các sắc dân xem chừng không có kết quả bao nhiêu. Bởi vậy, cuối đời Hán giặc giã lại nổi lên khắp nơi. Ðọc truyện Tam Quốc, ngay vào đầu truyện đã thấy tả giặc khăn vàng nổi lên như ong không sao đếm xuể. Xin nói ngay, giặc khăn vàng đây chính là sự nổi dậy của Tộc Việt không chịu sự cai trị hà khắc của chính quyền Hán. Nếu cần dẫn văn bản chính sử, xin đọc một đoạn trích trong Ích Châu Kỳ Cựu truyện, dẫn trong Thục Chí 8, tờ 3b 12 - 13 về lời nhận xét của hai quan chức nhà Hán, một của Hứa Tinh : "Tinh bàn với Viên Bái, Ðặng Tư Hiện v. v ... vượt biển xanh về Nam đến Giao Châu, trải qua các nước Ðông Ân, Mân Việt, đi qua muôn dặm không thấy đất Hán, phiêu bạt sóng gió, hết lương ăn cỏ, đói kém tràn lan, chết hơn phân nửa". Và một của Trần Thọ : "Lúc ấy đường vua cách tuyệt, mục bá các châu giống như chư hầu thời bẩy nước". Xem như vậy, hầu như các châu, quận thuộc Bách Việt cũ đều nổi lên chống Hán và đều đã giành được quyền tự trị. Sĩ Nhiếp ở Giao Châu là một trong các trường hợp này. (LSTTVN I - sđd).


Tuy nhiên, tư tưởng quốc gia hồi đó chưa rõ nét. Các người lãnh đạo, phần nhiều là người có học nên vô hình chung bị khống chế bởi tư tưởng Thiên Mệnh của Ðổng Trọng Thư hay ngay cả tư tưởng của Lục Kinh, đã bị san định lại, như : "Nơi biên viễn không được mưu việc Hoa Hạ - Di Dịch không được làm loạn Trung Hoa" (Tả Thị Xuân Thu, Ðinh Công năm thứ 10) hay "Chư hầu không có bá chủ thì hại biết chừng nào" (dẫn theo LMT, sđd). Cuối cùng các cuộc nổi dậy cũng chẳng đi đến đâu. Thế mới biết ảnh hưởng của Tư Tưởng quan trọng như thế nào !

 

Tại Việt Nam, thuyết thiên mệnh và tam cương ngũ thường của họ Ðổng đã gây ảnh hưởng đến mức nào ? Sách sử, chính qui từ thời Hồ trở về trước đã bị quân Minh lớp đốt bỏ, lớp đưa về Tần hết, nên cần có phát hiện thêm mới xác định được. Cứ kể từ Lê sơ (sau khi Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc) đến hết triều Nguyễn, nghĩa là khi Hán hóa mỗi ngày một nhiều, tư tưởng trên cũng chỉ có ảnh hưởng trong lớp quan quyền, nho học. Trong dân gian, ảnh hưởng này rất nhẹ. Lấy chữ Trung làm thí dụ : như trên đã nói, người dân chỉ trung với nước. Triều vua nào không phục vụ đất nước và dân tộc tốt được nữa thì bị thay thế. Ngay cả đến cuối triều Nguyễn, khi sự Hán hóa đã đến độ không thể chịu được, việc lật đổ chính quyền chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do, nhưng dân chúng vẫn nổi lên khắp nơi phản kháng triều đình. Những cuộc nổi dậy mà triều đình gọi là giặc này, được sự hậu thuẫn của dân nên nhiều nơi đã chiếm những vùng đất lớn, đủ dựng một chính quyền tự trị lâu dài, như sự nổi dậy của Phan Bá Vành, Cai Tổng Vàng. Sở dĩ được vậy vì họ đã hành xử đúng với truyền thống dân tộc, mà tiêu biểu là "giặc Lê Duy Cự " có quân sư Cao Bá Quát trương cờ nghĩa với khẩu hiệu :

 

Bình dương, Bồ bản vô Nghiêu Thuấn,

Mục dã, Lam điền hữu Võ Thang.

 

Ta có thể kể vô vàn thí dụ trong thi ca, trong ca dao, tục ngữ, trong truyện dân gian để chứng minh rằng các "cương" khác như phụ tử, phu phụ tại xã hội Việt Nam đã diễn ra không giống như những điều Hán Nho đã dậy.

 

 

 

Nho trong Nam Bắc triều và Nho nhà Ðường còn đang dung hợp với tư tưởng Phật Giáo rất thịnh hành tại Trung Hoa lúc đó nên chưa có điều gì đặc sắc. Tống Nho đã thực hiện xong việc dung hợp tam giáo và có những cống hiến đáng kể về mặt tư tưởng. Nhưng trừ Chu Liêm Khê và Trình Minh Ðạo, các nhà tư tưởng khác từ Trương Hoành Cừ, Trần Y Xuyên, cả Chu Hy nữa thì, đúng như Trần Trọng Kim đã nhận xét : "... thường quá thiên về đường qui thức, quá trọng về đường thượng lễ và cư kính, cho nên thành ra câu chấp, bó buộc về mặt thủ cựu, lâu ngày ứ trệ, thực là tai hại cho tiến bộ" (Nho Giáo, Trg 174 -175).

 

Tống Nho vào Việt Nam còn gây nhiều tai hại hơn nữa vì người học để đi thi chỉ được học qua bản văn tóm tắt các kinh điển đã thiếu sót lại rất vụng về. Ðiều này người viết xin được góp bàn trong một dịp khác. Ở đây chúng tôi chỉ xin phép đưa hai nhận xét không thể không nói tới khi bàn về Tống Nho : Một là Tống Nho, nhất là nhờ công trình của Chu Liêm Khê, đã đưa triết học đạo Nho lên ngang tầm đạo Phật, đạo Lão mà mục đích là chỉ đường cho nhân sinh tìm về cái Một Ðại ÐồngVĩnh Cửu. Hai là, ngược lại, với ý kiến của Chu Hy như : "Những việc làm, lời nói của thánh nhân không có việc gì là không làm phép tắc cho đời sau. Ai thuận theo là quân tử mà cát, ai không thuận theo là tiểu nhân mà hung", như vậy là ông đã công thức tư tưởng Nho vào một cái vỏ cứng ngắc ngăn mọi tiến bộ mới. Khổ một nỗi sách do Chu Hy soạn đã được chọn làm sách giáo khoa chính thức nên không kể những bậc trí giả tự tìm học thêm ở ngoài, sự hiểu biết của trí thức được đào tạo chính qui theo đường lối của các vương quyền xuống thấp đến độ chỉ còn là những người thợ chư, trung thành với vua. Ðối với Việt Nam, cái hay của Tống Nho thì người Việt không cần vì đã có sẵn, cái dở của Tống Nho thì người Việt lại lãnh đủ : tư tưởng Tống Nho tuy không thay đổi được nếp sống và tư duy của đại đa số người Việt, nhưng đã tạo được một lớp triều thần đủ đông để đi sai lệch với tư tưởng cổ truyền, ngăn cản sự vận hành tự nhiên của lịch sử do đại khối dân tộc muốn thay đổi thế nước mỗi khi bị cai trị bởi một chính quyền bất lực hay xuẩn động. Sự phân hóa trong tư tưởng này phải được nhìn như một nguyên nhân chính cho sự đi xuống của dân tộc mà việc bị mất nước vào tay thực dân Pháp và bị sa lầy trong cuộc nội chiến quốc cộng là hai trong những bài học đau thương nhất của dân tộc ta.

 

Có cần nói thêm rằng, ở thời Xuân Thu, Chiến Quốc, con người lúc đó đã có nhu cầu thống nhất đại lục để chấm dứt cảnh chiến tranh triền miên kéo dài cả mấy ngàn năm. Nước đáp ứng được nhu cầu này là nước Tần rồi Hán. Không phải đó là nước có dân đông nhất, đất rộng nhất, mạnh nhất hay có văn hóa cao nhất. Có thể ngược lại là khác. Nhưng họ có một chủ đích nhất định, có những lý thuyết gia chính trị giỏi, dựa vào lợi mà lập thuyết, và có một tư tưởng thực tế hướng dẫn. Ðiều này cho ta thấy vai trò của tư tưởng là quan trọng nhất !

 

Có điều người Tầu, người Hán đã làm một công việc cưỡng cầu. Cứ đọc tác phẩm rất nổi tiếng "Người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương - Nguyễn Hồi Thủ dịch - mới xuất bản gần đây thì rõ. Xin trích dẫn vài đoạn :

 

"... người Trung Hoa có biệt tài đấu đá lẫn nhau. Chỗ nào có người Trung Hoa là có đấu đá, người Trung Hoa vĩnh viễn không đoàn kết, tựa hồ trên thân thể họ có những tế bào thiếu đoàn kết.

 

" Trung Quốc diện tích rộng thế, văn hóa lâu đời thế, đường đường là một nước lớn. Thế mà, thay vì có một tấm lòng bao la, người Trung Quốc lại có một tâm địa thật hẹp hòi. ... Cho nên kẻ thù của người Trung Hoa lại là người Trung Hoa".

 

" Có thể nói rằng người Trung Quốc trường kỳ, thậm chí vĩnh viễn, sinh ra và lớn lên trong tham ô, hỗn loạn, chiến tranh giết chóc, bần cùng, cho nên chẳng bao giờ co cảm giác được an toàn, lúc nào cũng hoảng hốt, lo âu."

 

Tại sao đến nỗi xảy ra hiện tượng đó. Khó mà có thể có câu trả lời rõ rệt. Một trong những câu trả lời, như trên đã nói, là bởi người Hán đã cưỡng cầu, đã đi ngược dòng lịch sử, đã áp đặt tư tưởng duy lợi trên tuyệt đại đa số dân chúng chỉ muốn sống sao cho phù hợp với thiên nhiên, miễn sao no đủ, đúng như tư tưởng đã được những người đại diện như Lão Tử trình bầy, và cũng đã được mô tả minh bạch, không bóng bẩy mầu mè trong câu :

 

Người trồng cây Phúc người chơi,

Ta trồng cây Hạnh để đời về sau !

 

Tộc Hán đã đi ngược lại truyền thống của tuyệt đại đa so dân sống trên đại lục, làm sao không gây những đổ vỡ, những đau khổ triền miên như điều Bá Dương đã mô tả trong Người Trung Quốc Xấu Xí ở trên ! ?


TƯ TƯỞNG LÃO TRANG VÀ VẤN ÐỀ BẢN ÐỊA HÓA TẠI VIỆT NAM

 

Nếu đạo Phật, đạo Nho đã được nghiên cứu khá kỹ lưỡng ở Việt Nam, được tổ chức và áp dụng vào xã hội Việt Nam một cách khá chính qui, thì đạo Lão hình như đã chỉ phát triển một cách tự do và được hiểu một cách tùy tiện. Nhưng nếu căn cứ vào sự việc ấy mà nói đạo Lão không có ảnh hưởng nhiều ở xã hội Việt Nam ta thì e không đúng. Có thể đạo Lão không có lối tổ chức chính thức như các đạo kia, nhưng ảnh hưởng trong đại chúng xem chừng còn hơn đạo Nho và ở nhiều trường hợp, ngang tầm với đạo Phật. Ngay nhà Nho cũng chịu ảnh hưởng sâu xa của tư tưởng Lão Trang và tiêm nhiễm lối sống của Lão đến một mức độ khiến người ta khó giải thích nổi.

 

Muốn hiểu được phần nào hiện tượng trên, ta phải đặt đạo Lão vào thời gian và bối cảnh của nó : Ðạo Lão mang tên người "sáng lập" ra nó. Ông thường được gọi là Lão Tử (ông thầy già) họ Lý tên Nhĩ tự Ðam, người nước Lỗ, sinh khoảng năm 540 trước Kỷ Nguyên. Tư tưởng của ông được ghi lại trong tác phẩm Ðạo Ðức Kinh. Tôi viết từ sáng lập trong ngoặc kép vì không thấy nói ông đứng đầu một tổ chức nào; cũng không thấy nói ông thu nhận môn đồ. Sau ông có một người cũng rất nổi tiếng, tác giả bộ Nam Hoa Kinh, có tư tưởng, nhiều điểm tương đồng với ông. Ðời sau vì vậy ghép hai ông đứng chung với nhau và thường gọi là Ðạo Lão-Trang.

 

Có người cho rằng "Lão-Trang là một trong những đạo đối lập với đạo Nho trên nhiều lãnh vực" (Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam Tập I, nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1993, trg 82). Nói như vậy chỉ đúng về phương diện nhân sinh quan, về một số những nguyên tắc áp dụng trong đời sống. Về phương diện vũ trụ quan, Lão-Trang cũng như Phật và Nho đều dựa vào một điểm căn bản là vạn vật đồng nhất thể. Cái bản thể đó Phật gọi là Tâm, là Chân Như Niết Bàn, Phật Tính, Như Lai, Bản Lai Diện Mục; Nho gọi là Vô Cực, Thái Cực; thì Lão-Trang gọi là Ðạo, là Hư Vô, Cốc Thần, Bất Khả Tư Nghị, Huyền Tiễn Chi Môn. Cũng nhất thể đó có khi Lão gọi là Thái Thượng Lão Quân, Ngọc Hoàng Thượng Ðế, Nguyên Thủy Thiên Tôn khi Ðạo mang tính Hữu Ngã. Cái Ðạo đó có hai thể (như Phật và Nho) một tiềm ẩn và một hiển dương. Trước khi sinh ra vũ trụ, Ðạo ở thể tiềm ẩn, hư tĩnh, vi diệu. Khi đã sinh ra vũ trụ, Ðạo ở thể hiển dương, nhất thể biến vạn thể. Nhất thể và vạn thể được biểu hiệu bằng tâm điểm và vòng tròn.

 

Có hai câu hỏi cần được làm sáng tỏ :

 

1 - Tại sao đạo Lão-Trang không được chính quyền ở Trung Hoa cũng như Việt Nam đề cao ?

 

2 - Tại sao bị chính quyền nghi kỵ mà đạo đó vẫn có ảnh hưởng lớn trong quần chúng phía Nam Trung Hoa nhất là ở Việt Nam ?

 

Về câu hỏi thứ nhất, người ta thường giải thích Lão-Trang chủ trương vô vi không có ích lợi cho việc củng cố các vương quyền nên không được sự ủng hộ của các chính quyền quân chủ. Nhưng một đạo không được chính quyền hậu thuẫn có khi còn bị nghi kỵ, cấm đoán mà vẫn được dân chúng tôn sùng như vậy tất phải có ưu điểm, có những cái hay và có lý do đặc biệt nào đó. Cứ xem việc môn đồ của đạo Lão là Vu Cát (trong sử gọi là Can Cát hay Can Quân - Thái Bình Kinh 170 quyển) bị Tôn Sách đem xử chém không vì một tội nào cả ngoài cái tội được dân sùng bái hơn cả Sách, là chúa tể Giang Ðông lúc đó. Tìm trong lịch sử có một dữ kiện có thể giải thích vấn đề này một cách hữu lý là : Lão-Trang được lập nên ở nước Sở, trong thời Xuân Thu (722 - 481 trước Kỷ Nguyên) và Chiến Quốc (403 - 221 trước KN). Lãnh thổ của Sở gồm các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, An Yang, Giang Tây, Giang Tô, Triết Giang và Nam bộ tỉnh Hà Nam bây giờ. Về cuối thời Chiến Quốc, Sở đã thống nhất được hầu hết các nước thuộc đại tộc Bách Việt phía Nam sông Dương Tử về một mối và có dự định tiến lên phía Bắc làm chủ Trung Nguyên. Vì những lỗi lầm chưa được lịch sử phơi bầy rõ hết, Sở đã để Tần thôn tính và chịu sự thống trị của nòi Hoa Hán vào năm 223 trước Kỷ Nguyên.

 

Có thể nói Sở đã dọn cỗ sẵn cho Tần hưởng. Ðã đành việc các nước nhỏ ở đại lục cuối thời Chiến Quốc có nhu cầu cấp bách, nhu cầu không thể không thực hiện là thống nhất lại để thành một quốc gia duy nhất hầu tránh cảnh chiến tranh triền miên, kẻ đánh qua, người lấy lại hàng mấy ngàn năm ! Tuy nhiên, nếu sự hợp nhất đó được thực hiện dưới sự cai trị của một nước lớn, thuộc đại tộc có văn hóa cao thì hợp lẽ hơn và tuyệt đại đa số quốc dân sẽ được hưởng cuộc đời an lạc, phồn vinh. Ðằng này, nếu chẳng may phe thắng lại thuộc thiểu số, có nền văn hóa thấp hơn, có hệ tư tưởng hẹp hòi hơn thì đất nước đó dù có thống nhất, dù có trở thành một nước hùng mạnh về binh bị, dân chúng cũng chưa chắc đã được hưởng một cuộc sống an lạc, hạnh phúc, chưa chắc đã tránh được sự thù hận dai dẳng, chiến tranh kéo dài hết đời nọ đến đời kia. Ðó là trường hợp của Sở và Tần vào cuối đời Chiến Quốc. Và tưởng đó cũng là nguyên nhân sâu xa khiến Bá Dương đã phải mô tả hiện tình Trung Hoa không mấy sáng sủa như ta đã nói ở trên (Xin xem Người Trung Quốc Xấu Xí do Nguyễn Hồi Thủ dịch, nxb Chân Mây Cuối Trời, Paris, 1999). Nay ta thử tìm hiểu Sở là đất nước của tộc người nào ? Hãy nghe vua Sở là Hùng Cư nói : "Ta là man di, không cùng hiệu thụy với Trung Hoa". Ðấy là lời ghi của một sử gia người Hán,uy tín nhất, Tư Mã Thiên (Sử Ký quyển 40, Sở Thế Gia tờ 3b). Vậy dân Sở là dân gì ? Theo Lăng Thuần Thánh, một sử gia Trung Hoa khác : "Nước Sở ngày xưa tuy rộng, nhưng dân tộc Sở không quá phức tạp, phần nhiều là giống Bộc Lão tức Việt tộc". Họ Lăng còn dẫn Lữ Tử Miễn trong Trung Hoa Quốc Dân Tộc học cho rằng Bách Bộc cổ đại gồm có các tỉnh Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu ngày nay (dẫn theo GS. Bửu Cầm trong Tập san Sử Ðịa số 25 tháng 1 - 3/1973, nxb Khai Trí). Thực ra, tộc Bách Bộc hay Bách Việt đó không chỉ dừng ở Vân Nam, Quý Châu mà còn bao gồm cả Quảng Ðông, Quảng Tây và lan xuống cả đất nay là Việt Nam nữa. Ngày nay, có nhiều chứng cớ do khảo cổ cung cấp chứng tỏ các tộc người này cùng một gốc, một nền văn hóa chung, mà trống đồng là di vật tiêu biểu nhất. La Hường Lâm, một sử gia Trung Hoa khác đã nhận xét : "Di ca đồng cổ là đặc trưng của văn hóa Việt tộc mà người Tây Khương và người Hán không có".


Thơ ca nói về trống đồng ở đất Sở trước kia rất nhiều :

 

Ðồng cổ trại thần lai

Sở sơn như họa yên khai

 

Tế thần vẳng tiếng trống đồng

Xa xa nước Sở khói lồng như tranh

(Ðỗ Mục)

 

hoặc : Thử dạ khả liêu giang thương nguyệt

Di ca đồng cổ bất thăng sầu

 

(Ðêm nay trăngsáng trên sông

Trống đồng hát rợ cho lòng buồn thương)

 

(Hai câu cuối trong bài trường ca Hành Hạ Văn Vĩ Ca của Trần Vũ (đời Ðường) khi đến Tứ Xuyên thuộc đất của người Bộc Việt)

 

Quan trọng và rõ nét nhất là bài ca Sở Từ của Khuất Nguyên (340 -278 trước Kỷ Nguyên) mà xưa nay văn học Trung Hoa vẫn hãnh diện cho là thuộc loại thi ca cổ đại hay nhất. Bài ca ấy chỉ là một trong các nhạc chương dùng trong những buổi lễ tế hồn của dân Bộc Việt hay Bách Việt đã được Khuất Nguyên tô chuốt lại (Bửu Cầm - sđd). Bài ca này tả lại các buổi tế lễ đã được phản ánh trên các mặt trống đồng mà cái lớn nhất, tiêu biểu nhất là trống đồng Ngọc Lũ, tìm được ở phần đất nay là Bắc Việt Nam. Trống đồng là đặc trưng của văn hóa Ðông Sơn, văn hóa Cổ Việt. Ðiều này dứt khoát đã được khẳng định, không còn tranh cãi nữa, sau khi Trung Hoa họp Hội nghị Nam Ninh tháng 4/1980 với mục đích giành văn hóa Trống Ðồng về cho mình nhưng đã thất bại vì không được các nhà khảo cổ hàng đầu của thế giới và của cả chính Trung Hoa đồng ý.

 

 

Quay lại trường hợp Lão Tử và đạo Lão. Lý do đạo của ông không được các chính quyền đương đại tin tưởng vì thuộc loại văn hóa của kẻ chiến bại đã mất nước mà người chiến thắng không thể lợi dụng nên nghi kỵ. Ðó cũng là cách trả lời cho câu hỏi thứ hai : dù không dược chính quyền hậu thuẫn, dân Bách Việt vẫn tôn sùng đạo của tộc mình.

 

Ðến đây lại còn một vấn đề cần làm sáng tỏ là : cái đạo mà dân gian tin theo nhiều khi có tính cách như dị đoan gọi là Ðạo Giáo với đạo Lão-Trang là một hay là hai ? Theo các tác giả trong LSTTVN của Viện Triết Học Hà Nội thì : "Ðạo Lão -Trang trong thời Bắc thuộc chủ yếu lưu hành trong số người Hán, những người thất thế trên con đường chính trị ... Ảnh hưởng này lúc đầu trong số người Việt chưa nhiều ... Nhưng Ðạo Giáo thì ảnh hưởng rõ rệt. Ðạo Giáo là một tôn giáo của Trung Quốc không liên quan gì đến tư tưởng Lão Trang" (trg 83 - sđd). Không biết có phải các tác giả này đã vin vào chuyện vua Hùng Ðế nhà Hán đã cho dựng miếu thờ Hoàng Lão Phù Ðồ ở trong cung (Tương Gia - 169 - đời Diệu Hưng thứ 9) hay chuyện Ðổng Phụng đã chữa khỏi bệnh cho Sĩ Nhiếp dù ông này đã chết được 3 ngày (Thần Tiên chuyện 6) mà đưa ra ý kiến trên không ? Thực ra Ðạo Giáo và đạo Lão-Trang là một. Ðạo Giáo thờ Thái Thượng Lão Quân còn gọi là Hoàng Lão Phù Ðồ hay Ngọc Hoàng Thượng Ðế là một tên khác của Lão Tử. Quan niệm Nhất Nguyên Hữu Ngã trong Lão-Trang cũng tương tự quan niệm Nhất Nguyên Hữu Ngã trong Phật giáo gọi Ðức Thích Ca Mầu Ni là Như Lai vậy. Ta nhắc lại chuyện Vu Cát vô cớ bị xử chém ở trên để hiểu rằng tại sao môn đồ của Ðạo Giáo cứ phải lẩn khuất trong dân gian truyền đạo, đưa đến việc có nơi đạo này bị sa đọa đi, mang nhiều tình cách thần bí, mê tín.

 

Tại Việt Nam, Ðạo Giáo đã hòa nhập với cốt lõi tư tưởng Việt trong việc thờ gia tiên, thờ các thần mưa, thần gió, thần cây, thần đá, thờ thần sông núi, thờ các anh hùng dân tộc và hoà nhập với cả Phật giáo để trở thành một thứ tôn giáo dân gian rất đặc biệt. Chúng tôi xin được trở lại vấn đề này trong một dịp khác. Ở đây, chỉ xin kết luận tạm là : Lão-Trang là đạo lấy Thiên Nhiên làm gốc, do Thiên Nhiên mà có (Trời bắt chước Ðạo, Ðạo bắt chước Tự nhiên). Ðây là Ðạo của tộc người sống giữa thiên nhiên, sống bằng nông nghiệp, sống tại vùng Ðông Nam Á : Tộc đó là Ðại Tộc Bách Việt.


Về phương diện tâm linh, nếu nói mục đích Ðạo là để mưu cầu hạnh phúc, để hợp nhất với bản thể vĩnh cửu, trường tồn, với Nhất Nguyên Vô Ngã hay, nói theo chữ dùng ngày nay, để Phối Thiên, thì Ðạo Lão thuộc vào một trong vài Ðạo có triết lý cao nhất.

 

Trong cuộc sống nhân sinh, Ðạo Lão chủ trương nhiều điều không thực tế, so với ngày nay có vẻ phản tiến bộ như : "Dân nhiều khí giới nước nhà càng loạn. Người nhiều tài khéo, vật xảo càng thêm. Pháp lệnh càng tăng, trộm cướp càng nhiều" (chuơng 57, Ðạo Ðức Kinh) hay : "Nước nhỏ ít người, không cần kỷ xảo văn vật, không cần binh mã, quân lính, không cần giao thông, không cần những đồ xa xỉ trang sức, miễn được ăn no, mặc ấm, ở yên, giữ lấy phong tục dịu dàng, hòa nhã" (dẫn theo Ðào Duy Anh trong Văn Hóa Sử Cương, NXB Bốn Phương 1959, trg 251).

 

Ta sẽ không lấy làm lạ vì sao Sở là nước rộng lớn, hùng mạnh và văn minh bậc nhất thời đó lại để cho Tần, vẫn bị coi là nước hung dữ và chậm tiến tiêu diệt. Do đó, đại lục đã được thu về một mối, dưới quyền thống trị của nòi Hoa Hán. Kết quả là Ðại Tộc Bách Việt bị trầm luân khổ ải, tan tác điêu linh cho đến tận ngày nay!

 

Vậy Ðạo Lão chỉ thích hợp cho nhân sinh khi loài người đã trưởng thành đồng bộ, đã ý thức được nguy cơ diệt vong, đồng thời ý thức được cái thế giới hiện tượng chỉ là phù phiếm, thu hẹp con người trong gông cùm của không gian, thời gian, của hình hài sắc tướng hữu hạn. Và khi tuyệt đại bộ phận nhân loại đã không phải lo lắng gì về cái ăn, cái mặc, về những nỗi khổ ải nhân sinh, nhờ đó có cái tâm vô cầu không cần lợi dụng sự tốt bụng của người khác hòng mưu lợi một cách không cần thiết cho riêng mình.

 

Con đường trở về Nhất Thể "Các qui kỳ căn" (Ðạo Ðức Kinh,chuơng 16), con đường để tiến tới đích như :

 

"Chân nhân sống rất thâm trầm,

Nhởn nhơ khinh khoát, ôm cầm khuôn thiêng"

 

(Chân nhân tiềm thâm uyên...

Phù du, thủ qui trung

 

(dẫn theo BS. Nguyễn Văn Thọ, Lý Lạc Cầu, Tiên Học Diệu Tuyển - tài liệu chưa in)

 

xem chừng cũng không đơn giản!

 

Ðến đây, bài viết cũng đã quá dài, việc bàn về Tam Giáo Ðồng Nguyên xin được dành cho một dịp khác.


Người viết chưa trình bày được trong muôn một cái cốt lõi tư tưởng Việt Nam và sự dung hóa ba nền tư tưởng lớn của nhân loại là Phật, Nho, Lão vào tư tưởng của mình.

 

Người viết đề nghị có thể diễn tả sự tiến triển của tư tưởng Việt song hành với sự phân chia các thời kỳ trong khảo cổ học. Ðồng thời cũng có thể lấy thuyết nguồn gốc người Hoa là người từ Ðông Nam Á di lên của Giáo Sư J. Y. Chu mới khám phá gần đây căn cứ vào di truyền học DNA để rọi chiếu vào mọi bước hình thành và phát triển của Tư Tưởng Việt (xin xem Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam, Tập san Tư Tưởng số 7, tháng 4/ 2000).

 

1. - Trong thời kỳ thứ nhất, được khảo cổ học gọi là Văn Hóa Hòa Bình (khoảng từ 10.000 năm trước Kỷ Nguyên về trước), con người mới thoát khỏi đời sống mông muội. Ở thời kỳ này, người ta tìm thấy có sự đồng nhất về một số dụng cụ đồ đá (rìu có vai, rìu có nấc, rìu mài lưỡi, khoan đá), đồ gốm (gốm Văn Thừng) ở khắp vùng Ðông Nam Á, lan đến Tứ Xuyên, Giang Tô, phía Ðông Bắc đến tận Nhật Bản ngày nay. Cũng có dấu hiệu chứng tỏ những người thuộc nền văn hóa này lúc đó cùng nói chung một thứ tiếng.

 

Quốc gia thời này chưa thành hình nhưng đã có gia đình và về cuối thời kỳ này có dấu hiệu xuất hiện các bộ tộc. Những tư tưởng đầu tiên về liên hệ giữa con người và thiên nhiên, về chuyển động, về thời gian, về kiếp sau, nhân quả, chắc đã hình thành. Những tư tưởng về Âm-Dương (Tiên Rồng), Tam Tài (Trầu Cau), Ngũ Hành chắc cũng đã manh nha hình thành. Chúng ta đều biết Hòa Bình là một địa danh nay thuộc Bắc phần Việt Nam. Vậy vai trò của tổ tiên người Việt trong việc hình thành nền Văn Hóa Hòa Bình nói chung và việc khuôn định của tư tưởng nhân loại Ðông Phương nói riêng hẳn là quan trọng, nếu không muốn nói là vai trò chủ yếu.

 

2. - Thời kỳ hai, nhân loại tiến vào thời đồng-sắt (khoảng 5.000 năm trước Kỷ Nguyên), khảo cổ học lại chứng minh được có một nền văn hóa chung cho các nước vùng Ðông Nam Á. Cương vực của nền văn hóa này đã thu hẹp lại hơn cương vực của Văn Hóa Hòa Bình, nhưng về phía Tây Bắc còn ảnh hưởng đến vùng Tứ Xuyên, phía Ðông Bắc còn lan đến bờ nam sông Dương Tử. Văn hóa đó được khảo cổ học gọi là Văn Hóa Ðông Sơn. Thời kỳ này, các hình thức quốc gia sơ khai đã hình thành. Trong phạm vi của Văn Hóa Ðông Sơn, người ta vẫn còn nói chung một thứ tiếng, dù cách phát âm tại vùng này đã khác vùng kia, chia xẻ chung với nhau những phong tục, tập quán, cách sinh sống, tư duy, hành động. Các hoa văn trên trống đồng có thể cho ta hình dung được phần nào lối sống của dân thời ấy. Phải chăng danh hiệu Văn Lang không phải để chỉ riêng một nước nay có địa bàn là miền Bắc và Bắc Trung Phần Việt Nam ngày nay, mà để gọi chung các nước thuộc nền Văn Hóa Ðông Sơn này ? Và 18 đời vua Hùng kéo dài hơn hai ngàn năm để chỉ thời kỳ mà các nước này còn liên hệ với nhau dưới sự chỉ đạo chung, lấy Trống Ðồng làm biểu trưng quyền lực ? Xin đặc biệt chú trọng đến ý kiến của H. Loof Wissơa (1982) khi ông cho Trống Ðồng không là loại phẩm vật để trao đổi trong các cuộc buôn bán mà nó tương tự như một "Quyền Trượng" hay một "Vương miện" của bậc Quân Vương ban cho các vua chư hầu hay một hình thức thần phục nào khác mà đến nay ta chưa được biết, cũng không được nhắc đến (hay có nhắc mà đã bị thủ tiêu ?) trong các sách, sử ?

Cũng xin đặc biệt lưu ý chuyện Phù Ðổng Thiên Vương. Ở đây, Thánh Gióng đã theo lệnh vua Hùng đi phá giặc Ân. Ngày nay, người ta được biết Ân là tên các triều vua cuối đời Thương. Lúc đo, cương vực nước Thương chưa ra khỏi ba tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, và Hà Nam. Vậy chiến trường Ðức Phù Ðổng Thiên Vương phá giặc Ân phải là đâu đó ở biên giới các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, bờ Bắc sông Dương Tử. Chuyện thờ Thánh Gióng ở làng Vũ Ninh, thuộc miền Bắc Việt Nam hiện nay phải chăng chỉ là thờ vọng để ghi nhớ lại tích xưa nơi "Quê cũ" ?

 

Tư tưởng thời này chủ yếu nói về việc dựng nước, giữ nước, quản trị đất nước như lấy tinh thần chí công vô tư, công thành thân thoái, hành động vô cầu làm chỉ đạo (chuyện Thánh Gióng).

 

Những tư tưởng manh nha trong thời Văn Hóa Hòa Bình nay cũng đã rõ nét và được ghi lại nhờ chữ viết đã bắt đầu được xử dụng. Những tác phẩm bảo là thất truyền như Hồng Phạm, Cửu Trù, Lạc Thư, Hà Ðồ, Ðạo Ba phải chăng sau này đã được Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử phỏng theo và hệ thống lại mà thành sách. Có điều chắc chắn là Văn Hóa Ðông Sơn - văn hóa mang tên làng thuộc phía Bắc tỉnh Thanh Hóa ngày nay - đã là bước ngoặt quan trọng trong cuộc cách mạng tư tưởng của tổ tiên người Việt nói riêng và của nhân loại Ðông Phương nói chung.

 

Giữa hai nền văn hóa này, một điểm đáng lưu ý là có một thời kỳ khoảng từ 10.000 năm đến 6.000 năm trước Kỷ Nguyên, phần đất nay là Bắc phần Việt Nam đã bị nước biển tràn ngập. Do đó, nền văn hóa ở miền đất này bị tạm thời ngưng trệ. Trong khi văn hóa của tộc Việt đã di lên phía Bắc vùng Lĩnh Nam, Giang Nam vẫn tiếp tục phát triển. Nhờ vậy, khi hình thức quốc gia được thành lập, Ðại tộc Bách Việt trong vùng Giang Nam này đã thành lập được các nước hùng mạnh như Sở, Ngô, Việt ... mà tập tục và tư tưởng chắc không xa nhiều lắm với những người đồng chủng gốc của họ ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã.

 

3. - Thời kỳ thứ ba, khi nhà Tần đã thống nhất Trung Nguyên và nhà Hán kế tục bành trướng về phương Nam, đất đai của tộc Bách Việt bị tộc Hoa Hán xâm chiếm. Cả văn hóa tộc này, Văn Hóa Hòa Bình, Văn Hóa Ðông Sơn cũng bị kẻ chiến thắng dung hóa vào văn minh, tư tưởng của họ. Sự giao thoa văn hóa này có ảnh hưởng quan trọng cho cả hai bên, cho đến nay, ranh giới giữa hai nền văn hóa này không phải là điều dễ phân biệt. Tư tưởng Việt trong thời Bắc thuộc chính ở trong cái bối cảnh đó. Tình trạng này kéo dài đến khi Ngô Quyền chính thức thu hồi nền độc lập (tôi nói chính thức vì trong suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc, người Việt ở đất gọi là Giao Châu cũng nhiều lần đã có trọn quyền tự trị, chỉ chưa công bố tính độc lập, tự trị đó với Bắc triều mà thôi. Xin hẹn dịp khác sẽ bàn về đề tài này). Tư tưởng Việt lại có thời kỳ bùng khởi độc đáo - nhất là trong hai triều Lý, Trần - khác biệt với tư tuởng Hoa Hán như trên đã có đề cập sơ đến. Có cần nói thêm rẵng ba nền tư tưởng lớn là Phật, Nho, Lão, thì tư tưởng Lão-Trang do Lão Tử khởi xướng phát sinh từ nước Sở tức vùng đất chịu ảnh hưởng của Văn Hóa Hòa Bình rồi Văn Hóa Ðông Sơn, cho đến khi Tần và Hán xâm chiếm (từ năm 223 trước Kỷ Nguyên). Còn chính thống tư tưởng Nho Giáo là của Khổng Tử, người nước Lỗ, vùng đất nay thuộc tỉnh Sơn Ðông, phía Nam sông Hoàng Hà, chịu ảnh hưởng của Văn Hóa Long Sơn và Văn Hóa Chinh Liên Kang. Văn hóa này , tuy sau chịu ảnh hưởng của Văn Hóa Ngưỡng Thiều thuộc nòi Hoa Hán, nhưng lúc ban sơ cũng đã là đất thuộc Văn Hóa Hòa Bình. Truyện Khổng Tử có đến học Lão Tử có thể một phần phản ánh sự thực lịch sử này.

 

4. - Thời kỳ thứ tư, khi tư tưởng Việt Nam gặp gỡ tư tưởng Tây phương nhất là khi bị cưỡng ép chịu sự nhồi nhét của tư tưởng Mác-xít, một cực đoan của tư tưởng phương Tây, người Việt tất cũng đã chịu một phần ảnh hưởng. Khả năng dung hóa các tư tưởng ngoại lai của người Việt rất lớn như lịch sử đã từng chứng minh. Nhưng khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với tư tưởng Tây phương còn quá ngắn chưa đủ để "nhai dập miếng trầu" mới của chàng Tân Lang thời đại. Nhưng có lẽ cũng đã đến lúc phải có một "bực thang giá trị xã hội mới" để làm chuẩn cho tư tưởng và cho mọi sinh hoạt xã hội nói chung. Ðã đến lúc phải hội ý với tiền nhân để nhờ các bậc tiên tổ chỉ cho con đường phải đi.


Về điểm này, người viết rất tâm đắc về nhận xét của tác giả quyển Tinh Thần Việt Nam khi ông viết : "Ba bậc tiền nhân như một Nguyễn Trãi, một Nguyễn Bỉnh Khiêm, một Nguyễn Du hẳn thừa khả năng để đúc kết, xây dựng nên một triết lý, một hệ thống tư tưởng Việt Nam. Các bậc đó đã linh cảm không nên làm, không nên chỉ chỗ "dấu của" cho kẻ thù trông thấy" (Nguyễn Thùy & Trần Minh Xuân, Tinh Thần Việt Nam, trg 308 - 309, Mekong 1991).

 

Từ lâu lắm, người viết tự đặt cho mình câu hỏi : phải chăng lúc này thời cơ đã đến ? Và nếu đúng như vậy, liệu chúng ta còn đủ khả năng tìm được kho tàng cha ông để lại để cùng nhau đem xây dựng quê hương đổ nát, đồng thời cũng để góp một phần đưa nhân loại thoát khỏi cảnh bế tắc tư duy hiện nay không ?

 

Câu hỏi này chúng tôi không tự tìm được câu trả lời thỏa đáng nên xin phép được nêu lên làm câu hỏi chung để các bậc trưởng thượng và bầu bạn ở khắp năm châu chỉ giáo cho.

 

CUNG ÐÌNH THANH


Nguồn: http://www.anviettoancau.net




Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Cốt Lõi Tư Tưởng Việt Nam Về Vấn Đề Tam Giáo Phật-Nho-Lão
www.vietnamvanhien.net
Email: thuky@vietnamvanhien.net


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi lưu trữ và phổ biến di sản văn hóa của việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền " An Lạc & Tự Chủ " ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt