Việt Nam Văn Hiến
Năm Thứ 4889

www.vietnamvanhien.net




Trang mạng Việt Nam Văn Hiến  xin trân trọng lưu trữ và phổ biến bài: Văn Hóa Đông Sơn, trong mục đích bảo tồn di sản văn hóa của Việt tộc và để tri ân Luật Sư Cung Đình Thanh. Ngài đã hiện hữu trong dòng sinh mệnh của Việt tộc cùng những đóng góp quý báu cho nền văn hóa văn hiến .

www.vietnamvanhien.net



Văn Hóa Đông Sơn

 Cung Đình Thanh

Văn hóa Ðông Sơn lấy tên làng, lần đầu tiên vào năm 1924, người ta đã đào được những di chỉ về một nền văn hóa đồng rất rực rỡ : đó là làng Ðông Sơn thuộc huyện Thọ Hàng, phủ Ðông Sơn, ở phía bắc tỉnh Thanh Hóa. Làng này, ở kinh tuyến đông 114 và ở vĩ tuyến bắc 9,22 , ở bờ tả ngạn sông Mã. Người nói đến danh từ Văn hóa Ðông Sơn đầu tiên là học giả R.Heine-Geldern. Năm đó là năm 1934. (Bản đồ 1)

Tuy nhiên, không như nữ học giả Madelène Colani là người đầu tiên dùng danh từ Văn hóa Hòa Bình, đã định hướng đúng nên sau này những nhà khảo cổ Việt Nam đã đi theo con đường đó một cách thuận lợi, do đó tên tuổi của Madelène Colani đã được nêu danh trong khảo cổ học nói riêng và sử học nói chung của Việt Nam. Ngược lại, Heine-Geldern đã định nghĩa sai về nền Văn hóa Ðông Sơn, coi như đó là một nền văn hóa phỏng theo văn hóa từ Hán và xa nữa từ Tây phương, thường được gọi là nền văn minh Hallstatt hay là nền văn minh La Tène của Châu Âu. Sự định hướng sai này cũng như việc không nhìn thấy sự liên hệ giữa Văn hóa Ðông Sơn và việc các vua Hùng dựng nước Văn Lang đã gây ra những ngộ nhận rất quan trọng trong việc tìm hiểu cổ sử Việt Nam mà ảnh hưởng còn lưu lại đến ngày nay. Những học giả kế tiếp học giả Geldern, khi nghiên cứu về Văn hóa Ðông Sơn cũng có một cáí nhìn tương tự giống Geldern, như V. Goloubew, E. Karlgren và nhất là O. Jansé. Những học giả này đều có những tác phẩm lớn ; vì vậy không những có ảnh hưởng đến học giới quốc tế, mà còn ảnh hưởng đến những học giả Việt Nam. Cho đến gần dây, không kể đến những sách của Trần Trọng Kim, Ðào Duy Anh mà ngay cả đến quyển Lịch Sử Tư Tưởng của Giáo Sư Nguyễn Ðăng Thục (ấn hành năm 1967 tại Saigon) cũng đã trích những đoạn trong sách của O. Jansé, coi như là tiêu chuẩn định hướng trong việc suy nghĩ về sự phát tích ra nguồn gốc của dân tộc.

Từ khi thành lập Viện Khảo Cổ năm 1968, các nhà khảo cứu Việt Nam đã hướng sự khảo cổ của mình trong mục đích dựng lại thời đại Hùng Vương, vì vậy đã dần dần chứng minh được Văn hóa Ðông Sơn là văn hóa hoàn toàn có tính cách bản địa, phát sinh trong nước trong một thời gian dài từ Phùng Nguyên, qua các giai đoạn Ðồng Ðậu, Gò Mun và Ðường Cổ để đi đến Văn hóa Ðông Sơn là đỉnh cao nhất. Suốt trên 30 năm đó, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện được hàng trăm di chỉ, hàng chục ngàn các di vật đủ mọi hình loại, đủ để làm tài liệu căn bản vững chắc cho bốn hội nghị liên tiếp, chứng minh thời kỳ lịch sử Hùng Vương là có thực, là thời kỳ mở đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam. Những học giả Việt Nam này cũng đã viết hàng trăm bài khảo luận, xuất bản nhiều sách báo với những lập luận vững chắc, với lượng thông tin phong phú. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế, thành quả này vẫn chưa xóa nhòa được những ngộ nhận về thời đại Văn hóa Ðông Sơn do các học giả ngoại quốc đã viết từ năm 1929 đến 1948. Một phần vì tài liệu viết bằng tiếng Việt ít có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế, phần khác vì uy tín của những học giả quốc tế như ta vừa nói ở trên rất lớn. Cần phải có những uy tín lớn trong ngành khảo cổ cũng như những tác phẩm lớn bằng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh thì lâu dần mới có thể sửa đổi được những sai sót của các học giả ngoại quốc mà thủ phạm cũng chính là người có công khám phá ra Văn hóa Ðông Sơn : học giả R. Heine Geldern như ta vừa kể ở trên.

Nói đến nội dung của Văn hóa Ðông Sơn, có ba điểm chính phải nhấn mạnh :

1 - Kỹ thuật đồng thau mà đỉnh cao là các trống đồng Ðông Sơn.

2 - Kỹ thuật về quân sự mà đỉnh cao là thành Cổ Loa.

3 - Sự tổ chức cộng đồng hoàn chỉnh theo phương thức xã thôn tự trị mà đỉnh cao là sự thành lập nhà nước Văn Lang.

Ba điểm này sẽ được khai triển và trình bày trong ba bài riêng biệt sau. Nhưng trong bài này, người viết muốn nhấn mạnh đến đặc tính của Văn hóa Ðông Sơn, coi như bài mở đầu gồm hai điểm căn bản là :

- Thứ nhất : ý nghĩa của sự khác biệt về xương cốt giữa người thuộc Văn hóa Hòa Bình và Văn hóa Ðông Sơn.

- Thứ hai : ý nghĩa kỹ thuật đồ đồng tại Việt Nam so sánh với các nước lân cận.

Ý NGHĨA CỦA SỰ KHÁC BIỆT VỀ XƯƠNG CỐT GIỮA NGƯỜI THUỘC VĂN HÓA HÒA BÌNH VÀ NGƯỜI THUỘC VĂN HÓA ÐÔNG SƠN

Ðem so sánh các loại hình sọ cổ trong hai thời đại đồ đá và đồ đồng, chúng ta thấy có những nét đặc biệt như sau: Trước hết về tổng số sọ còn có thể dùng làm đối tượng nghiên cứu cho cổ nhân chủng học ở Việt Nam trong hai thời kể trên là 70 cái gồm 38 sọ thời đá mới và 32 sọ thời đồng thau. Trong những sọ thời đồ đá có 29 chiếc do những học giả người ngoại quốc tìm được trước năm 1945 và 9 chiếc do người Việt tìm được sau này. Trong thời đồng thau và sắt sớm, có 27 chiếc do các học giả người Việt mới tìm thấy, so với trước 1945 chỉ có 5 chiếc mà thôi.

Phải nói ngay rằng phương pháp dùng để định rõ chủng loại của các loại sọ này vẫn còn là phương pháp tương đối cổ, nghĩa là dựa thuần túy trên sự so sánh hình thái. Vì vậy kết luận những sọ này thuộc chủng nào cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất của các nhà khảo cổ. Nhưng nhìn chung, người ta có thể tạm kết luận : `Về thời đại đá mới, cư dân trên lãnh thổ Việt Nam thuộc hai đại chủng Australoid và Mongoloid cùng với các loại hình hỗn chủng với chúng cộng cư với nhau, trong đó Indonésien và Malanésien là hai thành phần chủ yếu`. Khi nghiên cứu 32 sọ thuộc thời đồng thau và sắt mới, kết luận lại khác hẳn : `Như vậy so với thời đại đồ đá mới, người Mongoloid sang thời đại đồ đồng sắt đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân ở Việt Nam, người Australoid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư, hoặc do đồng hóa`. (Nhân chủng học Ðông Nam Á 1983, Nguyễn Ðình Khoa). Phải giải thích hiện tượng này như thế nào? Ðó cũng là điều mà hình như chưa có sự trả lời thống nhất của các học giả, kể cả những học giả người Việt. Lấy thí dụ, về điểm này, Giáo Sư Phạm Huy Thông đã viết : `Quá trình biến diễn của dân cư từ người Australoid, Malanésien (thời Văn hóa Hòa Bình) đến người Indonésien Nam Á (từ thời đại kim khí đến ngày nay) là do đâu?` Câu trả lời đơn giản nhất là do lai giống da vàng. Nhưng từ những tác giả của Lĩnh Nam Trích Quái đến LỖAurousseau và Ðào Duy Anh, những dòng người nói là từ phương Bắc đến không nhất thiết được hiểu là người Hán`. Rõ ràng ông cũng đã linh cảm thấy vấn đề Hán hóa không phải là có thể giải quyết được thỏa đáng câu hỏi về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, nên ông đã tìm một cách giải thích khác : `Do đó, yếu tố da vàng đã chuyển hóa dần dần người da đen Thái Bình Dương lúc xưa cũ nơi đây chính là người Tầy Thái, mà đại diện trên đất nước ta gồm một phần là số người Tầy Cổ đã hòa với người Môn Khmer Cổ thành người Việt Mường, một phần khác chính là người Tầy Cổ ở biệt lập vùng Cao Bằng để lại con cháu từ trước tới nay`. (Phạm Huy Thông - KCH 1984, 1&2, trg 156). Giáo sư Viện Trưởng Viện Khảo Cổ đương kim trong một bài tham luận đọc tại Trường Ðại học Sorbonne ở Paris năm 1979 có một kết luận khác : Cho đến nay nguồn gốc của Văn hóa Phùng Nguyên (Tiền Ðông Sơn) hãy còn là điều bí ẩn. Sự xuất hiện của văn hóa này ở châu thổ sông Hồng hơi bất ngờ mà chúng ta hãy còn chưa tìm được những di chỉ tiền thân của nó. Ðể rồi ông kết luận : Những người Phùng Nguyên từ đâu tới cho đến nay chúng ta còn chưa biết. Ông giả thiết rằng cư dân Phùng Nguyên đã xuất hiện ở châu thổ sông Hồng là do những đợt di dân từ phương Nam lên. Giả thiết này có thể coi là chưa khẳng định vì hãy còn có nhiều điểm chưa được sáng tỏ, nhưng dù sao những dữ kiện khảo cổ cũng đã bắt đầu có thể lấy làm căn cứ cho luận điểm này. Thí dụ như đồ gốm của Phùng Nguyên, theo sự khám phá của học giả E. Saurin (1940) đã tìm thấy ở phía Tây tỉnh Thanh Hoá và ở Nghệ An có hoa văn giống với những hoa văn tìm thấy ở những đồ vật trong các di chỉ ở Phùng Nguyên (phỏng dịch theo bài tham luận của Hà Văn Tấn, 16/5/1979, BEFEO T.L.X.VIII 1980).


Sự thực muốn có câu trả lời cho vấn đề này không phải đơn giản. Những năm gần đây, khoa học nói chung và khoa khảo cổ nói riêng đã tiến những bước khổng lồ, nhưng những điều con người biết về nguồn gốc của con người nói chung so với những điều chưa biết hãy còn quá ít. Bởi vậy, càng đi sâu vào những chi tiết của vấn đề, chúng ta lại càng thấy có nhiều điều rối rắm. Ðể có thể có một cái nhìn tổng quát, tưởng cũng không phải là điều vô ích nếu chúng ta lược lại một cách hết sức tóm tắt giả thiết về các giai đoạn tiến hóa của người cổ : Khuynh hướng hiện nay của đa số các nhà nhân chủng học là thiên về thuyết tiến hoá, cho con người thời nay đã tiến triển từ loài linh trưởng được gọi nôm là loài Người Vượn đi thẳng bằng hai chân (tên khoa học gọi là Homo-Erectus). Không kể Người Hiện-đại (Neo-Anthropus) là mẫu hình của nhân loại hiện nay, xuất hiện trên trái đất chỉ trên dưới 40.000 năm cách ngày nay, thì những người gọi là Homo-Erectus đó từ trước đến nay đã xuất hiện có thể chia ra làm ba loại chính :

- Loại thứ nhất gọi là người Thượng Cổ (Paleo-Anthropus), là những người như người Neanderthensis, phát hiện thấy lần đầu tiên ở Tây Âu, nước Ðức năm 1856 và tại Ðông Nam Á cũng tìm thấy năm 1931 tại vùng Quảng Ðông, làng Mã Bá. Người này được giả thiết là đã xuất hiện vào khoảng 40.000 năm cho đến 100.000 năm cách ngày nay.

- Kế đến là loại người Thái Cổ (Arche-Anthropus), phát hiện lần đầu tiên tại Java, Indonesia, giả thiết đã xuất hiện trên 100.000 cách ngày nay.

- Và thứ ba, thường được gọi là người Viễn Cổ (Proteo-Anthropus), tìm thấy đầu tiên tại Ðông Phi Châu, giả thiết đã xuất hiện trên 1.000.000 năm cách ngày nay. (do gia đình Leakey mới phát hiện 1945?).

(Bản đồ 2)

Những người gọi là Người Vượn hay là Linh-trưởng này khác với Người Hiện-đại ở các điểm sau: Thứ nhất, thân thể họ càng cổ thì càng lớn hơn so với người hiện đại. Thứ hai, bộ óc của họ càng cổ lại càng nhỏ, thí dụ người Viễn Cổ bộ óc chỉ khoảng 900cm3, người Thái Cổ bộ óc khoảng trên 1000cm3, và người Thượng cổ, bộ óc khoảng 1450cm3 mà thôi. Việc Người Hiện-đại (Homo-Sapiens) có phải do những Người Vượn kể trên biến chuyển dần mà thành ra không, vẫn còn là tranh cãi của các nhà khoa học. Cho đến nay chưa có câu trả lời dứt khoát. Những người không đồng ý với thuyết cho Người Vượn không thể biến thành Người Hiện-đại chủ trương Người Vượn đã mất đi vì tuyệt chủng như rất nhiều loại động vật khác đã từng tuyệt chủng (loại khủng long, loại chim có cánh lớn, loại voi khổng lồ ...). Hai loài Người Vượn và Người Hiện-Ðại có những nhiễm sắc thể khác nhau. Theo họ, phái chủ trương cho có sự biến chuyển dần từ Người Vượn sang Người Hiện-đại đã lập luận trên hai điểm gọi là bước nhẩy biện chứng và đột biến di truyền là hai điểm chỉ có trên lý thuyết chứ chưa được chứng minh trong thực tế. Vì vậy, khi nào chưa được khoa học chứng minh về hai điểm căn bản kể trên thì thuyết Người Vượn (Homo-Erectus) biến chuyển dần dần thành Người Hiện-đại (Homo-Sapiens) chỉ có giá trị thuần lý thuyết.

Mặt khác, các học giả về nhân chủng học chưa có sự đồng ý với nhau về nơi phát sinh ra loài người. Ðại khái có hai thuyết : thuyết nhiều trung tâm và thuyết một trung tâm. Thuyết nhiều trung tâm, đại diện bởi nhà nhân chủng học Weidenreich F. 1950, nhà nhân chủng học C. S. Coon 1963, A. Thomas 1962, và thuyết một trung tâm, đại diện bởi Raghieski.

(Bản đồ 3)

Nay tạm không bàn đến lý thuyết.

Thực tế cho thấy nếu chỉ kể con người hiện đại được khoa học xác minh một cách chắc chắn như ta thấy ngày nay thì đã xuất hiện ở nhiều nơi cùng một lúc và cách ngày nay khoảng 40.000 năm mà thôi. Ðó là : ở Châu Âu, tại Pháp, ở miền Combe Capelle, có niên đại C14 là 34.000 năm cùng với nền văn hóa Satenperon ; ở Tiểu Á Tế Á tìm thấy sọ một trẻ em có niên đại là 28.840 năm ; ở Phi Luật Tân có một sọ người trong hang Tabon có niên đại C14 là 30.500 năm ; ở Úc Châu tìm thấy sọ người ở hồ Menin, Ðông Nam Úc Châu có niên đại C14 là 26.300 năm. Cho đến nay sọ người có niên đại C14 cổ nhất tìm thấy ở hang Nia về phía bắc đảo Kalimantan ở Indonesia thuộc Ðông Nam Á là sọ một thiếu niên 15 tuổi có niên đại C14 là 39.600 năm cách ngày nay. Về điểm này, học giả Howells W. 1973 đã lý giải rằng trong khi Tây Âu, Tây Á có những dạng người cổ đang chuyển biến để trở thành người hiện đại thì ở Ðông Nam Á, người Homo-Sapiens đã thành hình. Vì vậy, Ðông Nam Á có thể là cái nôi đầu tiên của nhân loại.

Người ta thấy cùng một lúc có ba loại Ðại chủng khác nhau : loại da vàng ở Á Châu tức Mongoloid. Ðại chủng này lại chia làm hai : Nam Mongoloid ở từ Ðông Nam Á đến Trung Hoa, Ðại Hàn, Nhật Bản và Bắc Mongoloid ở vùng từ hồ Balkan trở lên Sibérie. Loại da trắng ở Âu Châu tức Europoid. Và loại da đen chủ yếu ở Phi Châu gọi là Netroid. Riêng nhánh người da đen ở các hải đảo Thái Bình Dương gọi là Australoid; nay được đề nghị hợp với Negroid gọi chung là Negro-Australoid. Vô hình chung trong thực tế, thuyết nhiều trung tâm có vẻ có ưu thế. Người viết bài này cũng thiên về thuyết nhiều trung tâm và cũng thiên về chủ trương cho rằng loài người không phải từ loài vượn người mà ra, nhưng đã được sinh ra như muôn loài động vật khác từ khởi thủy của nó. Bằng vào niềm tin đó, người viết đã biện giải lý do tại sao trong thời đại đồ đá đã tìm thấy một số những sọ ở phần đất nay là bờ biển miền Bắc Việt Nam đa số là hắc chủng và tại sao sau này ở thời đại đồng thau, đa số những sọ đó lại là những sọ người da vàng thuộc Ðại chủng Nam Mongoloid (NGUỒN GỐC DÂN TỘC VIỆT NAM - TƯ TƯỞNG SỐ 2). Lý do là vì trong thời đồ đá tức là vào khoảng hơn 17.000 năm đến gần 30.000 năm cách ngày nay, nước biển thấp hơn ngày nay khoảng 100m, do đó đã có những cầu nổi giữa các hải đảo Thái Bình Dương, vốn là quê hương của người hắc chủng, với đất liền mà bờ biển Việt Nam ngày nay là phần địa đầu. Người Hắc Chủng đã di vào đất liền đã để lại di cốt ở bờ biển đó. Từ 17.000 năm đến khoảng 7.000 năm trước, nước biển bắt đầu dâng lên mỗi năm 10mm và đã làm những cầu nổi chìm dưới làn nước biển, làm cho người vùng hải đảo khó vào đất liền được. Do đó nguồn tiếp tế người đại dương vào đất liền bị đứt quãng. Những người hải đảo nếu chưa kịp về quê hương cũ của họ đã dần dần lai giống đi và mang tên là Malanésien, Indonésien hay Nam Á, rồi hoặc là họ mất hẳn hoặc là, họ nếu còn sót lại cũng trở thành những nhóm thiểu số, xa lạ với đại chủng Mongoloid, nên họ đã di dần lên những miền núi non hiểm trở sinh sống. Ðây là tổ tiên của những tộc thiểu số hiện vẫn còn sống rải rác ở các cao nguyên từ Kontum, Nam Mê Thuật đến Darlac, mang tên những tộc như Rhadé, Gia Rai, Ê-Ðê, Sê-Ðăng, Mơ-Nông ... Do đó, thời đồng thau tức khoảng gần 5.000 năm đến 2.000 năm cách ngày nay, 32 sọ còn có được đem nghiên cứu, đa số đã thuộc Ðại chủng Nam Mongoloid da vàng, chỉ còn thiểu số thuộc Hắc chủng. Ðành rằng đây cũng chỉ là giả thuyết, tuy nhiên giả thuyết này có lẽ gần với sự thực hơn là giả thuyết người gốc ở miền Bắc Việt Nam vốn là hắc chủng rồi bị da vàng hóa đi mà trở thành người Việt Nam ngày nay. Chúng ta đã có chứng cớ rõ rệt là người hiện đại cổ nhất tìm thấy là ở đảo Kalimantan mà đảo đó với đất nay là Việt Nam, thời đó 39.600 năm về trước là một giải đất liền không bị ngăn cách bằng biển cả. Cũng đừng quên rằng những người gần với Người Hiện-đại nhất cũng tìm thấy ở ngay vùng gần biên cương miền Bắc nước Việt hiện nay là làng Mã Bá thuộc tỉnh Quảng Ðông, đất xưa kia cũng thuộc cùng một văn hóa, Văn hóa Hòa Bình hay Văn hóa Ðông Sơn, như phần đất nay là miền Bắc Việt Nam vậy. Việt Nam ngày nay là một giải đất nối liền hai trung tâm cho đến nay đã tìm thấy Người Hiện Ðại sớm nhất được khoa học chứng minh có thực.

VĂN HÓA ÐÔNG SƠN TỨC VĂN HÓA ÐỒNG THAU

Kể từ khi được phát hiện năm 1924 do học giả R. H. Geldern đặt tên, Văn hóa Ðông Sơn đã nhanh chóng lôi cuốn được sự nghiên cứu của nhiều học giả khác. Nhiều tác phẩm lớn viết về văn hóa này đã gây được tiếng vang rộng lớn trên trường quốc tế. Nhưng không may, bốn học giả nổi danh nhất, viết những tác phẩm lớn về Ðông Sơn là V. Goloubew, R. H. Geldern, E. Karlgren, O. Jansé, đều có khuynh hướng cho rằng nền văn hóa này có nguồn gốc ngoại lai, có thể bắt nguồn từ Trung Hoa, và qua Trung Hoa là từ phương Tây; chủ yếu là từ nguồn văn hóa Hallstatt ở Châu Âu truyền qua vùng thảo nguyên Âu Á đến Trung Hoa, rồi từ Trung Hoa truyền vào Việt Nam. Có tác giả lại dựng lên cả một hành trình rất xa xôi là văn hóa này bắt nguồn từ văn hóa Mycèle Hi Lạp, qua trung gian các văn hóa Trung Âu truyền qua Trung Á rồi chia hai ngả, một theo ngả Tứ Xuyên, Vân Nam xuống Việt Nam và sinh ra Văn hóa Ðông Sơn, còn một ngả vào lưu vực sông Hoài sinh ra văn hóa đồng thau của Trung Hoa. Ảnh hưởng của những tác phẩm này đã tạo ra những ngộ nhận đáng tiếc cho việc tìm hiểu nền Văn hóa Ðông Sơn nói riêng và cả thời kỳ dựng nước của vua Hùng nói chung. Cho đến tận ngày nay, ảnh hưởng đó hãy còn khá sâu đậm, dù rằng sau hơn ba thập niên, từ năm 1960, các học giả Việt Nam, nhờ nỗ lực muốn chứng minh thời kỳ dựng nước của vua Hùng là có thực trong lịch sử, đã tìm ra được rất nhiều di chỉ và chứng minh được rằng văn hóa Ðông Sơn là nền văn hóa bản địa, bắt nguồn từ văn hóa Phùng Nguyên, khoảng 2850 năm trước Kỷ Nguyên và kéo dài đến những năm sau Kỷ Nguyên, cách đây khoảng 1700 năm. Về thời gian, văn hóa này đã tồn tại trên 3.000 năm. Về không gian, địa bàn hoạt động trong tầm Văn hóa Ðông Sơn bao gồm chủ yếu là lưu vực sông Hồng. Nhưng về phía Bắc, có giả thuyết cho văn hóa Ðông Sơn đã lan ra đến tận bờ sông Dương Tử gồm Quảng Ðông, Quảng Tây, Vân Nam mà di tích xa nhất có lẽ là chiếc trống đồng đã tìm được ở Triết Giang trong những năm gần đây. Về phương Nam có thể đã lấn đến Sa Huỳnh, Óc Eo và một phần Thái Lan. Tuy nhiên, trung tâm điểm vẫn là đồng bằng sông Hồng, sông Mã và sông Lam ở Việt Nam. Nghiên cứu những di tích còn để lại, càng ngày người ta càng thấy rõ tính thống nhất và đa dạng của nền văn hóa này. Việc ngộ nhận của các học giả phương Tây đã có lúc được hiểu là do quan điểm thực dân và do lý thuyết trung tâm Châu Âu, cho rằng mọi hình thức văn minh của nhân loại đều khởi phát từ Châu Âu. (Bản đồ 4)

Tuy nhiên, ý kiến nghiêm chỉnh nhất có lẽ là ý kiến cho rằng trước thời Thế Chiến II, việc khám phá ra Văn hóa Ðông Sơn chỉ mới thu gọn lại ở năm bẩy di chỉ. Những vật dụng được tìm thấy bằng đồng thau ở những di chỉ này lại rất sắc sảo, rất tiến bộ mà trước đó không thấy có ở các di vật tiền thân của nó tại các di chỉ khảo cổ trong vùng. (Bản đồ 5)

Lại nữa, từ Văn hóa Ðông Sơn đến Văn hóa Hòa Bình có một khoảng cách rất xa. Giữa hai văn hóa này không có dấu ấn chứng tỏ có sự liên hệ nhân quả nên những học giả kể trên cũng khó có giải thích nào khác hơn kết luận Ðông Sơn không phải là một văn hóa bản địa. Ngay cả các học giả Việt Nam ngày nay, sau khi đã chứng minh được Văn hóa Ðông Sơn đã trải dài đến 3.000 năm, phát triển từ thời Phùng Nguyên qua Ðồng Ðậu, Gò Mun, trước khi đi đến Ðông Sơn, và đã chứng minh được sự liên hệ khắng khít của những nền văn hóa kế tiếp nhau này, vậy mà cũng còn có người đặt nghi vấn rằng người Phùng Nguyên không biết từ đâu lại. Do đó, cũng khó có thể hoàn toàn phủ nhận thiện chí của những học giả đã có công phát minh ra Văn hóa Ðông Sơn và giới thiệu nó trên trường quốc tế. Tưởng cần nói thêm nhận xét của các học giả này có vẻ không đúng trong trường hợp Văn hóa Ðông Sơn của Việt Nam, nhưng lại có vẻ khá đúng trong trường hợp văn hóa Ngưỡng Thiều và Long Sơn của Trung Hoa như chính các học giả Trung Hoa đã công nhận phần nào. Nét mạnh của Văn hóa Ngưỡng Thiều so với Văn hóa Ðông Sơn có lẽ là ở chỗ Ngưỡng Thiều đã tiếp thu được cả hai nền văn hóa : của Ðông Sơn và của phương Tây.

Ðể vấn đề được sáng tỏ, trước hết phải tìm hiểu niên đại về đồng thau và sắt sớm tại Việt Nam, đồng thời biết niên đại của đồng thau ở các phần đất khác tại Á Châu nữa. Ðộc giả đọc bảng so sánh niên đại đồng ở Việt Nam và Trung Hoa ở cuối Tập San này chắc cũng có ý niệm về sự phát triển kỹ thuật đồng ở miền đất nay là Việt Nam và miền đất nay là Trung Hoa, đặc biệt là phía Nam Trung Hoa. Chúng ta thấy rằng niên đại tìm được đồng sớm nhất ở Phùng Nguyên là vào năm 1850 trong khi niên đại tìm được ở vùng Hải Môn Khẩu, Vân Nam là vào năm 1130 trước Kỷ Nguyên, ở có thể niên đại ở Phùng Nguyên đã có sớm hơn Hải Môn Khẩu một chút.

Về hình thức, đồ đồng Ðông Sơn rất giống với những đồ bằng đá, bằng gốm của Phùng Nguyên, cả về kiểu dáng lẫn về hoa văn. So sánh với đồ đá, đồ gốm của Văn hóa Phùng Nguyên, chúng ta sẽ thấy có những điểm rất giống nhau. Thí dụ cái rìu hình chữ nhật bằng đá của Văn hóa Phùng Nguyên không khác bao nhiêu với những rìu bằng đồng thau của Văn hóa Tiền Ðông Sơn và Ðông Sơn. (Hình 1)

Những mũi tên hình bút hay hình tam giác nhọn đầu ba cạnh, có chuôi chụm thường được mệnh danh là tên đồng Cổ Loa cũng có dạng thức như những mũi tên có trước nó bằng đá thời Văn hóa Phùng Nguyên. (Hình 2a, 2b,2c)

Nổi tiếng thứ nhì sau trống đồng của Văn hóa Ðông Sơn (sẽ được trình bày trong một bài riêng) là những thạp đồng như thạp đồng Ðào Thịnh tìm thấy năm 1960 và thạp đồng Hợp Minh năm 1995 đều ở vùng đất xưa là Phong Châu, cố đô của các vua Hùng. Tuy cách cấu kết và hoa văn có vẻ tinh tế hơn, nhưng cũng cùng một kiểu dáng, cũng một lối vẽ như các thạp gốm trong thời kỳ Phùng Nguyên (Xem hinh trang bia sau).

Nay nếu cần phải tìm mối liên hệ giữa đồ đồng Ðông Sơn với đồ đồng ở phần đất nay là Trung Hoa, ta có thể chọn một số những vật dụng tiêu biểu như dao găm, kiếm, mũi tên đồng hay một số các loại bình để có một nhận xét sơ lược về kỹ thuật đồ đồng và ảnh hưởng hổ tương của nó giữa các phần đất chúng ta vừa kể ở trên. Và hi vọng rằng từ những quan sát những vật cụ thể này, chúng ta có thể có một nhận xét về nguồn gốc các dân tộc, về những chặng đường hình thành, những giao lưu văn hóa của các tộc láng giềng rồi từ đó tìm biết được phần nào tư duy của người Việt Cổ, tổ tiên của chúng ta.

Trước hết, xin hãy cùng nhau quan sát những hình chụp và bản vẽ được liệt kê ở những trang sau về các vật dụng bằng đồng thau và bằng sắt tại những phần đất nay là Việt Nam và Trung Hoa để có một khái niệm đại cương về hai nền văn minh đã từng có những mối liên hệ gần gũi. (Xin xem hình ở các trang cuối Tập San này).

Sự so sánh kiểu dáng của những dụng cụ kể trên cho ta một khái niệm là vật dụng ở hai nền văn minh khác nhau này lại có những nét tương đồng lạ kỳ. Tất nhiên, điểm đó cũng chưa nói được gì nhiều ngoại trừ hai nền văn hóa này có thể có cùng một nguồn gốc hay ít ra cũng chịu ảnh hưởng của cùng một nguồn gốc. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết thêm được các chi tiết khác, thí dụ về kỹ thuật chế tác các vật dụng này, về niên đại sản xuất ra chúng, về thành phần của hợp kim ..., có thể ta sẽ có những kết luận chính xác hơn, rõ rệt hơn về mối liên hệ hỗ tương giữa hai nền văn hóa.

THÀNH PHẦN HỢP KIM, NGUỒN GỐC KIM LOạI VÀ KY THUẬT CHẾ TÁC

Bằng phương pháp phân tích hóa học, và cả phương pháp phân tích hóa học kết hợp với phương pháp phân tích quang phổ, những học giả người Việt đã tương đối thành công trong việc tìm hiểu thành phần hợp kim của những dụng cụ bằng đồng trong thời đại Văn hóa Ðông Sơn.

Nhận xét đầu tiên mà ta sẽ có dịp nhắc lại nhiều lần trong các phần dưới đây là có một sự giống nhau lạ lùng của các thành phần hợp kim cũng như kỹ thuật chế tác các đồ đồng tại các phần đất nay là Việt Nam và miền đất phía nam Trung Hoa ngày nay, thường được gọi dưới tên Hoa Nam hay xưa kia gọi là Giang Nam (phía nam sông Giang Tây) hay Lĩnh Nam (phía nam núi Ngũ Lĩnh) nghĩa là phần đất bao gồm các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây và Vân Nam ngày nay, có thể có một phần tỉnh Quý Châu và lên đến cả Phước Kiến, Triết Giang.

Ðồ đồng cổ nhất ở Việt Nam thuộc Văn hóa Phùng Nguyên, tìm thấy ở di chỉ Gò Bông có niên đại C14 = 1850 +/- 60BC (Bln-3081) đã là đồng thau nghĩa là đồng có pha thiếc. Chúng ta không thấy đồng nguyên chất tức đồng đỏ tại Việt Nam. Ðiểm này ở vùng Hoa Nam cũng có hiện tượng tương tự. Ðồ đồng tìm thấy lần đầu tiên ở vùng này thuộc văn hóa Vân Nam, tại di chỉ Hải Môn Khẩu có niên đại C14 = 1130 +/- 90BC mà khi tính niên đại này, các học giả Trung Hoa đã tính theo năm 1985 gọi là C14 = 3115 +/- 90BP tính ra vào khoảng cuối đời Thương, đầu đời Chu ở Trung Quốc. Tại sao người Việt cổ không chế tác những dụng cụ bằng đồng nguyên chất gọi là đồng đỏ mà lại tiến thẳng lên giai đoạn hợp kim đồng thau? Ðó là câu hỏi mà nhiều học giả Việt Nam đã đặt ra, nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng (Hà Văn Tấn, Nguyễn Duy Hinh - Khảo Cổ Học 1974:155). Cho đến giai đoạn Vườn Chuối thuộc Văn hóa Ðồng Ðậu, có niên đại C14 = 1120 +/- 120BC (Bln-894) thì kỹ thuật đồng đã tiến thêm một bước là ngoài thiếc, hợp kim đồng có thể pha thêm với antimoine. Trong 33 vật dụng được đem thí nghiệm để phân chất, có 27 loại cho biết hợp kim có antimoine (Trịnh Sinh 1990:49-58). Tuy nhiên, trong giai đoạn này, hợp kim vẫn chỉ giới hạn vào hai thành phần mà thôi.

BẢNG THÀNH PHẦN HỢP KIM (1) (VN

Số Ðồng đỏ và các Phùng Ðồng Gò Ðông

thứ loại hợp kim Nguyên Ðậu Mun Sơn

tự

______________________________________________

1 Cu x

2 Cu + As x x x

3 Cu + Sn x x x

4 Cu + Sb x x x 0

5 Cu + Sn + Sb x 0

6 Cu + Pb x

7 Cu + Sn + As x

8 Cu + Sn + Pb x

9 Cu + As + Pb x

10 Cu + Sn + Pb + As x

Tổng cộng 1 3 4 10

_______________________________________________

(Trịnh Sinh - KCH 1992)

Cuối thời Ðồng Ðậu, bắt đầu bước sang Văn hóa Gò Mun, người ta tìm thấy hợp kim đồng không phải chỉ có hai mà lác đác đã tìm thấy dụng cụ có đến ba thành phần ở di chỉ Vinh Quang, thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, có niên đại C14 = 1095 +/- 120BC (Bln-829). Trong giai đoạn này, 9 loại dụng cụ đem phân tích thì tuyệt đại đa số là đồng thiếc, chỉ có 1 là thuộc đồng antimoine và 1 thuộc đồng thiếc antimoine. Mẫu hợp kim duy nhất mà người ta cho rằng có cả thiếc và chì là một chiếc giáo đang để ở bảo tàng Vĩnh Phú, hiện chưa được các nhà khảo cổ Việt Nam đồng nhất về ý kiến là thuộc giai đoạn Ðồng Ðậu vì chiếc giáo này khác với các loại giáo có hình búp đa tìm thấy trước kia ở Gò Mun, mà lại có hình dáng như những chiếc giáo sau này tìm thấy ở Văn hóa Ðông Sơn. Vì vậy, người ta ngờ rằng đây là một dụng cụ của Văn hóa Ðông Sơn sau này đã lẫn vào Văn hóa Gò Mun. Nói cách khác, hợp kim đồng, thiếc, chì, theo đa số các nhà khảo cổ, là một phát minh đặc biệt độc đáo chỉ có từ thời Văn hóa Ðông Sơn trở về sau mà thôi.

BẢNG THÀNH PHẦN HỢP KIM (2) (VN)

Tại Văn hoá Ðồng Ðậu và Gò Mun

______________________________________________

Số

thứ Hợp Kim Số lượng %

tự

______________________________________________

1 Cu + As 2 4,5

2 Cu + Sn 35 79,5

3 Cu + Sb 5 11,4

4 Cu + Sn + Sb 1 2,3

5 Cu + Sn + Pb 1 2,3

______________________________________________

(Trịnh Sinh - KCH 1989)

Ghi chú : mẫu 5 là chiếc giáo thuộc Vh Gò Mun nhưng

không giống loại giáo hình búp đa Gò Mun. Có lẽ do Văn

hóa Ðông Sơn lạc sang. Nếu vậy hợp kim Ðồng Ðậu Gò

Mun chưa có Pb (chì).

Vậy thì văn hóa đồng thau đến giai đoạn Ðông Sơn mới, cực kỳ phát triển và sản xuất ra những dụng cụ vô cùng tinh tế, đẹp đẽ. Thí dụ như loại trống đồng mà cho đến ngày nay, với kỹ thuật đúc kim tiến bộ hiện đại, người ta cố gắng phục chế lại nhưng chưa bao giờ đạt được mức tinh xảo như trống đồng thời Ðông Sơn. Trong 556 mẫu đồ đồng của thời kỳ Ðông Sơn được đem phân chất, người ta thấy rằng có đến 66% các kiểu loại trong có chì và 62,4% có đồng, chì và thiếc (Trịnh Sinh - Khảo Cổ Học 92-55). Văn hóa Ðông Sơn ở giai đoạn cực thịnh này có những di chỉ rất nổi tiếng như tại Chùa Thông, Việt Khê, Chiền Vậy (xim xem bảng so sánh niên đại đồ đồng ở trang cuối Tập San này). Ðặc biệt trong giai đoạn này, kỹ thuật sắt đã phát triển và nhanh chóng chiếm địa vị quan trọng trong việc chế tác các dụng cụ, nhất là các dụng cụ dùng trong nông nghiệp và binh nghiệp.

THÀNH PHẦN HỢPBẢNG KIM (3) (VN)

Tại Văn hóa Ðông Sơn

_____________________________________________________

Số

thứ Ðồng đỏ và hợp kim Số lượng %

tự

_____________________________________________________

1 Cu 65 11,7

2 Cu + As 10 1,8

3 Cu + Sn 111 20,0

4 Cu + Pb 16 2,9

5 Cu + Sn + As 3 0,5

6 Cu + Sn + Pb 333 60,0

hay Cu + Pb + Sn

7 Cu + As + Pb 4 0,7

8 Cu + Sn + Pb + As 7 1,3

hay Cu + Sn + As + Pb

9 Cu + Pb + Sb + As 6 1,1

hay Cu + As + Pb + Sn

____________________________________________________

(Trịnh Sinh - KCH 1989)

Ghi chú : đồng, chì, thiếc : 60% , có thêm kim loại khác

66%. Số 6,8, 9 có hai kim loại thứ tự hợp kim trong thực

tế, ta xếp cho tiện việc tính %.

Tóm tắt sự tiến bộ của văn hóa đồng thau từ Phùng Nguyên đến Ðông Sơn, ta có thể phân chia làm ba giai đoạn :

- Giai đoạn 1 : Văn hóa Phùng Nguyên có vật dụng làm bằng đồng thiếc khoảng thế kỷ 15 trước Kỷ Nguyên.

- Giai đoạn 2 : Văn hóa Ðồng Ðậu và Gò Mun có những vật dụng làm bằng đồng thiếc hoặc đồng-arsenic hay antimoine thuộc các thế kỷ 12, 13, 14 trước Kỷ Nguyên. Nhưng hợp kim vẫn chỉ có hai thành phần.

- Giai đoạn 3 : Văn hóa Ðông Sơn đã kế thừa được những đặc điểm của hai giai đoạn trên, nhưng trong giai đoạn này, đặc biệt hợp kim đã có đến ba bốn thành phần và quan trọng nhất là có chì trong hợp kim. Văn hóa này lên đến đỉnh cao vào khoảng thế kỷ thứ 6, 7 trước Kỷ Nguyên.

So sánh thành phần hợp kim của đồ đồng Ðông Sơn với đồ đồng của các vùng kế cận Việt Nam, chúng ta thấy có những sự tương đồng rất đặc biệt :

Thí dụ đồ đồng ở Thái Lan có hàm lượng thiếc rất cao nhưng không có chì :

- Ðồ đồng tìm thấy ở di chỉ rất nổi tiếng Non Nok Tha có hàm lượng thiếc lên đến 19,1% (I.R. Solinkanop 1979:37).

- Tại Bản Chiềng, một địa danh khác tại Thái Lan, hàm lượng thiếc còn cao hơn nữa, lên đến 20% (V.C. Pigott 19 2).

Tại Nam Dương, hợp chất đồng tương đối giống Ðông Sơn và Hoa Nam nhiều hơn, nghĩa là trong thành phần hợp kim đã có chì ngoài đồng và thiếc ra và cũng có những kim loại phụ khác nữa (Conel GMC 1990-33; Glover 1).

Ðiểm này chúng ta cũng thấy tương tự ở đồ đồng tại Kampuchia, thành phần hợp kim không khác với thành phần hợp kim của Ðông Sơn là bao nhiêu (R.E. 1998:3).

Nhưng đặc biệt nhất phải kể đến đồ đồng ở Hoa Nam mà địa danh nổi tiếng nhất có lẽ là Vạn Gia Bá tại Vân Nam có niên đại C14 = 760 ổ 130BC (Wangdadao 1985:118). Tại Vạn Gia Bá, trong 17 mẫu được đem thí nghiệm thì 7 mẫu có đồng thiếc, 9 mẫu là đồng đỏ (đây là một điểm đặc biệt người ta còn đang nghiên cứu) và có một mẫu duy nhất có hợp kim đồng, thiếc và chì. Vậy chì đã tìm thấy trong hợp kim đồ đồng tại Hoa Nam, lần đầu tiên ở di chỉ Vạn Gia Bá, so với Văn hóa Ðông Sơn thì chậm hơn khoảng 100 năm. Sở dĩ văn hóa đồng thau đã phát triển rực rỡ tại vùng đất nay là Việt Nam và Hoa Nam rất sớm bởi nơi đây là quê hương của những mỏ đồng, chì, thiếc (nơi có mỏ chì quan trọng nhất thế giới là Mã Lai). Tại phần đất nay là Việt Nam, mỏ đồng nhiều nhất tại các vùng Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Giang, Sơn La, Cao Bằng và vào tận Thanh Hóa nữa. Mỏ thiếc có ở Thái Nguyên, Tuyên Quang. Mỏ thiếc lớn nhất ở Cao Bằng. Về chì, các mỏ tập trung nhiều nhất ở vùng Thái Nguyên, đến nay hãy còn mỏ nổi tiếng ở vùng Lang Hít (Chợ Ðiền). Ðể có thể tạm hình dung về sự quan trọng của quặng đồng tại nước ta, ta có thể lấy một thí dụ đã được sử gia Lê Quý Ðôn mô tả. Ðó là mỏ đồng ở Tụ Long có tên là Na Ngọ. Riêng mỏ này có đến 26 cửa hầm, mỗi năm sản xuất khoảng 225 tấn. Thời xưa Tụ Long thuộc châu Vị Xuyên, tỉnh Tuyên Quang. Nay thuộc phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam. Lý do vì Pháp đã nhượng phần đất ở biên giới Việt Nam này cho Trung Hoa vào cuối thế kỷ trước để đánh đổi lại việc triều đại Mãn Thanh của Trung Hoa không can thiệp vào việc Pháp xâm chiếm nước ta nữa. Nhìn sang Trung Hoa, chúng ta thấy rằng những mỏ quan trọng nhất thuộc những tỉnh như Quảng Ðông, Quảng Tây và Vân Nam, nhất là những vùng giáp ranh với biên giới nước ta. Những cổ thư của Trung Hoa từ đời Tấn như Hoa Dương Quốc Chí, đời Ðường như Man Thư hay đời Minh như Thiên Công Khai Quốc đều có ghi rõ vấn đề này và nhấn mạnh các mỏ kim loại về đồng, thiếc, chì thường thấy có ở phía Tây Nam, Trung Hoa chứ miền Ðông Bắc không có hay ít có. (Sách Thiên Công Khai Quốc còn ghi rõ những mỏ này ở phía tây nam thuộc Ðại Việt).

Trái với những cổ thư vừa kể, ngày nay một số học giả đã cho rằng miền bắc Trung Hoa, vùng tỉnh Hồ Nam có mỏ đồng và thiếc (học giả Nhật Amano-Motonosukae và Shih Chang-gu trong tác phẩm Tahogakuhò 1953, hay 1931-58). Ðây là điểm mà học giả Trương Quang Trực của Trung Quốc đã lấy làm luận cứ để phản bác thuyết cho rằng Trung Quốc thời cổ đại không có kỹ thuật đồng sớm.

Xem như vậy, văn hóa đồng thau đã phát triển gần như đồng bộ ở miền đất nay là phía bắc Việt Nam và phía nam Trung Hoa vùng Hoa Nam, dù rằng ở phía bắc Việt Nam có thể phát triển sớm hơn đôi chút. Sự kiện này khiến ta có thể phỏng đoán sự liên hệ rất mật thiết giữa hai phần đất kể trên về văn hóa cũng như về phương diện, xã hội, kinh tế, tổ chức nhà nước và cả vấn đề chủng tộc nữa. Văn hóa, kỹ thuật đồng thau ở vùng Hoa Bắc thuộc Trung Quốc là nơi phát tích ra nước Trung Hoa ngày nay có những điểm hơi khác chứ không giống như hai miền Việt Nam và Hoa Nam bây giờ. Ðó là điểm sẽ được trình bày chi tiết hơn ở phần sau.

Cũng như tại Việt Nam và hầu hết các nước khác, văn hóa đồ đồng tại Trung Hoa tương ứng với thời gian Trung Hoa lập quốc nên rất được các nhà khảo cổ hiện đại nghiên cứu. Tuy nhiên, Trung Hoa là một nước lớn, có nền văn hóa rực rỡ nhưng rất phức tạp. Bởi vậy, tìm hiểu thời đại đồ đồng ở Trung Hoa không phải là điều đơn giản. Muốn hiểu nét đại cương về thời này, tưởng phải chia Trung Hoa ra làm nhiều miền : miền Hoa Nam, miền Trung và Ðông Trung Hoa thuộc khu vực của các nước Sở, Ngô, Việt, miền Tứ Xuyên, Tây Trung Hoa thuộc nước Thục và miền Bắc, nhất là trung tâm Anyang, Thiểm Tây, Sơn Tây coi như cái nôi của nước Trung Hoa. Nhìn theo lối cổ sử, Trung Hoa khởi đầu bằng thời đại Tam Hoàng, Ngũ Ðế và Tam Ðại. Không nói, Tam Hoàng, Ngũ Ðế có tính cách huyền sử, ngay Tam Ðại là Hạ, Thương, Chu (Hạ khoảng 2850 năm trước Kỷ Nguyên, Thương khoảng 1618 năm trước Kỷ Nguyên và Chu khoảng 1122 năm trước Kỷ Nguyên) thì sử học và khảo cổ học ngày nay chỉ công nhận lịch sử Trung Hoa bắt đầu từ đời nhà Thương. Trước đó coi như huyền sử cả.

Về thời đại đồ đồng của Trung Hoa nghĩa là thời đại Trung Hoa lập quốc, có thể xét theo ba giai đoạn như sau :

- Giai đoạn một, từ đầu thế kỷ này trở về trước, hầu hết những nhà khảo cổ khai quật các di chỉ ở Trung Hoa đều là những người Tây phương. Cũng không lấy làm lạ nếu những học giả này nhìn lịch sử Trung Hoa nói chung và khảo cổ học Trung Hoa nói riêng theo con mắt Tây phương hồi đó. Theo họ phương Tây là trung tâm điểm của văn minh nhân loại. Hầu hết mọi hoạt động văn minh ở các miền đất khác đều có nguồn gốc từ phương Tây. Khảo cổ học không ra khỏi thông lệ đó. G. Anderson, trong quyển An Early Chinese Culture năm 1921 đã phát biểu đồ gốm có hoa văn ở Trung Hoa phát xuất từ miền Anaoy phía nam Turknenia, còn những cái đỉnh ba chân (tripod) có nguồn gốc từ vùng Ukraine ở Ðông Bắc Âu. Những tác giả nổi tiếng đã từng nghiên cứu và có tác phẩm về đồ đồng ở Việt Nam như G. Goloubew, E. Karlgren, O. Jansé và R. Heger-Geldern cũng đã từng phát biểu đồ đồng ở Trung Hoa gốc từ phương Tây. Về niên đại phát sinh ra văn hóa đồ đồng, Anderson đã đề nghị đó là năm 1300 với nền văn hóa Hsin Tien (Anderson - Préhistory of Chinese).

NIÊN ÐạI 2 (TRUNG HOA)

_______________________________________________

Thời đại Hsin Tien 1300 - 1000

đồ đồng Ssu Wa - ChỖiaYauo 1000 - 700

Sha Ching 700 - 500

_______________________________________________

Thời đại ChỖi Chia 2500 - 2200

đồ đá Yang Shao 2200 - 1700

Ma Chang 1700 - 1300

________________________________________________

(J. Anderson - Prehistory of The Chinese)

- Giai đoạn hai có thể bắt đầu với nhà khảo cổ tiền phong của Trung Hoa là Lichi. Trong quyển The Beginnings of Chinese Civilisation, ông đã đặt vấn đề một cách rất tế nhị : Thời đại đồ đồng ở Trung Hoa như được biết đến ngày nay là vào khoảng giữa thiên niên kỷ thứ hai trước Kỷ Nguyên đến giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Kỷ Nguyên nghĩa là kéo dài khoảng 1000 năm. Nhưng khó mà định được niên đại khởi thủy cũng như niên đại kết thúc của thời kỳ này một cách chính xác. Ông đề nghị một bản niên đại đồ đồng không khác với bản niên đại do Anderson đề nghị là bao nhiêu, lấy năm 1384 trước Kỷ Nguyên là khởi đầu của thời đại này.

NIÊN ÐạI 3 (TRUNG HOA)

__________________________________________________

Thời kỳ Thời đại Stratifitations Niên đại

văn hoá

__________________________________________________

Tiền kim loại Ðồ gốm đen Tầng đáy Ðá mới

Tiền Thương Ðồng Sớm Trên tầng Cho đến

gốm đen 1384 BC

Thương Ðồng giữa I Thời đại 1384-1111 BC

Hang-TỖu

Hậu Thương Ðồng giữa II Thời đại hậu 1111 BC

Hang TỖu

_________________________________________________

[Lichi - The Beginnings of China 1933(?)]

- Giai đoạn ba là giai đoạn có nhiều nhà khảo cổ Trung Hoa đã viết về thời đại đồ đồng của nước mình. Những tác phẩm viết bằng ngoại ngữ và có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế phải kể đến quyển The Archaeology of Ancient China của Kwang-Chih-Chang (Trương Quang Trực), quyển The Cradle of The East của Ping-Ti-Ho hay quyển Archaeologied Studies in Szechwan (1957) của Chêng Tê Kun (Trịnh Ðức Khôn - Nghiên cứu về văn hóa vùng Tứ Xuyên). Gần đây nhất là hai bản tham luận rất có giá trị tại buổi hội thảo chuyên đề về Trung Hoa ở Bexley năm 1978 của Noel Barnard và của Orsola Martius Franklin. Cả hai đã nói đến nguồn gốc bản địa của văn hóa đồ đồng ở Trung Hoa. Nhưng nguồn gốc bản địa này là bản địa nào? Như chúng ta vừa nói ở trên, Trung Hoa là nước lớn, có nhiều vùng khác biệt về mọi phương diện. Ở đây, riêng về văn hóa đồ đồng, chúng ta cần phải xét sự khác biệt đó ít ra là ở bốn vùng khác nhau. Vùng Hoa Nam, vùng Ðông Nam thuộc các nước Sở, Ngô, Việt, vùng Tứ Xuyên thuộc phía Tây và vùng phía Bắc là cái nôi sinh ra nước Trung Hoa ngày nay.

Chúng ta sẽ không nói nhiều về vùng Hoa Nam vì như trên đã nói, Hoa Nam và Bắc Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Có thể nói mà không sợ sai lầm lắm là hai miền đó cùng thuộc một nền văn hóa.

Vùng thứ nhì là vùng bao gồm trung tâm của nước Trung Hoa ngày nay ra đến bờ biển phía Ðông tức vùng nay thuộc các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, phía Tây tỉnh Tứ Xuyên ra đến Giang Tây, Phúc Kiến, Triết Giang tức là vùng thuộc các nước Việt, Ngô và Sở ngày xưa có thể gọi là vùng văn minh lúa nước. Tiêu biểu cho nền văn hóa này có thể tìm thấy ở nước Sở là một nước lớn vào thời đại Xuân Thu, Chiến Quốc. Theo Trương Quang Trực (sđd, trg 382), Sở đã không công nhận nhà Chu, tự phong vương và vào thời thịnh trị nhất có cương vực rất lớn, chiếm trọn khoảng trung tâm Trung Hoa ngày nay : phía Tây ăn vào tỉnh Tứ Xuyên, phía bắc lấn phần lớn tỉnh Hồ Bắc, phía nam chiếm trọn tỉnh Hồ Nam. Ảnh hưởng của Sở còn lan sang phía đông đến tận Giang Ðông, Triết Giang, phía tây và tây nam đến Tứ Xuyên và Vân Nam nữa. Chính nước Sở đã khởi đầu việc chiếm các nước thuộc tộc Bách Việt nhỏ ở phương nam. Vì vậy, khi bị nước Tần dứt năm 223 trước Kỷ Nguyên, các nước thuộc Sở đều bị nhập vào Tần. Vô hình chung, Sở đã mở đường cho nhà Tần chiếm gần trọn đất đai thuộc đại tộc Bách Việt. Trong thời thịnh trị, đã nhiều lần Sở đánh lên phương bắc, có ý định thống nhất toàn cõi Trung Nguyên. Lần tranh giành với Hán tộc cuối cùng đã được tiểu thuyết hóa thành bộ truyện Hán Sở Tranh Hùng, mà kết cục Sở Bá Vương đã để nước Sở bị mất về tay Lưu Bang. Do đó, nhà Hán đã thống nhất Trung Nguyên. Văn hóa đồ đồng ở Sở vô cùng rực rỡ. Tiêu biểu người ta đã tìm thấy một đỉnh ba chân bằng đồng nặng đến 400 ký, chứng tỏ kỹ thuật đúc đồng ở đây rất tiến bộ. Vào năm 1963, người ta đào được rất nhiều di chỉ đồ đồng thuộc Hồ Bắc. Cũng năm đó, tại phía nam và phía đông nam Ðộng Ðình Hồ thuộc Hồ Nam, cũng tìm thấy rất nhiều di chỉ đồ đồng mà người ta gọi là đồ đồng đời Thương. Ðúng ra, văn hóa đồ đồng vùng này thời ấy thuộc nước Sở, tộc Bách Việt. Một trong những dụng cụ đào được ở Trường Sa thuộc Hồ Nam trong lòng ngôi mộ Thụ Mộc Lĩnh năm 1974, là một dao găm hình tượng người, tay chống nạnh, đeo vòng, đầu đội mũ. Các nhà khảo cổ quốc tế thường gọi dụng cụ đó là dao găm Ðông Sơn. Các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng thừa nhận như vậy (Trịnh Sinh và Nguyễn Thị Trích 1969, Trịnh Sinh - Khảo Cổ Học 1997). (Hình 3)

Cũng thuộc nền văn hóa đồng tại vùng này, nhưng nhích sang phía đông một chút, tại tỉnh Triết Giang, xưa thuộc nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn, tộc Bách Việt, người ta đã tìm được những rìu xéo cũng mang phong cách hoàn toàn Ðông Sơn, loại rìu có đôi giao long quấn vào nhau, trên cán có bốn người đang ở trong tư thế chèo thuyền, tìm thấy ở Huyện Cẩn, Triết Giang. (Hình 4a, 4b)

Viết về những di tích này, một học giả người Pháp trong quyển sách giá trị Le Vietnam là ông L. Bezacier cho là nhờ sự khám phá của những đoản kiếm tại TSin-ning và những dao găm ở Hồ Nam, người ta bây giờ có thể khẳng định mà không sợ sai lầm lắm là những đoản kiếm đã thấy ở Pékin, cũng như những dao găm ở Hồ Nam có cùng một nguồn gốc văn hóa với những dao đã đào được ở Sơn Tây, Việt Nam. (Hình 5a, 5b)

Có thể nền văn hóa này đã phát xuất từ một nơi nào đó ở phía Nam hay Ðông Nam Trung Hoa hay tại phía Bắc Việt Nam. Tất cả những nơi này đều cùng thuộc một văn hóa chung vậy. Nếu cần tìm thêm những chứng cớ về một khung văn hóa chung cho cả miền này, chúng ta có thể kể đến chiếc trống đồng, công bố năm 1996 ở khu mộ cổ Thượng Mã Sơn, thuộc huyện An Cát, tỉnh Triết Giang tức thuộc khu vực nước Việt của Việt Vương Câu Tiễn xưa. Chiếc trống này giống y hệt trống Lãng Ngâm được khai quật năm 1972-1973 tại di chỉ Lãng Ngâm thuộc huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc. Cùng dạng với hai trống này, người ta còn thấy nhiều trống khác nhỏ hơn tìm được ở Gia Lâm, ở các địa điểm đồng bằng sông Hồng và sông Mã. Ðiểm này sẽ được nói rõ hơn trong bài trống đồng. (Hình 6a, 6b)

Về văn hóa đồng thau ở vùng thuộc Sở, Ngô, Việt còn rất nhiều điều đáng nói, nhưng tưởng có thể tạm kết thúc để đi đến vùng thứ ba ở Trung Hoa cũng có rất nhiều sự liên hệ đến lịch sử Việt Nam. Ðó là vùng Tứ Xuyên. Gọi là Tứ Xuyên vì nơi đây là bắt nguồn bốn con sông lớn tại Trung Hoa. Thời Tam Quốc gọi là Ích Châu, Ba Thục. Thời kháng Nhật là vùng Trùng Khánh. Ngày xưa có tên gọi là nước Thục mà đã có một thời các nhà viết sử Việt thường cho đó là gốc tích của Thục Phán, đã dứt vua Hùng của nước Văn Lang để lập nên nước Âu Lạc. Sự thực hư về vấn đề này như thế nào sẽ được trình bày ở bài sau. Ở đây ta chỉ cần lưu ý rằng nước Thục với đất cổ Việt quả có những liên hệ khá đặc biệt. Bởi theo nhiều nhà khảo cổ, Thục là địa đầu của con đường, một mặt nối với miền bắc Trung Hoa, một mặt đi sang phía tây để tiếp xúc với thế giới văn minh phương Tây, một mặt có đường đi về phương nam, nối liền với nền Văn hóa Hòa Bình. Chính con đường này, người Hòa Bình đã di lên phương bắc trong thời kỳ biển tiến ở châu thổ sông Hồng, rồi vượt núi Ngũ Lĩnh để vào lưu vực sông Hoài, góp phần lập nên nền văn hóa Ngưỡng Thiều. Theo học giả Trịnh Ðức Khôn (Chêng Tê-Kun) thì nước Thục đã được thành lập vào năm 1122 trước Công Nguyên và bị nhà Tần dứt vào năm 122 trước Kỷ Nguyên. Thời Thượng Cổ, Thục có thể đã được những người từ miền đông Trung Quốc di đến bằng thuyền lập nên. Văn hóa cổ của Thục được Tần di vào từ phương bắc và có ảnh hưởng của nền văn hóa du mục từ tây bắc. Tuy nhiên, mặt khác, Thục đã được tiếp xúc với nền văn hóa đồ đồng của Ðông Sơn, bằng cớ là những trống đồng tìm thấy ở đất Thục không có tính cách Trung Quốc. Theo học giả này thì không có một nền văn hóa thuần túy đồ đồng tại Tứ xuyên mà ta đã thấy đồ đồng và đồ sắt cùng song hành tồn tại tại đây. Tưởng cũng không phải là vô ích khi nói thêm rằng có nhiều tác giả, kể cả ông Trịnh Ðức Khôn đã từng xác minh rằng văn hóa đồ đồng và đồ đá ở Tứ Xuyên đã chứng tỏ chủ nhân là dân cư nông nghiệp, dùng cuốc, đánh cá, ở nhà sàn, đã sử dụng những rìu có vai là loại rìu không có ở văn hóa Ngưỡng Thiều mà là một đặc điểm của văn hóa Hòa Bình, văn hóa cổ Việt. Vùng gọi là Tứ Xuyên đó có nền văn hóa không phải là đơn giản. Trước khi bị Tần thôn tính, vùng này đã do ít ra tám nước họp thành. Ðó là các nước : Jung, Sho, Chan, Mow, Wei, Lo,Peng và Pu (Trịnh Ðức Khôn - sđd). Xem như vậy, danh từ Bách Việt cũng có thể hiểu là Trăm nước Việt. (Bản đồ 6)

Bây giờ chúng ta xét đến phần căn bản của văn hóa đồ đồng đích thực là văn hóa đồ đồng Trung Quốc. Ðó là vùng gốc là Anyang và các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây. Ðồ đồng ở vùng này, như trên đã nói, theo Anderson có niên đại là 1300 năm trước Kỷ Nguyên và theo Lichi là 1384 năm. Niên đại này so với niên đại đồ đồng thời Phùng Nguyên có sau đồ đồng tìm được ở Tràng Kênh [có niên dại C14 = 1425 +/- 100BC (Bln-891)] độ gần 100 năm nghĩa là bằng với đồ đồng tìm được ở Gò Bông. So với đồ đồng sớm nhất tìm được ở miền nam Trung Hoa, tại Hải Môn Khẩu có niên đại C14 = 1130 +/- 90BC thì sớm hơn đồ đồng ở Vân Nam hơn 200 năm. (Bản đồ 7)

Về thành phần hợp kim của các dụng cụ này, các nhà khảo cổ Trung Hoa đã phân tích từng loại dụng cụ một và thấy rằng thành phần hợp kim của mỗi loại dụng cụ lại không giống nhau. Ðại để như mũi tên thì đồng nhiều nhất, rồi đến dao găm, cái ko rồi đến các chậu và đoản kiếm. Chì đã có ngay từ những dụng cụ tìm thấy ở văn hóa Hsiao Tun.

BẢNG THÀNH PHẦN HỢP KIM 1

(TRUNG HOA) - Tại Hsiao Tun

________________________________________________

Số

thứ Kiểu dáng Cu Sn Pb Fe Tổng cộng

tự %

____________________________________________

1 Mũi tên 96,06 1,83 1,85 0,03 99,97

2 Dao găm 94,65 3,67 1,03 0,05 99,40

3 Cái Ko 88,98 4,01 2,59 0,13 95,71

4 Thành chậu 83,73 13,07 0,83 0,04 97,67

5 Mảnh trang trí 82,99 16,78 0,06 0,05 99,88

6 Bờ chậu 81,74 17,65 0,09 0,06 99,51

7 Mảnh trang trí 80,25 16,27 0,22 0,12 96,86

8 Mảnh chậu 79,12 20,32 0,05 0,04 99,53

_________________________________________________________

(Lichi - The Beginnings:47)

Xét đến thành phần hợp kim của một loại chiến cụ đặc biệt nhất trong thời Thượng cổ là cái ko (hình 7a, 7b, 7c) mà chúng ta sẽ có dịp phân tích và chứng minh đây là khí giới làm chủ chiến trường. Nhờ đó nhà Tần đã thống nhất được Trung Quốc, cũng nhờ đó nhà Hán đã bành trướng được về phương Nam (Lichi - The Beginnings of china, Trương Quang Trực - The Archaeology of Ancient china). Thành phần hợp kim cái ko này đã được nghiên cứu trong 5 cái ở các địa điểm khác nhau từ Anyang cho đến Chun Hsien và Chi Hsien và trong các thời đại khác nhau từ đời Thương cho đến cuối đời Chu. Người ta thấy rằng ở đời Thương, thành phần đồng của cái ko là 88,98% mà chì có 2,59%. Ðột nhiên chì giảm xuống rồi đến cuối đời Chu tăng lên đến 13,55% trong khi đồng chỉ còn có 66,27%. (xin xem bảng 17). Ta nhấn mạnh đến tỷ lệ giữa đồng và chì vì như đã nói ở trên, chì khi nhập vào hợp kim này đã đem đến cho hợp kim những tác dụng đặc biệt lạ lùng mà không hiểu sao người xưa đã tìm biết được, đến nay những nhà hợp kim hiện đại cũng phải ngạc nhiên.

BẢNG THÀNH PHẦN HỢP KIM 2

(TRUNG HOA)

(do 5 cái Ko tại AnYang, Chun Hsien và Chi Hsien)

_________________________________________________

Số hiệu Cu Sn Pb Fe Zn Ni TC %

__________________________________________

HT 1 88,98 4,01 2,59 0,13 95,71

HTS.3 82,72 13,61 0,78 0,05 0,10 97,26

HTS.4 87,44 10,75 0,10 0,09 0,09 98,48

HTS.5 73,38 12,10 12,41 0,11 0,07 98,07

HTS.7 66,27 17,61 13,55 0,22 0,13 0,11 97,89

__________________________________________________

(Lichi - The beginnings)

Ghi chú : HT1 : thời Thương; HT3+4+5 : Tây Chu;

SPT7 : Tây Chu

Có điều cần phải nhấn mạnh là tuy đồ đồng ở Việt Nam có thể phát triển rất sớm, có thể sớm hơn Trung Quốc một chút, nhưng đồ sắt lại phát triển chậm hơn. Dụng cụ bằng sắt đầu tiên đã thấy ở di chỉ Vườn Chuối có niên đại C14 = 1120 +/- 120 BP nhưng đồ sắt chỉ phát triển từ khoảng 500 năm trước Kỷ Nguyên và cho mãi đến cuối thời Ðông Sơn, hiện vật bằng sắt mới chiếm khoảng 34,5% (di chỉ Ðường Mây). Về điểm này, nếu thời đại đồng thau (500 BC về trước) giữa miền Bắc Việt Nam và Vân Nam có những liên hệ gần gũi hơn là Bắc Việt Nam với Quảng Ðông, Quảng Tây thì ngược lại về thời kỳ đồ sắt (500 BC về sau), sự liên hệ giữa Việt Nam với Quảng Ðông, Quảng Tây lại khắng khít hơn. Những cuốc sắt tìm được ở Chiền Vậy (Hà Tây) khoảng 350 năm trước Kỷ Nguyên, cũng cùng một loại với những cuốc sắt tìm được ở Thiệu Hưng (Quảng Ðông) cũng hình chữ U khoảng 475 năm trước Kỷ Nguyên hay ở Ngân Sơn Lĩnh (Quảng Tây) cùng thời gian đó. Hầu hết những dụng cụ này đều dùng cho nghề nông. (Bản đồ 8)

Chúng ta không lấy làm lạ, năm 43 sau Kỷ Nguyên, Hai Bà Trưng dựng cờ nghĩa, hô hào chống nhà Hán, nhân dân gồm từ phía Bắc Trung Việt ngày nay đến vùng Quảng Ðông, Quảng Tây, đảo Hải Nam đều nhất tề khởi nghĩa trong khi vùng Vân Nam lúc đó vẫn giữ nguyên tính cách độc lập. Phải chăng đó là kết quả sự hợp nhất từ thời nước Nam Việt của Triệu Ðà, mà một số các sử gia thường coi đó là thời kỳ Việt Nam bị lệ thuộc nhà Triệu. Ðứng về phương diện công pháp quốc tế ngày nay, tuy Triệu Ðà gốc người Hán, nhưng đã cai trị Nam Việt tức là từ vùng Quảng Ðông, Quảng Tây cho đến phía Bắc Trung Việt, dưới danh nghĩa là nước Việt của người Nam như tên quốc hiễu Nam Việt : cai trị bằng tập tục, bằng luật pháp Việt, hoàn toàn độc lập với Bắc phương, như vậy không thể coi là bị lệ thuộc. Nhất là chính Triệu Ðà đã lấy vợ người Việt, đã lập triều đình, dùng quan lại là người Việt, đã sống theo tập tục Việt (tiếp sứ giả của vua Hán gửi đến bằng cách ngồi xổm). Ta sẽ còn quay lại điểm này để thảo luận thêm, nhưng tưởng có thể ghi nhận ở đây là : đọc sử Âu Châu thời Trung cổ, nhiều khi ta thấy quân vương một nước do một người ngoại quốc đảm nhiệm vì một lý do nào đó, nhưng không vì vậy mà nước đó bị đổi tên theo tên nước của người quân vương bao giờ.

Bức tranh chúng ta vừa vẽ trên về văn hóa đồ đồng mới chỉ là một bức tranh chấm phá. Còn cần rất nhiều dữ kiện để có thể có những kết luận chính xác. Tuy nhiên, có thể tạm kết luận mà không sợ sai lầm lắm là : văn hóa đồ đồng tại Việt Nam là văn hóa bản địa, khởi xuất tại miền Bắc Việt Nam hay một nơi nào đó ở phía Nam hay Ðông Nam Trung Hoa ngày nay, thời ấy, trước khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa khoảng 223 năm trước Kỷ Nguyên, thuộc giòng giống đại tộc Bách Việt. Văn hóa đồ đồng đó có những kỹ thuật riêng lấy nguyên liệu từ nội địa của mình và có thể có sự trao đổi giao lưu với kỹ thuật ở những nơi khác, nhưng nhất định không phải là một văn hóa, một kỹ thuật du nhập từ ngoại quốc đến. Về đồ đồng được chế tạo tại Trung Hoa, các học giả trước kia cho là đã du nhập từ nơi khác đến nhưng hoàn hảo không kém đồ đồng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nghệ nhân thời Thương đã góp phần hoàn chỉnh kỹ thuật mà họ đã học được từ các bậc sư phụ của họ. Nơi khác đó, trước kia theo một số các học giả phương Tây thì học từ Tây phương đem lại (Creel H.G. - The Birth of China 1936). Nhưng gần đây người ta đa đổi hướng và đã có những lý luận cho rằng những kỹ thuật ở Trung Hoa gần những kỹ thuật ở miền Ðông Nam Á hơn là kỹ thuật của Tây phương.(Noel Barnard, 1978).

Không ai phủ nhận văn hóa Trung Hoa là một nền văn hóa lớn, và như bất cứ một nền văn hóa lớn nào khác, nó phải đã thâu nhập những tinh hoa của nhiều nền văn hóa hợp lại. Ông Trương Quang Trực, một trong những sử gia hàng đầu của Trung Hoa ngày nay chắc hiểu rõ điều đó hơn ai hết nên không hề phủ nhận sự thực lịch sử này. Ông đã tóm lược một cách hết sức thông minh sự thâu hóa này qua hai nhận xét sau :

- Về nguồn gốc chủng tộc : Nguồn gốc thực sự Hoa Hán chỉ là phần nhỏ, nhưng sau khi nhà Tần thống nhất thì dân tộc cả nước thống nhất ấy là dân tộc Trung Hoa.

- Về văn hóa : Những nền văn hóa địa phương thời tiền sử, sau khi thống nhất, đã trở thành một bộ phận của văn hóa Trung Hoa. (The Archaeology of Ancient China 1977:640).

Muốn tìm một câu định nghĩa khác về văn hóa Trung Hoa, tưởng không có câu nào làm chúng ta phải bận tâm suy nghĩ hơn định nghĩa của học giả người Nga : Trước nhà Thương, văn hóa Trung Hoa được hình thành với sự bảo trợ ?, (tác giả dùng chữ Patronage) của văn hóa phương Nam, và sau Thương, là do văn hóa phương Tây. (Chesnov, 1977: 133). Câu hỏi được đặt ra là : Văn hóa phương Nam, Chesnov nói ở đây thuộc văn hóa nào? Từ đâu lại? Hình như câu trả lời nào khẳng định vào lúc này cũng có thể là câu trả lời vội vã. Tuy nhiên, người viết thấy không thể không nhắc đến ở đây một nhận xét vô cùng độc đáo dưới con mắt vô tư của một học giả ngoại quốc (H.Loof Wissowa 1982) khi ông cho trống đồng không phải là loại phẩm vật trao đổi trong các cuộc buôn bán, mà nó tương tự như một `Quyền Trượng` hay một `Vương Miện` của các vị Quân Vương ban cho các vua chư hầu hay một hình thức thần phục nào khác mà nhân loại đời sau không biết đến hay không nhắc đến trong các sử sách còn để lại. (Phạm Ðức Mạnh, KCH 1997/3, trg 50...). Ðiều này sẽ được nói đến chi tiết hơn trong bài trống đồng. Ở đây, ngưới viết chỉ muốn nhấn mạnh rằng bài này cũng như những bài về Văn hóa Hòa Bình người viết trình bày trước đây, cho thấy sự đóng góp của văn hóa Ðông Sơn và văn hóa Hòa Bình vào sự hình thành văn hóa Trung Hoa là rất có ý nghĩa. Phải chăng muốn tìm hiểu văn hóa Ðông Sơn cho đến nơi đến chốn thì ngoài phần đất nay là Việt Nam, ta có thể tìm thấy vết tích của nó trong sách sử, trong văn chương, trong triết học, hay trong lòng đất (nhất là phần thuộc Hoa Nam) của Trung Hoa ngày nay.

Văn hóa Ðông Sơn quả là văn hóa đã lên đến đỉnh cao của nó trong thời đại đồng thau, khi nhân loại bắt đầu thời kỳ dựng nước. Tại vùng đất nay là Việt Nam, văn hóa Ðông Sơn đã tạo thành cái nền vô cùng vững chắc, từ đó các vua Hùng đã dựng lên nhà nước Văn Lang vậy.

CUNG ÐÌNH THANH

Nguồn: http://www.anviettoancau.net


Trang mạng Việt Nam Văn Hiến
Trang Văn Hóa Đông Sơn
www.vietnamvanhien.net
email: thuky@vietnamvanhien.net

Trang mạng Việt Nam Văn Hiến là nơi lưu trữ và phổ biến những biên khảo, sáng tác và ý kiến của quý vị và các bạn nhằm mục đích bảo tồn di sản văn hóa và phục hồi nền An Lạc & Tự Chủ của Việt tộc.



Trở Lại Trang Mặt