Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com




 Trung Tướng Công An Vũ Hải Triều và

 Vấn Đề Phá Hoại Thông Tin Xuyên Quốc Gia

  Luật Sư Đào Tăng Dực

 
  Tôi không phải là một luật sư hành nghề tại Hoa Kỳ và viết tài liệu này chỉ để làm tài liệu nghiên cứu tổng quát (general research). Đây không phải là một tài liệu cố vấn luật pháp và không tránh khỏi những thiếu sót, nhất là đối với hệ thống luật Hoa Kỳ. Nếu độc gỉa có những vấn đề cụ thể, cần truy tố CSVN hoặc các viên chức CSVN thì nên hỏi ý kiến Luật Sư của mình tại quốc gia sở tại. Tác giả không chịu trách nhiệm về những quan điểm tổng quát nêu ra về sự áp dụng luật pháp tại Úc hoặc Hoa Kỳ hoặc Việt Nam.

 Vào cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, cuộc cách mạng tin học trở nên vũ khí lợi hại nhất cho những cá nhân và tập thể tranh đấu chống lại các chế độ độc tài. Tính phổ thông, đa dụng và giá cả phải chăng của các phương tiện tin học, nằm trong tầm tay của một cá nhân có thu nhập bình thường, đã vô hình chung, khuếch đại tiềm năng “đội đá vá trời” của mỗi cá nhân nhỏ bé. Ngày hôm nay, một chiến sĩ cho dân chủ và nhân quyền mà không biết sử dụng những phương tiện tin học căn bản như email, website là một khuyết điểm lớn. Ngược lại, nếu một cá nhân biết khai dụng những phương tiện tin học này tối đa, thì sức mạnh không kém một cơ quan truyền thông và thậm chí có thể làm lung lay một chế độ độc tài.

  Những chính quyền chuyên chế như Trung Quốc và CSVN ý thức được sự đe dọa này và quyết tâm bảo vệ ngai vàng của họ qua việc sử dụng guồng máy chính quyền để phá hoại các websites đối lập thách đố quyền lực độc tôn của họ. Chúng ta theo dõi tin tức và được biết nhiều websites chống CSVN bị tin tặc phá hoại liên tục và phải đóng cữa lâu dài.

  Vấn đề đặt ra là những tin tặc ấy là kẻ nào?

  Tại sao chỉ đánh phá những websites chống cộng?

  Có nhiều chỉ dẫn cho thấy xuất xứ của các tin tặc đến từ một cơ quan chính quyền của CSVN hoặc CSTQ. Đôi khi đến từ một đại công ty có liên hệ đến quốc phòng của CSTQ...Tuy nhiên, đó là những chỉ dẫn mà thôi. Cho đến tháng 5, 2010, chưa có một viên chức hay cơ quan nào của CSTQ hoặc CSVN công khai vỗ ngực nhận là mình chính là tác giả của những công tác phá hoại quốc tế ấy.

  Dĩ nhiên, nếu những kẻ phá hoại này là công dân hoặc thường trú nhân của một quốc gia dân chủ thực sự như Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ hoặc Liên Hiệp Âu Châu, thì những biện pháp chế tài trên cả hai phương diện hình lẫn hộ sẽ chắc chắn được áp dụng nhanh chóng. Lý do là vì một hành động phá hoại như thế không những phạm pháp vì cố tình hủy hoại tài sản của những công dân khác, mà còn vi hiến vì đã trắng trợn xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.

  Tuy nhiên, tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam,” độc lập tự do hạnh phúc”, thì luật pháp thông thường như chúng ta nhìn thấy trên thế giới không áp dụng. Tại Việt Nam chúng ta, với điều 4 hiến pháp và đảng CSVN thì luật áp dụng là luật của rừng xanh.

  Vào tháng 5 vừa qua, cả thế giới văn minh kinh ngạc vì trên các mạng có đăng tin cáo buộc Trung tướng công an Vũ Hải Triều, Tổng cục phó Tổng cục an ninh, đã công nhiên khoe khoang rằng, trong mấy tháng qua, bộ phận kỹ thuật của ông đã "phá sập 300 báo mạng và blog cá nhân xấu".

  Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã có yêu cầu trong một bức thư đề ngày 16/5/2010, nhưng mãi đến nay TT Vũ Hải Triều Vẫn chưa cải chính những cáo buộc này. Ngược lại TS Cù Huy Hà Vũ hiện đã rơi vào vòng lao lý. Những lập luận trong bài này căn cứ vào những cáo buộc trên. Nếu TT Vũ Hải Triều lên tiếng đính chánh và có những bằng chứng khách quan chứng minh sự trong sạch của mình thì những lập luận đối với cá nhân ông sẽ không áp dụng. Tuy nhiên, những lập luận về bản chất tập thể đảng CSVN vẫn không thay đổi.

  Đã từ lâu các mạng như Bauxite, Talawas, Đàn Chim Việt, Đối Thoại...và nhiều websites khác bị tin tặc đánh phá và trong quá khứ lẫn trong hiện tại gặp nhiều khó khăn và thiệt hại, kể cả thiệt hại tài chánh. Gần nhất là website của Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc (LLCQ) vừa ra mắt tại Sydney ngày 20/11/10 và tại Los Angeles ngày 28/11/10. Website này bị đánh phá và vào thời điểm viết bài này vẫn chưa phục họat.

  Bây giờ thì nguyên nhân rất rõ ràng: tất cả những mạng đó đều bị tin tặc dưới sự điều hướng của chính quyền CSVN, hay nói rõ hơn là đảng CSVN, để phá họai mọi tiếng nói đối lập, dù từ ngòai nước.

  Trên nguyên tắc, khi làm như thế, CSVN đã vi phạm luật lệ và hiến pháp hiện hành của chính nước CHXHCNVN, “độc lập tự do hạnh phúc”.

  Trên giấy tờ thì hiến pháp 1992 ghi rõ:

   Điều 69

Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

  Điều 74

Công dân có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc bất cứ cá nhân nào.

 Việc khiếu nại, tố cáo phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.

  Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự.

  Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.”

   Tuy rõ ràng là đảng CSVN, qua những viên chức như Trung Tướng Vũ Hải Triều, núp dưới chiếc dù công an và nhà nước, ngang nhiên phá họai các mạng, vốn là tài sản cũng như phương tiện thực thi các quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin, được minh thị và long trọng bảo đảm trong hiến pháp theo điều 69. Tuy nhiên thực tế, vấn nạn của Việt Nam là chính quyền không thực sự được người dân bầu lên trong một cuộc đầu phiếu tự do, công khai và công bằng, không có đối lập, đảng CSVN đã cướp chính quyền bằng vũ lực và những mánh khóe chính trị lỗi thời.

  Một đảng độc tài, cướp được chính quyền thì luôn luôn muốn giữ chính quyền bằng công an và quân đội.

  Chính vì thế, quyền khiếu nại của chủ nhân các mạng bị TT Vũ Hải Triều phá hủy, qua điều 74 hiến pháp, chỉ là những chiếc bánh vẽ xem cho vui mà không có giá trị gì cả.

   Dĩ nhiên tòan dân Việt Nam sinh sống trong nước phải chịu thiệt thòi, im hơi lặng tiếng trước những hành động phi pháp của TT Vũ Hải Triều vì tại Việt Nam, với điều 4 hiến pháp, CSVN cai trị độc tôn, là chủ nhân ông của tài sản quốc gia, đứng bên trên và bên ngòai luật pháp. Không có một tòa án nào, độc lập đối với đảng CSVN, để xét xử những hành vi sai trái của Vũ Hải Triều và những kẻ chống lưng cho ông trung tướng này. Với điều 4 hiến pháp, Đảng CSVN và những tay sai đắc lực như TT Vũ Hải Triều được miễn nhiễm tuyệt đối.

  Tuy nhiên, trong kỷ nguyên tòan cầu hóa này, thì những người chủ trương các mạng đối lập lại là công dân của những quốc gia tây phương khác như Hoa Kỳ, Úc và Liên Hiệp Âu Châu. Các quốc gia này thực sự dân chủ và chính quyền sở tại có nhiệm vụ hiến định (hiến định thực sự chứ không phải hiến định theo kiểu định hướng xã hội chủ nghĩa như tại CHXHCNVN) là bảo vệ quyền tự do thông tin, ngôn luận cũng như tài sản của họ.

   Vấn đề chúng ta muốn tìm hiểu nơi đây là:

   Luật pháp tại các quốc gia ấy bản chất là gì, vận hành như thế nào để bảo vệ quyền tự do thông tin, ngôn luận và quyền sở hữu tư sản của họ trong tình trạng xuyên quốc gia?

   Các thủ tục pháp lý là gì để bảo vệ sự công bằng không những cho các nguyên cáo (tức các công dân bị TT Vũ Hải Triều làm thiệt hại) lẫn bị cáo (tức Ông Trung Tướng CSVN Vũ Hải Triều)

  Trên bình diện công pháp quốc tế, tính miễn nhiễm (immunity) của những quốc gia chủ quyền (sovereign states) được tôn trọng. Mục đích của sự tôn trọng là bảo vệ quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia.

  Tuy nhiên, trong kỷ nguyên mới, biên giới các quốc gia gần lại, và những trao đổi về ngọai thương, cũng như những nhân quyền căn bản, vẫn cần được tôn trọng, vượt qua biên giới quốc gia.

   Chính vì thế các quốc gia dân chủ có nhu cầu tạo ra một khung sườn luật pháp để điều hành và giới hạn tính miễn nhiễm giữa những quốc gia chủ quyền này.

    Tại Úc Đại Lợi, năm 1985, Quốc Hội thông qua sắc luật Foreign States Immunities Act 1985 (FSIA 1985) (Luật Miễn Nhiễm Các Quốc Gia Ngọai Quốc 1985).

   Điều 9 của sắc luật này quy định nguyên tắc miễn nhiểm tổng quát như sau:

   “Trừ khi được quy định theo sắc luật này, một quốc gia ngọai quốc được miễn nhiễm khỏi thẩm quyền các tòa án Úc Đại Lợi trong các phiên xử”

(Except as provided by or under this Act, a foreign State is immune from the jurisdiction of the courts of Australia in a proceeding.)

   Tuy nhiên, để thể hiện thực trạng của kỷ nguyên mới, sắc luật này cũng quy định một số ngọai lệ (exceptions) không bị ràng buộc bỡi nguyên tắc nêu ra trong điều 9.

  Thật vậy, những ngọai lệ này, trong trường hợp Trung Tướng Vũ Hải Triều, được thể hiện qua điều 13:

  “Một quốc gia ngọai quốc không được miễn nhiễm trong các phiên xử nếu các phiên xử liên hệ đến:

  Tính mạng hoặc thương tích của một người, hoặc

  Mất mát hoặc thiệt hại đến tài sản cụ thể

  Gây ra bỡi một hành động, hoặc thiếu hành động, hoặc đã làm hoặc đã không làm, tại Úc Đại Lợi”

(A foreign State is not immune in a proceeding in so far as the proceeding concerns:

            (a)        The death of, or personal injury to, a person; or

            (b)        Loss of or damage to tangible property;

  caused by an act or omission done or omitted to be done in Australia.)

    Luật pháp tại các quốc gia theo hệ thống Common Law Anh Quốc như Hoa Kỳ, Úc, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại hoặc Ấn Độ ... phân biệt rõ giữa hai quan điểm tangible property ( tài sản cụ thể) và intangible property (tài sản phi cụ thể). Tài sản cụ thể thông thường có sự hiện hữu có tính vật lý (physical existence) và chiếm một khỏang không gian nhất định như đồ đạc hoặc đất đai. Tài sản phi cụ thể bao gồm những quyền sở hữu (choses in action) hoặc tài sản trí tuệ (intellectual property)...

  Dĩ nhiên nếu bị truy tố tại Úc thì TT Vũ Hải Triều sẽ lập luận rằng websites không thể là tài sản cụ thể vì không có một sự hiện hữu vật lý. Tuy nhiên chúng ta có thể lập luận rằng websites trên mạng thật sự chỉ là một thể hiện (manifestation) hoặc phóng ảnh (projection) của một thực thể dụng cụ có tính cách vật lý như web-host, hard disc và những phần cứng (hard –ware) khác, chiếm một khỏang không gian rõ rệt... và nếu không có thực thể vật lý này sẽ không có các websites. Chính vì thế khi đánh phá websites là vi pham tài sản cụ thể và sẽ bị truy tố theo điều 13 luật FSIA 1985.

  Thêm vào đó, dù lập luận trên không được chấp nhận thì điều 15 cũng ghi rõ là một quốc gia ngọai quốc không được miễn nhiễm pháp lý liên hệ tới:

   “Chủ quyền về bản quyền, hoặc chủ quyền, sự đăng ký hoặc bảo vệ tại Úc một phát minh, sáng chế hoặc thương hiệu (trade mark)

   Sự cáo buộc một quốc gia ngọai quốc vi phạm, tại Úc, bản quyền, chủ quyền một phát minh, một thương hiệu được đăng ký hoặc một sáng chế được đăng ký, hoặc

  Sự sử dụng tại Úc một danh tự thương mãi (trade name) hoặc một tên thương nghiệp (business name)”

  Phần lớn các website ngày hôm nay liên hệ không nhiều thì ít đến các vấn đề bản quyền (copyright) hoặc thương hiệu (trade marks).


    
Như thế, theo sắc luật FSIA 1985 này, nếu một wesite tại Úc, do một người Úc gốc Việt thực hiện, bị TT Vũ Hải Triều,  nhân danh chính quyền CSVN đánh sập, thì người này có quyền truy tố Vũ Hải Triều lẫn chính quyền CSVN ra tòa án để đòi bồi thường.

   Tình trạng tại Hoa Kỳ cũng tương tự nhưng có vẻ thuận tiện hơn cho việc truy tố CSVN và Tướng Vũ Hải Triều.

Năm 1976, quốc hội Hoa Kỳ thông qua Sắc Luật Miễn Nhiễm Các Quốc Gia Ngọai Quốc (The Foreign Sovereign Immunities Act) (FSIA 1976). Sắc luật này dĩ nhiên cũng luật hóa nguyên tắc miễn nhiễm tổng quát giữa các quốc gia. Tuy nhiên sắc luật này cũng nêu ra rõ rệt những trường hợp ngọai lệ không được miễn nhiễm.

    Điều 1605 (a) (5) về những vi phạm phi thương mại (non-commercial torts) tước đi quyền miễn nhiễm của một quốc gia ngọai quốc trong trường hợp một nguyên cáo đòi bồi thường bằng hiện kim vì những thiệt hại gây ra liên hệ đến thương tích cá nhân, tính mạng, thiệt hại, mất tài sản tại Hoa Kỳ, phát xuất từ một hành vi sai trái, hoặc vì không làm một điều phải làm (omission), bỡi một quốc gia hoặc một viên chức hoặc nhân viên của quốc gia đó khi người này hành xử trong phạm chức vụ hoặc công việc của họ. Ngọai lệ này không áp dụng trong hai trường hợp:

1.      Vụ kiện căn cứ trên một hành vi có tính cách một “discretionary function”( tức viên chức này có quyền tự do phán xét hay chọn lựa). Nếu TT Vũ Hải Triều có quyền tự do chọn lựa và phán xét riêng cho mình về phương cách hành xử sau khi đã nghiên cứu các khía cạnh “xã hội, kinh tế và chính sách chính trị” (U.S. v. Gaubert, 499 US, 880 F.2d 1018, 1025 (9th Cir.89).

2.      Hoặc vụ kiện phát xuất từ một sự truy tố có ác ý, lạm dụng thủ tục, có tính mạ lỵ, lừa dối ...

   Chúng ta nhận ra ngay rằng, tuy “discretionary function” nêu trên là một lập luận có thể sử dụng. Nhưng trên thực tế, một thể chế độc tài rất khó và không bao giờ muốn bạch hóa những “thâm cung bí sử” của mình trước một tòa án công minh và công bằng như Hoa Kỳ để biện minh cho sự hiện hữu của discretionary function.

    Trong khi đó, lợi thế của những người muốn truy tố CSVN và TT Vũ Hải Triều là luật của Hoa Kỳ không phân biệt giữa quan điểm tài sản cụ thể (tangible property) và tài sản phi cụ thể (intangible property). Luật Hoa Kỳ chỉ nói tới quan điểm tài sản (property) tổng quát mà thôi, bao gồm cả tangible property lẫn intangible property. Ngôn từ của điều 1605 (a) (5) là

damage to or loss of property” không phân biệt giữa “tangible” và “intangible”.

    Chính vì thế các websites tại Hoa Kỳ có thể truy tố Vũ Hải Triều và CSVN dễ dàng hơn tại Úc Đại Lợi.

   Thêm vào đó, ngày 1 tháng 6, 2010 vừa qua, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, qua phiên xử quan trọng là Samantar v. Yousef (08-1555) đã phán quyết rằng sắc luật FSIA 1976 không áp dụng cho các viên chức các quốc gia ngọai quốc trong tư cách cá nhân của họ (in their personal capacity). Phán quyết này còn xác định rằng, các viên chức hiện tại và cựu viên chức (present and former) không được quyền sử dụng sắc luật FSIA 1976 như là tấm chắn bảo vệ, trừ phi quốc gia ngọai quốc liên hệ là một thành phần thực sự liên hệ (real party in interest) tới phiên xử.

   Đều này có nghĩa là nếu một website truy tố Vũ Hải Triều và Chính Quyền CSVN, đòi bồi thường thiệt hại thì Vũ Hải Triều chỉ được miễn tố nếu chính quyền CSVN chấp nhận chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên CSVN khó chấp nhận điều này.

   Nếy luật pháp tại Úc Châu và Hoa Kỳ có nhiều điểm tương đồng, thì chúng ta có thể suy diễn rằng khung sườn luật pháp tại các quốc gia Liên Hiệp Âu Châu có lẽ cũng tương tự.

   Những nghiên cứu trên cho ta thấy rằng, tuy CSVN và những viên chức đắc lực của họ như TT Vũ Hải Triều có thể làm mưa làm gió tại Việt Nam nhưng quyền lực của họ không còn tuyệt đối như trong quá khứ. Họ không kiểm sóat được lượng thông tin đem lại sự hiểu biết về tự do, dân chủ và nhân quyền đến với người dân từ mạng lưới tòan cầu. Những cố gắng liên tục và vô vọng của họ để giới hạn quyền tự do tư tưởng, cũng như trao đổi thông tin của dân chúng, trong nhiều trường hợp, như trường hợp của Ông Trung Tướng Công An Vũ Hải Triều, đã trở nên quá lố bịch. Không những thế, mà những hành vi này còn có tiềm năng tạo nên những cuộc truy tố chính quyền CSVN và các tay sai của họ trước một tòa án nghiêm chỉnh như tại Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu hoặc Úc Châu.

   Một cuộc đụng độ quan điểm pháp lý, giữa một băng đảng chỉ biết cướp chính quyền, giữ chính quyền bằng vũ lực (như đảng CSVN), và một công dân của một chế độ dân chủ thực sự (như chủ nhân một website bị Vũ Hải Triều phá tại Hoa Kỳ), trong khung cảnh một tòa án chí công vô tư, với những tiêu chuẩn pháp trị nghiêm chỉnh của thời đại (như Federal Court tại Hoa Kỳ) sẽ là một biến cố lịch sử, có tầm vóc “khai thị” sâu xa cho những người quan tâm đến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

   Luật Sư Đào Tăng Dực

  Sydney 30 tháng 11 năm 2010

    Tài liệu tham khảo:

  1. Congressional Research Service:

Samantar v. Yousef: The Foreign Sovereign

Immunities Act and Foreign Officials

Jennifer K. Elsea

Legislative Attorney

Jordan E. Segall

Research Assistant

August 24, 2010

  1. The foreign Sovereign Immunities Act: 2008 Year in Review

by Crowell & Moring LLP1

This Review was authored by Crowell & Moring attorneys Aryeh Portnoy, Katherine Nesbitt, Laurel Pyke

Malson, Birgit Kurtz, Joshua Dermott, Beth Goldman and Marguerite Walter.

  1. Foreign States Immunities Act 1985, Australia

Act No. 196 of 1985 as amended

  1. US Foreign Sovereign Immunities Act, as amended 1997
  2. Thư Hà Nội : lời khoe khoang & thú nhận của tướng công an Vũ Hải Triều

N. S. P. Cập nhật : 16/05/2010 10:22

    6. Các trang mạng như  BoxitVN, Danluan.org, danchimviet, tawalas, Hungvietsite.org...




Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang :
www.vietnamvanhien.net
www.vietnamvanhien.org
www.vietnamvanhien.info
www.vietnamvanhien.com
Email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc. Thắp sáng niềm tin Diên Hồng và nếp sống Văn Hiến hầu phục hồi nền "An Lạc & Tự Chủ" ngàn đời cuả Việt tộc.


Trở lên đầu trang

Trở Lại Trang Mặt